phỏng vấn

nhà văn

Đào Trung Đạo

lê thị huệ thực hiện

Kỳ 3 (tiếp theo)

 

Kỳ 1 (bấm vào đây)

Kỳ 2 (bấm vào đây)

 

Lê Thị Huệ: Mấy bài thơ của anh đăng trên Gió-O khá hay. Sâu sắc tính triết nhân. Tại sao anh không sáng tác thơ nhiều hơn?

 

Đào Trung Đạo: Chủ biên Gió-O Lê Thị Huệ là người đọc thơ “giỏi”, biết “appreciate” thơ hay nên mảng Thơ của Gió-O khá hấp dẫn, qui tụ được những người làm thơ hay. Cám ơn em thích một vài bài thơ của anh. Đôi khi anh không những rất hào hứng gửi thơ mới viết xong cho Lê Thị Huệ đọc trước khi đưa lên Gió-O mà còn chờ nhận xét của em. Trong năm nay có một lần anh gửi cho em một bài thơ mới viết xong Lê Thị Huệ mail cho anh nói “bài này sao buồn quá” và anh nghĩ ngay đến việc viết lại bài thơ đó. Cũng có khi Lê Thị Huệ “đổi” tựa đề bài thơ cho anh và anh “hoàn toàn không phản đối.” Chẳng hạn em đặt tựa đề một bài thơ anh gửi cho em là “Suối Nguồn Thức Giấc” – cụm từ này lấy từ một câu thơ trong bài, còn tựa đề cũ anh quên mất rồi – thì thật tuyệt vời, thật “ghê thật!” Anh làm thơ nhắm đến một quan niệm về Thi ca của riêng mình. Theo anh thi ca “là ngôn ngữ đi tìm không gian cõi ngoài”, chờ đợi/đợi chờ lắng nghe tiếng thì thầm của Hữu [Seyn/Beying] ẩn khuất, bị lãng quên/quên lãng. Một cách biểu đạt cái “Ereignis/Tương Hữu” bằng ngôn ngữ thi ca. Chính vì thế Lê Thị Huệ cho rằng Thơ Đào Trung Đạo “sâu sắc tính triết nhân.” Khi Thi ca “cất tiếng gọi” anh mới làm được thơ. Có khi nghe gọi nhưng không kịp viết xuống. Đôi ba bài trong vài tháng, nửa năm không chừng. Nhưng khi viết xong một bài, đọc lại luôn tự hỏi “cái này có phải là thơ không?” Nếu câu trả lời là “không, chưa phải” thì hoặc “vứt vào sọt rác” hoặc tạm thời quên/cất đi, để sau này sẽ sửa lại.

 

Lê Thị Huệ: Raymond Geuss một giáo sư nổi tiếng ở Princeton Mỹ vào thập niên 1970 viết sách tuyên bố: “Philosophy is dead – Triết học đã chết”, trong mối tương quan giữa vai trò Triết học trong Lịch sử. Em sinh hoạt trong môi trường trí thức Mỹ nên em rất hiểu Triết học là ngành yếu, không sang, đối với môi trường đại học hay trí thức Mỹ. Nhưng anh có biết sinh viên ở California, muốn ra trường bằng cử nhân ở hệ thống đại học công lập như University of California (UC), California State University (CSU), Community Colleges (CC) đều phải học một lớp triết - philosophy, gọi là Critical Thinking (Triết lý, Suy Nghĩ Chí Lý). Đây là một lớp bị bắt buộc học, nằm trong phần GE (General Education – Giáo Dục Tổng Quát). Sinh viên học bất cứ ngành nào của cấp Cử Nhân bên cạnh các lớp chuyên ngành đều phải hoàn tất 4 lớp Giáo Dục Tổng Quát GE thì mới được cấp bằng. Vì thế bất cứ sinh viên nào cũng buộc phải học lớp này để biết cách suy nghĩ hợp lý.  Họ bỏ hết các thứ râu ria của Triết học, mà giữ lại một môn then chốt rất tốt. Sinh viên học môn này giúp họ suy nghĩ kỹ càng và hợp lý trong giòng suy nghĩ. Để có thể tự  mình chọn lựa những quyết định hợp lý trong đởi sống. Một cẩm nang sống rất tốt cho mọi người. Có lẽ anh không đồng ý với lập luận này của Geuss?

 

Đào Trung Đạo: Câu trả lời của anh chia ra hai phần: phần thứ nhất sơ lược về mục tiêu của “Critical Thinking” và phần thứ hai về lời tuyên bố của Raymond Geuss “Philosophy is dead.” Về phần thứ nhất Lê Thị Huệ đã giải thích khá rõ ràng. Anh chỉ muốn thêm chi tiết, ở một số đại học Mỹ danh tiếng lâu đời có dạy giáo trình Advanced Critical Thinking đặt trên nền tảng Tri thức luận (Epistemology) nhắm cung cấp cho sinh viên những kiến thức về mối tương quan giữa luận lý học và ngôn ngữ với quan niệm triết lý chủ yếu của trường phái Triết học Phân tích (Analytic Philosophy) cho rằng triết học là triết lý về ngôn ngữ (philosophy of language). Triết lý Phân tích rất thịnh hành ở Mỹ kể từ đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Hầu hết các triết gia phân tích đều ác cảm với Triết học Lục địa (Continental Philosophy) nhất là với Heidegger, Foucault và Derrida. Chương trình Suy nghĩ có phán đoán cao cấp này chịu ảnh hưởng Triết lý Phân tích nên muốn hiểu rõ câu nói của Geuss “Philosophy is dead” không thể không đặt câu nói này trong khuynh hướng chống lại Triết lý Phân tích của Geuss và quan niệm riêng biệt của Geuss về Lịch sữ Triết học.

Trước Raymond Geuss trong quyển Philosophy and the Mirror of Nature (1979) Richard Rorty (1931-2007) trong phần kết luận Philosophy Without Mirror đưa ra lời cảnh bào về khả năng “triết học đang đi tới chung cuộc” (Philosophy is coming to an end) nhưng sau đó tỏ ra hối tiếc đã đưa ra nhận định này và cho rằng đó chỉ là một kiểu nói có tính cách tu từ mà thôi. Rorty vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng giáo sư Triết là cần thiết chẳng hạn để giúp sinh viên đọc những tác phẩm triết học vĩ đại đã tạo nên truyền thống, và cũng đưa ra quan điểm Tri thức luận là trung tâm của Triết học. Nói đến Tri thức luận tức là nhấn mạnh tới Luận lý học, nhất là phương pháp của những khoa học. Rorty và Geuss (sinh năm 1946) có một thời gian là đồng nghiệp ở Princeton và dù Geuss chỉ là một đồng nghiệp trẻ nhưng Rorty rất quí trọng (nhưng không hẳn đồng ý) những ý kiến của Geuss về một số vấn đề triết học và văn chương.Và Geuss cũng rất quí trọng Rorty tuy nhiên lại không chia sẻ nhiều quan điểm triết học của “người anh cả” này tuy cả hai đều khuynh tả và có khuynh hướng muốn bắc nhịp cầu với Triết học Lục địa. Ở Princeton, cả Rorty lẫn Geuss bị coi là “bad boys”, là những người có chủ trương tương đối (relativists), có ý định xóa bỏ sự khu biệt vốn được coi là thiêng liêng giữa chân và giả (truth and falsehood). Vì Rorty đã từng lên án chủ trương “công an tư tưởng” (Thought Popice) của Commitee on Instruction ở Princeton nên cả Rorty và Geuss đều tử giã Princeton (Rorty sang dạy ở University of Virginia và Geuss vào quốc tịch Anh và sang dạy ở Cambridge.) Geuss đưa ra kết luận “Philosophy is dead” ở chương kết quyển sách mới xuất bản Changing the Subject/Thay đổi Chủ đề (2017), một quyển lịch sử triết học khá khác thường. Theo Geuss “triết lý đã chết” vì những chỉ dấu sinh động của triết học trong quá khứ, sự hấp dẫn, tính sáng tạo và sáng kiến của triết học nay không còn nữa mà thay vào đó triết học giờ đây chỉ còn là “trích dẫn” theo bổn phận và là những màn tái trình diễn có tính cách lịch sử (historical re-enactments) mà thôi.  

 

Lê Thị Huệ: Anh và anh Đặng Phùng Quân đăng những loạt bài Triết và Văn chương trên Gió-O. Có người hỏi em có ông nào yêu ông nào không. Em nói tôi thấy hai ông đều có vợ con đề huề. Nhưng muốn anh xác nhận, anh và anh Đặng Phùng Quân có phải là tri kỷ không. Hai anh cùng vượt biên đường bộ qua ngả Thái Lan. Tri kỷ trong văn chương hơi khó nhỉ?

 

Đào Trung Đạo: Từ nãy đến giờ anh em mình toàn trò chuyện về những vấn đề “nặng” quá. Thế nên nhân dịp “có. người. cướp. thời cơ” hỏi về mối liên hệ ĐPQ - ĐTĐ này chúng ta hãy nhân tiện làm một thứ ngưng, ngắt quãng “kind of interruption” trước là để hít thở, sau là để “cho vui. thôi. mà.” Câu hỏi “nhân cơ hội” lấy cớ Cô Huệ hay đăng bài của hai người kế cận nhau trên Gió-O suốt một giai đoạn dài cho đến nay hai người đã bắt đầu vào thời “tuổi. già mỏi mệt”. Thử quay ngược thật nhanh cuốn phim tựa đề “Tình thân hữu/Amitié/Friendship”: Anh và anh Đặng Phùng Quân chơi thân kể từ thời học trung học: đua nhau học, đua nhau đọc sách [cũng đua nhau ăn chơi nữa chứ, phải không?]. Xong trung học cả hai phải đi dạy học kiếm tiền nên thì giờ gặp nhau bị giới hạn. Xong đại học thì “đường. đời. chia ngả. đường. ai. nấy. a lê. bước”, anh Đặng Phùng Quân vào dạy ở đại học Văn Khoa còn anh phải “dzô lính” lên dạy ở Võ Bị. Sau 30 tháng Tư 75 anh Quân gần như bị cọng sản cho thất nghiệp bán phần (chưa phải đi kinh tế mới hay “nhập kho” là may rồi nhưng vẫn bị theo dõi, “canh chừng sẽ vượt biên”) còn anh đi tù cải tạo trong gần sáu năm. Nhưng phải nói anh coi anh Đặng Phùng Quân là người bạn thân nhất trong đời anh may mắn có được. Khi anh ở tù cải tạo tại trại Long Giao, gần dịp Tết Đặng Phùng Quân đã đi cùng vợ anh vào thăm anh. Và chỉ duy nhất chỉ một Đặng Phùng Quân thôi trong số những bạn thân của anh. Lê Thị Huệ hẳn cũng biết Kinh Thánh có câu (đại khái) nói rằng “người đến thăm ta khi ta bệnh hoạn tù tội mới thật sự là bạn của ta.” Khi anh ra tù cải tạo và chuẩn bị vượt biên đường bộ người duy nhất anh nghĩ cho biết và gợi ý có thể cùng đi, cùng chia sẻ hiểm nguy may rủi là anh Đặng Phùng Quân. Số phần cả. Để ghi nhớ việc này anh đã làm bài thơ Đêm Xuân Vượt Sông Hậu (trong chuỗi Những Mùa Xuân Tử Sinh đăng trên Gió-O) để tặng Đặng Phùng Quân.

 

Lê Thị Huệ: Anh nói anh “chịu ảnh hương văn hóa Pháp,” nhưng bây giờ anh sống ở Hoa Kỳ và đọc nhiều về văn chương Hoa Kỳ, nếu cho anh phát biểu vài điều khác biệt rõ về văn chương Hoa Kỳ với văn chương Pháp, anh sẽ nói như thế nào?

 

Đào Trung Đạo: Một cách tóm tắt: Sự khác biệt về triết học và văn chương giữa Pháp (lục địa) và Hoa Kỳ (tân thế giới) chính yếu nằm ở truyền thống văn hóa riêng của mỗi nước. Trước hết về triết học: theo anh, Pháp mạnh về việc “đẻ ra” những triết gia độc đáo trong khi ở Mỹ truyền thống Triết học Phân tích (Analytic Philosophy) thống trị các Phân Khoa Triết ở các đại học lớn, danh tiếng giờ đây dường như đã “khựng” lại. Bù lại những nhà chuyên khảo triết học của Mỹ lại “đáng tin cậy” hơn những nhà chuyên khảo Pháp trong việc viết sách về các triết gia như Nietszche, Husserl, Heidegger... chẳng hạn. Chính Françoise Dasture đã phải than phiền về những sách Pháp viết về Heidegger. Anh nghĩ điểm mạnh này của các chuyên gia Mỹ phần vì họ gần gũi với tiếng Đức, sang tận Đức theo học các “đại sư phụ” từ cuối những năm 20 thế kỷ trước, và cũng có thể vì họ là người Mỹ gốc Đức thế hệ thứ nhì, thứ ba. Một điểm mạnh nữa của Mỹ là ở chỗ một số các đại học Mỹ có nguồn tài chính dồi dào để đầu tư vào việc nghiên cứu. Điển hình về việc nghiên cứu nghiêm chỉnh của các chuyên gia triết Mỹ: trong khi những chuyên gia Pháp đã “Pháp hóa” Nietszche thì những sách Mỹ viết về Nietszche không những phong phú hơn mà còn nghiêm túc hơn. Về văn chương: rõ rảng tiểu thuyết Mỹ trong thế kỷ 20 Mỹ hơn hẳn Pháp, sáng tạo hơn cả về chủ đề lẫn kỹ thuật viết tiểu thuyết. Hơn nữa tiếng Anh ngày càng chiếm vị thế áp đảo trên thế giới và ngành xuất bản Mỹ cũng khá mạnh trong việc phổ biến các tác phẩm giá trị, “có tiền in và có thị trường tiêu thụ” để có thể cho ra mắt những quyển tiểu thuyết hay dịch từ các ngôn ngữ khác dầy từ trên 500 trang đến trên 1000 trang.

 

Lê Thị Huệ: Nhìn về nền phê bình trong nước anh đánh giá như thế nào?

 

Đào Trung Đạo: Bằng câu hỏi này quả thực Lê Thị Huệ “to hold my feet to the fire”, hết đường tránh né. Trước hết, anh nghĩ Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại không có “phê bình văn chương” đúng nghĩa nói chi một “nền” phê bình. Một cách khái quát: Ở giai đoạn 1925-1945 những nhà gọi là “phê bình văn chương” phần lớn gốc Nho học, mới làm quen với văn học Pháp nên chưa nắm vững – hay đúng ra chưa biết – lý thuyết phê bình văn học hiện đại Tây Phương và cũng còn luẩn quẩn với những tay viết cảo luận Trung quốc như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược... Chính vì vậy mới nổi lên cuộc tranh luận “văn chương vị nhân sinh hay vị nghệ thuật” thật ngớ ngẩn hoặc cuộc bút chiến về Truyện Kiều có tính cách chính trị hơn là văn học. Trong bản chất vốn dĩ văn chương là tranh biện (contestation), thách đố, bất dung chấp quyền lực, nhất là quyền lực chính trị. Thế nên có pha “hàng tấn muối” vào văn chương thì văn chương cũng chẳng “có vị” hay “vị” cái gì. Ở giai đoạn 1945-1955 khi Trường Chinh sao chép bài viết của Mao Trạch Đông về văn chương nghệ thuật đọc tại hội nghị Diên An thì “phê bình văn chương” trở thành “lý luận văn chương” có nghĩa phê bình từ nay phải theo chỉ đạo của Tuyên giáo, một thứ quái thai “lý luận nhai lại” của các “hồng vệ binh văn học”, kiểu lý luận văn học quái thai này chỉ có ở xứ Việt Nam cọng sản. Đây là giai đoạn khổ nạn, mạt vận của phê bình. Chúng ta cần hiểu rõ điều này: người cọng sản khi đã nắm quyền cai trị họ giữ “độc quyền nói, phát ngôn” dủ cho phát ngôn của họ là dài-dai-dở đi nữa. Nếu ai phản bác quyền hành này người cọng sản sẽ dùng bạo lực, tù đầy để bịt miệng, dẹp bỏ tức thời. Hai thí dụ điển hình: Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm trong quá khứ và “vụ án Nhã Thuyên” mấy năm trước đây. Hiện thời tình cảnh này cũng không thay đổi. Vào những năm 70 thế kỷ trước Miền Nam có đôi ba người viết phê bình văn chương muốn đem những lý thuyết phê bình như của Sigmund Freud, Gaston Bachelard... ra áp dụng vào việc quảng diễn văn chương Việt Nam nhưng lại tự giới hạn, khoanh vùng vào việc “chỉ luận về văn chương Việt Nam.” Từ thập niên 60 thế kỷ 20 lý thuyết phê bình văn chương thế giới – nhất là ở Pháp – đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khai phá nhưng sự hiểu biết của giới trí thức Miền Nam còn rất hạn hẹp tuy có không ít người học văn chương ở Pháp trở về nước giảng dạy ở đại học. Nói chi giới nghiên cứu Miền Bắc hoàn toàn mù tịt về lý thuyết phê bình va9n chương Tây phương. Trong giai đoạn này trí thức Miền Bắc kể cả những người du học ở Nga hay các nước Đông Âu trở về cũng chỉ loay hoay với một vài tác giả lý thuyết văn học Nga cũ kỹ. Chính vì những lý do nêu trên nếu có dịp đọc sách văn học xuất bản ở trong nước anh chỉ đọc những quyển dịch thơ chữ Hán và thu tập giải nghĩa thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... hay những chuyên luận về văn chương cố điển Việt, và về ngữ học như sách của Nguyễn Tài Cẩn hay Cao Xuân Hạo chẳng hạn.

 

Lê Thị Huệ: Em thuộc khuynh hướng thực tế. Với tình trạng bạo động, áp bức, cái ác phơi bày ra trên mạng, trên game, trên thông tin, trên phim ảnh như hiện nay, anh có nghĩ triết lý đạo đức chen chân vào chỗ nào đâu để giải thích các cường lực đang chế ngự con mắt và trí óc của chúng ta khi mở máy ra xem, đọc, nghe đọc về hiện tượng này hiện nay?

 

Đào Trung Đạo: Thực ra, triết học không có nhiệm vụ đưa ra giải  pháp, lời giải đáp đạo đức cho những vấn nạn của thời đại mà chỉ phân tích những hiện tượng này và để mọi người cọ sát với thực tại và tự tìm ra lời gải đáp. Nghĩa là làm cho mọi người ý thức được vấn đề. Tính chất tiền phong của văn tự triết học (écriture philosophique) nằm ở sự xuyên thủng thực tại và thách đố con người tự tìm ra lời giải đáp.

 

(còn tiếp)

đọc trang Đào Trung Đạo tại đây

 

© gio-o.com 2018