Lý Ốc BR
môn Reading
trong giáo dục và ích dụng của việc Đọc
Lê Thị Huệ: Học sinh ở Mỹ học môn “Đọc Sách” (Reading) khác với môn Tập Làm Văn (Writing) từ mẫu giáo đến đại học. Một em học sinh ở Mỹ không những được giao bài làm cho môn Reading là phải đọc thêm sách ở ngoài trường học, mà sách vở đến từ ngoài trường học là kho tàng vô giá đáng tin cho cá nhân trưởng thành trong nền giáo dục Mỹ.
Nguyễn Tà Cúc: Sở dĩ trẻ em bên này được dạy cách Đọc với một tinh thần thu thập rồi phân tích chính vì chúng ta ở đây có tự do hơn. Nếu Đọc dù với tinh thần thu thập nhưng không có tự do để phân tích, cũng sẽ thất bại khi Viết, nói chi lại không được tự do Đọc?
Việc đọc sách ở nơi đâu dường như cũng giống nhau. Nó chỉ khác nhau nếu người ta nâng nó lên thành một định hướng trong giáo dục học đường và cả ngoài xã hội dành cho đại chúng. Tôi nhớ thời tôi đi học từ bậc tiểu học tại miền Nam VN trước 75, đã có các bài Tập Đọc trong môn Tập Làm Văn để đọc và học thuộc lòng. Những đoạn văn trích ngắn chừng 5,7 hàng của những nhà văn hay nhà thơ nổi danh. Những đoạn văn thơ ngắn của Nguyễn Bá Học, Thanh Tịnh, Sơn Nam, Nguyễn Bính, Tô Hoài, Thạch Lam, Khái Hưng v.v....
Nhưng mà bài tập đọc thời ấy chú trọng nhằm vào cách viết văn, tả cảnh, tả tình, cách đối thoại hay xưng hô, lễ giáo, tập tục, tình người. Nói chung là đức dục. Thật khác nhiều so với lối giáo dục về việc đọc, môn đọc sách - reading của Mỹ. Môn đọc sách trong nhà trường từ lúc sơ học Elementary cho đến trung học High School và cả khi lên Cao Đẳng và Đại Học College.
Theo nghiên cứu và thống kê, tựu trung việc đọc sách có định hướng sẽ mang lại 10 ích dụng benefits như sau:
1- Stimulates the mind - Kích thích trí não
2- Acquire knowledge - Thu được kiến thức
3- Expands your vocabulary - Mở rộng kho ngữ vựng
4- Sharpens writing skills - Sắc bén hơn khi viết văn
5- Hones critical and analytical skills - Mài giũa rèn luyện khả năng phê bình và phân tích
6- Improves memory - Cải thiện trí nhớ
7- Boosts concentration - Tăng thêm sự tập trung
8- A fun source of entertainment - Một nguồn giải trí lý thú
9- Feeds your imagination - Nuôi nấng trí tưởng tượng người đọc
10- Reduces stress - Giảm bớt lo lắng căng thẳng (1)
10 Ích dụng trên có thể ứng vào mọi lứa tuổi. Từ các em nhỏ, thiếu niên cho đến tuổi trưởng thành và cả người lớn tuổi. Tôi thích nhất các phần 3, 4 và 5. Trong kinh nghiệm viết và sáng tác (tài tử) của tôi, phải nói là nhờ sự đọc rất nhiều. Tôi mê đọc sách từ hồi nhỏ, sớm nhất, từ năm lớp 5. Tôi đọc ngấu nghiến bất cứ loại sách gì tôi bắt được. Thời đó, ba tôi đi lính, con nhà nghèo làm gì có tiền mua sách nhiều mà đọc cho thỏa. Hệ thống thư viện công cộng của miền Nam VNCH, trong hoàn cảnh chiến tranh, gần như là số không. Tôi nhớ quyển sách đầu tiên mà tôi dành dụm tiền để mua là quyển tiểu thuyết võ hiệp của VN "Bến Chợ Đêm Khuya", dầy khoảng hơn 200 trang, giá 52 đồng. Sau khi đem về nhà đọc xong, tôi đem vào trong lớp học chuyền tay trao đổi với mấy đứa bạn học mê đọc sách khác. Có lẽ cuốn BCĐK đi vòng vòng qua nhiều đọc giả của nhiều lớp học khác. Vài tháng sau, nó chuyền đáo lại đúng nguyên chủ là tay tôi, thì đã gần như te... tua tơi tả. Tuy nhiên, nhờ vậy tôi cũng đọc được khá nhiều quyển sách truyện khác nhau.
Bây giờ, ở Mỹ lại sống trong thời đại internet. Rảnh rổi, tôi viết, dịch này nọ cũng như "sáng tác" thơ ca trên trang blog cá nhân. Tôi chợt nhớ lại biết là bao nhiêu từ vựng mà tôi đã đọc được suốt thời kỳ đi học và sống ở VN. Biết bao nhiêu là "trường phái" và "bút pháp" mà tôi đã có dịp ngấu nghiến say mê từ nhỏ. miền Nam có miền Bắc có. Võ hiệp kỳ tình có, trinh thám hay phiêu lưu đường rừng cũng có tuốt. Phật có Chúa có Khổng Lão gì cũng đều muốn coi qua. Vậy là nhờ kinh nghiệm đọc nhiều (thứ).
Tôi tưởng là tại tôi đọc hỗ lốn chứ thật ra, từ khi có con và nuôi con ở Mỹ thì tôi mới biết là việc đọc nhiều sách khác nhau cũng được chính nhà trường khuyến khích rất đàng hoàng. Phải nói là tôi đã ngạc nhiên khi các đứa con tôi mới học lớp 4th lớp 5th đã được cho đọc sách - môn Reading bắt buộc theo một cái list của nhà trường chỉ dẫn. Đồng thời, trường học cũng không hạn chế đọc loại sách nào. Họ đề nghị cha mẹ dẫn con em đến các thư viện công cộng của địa phương để mượn sách đọc thêm. Lúc đó, tôi hay dắt 2 đứa con đi tiệm bán rẻ sách cũ đủ loại "Half Price Books Store" để kiếm mua các quyển sách nhà trường đề nghị trước, sau đó là sách nào mà tụi nó thích đọc mua thêm. Dĩ nhiên, vì là môn học cho nên học sinh sau khi đọc xong phải tóm tắt ý chính cũng như trả lời các câu hỏi về nội dung và nhận xét từ ngữ mới cũng như hành động của các nhân vật trong sách, khi làm bài tập. Ngoài ra, một tiệm thức ăn nhanh như McDonald's cũng hợp tác với nhà trường trong khu học chính school district của địa phương, bằng cách biếu cho không một phần bánh "Kids meal cheeseburger" (giá khoảng hơn 1 dollars) nếu em học sinh nào đã đọc đủ hoặc hơn 10 quyên sách trong mùa Hè (tự giác viết ra cái form in sẳn). Đứa con út của tôi các năm nó học lớp 5th lớp 6th thì nó đã xin tôi mua và đọc đủ bộ truyện Harry Potter thời danh gồm 7 quyển dày cộm. Tôi giật mình. Hổ phụ sinh hổ tử. Tôi tưởng mình hồi nhỏ đọc nhiều, so với nó chẳng nhằm nhòi gì cả. Tôi hỏi nó: Con đọc mà hiểu hết không, you hiểu được how many percent? Nó trả lời tỉnh queo: 85% kinda, Dad!
Nói chuyện đọc sách, ghi nhớ vào ký ức, và óc nhận xét, tôi lại nhớ có lần đọc trong 1 cuốn sách khảo luận của GS Lương Kim Định. GS Kim Định viết sách và ông hay có những phát kiến cùng nhận xét rất bất ngờ. Ông cho rằng trong sách Trung Dung cuả Nho Giáo có câu: Bác học, quảng vấn, thận tư, minh biện, đốc hành (2). Người đi học phải nên học rộng, hỏi nhiều, suy nghĩ kỹ, phải biện biệt được phải trái rồi sau cùng thì hành động. Theo Kim Định, Nho Giáo chú trọng vào việc học, họ chủ trương trọng sĩ. Khổng Tử, Mạnh Tử cho rằng sĩ còn quý hơn vua. Trong câu sách Trung Dung nêu trên thì chính giai đoạn "minh biện" mới đáng kể. Học nhiều, nghiên cứu nhiều, hỏi nhiều chưa phải là trí thức. Chính là yếu tố minh biện, biết nhận xét phải trái, hay dở, đúng sai, phù hợp không phù hợp mới là "cốt tính" của trí thức. GS Kim Định không ngần ngại cả quyết rằng nhà trí thức phải xem giai đoạn minh biện làm kim chỉ nam cho tri thức của mình. Còn giai đoạn chót "đốc hành" (làm như một quán tính, thiên mệnh, hạnh phúc) thì tự nhiên sẽ đến thôi vì là kết quả của sự học rộng hỏi nhiều và có óc suy luận phân tích, biết biện biệt. Giai đoạn minh biện của Nho Văn cũng tương tự như ích dụng benefit số 5 thống kê Mỹ về đọc sách: Hones critical and analytical skills, mài giũa rèn luyện khả năng phê bình và phân tích.
Lý Ốc BR
Northwest - 2018
Sources:
(1) http://www.healthfitnessrevolution.com/top-10-health-benefits-reading/
(2)
https://kknews.cc/education/g8o924y.html, 博學之,審問之,慎思之,明辨之,篤行之。語出《禮記·中庸》, Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi. Ngữ xuất
https://online.mc.edu/articles/education/reading-for-elementary-students.aspx
http://www.teachreadingearly.com/benefits-of-early-reading.php
http://www.gio-o.com/LyOcBR.html
© gio-o.com 2018