Marguerite Duras

 

Vĩnh Long

 

bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

 

"Hai phút, hai lần ngất ngây trong tuổi thơ có thể đã khiến cô bė Marguerite trở thành nhà văn."  NĐT.

 

 

 

Đã có Vĩnh Long và đã có Hà Nội. Tôi có nói về Vĩnh Long, nhưng chưa hề nói về Hà Nội. Vĩnh Long, tôi đã nói, là một cái trấn của rừng Nam Kỳ. Nó cũng đã là Đồng Chim, xứ sở của nước bao la nhứt thế giới tôi hình dung. Lúc tôi lên tám hay lên mười khi chuyện đó xảy ra. Như sấm sét hay đức tin. Nó đã xảy ra cho cả đời tôi. Ở tuổi đã bảy mươi hai rồi mà nó vẫn còn đó y như mới hôm qua, những lối đi vào nhiệm sở trong giờ nghỉ trưa, khu da trắng, những con lộ lớn vắng vẻ hai bên lề trồng phượng vĩ. Con sông đang ngủ. Và bà ấy chạy qua trong chiếc xe hòm đen. Tên bà ấy đã gần như Anne-Marie Stretter. Bà ấy tên là Striedler. Vợ của ông toàn quyền. Họ đã có hai con. Họ đến từ Lào nơi bà ấy có một người tình trẻ. Hắn đã quyên sinh vì bà ấy đã bỏ đi. Đủ cả, như trong India Song. Gã thanh niên đã ở lại xứ Lào, nơi cái trấn họ đã quen nhau, ở tận trên cao phía Bắc dòng Cữu Long. Hắn đã tự sát ở đó. Ở Luang Prabang.

 

Đã có Vĩnh Long một ngàn cây số thấp hơn của cùng một dòng sông chung chạ cho đôi tình nhân. Tôi vẫn còn nhớ cái thứ cảm giác đã đến trong cơ thể một đứa bé: cảm giác vươn tới một kiến thức còn bị cấm đoán đối với tôi. Thế giới bao la và phức tạp một cách trong sáng. Ở đó, ta phải sáng chế một từ ngữ để bảo, rất rõ ràng, rằng người ta biết rằng không thể hiểu điều cần được hiểu. Không nên thổ lộ điều đó với bất cứ ai, kể luôn mẹ tôi, tôi đã biết vào thời điểm đó của cuộc đời, đã nói dối với con cái. Cần phải giữ sự hiểu biết đó cho riêng mình. Từ hôm đó, người đàn bà ấy đã trở thành niềm bí ẩn của tôi, Anne-Marie Stretter.

 

 

Hà Nội

 

Đã có Hà Nội mà tôi không bao giờ nhắc tới, tôi không biết tại sao. Trước Vĩnh Long đã có Hà Nội, sáu năm trước, trong ngôi nhà mẹ tôi đã mua gần Hồ Gươm. Thuở ấy mẹ tôi có nuôi trọ học trò trai, Việt và Lào cỡ mười hai mưòi ba tuổi. Một đứa, vào buổi trưa, đã bảo tôi theo nó vào một "chỗ trốn". Tôi không sợ, tôi đi theo nó vào chỗ trốn. Chỗ ấy ở bên bờ hồ, giữa hai căn nhà gỗ có thể là dãy nhà phụ của ngôi biệt thự. Tôi còn nhớ nó như một cái hành lang chật chội giữa những tấm vách ván. Chỗ để phá màn trinh trong cuốn sách là cái chỗ đó: chỗ của những túp lều để thay đồ tắm. Hồ trở thành biển, khoái lạc đã có ở nơi đó, được báo trước bởi bản tính, bởi nguyên tắc, bất khả quên khi xuất hiện lần đầu tiên trong cơ thể của đứa bė đang ở cách xa nhiều năm-ánh sáng để ý thức được nó và đã nhận được tín hiệu. Hôm sau, thằng bė Việt Nam bị mẹ tôi đuổi đi vì tôi đã cảm thấy có bổn phận phải kể hết lại cho mẹ nghe, phải thú nhận tất cả. Kỷ niệm rất rõ. Tôi như một vật đã bị sỉ nhục bởi sự đụng chạm đó. Tôi lên bốn. Nó mười một tuổi rưởi. Nó chưa dậy thì. Dương vật của nó còn mềm, êm, nó bảo cho tôi điều phải làm: cầm cái đó trong tay. Nó đặt bàn tay nó lên trên bàn tay tôi và hai bàn tay chụm lại vuốt ve cái đó càng lúc càng mạnh hơn. Rồi nó ngừng lại. Tôi không bao giờ quên cái hình thể trong tay tôi, sự ẩm áp. Và khuôn mặt của thằng bė, đôi mắt nhắm, cố vươn tới lạc thú chưa đạt tới được, liệt sĩ, trong sự đợi chờ.

 

Tôi không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa với mẹ. Suốt đời bà đã tưởng rằng tôi đã quên. Bà đã nói với tôi: "Đừng bao giờ nghĩ tới chuyện đó nữa, đừng bao giờ". Rất lâu, tôi đã nghĩ về nó như một điều khủng khiếp. Mãi về sau tôi mới kể lại cho bọn đàn ông Pháp nghe. Nhưng tôi biết mẹ tôi không hề quên những trò chơi trẻ con đó.

 

Cảnh đó đã tự chuyển dời. Trong thực tế, nó đã lớn lên với tôi, nó không bao giờ rời tôi.

 

 

Nguồn: La Vie Matėrielle, Marguerite Duras, Gallimard Folio và P.O.L, ėditeur, 1987.

 

Nguyễn Đăng Thường dịch

 

http://www.gio-o.com/NguyenDangThuong.html

 

 

© gio-o.com/2018