NGU YÊN

 

Ra Ngoài Thơ, Nghĩ Về Thơ

 

kỳ một

 

 

(Trích: Ra Ngoài Thơ Hẹn Thơ. Phát hành Tháng 11 năm 2020.)

 

(Kỳ 1 ), (Kỳ 2 ),

 

11.

Tôi nghĩ chẳng ai cần thơ. Cho dù, nếu có ai cần, chính họ cũng không biết. Ngược lại, thơ cần người đọc. Nói chính xác hơn, thơ cần một loại người đọc thích hợp.

Làm thơ cũng như thả bong bóng bay. Một số người quan tâm theo dõi. Một số khác tình cờ nhìn thấy vì ngẩng mặt lên. Đa số bận rộn nhìn ngang nhìn dọc nhìn xuống, không biết trên trời có bong bóng đẹp. Thơ cũng như bóng bóng thả lên cao. Có bài nổ lưng chừng, có bài xì hơi, tất cả còn lại đều mất hút theo mây gió. Rồi không biết rơi xuống nơi nào hoặc tan biến về đâu. 

Nhóm thiểu số đọc thơ chia ra nhiều mảnh. Có người thích thơ hiện thực, có người thích thơ tượng trưng, có người thích thơ lãng mạn, có người thích thơ kỳ quái... Mỗi nhà thơ nổi tiếng cũng chỉ được một số người đọc ít ỏi, mà số người đọc trung thành lại càng hiếm hoi.

Tình hình của thơ hôm nay là như vậy.

Sáng tác truy lùng những đường lối khác nhau để thơ gia tăng khả năng lôi cuốn người đọc. Tuy nhiên, trang sử hoàng kim của thi ca đã lật qua. Những bong bóng khinh khí cầu vĩ đại đã được thay thế bằng phi cơ, hỏa tiễn. Bong bóng nhỏ chỉ dùng để trang hoàng. Sáng tác thơ vì vậy mà lúng túng.

Có một số nhà thơ lý luận rằng, mặc kệ, cứ ung dung, cứ thản nhiên tự tại làm thơ. Thơ không bao giờ chết. Trong khi những bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, kịch nghệ, viết truyện, điêu khắc.... được sáng tác bằng những nỗ lực khám phá mới lạ, được hỗ trợ bởi ý thức sáng tạo nghệ thuật phù hợp với nhịp sống hôm nay và khả năng của nó phát triển vào ngày mai. Sáng tác thơ vì vậy mà bị lơ là.

 

12.

Tôi nghĩ:

Thơ cần phải hóa thân để hòa vào nhịp sống và thỏa mãn được nhu cầu thẩm mỹ “của” hay và đẹp.

Thơ đó là thơ gì?

Trước hết phải gạt bỏ quan niệm bay cao và trang hoàng của bong bóng, vì đã lạc nhịp. Bay cao: có nhiều thứ bay cao hơn và nhanh hơn. Trang hoàng: có nhiều thứ trang hoàng đẹp hơn và thực tế hơn.

Như vậy, thứ gì là tinh túy của thơ? Phải chăng là đẹp và hay của ý nghĩa được nhận thức bởi cảm xúc? Phải chăng là giá trị của ý nghĩa phù hợp với cách đánh giá thực tế của thời đại? Phải chăng là những tầm nhìn bén nhạy, thông thương giữa ý thức và vô thức?

Có hai lãnh vực mà nhà thơ hôm nay cần quan tâm, tìm hiểu và sống với: 1- nhịp sống thời đại tiến vào tương lai và 2- nhu cầu thẩm mỹ sâu sắc của các khuynh hướng hôm nay và ngày mai.

Quan niệm về nhịp sống và nhu cầu thẩm mỹ luôn luôn chia làm hai: Đa số và nhiều nhóm thiểu số. Sự tương tranh giữa hai thành phần này là khu vực tìm hiểu của sáng tác. Nơi đây đòi hỏi sự cân nhắc của tác giả giữa những lực thu hút của các cực. Mỗi tác giả sẽ lựa chọn theo sở thích và sở học trong từng giai đoạn biến chuyển của sáng tạo cá nhân.

Thẩm mỹ sâu sắc là tinh hoa của đẹp và hay vượt lên công dụng trang hoàng và khiêu gợi, dâng tặng những gì, nhìn bên ngoài mang tính giải trí, bọc bên trong những thâm trầm có khả năng biết bay.

Tôi nghĩ, nếu thể hiện được tinh túy của thơ qua hai lãnh vực này, có lẽ sáng tác sẽ thấy được bóng dáng khởi đầu cho loại thơ đó.

Vẫn là câu hỏi: Đó là thơ gì?

 

13.

Tôi nghĩ:

Trong cấu tạo thơ luôn luôn có màu sắc, nhạc điệu, hành động để biến hóa, linh hoạt hình ảnh và ngôn ngữ.

Tư duy về màu sắc, nhạc điệu, hành động để tìm hiểu hiệu quả của khả năng hòa hợp giữa ba thành phần này trong một bài thơ, là việc cần thiết để sáng tác mới vượt qua lề lối cũ.

Thơ truyền thống chỉ cho phép máu sắc, nhạc điệu, hành động thể hiện qua lời lẽ và ý tứ. Thơ mới nên khám phá cõi nghệ thuật riêng để đưa tác dụng của ba thành phần trên vào thơ một cách hiện thực và cụ thể.

Màu sắc, có thể học và mượn từ hội họa.

Nhạc điệu, có thể học và mượn từ âm nhạc.

Hành động, có thể học và mượn từ phim ảnh.

Học và mượn là việc tự nhiên để tu tập, tự thức bản thân. Mượn đương nhiên là phải trả. Người tử tế còn trả thêm lời, có khi trả gấp mấy lần vốn.

Thế nào là “cõi nghệ thuật riêng để thể hiện toàn bộ ngôn ngữ, hình ảnh, màu sắc, âm nhạc, hành động trong một khối thể thơ duy nhất”?

Trả lời câu hỏi này là những phát minh, những sáng tạo khác nhau: hỗ trợ và đối nghịch. Để chung qui tạo nên những đường lối sáng tác mới.

Lý thuyết sơ quát là như vậy, thực hành chi tiết để đạt phẩm chất, tốt đẹp hóa thơ và con người mới là vấn đề. Mỗi thi sĩ, mỗi thế hệ thơ, sẽ giải mã và đóng góp.

Tôi nghĩ:

1. Bước đầu tiên, nhà thơ phải có tầm nhìn nghệ thuật đa diện. Không chỉ thấy ngôn ngữ là chữ nghĩa, lời lẽ cưu mang ý tứ thơ, mà nhìn bài thơ như một thế giới sống động có sinh hoạt, màu sắc, âm thanh, nhạc điệu, như một tác phẩm chung của thơ, hội họa, âm nhạc và phim ảnh.

Dĩ nhiên, thế giới một bài thơ không phải thế giới thực tế, chỉ là thế giới nghệ thuật, thế giới đại diện, truyền đạt giá trị, ý nghĩa và thẩm mỹ.

2. Nhà thơ phải tự tu luyện kiến thức và sở học về những bộ môn nghệ thuật khác để thử nghiệm những sáng tác mới. Sẽ không có ai có khả năng thấu triệt nhiều bộ môn nghệ thuật trong một đời sống ngắn ngủi. Vì vậy, sự kết hợp giữa nhà thơ và các nghệ sĩ trong nhiều ngành nghệ thuật chuyên môn là việc cần thiết để tương ứng và xây dựng tác phẩm.

3. Con đường thực hành là con đường không có nơi đến, chỉ có những nơi tạm nghỉ.

Con đường thực hành không có sẵn, người nghệ sĩ phải đào sông phá núi, khai mở đường đi và đường đó quanh co tùy vào cách giải quyết những khó khăn.

Con đường thực hành là con đường hướng về chân trời hy vọng, nhưng bẫy rập thất bại. Thất vọng là tâm trạng thường xuyên mà nghệ sĩ cần nỗ lực đối phó.

Con đường thực hành là con đường duy nhất, không phải để thành công, mà để thấm nhuần nghệ thuật và mở cửa nội tâm đón nhận bao la và trông thấy bản thân.

Con đường thực hành có tên gọi là con đường Thử Nghiệm.

 

14.

Tôi nghĩ:

Lời của thiền sư Zuigan Goto dạy thiền sư đệ tử Soko Morinaga: “Không có gì là rác cả.” Một câu nói hết sức thâm trầm. Gây giật mình. Thắp lên ánh sáng. Càng nghĩ càng đốt lửa.

Đối với tự nhiên và phê bình, thơ dở là rác của thi ca. Không có gì là rác, nghĩa là, không có gì là dở. Tuệ nhãn này vượt qua các phương pháp, nghệ thuật nghiên cứu, phê bình thi ca của tây phương.

“Không có gì là rác” nghĩa là câu thơ hay, câu thơ thường, câu thơ dở đều có chỗ ứng dụng để mang đến hiệu quả có giá trị. Lá khô nằm dưới đất là rác. Mang về đun nước nóng, không còn là rác nữa. Câu thơ nằm ở vị trí này thành dở. Vào một vị trí khác, bài thơ khác, thành hay. Câu thơ hay đặt không đúng chỗ, không đúng vai trò, sẽ hóa dở.

“Không có gì là rác” không xóa bỏ lịch sử thi ca, giá trị thi ca, mà cho lịch sử một tầm nhìn mang tính luân hồi. Tất cả những cái hay, cái dở, cái thường hằng của thơ luôn luôn tái diễn: hoặc tuần hoàn hoặc tái sinh. Qua lịch sử thi ca, người làm thơ đương thời luôn luôn kế thừa di sản của những nhà thơ đi trước và quan trọng hơn: tiêu hóa những thơ hay, thơ dở, thơ thường đã hiện diện để tạo giá trị cho thơ tương lai trong thời đại của họ.

“Không có gì là rác” cho người sáng tác một ẩn niệm: An nhiên, tự tại và hóa đẹp với khó khăn, trở ngại trong hành trình phiêu lưu tìm kiếm thơ. Nghĩa là: Giữa đêm sa mạc lạnh lẽo, mênh mông mù mịt, người du hành dựng trại, đốt lửa và sắp xếp bầy lạc đà nằm bao quanh vóng ngoài như một rào cản. Khi nghe lạc đà rống lên, tiếng kêu é é từng đoạn ngắn, âm thanh quái gở, làm bí mật sa mạc càng thêm kinh dị. Báo động sợ hãi, lo âu... Nhưng tiếng kêu lạ lùng đó, đối với nhạc sĩ, là nhạc điệu huyền bí Trung đông. Đối với thi sĩ, là tiếng khốc liệt của sự mang nặng, gánh vác, kiên nhẫn, chịu đựng trước khi hóa thành sư tử. Không có gì là rác, kể cả tiếng rống bất an.

 

15.

Tôi nghĩ:

Làm thơ nên tiếp tục làm, dù tự thấy dở, đừng ngưng lại. Làm thơ, nếy thấy dở chỉ cần hủy bỏ. Những bài đã sáng tác nếu giữ thêm một thời gian, về sau đọc lại không còn yêu thích, nhận ra những lỗi lầm, chỉ cần hủy bỏ. Những bài đã đăng báo, đăng mạng lưới, về sau thấy không đủ tiêu chuẩn, hủy bỏ, đừng in vào sách. Những bài đã in sách, đọc lại, thấy thiếu giá trị, hủy bỏ khi tái bản hoặc khi in toàn tập. Bởi vậy, không cần phải quá cẩn thận khi làm thơ, nên để sáng tạo tự động tự nhiên bay nhảy. Nên thận trọng khi tái tạo. Và nên cẩn trọng lúc gửi bài ra trình diện văn học. Tôi có kinh nghiệm khi đọc lại một số lớn bài thơ của mình đã đăng báo, đăng lưới, in sách, cảm thấy chưa xứng đáng.

Một đòi hỏi cần thiết cho người làm thơ thật sự muốn làm thơ là phải sống với thơ hàng ngày. Những ý nghĩ về thơ, những hình ảnh, tứ thơ luôn luôn ẩn hiện trong tâm trí. Bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, họ cũng có thể nhìn thấy hình ảnh, ý tứ, đề tài, hoặc đối tượng thơ. Có thể nói, thơ là nỗi ám ảnh triền miên của họ. Vì vậy, ngoài trừ có mục đích rõ rệt, nếu ngưng làm thơ, ý thức sẽ lơ là quan sát và quên dần nhiệm vụ nhắc nhở vô thức tập trung để đưa ra những chất liệu, kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến thơ. Đặc biệt, khi ngưng làm thơ một thời gian dài, cảm xúc có thể bớt nhạy cảm hoặc bị lạnh cảm. Bị tắc nghẽn cảm xúc nguy hiểm hơn bị tắc nghẽn tứ thơ.

Làm thơ không tính bằng bài thơ mà tính bằng sức kiên trì công phá những bí ẩn, biến số của thơ và những gì mới lạ đã bỏ công sức tìm kiếm. Vì vậy, nên tiếp tục làm thơ và tiếp tục hủy bỏ thơ dở. Kinh nghiệm cá nhân cho thấy, trong đám thơ sáng tác rồi hủy bỏ, bỗng dưng, một hôm, có một bài thơ nổi bật, làm tác giả sung sướng, hài lòng, cất vào bộ thơ chọn lọc. Sau khi được tái tạo, trải qua thời gian thách thức, đọc lại vẫn cảm thấy hay, bài thơ này có khả năng đại diện một mảnh sống, tài năng và nghệ thuật của nhà thơ.

Mọi bài thơ, mọi tác phẩm đều là thử nghiệm, trải nghiệm, thí nghiệm... Không có tác phẩm nào là tác phẩm hoàn tất nhất định, vì những nhà thơ chân chính là những người tiếp tục thử nghiệm thơ cho đến giây phút cuối cùng. Nếu một tác phẩm được người đời yêu chuộng, được văn học đánh giá cao, là thử nghiệm đó hội đủ một số điều kiện sáng tác và nghệ thuật thơ, nhưng trên hết là may mắn. Không có tác phẩm nào tồn tại trong đời mà không có yếu tố may mắn. Vì vậy, không chỉ tìm hiểu về thơ và những nghệ thuật phối hợp, mỗi nhà thơ thành danh nên tự hỏi: may mắn là gì? vì sao may mắn chọn tôi? Chẳng phải người xưa đã từng nói: Có tài chưa chắc đã bằng may.

Những lập luận trên đều áp dụng cho tất cả các thể loại sáng tác, như viết truyện, viết kịch, vẽ tranh, viết nhạc, viết tiểu luận....

Càng lớn tuổi tôi càng thấm hiểu đậm đà về hiệu quả của “may mắn.” Nó thực tế và lớn lao như “con người từ đâu đến” và “sẽ đi về đâu”. Nó cụ thể và có tác dụng hơn mong chờ hành động của Thượng Đế. Nó ẩn hiện khắp nơi trong mọi không gian và thời gian. Ai cũng có kinh nghiệm về may mắn, nhưng không ai thờ phượng cúng tế nó, mặc dù nó linh thiêng và siêu hình. Lý do dễ hiểu vì nó không có thầy tu rao giảng.

May mắn có khả năng tạo ra hoặc thay đổi cái được gọi là định mệnh. Không có kinh điển nào cho biết may mắn thuộc về thần thánh hay ma quỉ? Nhưng có một điều chúng ta đã biết: May mắn cho người này tạo ra rủi ro cho người khác. Và cái may mắn có thể là cái rủi ro trá hình.

Riêng về nghệ thuật, phải chăng sáng tác là kết tinh của sáng tạo và may mắn? Nếu “may mắn” có khả năng mang đến bài thơ hay, liệu thơ dở, phải chăng là “rủi ro”? Và làm thế nào để vạch mặt nếu rủi ro núp trong may mắn hoặc may mắn núp trong rủi ro?  Nếu chúng ta có cơ hội tìm hiểu “may mắn và rủi ro” kỹ lưỡng hơn, liệu sáng tác có cơ hội khá hơn? Khái niệm may mắn cho thấy thơ mang tính siêu linh và có đời sống tự nhiên độc lập với tác giả và độc giả.

Tôi biết, may mắn và rủi ro là một, gọi là “may rủi”. Nó xuất hiện trước khi, trong khi sáng tác, trong khi tái tạo, và sau khi bài thơ hoàn tất. Nhưng tôi không biết làm sao tìm nó, rủ rê nó, mời gọi nó, bắt bớ nó... Có lẽ, người đời sau sẽ biết.

Ngu Yên. Bản sửa mùa COVID 19.

 

Ngu Yên

08/2020