Dejanirah Couto *

‘Maître de conférences’ at the École Pratique des Hautes Études (Paris)

 

Từ Ngưỡng Cửa Nhật Bản

Giáo Sĩ Gaspar do Amaral,

‘Mạng Lưới Dòng Tên’ và Sự Đóng Góp

của Phái Bộ Truyền Giáo Nhật Bản và Cộng đồng Di Dân Nhật Bản

Vào Việc Triển Khai và Định Cư của Phái Bộ  Dòng Tên ở Đàng Ngoài

 

 

Ngô Bắc dịch

 

 

Các tín đồ Cơ Đốc tử vì đạo của Nagasaki, chi tiết phóng lớn, School of Giovanni Niccolò, Japan, 1612, Ciesa del Gesù, Rome.

 

Mặc dù đã được xác định và kiểm kê, bộ tài liệu có nhan đề Jesuítas na Ásia từ Thư viện Quốc gia của Cung điện Ajuda (Biblioteca Nacional do Palácio da Ajuda) ở Lisbon, cũng như loạt ấn phẩm ARSI Jap. Sin. từ Archivum Romano Societatis Iesu (Văn Khố La Mã Tu Hội Dòng Tên) ở Rome, tiếp tục tiết lộ sự giàu có của tài liệu mới, nếu được nghiên cứu chi tiết, đóng góp vào việc mở rộng và đôi khi, như một sự gợi ý cho nhiều câu hỏi hơn liên quan đến mạng lưới 'đa quốc gia' của Tu Hội Dòng Tên (Society of Jesus), từ quan điểm kinh tế cũng như tinh thần và trí thức.

 

Một trong những khía cạnh có ý nghĩa nhất của Dòng Tu là cách nó được tổ chức, khi được phân tích từ một quan điểm kinh tế. Đặc biệt trong suốt các thế kỷ 16 và 17, sự tài trợ cho mỗi một trong nhiều phái bộ ở châu Á, với tư cách là một phần của Padroado (Quy Chế Bảo Trợ Bồ Đào Nha), có liên quan với nhau trong một mạng lưới hoạt động tài chính phức tạp, do đó tạo ra một mạng lưới toàn cầu thực sự cho các giáo sĩ Dòng Tên.

 

Ví dụ đầu tiên mà tôi nghĩ đến một cách quả quyết là trường hợp của Ấn Độ, và đặc biệt là thành phố Bassein, 'Thủ đô phía Bắc', thuộc Gujarat /Maharashtra [cực đông của Ấn Độ, ND], với những vùng đất màu mỡ và trù phú ở đó hệ thống quyên góp, đặc quyền và cho vay tài chính từ các ngôi làng được tiến hành bởi Hoàng Gia Bồ Đào Nha cùng với sự đóng góp của Giáo hoàng — như cũng như các khoản đóng góp từ các cá nhân tư nhân cho các tu sĩ Dòng Tên (từ năm 1548 trở đi) —cho phép họ đạt đến một mức độ giàu có  vượt xa các dòng tu khác.  Đặc biệt, Dòng Tên có nhiều nguồn lực hơn Dòng Phanxicô. Nền tảng kinh tế vững mạnh cho phép các tu sĩ Dòng Tên đóng một vai trò rất quan trọng tại Ấn Độ, cũng như tại Macao, đặc biệt trong thế kỷ 17, bằng cách bảo vệ các lãnh thổ dưới quyền người Bồ Đào Nha quản trị — chẳng hạn như Bassein — thông qua việc tuyển mộ binh lính hoặc sửa chữa pháo đài.Nó cũng cho phép họ tài trợ cho sự bành trướng khu vực châu Á của họ. 

 

Thật vậy, điều thú vị khi nhận ra rằng phái bộ Dòng Tên ở Nhật Bản, đòi hỏi kinh phí đáng kể do các công tác khác nhau của việc cải đạo tôn giáo, và nhiều loại liên hệ ngoại giao khác nhau bị tùy thuộc, trong số các lý do khác, đã được tài trợ từ thế kỷ thứ 16 bởi Bassein, mặc dù dưới quyền chủ tể khác nhau trong thế kỷ 16 (D. João III, D. Sebastião và Filipe  đệ II của Tây Ban Nha / đệ I của Bồ Đào Nha) đã hỗ trợ phái bộ Nhật Ban thông qua  các khoản quyên tặng hào phóng, cung cấp nhiều khoản tiền được chuyển tải không chỉ từ Bassein mà từ tiền lãi tại Vòng Cung Đảo Mumbai, đặc biệt từ đảo Salcete [vùng đất nằm ở bờ biển phía tây của Ấn Độ, thuộc miền nam của Goa, ND].3

 

Trong thập niên 1570, như chúng ta có thể đánh giá bởi Sumário de todos os Colégios e Casas, Residências e Pessoas, Rendas e Gastos que tem a Provincia da Companhia na India (1587) chính các tu sĩ Dòng Tên bắt đầu thu tiền thuê nhà của caçabés [thị trấn nhỏ cư ngụ bởi dân hay gia đình đàng hoàng, có đẳng cấp, ND] từ Caranja vào năm 1571 (500 pardaus [một đơn vị tiền tệ nhỏ hơn đồng rupia của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ, ND], là một phần tiền cho thuê của nó) từ Ponvém / Poinser (1575, 700 pardaus), từ Condotim (1578, 500 pardaus), 4 từ Mulgão (1585, 1000 pardaus), kết hợp với tiền thuê từ Sargiu (200 pardaus), từ Mori (200 pardaus), và từ Curlem (400 pardaus), 5 tất cả dành cho việc tài trợ phái bộ truyền giáo tại Nhật Bản.

 

Vào đầu thế kỷ thứ 17, tu hội Dòng Tên nhận thấy khoản bổ sung tiền thuê từ khu dân cư caçabé rất giàu có từ Maim, trên Đảo Salcete. Khu dân cư caçabé này, có một Văn Phòng Quan Thuế, là một khoản tặng dữ từ quỹ ngoại tệ (foreiro) Jorge Borges,  chừng nào trường Cao Đẳng Goa còn mắc nợ, với điều kiện là nó sẽ vẫn còn được dùng làm nơi hội thảo của ba giáo tỉnh Goa, Malabar và Nhật Bản.6

 

Nỗ lực tài chính mạnh mẽ này để hỗ trợ phái bộ truyền giáo Nhật Bản đã không ngăn cản sự xuất hiện của một cuộc khủng hoảng tài chính tăng dần vào cuối thế kỷ thứ 16 và đầu thế kỷ thứ 17.7 Nếu chúng ta quay trở lại thời khoảng cuối của thế kỷ 16, các tác giả chẳng hạn như Helena Rodrigues, người đã tính toán ngân sách của phái bộ vào năm 1586, chỉ ra rằng tổng số của tất cả thu nhập (bao gồm giá trị của các khoản đóng góp của hoàng gia và tư nhân, tiền thuê từ các làng của Bassein và thuế tài sản của một số nhà ở Macao cũng như các lợi nhuận của các khoản đầu tư trong thương mại tơ lụa và thuế hải quan từ cảng Nagasaki) có số tổng cộng 5.325 cruzados [một đơn vị tiền tệ của Bồ Đào Nha, ND], trong khi tổng số các chi phí, bao gồm cả việc hàng hóa chất lên tàu, phí chuyển vận, sách và lễ phục phụng vụ, thực phẩm cho các phái bộ, các chuyến đi và các chi phí đi lại khác nhau cho các nhà truyền giáo (bao gồm cả Phó tỉnh và Bề Trên Tổng Quyền), việc trang trí các nhà thờ, các quà biếu ngoại giao, và chi phí của những ngôi nhà của phái bộ đặt tại Miyako (Kyoto) trên đảo Honshû, Bungo và Omura ở Kyûshû và Ximo (Shikoku), 8 cộng chung mọi khoản thành tổng số là 6.354 cruzados. Vì thế trong những năm đó có một số thâm thủng là 1.029 cruzados, mặc dù không cao lắm, rõ ràng có xu hướng tăng lên trong những năm tiếp theo, với việc đình chỉ thường xuyên mậu dịch của Kurofune [ 黒 船: hắc thuyền, thuyền sơn màu đen, chỉ các tàu Tây Phương đến Nhật Bản trong các thế kỷ 16 - 19, ND]  giữa Macao và Nhật Bản, từ 1573 đến 1618, mặc dù giao liên lạc vẫn tiếp tục sau 1618,9

 

Tuy nhiên, chúng ta cần làm nổi bật sự kiện rằng những ngân sách này từ Dòng Tên phải được xem xét với sự thận trọng: có thể là các nguồn thu nhập khác đã không được ghi lại và rằng sự mô tả này về các khó khăn tài chính tác hại đến phái bộ cũng đã là một phần của cung cách hùng biện của các tu sĩ Dòng Tên nhằm thể hiện rằng nỗ lực của ‘Dòng Ignatius [Ignatius of Loyola là người sáng lập ra Dòng Tên, ND]’ thật đáng khen ngợi ra sao khi 'hướng tới việc cải đạo tôn giáo trong một tình hình quốc tế phức tạp.10  Điều liên hệ cần cứu xét rằng, ví dụ, ai cũng biết rằng đã có thêm các khoản quyên góp được thực hiện bởi các tư nhân, những người đã tham gia vào phái bộ Nhật Bản. Trường hợp của Luís de Almeida (1556) vẫn là một ví dụ điển hình.11

 

Trong mọi trường hợp, điều trở nên cần thiết phải đi tìm kiếm nguồn kinh phí khác. Một trong số nguồn đó là những đóng góp của các thương gia Bồ Đào Nha, bắt đầu từ năm 1544, khởi sự khám phá, từ những tiền đồn ở Goa và Malacca của họ, mậu dịch sinh lợi nhuận bằng lụa Trung Hoa, họ đổi lấy bạc của Nhật Bản, do đó trở thành trung gian trong sự trao đổi thương mại truyền thống giữa Trung Hoa và Nhật Bản (đã phát triển kể từ thời Tenbun [của Nhật Bản, ND], 1532-1555), 12 nhờ ở, trong số các lý do khác, sự phát triển của các hoạt động khai mỏ tại Nhật Bản và nhu cầu ngày càng tăng của Trung Hoa về bạc.13  Sự phát triển này của mậu dịch Bồ Đào Nha dẫn đến một sự tăng cường tất yếu mối quan hệ giữa các thương gia và các nhà truyền giáo vốn đã trao đổi các dịch vụ hỗ ứng. Trong một số các trường hợp dịch vụ được giới hạn vào các trao đổi tài chính, mặc dù chúng ta không thể loại trừ khả tính rằng các loại trao đổi khác cũng đã diễn ra. Ví dụ, một số bằng chứng cho thấy rằng các thuyền trưởng giàu có của các chiếc tàu đã hỗ trợ các nhà truyền giáo trong một số dịp ở thời kỳ ban đầu,  rõ ràng không có bất kỳ sự bồi đáp cụ thể nào: một lá thư của Cha Baltasar Gago, viết ở Hirado năm 1555, cho chúng ta biết rằng trong sáu năm, Thuyền trưởng Duarte da Gama, người lái thuyền dọc theo Bờ biển Nhật Bản, đã giúp các linh mục Dòng Tên các đồ tiếp tế và của bố thí.14

 

Hơn nữa, về sự tham gia của họ vào thương mại, các giáo sĩ Dòng Tên (bất chấp sự ngăn cản của Giáo Hội Công Giáo) 15 đã tìm cách giải quyết vấn đề và đã sớm thương lượng các điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại của họ ở Nhật Bản, mà họ bắt đầu phát triển vào khoảng năm 1549. Trong số này, chúng ta sẽ chỉ xem xét ở đây hai khía cạnh quan trọng: mức độ ưu tiên liên quan đến việc bán các picos [pico: tạ,  đơn vị trọng lượng của Bồ Đào Nha, tương đương với 60kg, nhưng không nói rõ loại hàng hóa gì, ND] của Dòng Tên và với nhiệm ý để có thể bán thêm 50 picos khác khi Kurofune không có ở Nhật Bản.16

 

Nhưng, như ai cũng biết, nếu các tu sĩ Dòng Tên có thể lợi dụng các cơ hội thương mại, chủ yếu là do các khả năng của họ trong vai trò các người trung gian, điều đã sẵn được công nhận bởi chính quyền Bồ Đào Nha ở Goa, ở Malacca và sau đó ở Macao, cũng đã được công nhận bởi các daimyô: đại danh theo Thiên chúa giáo (chẳng hạn như Ômura Sumitada hoặc Arima Haronobu) .17   Người Nhật thấy ở họ những tác nhân thích hợp để thương thảo với các thương gia Bồ Đào Nha, những người sẽ sau rốt liên kết với họ.18  Arima Haranobu, daimyô của Shimabara, 19 là một ví dụ về những người có được shuin-jô (con dấu đỏ), giấy cấp quyền chính thức của Nhật Bản cho phép hoạt động thương mại hàng hải, một hệ thống nổi tiếng cần được đề cập một lần nữa trong các trang sau. Ông ấy cũng đã dính líu với các thương gia Bồ Đào Nha.20

 

Trong một số trường hợp nhất định, những daimyô này là các đối tác trực tiếp với các giáo sĩ Dòng Tên: ví dụ, vào năm 1567, Ôtomo Sôrin / D. Francisco, daimyô của Bungo, đã yêu cầu các Giáo Phụ cung cấp cho ông ta 200 kin [ kim: vàng, tiếng Nhật, chỉ đơn vị tiền tệ đồng tiền vàng?, ND] muối cục (salpetre) hàng năm.21  Những người Nhật cải đạo khác (có 300 người trong năm 1585 tại Nagasaki, theo Luís Fróis) 22  là những kẻ cũng có các quyền lợi và các sự tham gia vào mậu dịch hàng hải, đã thương lượng với Macao và cũng liên kết với các giáo sĩ  Dòng Tên.

 

Các nhà mậu dịch và các giáo sĩ truyền đạo Tây Phương tại Nhật Bản, giữa thế kỷ thứ 17, bình phong nghệ thuật namban: nam man của Nhật Bản [namban
là tiếng Hán-Nhật để chỉ người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong thế kỷ 16 và 17, ND] chi tiết phóng lớn (Idemitsu Museum of Arts, Tokyo).

 

 

Mặt khác, bất kể các sự phàn nàn thường trực về tình hình kinh tế của Tu Hội Dòng Tên ở Châu Á, phái bộ truyền giáo ở Nhật Bản cũng nhận được rất nhiều sự yểm trợ từ người Nhật đã cải đạo.23 Như đã khẳng định qua những lá thư được viết bởi những nhà truyền giáo, họ không chỉ cung cấp chỗ ở và của bố thí cho các linh mục trong nhiều dịp mà còn giúp các nhà truyền giáo thông qua việc quyên tặng đất đai hoặc hàng hóa được thu thập bởi các cộng đồng địa phương, đã cung cấp hỗ trợ cho việc xây dựng nhà thờ và các tòa nhà liên quan khác, và việc bảo trì của bệnh viện được lập ra ở Funai (Ôita) vào năm 1559, nhờ ở khoản quyên góp 300 cruzados. 24  Họ cũng ủng hộ Misericórdias {Hội Từ Thiện?, ND].25

 

Tuy nhiên, quan trọng hơn, đã có những sáng kiến rất giống với những gì đã diễn ra ở Bassein: chúng ta hãy chỉ nhớ đến như một ví dụ, đặc nhượng tiền thuê của một cảng thương mại lớn chẳng hạn như cảng ở Nagasaki bởi Ômura Sumitada cho Tu  Hội Dòng Tên năm 1571,26  hay đặc nhượng hai ngôi đền của Ôtomo Sôrin (Yoshige) / D. Francisco vào năm 1587, cung cấp tiền vào thời điểm đó cần thiết cho sinh kế của khoảng hai mươi người.27   Tiến trình này, rõ ràng đã được tiến hành trong nửa sau của thế kỷ thứ 16, tự củng cố vào cuối thế kỷ và vẫn giữ nguyên lúc khởi đầu của thế kỷ thứ 17. Ở một khía cạnh nào đó, người Nhật theo đạo Cơ đốc  — bao gồm một số daimyô — đã hoàn thành, trong vai trò hỗ trợ cho phái bộ truyền giáo Nhật Bản, các hoạt động của các thương gia và các cá nhân tư nhân Bồ Đào Nha ở nửa sau thế kỷ thứ 16, 28 trở nên thịnh vượng thông qua mậu dịch Đông Nam Á một số hàng hóa và sản vật: lụa thô, vàng, đồng, trà, nhân sâm Trung Hoa (raiz-de-china), đại hoàng (rhubarb) và đồ sứ.  Liên can đến các tu sĩ Dòng Tên, chúng ta hay biết, bất kể 'cuộc khủng hoảng dần dần', tầm quan trọng của khoản đầu tư của họ quan trọng ra sao và làm thế nào họ gặt hái được những lợi lộc lớn lao từ việc mua bán lụa và các sản phẩm khác vào lúc khởi đầu thế kỷ thứ 17.29

 

Mục tiêu của chúng tôi không phải là kiểm tra chi tiết tất cả các khía cạnh của việc bài trừ Cơ đốc giáo, đã bắt đầu với sắc lệnh của Toyotomi Hideyoshi vào năm 1587 (sau sự biến mất của Sumitada, và qua đó Nagasaki được đặt dưới quyền trực tiếp kiểm soát của ông, cũng như Mogi và Urakami), đề cử Nabeshima Hida no Kami (Naoshige) trong vai daikan [đại quan, tiếng Nhật, có nghĩa đại diện cho quan chức, giữ chức thị trưởng hay tổng đốc, ND] cho những khu vực này.30  Chỉ cần nêu bật sự kiện rằng những trở ngại khác nhau có bản chất lập pháp, tôn giáo và kinh tế đã được nêu lên đối với hoạt động của các tu sĩ Dòng Tên ở Nhật Bản, và đỉnh điểm là sự trục xuất các nhà truyền giáo vào năm 1614, (do Tokugawa Ieyasu tuyên bố), và sự tuyệt dạng sau đó của phái bộ, rõ ràng đã có, ít nhất, một số tác động đến mậu dịch hàng hải trong đó các tu sĩ Dòng Tên, người Bồ Đào Nha, thành viên của cộng đồng đã cải đạo và các thương gia Nhật Bản không theo đạo Thiên chúa  tham gia, bất kể sự kiện là nghị định từ 1587 có một điều khoản đảm bảo rằng các thương gia Bồ Đào Nha được phép tiếp tục hoạt động mậu dịch của họ 31 và do đó đảm bảo sự duy trì các mạng lưới thương mại đã liên kết những nhóm này.32

 

Khá rõ ràng là tất cả đều là nạn nhân của các yếu tố kinh tế và chính trị; 33 chúng tôi sẽ chỉ nhấn mạnh đến các cuộc tấn công chống lại các tàu Bồ Đào Nha do người Hà Lan hoặc sự cạnh tranh mạnh mẽ của Công Ty VOC tự thân xây dựng được ở trạm mậu dịch tại Hirado năm 1609,34  Để đối phó với tình trạng này, vào năm 1618, người Bồ Đào Nha thay thế Kurofune (tàu sơn màu đen) bằng các thuyền buồm lớn (galeotas), 35 cũng được gọi bằng tiếng Trung Hoa là   wugongchuan (Navios-centopeia) [蜈 蚣 船): ngô công thuyền, chú của người dịch]. Nhưng sự liên tục của mậu dịch tự do giữa Macao và Nagasaki được đảm bảo 36 ít nhất là cho đến khi có sự thực thi chính sách sakoku-seisaku [bế quan tỏa cảng, chính sách tự cô lập, ND] và sự hoàn thành tiến trình trục xuất trong năm 1639. Mậu dịch chỉ bị dừng lại tạm thời trong năm 1622, không có tàu nào của Bồ Đào Nha có thể đến Macao, bởi một lượng viễn chinh lớn của Hà Lan tấn công hòn đảo.37

 

Tác giả vô danh, ‘Breve idea del modo, ed ordine, onde con cerimonia sacro-pagana si celebrano in Cochincina i funerali e si portano i cadaveri a seppellir nel cimitero da crisitina’
[tranh vẽ một đám tang tại Đàng Trong, chú của Ngô Bắc] (chi tiết phóng lớn). Archivo Storico de Propaganda Fide, Vatican. Với sự giúp đỡ của Susume Akune, Kyoto.

 

 

Trên thực tế, nếu chúng ta cứu xét rằng trong giai đoạn trước từ năm 1604 đến năm 1617 khi mậu dịch có tính chất lẻ tẻ hơn, 38 khối lượng giao dịch gia tăng một cách thường xuyên sau năm 1618; giữa các năm 1600 và 1615, các tàu Kurofune đã mang ra từ Nhật Bản xấp xỉ 15 tấn bạc.  Sau năm 1618, giá trị đó tăng gấp đôi và đạt 37,5 tấn trong năm đầu tiên của thập kỷ 1630, đạt 88 tấn vào năm 1636,39  Theo một số tài liệu, vào năm 1637 các thương gia ở Macao đã có năm làm ăn thịnh đạt nhất của họ.40

 

Nhưng có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhất của sức sống của hoạt động thương mại đó là bất chấp sự phong tỏa eo biển Malacca bởi người Hà Lan vào năm 1630 (ngăn chặn người Bồ Đào Nha từ Macao khỏi việc mua bạc từ Ấn Độ), người Bồ Đào Nha bắt đầu nhận các khoản vay ở Nhật Bản để thanh toán tiền mua lụa Trung Hoa. Hệ thống responseência: đáp ứng (có một số điểm chung với nagegane [một loại bảo hiểm hàng hải, trong đó dùng tàu làm thế chấp cho một khoản vay, ND]) 41 đã nảy nở và mang lại các kết quả, ngay dù các thương gia Macan trở nên mắc nợ nhiều hơn các nhà đầu tư Nhật Bản. 42   Năm 1626, khi, dưới bầu không khí của sự bi quan của Dòng Tên và sự gia tăng đều đặn các biện pháp để loại bỏ Cơ đốc giáo (mà sự nổi lên của Mạc phủ Iemitsu năm 1623 đã góp sức vào đó), 43 bûgyo [viên chức thẩm quyền về hành chính lẫn tư pháp của Nhật Bản, ND] của Nagasaki, Mizuno Moribonu, buộc các nhà đầu tư Nhật Bản phải cung cấp thông tin chi tiết về sự tham gia của họ với mạng lưới thương mại của Bồ Đào Nha: tổng số đã lên tới 26.000 cruzados. Mặc dù các ngân quỹ của tín đồ  Cơ đốc Nhật Bản bị tịch thu, chúng có thể được hoàn trả nếu họ chấm dứt sự trung thành của họ với Cơ đốc giáo.44   Trong bất kỳ trường hợp, điều quan trọng cần lưu ý là sự mở rộng nhanh chóng khối lượng nhập khẩu của Bồ Đào Nha sau năm 1635 có lẽ được tài trợ một phần bởi các khoản vay từ các thương gia có giấy phép hoạt động mậu dịch hàng hải chính thức đóng dấu ấn bằng son đỏ:(shuin-sen) Nhật Bản trước đây.45

 

Sự liện tục giao thương giữa Bồ Đào Nha và Nhật Bản còn đáng chú ý hơn vì người Bồ Đào Nha còn lâu mới là các đối tác duy nhất của thương mại Nhật Bản. Ví dụ, có nạn buôn lậu và nạn hải tặc Wokou / Wakô: oa khấu ở Trung Quốc như một phản ứng trước sự ngăn cấm mậu dịch tư nhân theo lệnh của nhà Minh và sự chấm dứt của các phái bộ cống nạp của Nhật Bản trong nửa đầu của thế kỷ thứ 16.46  Quân cướp biển này cạnh tranh với người Bồ Đào Nha cho đến năm 1567; tuy nhiên từ đó trở đi họ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mới của tất cả những thuyền buồm được cấp phép Wen-Yin [Văn Doãn?, ND]. Mặt khác, ngoài nạn cướp biển Nhật Bản (mà Hideyoshi đã cố gắng loại trừ ở một số khu vực ven biển vào khoảng năm 1586), một số tàu Nhật Bản thường xuyên buôn bán với Manila, Luzon, và Mindoro.47 Để điều hòa hoạt động thương mại này, Hideyoshi đã thực hiện vào năm 1592 một chính sách dần dần gia tăng mậu dịch hàng hải, thông qua đặc nhượng các giấy phép mà chúng ta đã sẵn đề cập đến là shuin-jô, 48 hoàn tất bằng sự đặc nhượng của hôsho [loại giấy dầy, tốt được dùng bởi các Tướng Quân Nhật Bản, ND], từ năm 1631 trở đi, cho một số gia đình thương gia nhất định (chẳng hạn như Suminokura / Giàc Tang) .49 Những gia đình thương nhân đầu tiên được phép buôn bán với Siam, Quam-Nam [Quảng Nam?, ND] (ở miền Trung Việt Nam), Đàng Ngoài, Ligor, Patani, Căm Bốt, Đài Loan, Luzon và Macao. Ước muốn giao dịch với người Trung Hoa và sự chào đón của các vương quốc Đông Nam Á đối với các thương gia Nhật Bản, giải thích cho sự tăng trưởng mậu dịch trong thời gian ngắn này. Sự hiện hữu của cộng đồng người Nhật ở nước ngoài (ở Manila hoặc Luzon chẳng hạn) 50 cũng là một kích thích cho loại hình mậu dịch này: và giống như tất cả các sự xuất cảnh, sự hiện hữu của các thuộc địa cũng đóng vai trò như một sự hỗ trợ cho các làn sóng di cư mới, bao gồm cả người Nhật theo Công giáo.51  Trường hợp người Trung Hoa xuất cảnh đến Manila, được nghiên cứu của Juan Gil, minh họa loại tiến trình này.52

 

Tuy nhiên, bất kể các nỗ lực bởi chính quyền kêu gọi người nhập cư quay trở lại Nhật Bản, toàn thể cộng đồng ở Manila đã có thể tăng trưởng từ 20 người năm 1570 đến 3,130 năm 1632,52   Do đó, giữa 1604 và 1635, thời kỳ khi thương mại shuin-sen giữa Nhật Bản và Đông Nam Á đã kết thúc, (mặc dù nạn buôn lậu hàng hải tiếp tục) tổng cộng 356 tàu giương buồm với 'con dấu đỏ' tới Đông Nam Á, số lượng thuyền lớn nhất đến miền Trung Việt Nam [khi đó là Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam, ND] (87) và Bắc Việt Nam [tức Đàng Ngoài, ND](37) .54

 

Nếu chúng ta xem xét rằng trong thời Tokugawa, một số trong số mười sáu con tàu shuin-sen được phái bởi Suminokura đến Đông Nam Á đã đi đến lãnh địa của Nhà Trịnh ở miền Bắc Việt Nam [tức Đàng Ngoài khi đó, ND] (Tonkin: Đông Kinh), và rằng cùng các tàu đó của Suminokura phục vụ như là các nhân viên ngoại giao của Ieyasu cho mối tiếp xúc với Nhà Trịnh, chúng ta có thể đánh giá tốt hơn một chút sức mạnh và sự nhất quán của các kết nối ngoại giao / thương mại với miền Bắc Việt Nam [tức Đàng Ngoài khi đó].55

 

Trên thực tế, và đây là một điểm then chốt, một số thương nhân với sự ‘kết nối Việt Nam’ đã tham gia vào việc xuất cảnh lậu (có thể từ những năm 1624-1626 khi Bakufu [chính quyền của giới quân sự, danh nghĩa khác để chỉ Chế Độ Tướng Quân của Nhật Bản, ND] ban hành các biện pháp cưỡng chế nhằm loại bỏ sự hành đạo của Công giáo, được củng cố bằng các chỉ dụ chống Cơ đốc giáo của 1633-1635, và trong bất kỳ sự kiện nào trước khi có cuộc nổi dậy của Shimabara 1637-1638) với mục tiêu hỗ trợ các nhà truyền giáo ở Nhật Bản. Và kết quả là có dính líu đến các tu sĩ Dòng Tên, một số thành viên của cộng đồng di cư Nhật Bản được nhận thấy trong tình huống hỗ trợ thành lập một phái bộ truyền giáo Dòng Tên tại Việt Nam it năm sau đó

 

Thư tín từ Cha Gaspar do Amaral năm 1634 chiếu rọi những kết nối này trong một bối cảnh rộng hơn.56   Nói cách khác, vị giáo sĩ Dòng Tên được đề cập đến (1594-1646), một thành viên 'bị lãng quên' của Tu Hội Dòng Tên (mặc dù ông là một trong những người sáng lập phái bộ Đàng Ngoài năm 1629, Phó Hiệu trưởng kiêm Hiệu trưởng tại Colégio de Macau (Đại Học Macao) lần lượt vào các năm 1630 và 1640, Giáo Tỉnh và Khâm Sứ Tòa Thánh của giáo tỉnh Nhật Bản cũng như là Phó Tỉnh của Trung Quốc vào năm 1644), 57 có thể đánh giá đúng hơn vai trò của cộng đồng di dân Nhật Bản ở Đông Nam Á tại khu định cư, sự kiên trì và thậm chí một số sự phát triển các hoạt động của Dòng Tên ở Đàng Ngoài.58

 

Tuy nhiên, trước khi chúng ta tập trung vào tài liệu của Do Amaral, một vài nhận xét khác về những mạng lưới Nhật Bản này trong khía cạnh các móc nối đa tầng và phạm vi của chúng sẽ hữu ích. Vì mục đích này, chúng ta sẽ phân biệt trong một cách tương đối giả tạo (nhưng theo phương pháp luận): miền Bắc, nơi Đàng Ngoài (Tonkin) (lãnh thổ của chúa Trịnh) tọa lạc, và miền Nam, Đàng Trong (Cochinchina) (vương quốc của  chúa Nguyễn) .59 Chúng tôi sẽ tập trung vào lãnh địa của chúa Trịnh, được thèm muốn bởi các tu sĩ Dòng Tên (vùng đã được với tới lần đầu tiên vào tháng Ba năm 1626 bởi Cha Juliano Baldinotti cùng với sư huynh người Nhật Julio Peani (hoặc Peany), trước khi có phái bộ của Gaspar do Amaral vào năm 1629) .60

 

Chính vì thế, những cộng đồng người Nhật Bản xa xứ này đã không chỉ được hình thành từ các tín đồ Cơ đốc: ví dụ, như chúng ta biết, họ cũng được hưởng lợi từ cuộc di cư của quân đội của rônin [浪人: lãng nhân, chỉ samurai [quân nhân hay hiệp sĩ Nhật Bản không có chủ nhân, ND], sau trận chiến của Sekigahara (1600) và cuộc bao vây Ôsaka (1615). Nhưng mặt khác, những các mạng lưới, như chúng ta đã thấy, cũng được liên kết chặt chẽ với Macao; một trong những hậu quả của các biện pháp của Bakufu chống lại Cơ đốc giáo, cùng với các quy định mới cho mậu dịch đường biển hải ngoại, nghịch lý thay, một cách chính xác, đã làm tăng tầm quan trọng của Macao, nơi trở thành hậu cứ cho sự nhập cư của tín đồ Cơ đốc giáo, bao gồm cả những người vợ và con cái của người Bồ Đào Nha đã bị trục xuất, 61 và của các nhà truyền giáo Dòng Tên, nhiều người trong số họ có gốc Nhật Bản.62

 

Cộng đồng khá giàu có và vững mạnh này là cơ sở của việc thành lập chủng viện Dòng Tên Santo Inácio de Macau, được tài trợ thông qua khoản quyên góp 12.000 lượng (taels) bởi một người Nhật (Cha Paulo dos Santos) và có lẽ cũng bởi các thành viên khác của cộng đồng, vốn cũng hỗ trợ cho Đại Học Colégio de S. Paulo.63   Một cách tự nhiên, các thành viên của hạt nhân này đã được thúc đẩy để cũng giúp đỡ về mặt kinh tế, giúp Dòng Tên mở rộng các phái bộ của mình trong Đông Nam Á, rằng Tu Hội của Chúa Giêsu (giống như các thương gia từ Macao) đã bắt đầu phát triển để phản ứng trước các khó khăn ngày càng gia tăng trong mối quan hệ với Nhật Bản, mặc dù họ luôn hy vọng họ sẽ có thể quay trở lại.

 

Nơi đây, ở một mức độ nhất định, có sự giải thích cho sự thành lập phái bộ Đàng Ngoài (từ quan điểm của Tu Hội): Một mặt, nó là hậu cứ cho một cuộc tái chinh phục tinh thần có thể xảy ra trong tương lai vào Nhật Bản; mặt khác, nó đa dạng hóa sự mở rộng của Dòng Tên, 64 cũng cho phép khả năng thu được lợi nhuận từ các mối quan hệ kinh tế đã sẵn được đan kết nhờ vào thương mại hàng hải của shuin-sen, mà không làm mất đi lợi ích của các thương gia ở Macao. Và cuối cùng, một sự hiện diện cần mẫn trong cộng đồng người Nhật ở Đàng Ngoài, nơi các thương gia Cơ đốc đã đóng một vai trò quan trọng, cho phép họ duy trì quan hệ gián tiếp với Nhật Bản và thông qua họ với 'tín đồ Cơ đốc bên trong',  những người theo đạo Thiên chúa vẫn còn ở Nhật Bản. Điều này đã giải thích cho ảnh hưởng mạnh mẽ của Nhật Bản trên phái bộ Đàng Ngoài, nơi tiếp nhận những người truyền giáo ban đầu là những người có thể nói tiếng Nhật, chẳng hạn như Pedro Marquez (cùng với Alexandre Rhodes) vào năm 1627,65   Tuy nhiên, ví dụ hiển nhiên nhất chắc chắn là trường hợp của Gaspar do Amaral. Đến Macao trong khoảng tháng 5 đến tháng 7 năm 1625 (sau khi dừng chân ở Ấn Độ) điểm đến dự kiến ​​của ông là phái bộ tại Nhật Bản. Để chuẩn bị đầy đủ, ông được gửi trước hết đến Đàng Trong để nghiên cứu ngôn ngữ Nhật Bản ở đó bằng cách sống với  một gia đình người Nhật.66    Các thư từ của Cha André Palmeiro, trong khi ông đang đi thăm Trung Quốc và Nhật Bản (gửi tới Tổng Quyền Bề Trên Mutio Vitelleschi (1628) đưa ra nhiều chi tiết khác nhau liên quan đến việc tổ chức phái bộ dự kiến ​​của Gaspar do Amaral ở Nhật Bản, nơi mà ông được giả sử sẽ đi tới cùng với sư huynh người Nhật Paulo Saitô.67 Tuy nhiên, tình hình vòng cung đảo (và cả ở Trung Quốc do có các cuộc tấn công của người Mãn Châu giữa các năm 1626 và 1629) 68  khó khăn đến nỗi chuyến đi đã bị hủy bỏ, với hai nhà truyền giáo bây giờ hướng đến Đàng Ngoài để hỗ trợ Pero Marquez và Alexandre de Rhodes, người đã bị trục xuất bởi Chúa Trịnh Tráng, vì bị nghi ngờ làm gián điệp ủng hộ chúa Nguyễn, và cũng vì khu vực đang trải qua một thời kỳ biến động quân sự nghiêm trọng.69  Mặc dù họ đã được tiếp kiến tại triều đình hoàng gia, Amaral và Saitô, cũng giống như Marquez và Rhodes, bị ép buộc trở lại Macao vào ngày 27 tháng 4 năm 1630,70 ...

 

.... nếu các tu sĩ Dòng Tên đã có thể lợi dụng các cơ hội thương mại, chủ yếu là vì các khả năng của họ như các người trung gian, điều sẵn được thừa nhận bởi các giới chức thẩm quyền Bồ Đào Nha ở Goa, ở Malacca và sau đó ở Macao, cũng như được công nhận bởi các daimyôs (đại danh Nhật Bản) theo Cơ Đốc giáo …

 

 

 

Năm 1631, đến lượt António Francisco Cardim (người cũng nói trôi chảy tiếng Nhật), sẽ được gửi đến Đàng Ngoài cùng với hai sư huynh người Nhật, Miguel Matsuda và Pedro Kasui.71  Lần trở lại này rõ ràng được giải thích bởi sự nhu cầu của Nhà Trịnh muốn duy trì mậu dịch với Macao, bất kể họ đã cố gắng trục xuất các giáo sĩ Dòng Tên, giống như Chúa Nguyễn đã làm năm 1631, bằng việc phá hủy nhà thờ Faifô (Hội An) .72   Dù  thế, người truyền giáo thực sự được chọn cho nhiệm vụ này là Gaspar do Amaral, kẻ, vào năm 1630, đã bắt đầu học tiếng An Nam, khi chúng ta có thể xác nhận được thông qua việc kiểm tra các hồ sơ của Alexandre de Rhodes và André Palmeiro.73 Khởi hành bằng tàu vào tháng Hai năm 1631, cùng với các Cha António Cardim và António de Fontes, ông đến Đàng Ngoài vào ngày 15 tháng Ba 1631,74

 

Các bước khởi đầu của phái bộ mà Gaspar do Amaral sắp phát triển cho đến khi ông trở lại Macao năm 1638, và các liên hệ khác nhau với Nhà Trịnh, được mô tả, mặc dù theo phong cách hối tiếc của các giáo sĩ Dòng Tên, bởi Cardim và Fontes. Các nhà truyền giáo bắt đầu bằng việc được cấp nhà ở bởi một người anh rể của Chúa Trịnh.  Một mảnh đất đã được trao cho họ, và họ đã xây dựng một ngôi nhà tre được thiết kế theo phong cách kiến ​​trúc địa phương cũng như một nhà thờ nhỏ. Một ngôi nhà gỗ được cất theo sau, nhưng đã bị phá hủy bởi hỏa hoạn, và chỉ sau này, sau năm 1636, mới có thể xây một tòa nhà kiên cố hơn ở phố Hàng Bè, nơi một mảnh đất mới được cung cấp để xây dựng một nhà kho giúp cho họ có thể cất trữ hàng hóa đến từ Macao.75

 

Trong khi đó, môi trường xã hội xấu đi và cuộc nổi dậy bùng nổ vào tháng 11 năm 1632 chống lại những người theo đạo Cơ đốc, bị cáo buộc là đã gây thiệt hại một ngôi chùa từ một ngôi làng thuộc về người vợ thứ nhì của Chúa Trịnh, 76 cho phép chúng ta biết rằng có một nhà thờ ở Changen [?, ND], cùng với một ngôi nhà và một nhà nguyện dùng để dạy giáo lý, một nhà in nhỏ đã được sử dụng để in các bản văn giáo lý của Matteo Ricci và một bệnh xá, tất cả đều bị phá hủy vào dịp đó.77   Sự ngược đãi các tín đồ Cơ đốc vẫn tiếp tục, và lên tới đỉnh điểm với sự cấm đoán Cơ đốc giáo trong 1635. Bất chấp những khó khăn này, được tăng cường bởi tình trạng chiến tranh tiềm ẩn với Đàng Trong (năm 1633 tỉnh Bô Chín [Bố Chính ?, ND] sẽ bị tấn công bởi quân Nhà Nguyễn và chiến tranh sẽ được tuyên bố vào năm 1634), nhóm nhỏ của các tu sĩ Dòng Tên (Amaral, Cardim và Fontes đã được tham gia bởi Bernardino Régio và Jerónimo Mayorca) được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của ba tu sĩ Phật giáo, đã cải đạo giữa các năm 1627 và 1629 (Francisco Dite, André Tri và Ignacio Bùi), những người đã phục vụ phái bộ theo mô hình của các tu viện chủng sinh sơ tập Nhật Bản, dôjuku) 78 và một mạng lưới nhỏ các giáo lý viên bản xứ (14 người trong năm 1633, 18 năm 1634, 36 năm 1638) 79 những người mà chúng ta hay biết tên họ, nhờ báo cáo bao quát của Gaspar do Amaral đã gửi vào năm 1638 đến Khâm Mạng Tòa Thánh Manuel Dias.80

 

Bối cảnh khó khăn này không ngăn cản phái bộ truyền giáo được coi là yếu kém (so với phái bộ ở Nhật Bản), thông qua các nỗ lực của Gaspar do Amaral, từ việc phát triển một sự trao đổi ngoại giao mạnh mẽ với Chúa Trịnh, 81 cố gắng thiết lập một phái bộ truyền giáo ở Lào, như chúng ta có thể thấy trong tập Carta Annua năm 1634,82 và một lá thư của Khâm Mạng Tòa Thánh Manoel Dias gửi cho Bề Trên Tổng Quyền (Superior General) Mutio Vitelleschi, bao gồm bản dịch thư phúc đáp của 'vua' Lào (Tom Kham hoặc Upanyuvarat II, con trai của ông) cho bức thư từ Gaspar do Amaral (đã gửi vào năm 1634) .83   Những nỗ lực ban sơ này đã bị bóp chết trong thời kỳ cư trú của ông ở Đàng Ngoài, và một phái bộ chỉ được thành lập sau này, thông qua Cha João Maria Leria. 84 Tuy nhiên, người ta nghi ngờ rằng dự án truyền giáo này ở Lào có thể trở thành hiện thực mà không có sự hỗ trợ của cộng đồng người Nhật Bản ở Đàng Ngoài ( là những người mà Gaspar do Amaral đã được yêu cầu duy trì liên hệ chặt chẽ) .85 Bên cạnh đó, cộng đồng này đã được củng cố với sự cập bến của những người nhập cư mới vào năm 1633, ở đỉnh điểm trong những đỉnh cao của sự đàn áp chống Cơ đốc giáo ở Nhật Bản, 86 trên hai chiếc thuyền buồm; một số đã đến Macao và những người khác định cư trong tỉnh Thinh-hoa [Thanh Hóa ?, ND} và tại thành phố hoàng gia.87

 

Tình hình kinh tế của phái bộ truyền giáo rất bấp bênh vào năm 1633, và không có sự hỗ trợ từ cộng đồng di cư Nhật Bản, nó có lẽ sẽ không tồn tại. Như chúng ta có thể nói từ bức thư của Khâm Mạng Đại Diện Tòa Thánh André Palmeiro gửi tới Bề Trên Tổng Quyền Mutio Vittelleschi, thương mại của Dòng Tên ở Macao đã cung cấp sự hỗ trợ thiết yếu cho các phái bộ của Dòng Tên ở Đông Nam Á đang đối mặt với những khó khăn trong năm đó, không chỉ vì những lý do đã được chỉ ra trong bài viết này, nhưng cũng vì sự cạnh tranh thương mại mạnh mẽ ở Macao: theo André Palmeiro, ‘mậu dịch tơ lụa và nhiều loại hàng hóa khác, hàng chất của những con tàu ra khơi từ đây, là điều mà mọi người khác đều làm ở vùng đất này (Macao) ’(o negociar a seda, e qualquer outra veniaga, o embarcar nos navios que daqui fazem viagem, todos nesta terra (Macao) o fazem). 88

 

Về mặt cụ thể, sự hỗ trợ của Nhật Bản cho phái bộ được thực hiện thông qua sự bố thí của Cộng đồng Thiên chúa giáo. Viết từ Kê Chò [Kẻ Chợ, ND] ngày 21 Tháng 4 năm 1634 gửi Khâm Mạng Đại Diện Tòa Thánh, Gaspar do Amaral (trong khi cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến cuộc ngược đãi của năm 1634) chỉ ra rằng ‘năm ngoái người Nhật theo đạo Thiên chúa bố thí nhiều, đã đạt đến số tiền năm mươi nghìn caixas [hụi hay quỹ tiết kiệm và cho vay, ND] dành cho người nghèo, và vì điều này không cần thiết phải bố thí từ quỹ dự trữ ' (o anno passado me deram os Japoens cristãos muitas esmolas, chegarião a sincoenta mil caixas pera repartir aos pobres e por esta cauza não foi necessário dar esmolas da ordinaria). 89

 

Là một nhà quản lý thương mại giỏi, Do Amaral dự định không tháo khoán ngay các caixas (mà ông đã góp thêm một chút bạc đã được trao tặng bởi các thuyền trưởng của các tàu buôn bán với Macao), nhưng dùng các caixas để đầu cơ, hầu có được các ngân khoản lớn hơn giúp có thể mua lụa mà ông hy vọng sẽ có thể bán cho người Nhật sau đó.90   "Kho báu chiến tranh" này được giả định sẽ để sang một bên hầu có thể được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như các sự gián đoạn mậu dịch hàng hải hoặc hỏa hoạn trong các tòa nhà của phái bộ truyền giáo:  năm 1633, như chúng ta đã thấy, là năm chiến tranh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn (do sự chiếm đóng  Bố Chính của họ Nguyễn) và các sự ngược đãi chống Thiên Chúa giáo (được xác nhận bởi sự giam cầm của Cha Mayorca tại tỉnh Nghệ An). Nhưng những ngân quỹ Nhật Bản này cũng có thể đã được phân bổ để tạo lập một phái bộ truyền giáo mới (một phái bộ ở Lào?). Có thể như thế, tuy nhiên các của bố thí của người Nhật cho phái bộ, thậm chí vài năm sau đó còn được giữ bí mật: ‘(ông ấy) giữ số của bố thí mà ông thu nhận được: ví dụ: những của bố thí được gửi hoặc trao tặng bởi người Bồ Đào Nha và bởi người Nhật; bởi vì những bất tiện đã đề cập, chúng đã không được thừa nhận bởi các giáo lý viên, cũng không bởi các tín đồ Cơ đốc, dự phòng trường hợp quỹ dự trữ của họ bị cạn kiệt ... ’(guarda as esmollas de parte que le ve a mão: como são as que lhe mandão ou dão os Portuguezes e Japões, das quaes pollos mesmos incomuenientes não sabem nem os catequistas, nem os xpãos, pera que em cazo que o depozito delles se acabe ...) 91

 

Không thể cung cấp ở đây sự mô tả nhiều chi tiết hơn về cộng đồng người Nhật này ở Đàng Ngoài, chúng tôi sẽ kết thúc bài khảo luận ngắn gọn này bằng cách xem xét một trong những thành viên, một kẻ đặc trưng một cách hoàn hảo cho nhóm này: một người tên là Paulo Rodrigues, một người Nhật Bản khá giàu có (Japão muito rico), người vào năm 1646 là giám sát của trạm mậu dịch Hà Lan. Mặc dù ông có được giấy phép chính thức của Nhật Bản để tiến hành việc mậu dịch, (shuinjô), ông ấy đã bị ngăn cấm vĩnh viễn không được trở lại Nhật Bản do bị buộc tội đã vận chuyển những người truyền giáo như những kẻ đi chui theo tàu. Chính vì thế, ông quyết định định cư ở Đàng Ngoài, nơi ông ấy đã cải đạo sang Cơ đốc giáo thông qua ảnh hưởng của một nhà truyền giáo Dòng Tên gốc Nhật Bản. Mặc dù ông đã làm việc cho Hà Lan, ông cũng đã tự mình kinh doanh, có một con tàu mà ông thường xuyên gửi đến Nhật Bản, dưới sự chỉ huy của một thuyền trưởng người Trung Hoa. Người thuyền trưởng này đã mang lại cho ông tin tức từ những người theo đạo Thiên chúa ở Nhật Bản hàng năm. Trong sự tiếp xúc với cha António Francisco Cardim trong các năm 1646-1647, ông đã chuyển tin tức rằng năm giáo sĩ Dòng Tên đã bị hành quyết sau khi xâm nhập vào Nhật Bản trong năm 1643 qua ngả Philippines (Pero Marcos, Afonso Arroyo, Francisco Cascola, José Claro và sư huynh người Nhật tên André Vieira) và tin tức là vẫn được chuyển tiếp vào năm 1653 92 liên quan đến sự hành quyết  hai phụ nữ ở Nagasaki./-

 

-----

 

* “Maître de conférences” na École Pratique des Hautes Études (Paris), onde lecciona História de Portugal e a sua expansão na Ásia, e professora na Universidade de Paris III - Sorbonne Nouvelle, onde lecciona, além de História de Portugal, História da África e da Ásia lusófonas. Os seus numrosos trabalhos incidem nomeadamente sobre a presença portuguesa no Oceano Índico e sobre os contactos com o mundo islâmico e indo-islâmico.

 

‘Maître de conférences’ (Trưởng Ban Hội Nghị) tại Trường Đại Học École Pratique des Hautes Études (Paris), nơi bà giảng dạy về Lịch Sử Bồ Đào Nha và Sự Bành Trướng Hải Ngoại ở Châu Á. Bà giảng dạy tại Đại học Paris III - Sorbonne Nouvelle, giảng về Lịch sử Bồ Đào Nha, Lịch sử của vùng Châu Phi và Châu Á nói tiếng Bồ Đào Nha. Các bài viết sâu rộng của bà chủ yếu tập trung vào về sự hiện diện của người Bồ Đào Nha ở Ấn Độ Dương và các mối liên hệ của họ với người Hồi giáo và Thế giới Ấn-Hồi giáo.

 

-----

CHÚ THÍCH

 

1 Liên quan đến trường hợp của Bassein, Charles J. Borges, ‘Jesuit Economic Interests in the Portuguese Province of the North till the Mid-18th Century’, Mare Liberum, 9 (1995), các trang 49-55; Charles J. Borges, The Economics of the Goa Jesuits 1542-1759: An Explanation of Their Rise and Fall. New Delhi: Concept Publishing Company, 1994.

 

2 André Pinto de Sousa Dias Teixeira, Baçaim e o seu Território: Política e Economia (1534-1665), Luận án Tiến Sĩ, Universidade Nova de Lisboa, 2011, trang 325.

 

3 Sự đóng góp đầu tiên xảy ra trong năm 1554, với ngạch số trị giá 500 cruzados: Helena Rodrigues, ‘Local Sources of Funding for the Japanese Mission’, Bulletin of Portuguese/Japanese Studies, 7 (2003), trang 117.

 

4 André Teixeira, Baçaim, trang 326: ‘Letter of father Gomes Vaz to the General of the Society of Jesus’ [Goa, 20/10/1578] (Documenta Indica (từ giờ trở đi viết tắt là DI), đồng biên tập bởi Josef Wicki và John Gomes, 18 tập, Rome, 1948-1988, XI, trang 33); vì nhầm lẫn, ‘letter of Father Rui Vicente to the General of the Society of Jesus’ [Goa, 08/11/1581] (DI, XII, trang 68) liệt kê nó là một ngôi làng Nhật Bản.

 

5 André Teixeira, Baçaim, trang 331 (Quadro 2 – Rendas Jesuítas no Território de Baçaim em 1621 em Pardaus de Baçaim). Các sự thụ đắc ở Poinser, Caranja và Mulgão diễn ra trong khoảng 1590-1621.  Helena Rodrigues chỉ đề cập đến Caranja, Ponvém/Ponser, Condotim và Mulgão.

 

6 André Teixeira, Baçaim, trang 327.

 

7 Xem João Paulo Oliveira e Costa, ‘A crise financeira da Missão Jesuítica do Japão no início do século XVII’. Trong quyển A Companhia de Jesus e a Missionação no Oriente. Actas do Colóquio Internacional (April 1997). Lisbon: Fundação Oriente / Brotéria, 2000, các trang 235-246. Tình hình trở nên đặc biệt khó khăn trong thời khoảng 1600-1610: xem các trang 242-243.

 

8 Xem João Paulo Oliveira e Costa, Portugal e o Japão. O Século Namban. Lisbon: Imprensa Nacional-Casa da Moeda, 1993, trang 49.

 

9 Liên quan đến những năm bị đình chỉ, Charles R. Boxer, The Great Ship from Amacon. Annals of Macao and the Old Japan Trade, 1555-1640. Lisbon: Centro de Estudos Históricos Ultramarinos, 1963, các trang 56-72. Theo Boxer, tuyến du hành của Kurofune đã không xảy ra trong các năm 1573,1582, 1587, 1589, 1592, 1594, 1597, 1599, 1601, 1603, 1607, 1608, 1610 và  1613. Liên quan đến các sự gián đoạn trong lưu thông nhưng vẫn có sự liên tục trong việc truyền thông (nhờ ở các tàu đi biển giữa Macao và Nagasaki sau 1600), cũng xem João Paulo Oliveira e Costa, ‘A Route under Pressure: Communications between Nagasaki and Macao (1597-1617)’, Bulletin of Portuguese/Japanese Studies, 1, (2000), các trang 79-83, và João Paulo Oliveira e Costa, ‘A crise’, các trang 239-240, cước chú số 20.

 

10 Thí dụ, lối sống của Phó Giáo Tỉnh Francisco Pasio (1600-1611) và của Valentim Carvalho đã bị phê bình bên trong Tu Hội Dòng Tên: João Paulo Oliveira e Costa, ‘A crise’, các trang 243-244. Về sự thiếu sót các biện pháp cơ cấu đối phó với sự tổ chức nội bộ của phái bộ, cùng nơi dẫn trên, các trang 241-243.

 

11. Helena Rodrigues, ‘Local Sources’, trang 123. Về Luís de Almeida xem Léon Bourdon, ‘Uma carta inédita de Luís de Almeida ao Padre Belchior Nunes Barreto (Hirado, 16 de Setembro de 1555)’, Brotéria, 21 (1950), các trang 186-197; Léon Bourdon, ‘Luís de Almeida, chirurgien et marchand avant son entrée dans la Compagnie de Jésus au Japon (1525 (?)-1556’. Trong quyển Mélanges d’études portugaises offerts à M. Georges Le Gentil, biên tập bởi Orlando Ribeiro. Lisbon: Instituto para a Alta Cultura, 1949, các trang 69-85, đặc biệt các trang  81-84; Diego Pacheco S.J.,‘Luís de Almeida 1525-1583, médico, caminhante, apóstolo’, Studia, 26 (1969), trang 63.

 

12 Về thương mại thời trung cổ giữa Trung Hoa và Nhật Bản cho đến cuối thế kỷ thứ 15, Charlotte Von Verschuer, Le commerce extérieur du Japon. Des origines au XVIe siècle. Paris: Maisonneuve & Larose, 1988, đặc biệt các trang 101-152 (15th century); cũng xem, ngoài các cuộc nghiên cứu nổi tiếng của Iwao Seiichi, Kobata Atsushi, Katô Eiichi, Ogura Sadao and Quan Hansheng, Roderich Ptak, ‘Sino-Japanese Maritime Trade, c.1500: Merchants, Ports and Networks’, trong quyển O Século Cristão no Japão. Actas do Colóquio Internacional Comemorativo dos 450 Anos de Amizade Portugal-Japão (1543-1993), đồng biên tập bởi Roberto A. Carneiro và A.Teodoro de Matos. Lisbon: Centro de Estudos de Povos e Cuturas de Expressão Portuguesa, 1994, các trang 281-311.

 

13 Xem, trong số nhiều tác giả khác, George Bryan de Souza, The Survival of Empire. Portuguese Trade and Society in China and the South China Sea 1630-1754. Cambridge: Cambridge University Press, 2004, các trang 16-17 (ấn bản thứ nhất 1986); William S. Atwell, ‘International Bullion Flows and the Late Ming Economy’, Past and Present, 95 (1982), các trang 68-90; John Williers, ‘Silk and Silver: Macao, Manila and Trade in the China Seas in the Sixteenth Century’, Journal of the Hong-Kong Branch of the Royal Asiatic Society, 20 (1988), các trang 60-80.

 

14 Cartas que os Padres e Irmãos da Companhia de Jesus escreverão dos Reynos de Iapão e China aos da mesma Companhia da India e Europa, desde o Ano de 1549 até o de 1580, biên tập bởi José Manuel Garcia, I. Lisbon: Castoliva, 1997, f. 42. Từ 1555, Nhà Vua Bồ Đào Nha đã cố gắng kiểm soát ‘Viagem do Japão’ (Tuyến Đường Đi Nhật Bản) với sự đề cử chính thức một thuyền trưởng nắm giữ độc quyền mậu dịch phần phía Đông của Ấn Độ Dương, bao gồm cả Macao và Vòng Cung Đảo Nhật Bản: xem Rui Manuel Loureiro, ‘Navios, mercadorias e embalagens na rota Macau-Nagasáqui’, Revista de Cultura, 24 (2007), trang 34; một số trong họ cũng khai thác hải trình giữa Malacca và Nhật Bản, thương thảo thương mại về thiếc và chì giữa Trung Hoa và Nhật Bản: Vítor Luís Gaspar Rodrigues, ‘Os capitães-mores da Carreira do Japão: Esboço de caracterização sócio-económica, Arquipélago, 1 (1995), các trang 145-146; Jorge Manuel dos Santos Alves, Um Porto entre Dois Impérios. Estudos sobre Macau e as Relações Luso- Chinesas. Macao: Instituto Português do Oriente, 1999, các trang 109-110; về các lộ trình thương mại, xem Manuel Leão Marques Lobato, Política e Comércio dos Portugueses no Mundo Malaio-Indonésio (1575-1605), Cao Học về Lịch sử Các Sự Khám Phá của Bồ Đào Nha (M.A. in History of the Portuguese Discoveries), Lisbon: Faculdade de Letras da Universidade Nova de Lisboa, 1993, các trang 256-261.

 

15 Về sự tranh luận nội bộ trong Tu Hội Dòng Tên và thái độ của Giáo Hội, xem João Paulo Oliveira e Costa, ‘A crise’, các trang 237-238.

 

16 Helena Rodrigues, ‘Local Sources’, trang 123; Ana Maria Leitão, Do Trato Português no Japão. Presenças que se Cruzam (1543-1639), M.A. in History of the Portuguese Discoveries. Lisbon: Faculdade de Letras da Universidade de Lisboa, 1995, trang 134. Pico tương đương với 60 kg.

 

17 Các phả hệ gia đình được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng trong tác phẩm của Madalena Ribeiro, Samurais Cristãos. Os Jesuítas e a Nobreza Cristã do Sul do Japão no Século XVI. Lisbon: Centro de História de Além-Mar, 2006, các trang 65-86 và 94-97.

 

18 Rui Manuel Loureiro, ‘Navios’, trang 35.

 

19 Robert. L. Innes, The Door Ajar, Japan’s Foreign Trade in the Seventeenth Century, Luận án Tiến Sĩ, University of Michigan, 1980, I, các trang 61 và 134; Alexandre Valignano cũng than phiền rằng một số daimyô không theo Cơ Đốc giáo làm áp lực trên các giáo sĩ Dòng Tên hầu có thể tham gia vào mậu dịch của Macao (Ana Fernandes Pinto, ‘Japanese Elites as seen by Jesuit Missionaries. Perceptions of Social and Political Inequality among the Elites’, Bulletin of Portuguese/ Japanese Studies, 1 (2001), trang 34 (trích dẫn quyển của Valignano  Sumario de las Cosas de Japon (1583), Chapt. XI, trang 163).

 

20 Robert L. Innes, The Door Ajar, I, trang 124.

 

21 Cùng nơi dẫn trên, trang 83. João Paulo Oliveira e Costa, O Japão e o Cristianismo no Século XVI. Ensaios de História Luso-Nipónica. Lisbon: Sociedade Histórica da Independência de Portugal, 1999, các trang 80-81, chỉ trích dẫn hai lá thư gửi bởi Ôtomo Sorin cho Giám Mục Bishop D. Melchior Carneiro (Tháng Mười 1567) yêu cầu ông vứt bỏ ngoại lệ tác động đến mậu dịch muối đá (salpetre) từ Macao đến Nhật Bản.

 

22 Charles R. Boxer, The Great Ship, trang 47. Sự sai biệt, của các nguồn tài liệu gây khó hiểu về sự ước lượng con số các người cải đạo trong thời kỳ này. Theo các sự nghiên cứu của João Paulo Oliveira e Costa, công đồng Thiên Chúa Giáo Nhật Bản có 75 giáo sĩ và 150,000 tín đồ Thiên Chúa Giáo vào năm 1582 (O Japão, trang 293); 87 giáo sĩ (32 linh mục và  55 sư huynh) năm 1585 (O Japão, trang 44, bảng (table) 1); 200,000 tín đồ năm 1587 (O Japão, trang 176); and 300,000 lúc cuối thế kỷ (O Japão, p. 293). George Elison và Joseph Schütte đưa ra các con số cao hơn vào lúc bắt đầu thế kỷ thứ 17: 300,000 (Elison), và 800,000 (Schütte): xem Martin Nogueira Ramos, Le Christianisme, religion illicite dans le Japon des premiers Tokugawa: Commentaire de la correspondance épistolaire de trois Jésuites de la Mission du Japon, Cao Học Sử Học (M.A. in History), Paris: École Pratique des Hautes Études, Section des Sciences Historiques et Philologiques, 2009, trang 12, chú thích 37.

 

23 João Paulo Costa, ‘Japanese Christians (16th-17th Centuries): An Original Community’, trong quyển Empires éloignés. L’Europe et le Japon (XVIe- XIXe siècles), đồng biên tập bởi Dejanirah Couto và François Lachaud. Paris: École française d’Extrême-Orient, 2010, các trang 109-114.

 

24 Luís de Almeida [Bungo, 20/11/1559], Cartas, I, f. 62-62v. Sofia Dinis đã chiết dẫn các loại quyên tặng khác nhau (các daimyô đã cải đạo và không cải đạo) (như Ôtomo Sôrin Yoshishige trước khi ông được rửa tội), quan trọng hơn là các varelas [tài sản có giá trị?, ND], hay các tu viện sẽ được biến cải thành các nhà thờ (Sofi a Dinis, ‘Jesuit Buildings in China and Japan: A Comparative Study’, Bulletin of Portuguese/Japanese Studies, 3 (2001), trang 111, và các chú thích số 8 đến số 13.

 

25 Baltasar Gago [Bungo, 01/11/1559], Cartas, I, f. 64v; João Paulo Oliveira e Costa, ‘The Misericórdias among the Japanese Christian Communities in the 16th and 17th Centuries’, Bulletin of Portuguese/ Japanese Studies, 5 (2003), các trang 67-78 và 76-78 (Nagasaki). Misericórdia [Hội Từ Thiện, ND] of Nagasaki đã hỗ trợ 120 Sư Huynh vào cuối thế kỷ thứ 16: João Paulo Oliveira e Costa, O Japão, trang 180.

 

26 Rui Manuel Loureiro, ‘Navios’, các trang 35-36. Cũng xem Robert L. Innes, The Door Ajar, I, các trang 46-51.

 

27 Lourenço Mexia [Bungo, 20.X.1580], Cartas, I, f. 467 (Nagasaki); Luís Fróis, Historia de Japam, biên tập bởi Joseph Wicki S.J. Lisbon: Biblioteca Nacional de Lisboa, III, 1976, trang 39.

 

28 Một số thí dụ về sự hỗ trợ của thương nhân Bồ Đào Nha trong tác phẩm của João Paulo Oliveira e Costa, O Japão, các trang 166-168.

 

29 Rui Manuel Loureiro, ‘Navios’, trang 37 (Table), đưa ra ngạch số 500 tạ (picos) tơ sống (raw silk) (30,000 kg), 600 tạ (picos) thiếc (36,000 kg) và 600 tạ (picos) nhân sâm Trung Hoa (raiz-da-China) (36,000 kg), cũng như 2000 tạ (picos) (120,000 kg) chì. Cũng xem Charles R. Boxer, The Great Ship, các trang 179-181; Mihoko Oka, ‘A Memorandum by Tçuzu Rodrigues: the Office of Procurador and Trade by the Jesuits in Japan’, Bulletin of Portuguese/ Japanese Studies, 13 (2006), trang 82 (các con số trích dẫn được đưa ra bởi Kôichirô Takase 高瀬弘一郎, ‘Kirishitan Kyôkai no Keizai Kiban wo Meguru Naibu no Rongi’ キリシタン教会の経済基盤をめぐる内部の 論議, Kirishitan Jidai no Kenkyû キリシタン時代の研究. Tokyo: Iwanami Shoten, 1977, các trang 333-452), tức, 12,000 đến 16,000 cruzados mỗi năm từ thập kỷ 1590 đến 1614.

 

30 Rui Manuel Loureiro, ‘Navios’, trang 40; Geoffrey Gunn, Nagasaki and the Asian Bullion Trade Network. Nagasaki: Nagasaki University Southwest Asia Research Center, 1999, các trang 37- 42; João Paulo Costa, O Japão, các trang 295-296. Về thời kỳ 1614-1630 xem luận văn được biên chú rất đầy đủ của Martin Nogueira Ramos, Le Christianisme, các trang 12-108, với thư tịch tiếng Nhật được cập nhật và ký tự các thư từ của Mateus de Couros (ARSI, Jap. Sin. 37, f. 203-204v) và Baltasar de Torres (ARSI, Jap. Sin. 38, f. 276-277v); liên quan đến sự kiểm soát Nagasaki, cùng nơi dẫn trên, trang 65.

 

31 George Elison, Deus Destroyed. The Image of Christianity in Early Modern Japan. Harvard, Mass.: Harvard University Press, 1973 (tái bản năm 1988), trang 116.

 

32 Trong năm 1603 (một năm khó khăn cho các giáo sĩ Dòng Tên và mậu dịch Bồ Đào Nha), Tokugawa Ieyasu cho Phái Bộ Truyền Giáo vay 5,000 lạng (taels): João Paulo Oliveira e Costa, ‘A crise’, trang 243.

 

33 Các quan hệ thương mại ngắn ngủi giữa Tây Ban Nha và Nhật Bản và câu hỏi về các sự liên kết thương mại giữa Nhật Bản và Philippines không phải là đề tài của bài viết này.  Ngoài các nghiên cứu của Juan Gil, xem các sự đóng góp của Japan and the Pacific, 1540-1920. Threat and Opportunity, đồng biên tập bởi Mark Caprio và Koichiro Matsuda. Farnham: Ashgate, 2006.

 

34 Ernst van Veen, ‘VOC Strategies in the Far East (1605-1640)’, Bulletin of Portuguese/Japanese Studies, 3 (2001), các trang 98-103.

 

35 João Paulo Oliveira e Costa, ‘A Route’, trang 94

 

36 George Bryan de Souza, The Survival, các trang 55-56; Robert L. Innes, The Door Ajar, II, table A, trang 635. Muốn xem cuộc thảo luận chi tiết về mậu dịch của Macao với  Nagasaki xem Mihoko Oka, Nagasaki and Macao in the Beginning of Early Modern Japan: A Study from Historical Documents in Southern European Archives, Luận án Tiến Sĩ, Kyoto University, 2006.

 

37 Charles R. Boxer, Estudos para a História de Macau. Séculos XVI a XVII, I. Lisbon: Fundação Oriente, 1991, các trang 22-36; Robert L. Innes, The Door Ajar, II, trang 48: trong năm 1603 chiếc nau Santa Catarina, với 30 tấn bạc trên tàu, bị bắt giữ bởi Hà Lan gần Singapore; tàu Kurofune cũng bị bắt giữ trong năm 1603 tại hải cảng Macao.

 

38 1610 cũng là một năm xấu cho các thương nhân Bồ Đào Nha: chiếc tàu chất đầy hàng hóa nau Nossa Senhora da Graça (chỉ huy bởi André Pessoa) đã bị tấn công bởi các lực lượng của Arima Harunobu và 30,000 cruzados đã bị mất bên ngoài Vịnh Nagasaki Bay (João Paulo Oliveira e Costa, ‘A crise’, trang 243; Mihoko Oko, ‘A Memorandum’, trang 89. Bất kể sự kiện đó, 1617 đã là một năm tốt cho mậu dịch Bồ Đào Nha: hai tàu đã đến được Macao với 4,000 kanme [một đơn vị trọng lượng của Nhật Bản tương đương với 3.75 kgs, ND] bạc, Robert L. Innes, The Door Ajar, trang 382.

 

39 Robert L. Innes, The Door Ajar, II, các trang 379-380 (tables: các bảng) và 381-385 về các loại sản phẩm khác nhau của mậu dịch Bồ Đào Nha.

 

40 Như Ernst van Veen vạch ra, có một sự’ phân cách lớn lao giữa các chuyên viên về khối lượng bạc được xuất khẩu từ Nhật Bản’ (Ernst van Veen, ‘VOC Strategies’, trang 99). Các dữ liệu đã được tổng hợp bởi Anthony Reid (trích dẫn các con số từ Seiichi, ‘Japanese Foreign Trade in the Sixteenth and Seventeenth Centuries’, Acta Asiatica, 30 (1976), các trang 1-18) đưa ra các ngạch số khoảng 130/150 tấn mỗi năm đến 80 tấn trong thập niên 1630. Các con số của Von Glahn (giai đoạn 1604-1639) thì thấp hơn:các tàu shuin-sen [tàu mậu dịch được cấp phép bởi Tướng Quân, ND] của Nhật Bản 24.1 tấn, Bồ Đào Nha 18.6 tấn, Trung Hoa 9.8 tấn và Hà Lan 6.5 tấn (Richard Von Glahn ‘Myth and Reality of China’s Seventeenth Century Monetary Crisis’, Journal of Economic History, 56 (1996), trang 437, trích dẫn Robert L. Innes); theo Van Veen (‘VOC Strategies’, trang 100), ‘trị giá các hàng hóa của Bồ Đào Nha phải bằng một phần ba tổng số mậu dịch Nhật Bản-Trung Hoa.’

 

41 Robert L. Innes, The Door Ajar, I, các trang 131-132. Cũng xem George Bryan de Souza, ‘Commerce and Capital: Portuguese Maritime Losses in the South China Sea, 1600-1754’, trong quyển As Relações entre a India Portuguesa, a Ásia do Sueste e o Extremo-Oriente, đồng biên tập bởi Artur Teodoro de Matos và Luís Filipe F. Reis Thomaz. Macao/Lisbon: Instituto de Investigação Científica Tropical, 1993, các trang 321-348.

 

42 Xem Oka Mihoko, ‘A Great Merchant in Nagasaki in the 17th Century. Suetsugu Heizô II and the System of Respondência’, Bulletin of Portuguese/Japanese Studies, 2 (2001), các trang 37-56, đặc biệt các trang. 50-51

 

43 Martin Nogueira Ramos, Le Christianisme, trang 73 (các sự ngược đãi trở nên hữu hiệu hơn tại Arima) và các trang 78-79.

 

44 Một số các thương nhân giàu có đã từ bỏ đức tin công giáo như Cha Father Mateus de Couros vạch ra trong năm 1626: Martin Nogueira Ramos, Le Christianisme, trang 28 và chú thích số 107; cũng xem Robert L. Innes, The Door Ajar, I, trang 132.

 

45 Robert L. Innes, The Door Ajar, I, trang 162 (cũng xem Part IV, ‘Quantitative data on foreign trade and trade’s place in the national economy’, I, các trang 376 sq.).

 

46 Roderich Ptak, ‘Sino-Japanese’, các trang 283-311; Roderich Ptak, ‘Piracy Along the Coasts of Southern India and Ming China: Comparative Notes on Two Sixteenth Century Cases’, As Relações, các trang 255-273; Dian Murray, ‘Silver, Ships and Smuggling: China’s International Trade of the Ming and Qin Dynasties’, Ming Qing Yanjiu 明 清 研 究, 3 (1994), các trang 91-143; Nie Dening, ‘Chinese Merchants and their Maritime Activities and the Ban on Maritime Trade in the Ming Dynasty (1368-1567)’, Ming Qing Yanjiu, 6 (1997), các trang 69-92. Paola Calanca, Aspects spécifiques de la piraterie à Hainan sous les Ming et au début des Qing’, trong quyển Hainan. De la Chine à l’Asie du Sud-Est, đồng biên tập bởi Claudine Salmon và Roderich Ptak. Wiesbaden: Harrassowitz Verlag, 2001, các trang 111-136.

 

47 Một số trong chúng là các hải tặc như Tay Fusa (Taifuzu hay Zaizufu trong các nguồn tài liệu của Tây Ban Nha, 1582) là các kẻ đã tấn công các bờ biển phía Bắc đảo Luzon (Ilocos và  Cagayán): Maria Fernanda G. de los Arcos, ‘The Philippine Colonial Elite and the Evangelisation of Japan’, Bulletin of Portuguese/Japanese Studies, 4 (2002), trang 71.

 

48 Hệ thống được kiểm soát bởi nhân vật quyền thế Ishin Sûden (1569-1633), kẻ đã trở thành Giáo Trưởng (Abbot General) của  ngôi đền Nanzenji trong năm 1605 và là cố vấn ngoại giao cho ba vị Tướng Quân (Shoguns) đầu tiên của chế độ  Tokugawa (Ieyasu, Hidetada và Iemitsu); ông cũng là (ít nhất một phần) tác giả của Chỉ Dụ Ngược Đãi (Persecution Edict) năm 1614 (José Manuel Pinto dos Santos, ‘A 17th Century Buddhist Treatise refuting Christianity’, Bulletin of Portuguese/Japanese Studies, 4 (2002), các trang 96-97, và chú thích số 23). Muốn có thêm chi tiết về hệ thống này, xem thư tịch bằng tiếng Nhật (Iwao Seiichi 岩生成一, Shuinsen Bôek-shi no Kenkyû 朱印船貿易 史の研. Tokyo: Yoshikawa Kôbunkan, 1985; Ogura Sadao 小倉貞 男, Shuinsen Jidai no Nihonjin: Kieta Tônan Ajia Nihon-machi no nazô 朱印船時代の日本人:消えた東南アジア日本町の謎. Tokyo: Chuô Kôronsha, 1989).

 

49 Isabel Augusta Tavares Mourão, Portugueses em Terras do Dai-Viet (Cochinchina e Tun Kim) 1615-1660. Macao: Instituto Português do Oriente, 2005, trang 153.

 

50 Một khu vực sinh sống của người Nhật đã được tạo dựng tại Manila khoảng 1581 (?), được gọi là ‘Parián de los Japones’. Theo Don Antonio Morga, 500 người Nhật đã sinh sống tại khu vực này vào cuối thế kỷ thứ 16. Cộng đồng của Luzon có lẽ quan trọng nhất vào thời điểm này (Maria Fernanda G. de los Arcos, ‘The Philippines’, các trang 68-69).

 

51 Trung tâm đầu tiên cung cấp nơi trú náu cho phụ nữ tại Phi Luật Tân được thành lập bởi một nữ tu Nhật Bản, Sơ Julia Nyato. Trung tâm này, hiện hữu giữa các năm 1614 và 1656, được mệnh danh là ‘Beaterio de Miyako (Maria Fernanda G. de los Arcos, ‘The Philippines’, trang 69). Ishizawa Yoshiaki, ‘Les quartiers japonais dans l’Asie du Sud-Est au XVIIe siècle’. Trong quyển Guerre et paix en Asie du Sud-Est, đồng biên tập bởi Nguyễn Thế Anh và Alain Forest. Paris: L’Harmattan, 1998, trang 87, đưa ra con số toàn thể là 71,200 người xuất cảnh tại Đông Nam Á trong nửa đầu của thế kỷ thứ 17 (khởi hành trong các con tàu của Nhật Bản), và 100,000 (kể cả các người khởi hành trong các con tàu ngoại quốc): một tỷ lệ của các người xuất cảnh này là các tín đồ Cơ Đốc: Madalena Ribeiro, ‘The Japanese Diaspora in the Seventeenth Century, According to Jesuit Sources’, Bulletin of Portuguese/Japanese Studies, 3 (2001), trang 67.

 

52 Juan Gil, Los Chinos en Manila, siglos XVI y XVII. Lisbon: Centro Científico e Cultural de Macau, 2011. Về sự xuất cảnh của người Nhật tại Mexico, cũng xem Juan Gil, ‘Échos du Japon dans l’Espagne du XVIIe siècle’. Trong quyển Empires éloignés, các trang 121-126 (các tài liệu từ Văn Khố Archivo General de Indias, Seville).

 

53 Robert L. Innes, The Door Ajar, I, trang 61 (Table 5), được chỉnh hợp từ Iwao Seiichi, Nanyô Nihomachi no Kenkyû 南 洋 日 本 の 研 究. Tokyo: Iwanami Shoten (ấn bản đã tu chỉnh), 1966, trang 257; cũng xem Iwao Seiichi, ‘Japanese Foreign Trade in the 16th and 17th Centuries’, Acta Asiatica, 30 (1976), các trang 8-11; Anthony Reid, ‘An “Age of Commerce” in Southeast Asian History’, Modern Asian Studies, 24 (1990), các trang 9-10; Ernst van Veen, ‘VOC Strategies’, trang 99.

 

54 Robert L. Innes, The Door Ajar, I, trang 58 (Table 4) được chỉnh hợp từ Iwao Seiichi, Nanyô Nihomachi no Kenkyû, các trang 10-11. Trong thời kỳ tiếp theo (Sự hiện diện của Hà Lan tại Việt Nam) xem Hoàng Anh Tuấn, Silk for Silver: Dutch-Vietnamese Relations, 1637-1700, Luận án Tiến Sĩ , University of Leiden, 2006.

 

55 Tuy nhiên, chúa Nguyễn Hoàng từ Đàng Trong mạo hiểm kinh doanh hơn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài: chúa Nguyễn đã viết thư cho Tokugawa Ieyasu tìm kiếm sự chấp thuận của ông này về việc mở cửa mậu dịch hàng hải: Robert L. Innes, The Door Ajar, I, các trang 63-64. Một số gia đình người Nhật cũng đã trở thành nhân viên ngoại giao của họ, như Funamoto/ Thuyên Bán: Isabel Augusta Tavares Mourão, Portugueses, trang 153 trích dẫn Nguyễn Đình Nhã, ‘La population, les moeurs et les coutumes de Phô Hiến, Études vietnamiennes, 4/110 (1993), trang 24.

 

56 Các liên hệ thương mại và xã hội nối kết mạng lưới người Nhật ở Xiêm-La ( Siam), Căm Bốt  (Cambodia), và Batavia [tức Jakarta ngày nay, ND] (móc nối với Macao, Đàng Ngoài (Tonkin) và Đàng Trong (Cochinchina) trong thời kỳ này phải được nhấn mạnh một cách công nhiên: Madalena Ribeiro, ‘The Japanese Diaspora’, các trang 73-80. Về sự can thiệp của Bồ Đào Nha tại mạng lưới này, xem Conceição Flores, ‘Comércio Português entre o Japão e o Sião nos Séculos XVI e XVII’, Revista de Cultura, 17 (1993), các trang 17-22.

 

57 Biblioteca do Palácio Nacional da Ajuda (từ giờ trở đi viết tắt là BA), Jesuítas na Ásia, 49-IV-66, ‘Do Principio deste Collegio, ou caza e dos Superiores que nella ouue…’, f. 47; cùng nơi dẫn trên, ‘Cap. 2° do principio da missão & Xpdandade de Jappão e dos Superiores mayores q principiarão e promoverão’, f. 49v.

 

58 Tiểu sử của Gaspar do Amaral gần đây được nghiên cứu trong luận án Tiến Sĩ của Isabel Augusta Tavares Mourão, Gaspar do Amaral S.J. (1594-1646). La vie et l'œuvre d’un jésuite portugais fondateur de la mission jésuite du Tun Kim à la cour des Trịnh. Paris: École Pratique des Hautes Études, Section des Sciences Historiques et Philologiques, 3 tập, 2011.

 

59 Mặc dù dưới sự trị vì trên danh nghĩa của triều đại nhà Lê, Việt Nam (Đại Việt) bị phân chia bởi hai quốc gia cạnh tranh, Nhà Trịnh và Nhà Nguyễn.  Hai bờ con sông Gianh (ở vĩ tuyến thứ 18) đã là các biên giới.  Sự phân ly đã được hoàn thành trong năm 1614: Roland Jacques, ‘Le Portugal et la Romanisation de la langue vietnamienne. Faut-il réécrire l’histoire?’, Revue française d’histoire d’Outre-mer, 1 (1998), trang  32.

 

60 BA, Jesuítas na Ásia, 49-V-6, ff. 336-346 về chuyến đi của Baldinotti: Isabel Mourão, Gaspar, II, trang 234. Cha Father Pero Marquez (và không phải là Pero Marques, người kể tên sau là một người gốc Nhật Bản) và Alexandre [de] Rhodes là những người đầu tiên được phái đi trong năm 1627 nhưng sứ mệnh đã không thành công. Hậu quả, Phái Bộ đã không được thành lập trong năm 1626 [nguyên bản ghi sai là 2626, ND] như tác giả Madalena Ribeiro 'The Japanese Diaspora’, trang 67, tuyên bố. Một số dữ liệu về Các Phái Bộ được thành lập giữa các năm 1615 và 1642 tại Đàng Trong (Cochinchina), Căm Bốt (Cambodia), và Xiêm La (Siam), trong tác phẩm của Madalena Ribeiro, ‘The Japanese Diaspora’, các trang 66-67. Cũng xem António Francisco Cardim, Batalhas da Companhia de Jesus na sua Gloriosa Província do Japão, biên tập bởi Luciano Cordeiro. Lisbon: Imprensa Nacional, 1894, các trang 15 và 72-73 (về Baldinotti và Peani).

 

61 Vài thí dụ được đưa ra bởi Madalena Ribeiro, ‘The Japanese Diaspora’, các trang 60-63 và chú thích số 41, liên hệ đến các tín đồ Cơ Đốc Nhật Bản; cũng xem Charles R. Boxer, The Christian Century in Japan, 1549-1650. Manchester: Carcanet, 1993, trang 369.

 

62 Thí dụ Romão Nishi, bị trục xuất trong năm 1614, Martinho Hara, Miguel Maki, Miguel Matsuda và những người khác (Isabel Mourão, Gaspar, II, các trang 219-220). Trong năm 1616, trong tổng số 96 giáo sĩ của Trường Đại Học Colégio de Macau, 33 giáo sĩ và 26 sư huynh là các người tỵ nạn từ Nhật Bản. 3 giáo sĩ và 21 sư huynh là những người gốc Nhật Bản (Madalena Ribeiro, ‘The Japanese Diaspora’, các trang 60-61).

 

63 ‘Carta Ânua da Provincia do Japão do ano de 1651’, BA, Jesuítas na Ásia, 49-IV-61, f. 641; một số trong các nhà hảo tâm này được chôn cất trong nhà thờ của Trường Colégio de Macau, Madalena Ribeiro, 'The Japanese Diáspora”, trang 63, chú thích số 41.

 

64 Bất kể chỉ dụ của giáo hoàng Ex pastoralis officio (1585), trao cho Tu Hội Dòng Tên độc quyền truyền giáo tại Nhật Bản, văn kiện này phải được bao gồm trong sự cạnh tranh của vùng Iberia [lãnh địa bao gồm cả Bồ Đào Nha lẫn Tây Ban Nha, ND] (bắt đầu với việc Sứ Quán Tây Ban Nha đươc phái đi bởi Thống Đốc Manila trong năm 1592, và theo sau bởi sự cập bến của các giáo sĩ Dòng Phan-xi-cô (Franciscans) tại Nhật Bản (1592). Cũng cần ghi nhớ trong đầu  về sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Padroado [Chế độ bảo trợ của Bồ Đào Nha]Patronato [Chế độ bảo trợ của Tây Ban Nha] cũng như tình trạng nội bộ của Bồ Đào Nha  và Lãnh Địa tại Ấn Độ: Estado da India trong nửa đầu của thế kỷ thứ 17 (João Paulo Costa, Portugal, các trang 62-67).

 

65 Vị giáo sĩ này sinh ra tại Mourão (Évora, Portugal); ông sống tại Nhật Bản giữa các năm 1609 và 1614. Ông bị nhầm lẫn bởi tác giả Jean- Pierre Duteil, Le mandat du Ciel. Le rôle des Jésuites en Chine. Paris: Arguments, 1994, trang 165, với một giáo sĩ khác, Pero Marques, sinh ra tại Nagasaki năm 1613 (con trai của một người cháu gái của đại danh: daimyô ở Bungo). Madalena Ribeiro, ‘The Japanese Diaspora’, trang 68, cũng bị nhầm lẫn. Xem Isabel Tavares Mourão, Gaspar, II, trang 232, chú thích 553.

 

66 Isabel Tavares Mourão, Gaspar, II, trang 212: Visitador [Khâm Mạng Đại Diện Giáo Hoàng] Gabriel de Matos đã sẵn có mặt tại lãnh địa của chúa Nguyễn. Bởi vì ông không tìm được tàu chuyển vận đến Nhật Bản, ông đã quay trở lại Macao trong năm 1626. Mặt khác, Gaspar do Amaral đã khởi sự học tiếng Nhật tại Đảo Xanh (Green Island) (Ilha Verde), đối diện với Macao, nơi mà các giáo sĩ Dòng Tên đã dựng lên một số ngôi nhà và nhà nguyện: Jorge Santos Alves, ‘Os Jesuítas e a “Contenda da Ilha Verde”.  A primeira discussão sobre a legitimidade da presençaportuguesa em Macau (1621)’. Trong quyển A Companhia de Jesus e o Oriente: Actas. Coord. Nuno da Silva Gonçalves Lisbon: Brotéria/Fundação Oriente, 2000, các trang 423-449. Xem ra ông đã có tiếp xúc tại  Ilha Verde với nhân vật nổi tiếng João Rodrigues Tçuzzu, tác giả quyển Historia da Igreja do Japão, là thông dịch viên của Alexandre Valignano tại Nhật Bản trong suốt các cuộc du hành của ông này giữa các năm 1579-1582, 1590-1592 và 1598-1603.

 

67 ARSI, Jap. Sin. 161 II, ff . {và các trang tiếp theo) 105-106 và f. 118. Sau chuyến đi tới Đàng Ngoài (Tonkin), Saitô đã quay trở về Nhật Bản, nơi ông mất trong sự ngược đãi năm 1633: ARSI, Jap. Sin. 25, ‘Catalogo dos Irmãos do Anno de 1620’, f. 119 và ARSI, Jap. Sin. 88, ‘Principios da Missão do Tun Kim e progressos della’, f. 1v.

 

68 Bất kể đề nghị của Bồ Đào Nha muốn trợ giúp người Trung Hoa chống lại người Mãn Châu (qua việc phái giáo sĩ Dòng Tên Gonçalo Teixeira đến triều đình ở Bắc Kinh): Charles R. Boxer, Estudos, các trang 119-133; Tien-Tsê Chang, O Comércio Sino-Português entre 1514-1644 (Sino-Portuguese Trade from 1514-1644. A Synthesis of Portuguese and Chinese Sources). Lisbon: Instituto Português do Oriente, 1997, trang 164. Cũng xem sự đóng góp của Rui Loureiro, ‘Iberian Impressions of the Manchu Conquest of China’, cũng như sự đóng góp của Jorge dos Santos Alves ‘Clash of Empires Portuguese and Iberian Projects for the Conquest of China’ trong ấn phẩm sắp được phát hành gồm Các Biên Bản của Hội Nghị Quốc Tế Empires en Marche: Rencontres entre la Chine et l’Occident au début des temps modernes (XVIe-XIXe siècles/ Empire on the Move: Encounters between China and the West in the Early Modern Era (16th to 19th Centuries) (Paris, 7-8 November 2011), edited by Dejanirah Couto and François Lachaud. Paris: École française d’Extrême-Orient/ Délégation en France de la Fondation Calouste Gulbenkian, 2014.

 

69 ARSI, Jap. Sin. 88, ‘Missam que se fes do Collegio de Macao ao Rno de Tunquim, cabeça de Cochijchina no anno de 1627’, f. 51-51v; cũng xem ARSI, Jap. Sin. 80, ‘Viagem de Tonquim’, f. 1-2v (copy BA, Jesuitas na Ásia, 49-V-31, ff.15v-18) bao gồm một sự mô tả chủng tộc rất thú vị của vương quốc Nhà Trịnh.

 

70 António Francisco Cardim, Batalhas, trang 76. Vị giáo sĩ Dòng Phan-xi-co gốc Tây Ban Nha đã cố gắng nhưng không thành công để định cư tại Đàng Trong trong năm 1583. Trong năm 1584 Bartolomé Ruiz đã tìm cách ở lại gần được hai năm tại Đà Nẵng (Tourane) nhưng đã phải rời đi: Marcelo de Ribadeneyra, Historia de las Islas del Archipielago, y reinos de la Gran China, Tartaria, Cvchinchina, Maláca, Sian, Camboxa y Iappon, y de lo succedido en ellas a los religiosos Descalzos, de la Orden del Seraphico Padre San Francisco, de la Provincia de San Gregorio de las Philippinas. Barcelona: Gabriel Graells y Geraldo Dotil, 1601, chương 16. Cũng xem Juan Gil, Hidalgos y samurais. España y Japón en los siglos XVI y XVII. Madrid: Alianza Universidad, 1991, các trang 426-439.

 

71 Madalena Ribeiro, ‘The Japanese Diaspora’, trang 68 và các chú thích 57 e [?]

 58 với một số dữ liệu về tiểu sử của các giáo sĩ này.

 

72 Trong năm 1631 một sứ bộ được phái đi bởi chúa Nguyễn quay trở về từ Nhật Bản, cho thấy sự chặt chẽ trong các quan hệ với các thẩm quyền Nhật Bản: ARSI, Jap. Sin. 72, ‘Annua da Cochinchina de 1631’, f. 221. Cộng đồng người Nhật tại Đàng Trong (vào khoảng 300 người) sống tại hai khu vực, một ở Hội An (Faifô) (được thành lập vào năm 1617?), nơi một nhà thờ đã được dựng lên, và khu vực kia là ở Tourane (Đà Nẵng) (được thành lập vào năm 1623?): Ishizawa Yoshiaki, ‘Les quartiers’, các trang 86-88.

 

73 ARSI, Jap. Sin. 161 II, ‘Carta do Padre Vizitador André Palmeiro a Mutio Vitelleschi’ [Macao, 28/04/1633], f. 146: ‘E o Pe Gaspar do Amaral Superior da Missão vai bem aprendendo a lingoa e nella começa a confessar.

74 Alexandre de Rhodes, Histoire du Royavme de Tvnquin et des Grands Progrez qve la Predication de l’Evangile y a Faits en la conversion des Infidèles. Depuis l’Année 1627, iusques à l’Année 1646. Composée en Latin par le R.P.Alexandre de Rhodes, de la Compagnie de Iesvs et tradvite en François par le R.P. Henri Alby de la mesme Compagnie. Lyon: Jean Baptiste Devenet, 1651, các trang 262-263; António Cardim, Batalhas, trang 79; các tiểu sử chi tiết của các giáo sĩ Dòng Tên này trong tác phẩm của Isabel Tavares Mourão, Gaspar, II, các trang 246-247. Các chỉ thị cho Do Amaral trong BA, Jesuítas na Ásia, 49-V-31, ‘Instrucção que o Padre Andre Palmeiro Vizitador da Provincia de Japam e China deu ao Padre Gaspar do Amaral mandando o por Superior daquela missam’, f. 41-42v (Isabel Tavares Mourão, Gaspar, II, các trang 405-407, phụ lục 2).

 

75 BA, Jesuítas na Ásia, 49-V-31, ‘Do principio da missão de Tun Kim’, f. 10v-11. Ngôi nhà thứ nhì của phái bộ truyền giáo được xây sau khi có sự đến nơi của Father Felix Morelli vào năm 1636: Isabel Tavares Mourão, Gaspar, II, các trang 263-264.

 

76 BA, Jesuítas na Ásia, 49-V-31, ‘1634: 4a carta – Como se houverão os padres na perseguição de 634 e como se hão com os cathequistas, ao Padre Visitador’ [Ké Chò, 21/04/1634, Gaspar do Amaral], f. 303: ‘tomando o Rey occazião de fazer de huma accuzaçam falça que s de certa aldea a que chamam Sêt fi zerão contra os Christãos por meyo de huma mulher segunda del Rey por nome Sang phu, a quem pertence a dita aldea...’.

 

77 BA, Jesuítas na Ásia, 49-V-31 ‘Annua do Reyno de Annam do anno de 1632’, f. 254v-256.

 

78 Isabel Tavares Mourão, Gaspar, II, trang 271, chú thích 635, chỉ cho thấy một bản thảo (Ms.) hữu ích cho sự hiểu biết tốt hơn về hệ thống dojuku [sống cùng với nhau, ND] tại Nhật Bản: Biblioteca Nacional de Madrid (BNM), Col. Gayangos, Ms./17620, leg. 29, no. 7D, ‘Extracto das Obediencias dos Visitadores fto Pa os Pes das Residencias e mais Pes do Japam, pello Pe Frco Pasio Visitor da Proua de Japam no anno d 1612…’, 12 folios.

 

79 BA, Jesuítas na Ásia, 49-V-31, ‘Annua da missão do reyno de Anam a que os Portugueses chamão Ton Kim, 1633’, f. 265 (được ký tên bởi Gaspar do Amaral); BA, Jesuítas na Ásia, 49-V-31, ‘Annua de 1634 do reyno de Anam para o Padre André Palmeiro Vizitador das Provincias de Jappão e China’, f. 307 (bắt đầu tài liệu cho đến f. 321v: phần cuối cùng [ff . 20-235] có thể tham khảo tại ARSI, Jap. Sin. 88, xem bên dưới (infra).

 

80 ARSI, Jap. Sin. 88, ‘Relação dos Catequistas da Christandade de Tumquim e seu modo de proçeder pera o Pe Manoel Diaz Vizitador de Jappão e China’, f. 348-354v [27/03/1638] liệt kê danh sách các giáo lý viên và các phó tế thế tục (5), ff . 353v, 354 và 354v (Isabel Tavares Mourão, Gaspar, III, các trang 474-483, phụ lục 7); về vai trò của các giáo lý viên, cùng nơi dẫn trên., II, các trang 274-275; cũng xem Real Academía de la Historia, Madrid, Archivo de Japón, Leg. 21 bis, fas. 16, ff . 31-37; Gio(vanni) Filippo de Marini, Delle missioni de’ Padri della Compagnia di Giesv nella Prouincia del Giappone, e particolarmente di quella di Tumkino. Rome: Nicoló Angelo Tinassi, 1663, các trang 183-188.

 

81 Các quà biếu ngoại giao lên tới từ 50 đến 60 cruzados mỗi năm ARSI, Jap. Sin. 161 II, ‘Carta do Padre Vizitador André Palmeiro a Mutio Vitelleschi’ [Macao, 28.IV.1633], f. 146v.

 

82 Xem ARSI, Jap. Sin. 88, ‘Annua de 1634 do reyno de Anam para o Padre André Palmeiro Vizitador das Provincias de Jappão e China’, ff . 189v-190v (Isabel Tavares Mourão, Gaspar, III, các trang 436-437, phụ lục 5); André Palmeiro không tán thành việc tạo lập các phái bộ truyền giáo mới: ARSI, Jap. Sin. 161 II, ‘Carta do Padre Vizitador André Palmeiro a Mutio Vitelleschi’, [Macao, 28/04/1633], f. 146: ‘nê sera conveniente, e assim o iulgão todos, abrir de novo Missões com tal encarguo como este, assim polla indecencia que isto em sy encerra, como pollo grande gasto, que de força nisto se faz’.

 

83 ARSI, Jap. Sin. 161 II, f. 188-188v (Isabel Tavares Mourão, Gaspar, III, các trang 494-495, phụ lục 12). Xem, về các phiên bản khác nhau của lá thư này, cùng nơi dẫn trên, II, trang 259, chú thích 602.

 

84 Nỗ lực không thành công của việc thiết lập một phái bộ truyền giáo Dòng Tên tại Lào được nghiên cứu bởi Isabel Tavares Mourão, Gaspar, II, các trang 258-261: trước Leria, và sau do Amaral, các linh mục Bartolomeu Reboredo và João Baptista Bonelli đã được bổ nhiệm đến phái bộ này: Reboredo được phái đến Macassar và Bonelli đã chết trước khi tới được Lào: xem, ngoài BA, Jesuítas na Asia, 49-V-31, ‘Lembrança do Padre João Baptista Bonelli pa os Padres de Tun Kim e pa o que uier aos Laos, 1638’, f. 435-436v; Isabel Tavares Mourão, ‘Notícias do Laos’, Oceanos, 32 (1997), các trang 87-101 và đặc biệt các trang 95-97. Luận án Tiến Sĩ (đang tiến hành) của Susumu Akune (University of Kyoto) khảo cứu đặc biệt về phái bộ Dòng Tên tại Lào.  Chúng tôi xin cám ơn ông  Akune về các cuộc thảo luận được tổ chức tại Kyoto về đề tài này.

 

85 Xem thư của Father Felix Morelli gửi Tổng Quyền Bề Trên (Superior General) Mutio Vitelleschi ARSI, Jap. Sin. 80, f, 21-22v [Tonkin, 25/03/1637]; Do Amaral rất quen thuộc với cộng đồng người Nhật như chúng ta có thể nhìn thấy xuyên qua các sự quan sát thú vị về lối sống của người Trung Hoa và người Nhật Bản sinh sống tại Đàng Ngoài (Tonkin): ARSI, Jap. Sin. 161 II, Carta de Gaspar do Amaral a Mutio Vitelleschi [Macao, 12/12/1638], f. 210 (Isabel Tavares Mourão, Gaspar, III, trang 502, phụ lục 13).

 

86 Martin Nogueira Ramos, Le Christianisme, các trang 84-85.

 

87 Cộng đồng người Nhật tại Đàng Trong (Cochinchina) thì đông hơn cộng đồng người Nhật tại Đàng Ngoài (Tonkin), như con số các tàu Nhật Bản buôn bán với Việt Nam (trên ở trên) cho thấy.  Về cấu trúc của nhóm này, xem Isabel Augusta Tavares Mourão, Os Portugueses, các trang 72-74.

 

88 ARSI Jap. Sin. 161 II [28.IV.1633], f. 146.

 

89 BA, Jesuítas na Ásia, 49-V-3, ‘1634: 4a carta – Como se houverão os padres na perseguição de 1634 e como se hão com os cathequistas, ao Padre Visitador’ [Ké Chò, 21/04/1634, Gaspar do Amaral], f. 304v.

 

90 Cùng nơi dẫn trên, f. 305. Cộng đồng tín đồ Cơ Đốc đã sẵn khá lớn (f. 302v): ‘Esta esta Christandade neste Reyno muy espalhada, e quatro Padres pera a cultivar he muito pouca gente’.

 

91 ARSI, Jap. Sin. 88, ‘Relação dos Catequistas da Christandade de Tumquim e seu modo de proçeder pera o Pe Manoel Diaz Vizitador de Jappão e China’, f. 351v. Bức thư này, như đã lưu ý, đề ngày 27 Tháng Ba, 1638, có nghĩa sự ủng hộ vẫn còn hiệu quả.

 

92 Madalena Ribeiro, 'The Japanese Diaspora’, trang 69; António Francisco Cardim, Batalhas, các trang 62-63; BA, Jesuítas na Ásia, 49-IV-61, Carta Ânua da Provincia do Japão do ano de 1654, f. 395-396. Cũng xem the Annua of 1634, BA, Jesuítas na Ásia, 49-V-31, ‘Annua de 1634 do reyno de Anam para o Padre André Palmeiro Vizitador das Provincias de Jappão e China’, ff . 172-189v.

-----

Nguồn: Dejanirah Couto, On the Threshold of Japan : Gaspar do Amaral, the ‘Jesuit Network’ and the Contribution of the Japanese Mission and the Japanese Diaspora to the Deployment and in the Settlement of the Jesuit Mission in Tun Kim

卡斯巴爾··阿馬拉爾以及日本傳教團對耶穌會傳教團在越南設立的貢献

Revista de Cultura (Review of Culture), INSTITUTO CULTURAL do Governo da Região Administrativa Especial de Macau, 44 • 2013, các trang 122-144, các trang 106-121

 

Ngô Bắc dịch và phụ chú

07.2021

 

http://www.gio-o.com/NgoBac.html

 

© gio-o.com 2021