Nguyễn-hòa-Trước

 

sự bày-biện cuối cùng

 

truyện vừa

 

(3 kỳ)

 

kỳ cuối

 

 

 

       (kỳ 1) ,   (kỳ 2)

 

       Phan Rí tung hối hả như cuộn chỉ ngược. Cũng là cát, rang, buồn ủ. Buổi sáng mới vơi hơn nửa. Trời đứng gió. Hầm hập nóng. Nhắm hướng Phan Thiết. Đó là mức đến, hơn thế, là điểm tập trung của đơn vị, để từ đây tìm về Sàigòn. Chiếc Honda của Đỗ dẫn đầu, tắp lề một cây xăng. Một người đàn ông ngồi trong vẫy tay ra hiệu không còn. Đỗ bảo, Thanh, mày và tao cứ ghé vào hỏi thăm.

 

      Ông lão, mặt nhăn choắt như trái bầu khô, ngần ngừ giây phút. Chỉ hai chiếc ghế, ý bảo ngồi. Ông chỉ quanh, nhiên liệu hết từ hai hôm nay. Thùng can trống rỗng. Chỉ lên trời, ông nói, các cậu thấy đó. Nắng thế này, cái gì mà chịu nổi. Ngay cả hầm chứa xăng cũng cứng lại như xi măng. Tui nhớ cái mùi cay cay nồng nồng quá lắm. Tôi thở nó cũng lâu như thở không khí. Ngửi nó lâu là lủng phổi. Nhưng không được ngửi nó là càng chết mau. Hết chất đốt là cũng hết còn cuộc sống mà.

      Ông cho biết thêm, ngả xuống Phan Thiết bị pháo kích từng đoạn. Xe và người dồn ứ nơi đó. Nhiều chết và bị thương.

 

      “Như vậy bọn mình khó tiếp tục chạy được nữa rồi vì cả 2 lý do. Bây giờ, hoặc mình tìm vào xóm chài hỏi xem có thuyền nào chịu chở về Phan Thiết không, hoặc ngồi đây chờ đoàn xe của trường đến nhập vào.” Thanh nói.

 

      Xóm chài, theo tay chỉ của ông cụ, nép sau con đường cát dưới bóng dương bụi mốc rũ bên kia. Cả nhóm dẫn xe lách theo. Gọi là xóm, chứ thật ra chỉ lưa thưa khoảng chục căn nhà tranh xiêu vẹo. Mái, tường, rào… bạc trắng vì gió. Ngay cái xanh tươi nhất là hàng dừa cũng như có màu muối tiêu. Nước sông pha biển vừa lạnh mùi phèn, tanh mùi bùn, vừa nồng mùi vôi. Vài chiếc ghe nhỏ dập dềnh sát bờ cát. Lườn ghe loang lổ da đồi mồi. Hai chú chó ốm ngoẵng bị cột dây, ngẩng mũi lên từ giấc ngủ nặng nề, mắt kèm nhèm, hít đánh hơi người. Một cậu bé áo dài như áo the, đen, thậm thượt, tóc trái đào, thoăn thoắt nắm tay Thanh, kéo cả nhóm vào căn nhà cuối cùng giáp mé nước. “Nội ơi! Có khách.” Ông già đang đu đưa trên võng, giật mình, ờ ớ, ngồi trớ lên; chân xỏ nhanh vào đôi dép, quay ra tiếp. Đỗ đại diện giao dịch. Cả bọn gặp may. Ông cho biết, rạng sáng, khi con nước lên, sẽ có một chiếc ghe 30 chỗ chở ngư dân về VT. mua lưới. Thuyền còn trống. 6 người có thể đi cùng. 3 chiếc gắn máy nhỏ không choán chỗ là bao nên có thể mang theo. Lộ phí của xe bằng nửa giá của người. Tiền giao trước phân nửa để chủ ghe mua sắm một vài vật dụng; nửa còn lại giao tiếp lúc ghe rời bến.

 

*

 

      Thời gian lún chân trên cát. Cát nơi này xỉn xám, rất nhuyễn; và màu thì không thuần nhất. Có vộc Thanh bốc lên lẫn với đất thó đen; vộc khác hốt từ bãi cách đấy không xa lại óng xa cừ, li ti sáng như bụi hột xoàn. Xóm chài nghèo, túng bẫn, như thời tiết. Người ta sống với hôm nay. Ngay cả cái gọi là hôm nay cũng thường xuyên láu cá. Nó lập lờ, chơi trò cút bắt với người. Cái hôm nay đó là những ngọn sóng ngoài xa kia. Chỉ có tên đặt là sóng. Diện mạo và tính khí thì lại biến thiên từng lúc. Các chuyến đi biển của ngư dân nhận về phúc, hay họa, hoàn toàn tùy thuộc vào chúng. Chúng là tư lệnh tối cao. Người chỉ có việc là tuân thủ.


      Quốc lộ 1 giăng tay 2 lối Bắc Nam thỉnh thoảng mới cựa cạy vì vài bóng xe thảng thốt vù qua. Một vài phút sống động, hiếm hoi; nhưng mặt nhựa không vẻ gì là nao nức, vội vã. Phút cựa mình giống như cái cần phải có để cơ thể không bị chìm đắm trì trệ trong vô động. Cả sóng nữa: dầu đây chỉ là vụng khuất của biển, nhưng con nước - cái vẫn là sản phẩm của biển, vốn thường ồn ào - mà bây giờ hình như cũng chán ngán. Buổi trưa như ngọn núi đá đè lên buồng phổi của thị trấn. Nó, không gian, con người - tất cả đang lún sâu trong cát -, thị trấn Phan Rí Cửa này, bơ phờ, già nua, đứng chết sững, tức tối nhìn thấy mình đang bị thời gian gậm nhấm, chốc chốc rùng mình hộc lên bởi gió, không khác gì đứa hài nhi đang say ngủ bị hóc sữa.


      6 người nằm vạ vật trên sân ghe. Về trưa, nắng càng tợn. Sàn gỗ vênh lên. Nước biển bốc hơi, ngai ngái. Bụng Thanh sôi ục, thắt đau. Vai và lưng như rời khỏi nhau. Môi như sắp nẻ. Anh bị lôi theo cơn mệt mỏi, căng thẳng, và nỗi nhớ. Từng chút mơ vụn mẻ như đất ruộng. Hình ảnh chị Quế và Vân đan lồng vào nhau. Người này đeo bộ mặt của mình, nhưng giọng nói, tiếng cười, là đánh cắp từ người kia. Rõ ràng, và vừa kích thích, vừa gây thất vọng, nhất: Vân mang bộ ngực vĩ đại, khỏng khẻo, chẳng cần giấu giếm (chừng hãnh diện nữa mới lạ!) sau tấm áo cánh vàng xẻ cổ thật sâu hình chữ V., … của chị.

 

      5 giờ chiều. Các giai đoạn chuẩn bị cho thuyền ra khơi đã xong. Chiếc thuyền tương đối mới. Nước sơn dưới lườn còn bóng. Hai con mắt đỏ sơn, giảo hoạt, nhìn như thật. Mặt trời còn cao. Hơi nóng còn dầy lắm.


      2 giờ sáng. Triều đã mang nước lên đủ đầy. Mang đủ hơi mát. Thời khắc lý tưởng. Thuyền tách khỏi khuỷu nước xám để gặp biển. Khách, hơn chục. Đa số là những bạn chài hay đồng bào ven xóm. Một ít, từ vạn chài hàng xóm. Họ lên ghe từ đâu trời còn chập choạng. Bộ dạng rất thoáng. Một khăn gói ‘quả mướp’ đeo ton trước ngực, chứa đủ vật dụng cho suốt hải trình. Những bàn chân nặng trì trong nước biển, khi di chuyển trên khoang, lại nhẹ bèo. Nét mặt bình thản. Nỗi lo lặn sâu trong họ, biến thành một trong những thuộc tính của họ. Nó đã tượng hình, tượng gỗ. Họ trao nhau những cái gật đầu nhẹ. Một số tìm chỗ nghỉ. Số còn lại tụ tập từng nhóm, mở gói cơm ra cùng ăn, bàn bạc khe khẽ. Bọn Thanh là nhóm duy nhất mặc quân phục. Có thể vì thế mà được ‘ưu ái’ nhận những nụ cười, những bàn tay đưa lên từ họ. Cậu con trai ông chủ ghe, tài công, phụ trách chuyến đi, đến gần, hỏi về tình hình chiến sự. Cậu nói có người em út đóng quân ở miệt ngoài. Cả nhà rất mong tin. Đỗ trả lời rất dè dặt, bởi lẽ ngay hắn, ‘kho tin tức’, cũng không nắm được gì chắc chắn từ lúc rời Đà-lạt. Cậu xác nhận quốc lộ 1 đoạn Rừng Lá Phan Thiết đang xảy ra nhiều cuộc giao tranh. Mấy anh gặp chuyến ghe này thật đúng lúc. Các đợt xuất từ đây hầu hết đều mang cá đi bán; sau đó, lượt về, chở theo dụng cụ hay thực phẩm. Mỗi chuyến khứ hồi mất hơn nửa tuần. Ngư dân quanh xóm ít ai dám cho thuyền ra khơi vì an ninh dạo gần đây không mấy bảo đảm. Số cá đánh bắt được, do đó hao hụt hẳn. Cá không đủ nhiều để mang tiêu thụ những nơi xa. Chúng được bán tại chỗ. Riêng cậu, vì mẻ lưới đã lủng rách hầu hết nên buộc lòng phải về VT. mua hàng. Các bạn chài khác đáp chuyến này cũng cùng mục đích. Đứng lên, cậu nói, các anh chắc đã mệt rồi. Ráng chợp mắt được chút nào hay chút nấy. Có cả một ngày để chờ đợi. Chuyến này sẽ lâu hơn bình thường: thuyền sẽ đi thật sát bờ, và thật chậm, cho thật an toàn.

 

      Nước bây giờ không còn màu lờ lợ như phèn mà xanh. Càng lúc càng biếc. Càng trông như tím ở phía xa. Đến tận cùng tầm nhìn thì trời nước đã mất hẳn biên giới. Màu tím của nước đã thôi lên màu trời. Đó là lúc mà biển cũng hết vẻ thanh bình. Nước đã bắt đầu cựa cậy. Màu càng sậm, độ hung hăng càng cao. Biển khơi cho vài đợt vào nghênh tiếp khối gỗ cong như trôn chảo ngửa. Chiếc ghe lắc lư về hai phía, trụ lại tâm, rồi chồm lên, mũi oặt tít cao để phần đuôi chuẩn bị tiếp xúc với biển. Nước từ hai ven mạn bắn chéo vào trong. Nơi nằm đã ươn ướt. Thanh thấy bầu trời giống y tờ lịch khi anh cuộn nó lại. Anh chóng mặt. Ổ bụng phềnh lên, òi ọt. Phút đầu làm quen với biển đã chẳng hứa hẹn. Thanh tròng trành theo chiều ghe. 20 bóng người chớp, và tắt đèn, trong mắt.

 

      Rễ sóng lỏng dần. Thời gian ‘huấn nhục’ của ghe đã xong. Biển đã chịu tiếp nhận. Ghe cưỡi lên nước, uống thêm gió, mà tiến. Các bạn chài, với tài công, người con trai của cụ chủ ghe; tất cả như đã tự ‘đóng’ vào lòng thuyền. (Bảo họ là chiếc thuyền thì cũng không sai là mấy.) Họ đã ‘ăn’ sóng từ thuở nào, rất quen với mùi vị của nó. Đã mở khoang lòng từ lâu để chứa trọn, và hòa tan với máu huyết của mình, từng tế bào giở chứng của biển.

 

      Thanh nhừ người. Cả cơ thể, nơi nào như cũng muốn tách riêng ra khỏi sự hợp nhất. Cố nhắm mắt dỗ giấc ngủ mà tâm trí cứ mang mang thế nào. Trong chờn vờn bao nhiêu là đường nét méo mó, hình ảnh Vân vẫn nổi rõ, làm nên một ba động triền miên. Đã hơn một ngày anh xa thành phố. Vân thế nào rồi? Anh lo cho Vân nhiều hơn nhớ. Bởi nỗi nhớ thì thường xuyên, pha ít nhiều êm đềm; trong khi mối ưu tư về số phận một vùng đồi vốn đã gắn chặt vào sinh hoạt của anh lẫn cô gái làm lung lay định mạng của cả 3. Độ ác liệt của tai ách giáng xuống những người còn lại chắc chắn là vượt xa tưởng tượng của bất kỳ một ai.

 

      Biển thật hiền. Đêm sâu, nhưng nhẹ. Không còn nhìn thấy vầng trán xanh ưu tư của nước. Nước đưa êm những con người về bến chờ. Trong vài giây phút tự cho phép lừa dối, lắng lòng theo con nước ngoan ngoãn như con bệnh vừa tự cắt nó với mấy tràng vật vã động kinh, bắt đầu thiu ngủ, Thanh nghĩ mình đang rong chơi trên chiếc thuyền đạp nước hồ Xuân Hương. Sao tỏ, và gần, mà thi thoảng khi thuyền phải ưỡn lên một lưng sóng bất chợt, tưởng như chườm sát mi mắt. Trông sâu vào đất liền, hiếm lắm mới bắt gặp vài đốm đèn lóe lên thật nhanh. Nước, đặc, nặng, như sương xâm. Bầu trời cũng tím, nhưng nhạt hơn, nhờ nhận thêm ánh sáng của sao. Sao chen kín níu thấp bầu không. Sao, những hạt mầm, thâm canh, đến nỗi Thanh so sánh, khoảng nào không thấy sao thì khoảng đó chính là đường chân trời. Lần đầu tiên trong đời anh được ngắm nhìn một vũ trụ tinh tú. Biển lặng. Gió phe phẩy mà thuyền lướt khá nhanh. Có lẽ nhờ luồng ẩn lưu ngầm phía dưới? Anh nằm thoải mái trên sàn ghe. Mặt ghe nham nháp, song phẳng như mặt bàn. Thế mà tại sao anh cảm tưởng mình đang được nâng cao, cao nữa, cao thêm, cao đến độ chỉ cần vói tay ra là  có thể dễ dàng tóm đầy nạm kim cương đỏ rực như những đốm đuốc trời kia. Rồi có lúc Thanh thấy các chòm chuỗi hạt dạt về hai phía đối nhau nơi một góc nhọn hình thành một mũi tên mà thân không nhìn ra được bởi nó tiệp màu với nền trời. Đó là chữ đầu của tên một người: Vân. (và rất nhanh, hai đường chéo tẻ về hai phía, bung váy như lên lốc, quay quần thật đều quanh một lõi: tên một người khác!) Cuộc di tản của bọn anh đến giờ phút này kể như khá trôi chảy và khá may mắn. Nhưng Thanh cũng không cưỡng lại ý nghĩ, càng thoát nhanh về Sàigòn là anh càng bị hất nhanh ra khỏi vòng tay yêu thương của một thành phố, một cô gái, và một người đàn bà. (tệ quá!: sao mình cứ nhớ hoài đến chị Quế? Ôi, chị!: “hễ cầm lòng một chút, người về lại rối tinh”!)


      Mệt mỏi và căng thẳng đưa Thanh vào giấc ngủ ram ráp như sàn ghe. Những hình thù và khung sườn mà phần xác định chỉ được nửa âm thầm ghé qua tiềm thức. Thân đèo rực rỡ và tiếng nổ tự lòng đất làm nhăn nhúm cả một góc trời, thổi vọt chiếc ghe chéo về hướng núi, như viên đạn xoáy từ lỗ tròn.

 

      Thanh tỉnh giấc. Hai lỗ tai rầm rập bước chân. Lạnh, mà nóng toát mồ hôi. Đêm sợ hãi chuồi xuống biển. Mặt trời tưới ánh mặn tắm đều hơn cả mưa. Máu trong cơ thể được đun lên. Nước ngọt từ chiếc bidon lính rót vào miệng chát muối. Suốt từ khi lên thuyền đến giờ, Thanh và các bạn tự tiếp hơi qua loa bằng những bao gạo sấy hay mì gói làm mềm bằng đổ nước lạnh vào. Căng thẳng này, cũng muốn giữ cho riêng mình, không nhất thiết phải làm rối trí nhau thêm. Không bắt chuyện nhau. Mỗi đứa tự thu gọn vào thế giới riêng của mình. Thanh tự giải khuây và ủ mát bằng những tháng ngày tuyệt đối trầm lắng bên Vân. Cô bé hiền lành, nhưng hết mực tâm lý. Cô an tâm trong tự nhìn nhận rằng anh rất yêu cô, tuy biết là anh đã từng, và vẫn còn, rách rưới vì một người đàn bà khác. Trong những lần giao tiếp, trao đổi cùng anh, về một vài chủ đề, tuy không trong ngành học của mình, những câu nói sâu sắc, những góp ý của cô lại giàu suy tư đến lạ. Tuổi trẻ cứ sau một thế hệ, hay chậm hơn vài ba năm, đã tỏ ra nhạy cảm, vững vàng hơn so với các người đi trước. Có phải đó là hậu quả, và hiệu quả, của chiến tranh? Chiến tranh làm tóe bung những chốt tư tưởng và phán đoán, sớm hơn. Nó gom kết, nhập làm một vài thời kỳ riêng lẻ, ‘đốt’ giai đoạn, thu ngắn hành trình, làm nắng nóng hơn, làm mưa rét hơn, thúc chín nhanh những quả những chồi, tuy không (và khó) tránh khỏi việc làm hư hoại một số những trái tươi lành khác. Tuy rất trân trọng giếng lắng đọng nơi nếp nghĩ và hành động của những người trong phơi phới xuân thì như Vân, điều này đôi lúc vẫn khiến anh tiếc rẻ và xót xa chẳng khác gì lúc ngỡ ngàng bắt gặp một chiếc lá ngả ngà trên cội xanh non.

 

      Biển bỗng nhiên rộng ra, và cõi sao vừa mở cửa cho luồng ánh sáng khác lọt vào. Những đốm lòe như lân tinh giăng dọc từ trong sâu kia lắc lư như chùm phao trên lưới lỏng. Trên cao nhất của tầm mắt, vịn vào nền trời, từng khía sáng vẽ đều. Không hiểu từ nơi nào đó trong thuyền vang lên hai âm nghe thật kích động: “Hải đăng”.

 

      Âm thanh nhỏ lắm, nhưng khi ra với mây và khí, hớp hơi biển rộng, nó rền sấm ấm trong thính giác mọi người. Nó là âm thanh phát đi từ ước mong. Nó là tiếng còi hụ báo mức đến. Chiếc màn ngái ngủ bị cuốn lại. Mọi người tỉnh táo hẳn. Giờ này đúng ra là giờ của đợt thiêm thiếp sâu. Đợi chờ, và tìm gặp, đã lấp phẳng lên nó. Đất liền! Suốt ngày trời đi tìm một màu nước và một địa danh. Hôm qua, bọn anh còn dò dẫm trên đất. Bây giờ, nước sắp đưa bước chân bọn anh về lại trên đất. Hai thành phố khác nhau. Nơi có núi. Nơi có nước. Nhưng đất liền thì vẫn vững chãi để đặt cuộc đời lên. Máy ghe nhẹ lại. Và tắt. Thuyền đi trong đà lực còn lại. Trong nửa đêm nửa ngày, Thanh nhìn thấy Bãi Trước và những hàng dương, những gốc bàng to đen. Các hàng quán tí tách lửa. Ghe vượt qua, bóng đêm lùi lại, gió đưa thuyền vào Bến Đá. Cuộc sống và âm thanh rộn rạo trong từng hàng lều vải căng san sát. Mùi cá nồng oi oi. Những giờ đầu tiên của một ngày mới. Hàng loa mắc trên cột đèn há miệng thèm được nói.

 

      Một viên Trung úy An Ninh đứng chờ trên kè đá. Ông đưa tay chào bọn anh.

 

      Nhận vũ khí và ghi tên tuổi xong, ông mời cả nhóm vào trạm gác nghỉ qua đêm. “Có thể mời các anh một bữa ăn khô.” Ông cho biết, theo lệnh của Quân Trấn Trưởng, các quân nhân về đến đây đều phải giao nộp vũ khí. VT. còn trong vòng kiểm soát, dù đôi lúc vẫn xảy ra cướp. Lệnh cắm trại và giới nghiêm 7-7 (từ 7 giờ đêm, đến 7 giờ sáng hôm sau) đang có hiệu lực. 

 

      Cũng theo lời ông, cơn di tản đã bắt đầu từ mấy ngày nay. Đa số về từ các tỉnh miền Trung, hoặc qua ngõ Phan Thiết. Số lượng người cập bến ngày càng đông, nên chính quyền thị xã phải thiết lập những trại tạm trú dọc theo bến cảng để cung cấp cho họ nơi cư ngụ trong thời gian đầu. Các quân nhân không thuộc những đơn vị miền ngoài trở về đều bị xem như đào ngũ, và bị giữ lại. Đỗ hỏi ông có nhìn thấy phái đoàn nào từ Đà-lạt về đến chưa? Ông nói chưa; và toán của Đỗ là 6 người trong rất ít quân nhân di tản về từ nơi ấy. Đỗ nói, tôi có người cô ở gần đây. Trung úy gật đầu, các bạn có thể ghé vào đó nghỉ ngơi, nhưng chớ ra phố bởi các lực lượng An Ninh và Quân Cảnh đóng quanh thị xã có thể làm phiền đấy. 

 

      Bữa cơm với xoài sống và mắm tươi cùng với thân thể đã gội sạch là niềm khoan khoái khó tả. Nằm xuống rồi mà Thanh vẫn ngật ngừ. Mặt giường như mặt thuyền nhấp nhô ngoài khơi. Hình ảnh Vân hiện về. Và chị Quế. (Không hiểu khuôn mặt nào trẻ hơn!) Anh còn muốn đánh đu trên sợi dây căng ra giữa hai người. Nhưng lần này sự mệt mỏi thể xác đã thắng. Khi đầu óc bắt đầu cảm thấy đang mất tự chủ, loãng nước, là đà, nhè nhẹ gục vào một cõi mềm, hụt, lạ lắm, không hẳn, mà y hệt nấm gối đã tháo hết bông, là lúc vô thức khoan thai, khoan khoái, ngạo nghễ, rồi cực nhanh, lấp đầy khoảng bị tháo hụt đó: giấc ngủ: điều phải đến, kết điểm, sau những giờ phiêu linh.

 

      Bữa ăn, còn sáng tinh mơ. Chia tay. Chào, và cảm ơn chủ nhà. Cả bọn đi một vòng thị xã. 3 chiếc gắn máy đã no nhiên liệu từ lúc lên bờ. Lượng xăng còn lại trong can, Thanh tặng hết cho cậu chủ ghe.

 

      Biển êm. Phố xá chưa thức. Hơi mát của đêm còn rải nhẹ trong không khí. Làn sóng di tản, theo như lời vị sĩ quan, đã bắt đầu từ mấy hôm rồi. Nhưng VT. vẫn yên bình. Lượng người đổ về đây chưa đủ làm nên được một xôn xao đáng kể.

 

      Nắng thức sớm. Giờ này, thành phố còn kèn cựa trong sương. Tháng 4 rồi. Đà-lạt đã trải khăn nghênh đón mùa mưa. Nhưng thị xã biển vẫn còn trong mùa mặt trời. Không khí buổi sáng 8 giờ, đã hâm hấp. Biển im gió. Quốc lộ 21 về thủ đô còn khá vắng. Xe lăn nhanh. Qua khỏi trường Truyền Tin, cả nhóm nhìn thấy hai bên ruộng, vài bóng ka ki chĩa súng lên trời bắn vu vơ. Họ hoàn toàn không để ý gì những chiếc xe đang lưu thông trên lộ.

 

      Hai giờ lái xe; Sàigòn lóa trưa đón chào. Chiến tranh đã lên tiếng; nhưng chỉ lên tiếng nơi các thành phố xa xăm. Thủ đô, tuy ngại ngần một chút, vẫn khá đông vui. Một phần da thịt quê hương bỏ lại phía trên kia. Một phần cuộc sống và tình yêu của anh để lại với Vân (nếu Vân còn ở lại). Còn chị Quế nữa. Chắc chắn là chị cũng chưa rời thành phố. (Suy luận từ trường hợp của Trí, với chức vụ trưởng đài, với tinh thần trách nhiệm cao, chồng chị chắc chưa thể bỏ việc.) Chị cũng là một phần cuộc sống và tình yêu của anh. Thanh đập với không phải một trái tim. Anh mệt và thiếu hơi. Xương thịt như bị kéo chùng ra. Anh muốn rùng mình cho một phần của nó rời đứt, rút về với thành phố anh vừa giã biệt. Song anh cố gượng, tuy biết trước sau gì nỗi đớn đau cũng sẽ tỏa tung gom nên đám lửa quái đản lênh khênh như đám lửa nhìn thấy nửa đêm  bọn anh âm u bỏ đi. Sàigòn đang sửa soạn cho mùa mưa. Năm nay, thủ đô chừng bụi bặm và nóng bức hơn. Mùa mưa ở trên kia. Cần gọi xuống. (còn chị Quế?) Phải, Vân ạ. Năm nay, hơn năm nào cả, mưa cần tự trang bị thứ trực giác của chiến tranh; phải biết rằng con người đang cần đến nó, một chiến trường ướt, thật gấp.

                                                              

 

Nguyễn-hòa-Trước

 

 

http://www.gio-o.com/NguyenHoaTruoc.html

 

 

 

© gio-o.com 2016