phỏng vấn
nhà văn
Đào Trung Đạo
lê thị huệ thực hiện
Kỳ 1
Đào Trung Đạo sinh năm 1940 tại Hà Nội, sống ở Hà Nội cho đến khi di cư vào Sài Gòn năm 1955 cùng gia đình. Anh định cư ở Miền Nam California từ năm 1982. Đào Trung Đạo là một tên tuổi xuất hiện thường xuyên trên các tờ Văn (Hải Ngoại) của Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng và Văn Học của Nguyễn Mộng Giác trong thời gian cực thịnh của các tờ báo văn chương này nơi Hải Ngoại. Tôi biết các nhà văn chủ bút này rất o bế nhà văn Đào Trung Đạo, để có thể nhận các truyện dịch hoặc các bài điểm sách truyện ngoại quốc của anh. Đào Trung Đạo cũng đã từng đóng góp các truyện dịch, các bài điểm sách, các nhận xét phê bình văn chương Hải Ngoại cho đài Voice Of America ( VOA), Hoa Kỳ, một thời gian dài. Là một người thường xuyên đọc sách Triết và Văn Chương của các tác giả Pháp, Anh, và Đức từ thời trẻ, anh là một người đọc các sáng tác của các nhà văn, triết gia Anh, Pháp Đức nhiều kinh khủng. Đào Trung Đạo một trong số những người tiêu hóa Văn Chương Anh Pháp Đức có hạng, mà tôi đã gặp. Từng là giáo sư trẻ dạy tại Đại Học Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, một ngôi trường đại học quân sự ưu tú bậc nhất huấn luyện sĩ quan cho Quân Lực Miền Nam Việt Nam triều đại (1955-1975), Đào Trung Đạo đã bị tù Cải Tạo Cọng Sản sau khi Cọng Sản Miền Bắc chiếm Miền Nam Quốc Gia năm 1975. Đào Trung Đạo cùng nhà văn Đặng Phùng Quân đã “vượt biên đường bộ” băng qua Cam Bốt thời Cọng Sản chiếm đóng, để đến bến bờ Tự Do ở Thái Lan, rồi sau đó mới định cư ở Hoa Kỳ. Anh là một trong số những người giúp gầy dựng trang Gió O từ đầu, và ở lại, cho đến nay. (LTH)
Lê Thị Huệ: Anh em mình – thứ lỗi, vì đã dùng danh xưng “anh” và “em” để trao đổi câu chuyện văn chương giữa Lê Thị Huệ và Đào Trung Đạo, vì chúng tôi thật sự thân nhau trong tinh thần văn chương qua một thời gian dài kể từ khi nền Văn Chương Hải Ngoại bắt đầu 1975 cho đến nay, khi có cuộc đối thoại này 2018 - thế mà đã ở với Văn Chương Hải Ngoại từ khi ông Võ Phiến và ông Mai Thảo khởi đầu nền Văn Chương Hải Ngoại này, phải không ?
Đào Trung Đạo: Cám ơn Lê Thị Huệ về cách xưng hô thân tình “anh-em” (rất hiếm đối với LTH) cho mối liên hệ đã hơn ba mươi năm. Mối liên hệ đó bắt đầu như thế này: Khoảng năm 1983 trong một cuộc trò chuyện với nhà văn Mai Thảo anh ấy có kể cho anh nghe: hồi làm tờ báo văn nghệ (Đất Mới?) ở Seatle Mai Thảo có nhận được một truyện ngắn ký tên Lê Thị Huệ và kèm theo truyện ngắn này là một cái “note” của tác giả đại ý “nếu đăng thì đăng nguyên văn, không được sửa đổi hay xóa đi một chữ. Bằng không hãy liệng nó vào thùng rác!”. Anh không còn nhớ tên truyện ngắn đó của em đã được Mai Thảo đăng trên Đất Mới. Nhưng anh không thể quên lời của Mai Thảo nói về Lê Thị Huệ với anh: “ghê thật!” kèm theo là nụ cười thật hồn nhiên dễ thương của Mai Thảo. Mấy tháng sau đó quãng gần gần 12 giờ trưa khi anh đang ngồi trong văn phòng làm việc thì nhận được điện thoại của Mai Thảo: “Cậu ra đây ngay đi, có người muốn cậu trình diện! Chúng tôi đang ngồi ở Song Long. Ra ngay đi.” Anh không hỏi anh Mai Thảo ai mà dám đòi anh “trình diện” (“ghê thật!”) nhưng cũng lờ mờ đoán chừng dựa vào “kiểu ăn nói” này. Đấy là lần đầu tiên Đào Trung Đạo gặp Lê Thị Huệ, khởi đầu cho mối liên hệ anh-em đã trên ba mươi năm. Mai Thảo đã mất, và hai anh em mình “vẫn ở” (chữ của Mai Thảo) với Văn Chương Hải Ngoại.
Lê Thị Huệ: Anh có nhận xét nào về các cái mốc của Văn Chương Hải Ngoại và những kỷ niệm hay điều nào đáng nhớ ?
Đào Trung Đạo: Các mốc của Văn Chương Hải Ngoại? Để đánh dấu các mốc đó có lẽ chúng ta có thể căn cứ vào sự xuất hiện của các tạp chí văn chương (báo giấy), những trang mạng văn chương sau khi các tạp chí văn chương đình bản và những diện mạo văn chương mới. Về tạp chí văn chương (ở Mỹ, không kể ở Âu Châu) có hai tờ VĂN và VĂN HỌC qui tụ nhiều người viết nhất. Tờ VĂN do Mai Thảo “dựng bảng” lại – nhưng cương quyết từ chối danh xưng chủ nhiệm hay chủ biên – còn tờ VĂN HỌC do Nguyễn Mộng Giác đảm nhiệm. Về những diện mạo văn chương mới: vì quan điểm của anh là “Văn Chương Hải Ngoại không phải là sự nối dài của Văn Chương Miền Nam” nên anh chỉ chú ý tới những cây viết “sáng tạo/đam mê/thách đố/trí tuệ” thôi. Phần đông những người viết được biết đến nhiều trước đây ở Miền Nam khi rời quê hương quả thực đã không có đóng góp nào đáng kể cho Văn Chương Hải Ngoại. Nhưng hiện tượng này thì thật mới lạ: những người viết mới của giai đoạn 1980-1990 là những nhà văn phái nữ! Kỷ niệm hay biến cố đáng nhớ? Kỷ niệm đáng nhớ: giao tình với Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng cũng như một vài người viết khác (quen biết thì nhiều nhưng không thân thiết vì anh phải thú thật anh là người “quả giao”). Biến cố có tính cách cá nhân là việc anh cầm bút lại: từ sau 1960 với bút hiệu Thạch Trân trên Sáng Tạo bộ mới anh đã tạm ngừng viết.
Lê Thị Huệ: Em nhớ thời Mai Thảo làm tờ Văn, ông năn nỉ anh cho bài dịch các tác giả Anh Ngữ quá trời. Còn ông Nguyễn Xuân Hoàng hô một tiếng là anh giúp bài các tác giả Anh Ngữ ngay . Công lao của anh giúp hai ông này giữ tờ Văn không phải là nhỏ
Đào Trung Đạo: Về dịch truyện ngắn cho VĂN: Khi Mai Thảo làm lại tờ tạp chí này ở Mỹ anh thấy có một khoảng trống về việc giới thiệu văn chương quốc tế đến độc giả nên anh nhận lời anh Mai Thảo làm công việc này cho VĂN từ đấy và coi công việc này trước hết như một nhiệm vụ sau đó như một “hobby”. Sau này khi Mai Thảo vì vấn đề sức khỏe trao tờ VĂN cho Nguyễn Xuân Hoàng làm anh cũng giúp Nguyễn Xuân Hoàng như vậy. Còn công lao ư? Theo anh quan niệm một tạp chí văn chương phải có “bài nằm” cho mỗi số báo, trước hết đó là cần thiết tạo tính cách liên tục. Về giới thiệu văn chương toàn cầu: Thú thực anh không đánh giá cao trình độ đa số độc giả văn chương của các tạp chí nên chỉ giới thiệu những nhà văn “dễ đọc” – nhất là những nhà văn Mỹ vì ở nửa sau thế kỷ 20 tiểu thuyết Mỹ chiếm vị trí tiền trường – còn những nhà văn tầm vóc của Mỹ như Thomas Pynchon, William Gaddis, Don deLillo, David Foster Wallace... tuy anh ngưỡng mộ nhưng xem ra có lẽ không hợp với “tạng” độc giả và ngay cả với một số người viết Việt nên không giới thiệu. Anh nghĩ nếu có những người thích đọc những nhà văn anh ngưỡng mộ thì họ đọc nguyên bản tiếng Anh, đâu cần anh giới thiệu. Điều này anh nhận ra vì ngay cả trước 1975 ở Miền Nam cũng vậy, cứ giở một tạp chí văn chương ra là thấy phần văn dịch nào là Sartre, Camus, Sagan... trong khi chính ở Pháp “phong trào” đọc một số những nhà văn này đã chấm dứt từ mười năm trước. Đọc văn theo phong trào là một điều nên tránh. Cũng đừng quá tin vào những giải thưởng văn chương và những người viết mục điểm/giới thiệu sách. Nhất là ở Mỹ có nhiều điều phức tạp lắm.
Lê Thị Huệ: Hình như anh là người khai sinh ra cụm từ "Văn Chương Vô Xứ" mà ông Mai Thảo rất thích cụm từ này.
Đào Trung Đạo: Thế nào là Văn Chương Vô Xứ: Theo anh, viết phải là viết “ở đây, hôm nay.” Trong ý nghĩa này sau 30 tháng Tư 1975 Thanh Tâm Tuyền trong một bài phỏng vấn sau khi định cư ở Mỹ tự tra vấn bằng câu hỏi, đại khái “Có thể nào viết như không có gì xẩy ra?” Câu hỏi này tự nó đã ngầm chứa câu trả lời. Kể từ sau thảm họa này chúng ta đã không còn xứ sở nữa, phải sống kiếp lưu đầy ở một nơi ngoài quê hương và cũng lại không thể coi nơi cư ngụ mới là xứ sở thì rõ ràng mình là kẻ vô xứ. Nếu kẻ vô xứ đó viết văn làm thơ thì bản viết mang dấu ấn vô xứ. Vô xứ đã trở thành một ý niệm phổ quát. Từ giữa thập niên 80 trong tâm thế này anh khá tâm đắc với cụm từ “Littérature déplacée” Linda Lê sử dụng, văn chương di vị/địa này theo Linda Lê mang dấu vết của sự mất mát nguyên ủy (trong tập khảo luận Tu écrira sur le bonheur, anh đã dịch đăng trên Gió-O) có nghĩa khá tương tự với Văn Chương Vô Xứ. Cụm từ Văn Chương Vô Xứ nhà văn Mai Thảo rất tâm đắc từ đó mang dấu ấn Đào Trung Đạo. Hơn nữa từ nửa sau thế kỷ 20 sự xuất hiện của những người viết vô xứ (stateless) ghi lại tiếng nói đặc trưng của Văn Chương Thế Giới với khá nhiều những nhà thơ nhà văn tầm vóc. Chính vì vậy anh khá dị ứng với những người viết – nhất là ỡ Mỹ – tự khoanh vùng cõi viết của mình trong “diaspora.” Không những đề tài này [có thể nói khởi đầu với Maxine Hong Kingston] đã mòn cũ, rỉ sét mà còn không phải là một chủ đề văn chương đích thực. Nhận mình là nhà văn thuộc nhóm người thiểu số đồng nghĩa với tự khu biệt, tự sát, vô tình chịu mang cái mặt nạ, cái thòng lọng của những nhà phê bình bản xứ chỉ chờ cơ hội đeo lên mặt hay choàng vào cố mình. Gần đây ở Mỹ có một người viết gốc Việt viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh rất “vênh vang” khi được đeo cái mặt nạ này vì được trao giải Pulitzer! Trong khi đó anh rất quí trọng thái độ của Nam Lê tác giả tập truyện ngắn The Boat (được khá đông các nhà phê bình bản xứ hết lời ca ngợi và được trao vài giải thưởng văn chương cao quí) mới đây đã thẳng thừng tuyên bố hãy vứt quyển sách này vào sọt rác! Đó là một thái độ “xứng mặt nhà văn” và anh hy vọng Nam Lê trong thời gian tới sẽ viết được những tác phẩm văn chương.
Lê Thị Huệ: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác lúc còn sống hay dùng cụm từ "Văn Chương Hội Nhập" để chi các nhà văn chuyên viết về các đề tài ở xã hội mà họ sinh sống . Anh nghĩ thế nào ?
Đào Trung Đạo: Chính vì quan niệm như trình bầy ở trên nên anh không đồng ý với cụm từ “Văn Chương Hội Nhập” của Nguyễn Mộng Giác. Văn Chương không bao giờ cần “hội nhập” với bất kỳ cái gì ngoài “hội nhập với chính văn chương.”
Lê Thị Huệ: Có thời gian anh dạy chung với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền ở trường Võ Bị Đà Lạt
Đào Trung Đạo: Anh bị gọi động viên từ Khóa 17 Trừ Bị Thủ Đức nhưng được hoãn vì lý do học vấn (làm DES Diplôme d’Études Supérieures tức Cao Học) cho đến Khóa 25 mới phải nhập ngũ. Ở Thủ Đức sau hơn bốn tháng huấn luyện giai đoạn I tuy mới chỉ đeo Alpha (sinh viên sĩ quan) anh được chuyển lên dạy ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt vì trường bắt đầu chương trình 4 năm, sinh viên sĩ quan tốt nghiệp được cấp văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng. Anh bắt đầu dạy các môn Khoa Học Nhân Văn từ Khóa 22B trở đi. Quãng năm 1971 (?) anh Thanh Tâm Tuyền mới đổi lên Võ Bị và làm việc ở Phòng Chiến Tranh Tâm Lý của trường. Anh Thanh Tâm Tuyền không có nhiệm vụ giảng huấn. Thời gian anh ấy ở Võ Bị (khoảng 2 năm) – vì tính anh Thanh Tâm Tuyền khá “quả giao” – nên chỉ chơi thân với một vài người, trong đó thân nhất là “nhân vật” Kiệt và Nghiêm (tên thật của họ ngoài đời khác hẳn) trong truyện dài Một Chủ Nhật Khác, “ông giáo” Thanh (thiếu tá) vì là người cùng quê. Anh, Kiệt (Thủ Đức Khóa 23), Nghiêm (cùng Thủ Đức Khóa 25 với anh, hiện ở California) khá thân. Kiệt hồi đó có vẻ đẹp trai “rất đàn ông”, dạy ở Khoa Anh văn Võ Bị, Đại Học Đà Lạt và Hội Việt-Mỹ (tuy tốt nghiệp kỹ sư ở Philippines và Đức nhưng lại là người nói tiếng Anh xuất sắc, được cử làm thông dịch viên (dịch miệng truyền thẳng vào micro đồng thời với xướng ngôn viên tiếng Việt cho quan khách tham dự người nước Thanh Tâm Tuyền (dĩ nhiên có Nghiêm) ở nhà Kiệt và đấy là lần cuối những người bạn thân với Thanh Tâm Tuyền thời Võ Bị trùng phùng. Chuyện bên lề về tính cách Thanh Tâm Tuyền: Một buổi chiều nọ anh và Thanh Tâm Tuyền sau giờ làm việc ở Võ Bị cùng vài người bạn khác chạy xe ra phố Đà Lạt uống cà phê (để nguyên quân phục, không đeo lon, không vào tiệm cà phê Tùng) mà ngồi ở quán lề đường của Chị Sáu (em ông Tùng). Bọn anh đang ngồi quán thì có ba bốn nữ sinh/viên đến mời “nhà thơ” Thanh Tâm Tuyền dự buổi “văn nghệ bỏ túi” vào ngày Thứ Bảy do mấy cô ấy tổ chức. Và đây là câu trả lời của Thanh Tâm Tuyền: Cám ơn. Tôi là Đại Úy Dzư văn Tâm chứ không phải là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.
Lê Thị Huệ: Ủa vậy là nhân vật Kiệt của Một Chủ Nhật Khác của nhà văn Thanh Tâm Tuyền là phản ảnh một người thật trong đời thường sao ?
Đào Trung Đạo: TTT đưa vào Một Chủ Nhật Khác không những nhân vật chính Kiệt mà hầu hết những nhân vật nam nữ khác đều có thật ngoài đời. Chỉ có một chi tiết “không thật” là ở kết thúc quyển truyện Thanh Tâm Tuyền đã cho Kiệt “chết”! Tuy tác giả có toàn quyền thúc truyện như mình muốn nhưng theo anh đoán chừng, có lẽ Thanh Tâm Tuyền làm vậy một là muốn tạm thời “trốn” hai là đã “chán”, bế tắc trong việc viết tiểu thuyết. Ngoài ra anh thấy Thanh Tâm Tuyền vô hình trung vẫn còn quan niệm tác gia tiểu thuyết là “Thượng đế” có quyền sinh sát, một điều anh không đồng ý. Từ giữa thập niên 60 thế kỷ 20 Roland Barthes và Michel Foucault đã đặt cột mốc cho phê bình văn chương hiện đại khi chỉ ra “tác gia đã chết.” Tuy nhiên qua Một Chủ Nhật Khác Thanh Tâm Tuyền đã mô tả được cuộc sống của giới trí thức trẻ trong giai đoạn cuộc chiến sắp tàn lụi.
Lê Thị Huệ: Trường Võ Bị Đà Lạt là một niềm hãnh diện của chế độ Việt Nam Cọng Hòa 1954 - 1975 . Trường ở vị thế khá đẹp và tuyển chọn những thành phần giáo sư và thanh niên trẻ ưu tú để huấn luyện 4 năm. Anh có thể nói đôi điều về kinh nghiệm dạy ở Võ Bị Đà Lạt?
Đào Trung Đạo: Kinh nghiệm dạy học và thời gian ở Võ Bị với anh phải nói là hạnh phúc. Với các Khóa 22A, 23, và 24 về tuổi tác thầy trò cách nhau không nhiều nên dễ có liên hệ gần gũi thân thiện, coi nhau như anh em. Sinh viên Võ Bị rất trưởng thành, có kỷ luật. Mỗi tuần vào Mùa Văn Hóa anh đứng lớp năm buổi sáng. Sau giờ dậy các giáo sư được phép ra thị xã dạy học. Vì thấy lương sĩ quan eo hẹp, khó có thể phụ giúp gia đình được và đa số trước khi bị động viên kiếm tiền khá bằng việc dạy học nên Bộ Tổng Tham Mưu cho phép sĩ quan giáo sư được dạy tư. Với những sĩ quan tuy bị động viên nhưng vẫn được lĩnh “lương sai biệt” vì trước khi vào quân đội họ là công chức nên họ không thấy cần đi dạy học thêm. Nếu không có giờ dạy dân độc thân “tại chỗ” sau giờ làm việc ở trường thường hay ra thị xã ăn uống mua sắm các vật dụng cho nhu cầu hàng ngày, hoặc ngồi quán tiệm như các tiệm Mekong, Nam Sơn... Quãng ngoài 6 giờ chiều đi ăn rồi chuẩn bị mặc “treillis”(đồ trận) vào trường trực gác vì từ sau biến cố Mậu Thân trường “cấm trại” dài dài. Giáo sư có bài soạn in sẵn phát cho sinh viên và sinh viên được thư viện cho mượn sách tham khảo (phần lớn dịch các sách giáo khoa của Mỹ). Võ Bị có một thư viện khá đầy đủ các sách bằng tiếng Anh cho các môn học. Anh là Trưởng Phân Khoa khoa Khoa Học Xã Hội nên có nhiệm vụ “order” sách từ Mỹ cho thư viện. Nhân dịp này anh đặt mua ngoài các “textbook” ra còn khá nhiều sách văn chương như các tác phẩm của Franz Kafka, Samuel Beckett, James Joyce, William Faulkner ...Cơ sở Võ Bị tân tiến, có Phòng Thí Nghiệm Nặng (duy nhất ở Đông Nam Á), có amphitheatre [Kiệt dạy ở Hội Việt Mỹ nên mượn được khá nhiều phim hay đem vào trường chiếu ban đêm và Thanh Tâm Tuyền rất thú xem những phim này], phòng ốc cho sinh viên và cho các khoa thuộc Văn Hóa Vụ và Quân Sự Vụ đều rộng rãi khang trang. Mối liên hệ giữa các giáo sư Văn Hóa Vụ với nhau và cả với các sĩ quan cấp bậc cao hơn của trường khá nhẹ nhàng, tương kính và thân tình. Thanh Tâm Tuyền đã mô tả cơ sở trường Võ Bị rất chi tiết trong truyện dài Một Chủ Nhật Khác. Thời gian này các sĩ quan phải vào trường trực hằng đêm. Các phiên trực gác với các sinh viên sĩ quan cũng là kỷ niệm đẹp. Sinh viên sĩ quan vốn có khả năng quân sự chuyên nghiệp cao và rất kỷ luật nên khi trực cùng các giáo sư họ không để các thầy phải bận tâm.Thứ Bảy và Chủ Nhật sĩ quan nếu không có phiên trực thì ban ngày không phải có mặt trong trường (anh ở Khách sạn Thủy Tiên 2 do Võ Bị thuê dành cho giáo sư.) Thủy Tiên 2 nằm đối diện cư xá nữ sinh viên ở đường Đoàn Thị Điểm, từ phía ngoài lối dẫn vào là những dãy quán ăn đêm đối diện trường tiểu học Đoàn Thị Điểm bán cháo, miến, xôi gà...nổi tiếng của Đà Lạt.
(còn tiếp)
© gio-o.com 2018