photo: NAT@ gio-o.com

 

 

Nguyễn-hòa-Trước


Với Biển Trong Tay

 

truyện vừa

 

 (kỳ 1)

 

 

Trong số các cây viết nam ở hải ngoại, sau thời của Hồ Đình Nghiêm, Trần Vũ, Hoàng Mai Đạt...  một trong những cây viết tôi chú ý là nhà văn Nguyễn Hòa Trước. Các sáng tác của Nguyễn Hòa Trước thỉnh thoảng có lối thử nghiệm kỹ thuật viết khá kỹ. Các truyện/chuyện của anh thường là công trình viết nghiêm chỉnh, đào xới, thử nghiệm, chơi chữ nghĩa, và đầy bản tính nghiệp văn. Gió O cẩn trọng giới thiệu lại truyện vừa Với Biển Trong Tay của Nguyễn Hòa Trước lần này trong 3 kỳ liên tiếp. Để những bạn đọc yêu sáng tạo có thể nhâm nhi thưởng thức một công trình sáng tác tâm huyết đáng đọc chậm. (lê thị huệ)

 

         

          … “Không cánh mà tôi bay như chim.” Không cứ là người của văn chương, tôi vẫn có thể viết nên câu chữ bình thường, nhưng rất thật như vậy, để diễn tả tâm trạng của tôi lúc này.

          Tôi đang mơ. Giấc mơ không lấy mất của tôi chút nhỏ nhoi ý thức nào. Tôi đang bay. Tôi nhìn thấy cây cối người xe lùi sau hai bên. Tôi nghe được tiếng gió ào ào quen thuộc mỗi khi dông tới. Tôi nghe con tim tôi dồn dập. Nó đang hát. Lời hát phả qua hồn tôi, vọng lên não bộ. Cả trí và tâm trong tôi cùng nở bừng. Hạnh phúc. Đó phải là Hạnh-Phúc. Không lầm được. Thái độ ấy, cử chỉ ấy, ngôn ngữ ấy, tiếp xúc ấy; tất cả hợp lại làm nên Hạnh-Phúc. Với con người, hạnh phúc chót vót là khi đang yêu và nhận ra người kia có cùng cảm giác đó, như mình, “you feel that way, too”. Chao ôi, có cảm giác nào dào dạt như cảm giác con tim mình đang đập không phải cho chính mình, gọi tên ai đó không phải tên mình? Có nỗi niềm nào ghen tuông tự kỷ vị tha như khi yêu? Bầu trời này chưa đủ cho hai người. Tán dù này quá dư dả cho hai người. Nói sao cũng ra chân lý. Tình yêu biến con người thành triết gia, thành hiền nhân.

         Khắp nơi, trên kia, mây như một thảm ruột dưa hấu. Các hột đen, nhuộm chiều, đã trở thành tim tím là những bọt khí mà ánh dương chỉ xuyên qua nửa. Mặt trời như lòng đỏ trứng khổng lồ treo bằng một sợi dây tiệp màu với da trời. Các cột điện bắt ráng hoàng hôn, màu gỗ cũng tươi hơn. Chung quanh nơi chúng tôi đứng, chim lác đác gọi nhau về.

          Chỉ vài phút sau, mây được trả lại một phần màu vốn có. Vầng ô đã ngủ. Bóng điệp xanh chung quanh các ngôi nhà đậm hơn, nặng hơn. Chim về đông hơn. Một chú, trước khi chui vào tổ, còn luyến tiếc một ngày làm việc vui vẻ cùng lũ bạn, nhảy lóc cóc vài bước, uống thêm ngụm nước mưa đọng trên đường, rồi mới chịu vù lên. Hơi trời dịu hẳn. Mát lạnh. Giống như đang úp mặt vào chiếc khăn ướt.

          Chiều rớt mau. Bến phà qua sông cái đã kéo lên bửng đóng. Mặt nước giàu phù sa hết còn nhận phản chiếu từ trên.

          Tôi đang vân du trên bầu trời quê tôi. Tôi muốn nói với tất cả, từ cây cối, đến những con người dưới kia là tôi đang trở về, đang thực sự hạnh phúc quay về, đã thực hiện được giấc mơ thần tiên của hàng triệu con dân xa xứ.

          Tôi dùng cả hai bàn tay ấp lên bàn tay của Huyên. Tôi thèm khóc.

 

          … Mình đã làm được điều mình muốn. Sự yên lặng đầy thông cảm của anh đã cho mình đủ can đảm để mở toang quãng đời ê chề nhất. Tự cảm thấy nhơ nhớp bao nhiêu trước khi kể thì, khi kết thúc, mình tự thấy sạch sẽ bấy nhiêu. Từng câu chữ của mình ví như những giọt mưa cào gội bụi bặm trên cơ thể. Mình đã được trắng án. Vết bầm tím trong lương tâm và thể xác của mình vừa được anh xoa rửa. Anh nói:

          “Trong chiến tranh, sau chiến tranh, mỗi giai đoạn đều phát sinh những tình thế, những nạn nhân thích ứng. Giai đoạn mới mà một nhóm người xuýt xoa là ‘hòa bình’ lại đặc biệt sản sinh những hoàn cảnh thương tâm quá mức! Bao kiếp số bị biến dạng, bị tước đoạt chỉ vì thứ hòa bình quái đản kia? Con người buộc phải dấn vào một cuộc đấu tranh mới, phiêu lưu mới, dùng phương tiện thô sơ và sức lực bé bỏng để chống chọi với thiên nhiên, với đồng loại, giằng co cùng rủi may, bởi trong đó còn hy vọng tìm thấy lẽ sống; nếu nằm xuống thì ít ra cũng an lòng vì đã tận tâm tận lực vì mình, vì những người thân yêu.”

          “ Nhiều khi em xót xa quá! Lý thuyết đành rằng là vậy. Nhưng va chạm với thực tế hàng ngày, cái thuyết lý tốt đẹp kia ngẫm ra không hơn gì lời an ủi cay đắng, mỉa mai. Tại sao một số người trong tập thể gọi là đi tìm an bình kia chỉ muốn chiến tranh, chỉ muốn gây hấn, lùa phần đổ vỡ, thua thiệt về phía người khác? Phải chăng trong chiến tranh - hình thức chiến tranh mới - họ mới thi thố được sở trường lợi dụng, vùi dập của họ?”

          “Họ chỉ là nạn nhân của một hiện trạng mới. Tình thế mới sau chiến tranh này lại thách đố, đòi hỏi các cá nhân những đức tính kiên cường hơn để tự định nghĩa mình như một cá thể mà phần ‘nửa thần’ phải vượt trội hơn phần ‘nửa thú’. Tiêu chuẩn ấy phân xếp thành hai loại người tách bạch.”

 

          … Anh ấy không thích biển. Biển, với anh ấy, còn ‘nợ’ anh câu trả lời. Biển đã giữ phần ‘hồn’ của anh, chưa chịu trả lại. Anh sống, kiên nhẫn chờ, từng ngày. Với biển, thái độ của anh là ‘…vừa sợ vừa kính… nhi viễn chi’. Mình chỉ hiểu anh tới mức đó, và chỉ đoán vậy thôi.

          Anh không miễn cưỡng hay phản đối khi được mình đưa đến thăm vùng biển này. Mình đoán sai, bởi đánh giá quá thấp lòng độ lượng trong anh. Không thích, nhưng tôn trọng  sở thích của người. Điểm son nơi anh mà mình cứ muốn tô đậm hoài.

 

          … Cùng căn phòng ấy (ôi, quả cuộc đời nhiều sự trùng lắp lạ kỳ!) mình đã chào thua vĩnh biệt thời con gái vì một kẻ mình không yêu. Anh ta đã cưu mang, bảo bọc cho mình suốt thời gian từ khi xuống tàu, nơi trại tị nạn, và lúc đã đặt chân lên được bến tự do. Hắn khôn khéo che đậy âm mưu chiếm đoạt mình. Tính toán chi li từng bước. Bao nhiêu ngày, rồi bao nhiêu tháng? Trong căn phòng đó, anh ta đã nói yêu mình, muốn cùng mình chung tay xây ngôi nhà hạnh phúc. Chưa bao giờ mình thấy ai thiểu não thê thiết si mê (sao lạ? tình yêu hèn đớn vậy sao, biến người đang yêu thành oặt òa vậy sao?) và đáng thương đến mức! Mình thì đang cần một đôi tay rắn rỏi dìu dắt. Cử chỉ ‘tỏ tình’ của anh ta cho mình kết luận ngược lại. Mà mình còn cần gì? Mà cần, ngẫm có đòi được ngay? Cả gia đình mình đã tan tác trong cái ‘thiên đường hạ giới’ cuồng loạn vương máu lên cả trăng sao. Người chết; kẻ sống mà cứ cầu mong được chết. Mình chạy trốn. Đó như bản năng hơn là suy tính, kiểu vô thức cộng thể hơn là ý thức cá nhân. Sống được không, và sống thế nào, trong giai đoạn nhục nhằn kia của dân tộc? Dầu sao, mình cũng đi, và may mắn hơn bao nhiêu người khác, đã đến. Cây đã bị bứng rễ, cuộc sống còn ý vị gì? Đi với anh ta hay ai kia, liệu có hệ trọng? Dù hèn yếu, nhưng ít ra, anh ta cũng còn là con người chứ? Sự tận tụy, chăm sóc, chiều chuộng mình trong quãng thời gian chông gai nhất của kiếp tha hương phải xuất từ mầm lương thiện đích thị trong con người của anh ta chứ? Mình đã cho. Trong trí óc trẻ dại của một cô học trò tỉnh lỵ, làm điều ấy, mình sẽ nhận được cái đáp trả - đó cũng là theo lời hứa của anh ta. Và nó hợp lý, phải chăng. Không tình yêu thì chỉ còn trao đổi.

          Nhưng, cuộc chiến vẫn theo sang tận đây. Gian trá vẫn chưa trả hết lại bờ bên kia. Anh ta biến mất, thật lạ thường, sau một đêm, cứ như oan như khiên, như bóng như vía, như chưa từng xuất hiện trên đời, sau khi “trân quý nụ tinh khôi” (cái ngôn ngữ tán tỉnh lừa bịp!). Mình quay cuồng, chới với, hụt hơi buổi mai lạnh buốt thức giấc, nhìn cặp gối gối chồng lên nhau trong này, khi bên ngoài, qua khung cửa sổ, chiếc xe cót két của anh ta cũng theo chủ, thành oan thành khiên, thành ma thành mị, tan ra khói, nơi bãi đậu. Cái vốn liếng tốt đẹp nhất, nhưng chưa ý thức làm chủ, đã bị chiếm đoạt bằng vuốt ve nỉ non giả trá. Cái cần thứ đến là một nương tựa, cũng mất. Nếu được mở mắt với cái giá kia thì quả mình đã mua quá đắt! Đó là cái giá tối hậu. Mình trả nó bằng chính sự trinh bạch. Trả xong, mình ‘trắng bóc.’ Lấy gì sẻ góp với đời?

          Đời mở tung, đe dọa. Để bước được trên nó, mình đã lao đao, chóng chánh thế nào? Quê nhà chỉ như thân liễu mảnh mai so với vóc dáng vạm vỡ của cây ‘Gỗ Đỏ’ nơi xứ sở mình đang sống! Mấy niên trôi mệt nhoài. Hoa trái chỉ mới nở; nhưng ý hưởng thụ nó tắt hẳn. Vết đau vẫn cắn nhắc sự có mặt của nó, nhất là những đêm khó ngủ. Mình nhớ gia đình, nhớ thành phố cổ kính xinh xắn với hàng me hàng phượng và dòng sông thuyền ghe tấp nập, bãi biển ngắn, nhưng thơ mộng, và mái trường và hồi trống báo giờ và những trái cóc trái xoài dù đã ngâm đường vàng ươm mà vẫn còn chua buốt răng ứ ừ nước miếng đã ấp ủ nuôi dưỡng mình cùng bạn bè suốt 7 năm trung học. Kiến thức góp nhặt xa xưa chưa chín muồi đủ để giúp mình vững chãi trên những dợm chân xuống lòng một xã hội còn mười mươi mới tinh và bí ẩn. Trong cơn hoảng loạn, chưa kịp trưng dụng mối háo hức để làm quen với môi trường lạ, mình đã bị vất vào xó của hoài nghi, cấn dội. Ngàn ngày ngột ngạt. Mỗi ngày sống là trăm lượt lăn trùm vùng vẫy tìm cách chúi vào, và chui khỏi lưới chết. Đến bây giờ, mình cứ co rúm lại khi nghĩ đến buổi sáng ấy, khi hồn uổng tử kia thăng biến. Lạnh khứa da. Ngoại ngữ nghèo nàn, tiền bạc chỉ một nhúm. Kinh hãi đến như phát câm. May, nhờ sự thông minh và kiên trì của anh dọn phòng, tình cảnh của mình đã được anh ta hiểu và thương cảm. Cũng chính anh chàng nước da bánh mật của quê hương đấu bò dễ thương này đã liên lạc nhờ người đưa mình về tận nhà. Hoàn toàn miễn phí! Miễn phí luôn cả những lời an ủi, khuyên nhủ, khích lệ.

          Tìm đến nơi người khác muốn bỏ đi như một đòn tự trừng phạt. Thị trấn chỉ có gió cát và sương muối. Thành phố của ‘nắng lửa, mưa dầu’. Lãnh địa lý tưởng cho những ý định quay lưng với đời, tự tiêu hao, bào mòn. Thuê phòng. Học. Và học. Vừa làm. Vừa học. Ăn, ngủ, đến sở, đến trường, về nhà, ngủ… 30 phút lái xe để đến công ty; 40 phút để đến giảng đường, và 10 phút băng qua chiếc cầu nhỏ để đặt chân vào và tiêu hết phần ngày còn lại trong thư viện (tạ ơn đời là vẫn còn những nơi để giết thời gian một cách lành mạnh như vậy). Cuộc sống sau cái ngày bị nguyền rủa đó chỉ là bấy nhiêu. Hoàn toàn không thú vui.

          Mình cứ ngỡ bị trói thúc hoài thì, anh đến! Cánh cửa đắn đo, lúng túng bị anh phá tung. Ánh trời gom hết trong anh phút giây anh ngỏ lời làm quen. Lâu lắm rồi, mình đã cố xa lánh tất cả những âm vang, hình ảnh nào có thể khơi lại mối đau thương cũ. Mấy lần rồi mình đã khước từ việc được đề bạt, từ chức vụ (lương bổng cao hơn), đến địa điểm (thuận lợi hơn, gần ánh sáng đô thị hơn)? Bao lâu rồi, mình không còn dịp dùng đến và nghe lại thứ nhạc ngữ báu vật của quê mẹ? Phải cảm ơn anh, bởi, nếu không, ngày nào đó, mình sẽ chỉ là người ‘ngoại quốc nửa mùa’ nói tiếng Việt, hoặc ớn lạnh hơn, như ‘nickname’ mà người ta vẫn gán cho những kẻ ‘bị trốc rễ’ như mình: ‘con chim biết hót, biết bay, nhưng không thể đáp xuống đất’. Thường khi, mình mặc kệ. Nhưng đôi lúc hết sức rợn người khi nghĩ rằng điều ngang trái này rất có thể xảy ra. Nó thăm thẳm và khủng khiếp hơn cả cái huyệt tuyệt vọng mà mình đã bị xô xuống. Thật vậy! Cảm ơn anh đã giải thoát mình khỏi ngõ ngách bế tắc này. Cảm ơn đời đã mang anh đến rẻo đất ‘tận thế’ này. Mình không hề dám mơ lại có người thứ hai cùng nói giống ở đây. Đêm đã tàn. Dầu chưa hết e dè, mình vẫn không thể cưỡng lại sức mời gọi thật kỳ lạ nơi con người đó. Trực giác không báo cho mình điều gì với biến cố tồi tệ trước đây. Nhưng lần này, nó lên tiếng. Nó bảo mình: hãy ló mặt! Nó hối thúc mình, chuông đời đã ngân! Có ngu ngốc lắm mới bịt tai trước tràng âm thanh vi vút lạc quan như vậy. Và mình đã bước ra. Hào sáng. Với nguyên vẹn đam mê và náo nức, ký nhận từ anh tấm vé mời làm chung cuộc lữ hành. Dĩ vãng đã khô vảy. Trơn tru là hiện tại. Hãy trả lời con tim đã. Tình yêu sẽ làm trọn phần tiếp.

*        *                

          Gió từ lũng sâu, gió trên đầu, gió dưới mặt nhựa tróc trơ đá. Gió hụp lặn trên những vát mây mỏng teo. Gió nhùn nhầy trong khí. Mỗi bước tiến, mỗi bước ngừng, mỗi hơi thở đều bị đeo gió. Một số gió đang chuyển thì đã đành; ngay số gió đang ngủ cũng bị vực dậy mà thức mà múa máy theo.

          Cô gái nhẹ tênh. Cái cơ thể hơn trăm pounds của cô đã bị gió tháo hết sức nặng. Cô bị nâng lên. Tóc xoãi hai bên tựa như giữa chúng là chiếc miệng gió đang thổi. Các trụ điện mép núi và chùm dây thõng thượi trông như những sợi đàn đã lâu không ai so của chúng thấp chùng, quăn quíu, chun lại, cô đọng tức thời, dệt vừa khuôn chiếc chiếu lớn màu bạc. Những đường dọc của chiếu gấp ngược lên, õng xuống, úp chụp về trước, trườn trượt ra sau, nhanh lắm, nhưng vẫn không thể chạm tới cô. Nó là chiếc nền vừa ảo, vừa tỏ mà trong sững mắt của Huyên, chẳng khác chi luồng thác rộng với lưới nước đổ lên, cao quá, sóng sánh, ngã sõng soài tức tưởi rồi bị hút vào tâm vô đáy. Cô mặc áo bành tô len, màu đỏ rượu. Chiếc áo lụng thụng trống dưới hụt trên chẳng những không bó lại được, còn làm vương vãi cả ra ngoài một lượng gió đáng kể. Thật tiếc! (nếu không, cô hẳn là cô gái được gió bứng bay lên trời như chuyện tranh thiếu nhi nào hồi bé anh đã xem.)

          Cội phong già, nói là gần tầm mắt nhất, nhưng cũng phải mỏn hơi mới đi tới được, như vừa bị bứng rễ, mất thăng bằng, rũ rời bị tốc hốt về xa; và chỉ sau vài tiếng đếm, đã nhập một phần vào bóng xanh mờ tít của rặng xám chập chùng, rồi dần dần cụp lá khi khựng phải cái nóng nứt nẻ của sa mạc Cuyaca Springs bủa vây khoảng trống còn lại.

 

          Màn vũ của khí động, giữa lồng hổng không gian, bắt con người ghi nhận bằng cả hai giác quan: mắt, và da: gió, từ khắp hướng, theo hẹn, bằng một hợp điệu cực kỳ chính xác, rập ràng, cùng ẩy dồn nhau gửi theo về những mũi châm cứu. Da thịt mẩn gai, khắp vùng, cũng đồng bộ và nhịp nhàng như thế. 4 góc mùng lớn của bầu trời đang cố khâu cụm lại để khó bị gió bóc rách. Mắt mở to mà như hụt, như không nơi níu vấu, lại ran rát như có rẩy muối theo vào.

          Vũ trụ bao la. Nhưng vì thế mà như không hình cốt. Con người thì nhỏ bé, nhưng lại có. Và do thế, là phòng trưng bày mọi sượng sùng rách rưới. Riêng mình, cái ‘có’ chỉ mới đây thôi, cho mình thì ít, mà nhiều hơn là cho một ai đó khác. Người đó đang đứng trước kia. Đẹp nơi bóng dáng. Và đẹp hơn khi được mực vẽ tưởng nghĩ của mình tô điểm, biến cô thành một tấm ảnh vừa cắt ra từ quyển sách hình. Nó đẹp, lặng, và lạnh, và hư cấu tràn trề như bức tượng trên ngọn vọng hải trăm năm cũ, buông tóc theo gió thay tiếng gọi tình về trong câu chuyện chắt lọc từ một xác thịt có hơi thở và có ái dục hẳn hoi.

          Huyên mỉm cười, muốn đầu óc hôm nay phải tiết ra hoạt chất lạ hơn bình thường chút, kỳ cục cũng được, và không bền, bởi ngay bây giờ (cùng lúc với ý nghĩ), nó đang bị đánh bạt bằng vài động tác thể dục. Anh muốn vận động, đang cần ấm, và hong sáng, trong đầu. Lâu lắm rồi, anh mới có dịp đối diện, trong tâm trạng sòng phẳng, và hữu hảo, với thiên nhiên.

          Gió có khiến mình hoa mắt, nhưng không thể biến âm thanh sàn sạn khô nhám của nó thành tiếng rong róng êm ái cuộn vào nhau của chất lỏng. Không thể lầm: biển đang nấp sau động nhũ nâu bóng bên phải, nhắc nhở anh bằng thủy âm của nó. Chưa chường mặt, nhưng cái tên gọi đã như móng vuốt vấu lay anh, chích vào anh lượng tỉnh táo bất ngờ. Nước: đồng nghĩa với lạnh, và thức. Là cái hầu như anh lãnh cảm với, về mặt nào đó. Nhưng, trong mặc cảm tương tranh, với anh, vị thế thượng phong của biển là điều khôn bề đảo ngược. Dù đắng lòng, anh cũng nên làm bạn với nó. Nó là cái anh cần, để nhận từ đó cái muốn tìm.

*        *

          Một góc trời bị gặm tưa bởi chỏm tường trái. Phía trước, con dốc lùng nhùng lúng túng dưới tấm áo đi mượn; trông xa hơn nữa, như dấu ngã đứt khúc. Hấp nắng quái, đá chởm dưới đường như đang bật lên từng tia lửa nhỏ.

          Lam vén lọn tóc trên trán, giữ quặp đuôi của nó sau vành tai. Cô cần làm giảm áp lực của sự im lặng bắt đầu trĩu nửa dưới ngực, bằng nói, và nhìn sang người bên cạnh:

          “Sắp đến rồi. Chỉ còn đoạn cuối này. Anh nghỉ, nhường tay ga cho em?”

          Huyên phác một cử chỉ mơ hồ. Lách mũi phạt ngang, khía một đường rạch rắn rỏi lên thảm huyền thạch đơn điệu. Biển phì phò âm sóng lên tai. Gió, là là đất, như chiếc vó cá, ngửa, thổi vù lớp cát trên mặt đường toe thành phễu, rơi, tinh tích lọt qua gót giày. Lam vừa nhột, vừa lạnh, chạy vội vào ngồi sau bánh lái, đóng cửa xe, xoa mạnh đến nóng rát lên hai má. Tai ù òa đến bật tiếng ve kêu. Bên ngoài, Huyên đứng ngó thật lâu xuống lũng cạn của một góc bãi vàng hoe vắng. Biển thập thò sau de núi; biển: cõi khai thị lập lờ. Một thực tế, với chính hiện tại sống của cá nhân anh, vốn khá xa lạ, nhưng khi liên kết nó với những người thân khác, kỷ niệm khác, nó trở nên vừa thêm xa, nhạt, mà lại rất thân thiện. Anh búng mạnh viên cuội trên tay, dõi theo cung bay thật ung dung, và dẹt, và đẹp, chậm quay về khối sắt cô đơn giữa nền trời cùng màu khiến cho nó như bị dán chặt vào. Lam xoáy chốt, cúi, cột lại dây giày, định bước ra. Huyên hươi tay ngăn, vòng về sau; câu nói vừa vặn tai cô khi anh đã sang phần xe bên kia:

          “Em thay anh. Bỗng dưng mắt anh mỏi lạ. Và có cả cái buồn ngủ nữa. Trời hình như đang chiều. Ồ, không: đất đang xanh xám vì gió. Cũng có thể tại đôi kính râm vừa mua.” (dụi mắt rõ lâu) “Gió thật! Con lộ như cô xuân nữ đang bị tốc váy. Hấp dẫn hay không thì chưa biết, chỉ biết là khó qua đấy. Em cẩn thận.” 

          Lam ngoan ngoãn làm theo. Cô vừa muốn cười vì bao nhiêu là câu nói đồng bóng chẳng theo thứ lớp nào của Huyên, vừa sung sướng khi (không mong mà) được chấp nhận, tự thấy như đang lớn thổi lên, quan trọng lên; nhưng tự nhủ: cần tiết chế; và chỉ nên ngân nga thưởng thức nỗi sung sướng ngọt ngào bằng cả mấy phút chỉnh đốn lại thế ngồi, khoảng cách từ ghế tới bàn đạp số, thắng, kính sau, hai kính hông, độ nghiêng của ghế... Mỗi lần vào xe, khi bên cạnh còn có đôi mắt ‘khác’ (chỉ có thể là của Huyên) trông chừng (cô vẫn cho là xét nét, soi mói), Lam lại thấy mái tóc rối lên chút, kẻ môi nhợt hơn chút, viền mi và mày lệch một chút. Và luống cuống lại dôi chút. Đôi tay chẳng biết để đâu. Tự trấn an, và lại tự loay hoay. Cứ thế tự trách móc và cáu kỉnh với mình.

          Nhìn nét căng thẳng rất trẻ con của Lam, Huyên mỉm cười. (hình như Lam vừa mở sưởi: chân anh đang ấm dần. “Chiếc xe không mới lắm mà dàn máy êm quá! Mình có thể đánh một giấc trong này lắm”, anh nghĩ.) Đàn bà bao giờ vẫn là đàn bà. Họ làm đẹp cho mình ngắm nghía thì ít, bối rối vì chính mình thì ít, mà cho mọi người, vì một người nào đó, hầu hết. Thế mà khi kẻ khác nhìn vào, họ vừa tíu tít muốn lưu giữ, vừa líu ríu muốn đuổi xô tia mắt của người đi. Cô đó. Đầy đủ, và điển hình phẩm chất của một sinh vật giống cái.     

          Ngộ cái là, cô đã từng dạy lái cho anh đấy. Cũng nhờ cô mà anh trót lọt kỳ thi lấy bằng. Cô cũng đã tình nguyện làm bạn đồng hành với anh rất lâu sau đó, tuy vẫn phê bình cách điều khiển xe của anh là rất ‘đứng tim.’ Có thể cô đúng (Huyên tự biết phản ứng vẫn còn rất chập choạng, dù đã thoát cuộc khảo hạch). Dù sao tình yêu cũng đã nẩy mầm sau các buổi học. Các vòng quẹo đóng vai các nhát cuốc bổ đất gieo hạt. Huyên nghĩ, cũng hay. Trong ‘nóc nhà di động’, mọi việc hóa ra thoải mái và tự nhiên rất mực. Con người cảm tưởng gần gũi, cần, và thèm gần gũi (tuy đó hầu là một đặc tính của lễ thức sinh hoạt, nhưng thực ra, vẫn khó đạt tới một gần gũi thực sự). Ở đây, lời nói là xa xỉ. Huyên bâng khuâng không nhớ anh đã tỏ tình với Lam thế nào, và cô đáp lại ra sao. Lòng xe chật hẹp giúp hai người dễ vượt qua bức rào ngại ngùng ban đầu để tiếp cận nhau (bởi chẳng lẽ mỗi lúc muốn tránh mặt nhau lại mở cửa bước xuống?). Và chính cái lồng xe nhỏ hẹp kia đã giúp lần hôn đầu bớt gây bối rối cho cả hai.

         Dần dần, Lam lấy lại tự nhiên và bình tâm. Cạnh cô, Huyên tựa đầu vào thành ghế, mắt nhắm. Cô khó biết anh đang ngủ hay suy tư. Cô lái thật chậm cho anh đỡ bị xóc. Ngay cả những đoạn đường chợt êm.

*        *

          Đêm qua, chúng tôi trò chuyện lâu lắm. Ai là người mở đầu, vào lúc nào, bằng câu nói nào, và câu chuyện xoay quanh cái gì, tôi không nhớ (ôi, chỉ tại con tim tôi rối bù quá - rối bù từ lúc anh nhận lời mời - làm rối luôn cả đầu óc!). Chỉ biết đã bước sang ngày mới. Và cái lạnh đã bắt đầu bóp bép tôi như viên bột. Huyên xoắn lọn tóc tôi trong ngón tay anh:

          “Tóc em đã ướt rồi đây. Em vào ngủ trước đi. Anh muốn ngồi nán tí ngắm sao, và hít

thở thêm cái tê tái rất đặc thù và rất quý hiếm với chúng mình của vùng đất chỉ có thu và đông này.”

          Tôi muốn ngồi với anh. Muốn lắm. Không chỉ lúc này. Thật ra, chưa bao giờ tôi muốn rời anh. Một phút sống bên anh là một hột quý kim. Một ngày sống bên anh đủ cho tôi kéo thành vòng xâu cổ. Nhưng tôi biết việc đáng giá hơn là không nên làm trái ý anh.

          Vỗ lên bàn tay anh; rút về; tay áo tôi vướng và đánh rơi vật gì. Huyên (y thể biết trước là ‘nó’ sẽ rơi!) nhanh nhẹ hơn một cái chớp mắt, cúi, nhặt lên. Anh vuốt, đặt lại chỗ cũ. Mặt phẳng vuông, nâu lờ lợ. Tôi nóng mặt, ngượng, và tự giận mình quá! Sao mãi lúc này tôi mới biết là nó đã có đó? Nó không thể gì khác hơn là cuốn sách, cuốn tiểu thuyết mà anh bảo là hành trang tinh thần độc nhất, mang theo. Đây là lần thứ hai tôi trông thấy nó. Lần thứ nhất, là, hôm đến đây, từ phòng tắm bước ra, tôi thấy trên chiếc bàn ngủ. Mặt bàn không lớn, cuốn sách thì nhỏ bé, (tôi còn cảm giác là nó như đang ‘co ro’ trông thật tội nghiệp nữa!) lại là vật duy nhất đặt trên. Và sáng của ngọn đèn ngủ lại đang phủ lên nó, nên tôi không thể không nhìn thấy. Bức ảnh một cô gái chiếm hết trang bìa hút lấy tia mắt của tôi. Như chụp từ một bức vẽ sơn dầu. Màu tối. Thoáng chút xanh lá. Lợn cợn. Ngồi. Ghế. Lặng lẽ. Cam chịu. Tôi như vừa uống xong ly nước ấm. Tỉnh táo hẳn. Một chút xúc động và một chút gì đó như mối đồng cảm khiến sống lưng tôi rang lên. Tôi đọc được trên đầu sách ‘Portrait of Jennie’, và tên tác giả, hình như đã nghe đâu đó, Robert Nathan, (*) đều chữ nét khổ lớn. Jennie. Tên đẹp lắm! Hẳn là của con gái. Một cái tên bắt người ta phải lẩm nhẩm và bị vướng mắc trong miệng vì cái âm đọc. Và hẳn đây là một quyển truyện. Một truyện tình. Tôi nghĩ, đầu óc mang mang. Nhưng, còn việc cần lo hơn, nên tôi lắc đầu như xin phép để được bớt ân hận nếu phải quên nó.

          Sao mình lại vô tâm đến độ bỏ lơ vật thể thiết thân đến mức của anh? Tôi ấp úng xin lỗi. Và bỗng thấy thật không phải với cô gái trong truyện. Tôi tự hỏi, anh mang sách ra làm gì? Đọc? Dưới ánh điện đường đau mắt, và dưới bầu tinh tú, tuy rực rỡ, song chỉ đủ để không cầm nhầm tách cà phê với cái gạt tàn? Hay chỉ mang ra nhằm biết là nó có đó cho an lòng?

          Huyên cầm tay tôi đặt lên nó (bìa sách láng lượt như làn da người con gái) rồi ủ tay anh lên tay tôi:

          “Đây là quyển sách được anh mang theo, trong mọi sinh hoạt. Lam biết không: dễ chừng anh đã đọc nó cả trăm lần. Dễ chừng anh đã thuộc gần hết số chương, số trang, số lần xuống dòng. Sự có mặt của nó có giá trị không kém sự có mặt của người thân thiết nhất mà mình đã từng yêu chiều, sống với, từng thiếu, mong. Nó là kỷ niệm. Là nhịp tim cho biết mình còn sống. Là tiếng biển cho biết là thế gian này vẫn còn âm thanh. Là tác động lắp đầy hư vô. Với anh, nó là loại ‘livre de chevet’. Là cái mà anh mang theo, dùng làm gối, khi đi vào giấc ngủ, kết thúc một ngày; và gửi lời chào một ngày mới khi trở ra, từ đó.”         

          Tôi rút tay, bấu nhẹ lên tay Huyên, thầm chào cô gái, chậm bước về hành lang hẹp chạy từ các phòng của tầng này ra sân. Quay lại, nhìn thẳng: bóng Huyên bất động như bức khắc nổi đã hoàn tất lên khúc cây đêm. Ngước lên: sao rất khít, rạng, tím, mỗi vì như một hột trái nhung, và sát mép tóc đến tưởng đưa tay lên là hái được. Trời thuôn thẳm như giếng mở. Tiếng côn trùng ri rả làm rêm rạn không gian lặng lờ. Lạnh, lúc này mới theo các đường nứt của âm thanh mà bốc khói. Mù lảng vảng đường trời viền quanh các dãy núi răng cưa thành phố tôi nhìn thấy từ trên phi cơ, và non năm đầu sinh sống. Tôi chóng mặt. Mùi hoa nào rất quen, ngửi được nơi mọi ngả đường, vào mọi lúc, của vùng hoang mạc đó. Nó quen đến điềm nhiên chen vào cuộc sống thường ngày của tôi, khi thức, cũng như lúc ngủ. Tôi phải thở, phải ‘nghe’, phải thường xuyên chạm mặt. Ngay cả trong không gian suy nghĩ của tôi. Đúng là mùi hoa đó, vì chỉ sơ sinh mà đã khá tượng hình, khá trì trệ. Tôi xua tay. Tôi sợ phải hắt hơi vì cái độ nồng đặc ám muội đen quá khứ. Tôi hất hủi nó. Tôi oan uổng xua đuổi nó. Chỉ vì ‘hắn’. Một lần nữa, tôi thấy mình không phải lẽ với cái đang làm nên cuộc sống này. Tôi chạy ào vào, đóng nhanh cửa.

          Phòng không rộng, nhưng giường, đơn, thì lại. Nó chiếm hầu hết diện tích. 2 gối ngủ, và 2 gối ôm, thêu bông đỏ, thảy đều phồng bụng. Lạnh đến xắt lát cả hồi thở, đến quặn cả ruột, nhưng tôi không muốn mở sưởi. Tôi có thói quen, dù nhiệt độ thấp mấy, vẫn chỉ ngủ với thật tiết kiệm, hoặc không gì hết y trang, trên người, và mở cửa lưới. Tôi rất thích được trở về dạng thế của thai nhi; thích tự co rút trong chính mình, thích lắm, vì chỉ với vị thế này, hai phần trên dưới của cơ thể mới có thể tiếp xúc hỏi han nhau; thích được rã rời tay chân vì huyết dịch bị bó nghẽn; thích nghe tiếng hít hà và hồi lập cập từ răng trên xuống gót chân dưới trong mền bông dầy cộm. (Sở thích này, theo má tôi, bắt đầu có hồi còn chiến tranh. Xóm nghèo nhà tôi nằm bên kia đường sắt, không xa một đồn lính. Đêm đêm, cứ nhón mắt qua khe cửa là nhìn thấy khi một, khi hai chiếc dodge nhỏ đèn tù mù chở thương binh về chi khu. Người bị nhẹ thì được băng bó tại chỗ. Người bị nặng hơn phải nằm chờ, có khi hết đêm, mới kiếm được xe hồng thập tự chở lên quận hoặc ra phi trường đưa về quân y viện tỉnh cấp cứu. Sợ hãi do cái nhìn, cái phỏng đoán, cái biết thật, cộng thêm nỗi bạt hồn vì âm thanh của súng đạn lớn nhỏ từ cả hai phe, tiếng chiu chíu tách òa của hỏa châu, tuổi thơ của tôi từng ngày teo tóp. Phản ứng tự vệ và sinh tồn của tôi chỉ là chạy tót vào giường, trùm mền, run rẩy, nằm co, bịt tai, quên hết ăn uống, (và luôn cả nhu cầu vệ sinh!) Hàng chục năm đã tạo thành thói quen. Lúc đầu, thấy khó chịu. Mãi rồi, thấy hay.)

          Cách nằm này, với người, là hành xác, là ngược với lời khuyên của y học, là muốn thu nhỏ mãi đến mức hết còn buồn khổ, hoặc, hết còn tồn tại, hay để, lạc quan hơn, với một số người: bắt đầu lại. Nó đúng, khi tôi xem tồn tại của mình như một bất hạnh. Và nó sai, khi tôi cho tồn tại, dù thế nào, và trên hết, như lời dạy của ba má tôi, không mang ý nghĩa tôn giáo hay tâm linh nào cao xa, mà chỉ dựa trên ý nghĩ từ người được ban tặng: là cái gì cần trân quý, là một đặc ân. Nhưng với sinh hoạt của riêng tôi, dẫu trong tâm trạng đày đọa nhất, nó là cách hưởng thụ, cụ thể hóa, nhâm nhi, hay thương xót cái hiện hữu an bình và khốn đốn của mình. Và, tóm lại, hết mực bình thường, được minh chứng bởi kinh nghiệm sống của chính tôi: nó giúp tôi ngủ ngon hơn, ít bị mộng hơn.     

          Tôi chợp được vài giấc đứt đoạn. Đứt đoạn, hẳn thế rồi, không thể khác, vì dù trong mơ, tôi vẫn biết là chỉ có tôi đang ngao du trong cõi này. Huyên còn đứng ngoài kia. Giữa hai chúng tôi là tấm vách mỏng muốt, nhưng ngùng ngoằng, dai, khó xuyên thủng, như mạng nhện. Trong mơ, tôi thấy Huyên. Tôi nằm cạnh anh (biên giới vẫn là bức vách đó), bên trái (theo ý anh. Anh nói, và tôi không biết thực hay đùa: anh chỉ thuận bên phải, nhất là khi hôn tôi). Nghe được anh thở, anh cựa mình, cảm được hơi ấm, sức chuyển của máu trong anh, nhưng không rờ tới được. Tay chân tôi như được độn bằng bông gòn. Không trọng lượng. Và không thể tự điều khiển. Anh đang kể tôi nghe chuyện gì rất vui; có đoạn rất tếu, rất… tục; rồi, tôi tỉnh lại. Hình ảnh sau rốt chưa kịp thoát khỏi mắt tôi đồng thời với cảm giác biết dưới hông đang bị cộm chiếc gối kẹp là đôi tay trờ tới (trong lúc tôi nghe cảm giác cộm thì anh đã đứng lên), rồi ngỡ ngàng rơi, của Huyên. Tôi sượng trơ, như bị đúc gỗ. Nhìn được, nghe được, nhưng khó bề mở miệng.

          Trở ra sân, tôi thấy Huyên vẫn còn ngồi ‘đồng’ ở vị trí cũ (tách cà phê cùng gói thuốc ắt cũng chẳng di chuyển chút nào).

          Sương lóng lánh giăng trên cầu tơ trong chậu cảnh bờ tường, và ánh đèn đường lấm ven mép bàn. Chiếc áo khoác tôi mang ra cho Huyên lúc chiều vẫn còn móc quanh vai ghế. Tôi chưa biết sẽ phải làm gì thì sàn đá trơn đã đẩy tôi đến sau lưng anh. Cái gạt tàn là cái trình diện trước tôi đầu tiên: nó chẳng đầy thêm. Chỉ đầy thêm là, mỏm tóc sát gáy anh đã như được rắc phấn trắng. Tôi phân vân lắm, nhưng không dám gọi. Hướng gục đầu của Huyên đưa mắt tôi trớt lên mặt bàn, bên tách trà (chính tôi pha): màu trắng của bìa sách: quyển sách đã được đặt úp xuống. À. Phải vậy chứ. Tôi tự la thầm: chỉ có cuốn truyện là có thể ‘nạy’ Huyên ra khỏi cái thế ‘kiết già’ của anh.

          Nơi Huyên có cái gì bất biến. (Và đó là cái kết luận ngắn, và bất biến của tôi, về anh.) Trong thế ngồi, nằm, đứng, khi ngủ cũng như lúc thức, khó tìm ra khác biệt. Hình như anh đang mang trong mình cả một trào thủy mênh mang, một lượng nước, là tổng số của những con chảy nhỏ, nhưng lưu âm của nó lại rất thầm, mềm, không đồng vọng, nhạt. Chỉ là cảm nghĩ của tôi. Nhưng ít ra là vậy. Những lúc đó (mà thường xuyên lắm), ngoại giới bị hư hóa. Nó, đúng hơn, cam thu nhỏ còn là một xơ chỉ trong mắt anh (khi anh mở chúng ra). Trong, tôi nhìn thấy sóng. Nhìn thấy, chứ không nghe được. Một con sóng là tổng số cuộn vọng của các con lộng khác, và nó đang bị đè nén. Chỉ lúc Huyên phát ngôn, tôi mới vin vào mớ ngữ kia mà lọc lấy một vài thuộc tính của chao động của thủy triều. [gian khổ như người đãi cát nhặt vàng!] Êm ả, phơn phớt quá lắm, làm tưởng đến sự cựa cậy của một ngón tay khi đang ngủ mê.

(còn tiếp)

 

Nguyễn-hòa-Trước

2000* 2014

 

http://www.gio-o.com/NguyenHoaTruoc.html

 

© gio-o.com 2015