Nguyễn thị Hải Hà

 

14 ngày với 14 người Mỹ

đi làm việc tình nguyện

 cho Habitat for Humanity

 

(kỳ 2)

 

tản mạn

(kỳ 1)

 

Người ta có thể đến bất cứ nơi nào trên thế giới, tại sao chọn Việt Nam?

Connie, Patty, Cookie, Al, Ken, Rob và LuAnne là người của tổ chức tôn giáo.  Họ thích làm việc thiện nguyện, có ý muốn phục vụ xã hội, và giúp đỡ người nghèo.  Nguyên nhóm này, trừ Al ra, không nhất định phải đến Việt Nam, họ có thể đi bất cứ nơi nào có người cần được giúp.  Họ đã đi nhiều nơi trên thế giới thì sớm hay muộn họ cũng sẽ đến Việt Nam.  Riêng lần này, họ đến Vietnam vì đáp ứng lời kêu gọi của bà Connie.  Sáu người này có cùng tôn giáo và thường gặp nhau khi đi lễ ở nhà thờ.  Connie mời Eric và Ryan vì hai cậu này đã cùng đi xây nhà ở Nam Mỹ với bà.  Eric có nhiều năm kinh nghiệm với Habitat và bà rất quí kinh nghiệm này.

Rob và LuAnne nói, hai vợ chồng ông có cuộc sống rất đầy đủ và tốt đẹp.  Ông nghĩ rằng đó là hồng ân của Thiên Chúa và ông muốn làm một điều gì đó cho xã hội tốt đẹp hơn để tạ ơn.

Nelly, cô kiến trúc sư mảnh mai nhỏ nhắn nói: “Tôi luôn luôn thích làm việc phụng sự lợi ích cho cộng đồng như một cách đền đáp lại cho xã hội vì tôi nhận được rất nhiều điều tốt đẹp từ xã hội và từ cộng đồng.”

Người tiếp xúc với tôi đầu tiên là bà Connie Genger.  Tuy khả năng xây cất nhà của tôi chỉ ngang tầm thợ vịn, nhưng tôi có thể giúp bà, làm cây cầu nối giữa đoàn tình nguyện và người địa phương.  Habitat Việt Nam có gửi cậu thông dịch viên trẻ tuổi, dễ mến, nói tiếng Anh khá trôi chảy.  Nhưng cậu rất bận bịu một mình không thể xẻ làm đôi, còn tôi thì có mặt ở ngay đó lúc nào cần cũng giúp được.  Dần dần tôi trở thành thông dịch viên không chính thức cho mọi người.  Đi chợ, chọn món ăn, đi giặt quần áo, đi mua thuốc, đi mua tem gửi bưu thiếp, trò chuyện với người địa phương mọi việc trở nên dễ dàng hơn nhờ khả năng thông dịch tiếng Việt-Anh của tôi.  Có lần bà Connie nói nếu có tôi làm hướng dẫn viên du lịch Việt Nam chắc là thú vị.  Tôi rất vinh hạnh nếu được làm hướng dẫn viên riêng cho bà, để đáp lại tấm lòng nhân hậu bà dành cho dân Việt Nam.  Ngoài công việc xây cất ngôi nhà ở Tam Thái, Phú Ninh, bà còn tổ chức quyên góp sách vở bút màu mang tặng làng cô nhi Hòa Bình.  Thoạt tiên bà muốn tặng cho các em học tiểu học.  Tuy nhiên, cậu thông dịch viên cho biết là ý muốn của bà không được nhà cầm quyền địa phương chấp thuận.  Bà đề nghị đem tặng số văn phòng phẩm này cho làng cô nhi Hòa Bình.  Cũng đáng tiếc vì gần chỗ xây nhà, trong phạm vi đi bộ có một trường rất đông học sinh.  Nếu bà không kiên quyết, có lẽ quà không được đến tay các em.

 

Figure 9- Các em cô nhi làng Hòa Bình

 

Figure 10 - Các em học sinh ở ngồi trường trong khoảng cách đi bộ gần ngôi nhà đang xây cất

 

Có lẽ tôi chú ý đến Eric nhiều hơn các thành viên khác vì cái lý lịch mười lần tình nguyện đi xây nhà cho Habitat.  Eric nói, đi xây nhà cho Habitat đã cứu cuộc đời anh do đó anh phát nguyện đi xây nhà cho Habitat hằng năm.  Có lần Eric bị ngã gãy xương vai.  Thuốc giảm đau làm xáo trộn tinh thần của anh khiến cho anh trở nên buồn nản thất chí. Anh quen với một người tình nguyện cho Habitat, sau khi nghe người ấy thuyết trình về công cuộc xây cất nhà cửa cho người nghèo ở Việt Nam, Eric tham gia Habitat.  Lần đi đầu tiên anh chọn giúp một quốc gia khác, không phải Việt Nam.  Lần đi ấy thay đổi cuộc đời Eric.  Khi kể chuyện Eric phải ngưng vài lần để ngăn giòng cảm xúc.  Eric rất quan tâm đến văn hóa và môi sinh của quốc gia mà anh đến làm việc tình nguyện.  Anh tỏ vẻ bức xúc khi thấy nước sông dưới một cây cầu rất đẹp ở Lào bị ngập ngụa rác thải như thể thiên đường của anh bị chà đạp.  Anh không để trở ngại ngôn ngữ ngăn ngừa anh trong việc giao thiệp với người địa phương.  Anh yêu cầu Lợi, cô láng giềng, dạy anh và mọi người trong đoàn cách làm bánh tráng, từ khâu xay bột, đến tráng bánh trên lò, phơi bánh, và nướng bánh.

 

Figure 11 - Eric đang tráng bánh và Lợi đang chống nạnh làm cô giáo dạy làm bánh tráng

 

Tất cả mọi người trong đoàn đều làm việc với tất cả sức lực.  Ở Tam Thái, vào tháng Ba nhiệt độ trong ngày lên đến mức 35 độ Celsius. Đa số người trong đoàn sống ở miền Bắc nước Mỹ, quen không khí lạnh nên không chịu được cái nóng miền nhiệt đới.  Mấy ngày đầu Connie và nhóm người ở Billing, Montana, thấy khí hậu Việt Nam dễ chịu so với Billings lúc ấy đang bị bão tuyết nhiệt độ xuống mấy chục độ âm.  Vài ngày sau, thấm dần, cái nóng bắt đầu khiến mọi người thấy khó chịu.  Tuy vậy, họ vẫn làm việc chăm chỉ, nhanh nhẹn, hăng hái hết mình trong cái nắng nung người, mồ hôi nhễ nhại.  Tôi hết lòng khâm phục thái độ làm việc của họ; bất cứ người nào nhìn thấy họ làm việc sẽ tự bôi xóa cái thành kiến người ta hay đặt lên người Mỹ, vừa béo vừa lười “fat and lazy Americans.”  Tôi hiểu tại sao những người này đều là những người rất thành công trong xã hội.  Khi biết rõ mục tiêu, họ dồn tất cả sức lực và rất đoàn kết để đạt mục tiêu này. 

Mấy anh thợ hồ, bạn và anh em của chủ nhà, đến góp sức.  Anh chủ nhà là người có kinh nghiệm lâu năm, vừa làm vừa kiểm tra chất lượng xây cất của đoàn Habitat.  Mấy anh thợ hồ trầm trồ sự dẻo dai của Ken. 

“Ông ni tám mươi mà khỏe chưa hì.  Ông làm việc khỏe hơn bọn mình.  Mình mệt muốn nghỉ rồi mà ông vẫn làm không ngừng.”

Họ cũng khen cách xây tường của Eric rất đẹp, thẳng và rất đều đặn, như những người thợ hồ kinh nghiệm lâu năm.  Được thợ hồ chuyên nghiệp khen tay nghề cao quả thật là một điều đáng tự hào.

Đàn ông, cao lớn, khỏe mạnh, như Eric, Ryan, Brandon, và Rob Streza làm việc lao động tay chân có vẻ dễ dàng.  Rob Streza chẳng những chỉ làm việc chăm chỉ, anh cống hiến toàn vẹn sức lao động.  Khi bắp tay bị đau vì dùng sức quá mức và chuyển động lập đi lập lại nhiều lần, anh dùng “duct tape” (băng keo giấy cao su bạc) để băng cứng bắp tay lại, dùng duct tape như một loại băng nẹp hỗ trợ gân và bắp thịt để giảm đau và tiếp tục làm việc như thường.  Al và Rob Engh xấp xỉ bảy mươi cũng làm việc thật hăng say.  Ngay cả phái nữ trong đoàn làm việc cũng rất mạnh mẽ, không dám nói là hơn các ông, nhưng thật ra chẳng kém chút nào.  Nelly người mảnh mai (bề ngang mỏng hơn tôi) và nhỏ bé (chiều cao chỉ nhỉnh hơn tôi chút xíu) vậy mà cô đẩy xe đất, lát gạch thẻ xây tường, vừa mạnh mẽ vừa dẻo dai.  Tôi thán phục quá không có lời nào nói cho cùng. 

 

Thán phục sức khỏe của Nelly một, tôi thán phục sức khỏe của Mary và Jen gấp hai ba.

 

Figure 12- Mary Bagalso

Cả Mary lẫn Jen đều có thể lực của nhà thể thao.  Mary bên cạnh có bàn tay khéo léo và bộ óc thông minh của bác sĩ giải phẩu, cô còn là nhà trượt sóng (surfer) chuyên nghiệp.  Mary nhận lãnh công việc nặng nhọc từ đẩy xe cút kít chứa đầy cát, xi măng, đất, hay gạch thẻ; đến trộn hồ, đào móng.  Jen cũng chẳng chịu kém. Thon thả, tóc dài, Jen có hình dáng đẹp như một người mẫu.  Jen còn là người dạy tennis bán chuyên nghiệp.  Trong công cuộc xây nhà, hai cô gái gốc Á châu (Phi Luật Tân, và Việt) đóng góp sức lực, so với cánh đàn ông thì bên tám lạng bên nửa cân.  Còn tôi, nói ra xấu hổ, chỉ làm được việc nhẹ.  Chuyền sô chứa hồ thì chỉ khiêng nổi một phần ba sô.  Có một hôm đứng chuyền sô chứa xi măng ướt, tôi chẳng hiểu vì trời nóng hay đất lệch mà tôi ngã lăn kềnh ra mặt đất.  Mọi người đỡ tôi đứng dậy xong Connie bảo tôi thôi ra ngoài kia nghỉ đi. 

Tôi tự hỏi, rất nhiều quốc gia có tổ chức Habitat for Humanity, tại sao các tình nguyện viên lại chọn đi giúp người Việt.  Với đa số tình nguyện viên, nơi nào cần và họ có thể giúp thì họ đến.  Người ta có thể chọn địa điểm vì muốn tìm hiểu về địa phương ấy, một nơi được nghe nhắc tên nhiều lần nhưng chưa đến bao giờ. Việt Nam quyến rũ những người trẻ tuổi thích du lịch, thám hiểm, với những cái tên nổi tiếng trên thế giới như Sơn Đoòng, Fan Xi Pan, Mã Pí Lèng, Hoàng Su Phìn, hay Hạ Long.  Eric và Ryan, có lẽ, thuộc về nhóm người nói trên. Patty, Rob và LuAnne, một phần vì lời mời của bà Connie, một phần vì họ là người thích du lịch nhiều nơi trên thế giới. 

Rob Streza, tôi, và Jen Nguyên đều được sinh ra ở Việt Nam.  Người có dòng máu Việt muốn giúp người Việt, là điều tự nhiên.  Tôi rời Việt Nam gần bốn mươi năm, nay trở về tìm lại một chút quá khứ, tìm lại dấu tích những mảnh vỡ của cuộc đời bỏ lại giữa Sài Gòn.  Rob, hay Jen, tôi đoán muốn đi tìm gốc rễ của họ, để hiểu mảnh đất nơi cha mẹ họ rời bỏ.  Nelly sang Việt Nam để tìm hiểu quê hương chồng.  Cô gái Mỹ gốc Hoa này rất dễ thương.  Cô trò chuyện khá nhiều lần với tôi, có vẻ như nhìn thấy một vài nét tương tự giữa tôi và mẹ chồng cô, tuổi gần bằng nhau và có chung một quê hương trong quá khứ. Xin độc giả cho phép tôi lẩm cẩm nghĩ thế.  Mary cũng như Nelly, về Việt Nam để tìm hiểu gốc rễ người hôn phối của hai người.

Có người chọn đến Việt Nam, có lẽ, vì cái tên Việt Nam được nhắc đến hằng ngày đối với những người lớn lên trong thế hệ chiến tranh Việt Nam.

Al Belais, chọn đến Việt Nam, vì lý do cá nhân.  Thời ông lớn lên chiến tranh Việt Nam đến hồi gay cấn.  Ông được miễn quân dịch nhờ lý do học vấn, tuy nhiên ông có người bạn cùng học với ông phải tham gia chiến trường Việt Nam và chỉ trong một thời gian ngắn, anh bạn ấy qua đời.  Cái chết của người bạn đọng lại trong tâm hồn Al nhiều năm chưa phai. Ông muốn sang Việt Nam để tìm hiểu về một quốc gia mà bạn ông, một trong gần sáu chục ngàn quân nhân Mỹ, đã ngã xuống.

Bà Connie, thường tổ chức buổi họp nhóm cuối ngày, để rút kinh nghiệm làm việc.  Có lần, trong buổi họp bà nói, tật xấu lớn nhất của con người là sự kiêu hãnh.  Chiến tranh Việt Nam kéo dài qua suốt triều đại của năm vị Tổng Thống Mỹ cũng chỉ vì sự kiêu hãnh.  Sự kiêu hãnh đã ngăn cấm các vị Tổng Thống không dám đứng ra nhận sự sai lầm của nước Mỹ trong chính sách đối với Việt Nam.  Chính cái lòng kiêu hãnh đó đã giết chết hơn năm mươi tám ngàn người trai Hoa Kỳ.  Bà không nói thẳng ra, nhưng tôi suy diễn rằng, lý do bà đến Việt Nam là để góp một phần nhỏ bé và riêng tư thông cảm với nỗi đau khổ người dân hứng chịu chiến tranh Việt Nam.

Bốn mươi tuổi, khi Brandon ra đời thì chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.  Lớn lên anh thường được nghe bạn bè của người chú nói về chiến tranh Việt Nam.  Chú của Brandon tên Barry, qua đời ở Quảng Ngãi, láng giềng của Quảng Nam, nơi chúng tôi xây cất nhà.  Ông Barry, chết vì bị cháy đến mức không còn nhận diện được.  Phải rất lâu người ta mới có thể làm giấy tờ xác nhận danh tính của ông Barry.  Anh đến Việt Nam muốn tìm hiểu về vùng đất mà chú anh đã gửi linh hồn.

Chồng của bà Cookie là cựu quân nhân chiến tranh Việt Nam.  Ông thoát chết ở Việt Nam nhưng trở lại Hoa Kỳ ông mang nhiều chứng bệnh tinh thần lẫn thể xác, gây ra bởi chiến tranh Việt Nam.  Ông qua đời khoảng tháng 10 năm 2018 và bà tình nguyện đi giúp người Việt Nam, như một cách vinh danh cho chồng, và cũng để tìm hiểu về mảnh đất nơi chồng bà đã từng chiến đấu.  Ngày còn sống ông không bao giờ muốn trở lại Việt Nam.  Mỗi khi nghe bạn bè đồng ngũ sang Việt Nam để tìm lại, hay để đóng lại vĩnh viễn cánh cửa mở vào quá khứ, ông thường nói, đối với ông Việt Nam như một thứ địa ngục, ông thoát ra rồi không bao giờ muốn nghĩ đến nó, đừng nói trở lại.

Tôi từng e ngại bà Cookie, hay Brandon sẽ oán trách hoặc ghét bỏ người Việt Nam; trái lại, tất cả người trong nhóm đều mở cánh cửa trái tim, từ trong tâm hồn của họ tràn ra một thứ hương thơm ngát tình người, và họ rất yêu mến những người Việt Nam họ gặp trong mười bốn ngày tình nguyện ở Việt Nam.  Tôi xin chọn một số ảnh cho độc giả xem.  Cứ nhìn độc giả sẽ thấy lòng tấm lòng tràn đầy tình yêu đối với người Việt Nam.

 

Figure 13- Cookie bế em cô nhi.  Đằng sau là Al áo trắng, Eric áo đen đội mũ lưỡi trai ngược và Brandon áo đen không mũ

Figure 14 - Brandon với các em cô nhi

Figure 15 - Brandon và người nữ tu

Figure 16 - Cookie và một người phụ nữ địa phương.  Phía sau là Brandon.

 

 

(còn tiếp)

 

Nguyễn thị Hải Hà

 

http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa.html