Vũ Hoàng Thư

đọc hai câu thơ Phạm Công Thiện

 

 

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông

(Phạm Công Thiện)

 

Người ta nói đến, bàn luận hai câu thơ trên nhiều nơi, người trầm trồ, kẻ khen ngợi không ít. Có thể vì tên tác giả là Phạm Công Thiện chăng? Tôi tuyệt đối không có ý phê bình sự cảm ứng của người khác về hai câu thơ này, không những thế mà còn tôn trọng ý kiến của họ. Đó là những cảm xúc rất riêng tư từ độc giả, nhất là đối với thi ca, mọi sự phân tích chi li đều trở nên thừa thãi.

Đối với cá nhân tôi hai câu thơ trên cũng chỉ thường thường bậc trung, đọc xong rồi quên, nếu không phải vì tên Phạm Công Thiện phía sau. Nhớ đến câu thơ không vì câu thơ hay mà vì huyền thoại dính dấp đến câu thơ. Câu đầu giống hệt như hai hột nước từ hai tác giả Hoàng Trúc Ly và Phạm Công Thiện, ai làm trước, ai làm sau, có lẽ để hạ hồi phân giải khi ta có đủ tài liệu chứng minh. Cũng có thể không bao giờ chứng minh được. Nhưng tại sao phải lập lại nguyên câu của một nhà thơ khác nếu mình sáng tác sau người ta, nhất là trong trường hợp này hai ông quen biết nhau? Chí lớn gặp nhau? Đó là một câu hỏi về to be or not to be... 

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn,
Em ngủ một mình đêm gió mưa.

(Hoàng Trúc Ly) 

Thơ mở ra sự đồng cảm và đồng vọng rất riêng biệt giữa tác giả và người đọc. Chỉ cần một, hai câu, hay nhiều khi vài chữ trong câu là đủ mở ra một khung trời thâm viễn, loạn cấu thiên nhai, ngập tràn hớt hãi, kéo ta xuống vực trầm, nâng ta bay cảnh giới ngoại tầng... Có lạnh xương sống, ụ làn da khi nghe câu thơ “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”  (Không Lộ), một tiếng hú dài vang lạnh băng, dẫn ta về cô phong đỉnh, non quạnh tịch liêu? Hoặc giả,

CỐ HƯƠNG 

Con chim
hót
một tràng sông
nụ cười bản trạch
thơm nồng cõi xa

(Thi Vũ) 

Vui vầy bản trạch, nơi cố thổ quê cha, nẻo mẹ, có hương mang đậm mùi quê, tiếng quê hương? Con chim ấy nhìn dưới góc độ vũ trụ quan, có phải chim Ca Lăng tần già, tiếng hót là những thiên hà dẫn về quê hương, chẳng phải Le Royaume của Camus nhưng nơi nụ cười chưa bao ngừng ở chốn Di Đà?

Và biết bao, những hai câu rộn rã tịch nhiên, dồn lòng đối đãi âm u,

ta đi còn gửi đôi giòng

lá rơi có dội ở trong sương mù

(Bùi Giáng) 

Cái gì đã ra đi và cái gì đã trở về? Lá rơi dội vào sương mù bật tiếng vô thanh. Tiếng ấy ngân dài như trường khiếu, âm ấy rộn lên nụ cười bản trạch chỉ có nòi thi sĩ nghe được. Còn thế gian kia, chiếc lá là chiếc lá, chiếc lá đúng mùa rơi về cội. Họ có biết đâu trong sát na rơi rụng, nổ bùng va chạm giữa định mệnh và sương mù.

I hear my steps

passing along this street

in which

Only the mist is real

(Octavio Paz) 

mà bên này hết bốn bề

chỉ còn sương, thật, sương che thật là

 

Vũ Hoàng Thư

6/6/2020

http://www.gio-o.com/VuHoangThu.html