NGU YÊN

Ra Ngoài Thơ Nghĩ Về Thơ

Kỳ Hai

(Trích: Ra Ngoài Thơ Hẹn Thơ. Phát hành vào mùa đông 2020.)

(Kỳ 1 )

 

7.

Tôi nghĩ:

Khi những người có khả năng, trình độ và kinh nghiệm công nhận một bài thơ hay, họ chỉ cho chúng ta một khái niệm tổng quát. Từ ngữ “hay” có thể phân ra thành trăm mức độ hay khác nhau. Có thể lập luận nhiều kiểu hay không giống nhau. Có thể tranh cãi để chứng minh đó là bài thơ dở. Quan điểm này cho chúng ta ý thức  sự mơ hồ, không thể đánh giá chắc chắn, về giá trị của một bài thơ.

Tuy nhiên, hầu hết người làm thơ và người đọc thơ không quan tâm về giá trị lâu dài của bài thơ, mà chỉ tập trung sở thích vào hai chữ “hay” và “dở”. Nếu hiểu biết hơn, người đó sẽ sử dụng từ “thích” hoặc “không thích”.

Hay hoặc dở, thích hoặc không thích, thông thường đánh giá trên những câu thơ hay và cảm nhận chung toàn bài. Vì vậy, làm thơ hoặc đọc thơ, thường xuyên là tìm kiếm những câu thơ hay. Những câu hay góp lại dễ làm bài thơ hay.

Một bài thơ dù hay hoặc dở đều được cấu tạo bởi ba loại câu: câu dở, câu thường và câu hay. Chúng ta đã tìm hiểu qua câu thơ thường. Còn lại chỉ là câu thơ dở và câu thơ hay. Độc giả khó đồng ý với nhau về phẩm chất “hay”, nhưng dễ cùng nhau chấp nhận những điểm “dở”. Như vậy, nếu người làm thơ có thể xác định được câu thơ dở và loại bỏ nó sau khi sáng tác, bài thơ chỉ còn những câu thơ hay và những câu thơ thường, bài này có nhiều cơ hội được độc giả yêu thích. Lập luận này dẫn đến câu hỏi:

Thế nào là câu thơ dở?

Tôi nghĩ, câu thơ dở là câu thơ bắt chước. Không cần bàn đến việc đánh cắp thơ của người khác, kẻ cắp không thể là nhà thơ ngay từ căn bản. Bắt chước có nghĩa là nỗ lực làm cho giống, càng giống càng tốt. Bắt chước khác với mô phỏng vì mô phỏng có sáng tạo, còn bắt chước thì không. Người làm thơ nào cũng tự biết mình có bắt chước hay không. Bất kỳ nhà thơ danh tiếng nào đều sử dụng nghệ thuật mô phỏng.

Tôi nghĩ, câu thơ dở là câu thơ đầy ngôn ngữ cao ký, bí hiểm, mà không có ý nghĩa tương đương hoặc chẳng có ý nghĩa gì. Chữ nghĩa mang tính phô trương, lòe bịp người đọc thường có hiệu quả ngược lại. Nếu một bài thơ được xem là khó hiểu, không phải vì ngôn ngữ hoặc diễn tả khó hiểu, mà vì ý tưởng bên trong thâm sâu hoặc uyên bác nên khó hiểu. Cần được nghiền ngẫm hoặc giải thích mới có thể cảm nhận hết nghĩa hay ý đẹp.

Tôi nghĩ, câu thơ dở là câu thơ không có hai loại cảm xúc: cảm xúc của tâm tư và cảm xúc của trí tuệ. Trước kia, văn chương quan tâm hiệu năng của cảm xúc tâm tình. Về sau, văn chương chú trọng thêm cảm xúc trí tuệ. Cảm xúc tâm tình dễ phai nhạt, trong khi cảm xúc trí tuệ dễ tồn tại trong bài thơ. Thơ hay đương đại thường thể hiện cả hai.

Tôi nghĩ, câu thơ dở là câu thơ chuyên chở ý nghĩ tầm thường, nhàm chán, quen thuộc. Ngoại trừ trường hợp cò lý do đặc biệt, những câu này nên xóa bỏ, bài thơ dễ có giá trị hơn.

Tôi nghĩ câu thơ dở là câu thơ gặp trở ngại lúc sáng tác. Câu thơ xuất hiện khó khăn. Sửa lại nhiều lần vẫn không vừa ý. Câu đó nên xóa bỏ. Viết lại câu khác hoặc, đôi khi, không có câu đó, bài thơ suôn sẻ hơn.

Tôi nghĩ, bài thơ dở là bài thơ được cấu tạo bởi những câu thơ dở và những câu thơ thường, không có câu thơ hay. Nhiều câu thơ dở cũng làm cho câu thơ hay sa sút và bài thơ giảm thọ tồn tại.

Kinh nghiệm riêng của tôi, khi làm xong một bài thơ thường có những câu đắc ý. Những câu này mang đến sự sung sướng và hài lòng. Tuy nhiên, qua một thời gian, có khi khá lâu, đọc đi đọc lại, mới phát giác ra những câu đắc ý này có hại hoặc dở chớ không hay như mình nghĩ. Quan điểm này gây lúng túng cho sáng tác. Câu hỏi, chờ đến bao lâu mới có thể khám phá cái dở từ cái tưởng rằng hay? Câu trả lời tùy vào cá tính, sức học hỏi và mức độ thận trọng của mỗi người.

Tôi nghĩ, khi cái dở được khám phá, hủy bỏ, cái hay sẽ thăng tiến. Càng biết nhiều cái hay, sẽ dễ nhìn ra cái dở. Diễn trình này kéo dài suốt đời người, đến chết cũng không thể hoàn toàn tất.

Chuyện thực hành bỏ dở tìm hay chỉ trông cậy vào sở học tận tụy và lòng tự trọng.

 

8.

Tôi nghĩ:

Tôi không thể ngần ngừ trước câu hỏi của một nhà thơ trẻ. Anh nói: Chú đã xác định câu thơ thường, câu thơ dở, sao chú không xác định câu thơ hay? Tôi biết một số bạn đọc cũng có câu hỏi tương tựa. Tôi biết một số bạn thơ sẽ nghi ngờ về giá trị câu trả lời.

Thật ra, câu trả lời chỉ mang tính giai đoạn, chúng ta đều biết giá trị của thơ thay đổi qua mỗi thời đại và thay đổi theo sự phát triển trí tuệ, tâm tư của nhân loại. Tuy nhiên, như đã phân tích, phần nào đúng với bản thể thơ sẽ không thay đổi. Những thay đổi theo thời gian về phụ thể và thuộc tính sẽ do người đời sau khai phá.

Thế nào là câu thơ hay? Không phải thế nào là thơ hay? Bài thơ “hay” có nghĩa xác định là bài thơ “giá trị”.

Thế nào là câu thơ giá trị?

Tôi nghĩ, câu thơ giá trị là câu thơ hội đủ bốn yếu tính của bản thể thơ: Ý nghĩa, cảm xúc, thẩm mỹ và thông đạt. Cấu tạo cơ bản tuy đơn giản qua lý thuyết nhưng thực hành sẽ vô cùng phức tạp. Lý do câu thơ thành hình qua khả năng biến hóa của phụ thể và thuộc tính / sắc thái. Tùy mỗi cá nhân, mỗi môn phái, cùng một ý tưởng có thể sẽ thể hiện ra nhiều câu thơ khác biệt: câu dở, câu hay, câu thường. (Xem bài viết: Giải Thuyết Làm Mới Thơ Mới. Ngu Yên. Lưu trữ trên Academia, mạng nghiên cứu. Nội dung trình bày những điều gì có thể thay đổi để làm mới thơ và những điều gì không thể thay đổi để giữ bản chất thơ. Tầm nhìn từ diện bản thể học của triết học.)

Nếu một câu sáng tác thiếu một trong bốn yếu tính trên, sẽ không phải là câu thơ. Nếu câu thơ có đủ bốn yếu tính, phần còn lại để định giá trị nằm ở hiệu quả biến hóa.

Tôi nghĩ, câu thơ giá trị là câu thơ có ý nghĩa không quen thuộc. 1- Hoặc ý nghĩa khác lạ mang tính ngạc nhiên. Càng khác lạ không quá độ hư cấu, càng ngạc nhiên không đến độ khủng hoảng, câu thơ dễ gây sự thích thú. 2- Hoặc ý nghĩa thâm trầm, sâu sắc mang đến sự thức tỉnh, bừng sáng, choáng váng, hoang mang, nghĩ ngợi, câu thơ dễ đánh động ý thức, tâm lý hoặc vô thức để lưu giữ trong tâm tư.

Tôi nghĩ, một câu thơ giá trị là câu thơ có cảm xúc trôi chảy thể hiện qua hình ảnh, tứ và ngôn ngữ thơ. Cảm động là con dao hai lưỡi, có thể thuyết phục lòng người, cũng dễ tạo ra câu thơ bình dân. Cảm động là loại cảm xúc cần phải dùng đúng chỗ. Ưu điểm của xúc động là tuôn ra những lời thơ từ vô thức, có khả năng bất ngờ và ngoạn mục, tinh tế và màu sắc. Khuyết điểm của nó là sến, lời lẽ tả chân, bạch văn, đôi khi thiếu thẩm mỹ. Thông thường không cưu mang những ý nghĩa sâu sắc. Nhất là những xúc động giả tạo như Kim Cương khóc trên sân khấu.

Tôi nghĩ, câu thơ có giá trị là câu thơ thông đạt một cách trơn tru và tài hoa. Lời lẽ diễn tả rõ ràng cho dù hình tứ lạ lùng, ý nghĩa hiểm hóc, khó hiểu. Thông đạt phát xuất từ vô thức thường đưa ra những lời lẽ khác thường, kỳ diệu, làm ngạc nhiên cả chính tác giả. Những câu này cưu mang cảm xúc tự nhiên và ngôn ngữ biến hóa. Khác với những câu do ý thức nắn nót, gò mài, cố gắng thành hình. Sự khác biệt là một câu đầy sinh khí nhẹ nhàng bay cao và một câu đầy nghị luận, nặng nề. Ngoại trừ vài thể loại thơ mới đương đại, đang nỗ lực sử dụng câu thơ “không giống thơ” để làm thơ, tất cả những loại thơ còn lại đều quan tâm đến nghệ thuật thông đạt trong thẩm mỹ.

Điểm nhấn ở đây là khi nhà thơ tự nhận thấy bản thân đang dụng tâm trang điểm câu thơ, có nghĩa là, câu thơ đó không đạt được giá trị.

Tôi nghĩ, câu thơ giá trị tự nó nổi bật lên khỏi những câu chung quanh, kể cả những câu ở ngoài bài thơ. Nó có vẻ đẹp khiến người đọc phải dừng lại ngắm nghía. Có khi trầm trồ. Nó có ý tưởng hay ho khiến người đọc phải ngẫm nghĩ. Có khi rung đùi tán thưởng. Có khi thích thú khen thầm. Nó có điều gì lạ lùng, hấp dẫn mà người đọc tự nhiên đem lòng ngưỡng mộ.

Không ai có thể có khả năng sáng tác liên tục những câu thơ giá trị. Vì vây những câu thơ thường trở thành quan trọng mang chức năng hỗ trợ cho những câu thơ hay để có bài thơ hay.

Đối với độc giả, sự nghiệp của một nhà thơ đánh giá bằng những câu thơ hay, câu thơ giá trị. Đối với sáng tác, sự nghiệp của nhà thơ đánh giá bằng hiệu quả hiện diện của tinh tế từ khả năng sáng tạo.

Câu thơ hay, câu thơ giá trị, nếu có thể tìm thấy dễ dàng, mọi người đã trở thành thi sĩ.

 

9.

Tôi nghĩ:

Mỗi bài thơ thành công đều phải có không khí riêng của nó. Một ngày lạnh không thể lạnh nếu sức nóng lên trên 80 độ F. Không khí trong chợ buôn bán khác với không khí trong thư viện. Một bài thơ không tạo được không khí mà ý tưởng và cảm xúc của tác giả muốn xây dựng là bài thơ thất bại.

Điều khó khăn là làm sao đánh giá và xác định một không khí? Không khí vốn vô hình. Nó hiện diện nhờ khả năng cảm nhận. Nếu khả năng cảm nhận thiếu nhạy bén hoặc lầm lẫn thì sao?

Tạo ra không khí cho một bài thơ là việc làm của tác giả. Trong tiến trình sáng tác, một bài thơ có thể thành hình theo tự nhiên, tự động hoặc theo một ý định đã phát họa. Sau khi bài thơ đã định, tự nó sẽ tỏa ra một loại không khí nào đó. Khi nói đến không khí là nói đến sự thay đổi của thời tiết. Sáng nắng chiều mưa. Trưa nóng chiều lạnh. Gió nhẹ chuyển thành bão. Tuyết rơi giữa mùa hè ... Trong chu trình thời tiết, nếu dừng lại ở một điểm nào, chúng ta sẽ có không khí của thời điểm đó.

Một bài thơ có thể cưu mang một số trạng thái khác nhau. Khi bài thơ chấm dứt, các trạng thái thay đổi trong bài thơ tạo thành không khí. Như vậy, có ít điều cần quan tâm: 1- Không khí bài thơ có phải là không khí mà tác giả muốn xây dựng? 2- Nếu phải, không khí đó đậm hay loãng? Tạo được ấn tượng hay không? 3- Trong không khí này, bài thơ thừa hay thiếu những tứ thơ, chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ...trong vai trò cấu trúc hoặc hỗ trợ?

Những câu hỏi trên dẫn đến việc điều chỉnh bài thơ để có được một không khí vừa ý, sau khi sáng tác bài thơ đó.

Làm thế nào để đánh giá không khí của một bài thơ?

Đánh giá không khí của một bài thơ cần thực tế và khách quan. Việc này đương nhiên khó khăn và không hoàn toàn chính xác.

Thử qua nhiều phương pháp khác nhau, hiện nay tôi sử dụng những lập trình điện tử để đánh giá khí hậu một bài thơ. Có những lập trình giúp tác giả phân tích bài thơ khá hữu hiệu nhưng phải trả tiền thuê hàng tháng. Một ít lập trình miễn phí ở cấp bậc căn bản, cũng có khả năng giúp tác giả xác định khái quát không khí và tinh thần bài thơ. Một trong các lập trình miễn phí là Grammarly (Grammarly.com).

Trước hết tác giả phải tự dịch bài thơ qua Anh ngữ vì lập trình này chỉ đọc tiếng Anh. Không cần phải dịch cho thật văn chương, miễn đạt được ý tứ và kỹ thuật thơ căn bản là đủ. Nếu tác giả không có khả năng dịch, có thể sử dụng lập trình dịch của Google (https://translate.google.com). Tuy không chính xác, nhưng Google cho bài thơ dịch một tổng diện có thể tạm chấp nhận. Nếu bài thơ nặng tính siêu thực, tượng trưng, hoa mỹ, ẩn văn... Google sẽ đưa ra một bản dịch thất lạc. Nói một cách khác, trong trường hợp một bài thơ phức tạp, không nên dùng lập trình Google để dịch. Nên sử dụng những lập trình dịch cao hơn hoặc dùng người dịch có khả năng.

Sau khi có bản Anh ngữ, đưa nó vào lập trình Grammarly. Kết quả nhận xét về không khí và tinh thần bài thơ sẽ hiện ra. Dĩ nhiên, các lập trình phân tích hoặc hỗ trợ văn chương một cách căn bản chỉ có tính tổng quát và chuyên môn về kỹ thuật. Không có tính sáng tạo và không có nhiều suy luận siêu nhận thức.

Ví dụ,

Đầu Hàng, Những Thứ Có Độc.

 

Ai chẳng biết những thứ này có độc,

nhưng...

Ba mươi năm trước, tôi chiến đấu với đời sống,

bằng đàn bằng viết,

bằng niềm tin vào ý nghĩa sống để vui chơi,

bằng giá trị mơ hồ nhưng vô cùng sung sướng.

 

Bất kể thiên hạ là ai, họ muốn gì, chỉ khao khát tầm thường.

Bất kể những gì được ngưỡng mộ, chỉ phù phiếm như cỏ rác.

Bất kể đời sẽ ra sao, cứ mặc kệ, xem thử thế nào

Tôi vẫn đàn và viết.

 

Nhưng rồi tôi quỳ xuống, bưng trái tim quy hàng.

Vì sao?

Nhưng rồi tôi không còn khả năng chiến đấu.

Vì sao?

Cái gọi là định luật tự nhiên, không luật trừ.

Vì sao?

Thật là khốn nạn. Núi chưa mòn, sông chưa cạn, chỉ có người hấp hối.

Vì sao không lối thoát?

Vì sao những ngốc nghếch uổng đời rốt cuộc lại khôn ngoan thành công?

 

Tôi biết,

nhưng sẽ nuốt hết những thứ có độc này

và chết như con chó già

dưới chân người chủ ngu xuẩn.

 

Đưa bài này vào lập trình dịch của Google. Điều cần biết, ở mỗi thời gian khác nhau, bản dịch của Google có thể khác nhau, cho dù dùng cùng một bản gốc. Có thể, lập trình dịch của Google được sửa chữa hoặc cập nhật theo khả năng phát triển của điện tử.

Bản dịch Google ngày 8 tháng 4 năm 2109:

Surrender, Poisonous Things.

 

Who doesn't know these things are poisonous,

but...

Thirty years ago, I fought life

by playing guitar and writing,

by believing in the meaning of life to have fun,

by vague value but very happy.

 

Regardless of who they are, what they want, they only desire mediocrity.

Regardless of what is admired, just frivolous as rubbish and grass.

Regardless of life will be, just ignore, see how

I play guitar and write.

 

But then I knelt down, holding my heart in surrender.

Why?

But then I was no longer able to fight.

Why?

The so-called natural law, not the law of subtraction.

Why?

This is miserable. Mountains are not worn, rivers are not shallow, only people are dying.

Why not escape?

Why do stupid idiots, in the end, succeed wisely?

 

I know,

but will swallow all these poisonous things

and die like an old dog

under the stupid owner.

 

Nhận xét bản dịch: 1- Ý nghĩa khá tương đương. 2- Kỹ thuật thơ có nhiều lỗi. 3- Văn phong gần gũi với bản gốc.

Đưa vào Grammarly, sẽ thấy nhận xét:

Văn bản của bạn có sắc thái như thế này:

Buồn: 3 nút trên 5

Không hài lòng: 2 nút trên 5.

Thông tin: 1 nút trên 5.

Thời tiết chính của bài thơ là buồn, thời tiết phụ là không hài lòng, tạo ra giọng điệu thất vọng, tạo ra không khí bất mãn.

Bài thơ này có thể điều chỉnh bằng cách gia tăng nỗi bất bình, lòng thất vọng, cảm xúc về thân thế không may mắn ... Nâng mức độ Disapproving lên 4 hoặc 5 nút, bài thơ sẽ thuyết phục hơn. Hoặc nâng mức độ Sad lên 5 nút, sẽ tạo nên không khí tuyệt vọng.

Thử nghiệm nhiều ví dụ, tôi nhận xét, sự thay đổi trong giọng điệu một bài thơ tương đương với chu trình thời tiết. Không khí của bài thơ là do giọng điệu của bài thơ tạo ra.

Trước là chất giọng, sau đến luận điệu.

Bài thơ tái tạo:

Đầu Hàng, Những Thứ Có Độc.

 

Ai chẳng biết những thứ này có độc,

nhưng...

Ba mươi năm trước, tôi chiến đấu với đời sống,

bằng đàn bằng viết,

bằng niềm tin vào ý nghĩa sống để vui chơi,

bằng giá trị mơ hồ nhưng vô cùng sung sướng.

 

Bất kể thiên hạ là ai, họ muốn gì, chỉ khao khát tầm thường.

Bất kể những gì được ngưỡng mộ, chỉ phù phiếm như cỏ rác.

Bất kể đời sẽ ra sao, cứ mặc kệ, xem thử thế nào.

Tôi vẫn đàn và viết.

 

Nhưng rồi tôi quỳ xuống, bưng trái tim quy hàng.

Vì sao?

Nhưng rồi tôi không còn khả năng chiến đấu.

Vì sao?

Cái gọi là định luật tự nhiên, không luật trừ.

Vì sao?

Thật là khốn nạn. Núi chưa mòn, sông chưa cạn, chỉ có người hấp hối.

Vì sao không lối thoát?

Vì sao những ngốc nghếch uổng đời rốt cuộc lại khôn ngoan hơn người?

 

Thành công và thất bại pha lẫn trong bình rượu,

uống không ngừng, muốn mửa, mửa không ra

Khát vọng và thất vọng như con chó mắc xương nghẹn cổ

muốn sủa, sủa không được.

 

Tôi biết,

nhưng sẽ nuốt hết những thứ có độc này

và chết như con chó già

dưới chân người chủ ngu xuẩn.

 

10.

Tôi nghĩ:

Không gian của thơ bao gồm bốn loại: Khoảng trống, khoảng trắng, khoảng đầy và khoảng màu. Khoảng trống có chiều sâu. Khoảng trắng có bề rộng. Khoảng đầy có chữ tượng trưng thơ. Khoảng màu theo chiều không gian mà đậm, nhạt. Khoảng màu dễ nhận ra trong không gian hơn là trên trang giấy.

Bốn khoảng kết hợp trong một thời gian nhất định, trở thành bài thơ duy nhất.

Tôi không gọi không gian thơ là trang giấy vì thơ vượt ra khỏi khuôn khổ này. Thơ có thể dàn dựng ba chiều, với kỹ thuật điện tử có thể trở thành bốn chiều. Tức là, cộng thêm chiều ảo. Thơ đã vượt ra khỏi giới hạn của trang sách.

Từ xưa đến nay, người nghệ sĩ quan niệm: không giải thích tác phẩm. Người xem muốn hiểu thế nào, cũng được. Muốn giải mã ra sao, tùy nghi.

Nhưng thơ cần điềm chỉ. Làm thơ là điềm chỉ ngầm. Viết về thơ là điềm chỉ nổi.

Thật tình, tôi muốn giải thích thơ, trước hết cho bản thân về tất cả những gì làm thơ có giá trị nhưng không đủ khả năng vì thơ lớn hơn hiểu biết và kinh nghiệm của một người. Tôi nghĩ, không ai có thể giải thích thơ cho hết những tiềm tàng và biến hóa của nó. Vì vậy, một không gian của bài thơ, dù là trang giấy hoặc khuôn trời dàn dựng, chứa đựng rất nhiều thứ thuộc về thơ mà chỉ có siêu nhận thức và siêu nhiên có khả năng chạm đến.

Sự bất lực của con người xâm nhập vào thơ chứng tỏ được điều gì?

Hoặc thơ quá mênh mông, sức người có hạn?

Hoặc thơ chỉ là phương tiện để nói mà một người không thể nói hết về cuộc đời?

Hoặc thơ là thứ quyến rũ như mọi thứ quyến rũ khác: 1- có khả năng quyến rũ những người say mê tính hảo huyền, 2- những người thất thế, những người vọng tưởng bản thân có tài năng, 3- sau cùng, những người trông cậy sự công nhận, khả năng đánh giá của người khác?

Hoặc thơ chẳng là gì, ngoài trừ ý nghĩa theo lịch sử và tư duy thời đại mà một số người đã hư cấu ra nó?

 

Bản sửa trong mùa dịch COVID 19.

(Xem tiếp kỳ ba: Thơ tương lai là thơ gì?)

 

Thơ Ngu Yên

Tấm Ảnh Chết Hai Lần.

 

Trên đỉnh đồi trọc,

một nhà,

một cây,

chiều,

mưa.

Cảnh như góa phụ nhớ chồng.

 

Tấm ảnh gửi đến người tị nạn

địa chỉ Hoa Kỳ.

 

Đã hơn nửa tháng,

bận rộn chưa xem thư

ông đi họp,

gọi điện thoại,

gửi email,

kêu gọi trên facebook,

vận động tranh cử.

Tâm trí vắng mặt tình nhà.

 

Trên đỉnh đồi trọc,

một nhà cũ,

một cây xơ xác.

Cảnh như góa phụ chết chồng,

lần thứ hai.

 

 Leo Núi Biết Đâu Là Giới Hạn.

 

Tôi trở thành người leo núi chuyên nghiệp,

sau nửa thế kỷ leo đời.

Khi con ốc sên biết mặt trời,

một trái cam bốc lửa.

Khi con sáo sậu biết ca dao,

bỏ sâu bọ

tìm ăn thóc lúa.

Khi vi trùng đỏ phương bắc

thương hàn phương nam.

 

Thở tận lực leo lên vách đá.

Ý chí, mồ hôi, mưa, nắng làm bạn đồng hành.

Mang gió trên lưng.

Chân đạp vực sâu.

Vợ tôi trở thành người đợi chờ chuyên nghiệp.

Chờ chồng leo cao

Dù biết trước không có gì trên đó.

Em nói,

Làm người bình thường không tốt hơn sao?

 

Mỗi người đều có ám ảnh riêng.

Càng nhiều tài năng, ám ảnh càng lớn,

cất giấu lâu năm thành chất độc hãm hại tâm tư.

Vách đá dựng đứng không phải khó vượt,

Khó vì lòng người chỉ muốn bình thường.

Nỗi khổ của lá không phải vì mưa,

Mà khổ vì lá chung quanh chen lấn giành giựt nắng. 

Nỗi buồn sâu đậm không phải vì đời sống,

vì phải sống cho vừa ý nhiều người.

Leo núi,

không phải để chứng tỏ thành công,

chỉ đo lường đến mức nào bỏ cuộc.

Tôi leo núi chuyên nghiệp

như nhạc sĩ chơi đàn

trong quán rượu sắp đóng cửa.

 

Nhiều lần tôi rơi xuống.

Có lần rơi xuống thật sâu,

trở thành người ngủ nhờ trong phòng tắm.

Có lần rơi trên bãi khô mùa đông

nằm bất động chờ xanh dần theo cỏ.

Lần cuối, tôi rơi...

Con ốc sên lần đầu tiên biết khóc.

Rồi tập bay như chuồn chuồn gù.

 

Nhưng tôi đã từng leo lên đỉnh khó.

Nơi vinh quang trí tuệ đầy vi trùng.

Nơi những chiếc lưỡi bị thương tật, bị giải phẫu, bị băng bó.

Nơi suy nghĩ không thể thăng thiên

bởi của cải, lòng tham cân nặng hơn giá trị làm người.

Cá sấu khác với cá chép

Nhưng giống rồng.

Tôi đã gặp cá sấu giả rồng trên các đỉnh công danh hiển hách.

 

Tôi đã leo lên đỉnh xuyên mây.

Sương núi hắt hiu.

Lòng người thanh thản theo cãm giác buồn tản mạn.

Nhìn xuống không thấy gì cao hơn bàn chân.

Trên đỉnh đứng gần đụng cầu vồng.

Bắt được mây,

mây tan.

Sống chỉ một lần,

Có quá nhiều việc cần làm, miệt mài không hết.

Khi đến già

cần mất dần trí nhớ

cho sống bớt băn khoăn.

 

Tôi đã từng leo lên đỉnh lạ,

Nơi tịch liêu con sáo hót một mình.

Tiêng hân hoan mà thê lương.

Nhất về đêm khi ánh trăng tàn tạ

buồn chất đống

không còn cách nào

con sáo ăn thịt ốc sên.

Chấm dứt một đời chuyên nghiệp leo núi.

 

Dù dễ hay khó

Không ai có thể leo qua vách quan tài

 

Ngu Yên

08/2020