Vũ Khắc Khoan

III

Cuối thu 1985.

Nhìn ra đầu ngõ bắt gặp ánh vàng rực lá cây phong, giật
mình nghĩ rằng thế là mùa thu đã qua, đang tàn, rằng
tuyết lại sắp rơi.  Mấy trang viết bỏ dở từ cuối mùa
tuyết năm ngoái, bút khởi đi từ "mây mùa thu" và "khói
trong lò" ngưng lại nửa vời nơi pháp hội Lăng Nghiêm. Từ
đó nhẫn nay, trong tôi dấy lên nhiều vọng tưởng và cũng
đã nhiều vọng tưởng bay đi, đã tuyệt mù. Đã tuyệt mù
những cõi pháp năm xưa, nghi nghi hoặc hoặc. Nietzsche,
Dostoeski, Sartre, Singer lần lượt rút về giá sách. Đầu
giường chỉ còn lại kinh và kệ Nhưng đêm đêm trước
những pháp hội mở ra, Khoan tôi vẫn mang tâm trạng một
người ngoại cuộc. Thường vẫng lặng thinh, để mặc cho
dòng vọng tưởng theo lời kinh dấy lên lôi cuốn, ngây ngây
dại dại rồi theo cái trùng trùng đan kết những hình
tướng dâng lên muôn hình vạn dạng biến hóạ Đôi khi lời
kinh dẫn tôi trở về ngày cũ. Bất giác tôi gặp lại...
cái tâm hồn ấu thơ thuở nhỏ, trốn học "phiêu lưu" dọc 36
phố phường Hà Nội, mỗi hẽm nhỏ là một thế giới riêng
tư, mỗi lùm cây là một cõi trời đặc biệt. Những giây
phút đó lâng lâng lời kinh dời hẳn nghĩa kinh, lời kinh
kể chuyện cổ tích, rủ tôi đi vào một cơn mộng du hoang
vu thăm thẳm, tròng mắt ruổi bắt bạt ngàn thấp thoáng
muôn hồng ngàn tía màu sắc cầu vồng loang loáng bong bóng
giọt mưa Ngâu, từ những đám mây trời Bắc Việt rơi
xuống, từ một nền gạch Bát Tràng dấy lên - ôi, cái
ướt át lành lạnh gấu quần thấm nướt và chiếc lá bàng
đỏ kệch lắt lay đầu ngõ heo hút gió tây - màu sắc
chân-kim mây trời Tha-Hóa-Tư.-Tại, màu sắc xích-châu mây
trời Hoa-Lạc, mây trời Đâu-Xuất mà sương tuyết, mây
trời Da-Ma màu lưu ly, mây trời Đao-Lợi màu mã não, mây
trời Tứ-Chiêu-Vương trong suốt pha lệ Và tự đó, từ
những hình và sắc mây trời vần vụ, bay lên, những mùi
hương lạ, những mùi hương đi không chỗ tới, đến không
chỗ bắt đầụ Và một mùi hương đặc biệt, mùi hương
như một phương tiện nói pháp, mùi hương cõi đó, nước
Chúng Hương. Và bất giác tôi như bị hút vào một khoảng
không bát ngát 42 số cát sông Hằng cõi Phật. Và những
con đường, những dòng sông, những cánh buồm, những cánh
chim bay, vô lượng cõi pháp nơi thị hiện vi trần số chư
Phật. Từ mênh mông cực đại đến thăm thẳm cực vi,
cực đại tùy niệm biến thành cực vi, cực vi biến thành
cực đại, a tăng kỳ kiếp tùy niệm thu lại thành một sát
na, một sát na tùy niệm trở thành a tăng kỳ kiếp, lời
kinh loang ra như một chất men, tôi choáng váng giữa một mê
cung dạt dào vọng tưởng, lẫn lộn cả cực đại, cực vi,
hiện tại, tương lai và quá khứ.

Đâu là mê, nẻo nào là ngộ.

*
**

Cứ như vậy, đêm đêm, Pháp hội mở ra - Lăng Nghiêm hay
Pháp Hoa, Hoa Nghiêm hoặc Viên Giác, Lăng Già - lời pháp
với tôi không nói vọng nói chân, không bàn mê hay ngộ,
không nói Thiên đường và Địa ngục, không nói cả Niết
bàn. Lời pháp chỉ rủ rỉ kể chuyện ngày xưa, hát nhỏ ca
dao, lời pháp ấm như lời bà ngoại ru cháu nhỏ. Tôi thấy
cuốn Lăng Già nặng chĩu trên tay, 108 thắc mắc Đại Huệ
quay cuồng trong tôi, để trở thành 18 vị La Hán Thiếu Lâm
Tự và cho đến khi 18 vị La Hán biến dạng, phương trượng
chùa Thiếu Thất bước ra, nội lực phồng tay áo cà sa,
vết chân in hằn trên thềm đá tảng, cho đến khi 18 vị La
Hán lùi bước trước 108 tên lãng tử sông hồ Lương Sơn
Bạc, thì lời pháp mờ dần, lời pháp mất hút, tuyệt mù.

*
**

Lời ru cháu lẫn vào tiếng gà gáy lẻ ngoài vườn. Bà lim
dim cặp mắt, cháu ngủ đã từ lâụ Cả bà lẫn cháu và
lời ru, cả 3 nhập một. Tôi lặng lẽ dìu tôi đi vào một
cõi, mới dấy lên. Cõi đó, lạ lạ quen quen. Cõi đó hằng
đêm. Cõi đó, riêng tôị Một mình.

IV

1986.

Lâng lâng trong mù sương nơi ngưỡng cửa pháp hộị Một
mình.

Minnesota tháng 7 - 1986

Theo Vũ Khắc Khoan
Đọc Kinh
Nhà xuất bản An Tiêm 1990

Vũ Khắc Khoan sanh ngày 27 tháng 2 năm 1917 tại Hà nộị
Qua đời ngày 12 tháng 9 năm 1986 tại Minnesota, Hoa Kỳ. )

 

Nhớ Người Đọc Kinh

Của Huyền Không

 

Anh Vũ Khắc Khoan là một nghệ sĩ đích thực. Người nghệ sĩ ấy đã đi tới mọi ngõ ngách đời bằng đôi chân trần của mình mà vẫn giữ đừng cho những hạt bụi phiền- trước-được- mất bám vào gót. Ước mơ thầm kín nhất của một ngườI đã là tác giả thì sẽ để lại cho đờI những tác phẩm tiếng tăm. Nhưng trường hợp Thần Tháp Rùa và Thành Cát Tư Hãn thì nhất định không chịu mang theo những tăm tiếng ấy, trả hết tăm tiếng lại cho trần gian như đã gửi trả hết lại cho mây những bềnh bồng của mái tóc thanh xuân, trả hết lại cho gió những trở mình êm ái của chiếc khăn quàng cổ lãng tử thi nhân để rồi gần cuối đời, trải hồn trầm tư trên trang kinh Lăng Nghiêm thiên cổ, làm một người Đọc Kinh để khép lại những mênh mông sương khói của một đời nghệ sĩ.

 

Nếu cuộc đời của anh Khoan như hình ảnh của một ngọn núi thì anh đã sống nửa phía núi phương Đông với trái tim vồ vập, với cuống cuồng tham dự, với trọn vẹn tâm thức lăn xả vào đời; rồi anh sống tiếp nửa phía núi phương Tây với tấm lòng bình thản, với đôi mắt an lành, với tình cảm hiền hòa rộng lượng. Phương Đông là dập dồn sức sống rất nắng mặt trời. Phương Tây là tâm hồn lặng lẽ mát dịu nguồn trăng. Anh Khoan là sừng sững một ngọn núi. Ngọn núi ấy đã biết cách hoàn tất trong dịu dàng thầm lặng một chu kỳ sinh diệt.

 

Trong mấy mươi năm quen biết với anh Khoan, có 2 điều bất ngờ để lại trong lòng tôi nhiều thiện cảm. Và chính từ những thiện cảm đó, mà khi được tin anh mất, tôi buồn và nhớ anh nhiều hơn.

 

Điều bất ngờ thứ nhất xảy tới vào năm 1978, tôi vượt biên thành công và tới thành phố Los Angeles. Khi bắt tay vào Phật Sự, tôi được biết anh Khoan đang là Hội Trưởng Hôi Phật Giáo tại Minnesota. Làm sao tôi có thể dễ dàng tin được Nhà Văn Vũ Khắc Khoan, tác giả tùy bút lộng ngôn Ngộ Nhận lại trở thành một Hội Trưởng Hội Phật Giáo ở chốn tha hương đất trích? Tôi tìm cách điện thoại liên lạc với " mới, gửi lời chúc mừng và được anh Khoan nhã ý gửi vé máy bay cho tôi lên thăm. Gặp nhau, anh đãi tôi bữa cơm chiều trên chiếc bàn đặt giữa vườn sau trong bề bộn lá vàng của mùa thu vừa chin tới. Chỉ mới mấy năm cách mặt, gặp lại anh giữa quê người, tôi nhìn thấy một anh Khoan thong thả, minh triết và dịu dàng. Hồ trường rót về Tây, những men đắng của rượu nồng đã nhường chỗ cho những giọt nước trong.

 

Điều bất ngờ khác xảy ra khi chúng tôi còn làm việc chung ở Đại Học Vạn Hạnh. Một dạo, Sinh Viên Vạn Hạnh tổ chức Lễ Phật Thành Đạo và để thay đổi vóc dáng, anh em muốn mời một Giáo Sư Cư Sĩ nói chuyện Đạo mà không là các Thầy quen thuộc. Tôi đang ngồi nơi hành lang, cố ý chờ, bất cứ một Giáo Sư nào tới lúc đó cũng sẽ là một giải pháp. Bất ngờ, một chiếc xích lô vừa trờ tới và người ngồi xe là Gs Vũ Khắc Khoan. Tôi hết sức vui mừng vì lòng nghĩ rằng thế nào cũng mời cho được anh Khoan nói chuyện Đạo với sinh viên. Khi nghe tôi ngỏ lời mời, anh quyết liệt từ chối, viện lẽ mình không am hiểu Phật Pháp. Tôi không chịu thua cuộc. Tôi nói với anh rằng đã là tác giả lừng lẫy của Thành Cát Tư Hãn và Thần Tháp Rùa, cái chi lại không biết. Không từ chối được, cuối cùng anh đồng ý nói với điều kiện là tôi phải "mớm ý" cho anh. Tôi để anh ngồi xuống yên tĩnh rồi mới nói:

"Trong cuộc đời đức Phật có 4 sự kiện quan trọng đều xảy ra trong mùa trăng:  Lễ Phật Đản,( trăng tròn tháng thứ hai Ấn Độ), Lễ Xuất Gia, Lễ Thành Đạo, Lễ Phật Nhập Niết Bàn... đều vào Trăng Tròn Tháng Thứ Hai Ấn Độ". Chỉ thế thôi. Sau đó Gs Vũ Khắc Khoan đi vào giảng đường và nói chuyện cùng sinh viên qua đề tài : "Đạo Phật qua Bốn Vừng Trăng Tròn", một đề tài chưa có ai từng nói và sinh viên hôm ấy đã đón nhận một cách thích thú. Quả tình đã là nghệ sĩ thì khả năng sáng tạo như một lẽ thường và tâm hồn phong phú đa dạng của gs Vũ Khắc Khoan chỉ cần một lay nhẹ cũng đã làm nên cảm xúc.

Anh Vũ Khắc Khoan là một nghệ sĩ đích thực. Một nghệ sĩ cuối đời đã biết bỏ phấn trắng bảng đen, bỏ chữ bỏ lời, bỏ tiền trường sân khấu, bỏ những đêm men say, bỏ những ngày ngất ngưởng.. Anh đã bỏ hết tất cả và đã Một Mình lặng lẽ :"lâng lâng trong mù sương nơi ngưỡng cửa pháp hội."

 

Tôi cảm kích vì đã gặp anh trong đời này, tiếp xúc với đôi điều bất ngờ lý thú và cái còn lại trong tôi khi vắng mặt anh là sự quý mến sâu xa. Tôi cũng muốn nói ra cùng Anh tấm tình quý mến ấy trong buổi lễ tưởng niệm hôm nay.

 

Đọc thêm về Vũ Khắc Khoan