phỏng vấn

nhà văn

Đào Trung Đạo

lê thị huệ thực hiện

Kỳ 2 (tiếp theo)

 

Kỳ 1 (bấm vào đây)

 

Lê Thị Huệ:   Khi ở Đà Lạt anh còn dạy trung học tư thục Việt Anh. Đời sống ở Đà Lạt thời gian ấy chắc là phải nhiều thú vị

 

Đào Trung Đạo: Anh Th., trưởng khoa Khoa Học Xã Hội (Khóa 1 Nam Định, đồng môn ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn) và anh bắt đầu dậy Triết các lớp Đệ Nhất ở trường tư thục Việt Anh từ 1969 cho đến ngày Đà Lạt di tản. Tính ra anh có cả thảy 7 thế hệ Cô Tú Cậu Tú. Anh Th. dạy môn Luận lý và Đạo đức còn anh dậy Tâm lý cho Đệ Nhất A (Ban Vạn Vật) Siêu hình học cho Đệ Nhất C (Ban Sinh ngữ). Sau do yêu cầu của hiệu trưởng nhất là của học sinh các tư thục khác quanh vùng và của học sinh chương trình Pháp ở Lycée Yersin và Couvent des Oiseaux (đã có Tú Tài I chương trình Pháp nhưng muốn thi cả Tú Tài II cả Pháp lẫn Việt) anh mở lớp riêng (cours particulier) luyện thi môn Triết. Lớp khá đông học sinh. Nhiều kỷ niệm đẹp và đáng nhớ. Học sinh vốn rất sợ môn Triết khô khan, khó nuốt nhưng đó lại là môn thi bắt buộc, có hệ số lớn của bằng Tú Tài II. Và anh đã làm cho môn học này không những không khô khan mà còn hấp dẫn! Học trò của anh rất đỗi ngạc nhiên khi có một GS Triết bề ngoài “khó thương” và phong cách “bụi đời” thường mặc đồ treillis không đeo lon lá đến lớp phụ trách một môn học nghiêm xác. Anh đã tạo một không khí mới cho lớp học và một cách giảng dạy môn Triết khác lạ. Câu đầu tiên anh nói với học sinh: đừng sợ Triết. Học/đọc Triết không khó nếu hiểu rõ từ [ngữ] Triết, nắm được cách đặt và giải quyết vấn đề. Học Triết không phải là “nhai lại, học thuộc lòng.” Sau đó anh gợi ý cho học sinh tự triển khai tư tưởng của mình. Khuyến khích học sinh đọc sách thêm. Anh cũng lấy những thí dụ trong văn chương nghệ thuật để minh họa ý chính làm cho bài học bớt nặng nề. Các lớp riêng của anh thường học vào Thứ Bảy và Chủ Nhật thuận tiện cho các học sinh trường Bùi Thị Xuân, Couvent des Oiseaux và Yersin. Ông hiệu trường một hôm đề nghị anh bắt buộc nữ sinh lớp riêng cũng phải mặc đồng phục như những lớp thường khác hay ít nhất phải ăn mặc đơn giản kiểu nữ sinh truyền thống. Anh phớt lờ đề nghị này. Nhất là với các học sinh Bùi Thị Xuân, Yersin, và Couvent des Oiseaux vốn hàng ngày đã phải mặc đồng phục đến trường nên các thiếu nữ thanh xuân này nhân cuối tuần được dịp mặc đủ các kiểu thời trang rất đẹp mắt. Vì thế khối học sinh lớp riêng của anh trẻ trung vui tươi. Sự thành công của lớp này theo anh nghĩ chính yếu vì học trò học giỏi và chăm (vốn gốc Bùi Thị Xuân là trường công lập và dân Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux làm bài thi sinh ngữ dễ dàng) còn phần nhỏ là do giáo sư nên cuối năm hầu hết đậu Tú Tài II ngay khóa 1. Kỷ niệm dạy học ở Đà Lạt của anh những năm tháng đó thật tuyệt vời. Ủa, theo anh biết thời gian này O Huệ cũng đang học ở Đại Học Đà Lạt mà sao còn “gài bẫy” anh bằng câu hỏi “Đời sống ở Đà Lạt thời gian ấy hẳn phải nhiều thú vị”! Trả lời LTH phỏng vấn phải nhớ luôn luôn “đề cao cảnh giác.”

 

 

Lê Thị Huệ: Em có nghe anh nhắc thời anh làm luận án Cao Học với giáo sư Rene Peltier về triết gia Pháp Maurice Merleau-Ponty. Anh có thể kể lại ám ảnh triết học hơn ám ảnh văn chương này của anh

 

Đào Trung Đạo: Một kỷ niệm khá đẹp trong đời. Thật ra anh muốn viết về Hegel, nhất là về Hữu Thể Luận Hegel trình bày trong tác phẩm đồ sộ Wischenchaft der Logik/Đại Luận Lý. Alexander Kojève, Jean Hyppolite và nhiều triết gia khác đã khai thác Hegel trong quyển Phänomenologie des Geites/Hiện tượng luận Tinh thần rồi. Anh thích viết về Hegel trước hết để có cơ hội đọc triết gia   này sâu hơn, sau nữa vì hai triết gia-nhà văn Georges Bataille và Maurice Blanchot anh ngưỡng mộ rất ưa “cà khịa” với tư tưởng Hegel! Nhưng cả hai giáo sư Michel Piclin và René Peltier đều không “compétent” về Hegel nên GS Peltier gợi ý nếu anh chịu viết về Maurice Merleau-Ponty thì ông ấy có thể nhận làm giáo sư bảo trợ được. Đề tài anh đề nghị là “Le rôle du corps chez Merleau-Ponty” (Vai trò thân xác trong triết lý của Merleau-Ponty). Thời đó làm Cao Học không phải đến lớp, thầy trò làm việc riêng với nhau ở đâu cũng được miễn trình cho trường thời khóa biểu diễn tiến công việc. Kỷ niệm làm việc với GS Peltier khá thú vị: ông đề nghị cứ mỗi hai tuần vào chiều Thứ Bảy gặp nhau tại tư gia của ông ta để thảo luận về luận án. GS Peltier trẻ trung, thân thiện, rất “Parisien”, đam mê diễn kịch và đọc thơ của các thi sĩ Siêu Thực Pháp. Thi thoảng sau khi bàn luận công việc xong vợ chồng GS Peltier mời anh ở lại ăn bữa tối với gia đình giáo sư. Bà Peltier nấu các món ăn Tây rất ngon, lại yêu văn chương, và cả hai vợ chồng đều là những người sành điệu rượu vang Pháp. GS Peltier bắt buộc anh cứ hai tuần lễ phải đọc xong một quyển sách cỡ 150 trang dùng cho việc làm luận án. Thời gian này ngoài làm Cao Học anh còn phải đi dạy học kiếm sống. Xin dạy ở mấy trường trung học công lập thì hầu hết các trường ở Saigon đã có đủ giáo sư Triết rồi (còn hai trường nữ Trưng Vương và Gia Long các vị nữ hiệu trưởng từ chối nhận GS Triết nam còn quá trẻ như anh, lấy cớ không có giờ). Tuy được cắt cử dạy ở trường Sư Phạm Long An và trường Trung học Ngô Quyền Biên Hòa nhưng anh thấy chuyện đi lại không thuận tiện cho việc làm luận án nên anh đi dậy trường tư. Viết luận án nửa chừng anh bị gọi động viên [và cả vụ đàn đúm với bạn bè nữa chứ, tự thú đấy!] cộng thêm một số việc riêng tư khác làm anh chán nản không kết thúc luận án. Vả lại có làm xong đi nữa anh cũng không thích trình luận án trước Hội Đồng Khoa thời gian đó vì vị Trưởng Ban Triết – người tự nhận mình là “con hoang của Sartre” và anh rất kỵ nhau. Bị động viên và được cử lên dạy Võ Bị, anh lên trình diện và nhận công việc khoảng hơn một tháng trước biến cố Mậu Thân. Nhân dịp tết Trường cho phép các giáo sư được về ăn tết với gia đình. Vì thế anh có mặt ở Saigon khi Việt cộng tấn  công vào thủ đô. Mấy hôm sau khi chiến trận tạm lắng dịu các sĩ quan nghỉ phép được lệnh trở lại trường. Quay trở lại Võ Bị anh được chỉ định cùng với các sĩ quan và sinh viên sĩ quan dự những cuộc hành quân tảo thanh Việt cộng quanh Đà Lạt. Lên làm việc ở Võ Bị, bận rộn với những giờ dạy học ở cả Võ Bị lẫn trường tư ngoài thị xã, cộng thêm việc gặp mặt và làm việc với GS Peltier hầu như bất khả nên anh không hoàn tất và trình luận án. Bản thảo luận án thất lạc sau khi anh vào tù cải tạo.

Ám ảnh triết học lấn lướt ám ảnh văn chương? Không hẳn. Có lẽ vì anh chịu ảnh hưởng truyền thống văn hóa Pháp – nhất là với những triết gia như Georges Bataille, Giles Deleuze, Michel Foucault, Jacques Derrida...ngoài Triết ra đều là những người say mê đọc và viết về Văn chương.  Hơn nữa anh cho rằng Văn Chương và Triết học tuy là hai đối thủ nhưng lại đồng hành. Hay nói như Heidegger thi sĩ và nhà tư tưởng cư ngụ trên hai đỉnh núi song song.

 

Lê Thị Huệ: Hình như anh ở tù cải tạo chung với anh Thanh Tâm Tuyền ?

 

Đào Trung Đạo: Anh “trình diện” học tập cải tạo ngày 20/6/1975. Nơi tập trung là một ngôi trường ở Sài Gòn. Quãng 2 giờ chiều mọi người được lệnh cán bộ phải xếp hàng để được “nhỏ mũi nước tỏi”! Vào khoảng 3 giờ sáng hôm sau tất cả được đưa lên xe tải bịt bùng chở đi. Đến nơi chưa 5 giờ sáng và được lệnh “khẩn trương” dọn dẹp thu xếp chỗ ở. Nơi này chính là trại Long Giao trước đây là căn cứ của quân đội Mỹ nay tan hoang cỏ mọc ngập đầu người. Hai hôm sau anh và TTT gặp nhau. “Lán” Thanh Tâm Tuyền ở đối diện chỗ anh ở. Anh và anh Thanh Tâm Tuyêền có đôi ba kỷ niệm khó quên thời đi tù cải tạo: vì anh có một vài “đệ tử” rất tháo vác nên họ xoay sở “tự chế” đồ ăn như từ ruột cá ngừ các “anh nuôi” (tức làm bếp) được phép lấy, trồng bầu bí các thứ rau để “cải thiện”. Một chiều Chủ Nhật nọ nhân anh mới được gia đình “thăm nuôi” có mấy lon gạo trắng nên đệ tử của anh nấu được một nồi cháo ruột cá ngừ thơm phức! Anh qua rủ Thanh Tâm Tuyền sang thưởng thức món này và anh ấy rất thích thú. Một bữa khác Thanh Tâm Tuyền đưa tặng anh bản viết “Bài thơ thuốc lào” (sau này khi đã sang Mỹ anh đưa cho Mai Thảo giữ) và cho xem tờ giấy nhầu nát chép tay bản nhạc Một Mùa Xuân Mới của Văn Cao. Thanh Tâm Tuyền buồn rầu nói: “Văn Cao vẫn quá thơ ngây!” Trước Tết năm đó Thanh Tâm Tuyền cùng với các sĩ quan được Việt công xếp vào loại “có nhiều tội ác với nhân dân” (sic) từ mờ sáng khi trời còn đang mưa mịt mù bị chuyển trại. Để kỷ niệm thời gian này anh có bài thơ “Thời triệt hủy thi sĩ” (trong chuỗi Những Mùa Xuân Tử Sinh) để kỷ niệm những ngày ở Long Giao với và lúc chia tay Thanh Tâm Tuyền:

thời triệt hủy thi sĩ

 

mù tỏa mưa bay đêm cuối xuân

trong buốt giá tù chuyển trại

chập chờn những bóng ma tội đồ

còng lưng đu bám bùn trơn trượt

quăng thân xác quăng cuộc đời vào trong lòng những chiếc xe âm phủ

lặng câm vuốt lớp sương tẩm độc

trên tóc trên mắt trên má trên môi

xá chi một địa danh sẽ tới, khi

trên đất nước không còn là quê hương này

ngập ngừng vẫy tay tiễn bạn trong bóng tối

biết rằng từ đây lời từ biệt nào cũng đều vô nghĩa

quay  mặt trân trối ngó mênh vào đêm 

mơ hồ lắng nghe tiếng chim lạc bầy

hoảng hốt réo gọi bóng tối  

thì thôi từ nay khổ đau đã là bất tận

khi  nước mắt đã chảy ngược tim người

 

                   (nhớ TTT /Trại tù Long Giao 1977)

 

Một vài kỷ niệm khác của Thanh Tâm Tuyền em có thể đọc lại trong “Bài Ai Điệu Cho Thanh Tâm Tuyền” anh viết đã đăng trên Gió-O nhân ngày anh ấy từ trần.

 

Lê Thị Huệ: Anh nói không đánh giá cao độc giả văn chương của các tạp chí tiếng Việt nghe sao buồn quá. Cho dù thực tế như thế nào thì chúng ta lỡ “engage” vào cuộc chơi văn chương tiếng Việt. Mỗi người bày ra một tác phẩm cho mình. Áo đẹp của nàng/chàng đâu hãy cứ khoe đi. Còn chợ đời thì để gió thổi mây bay theo định mệnh của nó. Em nghĩ vậy.

 

Đào Trung Đạo: Đánh giá của anh là đối với những tạp chí văn chương in giấy trong quá khứ. Và thực tế là những tạp chí này đã không sống nổi, phải lần lượt đình bản dù cho các vị chủ biên cố gắng hết sức. Anh biết Nguyễn Xuân Hoàng khi bắt buộc đình bản tờ Văn vẫn còn “ôm” một món nợ không nhỏ. Cũng theo lời một chủ biên thì tạp chí phải đi tìm người đọc một cách khá tuyệt vọng trên “mênh mông biển cả.” Thời xưa trước 75 người đọc chờ đợi ngày đầu tiên tờ tạp chí mình yêu thích ra để mua ngay về đọc. Ngày nay lớp độc giả tha thiết với văn chương quá hiếm hoi. Và còn trình độ độc giả nữa chứ. Chính một vị chủ biên nọ khi anh đưa đăng những bài khảo cứu có trình độ “hơi” cao đã ngần ngại nói với anh rằng “đa số độc giả bây giờ trình độ học vấn chỉ quãng lớp 9!” Nhưng vì chúng ta đã “engaged” vào “cuộc chơi văn chương” như em nói thì thôi cứ viết, viết thật hay, còn về độc giả thì mình không có quyền chọn lựa. Tuy nhiên anh nghĩ tình cảnh hôm nay có thể sẽ khác trước. Anh hy vọng chúng ta đang có một lớp độc giả mới – những người trẻ hãy còn yêu mến tiếng Việt – trong và ngoài nước, nhất là những người trẻ trong nước còn “yêu thích văn chương.”

 

Lê Thị Huệ: Theo anh một độc giả nghiêm chỉnh ngày nay nên đọc những quyển tiểu thuyết nào? Khi mà trong cánh rừng rậm thế giới đang mở ra trùng trùng điệp điệp các thứ cần/nên phải đọc.

 

Đào Trung Đạo: Anh rất thích cụm từ “độc giả nghiêm chỉnh” của em. Anh muốn hiểu “nghiêm chỉnh” có nghĩa thực sự muốn hiểu tiểu thuyết là gì và thú vị khi đọc được một tiểu thuyết hay, đáp ứng cả nhu cầu tìm hiểu lẫn nhu cầu thưởng ngoạn của mình. Về tiểu thuyết anh nghĩ Việt Nam chỉ có truyện dài, không có tiểu thuyết theo đúng tiêu chí tiểu thuyết đích thực. Điều này cũng không nên buồn vì cứ nhìn quanh các nước Á Châu thì chỉ có Nhật là có tiểu thuyết với những tiểu thuyết gia như Yokio Mishima, Kenzaboro Oe, Kōbō Abe...Còn hướng dẫn nên đọc những quyển tiếu thuyết nào thì khi đã là độc giả nghiêm chỉnh nên tìm đọc những tiểu thuyết của Franz Kafka, Marcel Proust, James Joyce, William Faulner, Vladimir Nabokov, Toni Morrison, Thomas Pychon, Don deLillo, David Foster Wallace... và mới đây quyển tiếu thuyết đồ sộ của Arno Schmidt Bottom’s Dreams (1496 trang) và Pararel Stories của Pater Nadás đã được dịch sang Anh văn và xuất bản rất đáng đọc. Đọc tiểu thuyết phải kiên nhẫn (mỗi ngày đọc chừng 10, 20 trang thôi cũng được vì đời sống, công việc, gia đình chiếm mất khá nhiều thì giờ rồi) và không nên “thời thượng”, chạy theo thị hiếu. Quyển của Arno Schmidt và quyển của Nadás rất thú vị, bõ công đọc.

 

Lê Thị Huệ: Về mảng phê bình văn học anh đã nghiên cứu rồi để dở? Anh có thể nói sơ qua về công trình này của anh?

 

Đào Trung Đạo: Trong 3-Zero (đã đăng trên Gió-O) anh đã viết về phê bình văn chương mới của Maurice Blanchot, Roland Barthes (đặc biệt với giáo trình ở Collège de France La Préparation du Roman), và Jacques Derrida. Muốn hiểu về tiểu thuyết – nhất là bộ À la Recherche du Temps perdu của Proust – thì không thể bỏ qua Préparation du Roman của Barthes. Quan niệm phê bình văn chương mới của Blanchot anh đã khái quát trong bài “Ngôn ngữ phù ảo trong thơ Nguyễn Thị Hải” Gió-O đã đăng mấy tuần trước. Còn về Derrida và phê bình văn chương hủy tạo nữa. Anh đang “edit” những bài viết này và viết thêm một vài bài khác để xuất bản thành sách. Anh cũng đang đọc Giles Deleuze và Michel Foucault viết về tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết của Pierre Klossowski (Klossowski là dịch giả Nietszche đáng tin cậy, nhất là công trình dịch Der Wille zur Macht/Ý chí hướng tới Quyền lực được xuất bản trong Friedrich Nietszche, Fragments Posthumes XIII, Gallimard xuất ản năm 1976). 

 

Lê Thị Huệ: Loạt bài Thi sĩ và Thi ca của anh khá lôi cuốn, anh mong muốn gì khi giới thiệu những tác giả này đến với độc giả tiếng Việt. Anh dùng tiêu chuẩn nào để chọn các tác giả ấy để giới thiệu đến độc giả Việt Nam?

 

Đào Trung Đạo: Viết loạt bài Thi sĩ Thi ca trước hết anh muốn chia sẻ với người đọc những thi sĩ anh ngưỡng mộ và hy vọng người đọc cũng sẽ yêu thích và tìm đọc tác phẩm của những thi sĩ này. Hơn nữa xưa nay (gần một thế kỷ rồi!” người đọc Việt Nam chỉ được giới thiệu rất giới hạn những thi sĩ “quen thuộc trong sách giáo khoa”, từ trước đến nay nào đã có ai viết về René Char, Paul Celan...một cách tương đối đầy đủ đâu trong khi giới nghiên cứu thi ca quốc tế đã viết về những thi sĩ này từ gần 40 năm rồi. Nhưng mục tiêu chính của loạt bài này đã được anh nói rõ trong “Khai từ” Thi sĩ Thi ca Tập I về Paul Celan “Người làm thơ chỉ là thi sĩ đích thực khi hắn viết ra bài thơ – toàn thể những bài thơ hắn đã viết ra chỉ là một bài thơ duy nhất – trong đó Thi ca là một ẩn mật: bằng ngôn ngữ riêng mình thi sĩ gián tiếp biểu đạt quan niệm của mình vế Thi ca.” Nói trắng ra chỉ là thi sĩ nếu có một quan niệm về thi ca. Dù khi đọc điều này những người đã,đang, và sẽ làm thơ không mấy hài lòng nhưng anh thấy mình có bổn phận nói ra sự thật. Nhận định này không lạ, anh rút ra từ nhận định của Hegel (bạn thân của Hölderlin) rằng từ sau thế kỷ 18 nghệ thuật là nói về bản chất nghệ thuật. Như vậy là thơ hiện đại là nói về thơ, về thi ca. Chính vì vậy Heidegger gọi Hölderlin là “thi sĩ của thi ca” và Maurice Blanchot gọi Char là “thi sĩ của thi sĩ.” Với Celan thi ca là “đi tìm gặp Người Khác.” Với Char thi ca là “cái chưa/không biết (inconnu) thi sĩ chỉ ra bằng cây gậy dò đường hay bằng ngón tay trỏ bị tuốt móng máu chảy ròng ròng. Với Ungaretti thi ca là “đi tìm Đất Hứa, một xứ sở hồn nhiên.” Ngoài ra nếu được anh thích chọn những thi sĩ là những kẻ “lưu đầy, vô xứ” như Celan và Ungaretti và tới đây sẽ là Edmond Jabès...

 

(còn tiếp)

đọc trang Đào Trung Đạo tại đây

 

© gio-o.com 2018