Charles Timmes

Thiếu Tướng, Phụ Tá Trưởng Trạm CIA Tại Sàigòn 1/13/19

 


 

HỒI ỨC VỀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA NAM VIỆT NAM

[từ băng ghi âm nguyên bản, chưa sửa chữa]

 

Ngô Bắc dịch

 

 

… Tôi đã công bố trên một tạp chí – tờ Army Magazine.  Tôi nghĩ chúng thì xuất sắc và khi ông hỏi tôi về các ấn tượng ban sơ, chúng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các cuộc đối thoại mà tôi đã có với Rosson, William Rosson, một vị tướng bốn sao, và ông ta đang sống tại phía nam tiểu bang Virginia, khoảng giữa đường đi.

 

Hỏi: Ông ấy là một sĩ quan lục quân?

-         Đúng, một vị tướng bốn sao.  Ông có lúc đã chỉ huy quân đội tại Quân Khu 1, Bill Rosson.

 

Hỏi: Ông đã đến Việt Nam lần đầu tiên vào lúc nào?

-         Trong năm 1961.

 

Hỏi: Ông đã từng ở Đông Nam Á trước năm 1961?

-         Không.  Tôi từng ở Hàn Quốc từ 1956 đến 1958.  Tôi tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Quốc Gia về Chiến Tranh (National War College) trong năm 1956 và được chỉ định làm tùy viên tại Thổ Nhĩ Kỳ.  Lý do cho sự bổ nhiệm đó là vì tôi đã hoàn tất chương trình Nga ngữ bốn năm và giảng khóa về khu vực đó.  Từ 1958 [sic, nhiều phần là 1948, ND] đến 1953, làm việc tại ban tình báo tại Ngũ Giác Đài và sau đó đi học tại Trường National War College, và được thăng cấp sau khi làm tùy viên tại Thổ Nhĩ Kỳ và được phái đi Korea.  Thời gian đó kéo dài một năm rưỡi.  Sau đó trở về nước và khi đang làm việc tại Ngũ Giác Đài, tôi được chỉ định làm phụ tá cho tư lệnh sư đoàn 101 dưới quyền chỉ huy của Tướng Westmoreland.  Tôi ở lại đó cho đến mùa hè năm 1961, rồi đi Việt Nam.  Trước tiên, làm Phó Trưởng Nhóm Viện Trợ Quân Sự (MAG) [viết tắt của Military Assistance Group], với Tướng Lionel McGarr làm Trưởng Nhóm, và tôi đã thay thế Tướng Garr vào Tháng Ba, 1962.

 

Hỏi: Ông đã trở thành Trưởng Nhóm MAG trong Tháng Ba, 1962.  Vào lúc đó, ông đã lượng định tình hình và tôi nghĩ đó là công tác chính yếu của ông.  Ông đã lượng định tình hình như thế nào?

-         Một trong những việc đầu tiên tôi đã phải làm sau khi du hành khắp nước và có một ít cảm nhận [khi] Tướng Taylor với tư cách đại diện Tổng Thống Kennedy đến thăm.  Công việc của tôi là thuyết trình và dẫn ông tướng đi quanh xứ sở.  Tôi mới chỉ ở đó có ba tháng nhưng công tác đó đã được trao cho tôi.  Tôi nghĩ không cần bất kỳ lời bình luận nào, nhưng việc đó được giao cho tôi – và tôi nghĩ tôi có đề cập đến công việc đó trong vài bài viết.  Chưa đầy 3 tháng, tôi đã tỏ tường mọi điều về Việt Nam hay sao [!!!?].

 

Vâng, cùng đi với Tướng Taylor đã ảnh hưởng tôi nhiều trong các ấn tượng của mình và sau đó các ấn tượng của ông ấy.  Việc thứ nhất tôi nghĩ là Tướng Taylor đã khuyến cáo lên Tổng Thống, là chin sư đoàn, rằng họ gia tăng các sư đoàn của Việt Nam hoặc từ chín đến mười một hay từ bảy đến chín sư đoàn.  Và số cố vấn sẽ được tăng từ khoảng 600 lên 3200, rằng các cố vấn sẽ được gia tăng đặc biệt ở cấp tiểu đoàn.  Trước đây có một cố vấn ở cấp trung đoàn.  Có vài cố vấn ở cấp sư đoàn.  Một cố vấn ở cấp trung đoàn và viên cố vấn đã không được phép ra ngoài chiến trường cùng với đơn vị Việt Nam.  Vâng, Tướng Taylor đã khuyến cáo sự thay đổi đó.  Giờ đây, chúng tôi có năm cố vấn ở mỗi tiểu đoàn và được phép đi ra chiến trường cùng với đơn vị, ở lại cùng với đơn vị, cố vấn chúng trong khi chiến đấu.  Tôi nghĩ một sai lầm lớn lao vào lúc đó là cộng sản đang thách thức chính quyền không phải ở cấp quân đội chính quy, mà là ở các làng xã và các thôn ấp, và chúng ta đã củng cố sai khu vực.  Gia tăng thêm hai sư đoàn và ít trung đoàn trong khi chúng ta thực sự cần phải làm một vài điều gì đó nơi sự tranh chấp cụ thể đã diễn ra, tức ở cấp làng xã, bằng cách gia tăng cảnh sát và lực lượng địa phương.

 

Hỏi: Ông đã nói với [Tướng] Taylor về việc đó?

-         Không.  Đó là điều tôi lĩnh hội được sau này.  Tôi đã không nói với Tướng Taylor điều đó.  Nhưng sự thể đã trở nên như thế -- các người khác sẽ đề cập sự việc giống như thế ngay vào lúc đó và có vẻ hợp lý.

 

Hỏi: Về việc đắc nhân tâm của Tổng Thống Diệm như thế nào? Ông ta xa cách với quần chúng, lực lượng cảnh sát dưới quyền người em ông ta …

-         Rất đúng, hoàn toàn đúng như thế.  Ông ấy không được ưa thích.  Ông rất được lòng dân khi mới bắt đầu nắm quyền hồi năm 1954.  Ông có thể đi bộ trên đường phố và được đón mừng và thực sự có khả năng làm việc đó, nhưng rồi ông ta ngày càng trở nên xa cách, đàn áp hơn, và yếu tố tôn giáo có dính dáng đến điều đó.  Ông theo đạo công giáo và khối Phật tử thì rất mạnh.  Ông Minh Lớn (Big Minh) và nhiều người theo đạo Phật chống đối Tổng Thống Diệm rất nhiều.  Tôi biết ông Big Minh [Tướng Dương Văn Minh] rất rõ.  Tôi cùng đi hành quân với ông ta.  Tôi cũng rất thường gặp tổng thống.

 

Hỏi: Ấn tượng của ông về ông ta, có thông minh không? Làm việc tận tụy? theo Dân Tộc Chủ Nghĩa?

-         Vâng, tận tụy, có tinh thần dân tộc chủ nghĩa, chắc chắn là thông minh.  Có lẽ không phải là một Thomas Aquinos, hay một Aristotle, nhưng ông có một sự thông minh trung bình.  Ông đã đối chọi với người dân bởi -- ông trở nên lo ngại rằng các cuộc đảo chính sẽ được xây dựng chống lại ông ta và ông đã sử dụng các phương pháp trấn áp để ngăn cản các cuộc đảo chính.  Một trong những điều ông ta làm là các cấp chỉ huy quân đội đã được tuyển chọn vì lòng trung thành với ông chứ không phải nhờ hiệu năng và việc này đã có một hiệu ứng nghiêm trọng.      

 

Hỏi: Thế ông có cố gắng để cố vấn ông ta hay không, hay đó không phải là công việc của ông?

-         Không, đó không thực sự là công việc của tôi.  Tôi là trưởng nhóm các cố vấn dưới quyền Tướng McGarr.  Đúng là công việc của ông ấy hơn.  Tôi chỉ thi hành những gì tôi nghĩ là mệnh lệnh của ông ấy.  Sau đó đến Đại Tướng Paul Harkins, và đó là công việc của ông và ông đại sứ.  Tôi không ở cấp bậc đó.  Tôi đang cố vấn ở cấp quân đoàn, sư đoàn, các tỉnh trưởng, bởi chúng ta đã có các cố vấn ở tất cả các cấp đó và tôi đi quanh để kiểm soát các cố vấn của chúng ta ở các cấp bậc đó.

 

Hỏi: Chiến tranh diễn tiến ra sao vào thời điểm đó? Ông có lạc quan hay không?

-         Có.  Tôi có trình bày tất cả các điều đó trong các bài viết.  Ông chịu khó đọc về điều này và khi đó ông có thể có đủ thông tin.

 

Hỏi: Tôi xin hỏi ông một vài câu chuyện nữa khi đó.  Tôi có đọc sự tường thuật của Frank Snepp về cuộc ra đi của Tổng thống [Thiệu] và có nói chuyện với các người khác.  Mọi người đều nói với tôi rằng ông không đồng ý với các câu chuyện của anh ta về cuộc ra đi của tổng thống [Thiệu, ND].  Nhưng cũng có một câu chuyện khác mà John Madison kể cho tôi rằng đã có tin đồn rằng vào 6 giờ ngày 29 Tháng Tư khi tòa đại sứ được di tản, rằng tòa đại sứ sẽ bị pháo kích, và anh ta nói rằng đúng 6 giờ, một viên đạn pháo binh bay ngang qua tòa đại sứ và đâm vào một tòa nhà gần đó, và ông ra ngoài và đi gọi điện thoại, gọi cho một người nào đó và đã không còn đạn pháo kích nữa.

-         Tôi đã gọi cho ông Big Minh.  Nhưng tôi không hay biết gì về việc pháo kích này.  Tôi không nhớ gì về biến cố đó.  Nhưng sáng hôm đó, tôi gọi điện thoại cho ông Big Minh và yêu cầu ông ta nói chuyện với phe cộng sản và cố gắng nói họ ngưng chiến.

 

Hỏi: Ông ta có tiếp xúc với họ?

-         Cách nào đó.

 

Hỏi: Và sau đó họ có ngừng bắn?

-         Họ có ngừng bắn.  Tôi nghi ngờ rằng đó là kết quả công việc của ông Big Minh.  Tôi nghi ngờ điều đó.

 

Hỏi: Tôi xin quay trở lại việc từ chức của Tổng Thống Thiệu.  Ông đã bí mật thảo luận về sự từ chức?

-         Tôi phải suy nghi về việc đó.  Thứ nhất … [Đại Sứ] Martin gọi tôi xuống, như tôi nhớ, nói chúng ta sẽ phải gạt bỏ ông Thiệu.  Vào ngày 25 [sic] khi ông nói tôi cần tiếp xúc với ông Thiệu và xem chúng ta có thể thực hiện được kiểu dàn xếp nào.  Do đó tôi đến nhà ông Thủ Tướng, Trần Thiện Khiêm.  Ông vẫn còn quanh quẩn khi đó.  Ông ta đã bay sang Hồng Kông.  Tôi đã dùng cơm tối với ông ta và ông Cao Văn Viên ngay trước khi ông Viên ra đi.  Và ông Kim [sic, Khiêm, ND] sắp sang Hồng Kông và trú ở đó trong một thời gian.  Tôi ngờ rằng ông giờ đó đang quay trở lại.

Vào ngày 25, ông đại sứ nói đây là lúc ông Thiệu ra đi.  Tôi có thể sắp xếp ra sao?  Do đó tôi đến nhà ông Khiêm và chúng tôi gọi điện thoại cho ông Tổng Thống và tôi nói sẽ sắp xếp để ông ra đi.  Và chúng tôi đã nói về nhiều khả tính khác nhau.  Tôi nói chúng ta có thể dùng một máy bay trực thăng đáp trên nóc dinh tổng thống.  Ông không nghĩ cần làm như thế.  Ông nói về việc ông đi đến Bộ Tổng Tham Mưu và đến nhà ông Khiêm, và sẽ có một buổi tiệc cocktail rồi từ đó ra phi trường.  Do đó tôi đã sắp xếp ba chiếc xe kiệu (limousines).  Tôi sắp xếp để Frank Snepp lái một trong các chiếc xe đó.  Và chúng tôi đã sắp xếp về giờ giấc chúng tôi sẽ ở đó, tại nhà ông Khiêm, vào khoảng 6 giờ.  Như thế, Đại Sứ Martin sẽ lấy một xe limousine và đi ra phi trường – và tôi chắc bạn biết khu vực đó – một khu vực tối đen – và ba chúng tôi đi bằng ba chiếc xe kiệu đến nhà ông Khiêm.  Ông Thiệu đến nơi, chúng tôi uống nước với nhau, chúng tôi sửa soạn mọi giấy tờ pháp lý.  Có mặt Tom Polgar (Trưởng Trạm CIA tại Saigon), và bản thân tôi.  Polgar nói, được rồi, ông muốn chúng tôi đi đứng ra sao? Tôi nói, ông Polgar, ông ngồi xe với ông Khiêm và vài tùy tùng của ông ta trong chiếc xe thứ nhất.  Tôi sẽ đi với ông Tổng Thống trong chiếc xe thứ nhì, và một vài người tùy tùng ngồi trong chiếc thứ ba.  Trong chiếc xe thứ nhì, Frank Snepp lái xe.  Tôi nói, thưa Tổng Thống, đây là một người của chúng tôi.  Anh ta đã ở đây khá lâu do đó anh sẽ là tài xế.  Và sau đó chúng tôi khởi hành. Cả ba xe của chúng tôi và khi chúng tôi tiến gần đến trạm gác tại phi trường, tôi nêu ý kiến nói tổng thống cúi đầu xuống thấp và hai chúng tôi ở hai bên.  Tôi quên mất ai ngồi phía bên kia, chúng tôi nói chuyện với các người lính gác và đã đi qua và họ không hề nhìn thấy ông tổng thống.  Sau đó chúng tôi đi đến nơi mà ông đại sứ đang đợi và tôi nhìn thấy họ chất các túi lên và tôi không hề nhìn thấy – như Frank Snepp viết trong quyển sách của anh ta – các túi lớn, nặng nề … Tôi không hề nhìn thấy điều đó.  Có thể tôi sai và không để ý, nhưng tôi nghĩ tôi hay biết về mọi chuyện đang diễn ra, bởi nếu tin tức lọt ra ngoài về việc tổng thống ra đi, có thể có..

 

Hỏi: Ông đã lo ngại về một mưu toan ám sát?

-         Có lo ngại về việc đó.

 

Hỏi: Từ ông [Nguyễn Cao] Kỳ?

-         Không.  Tôi không nghĩ về ông Kỳ.  Trước tiên là VC [Việt Cộng, ND] và một số người khác – tôi e ngại chính yếu về VC, nếu họ hay biết – tình báo đã không tốt mấy về phía chúng ta, lại rất bén nhậy về điều đó.  Tôi cũng có lo ngại về các nhóm khác, các lính gác.

 

Hỏi: Ông đã làm gì sau khi ông Thiệu ra đi?

-         Tôi đi cùng xe với Đại Sứ Graham Martin và Polgar và chúng tôi quay xe trở về.  Ông Khiêm yêu cầu tôi gửi một điện tín cho tòa đại sứ tại Hồng Kông bào tin họ đang tới và về giờ giấc sẽ đến để họ có thể gặp nhau.  Chúng tôi đã làm tất cả các việc đó.

 

 

 

Hỏi: Ông Thiệu cảm thấy ra sao vào lúc này?

-         Ông xem ra khá vui vẻ, khi tôi giới thiệu Frank Snepp, ông ta nói khá lạ lùng, “Anh đã quanh quẩn ở đây bao lâu rồi?” và ông với tôi nói chuyện rất vui vẻ như thể đây là một cuộc đi dã ngoại.

 

Hỏi:  Đâu là lý do khiến ông ta rời khỏi xứ sở?

-         Tôi nghĩ một trong các lý do là chúng ta đã cố gắng để đưa Big Minh lên làm tổng thống. Sẽ không thích hợp để cựu tổng thống còn ở đây vào lúc đó, nếu không thực sự ở vào thế đối lập.  Thứ nhì, đã có nhiều áp lực từ đại sứ đòi ông ta phải ra đi.  Đại sứ có nói với tôi, “đây là lúc ông Thiệu phải rời khỏi nước.” Và tôi phải sắp xếp việc đó.

 

Hỏi: Ông ta vẫn còn sinh sống trong phủ tổng thống?

-         Đúng vậy.  Cho đến ngày 25 khi ông ta rời khỏi dinh tổng thống.

 

Hỏi: Phần còn lại của gia đình ông đã ra đi bằng cách khác, tôi đoán vậy.  Trong đoàn tùy tùng của ông ta tối hôm đó còn có những ai nữa?

-         Phần trả lời nghe không rõ.

 

Hỏi: Tướng Cao Văn Viên vẫn còn ở trong nước?

-         Để tôi nhớ xem, ông ta đã ra khỏi nước bằng cách nào? Để tôi nhớ lại xem sao.

 

Hỏi: Tướng Vĩnh Lộc trở thành Tổng Tham Mưu Trưởng, nhưng tôi không nhớ là liệu ông Cao Văn Viên đã ra đi vào lúc đó hay không.

-         Tôi có giúp một vài người nào đó ra đi.   Ai vậy kìa? Tôi đã để ông ta trú náu tại nhà tôi vào buổi tối ngày 28 và ra đi vào ngày 29.  Tôi phải suy nghĩ lại xem đó là ai.

 

Hỏi: Tôi có thể tạm nghỉ và dò lại cuộc phỏng vấn này lúc ăn trưa và trở lại sau buổi trưa.

-         Được, sẽ gặp lại vào 1:30 trưa.

 

Cuộc phỏng vấn được tiếp tục tại ctr 167 [ctr: có lẽ là chữ viết tắt của “control track: điểm trên luồng kiểm soát băng thu âm”, ND].

 

Hỏi: Tôi để ý trong một lời phát biểu, vợ của ông có nói “Chúng tôi đã sống ở đây và …

-         Phụ tá ông McNamara, phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng [câu này không phù hợp với mạch văn, nên không rõ ý nghĩa, ND].

 

Hỏi: Như thế ông sống bên ngoài Tân Sơn Nhứt?

-         Không phải trong Tân Sơn Nhứt.  Trong phố.

 

Hỏi: Ông có các người giúp việc nhà gốc Việt Nam?

-         Đúng vậy.

 

Hỏi: Bản thân ông có nhận thấy mình không có được sự hiểu biết thích đáng về văn hóa của người dân [Việt Nam, ND].  Có bao giờ ông cảm thấy mình thiếu điều đó không?

-         Đúng, cảm thấy rất nhiều như thế.  Tôi lo sợ rằng chúng ta và các cố vấn, thật không may – và tôi không biết câu trả lời sẽ ra sao – đã chỉ được chuẩn bị một cách rất kém cỏi về công việc mà chúng ta đảm nhận.  Chúng ta thực sự không hiểu biết về người dân.  Và điều gây tổn thương nhiều nhất trong mọi điều rằng chúng ta là những kẻ lệ thuộc vào những câu chuyện mà họ đã kết nối chúng ta vào những gì đã xảy ra.  Chúng ta không thể đối chứng với họ bởi chúng ta không biết về chính mình tốt hơn chút nào.  Chúng ta không nói được ngôn ngữ [của họ, ND].  Chúng ta không hiểu biết về văn hóa, và chúng ta đã phải chấp nhận khá nhiều những gì họ nói với chúng ta.

 

Hỏi: Nhưng không phải một sự hiểu biết đã diễn ra một cách từ từ hay sao?

-         Chắc chắn như thế, nó diễn ra một cách tiệm tiến, hiểu biết tốt hơn nhiều.  Thí dụ, khi tôi trở lại trong các năm 1967, 1968, 1969 và tôi đi phỏng vấn các cấp chỉ huy ở mọi mức độ, chắc chắn tôi đã có thể nhận thức khá hơn nhiều nhưng gì họ nói với tôi.  Tôi có thể đối chiếu các câu chuyện với những gì mà các người khác đã nói với tôi.  Tôi đã có thể so sánh câu chuyện mà bản thân các cố vấn đã nói với tôi.  Và chúng ta đã có nhiều cơ may hơn để tiến tới một câu chuyện chân thật.  Nhưng vào lúc khởi đầu đã không có lợi điểm này.

 

Hỏi: Phần lớn các cố vấn không nói được tiếng Việt, phải không?

-         Không, chỉ có rất ít.  Khó có người nào có thể nói được một cách trôi chảy.  Chắc chắn chúng tôi biết vài tiếng như “Hello, how are you?: Chào ông (bà), ông  (bà mạnh giỏi không?”

 

Hỏi: Ngoài chiến trường, các quân nhân lực lượng đặc biệt hay tương tự cũng không nói được tiếng Việt?

-         Không.

 

Hỏi: Ông nhấn mạnh đến ý tưởng Phật Giáo rằng bạn đừng bao giờ nói hay làm bất kỳ điều gì làm nản lòng người láng giềng của bạn.

-         Đúng, tôi quên mất điều đó.  Điều đó rất thịnh hành.  Câu hỏi của ông về Tổng Thống Diệm – như ông cũng biết, ông ta thuộc giới quan lại.  Ông ta không phải là loại người đến gặp người dân để tạo ảnh hưởng trên người dân nhằm ủng hộ cho chính quyền.  Người dân đủ may mắn để có ông ta làm lãnh tụ của họ và vì thế đó là trách nhiệm của họ.  Và điều đó thì thịnh hành cho đến khi ông ta bị hành quyết.  Và sự kiện người em trai của ông làm sự việc trầm trọng hơn cho ông ta.  Người em của ông cừu địch với nhiều người – tôi đưa cho ông một thí dụ:

 

Khi chúng ta khởi sự chương trình chiến lược này trong năm 1962, người em trai đi khắp nơi gặp các tỉnh trưởng, và nói rằng vị tỉnh trưởng ở chỗ này đã hoàn tất được thật nhiều thành quả.  Còn ông đã làm được bao nhiêu? Và dĩ nhiên, người này phải cạnh tranh với kẻ kia.  Và ông Nhu, tôi đoán, cũng không biết khá hơn bao nhiêu, và chúng ta sẽ có phần bị dối gạt nhưng không tới mức độ đó.

 

Sau đó trong vấn đề tôn giáo ông ta đã đối nghịch với nhiều người theo đạo Phật.  Nhưng ngoài ra, bà Nhu (vợ ông Ngô Đình Nhu, em ông Ngô Đình Diệm) trong nỗ lực, tôi phải nói, muốn làm một điều tốt, cố gắng giải phóng phụ nữ, buộc người chồng phải trung thành hơn với người vợ, và vì thế, bà gây thù địch với khối người.  Đó là một điều chúng ta ít khi nghĩ đến.  Nhưng đó là một trong những lý do giải thích tại sao bà Nhu bị oán ghét đến thế.

 

Hỏi: Bản thân ông có dịp gặp bà ta không?

-         Ồ, chắc chắn có gặp chứ.

 

Hỏi: Ông có đồng ý với bà ta không?

-         Chắc chắn.  Nhưng tôi không gặp bà ấy thường xuyên.  Chỉ trong các giao tiếp xã hội.  Bà ta xinh đẹp và lịch sự, đó là tất cả những gì tôi có thể nói.

 

Hỏi: Ông ta [Ngô Đình Nhu, ND] xuất hiện trên bang truyền hình gần như là không quân bình về mặt tâm thần.

-         Đúng vậy.

Hỏi: Chủ nghĩa Nhân Vị là gì?

-         Tôi có học hỏi về triết lý của Công Giáo và tôi sẽ chết mất nếu hiểu được những gì ông ta nói về nó.  Nhưng ông ta gây thù oán với quá nhiều người.

 

Hỏi: Đã có lúc có nỗ lực tách rời hai người – ông Nhu và ông Diệm phải không?

-         Đó là nỗ lực của các đại sứ, Frederick Nolting và Henry Cabot Lodge.  Tôi không biết là họ có thành công hay không.

 

Hỏi: Điều gì đã giữ họ chặt với nhau?

-         Lòng trung thành với gia đình và sự hay biết rằng họ ở trong một môi trường thù nghịch, tôi nghĩ họ bám víu vào nhau.  Tôi ngờ rằng như thế.  Đó là những gì tôi nghĩ vào thời điểm dó.

 

Hỏi: Về cuộc đảo chính và hạ sát hồi năm 1963.  Vào lúc nào ông nhận thấy rằng một cuộc đảo chính đang được ấp ủ, v.v…?

-         Có một cuộc diễn hành vào ngày quốc khánh, 26 Tháng Mười [bản ký âm ghi Tháng Mười Một, vì Tướng Timmes nhớ lộn, ND] và tại cuộc diễn hành này, có một số quân nhân trẻ mà ông Nhu đang sử dụng, giống như các Thanh Thiếu Niên Hướng Đạo, đi diễn hành.  Tôi tình cờ trong đám đông, ngồi giữa ông Big Minh và ông Trần Văn Đôn.  Họ có nói với tôi sau cuộc diễn hành này rằng cuộc đảo chính đã sẵn được lập kế hoạch, và vào lúc này, tôi đang ngồi cạnh họ.  Việc này xảy ra trong Tháng Mười năm 1963 ngay trước khi có cuộc đảo chính.  Tôi không biết về nó cho đến khi cuộc đảo chính được thực sự khởi sự.

 

Vào lúc này, Đô Đốc Harry Felt có mặt tại Sàigòn, và chúng tôi đã thuyết trình với ông.  Ông Trần Văn Đôn là người đã hộ tống Đô Đốc Felt ra phi đạo và dĩ nhiên chúng tôi cùng đi với ông ta.  Các binh sĩ có mặt trên các đường phố và có điều gì đó rất lạ lùng đang diễn ra.  Sau đó ít lâu, họ đã chiếm đài phát thanh và tôi nghĩ đó là dấu hiệu bắt đầu cuộc đảo chính.  Tôi không có sự hay biết trước về cuộc đảo chính, mặc dù điều đó tràn ngập trong bàu không khí.  Như một sự kiện thực tế, tôi nhớ có nói chuyện với tổng giám mục, khâm sứ tòa thánh tại Việt Nam, vài tháng trước đó và ông liên tục nói “hãy tìm cách loại bỏ ông Diệm, vô hiệu năng, không có tài lãnh đạo đối với quần chúng.  Ông ta không thể gom góp người dân đứng đằng sau chính phủ để hậu thuẫn cho mình.  Ông ta không thể làm bất kỳ việc gì để đánh bại phe cộng sản chủ nghĩa.”

 

 

 

Hỏi: Ông có ngạc nhiên về vụ hạ sát?

-         Rất ngạc nhiên.  Và tôi biết kẻ đã làm việc đó.  Đó là một thiếu tá tùy viên của Big Minh.  Tôi vẫn gặp Big Minh rất thường xuyên.  Tôi đánh quần vợt nhiều với ông ta.  Nhưng với tư cách một cố vấn và ông phụ trách việc hành quân, điều đó có nghĩa không chỉ huy gì cả.  Ông ta không có lính.  Ông đã không được phép rời khỏi Sàigòn trừ khi có phép của tổng thống, vì thế ông ta rất chống đối tổng thống, cũng như toàn thể nhóm cận thần tùy tùng, tôi biết có nhiều người oán ghét ông Diệm.  Và thường xuyên nói về việc đất nước phải tìm cách này hay cách khác gạt bỏ ông Diệm.

 

Hỏi: Nhưng đã không có các mưu toan ám sát ông Diệm.  Đây không thuộc vào tâm tính của người Việt Nam?

-         Tôi không thể trả lời khía cạnh đó của câu hỏi.  Nhưng – đã có nhóm nhảy dù thực hiện một cuộc đảo chính vào năm 1960.

 

Hỏi: Tôi nghĩ về sự hạ sát ông ta, trong trường hợp một người đối diện một người.  Không có phụ tá chính trị cao cấp nào khác mưu toan các vụ ám sát, hay từ các người của các ông?

-         Tôi đã đi khắp mọi nơi.  Mối nguy hiểm duy nhất chúng tôi được cảnh cáo là VC, bởi trên đài phát thanh của họ, họ đưa ra các sự đe dọa.  Sự việc là như thế.  Nhưng mặt khác, tôi nghĩ đã có hai mưu toan giết tổng thống [Diệm].

 

Hỏi: Bất kể sự chấn động vì sự hạ sát, ông có lạc quan hay không, ông có cảm thấy việc ông [Big] Minh lên nắm quyền là một bước tiến?

-         Chỉ trong một giai đoạn ngắn, rất ngắn, hãy để tôi giải thích lý do tại sao.  Sau khi ông Minh nắm quyền, ông đã thay thế tất cả các cảnh sát trưởng và hậu quả, cả chương trình ấp chiến lược mà chúng ta đã nghĩ một cách ngu ngốc là diễn tiến rất tốt đẹp, chúng ta đã khám phá ra thực sự chương trình tệ hại ra sao khi nó được thực hành.

 

(((Hết mặt a, cuộn băng 1, ctr 481)))

(((Bắt đầu mặt b)))

 

Hỏi [?] … mọi sự do chính quyền Việt Nam kiểm soát hóa ra không phải như thế.

-         Vâng, ngay ông Minh cũng tố cáo ông ta [tổng Thống Diệm, ND], nói rằng sự tập trung càng làm ông ta mất uy tín hơn nữa.  Và ngay giới chống lại phe đối lập với tổng thống cũng sử dụng lập luận này cho rằng chương trình ấp chiến lược là một phương thức để tập trung dân chúng, đặt họ vào trong các trại tập trung. Cũng đã có nhiều sự chống đối phát sinh từ quan điểm đó.

Hỏi: Rồi thì ông Minh ra đi, và Nguyễn Khánh lên nắm quyền, và như ông có thuật trong bài viết của ông, rằng tất cả các tỉnh trưởng lại thay đổi lần nữa.

-         Nếu tôi có thể rút ra một vài điều gì khác từ đó. Hai trong những sai lầm nổi bật này mà chúng ta đã phạm phải.  Tôi không nói là “tráng lệ”.  Tôi muốn nói các sai lầm ngu ngốc mà chúng ta phạm phải.  Một sai lầm, tôi đã nói trước đây.  Đó là việc chúng ta đã giao chiến sai người, ở địa điểm sai lạc.  Phe cộng sản thách thức chính quyền ở cấp làng xã.  Họ chiếm quyền kiểm soát nông thôn một cách chậm chạp nhưng tiệm tiến.  Chúng ta đã không nhận thức được điều này, và thay vì tập trung vào việc trao vũ khí cho cảnh sát, trao vũ khí cho các dân quân địa phương, chúng ta đã chuẩn bị các sư đoàn không biết cách đối phó với vấn đề này.  Chúng chỉ muốn giao chiến với các lực lượng chính quy.  Điều này bắt nguồn một phần từ sự huấn luyện họ của người Pháp.  Quân đội chính quý cảm thấy họ bị hạ phẩm giá khi đi xuống cấp làng xã và thôn ấp.  Họ đã muốn giao tranh với các lực lượng chính quy.  Và họ đã không có khả năng để thi hành công việc.  Và đó là nơi mà chúng ta đã phạm phải một lỗi lầm to lớn.  Và lỗi lầm đó đã kéo dài trong suốt cuộc chiến tranh.

 

Sai lầm thứ nhì, hãy nói về ông Minh, về tổng thống, ông Minh, ông Nguyễn Khánh, và ông Thiệu.  Vào thời điểm đó tuyệt đối không có sự lãnh đạo trong xứ sở và đây là thời điểm sai lầm để đem lính Mỹ vào.  Làm sao chúng ta lại có thể kỳ vọng các lính Mỹ làm được những điều mà chính chính phủ [Việt Nam, ND] không thể làm được, là tập hợp quần chúng sau lưng các nỗ lực của chính phủ để loại trừ cộng sản.  Chúng tôi với tư cách các người lính chắc chắn không làm được điều đó.  Do đó đây không phải là lúc để bước vào, khi Tổng Thống Johnson cho mang binh sĩ Mỹ vào [Việt Nam, ND].  Và bạn biết rằng Tướng Harkins liên tục thuyết giảng về điều này.  Ông rời đi vào năm 1964, nhưng ông tiếp tục nói việc mang các binh sĩ vào là sai lầm, bởi chính phủ [Việt Nam, ND] vào lúc này không có sự lãnh đạo.

 

Hỏi: Đã chẳng có sự lo sợ rằng nếu các binh sĩ Mỹ không được mang vào thì xứ sở thực sự sẽ sụp đổ hay sao? 

-         Trong thực tế, điều đó rất xác thực.  Có thể là một sai lầm khi mang binh sĩ Mỹ vào, bởi không có một sự lãnh đạo thích đáng, không có quần chúng đứng sau lưng giới lãnh đạo, đã chỉ có rất ít cơ may đánh bại cộng sản được.  Tuy nhiên, sự kiên thực tế rằng binh sĩ Mỹ đã đến để ngăn cản phe cộng sản tiến tới và chiếm đoạt nơi đó trong các năm 1965 và 1966.

 

Hỏi: Tướng Westmoreland yêu cầu rằng các toán thủy quân lục chiến ban đầu chỉ đơn giản bảo vệ các căn cứ không quân giúp cho chiến dịch Rolling Thunder có thể tiếp tục.  Ông có chống lại ý tưởng về Chiến Dịch Rolling Thunder hay không?

-         Vào lúc này, tôi không chống đối nó.  Tôi không nhận thức khi nghĩ về điều này, tôi bắt đầu nhận ra rằng – tôi chỉ nhận ra sau một thời gian, rằng sai lầm thứ nhất của chúng ta là chúng ta đã không giao tranh với một đội quân thích hợp.  Và những gì dẫn tới việc này là các viên chức tại Washington có thể sẽ đến thăm và ngắm nhìn một số cuộc hành quân khổng lồ.  Chúng ta sẽ ở trên một phi cơ trực thăng hay một máy bay, ngắm nhìn đội quân chính quy đang thực hiện cuộc tấn công diễn ra tại một vài khu vực chẳng có mấy ý nghĩa.  Và tôi nhớ ít nhất trong hai dịp, “Đây có phải những gì bạn thực sự cần phải làm, tại sao bạn không thể gửi lính đến giao tranh tại khu vực nơi mà các chiến sự đang diễn ra -- các làng xã và các thôn ấp?”  Điều đó làm tôi suy nghĩ.

 

Hỏi: Sự du nhập các đơn vị chính quy Mỹ, mặt khác, diễn ra gần nhất cùng lúc với sự du nhập các lực lượng chính quy Bắc Việt.  Với sự du nhập của chúng ta, họ cho xâm nhập cả sư đoàn, và rồi cuộc chiến tranh đã xảy ra.

-         Bạn đúng về việc đó, dĩ nhiên, nhưng trong bức tranh toàn diện, khi bạn nghĩ đến lý do bạn đến nơi đó là để giải phóng họ khỏi chủ nghĩa cộng sản, câu hỏi là ở chỗ, liệu việc đó có bao giờ có thể làm được hay không?

 

Hỏi:   Thế ông nghĩ thế nào?

-         Hãy để tôi đề cập đến một chuyện khác. – Vâng, trước tiên, tôi phải trả lời rằng …

 

Hỏi: Được rồi, mình có thể trở lại sau.  Trước đây, ông không nói rằng ông bi quan.

-         Không.  Tôi còn lạc quan cho đến khi có cuộc đảo chính.  Chỉ khi có cuộc đảo chính, tôi mới nhận thức chúng ta đã sai lầm ra sao.  Và dĩ nhiên, bạn không thể lạc quan được.

 

Hỏi: Các lỗi lầm này không thể đảo ngược được?

-         Vào lúc đó, tôi nghĩ chúng không thể đảo ngược được.

 

Hỏi: Về tất cả những gì đã nói về việc giành thắng con tim và đầu óc thì sao?

-         Và tôi là một kẻ lạc quan và nghĩ chúng ta có thể làm việc đó bất kể khó khăn đến đâu.  Cách nào đi nữa tôi là loại người như thế.  Vì thế, khi tôi hồi tưởng và nghĩ về nó, đó là một câu chuyện khác.  Lỗi lầm nghiêm trọng khác mà tôi nghĩ chúng ta đã phạm phải, điều này nằm trong chương trình Việt Nam hóa.  Khi các binh sĩ Mỹ đầu tiên tới nơi, cảm nghĩ xem ra là, người Việt Nam hãy tránh ra khỏi đường đi của chúng tôi, chúng tôi không thể dựa vào các anh, chúng tôi sẽ chiến đấu và chiến thắng cuộc chiến tranh này.  Và điều đó rất xác thực khi tôi trở lại trong các năm 1967, 1968.  Sau đó cuộc công kích Tết khiến cho người ta suy nghĩ đôi chút. Nhưng sau đó, rốt cuộc khi chương trình Việt Nam hóa đã kết hợp, tôi nghĩ ông có thể thu thập từ điều này, rằng tôi nghĩ chương trình đó đã khởi sự quá trễ, nhưng hữu hiệu, rằng các binh sĩ Việt Nam đã khởi sự có sự tự tin ở chính mình, đang học hỏi và các cấp chỉ huy có sự tin tưởng nơi năng lực của họ.  Người Mỹ xem ra lại nói, tránh ra khỏi đường chúng tôi đi, nếu chúng tôi có bạn bên cạnh sườn, chúng tôi biết cạnh sườn mình không giữ được.  Nhất định chúng ta đã có cảm nhận đó, theo ý kiến của tôi.

 

Hỏi:  Về phía người dân bên ngoài chính phủ, ngoài quân đội thì sao, khi tiếp xúc với họ, ông có tin rằng có cảm tính chống cộng sản ở nông thôn hay không, hay dân chúng chỉ muốn để họ ở yên một mình hay ở về phía chiến thắng?

-         Tôi sẽ nói về việc đứng vào phía kể sau.  Họ muốn đứng về phe chiến thắng.  Tôi không nghĩ chính phủ đã hữu hiệu trong việc giải thích các mối nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản.

 

Hỏi: Đâu là sự phân tích của ông về phía bên kia?  Ông có sự tiếp cận với tin tức tình báo hay không và đâu là sự ước lượng của ông đối với các cá nhân như Tướng Võ Nguyễn Giáp và ngay cả về ông Hồ Chí Minh, hay Phạm Văn Đồng.  Họ có phải là những con người hữu lý? Hay là các chiến thuật gia và các nhà tuyên truyền xuất sắc?

-          Tôi chưa bao giờ nghĩ về phần này, bởi khi tôi đến đó lần thứ nhì, đó thực sự không phải lãnh vực của tôi.

 

Hỏi: Có bất kỳ người nào lượng định về địch?

-         Tôi biết chắc Phòng G-2 của Tướng Westmoreland làm đúng công việc đó.  Và tôi có được đọc các báo cáo.  Nhưng về sự lãnh đạo của ba nhân vật mà ông đề cập tới, tôi không thể có ý kiến gì.

 

Hỏi: Sự động viên của quân đội [Nam] Việt Nam có đầy đủ không?  Nó không phải là một lực lựng mất tinh thần chứ?

-         Chắc chắn nó có tinh thần, như tôi đã phát biểu nơi đây, kể từ 1974.

 

Hỏi: Trước đó thì sao, trong thập niên 1960, ông có nghĩ nó đang trưởng thành?

-         Nó đang lớn mạnh, khá hơn, cấp lãnh đạo khá hơn.  Đối với các cố vấn trong giai đoạn 1961 đến 1964, có quá nhiều sai lầm rằng các cấp lãnh đạo đã không kiểm tra việc thiếu sáng kiến trong thuộc cấp của họ, rằng họ xem ra không có một ý thức về việc theo đuổi khía cạnh này, và đó là một lỗi lầm lớn đối với các cố vấn.  Và chúng tôi cũng đã không quá thành công và chúng tôi có báo cáo về các việc này.  Và lý do tại sao chúng tôi cũng không thành công bởi các cố vấn chỉ là các cố vấn, không có trách nhiệm hay thẩm quyền chỉ huy.

 

Hỏi: Về sự kiểm soát chính trị từ Hoa Thịnh Đốn thì sao? Quá nhiều? Không đủ sự tự do để hành động?

-         Về Việt Nam, trước hết, tôi nghĩ nó tùy thuộc vào vị Đại Sứ và chính phủ Hoa Kỳ thuyết phục Tổng Thống Diệm và Tổng Thống Thiệu chấp thuận cho các cố vấn nhiều quyền hành hơn.  Chúng tôi đã phải làm theo những gì chúng tôi có.  Tôi không thể làm bất kỳ điều gì để có thêm quyền hành.  Họ hiểu – chúng tôi nhấn mạnh trong mọi lúc – tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cố vấn.  Trong thực tế, đó là những gì chúng tôi được cho hay.  “Bạn chỉ là các cố vấn.  Bạn không thể chỉ huy.” Và như một vấn đề thực tế, tôi không biết chúng ta sẽ có khả năng ra sao trong việc chỉ huy.  Bạn không biết ngôn ngữ của các người lính.  Họ chắc chắn sẽ không chú ý đến các người Mỹ, họ sẽ chỉ chú tâm đến các vị chỉ huy của chính họ.  Và các cấp chỉ huy của họ biết rằng chúng ta không có thẩm quyền chỉ huy.  Thẩm quyền nhiều nhất mà chúng tôi có là viết báo cáo của chúng tôi lên thượng cấp trực tiếp của họ, do đó, chúng tôi đã có vài đòn bẩy theo cách đó, nhưng còn xa xôi – khả năng của chúng tôi tùy thuộc vào sự thuyết phục của chính chúng tôi, hiệu quả của sự cố vấn của chúng tôi tùy thuộc vào việc đó.

 

Hỏi: Chức vụ chính thức của ông sau khi Đại Tướng Westmoreland đến nơi là gì?

-         Ông ấy đến trong Tháng Hai, và ông chỉ trở thành tư lệnh sau khi tôi rời đi.  Và dĩ nhiên, tôi làm việc cho Cơ Quan [Tình Báo Trung Ương, ND], do đó, vị chỉ huy của tôi là …

 

Hỏi: Ông không mặc quân phục?

-         Đúng thế.  Không phải thuộc quân đội. Nhưng khi tôi đi quanh trong nước, và một cách thẳng thắn, những gì tôi đã làm là đi quanh các nơi, tìm hiểu tình hình tại mỗi tỉnh, nói chuyện với tỉnh trưởng, để ông ta giải thích cho tôi hiểu ông ta nhận định tình hình ra sao.  Sau đó tôi luôn luôn đi gặp đối tác Mỹ và nói với người này những gì mà viên tỉnh trưởng đã nói với tôi, giúp tôi có sự phản hồi, do đó tôi có thể nhận được cả hai ý kiến.  Và đây là điều mà tôi sẽ báo cáo.

 

Hỏi: Ông đã ở trong Cơ Quan [CIA] lâu hơn bất kỳ người nào khác.  Mọi người khác đến rồi đi.  Ted Shackley đã đến, Tom Polgar đã đến, Frank Snepp đã đến rồi đều ra đi.

-         Còn có một đồng sự khác tên là John King trong một thời kỳ ngắn ngủi và Lou Lappin??? Shackley thế chỗ Lou Lappin.  Lou Lappin là phụ tá cho John King

 

 

Hỏi: Chuyên môn của ông là gì trong Cơ Quan?

-         Chuyên môn của tôi là đi quanh xứ sở, trở về vào cuối tuần và viết báo cáo.

 

Hỏi: Một vài người như Snepp thì báo cáo với ai?

-         Snepp làm việc trong văn phòng.  Anh ta báo cáo với Tom Polgar.  Tôi sẽ gửi các báo cáo của tôi về …đoạn băng ở điểm kiểm soát 184 nghe không rõ.  Tôi sẽ nói chuyện với Bill Johnson một chút, thế bạn quan tâm đến những gì? Do đó khi tôi đi quanh tôi có thể hỏi chuyện với các người này.

 

Hỏi: Nạn tham nhũng bắt đầu gây phiền bực cho ông ở bất kỳ thời điểm nào không?  Ông có bắt đầu nhìn thấy nạn này làm què quặt nỗ lực chiến tranh hay không? 

-         Ồ, rất nhiều, thí dụ như tại Quân Đoàn 4.  Nạn tham nhũng rất tệ hại tại Quân Đoàn 4.  Điều đó luôn luôn là một yếu tố, nhưng tại Hàn Quốc, nó cũng tệ hại y như thế.  Tôi từng làm chánh văn phòng tại KMAC (Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hàn Quốc).  Vấn đề là các vật dụng thường xuyên được chở tới bằng các con tàu và người ta sẽ lấy trộm phần của mình từ đó.  Đó là thực tế của đời sống, đó là điều bạn quen dần khi ở đó, hay biết rằng nó xảy ra.

 

Hỏi: Nạn tham nhũng làm tổn hại nỗ lực chiến tranh chứ?

-         Vâng, tôi nghĩ nó có gây ra như thế.  Đặc biệt tại Quân Đoàn 4, tình thần xuống rất thấp.  Tôi nói ra điều này bởi tôi nghe thấy nó từ nhiều vị chỉ huy khác nhau, nhiều hơn các nơi khác.  Các nơi khác cũng y như vậy thôi.

 

Hỏi: Vụ công kich Tết là một sự thất bại của tình báo?

-         Để tôi nói về vụ tấn công Tết.  Đó là một sự thất bại của tình báo theo nghĩa tôi được cho hay bởi Ban G-2 [tình báo quân sự] của Sư Đoàn 3 rằng cuộc công kích này sắp xảy ra tại Biên Hòa, điều này sắp xảy ra, cần thận trọng.  Và đúng như họ đã nói, nó đã xảy ra.

 

Hỏi: Như thế, đã quá trễ để làm bất kỳ điều gì về tin tức đó hay sao?

-         Ừ, họ đã không làm bất kỳ điều gì về tin tức đó, đã không chuẩn bị cho các ngày lễ tết.  Đã không có các biện pháp nghiêm ngặt để làm điều gì đó về tin nhận được.

 

Hỏi: Khi ông đi qua lại trong các năm đó giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, ông nghĩ gì về phong trào hòa bình tại đây [Hoa Thịnh Đốn, ND]?

-         Tôi đã phục vụ tại đây ba năm.  Vô cùng băn khoăn.  Tôi nhớ tôi đã phải có một cuộc nói chuyện tại Đại Học Maryland, trong số các nơi.  Tôi đã nói về Việt Nam trong một khuôn khổ lạc quan gắn bó với chúng tôi rằng chúng ta sẽ hoàn thành công việc này, và tôi rất lạc quan.  Nhìn lại khi nghĩ về các điều này xem ra tôi đã nhận thức được rằng mọi việc không tốt đẹp như tôi đã hy vọng.  Nhưng đó là công việc, bạn tiến tới và thực hiện nó.  Tôi thuộc loại có tính khí như thế.

Về cuộc nói chuyện tại Đại Học Maryland, khi tôi đến đó, vào buổi tối – cuộc nói chuyện này dành cho tất cả các sinh viên, đã có một đám đông xếp hàng khắp mọi lối đi. Có một phụ nữ cùng với một đứa bé sơ sinh và một quả bom hình con dao rựa bằng giấy to lớn, và họ chất vấn tôi nhưng tôi lấy đó làm vui và mọi người đều thấy vui.  Cùng sự việc như thế xảy ra tại trường luật ở Georgetown.  Đây là vào các năm 1964, 1965, 1966, tôi nghĩ vào khoảng năm 1965.  Tôi đi nói chuyện ở nhiều nơi.

 

Hỏi: Thái độ của Quốc Hội như thế nào?

-         Tôi không can hệ với phương diện đó.

 

Hỏi: Nhưng đọc báo chí, ông có nghĩ rằng chúng ta đã như thế …

-         Chắc chắn như thế, nhưng tôi có một công việc tại Ngũ Giác Đài chiếm hết thời giờ.  Tôi đã đọc các báo chí để biết những gì đang diễn ra.  Nhưng tôi lo ngại về những gì tôi đang cố gắng làm.  Tôi là một kẻ hay lo lắng.

 

Hỏi: Ông đã trở lại sau khi có Hiệp Định Paris?

-         Tôi quay trở lại trong năm 1967.  Tồi về hưu vào ngày 1 Tháng Năm 1967, sau đó tôi đi học tại Cơ Quan cho đến Tháng Bảy 1967.

 

Hỏi: Và sau đó ông quay trở lại Việt Nam?

-         Đó là điều tôi muốn làm.  Tôi giải ngũ.  Đi vào Cơ Quan [CIA, ND] để chuẩn bị đi sang Việt Nam.  Có vài chỉ thị và sau đó có mặt ở đó trong Tháng Bảy.  Và ở lại đó cho đến ngày 29 Tháng Tư, 1975.  Và tôi đã đi ra ngoài tối hôm đó trên chiếc trực thăng cuối cùng.

 

Hỏi: Về Hiệp Định Paris và các áp lực trên ông Thiệu.  Ông có hay biết về các áp lực trên ông ta bởi Nixon và các người khác?

-         Chắc chắn.  Và Tổng Thống Thiệu có nói với tôi sau khi cuộc chiến đã qua đi.  Tôi gặp ông ta tại Taipei (Đài Bắc) sau khi ông rời khỏi nước, sau đó chúng tôi ra đi và đi trên Hạm Đội Thứ 7 để đến Phi Luật Tân.  Từ Phi Luật Tân lấy máy bay đi Đài Bắc.  Và tôi có gặp ông Khiêm ở đó, Trần Thiện Khiêm [trong nguyên bản ghi sai là Trần Văn Khiêm, ND], và cũng có mặt Tổng Thống {Thiệu].  Tổng thống [Thiệu] có nói với tôi, “Nếu ông không thể tin tưởng một lời hứa của Tổng Thống Hoa Kỳ, ông còn có thể tin ở người nào khác?”

 

Hỏi: Sau hết, thật buồn cười khi ông ta quy trách chúng ta …

-         Về những gì được kỳ vọng – ông đã yêu cầu điều đó ??? nghe không rõ, ở điểm kiểm tra số 279 ctr???

 

Hỏi: Các máy bay B-52, ông không kỳ vọng sao, ông không hề kỳ vọng rằng nước Mỹ sẽ quay trở lại, phải không?

-         Ồ, tôi đang tập trung vào các sự việc khác.

 

Hỏi: Ông có tin Hiệp Định Paris là một sự bán đứng?

-         Bây giờ tôi nghĩ như thế.  Một lần nữa tôi phải nói, đây không phải lãnh vực sở trường của tôi.  Tôi đang tập trung vào công việc của tôi và chỉ nói một cách tổng quát về những gì đang xảy ra.

 

Hỏi: Ở điểm nào ông bắt đầu tự xem mình ở vào một vị thế hạ giảm, tức ông sắp khởi sự đóng cửa tiệm? Phước Long?

-         Không phải với Phước Long, tôi sẽ nói khi xảy ra sự việc đầu tiên – ngay cả không phải với Ban Mê Thuột, tôi nghĩ vẫn còn có thể sửa chữa được.  Tôi đã đi khắp nơi vào lúc đó để cổ vũ các tướng lĩnh, như thế rất nhiều.  Về Quân Đoàn 1, khi Ngô Quang Trưởng mờ nhạt dần, Quân Đoàn này đã kết thúc.   Sự việc đã diễn biến như thế.  Tôi nhớ ngay cả khi đến Biên Hòa, chỉ vài ngày trước khi kết thúc, tôi còn nghĩ chúng ta vẫn có thể [chống đỡ được], tôi đã đi đến sư đoàn 18 và nghĩ chúng ta vẫn có thể có khả năng chống đỡ.  Tôi nhớ có nói chuyện với tư lệnh Sư Đoàn 22, Tướng [Phan Đình] Niệm, và ông ta xem ra vẫn nghĩ họ có thể giữ được Quân Đoàn 4 và khu vực quanh Sàigòn.  Và dĩ nhiên, là kẻ lạc quan, tôi đã thúc đẩy họ.  Đó là một phần trong công việc của tôi.  Ngay dù bạn biết rằng bức màn đang được hạ xuống.  Tuy thế bạn không thú nhận điều đó với họ, hay khó khăn đối với chính bạn.

 

Hỏi: Khi phái đoàn quốc hội đến đó trong Tháng Ba – có Bella Abzug và Pete McCloskey …

-         Tôi có trông thấy McCloskey đi lên Quân Đoàn 1.

Hỏi: Ông có thấy thất vọng bởi những kết luận họ rút ra?

-         Rất, rất nhiều thất vọng.  Đặc biệt McCloskey.

 

Hỏi: Sao thế, ông ta xem ra là người có đầu óc hợp lý nhất.

-         Nhưng tôi vẫn cảm thấy ông ta không hoàn toàn công bình, và ông ta có các cơ hội tỏ ra như thế mà.  Nhưng tại tôi cũng quá hung hăng (gung ho), cố giữ họ ở lại đó, một số trong họ thực sự đang làm việc hữu hiệu.  Tư lệnh Sư Đoàn Ba đang làm công việc xuất sắc, Tướng [Nguyễn Duy] Hinh.  Tư lệnh Sư Đoàn 2, Tướng [Trần Văn] Nhựt, Sư Đoàn 1 với Tướng Điềm và Tư Lệnh Quân Đoàn 1 là Tướng Trưởng.  Một số người trong đó, đặc biệt, Tướng Hinh, và Tướng Nhựt, tôi nghĩ đã làm việc hiệu quả.  Sư Đoàn của Tướng Điềm bị tan rã.

 

Hỏi: Khi lệnh triệt thoái khỏi cao nguyên trung phần xảy ra, ông ngạc nhiên, không phải thế sao?

-         Rất ngạc nhiên.

 

Hỏi: Nhưng ông đã đi quanh để điều tra tất cả các quân khu mà, đúng thế không?

-         Tôi có nói chuyện với Tướng Phú.

 

Hỏi: Ông có khám phá ra chuyện đó như thế nào? Có phải một người nào đó đã đánh thức ông vào buổi tối và nói, ông có hay biết rằng họ đang triệt thoái hay không?

-         Đúng thế.  Câu chuyện xảy ra đúng thế, nhưng không phải là giữa đêm, khi đó là sáng sớm và Polgar đến gặp tôi và nói “Hãy đi tìm xem chuyện gì đang xảy ra ở đây.” Tôi phóng tới BTTM (JGS), cố tìm hiểu câu chuyện và nói chuyện với Tướng Cao Văn Viên.  Và đó là các sự kiện thực tế.  Nhân tiện nhắc lại người đã đến nhà tôi và xin tỵ nạn vào ngày 28, và sáng ngày 29 tôi đã dẫn ông ta đến tòa đại sứ và chất ông lên phi cơ trực thăng, ông ta là một người phụ trách các thủy quân lục chiến.  Làm phụ tá cho Cao Văn Viên. [Chú thích: người đó là Trung Tướng Đồng Văn Khuyên].

 

Hỏi: Ông có cảm tình với các kẻ chạy trốn …

-         Tôi giúp đỡ họ …??? Nghe không rõ ở điểm kiểm tra 377\.

 

Hỏi: Nhìn lại, các sự việc như đặt máy nghe lén trong dinh tổng thống để nghe trộm Tổng Thống Thiệu, là một sai lầm hay chỉ là một phương thức đòi hỏi phải làm?

-         Tôi nghĩ đó là việc phải làm.  Làm sao nó có thể trở thành một sai lầm?

 

Hỏi: Nếu ông ta khám phá ra đó là điều không thể làm, nó có làm cho tình hình trầm trọng hơn?

-         Đúng thế.  Nhưng đó là việc phải làm, tôi nghĩ như thế.

 

Hỏi: Đã có một sự lo sợ rằng ông ta sẽ thành lập một chính phủ liên hiệp hay cái gì đó?

-         Không.  Tôi chỉ nghĩ đi tìm hiểu vấn dề sao cho chúng tôi hay biết được, bởi chúng tôi đã có mọi khó khăn để hiểu biết được tình hình ra sao.  Bất kỳ điều gì trợ giúp vào việc hiểu biết tình hình thực sự ra sao, bởi ông ta và các bè bạn của ông, tất cả đều là các người theo đạo Phật [sic, ông Thiệu là người theo đạo Công Giáo, câu nói sau cùng này không cùng một văn mạch, không rõ tác giả muốn nói gì, ND] …

 

Hỏi: Vâng, Tướng Murray cho tôi hay ông có nghe một số cuộn băng và ông nói chúng thì buồn cười bởi ông không nghĩ ông Thiệu quan tâm hay nghiêm chỉnh về những gì đang diễn ra và đó là một câu chuyện khôi hài khi ông nghe chúng [các cuộn băng, ND). Ngày 21 Tháng Tư, Xuân Lộc thất thủ, và ông Thiệu từ chức.  Vào lúc đó ông đã chắc chắn rằng mọi việc đã qua đi và rằng ông sẽ rời khỏi đất nước [Việt Nam].  Vợ ông vẫn còn ở đó chứ?

-         Không.  Hai tuần trước đó, tôi đã đẩy bà lên một chiếc máy bay và bà ấy không muốn đi bởi các người đàn bà Việt Nam đã khóc trên vai của bà và bà cũng cũng khóc lại cùng với họ.

 

Hỏi: Nhiều người đã đến gặp ông xin giúp dỡ ra khỏi nước?

-         Đúng, đặc biệt vào lúc cuối.

 

Hỏi: Ông có khả năng để giúp đỡ?

-         Đúng, tôi đã giúp nhiều người.

 

Hỏi: Cho họ lên trong các chuyến bay thương mại hay bằng cách nào khác?

-         Bằng máy bay quân sự, đưa họ đến Tân Sơn Nhứt vào lúc đó.

 

Hỏi: Đưa ông Thiệu ra phi trường … ông không ước định ông Kỳ hay một kẻ nào khác bước ra và tập hợp quần chúng hay sao?

-         Không, bởi vì tôi nghĩ chúng tôi đã giữ việc này thực sự im ắng.

 

Hỏi: Cả sau khi ông ấy rời đi?

-         Sau việc này, vẫn còn nguy hiểm lớn lao về ông [Nguyễn Cao] Kỳ.  Tôi đã dến gặp ông ta để chắc chắn tiếp tục cảnh cáo ông ta đừng gây ra một cuộc đảo chính, nhưng việc đó đã quá trễ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.  Ông ta và vị tư lệnh Quân Đoàn 3, lúc đó là Tướng Toàn, có một mối nguy rằng họ có thể cố gắng làm điều gì đó vào phút chót, nhưng phải cố ngăn chặn bất kỳ việc gì như thế xảy ra?  Những gì có thể xảy ra? Nhìn lại, giả sử họ đã làm như thế, ai biết được sự việc sẽ ra sao? Dù sao mọi việc cũng đã qua.

 

Hỏi: Ông ở đâu khi nghe biết Chiến Dịch Frequent Wind sắp được khởi động.  Bài hát White Christmas trên đài phát thanh. Sự di tản khỏi Sàigòn.

-         Vào ngày 28, Thứ Hai.  Tôi nhớ tôi đã gặp ông Big Minh khá lâu, tôi có một buổi họp rất quan trọng với ông Big Minh theo chỉ thị của ông Đại Sứ.  Và tôi vẫn tiêp tục đi quanh để gặp nhiều nhân vật khác nhau.

 

Hỏi: Ông đã nói những gì với ông Big Minh?

-         Vâng, biết rằng ông ta sắp lên làm Tổng Thống, ý tưởng của tôi là cố gắng cố vấn ông, [về] các khả tính của việc đấu tranh

((( Hết mặt B, Băng 1-)))

(((Bắt đầu Mặt A, Băng 2)))

 

… rằng Quân Đoàn 4 có thể duy trì được, bởi ba sư đoàn vẫn còn có thể tồn tại.  Sư Đoàn 22 từ Quân Đoàn 2 đã di chuyển xuống khu vực đó đã có thể tồn tại.  Xem ra có thể có khả tính cho một sự thỏa hiệp.  Dĩ nhiên điều đó thì ngớ ngẩn, nhưng bạn đang mơ mộng về bất kỳ điều gì khả dĩ.

 

Hỏi: Sự đáp ứng của ông ta như thế nào? Ông ta xem ra giống như một kẻ chiến đấu hay không?

-         Ông ta cũng là một kẻ lạc quan.

 

Hỏi: Sau này trong các bức ảnh chúng ta nhìn thấy khi đầu hàng, ông ta trông thật mệt mỏi và tan nát.

-         Ngày đó là ngày 30.  Tôi đang nói về ngày 28.  Vừa mới nắm quyền Tổng Thống, và xem ra vẫn còn hy vọng và chúng ta thúc đẩy ông đến giới hạn cầm cự.

Hỏi: Ông có bị đánh lừa bởi người Pháp, hay người Hung Gia Lợi hay Ba Lan hay bất kỳ điều gì, để nghĩ rằng sẽ không có các chiếc xe tăng lăn bánh vào trong thành phố?  Ông không hề nghĩ rằng sẽ có một chính phủ liên hiệp, một giải pháp, hay bất kỳ điều gì như thế?

-         Tôi lạc quan và hy vọng có điều đó.  Đó là công việc của tôi.  Cố gắng thúc đẩy ông Minh làm những gì chúng tôi nghĩ ông có khả năng để làm, không hay biết ảnh hưởng ông có được bao nhiêu đối với phe cộng sản.  Bạn biết rằng điều đó sẽ tiết kiệm được rất nhiều sự đổ máu nếu họ có thể tiến tới một sự thỏa thuận.  Điều đó thực lý tưởng.  Đó là những gì chúng tôi đã cố làm hôm 28.  Sáng hôm sau, viên tài xế của tôi không trở lại.  Trong thức tế, sáng sớm hôm đó tôi nói chuyện với ông [Nguyễn Cao] Kỳ bằng điện thoại và chúng tôi nghe thấy tiếng súng pháo, rằng các loạt hỏa tiễn 130 được nghe như đến từ phi trường Tân Sơn Nhứt.  Vì thế tôi đã gọi cho ông Kỳ để tìm hiểu rằng có đúng đó là nơi các hỏa tiễn đã phóng xuống và ông ta nói rằng quả thực là như thế.  Vâng, điều đó hiển nhiên là hồi kết cuộc.

 

Hỏi: Ông đã đi đến tòa đại sứ?

-         Để xem.  Viên tài xế của tôi không trở lại.  Tôi tự lái xe đi.

 

Hỏi: Ông vẫn để các đồ dùng cá nhân tại nhà?

-         Tôi quay về nhà vì thế.  Dù sao tôi đã lái xe đến Tòa Đại Sứ và sau đó đến gặp ông Minh một lần nữa để tìm hiểu tình hình.  Lúc này là buổi sáng cuối cùng.  và tôi đã cố gắng thúc đẩy ông ta hãy sử dụng ảnh hưởng sao cho họ [phe cộng sản, ND] sẽ không tấn công thành phố và pháo kích chúng ta.

 

Hỏi: Như thế ông ta là tuyến liên lạc với phía bên kia?

-         Tôi không rõ hiệu quả ra sao, nhưng ông ta là tuyến liên lạc.

 

Hỏi: Ông ta có nói rằng ông ta có sự tiếp xúc với phía bên kia?

-          Tôi hỏi rằng ông sẽ không tiếp xúc với phía bên kia hay sao? Và ông ta nói ông ta sẽ tiếp xúc.  Kế đến tôi có gọi lại ông ta sau này trong ngày một lần nữa.  Và đó là cuộc đàm thoại sau cùng của chúng tôi, sau buổi trưa.  Vào buổi sáng, tôi đến nhà của ông Big Minh trước tiên, ông chỉ có ít thì giờ với tôi, và tôi nhớ, ông có một cuộc hẹn gặp với Đại Sứ nước Pháp.  Và sau đó tôi trợ giúp việc đem những người khác ra khỏi nước, đưa họ đến các địa điểm khác nhau.  Sử dụng bất kỳ ảnh hưởng nào mà chúng tôi có thể làm được để đưa họ ra ngoài khỏi nước.  Nhưng tôi không còn tài xế nữa, do đó tôi phải tự mình lái xe.  Và tôi nhận thấy khi ra khỏi nơi ở của ông Minh, không còn cảnh sát trên đường phố nữa.  Tôi ra xe và lái về nhà, dùng bữa trưa, sắp một túi nhỏ đựng đồ dùng vệ sinh, bộ quần áo ngủ, và vài thứ khác, và nói “Tôi sẽ quay lại dùng bữa tối.”  Tôi không muốn nói lời từ biệt với họ.  “Tôi sẽ quay về lúc 5 giờ” hay một lời gì đó như thế.

 

Hỏi: Đây là nói về người quản gia của ông?

-         Đúng thế.  Có lẽ họ biết tôi sẽ không quay trở lại.  Tôi biết tôi sẽ không quay trở lại.  Rồi tối hôm đó, vào khoảng 8, 9 giờ tối gì đó, trời đã tối đen, chúng tôi leo lên một chiếc trực thăng đậu trên mái nhà. Tôi quay trở lại tòa đại sứ, không thể đáp xuống tòa đại sứ được.  Phải đáp xuống một sân đánh quần vợt bên kia đường.  Phải đi bộ, rất khó khăn để lọt vào tòa đại sứ.

 

Hỏi: Khi lọt vào trong tòa đại sứ, tình trạng thì hỗn loạn hay khá còn trật tự?  Có các thủy quân lục chiến ở đó vào lúc đó hay không?

-         Các thủy quân lục chiến đã đóng quân suốt ngày vòng quanh bên ngoài.  Mọi việc vẫn còn trật tự.  Không có vấn đề gì cả.  Dân chúng cố gắng trèo qua hang rào, nhưng họ bị đẩy lui bởi các lính thủy quân lục chiến.  Về phía chúng tôi, chúng tôi thiêu đốt giấy tờ và làm mọi thứ việc khác.  Như thế, mọi việc rất thường lệ.  Và ngay cả khi trời tối, leo lên trên mái nhà, đứng xếp hàng để leo lên trực thăng, mọi việc vẫn yên tĩnh.

 

Hỏi: Những ai có mặt trên chiếc trực thăng khi ông rời đi?

-         Một chiếc trực thăng của thủy quân lục chiến – trong số các người có Frank Snepp.  Tôi ngồi cạnh Frank Snepp.  Có vài người khác nữa, một người Việt Nam mà chúng tôi đã kéo qua cổng được.  Tôi biết họ đang đến nơi.  Tôi đi ra cổng và ra lệnh cho thủy quân lục chiến mở đường cho họ tiến vào.  Đó là một vị tướng lĩnh và vợ ông.  Tôi nghĩ chỉ có mình vợ ông ta.  Cả gia đình muốn ra đi.  Tôi giúp bà ta ra đi, gia đình bị kẹt lại đàng sau, rất đáng buồn.

Hỏi: Có bất kỳ sự đàm thoại nào ở chân cầu thang, hay trên chiếc trực thăng?

-         Không, chỉ có sự đối thoại bình thường.  Không có gì đặc biệt – không có gì kích động.  Tôi đã xuống đi qua đường phố và vẫn không hể có cảm giác về bất kỳ sự náo động nào.  Chúng tôi đang ra khỏi nước và họ [phe cộng sản, ND] xem ra có hay biết rằng chúng tôi đang rời đi và để chúng tôi rời đi.  Họ có thể hướng pháo binh bắn vào tòa đại sứ hay vào thành phố, nhưng làm như thế họ sẽ thu đạt được gì?

Hỏi: Như thế ông không nhớ đến việc thực hiện một cuộc gọi điện thoại vào khoảng 6 giờ tối yêu cầu ông ta [Big Minh, ND] bảo đảm rằng họ [phe cộng sản, ND] không pháo kich.

-         Tôi nhớ cuộc gọi diễn ra khá muộn sau buổi trưa.  Tôi nghĩ có thể sớm hơn giờ đó [tức 6 giờ chiều, ND] một chút.

 

Hỏi: Nhưng ông vẫn còn có sự tiếp xúc bằng điện thoại?

-          Sau cuộc gọi đó là chấm dứt.  Ngay sau đó, điện thoại bị cắt đứt.  Tôi thực hiện cuộc gọi và đó là cuộc gọi sau cùng.

 

Hỏi: Vẫn có những cuộc điện thoại gọi đến tòa đại sứ vào lúc đó cho ông từ những người muốn ra khỏi nước?

-         Vâng, vẫn có.

 

Hỏi: Đại Sứ Martin đã hành sử ra sao vào lúc đó? Một số người cho tôi hay rằng ông ấy đang bị bệnh và ông Wolf Lehmann [Phó Đại Sứ, ND] đã điều hành mọi việc?

-         Tôi nghĩ tôi có gặp ông đại sứ vào ngày cuối.  Tôi nghĩ ông đã hành sử tốt.

 

Hỏi: Khi chiếc trực thăng bay ra ngoài, ông có các ý nghĩ đặc biệt gì về việc hiện diện ở một giao điểm đặc biệt quan trọng của lịch sử?

-         Tôi cảm thấy rất buồn.  Đó là cảm nhận của tôi.  Tôi đã ở đó rất lâu, quen biết với rất nhiều người, quá nhiều người đã chết.  Đó là ý nghĩ hoàn toàn ám ảnh tôi.

 

Hỏi: Ông có tự hỏi lý do tại sao cuộc chiến lại kết thúc như thế này?

-         Ồ, sự việc hóa ra là cách duy nhất khả hữu dưới các tình huống như thế.

 

Hỏi: Có phải hạt giống của kết cuộc đã được gieo từ lúc khởi đầu?

-         Đừng nghĩ rằng tôi đủ thông minh để nhận thức rằng tự nguyên thủy, hồi năm 1961, rằng dĩ nhiên lỗi lầm đã phạm phải từ khoảng 1955 khi chúng ta cần phải tập trung ở cấp làng xã và thôn ấp.  Nhưng có nhiều tình huống để biện minh cho sai lầm này.  Trước tiên, có một quân đội đang hiện hữu, đó là mục đích của họ.  Người Pháp đã huấn luyện họ.  Họ đã được huấn luyện theo một đường lối nào đó và chúng ta đã không nhận thức được rằng nó cần phải được xây dựng ra sao, đã không nhận thức được rằng chúng ta cần phải chuyển hướng các người lính này.

 

Kế đó còn vấn đề khác nữa.  Tại miền Bắc Việt Nam, họ vẫn còn các binh sĩ chính quy tại Điện Biên Phủ, do đó bạn phải có hai khả năng, quân đội chính quy cũng như giao tranh với phe cộng sản tại nơi họ đang thách đố chúng ta, tức tại thôn ấp, làng xã.

 

Hỏi: Ông có hội họp cùng các người khác trên chiến hạm và có một cuộc họp hậu chiến đấu?

-         Hẳn là có chứ.  Và tôi bắt đầy viết, ghi chú lại khi sự việc còn nóng hổi trong đầu óc của mình, bởi không còn điều hay hơn để làm.  Mặt khác, chúng tôi chỉ ngắm nhìn các chiếc trực thăng bay đến, dân chúng trên các chiếc thuyền và các loại sự việc như thế.

 

Hỏi: Sau đó ông đã đến Đài Loan, gặp Tổng Thống Thiệu và rồi quay về Washington?

-         Đúng thế.  Vợ tôi và tôi.  Tôi đi ngang qua Âu Châu.  Tôi nhớ có đi gặp đứa con trai của chúng tôi đang phục vụ Sư Đoàn 8 chỉ huy bởi Tướng Mabry ??? [các dấu? trong nguyên bản, không rõ nghĩa, ND] người giữ chức tham mưu trưởng, và ông ta đã yêu cầu tôi thuyết trình cho nhân viên và con trai ông, việc tôi đã làm với một sự suy nghĩ qua đêm mau chóng về những gì tôi sẽ nói.

Hỏi: Ông đã nói với họ những điều gì?

-         Chính yếu về những gì đã xảy ra, những gì có thể xảy ra.  Dĩ nhiên, tôi cực kỳ sửng sốt vì Quốc Hội của chúng ta.  Đó là ý nghĩ chế ngự.  Ý nghĩ khống chế là cho suốt tới giữa năm 1974, họ đã chặt cho chúng tôi rơi xuống, rằng tinh thần của các binh sĩ và các sĩ quan đã đi xuống bởi chúng ta đã không trao cho họ trang thiết bị.  Đối với họ, việc chiếm giữ một mục tiêu phải chịu sự tổn thất quá mức, bởi họ đã không có đạn dược, không có pháo binh, không có bom thả. Họ vẫn giao chiến một cách hữu hiệu nhưng mọi thứ phảỉ chịu quá nhiều tổn thất.  Và điều này tạo ra các vấn đề về tinh thần.  Tôi nhớ vào khoảng Tháng Mười Một, Mười Hai, một thiếu tá Việt Nam, anh ta nói với tôi rằng tôi phải quan tâm đến mạng sống của mình.  Các sĩ quan đang trở nên giận dữ người Mỹ vì đã không cung cấp cho họ các trang thiết bị.

 

Hỏi: Đâu là sự khác biệt trong quan điểm của ông giữa thái độ của chúng ta đối với Hàn Quốc, nơi ngày nay chúng ta vẫn còn có binh sĩ trú đóng, và Việt Nam?

-         Có lẽ một tổng thống hữu hiệu hơn trong việc thuyết phục về những gì chúng ta đang làm tại Việt Nam, tình trạng … họ [Nam Việt Nam, ND] có thể được hỗ trợ.  Giả sử rằng Thượng Viện sẽ không quyết định cắt giảm mọi khoản viện trợ, giả sử sau đó chúng ta trao cho họ viện trợ mà trước đây chúng ta đã trao cho họ, một tỷ rưỡi mỹ kim.  Nếu số viện trợ đó tiếp tục, tôi có thể dự kiến rằng các lực lượng [Nam] Việt Nam chắc chắn sẽ có khả năng cầm cự lâu hơn nhiều.  Câu hỏi giờ đây mà ông và tôi đối diện là họ sau cùng có tồn tại hay không.  Tôi không biết sẽ nói ra sao.  Sự kiên trì của phe cộng sản có thể không thể bị bù trừ bởi một dân số ít năng động hơn.  Tôi giờ đây chỉ nghĩ đến thế.

 

Hỏi: Ông đã về hưu khỏi Cơ Quan [CIA, ND] từ khi nào?

-         Ngay sau đó.

 

Hỏi: Ông có bao giờ hội họp cùng với những người cùng thời đó không?

-         Tôi đến dự các bữa ăn trưa chỉ là để gặp họ và nói chuyện.  Việc đó thì thú vị.

 

Hỏi: Ông có đến thăm viếng bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam?

-         Điều duy nhất tôi đã làm là cầm một chiếc mai và đào đất – nhiều người trong chúng tôi được mời trước đây đến xới nền đất lên.  Tôi chưa hề quay trở lại để nhìn bức tường.  Tôi qua lại đó thường xuyên nhưng không bước xuống và tìm kiếm tên tuổi bất kỳ ai.

 

Hỏi: Ông không có cảm giác đặc biệt nào về nó? Hay các cảm thức của ông quá sâu đậm để bước xuống và nhìn bức tường tưởng niệm?

-         Không, thực sự là không.  Cảm nhận của tôi dành cho người Việt Nam.  Tôi làm việc với người Việt Nam.  Và khi tôi làm việc với Cơ Quan [CIA, ND], tôi đã không có binh sĩ nào dưới quyền mà tôi phải chịu trách nhiệm.  Và đã có rất ít tổn thất trong Cơ Quan.  Khi tôi là cố vấn cao cấp, sự thể thì khác hẳn.  Chúng tôi đã có một số tổn thất.  Và đó là một chấn thương, nhưng điều đó đã xảy ra quá lâu trước đây …  

 

Hỏi: Công luận ngày nay ra sao.  Ông có xem bất kỳ một trong các cuộn phim nào hay không, chẳng hạn phim Platoon [Trung Đội]?

-         Tôi không có xem chúng.  Tôi yêu nhạc cổ điển, vợ tôi và tôi đi xem các buổi hòa tấu giao hưởng, nhạc kịch và vũ ba-lê (ballet).  Nhưng tôi hiếm khi xem bất kỳ cuộn phim nào.

 

Hỏi: Ông có còn nghĩ nhiều về người Việt Nam nữa hay không?

-         Chắc chắn là có.  Tôi vẫn hay có các buổi nói chuyện về đề tài này.  Nhưng ngay lúc này tôi đang chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện về Normandy.  Tôi đang tập trung hoàn toàn suy nghĩ về đề tài đó.

 

 

Hỏi: Nhìn lại việc mất [Nam] Việt Nam, khi nghĩ về các bài học, người ta áp dụng [bài học] Việt Nam cho vùng Trung Mỹ Châu.

-         Dĩ nhiên là khó áp dụng.  Khoảng cách từ đây đến Việt Nam, trước hết, vào khoảng mười ba nghìn [dặm. ND].  Đây là biên giới của chúng ta.  Tôi nghĩ nếu Tổng Thống – tôi đang nói một cách bông lơn – Tổng Thống phải rút một số đơn vị quân đội từ nhiều tiểu bang và chuyển chúng xuống khu biên giới Mexico – tiểu bang Texas và các nghị sĩ bị mất đi số thu nhập và cử tri lên tiếng phàn nàn việc tổng thống đưa quân xuống dưới đó, điều đó nhiều phần tựa như một mối nguy hiểm có nhiều khả tính xảy ra hơn.  Nhưng khi tôi nói Tổng Thống với tư cách Tổng Tự Lệnh, đem Fort Dix [Cơ Quan Yểm Trợ Quân Đội, đặt tại Trenton, tiểu bang New Jersey, ND] và đơn vị có bạn trong đó, và di chuyển xuống đó và nói rằng sự đe dọa của cộng sản là ở dưới đó, -- dĩ nhiên điều này có tính chất bông lơn – nhưng tôi tin rằng không có sự so sánh.  Tôi nhận thấy không có cách nào có thể so sánh được, bởi một mối nguy hiểm tại Nicaragua nơi có phe cộng sản hiện diện thì quá gần với Mexico và Mexico có thể bị ảnh hưởng một cách dễ dàng.  Về Honduras, Costa Rica, các nước này xem ra có nền dân chủ bám rễ một cách khá vững chắc, ít nhất với các chính quyền hiện nay.  Nhưng với một Nicaragua mạnh hơn, chúng sẽ thành các quân cờ domino, tôi nghĩ như thế.

 

Hỏi: Tại Việt Nam, có Lào và Căm Bốt, và ngừng ở đó.  Nhìn lại …

-         Nhìn lại, ông hay biết sự kiện rằng có thể đã sai lầm khi gửi các binh sĩ Mỹ đến đó trong năm 1965.  Việc đó đã mang lại cho Indonesia và tất cả các nước khác một cơ hội để xây dựng nền dân chủ của chính họ, và có thể đó là lý do tại sao không có các quân cờ domino khác.  Với các binh sĩ Mỹ ngăn chặn cộng sản cho đến năm 1975, điều này đã mang lại cho một số trong các nước đó một cơ hội để phục hồi và nhận thức được mối nguy hiểm và thực hiện một điều gì đó.  Một khả tính.

 

Hỏi: Các nước đồng hội đồng thuyền kỳ lạ, Thái Lan, Indonesia, Mã Lai.  Tôi đoán chúng ta có thể nói rằng chính sách chống cộng sản đã được xây dựng, nhưng khó nói là chế độ dân chủ được củng cố.

-         Tôi nghĩ về đường lối chống lại chủ nghĩa cộng sản.

 

Hỏi: Đó có phải là đường lối theo đuổi hay không? Chúng ta nhìn đến các nước cá biệt như Cuba và thắc mắc nếu sự việc tiến hóa một cách khác biệt ra sao nếu chúng ta duy trì các quan hệ ngoại giao, nếu chúng ta tiếp tục mậu dịch.  Nếu chúng ta duy trì một sự hiện diện ngoại giao tại Việt Nam và chỉ tiếp tục hoạt động mậu dịch – sẽ không có lý do để vị Đại Sứ và nhiều người khác phải rời đi và nếu chúng ta duy trì một sự hiện diện và sự tiếp xúc, có lẽ sự việc sẽ hòa dịu hơn.

-         Có thể trong trường kỳ, nhưng không thể được trong tức thời.  Bởi sự kiên trì của phe cộng sản mà chúng ta học được tại Việt Nam thì quá lớn lao.  Hãy tưởng tượng các người đó chui rúc trong các đường hầm.  Ông không biết hay sao, bộ chỉ huy của cộng sản (COSVN: Trung Ương Cục Miền Nam, ND] nằm rất gần với Sư Đoàn 25, đơn vị này trú đóng trên đầu nó.  Nhưng để sống còn dưới các tình huống đó, phải có kỷ luật.

 

Hỏi: Tại sao họ lại có điều đó và chúng ta người Mỹ đôi khi có nó và đôi khi không có.  Chắc chắn khó khăn để lập lại nó tại các khu vực khác.

-         Họ đã có sự độc đoán kiên quyết đó, có thể từ chính quyền của họ.  Các binh sĩ Nga, trong Thế Chiến thứ II, làm sao họ có thể dầm mình dưới các chiến trường gần như đông lạnh đến chết người đó, để cho quân Đức bước qua họ và rồi bật lên để phục sinh.  Điều đó đòi hỏi sự tận hiến.  Điều đó cần đến số loại đức tính.

 

Hỏi: Như thế ông có sự kính trọng phe địch?

-         Đúng thực như thế.

 

Hỏi: Một số nhân vật nói với tôi rằng sau khi mất Việt Nam, chiến lược thực sự tại Á Châu không hề thay đổi.  Sự tổn thất về chiến lược thì không đáng kể.  Đã không có đại họa ở đó, không có sự khóa kín eo biển Malacca … Người Nga tiến xuống Cam Ranh, nhưng như thế có sao đâu?

-         Không phải là không sao? Người Nga tiến xuống, bộ không phải là mối nguy lớn lao nếu họ tiến xuống sâu hơn nữa và có một ảnh hưởng mạnh mẽ tại Thái Bình Dương?    Đâu là mối nguy cho hải quân chúng ta?  Địa điểm nào, tôi đang suy nghĩ về …  đảo Fuji.  Và có một nơi mà nếu hải quân mất đi các quyền ghé hải cảng, sẽ có một hiệu ứng tai hại.  Tôi vừa đọc được điều đó trước đây ít ngày.

 

Hỏi: Việt Nam có phải là nơi đáng trả giá bằng tiền của và sinh mạng hay không? Một chính nghĩa cao cả?

-         Vâng, tôi nghĩ đó là một chính nghĩa cao cả.  Tôi cảm thấy mạnh mẽ rằng đó là một chính nghĩa cao cả.

 

Hỏi: Và cũng đáng giá một phần lớn cuộc đời của ông?  

-         Nhưng tôi là một quân nhân chuyên nghiệp mà, điều đó đâu có thành vấn đề? Đó là một phần trong công việc của tôi.  Can dự vào đó.  Bạn sẽ không muốn bị bỏ lại bên ngoài.  Nghĩ thật buồn cười, tôi học tiếng Nga, từ năm 1948 đến 1952, chiến tranh Triều Tiên xảy ra và chúng tôi đang ở Đức trong năm học thứ ba, đây là năm 1950.  Và ngay khi nó vừa bắt đầu, tôi viết thư về Washington DC, [nói rằng] tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm nếu thôi là sinh viên ở đây và được chỉ định đến đó.  Trong thực tế, họ trả lời rằng” Hãy chúi mũi vào sách học của bạn và đừng quấy rầy chúng tôi.”  Nhưng tôi cảm thấy mình bị cho đứng bên ngoài.  Sau hết, khi là một người lính, bạn muốn chia sẻ cùng với các người lính khác.

 

Hỏi: Sự lãnh đạo chính trị đã là một trở ngại đến mức độ bao nhiêu?  Lyndon Johnson, Nixon, Ford … -- ông có nhận thức rằng giới lãnh đạo chính trị đã không trao đủ sức mạnh cho quân đội trên chiến trường?

-         Tôi phải nói rằng công việc của tôi không ở mức độ đó.  Tôi chú tâm vào việc của mình, do đó tất cả những gì tôi có thể trả lời ông chỉ là các ấn tượng của tôi từ báo chí.  Vì thế tôi không muốn làm phí thì giờ của ông.

 

Hỏi: Ông ở đâu khi Tổng Thống Jophnson đến đó?

-         Tôi đúng mất dịp gặp ông ấy.  Tôi quên mất những gì đã xảy ra, nhưng tôi đã lỡ dịp gặp ông ấy.  Khi ông là Phó Tổng Thống, tôi nhớ thư ký của ông, Juanita Robert, đã có một biểu ngữ “I’m a cuddler: tôi là một kẻ thích được ôm ấp”.  Và khi Johnson đang ngang qua và nhận xét về biểu ngữ rằng cô ta là một kẻ thích được ôm ấp.  Tôi có thể đang nghỉ phép lúc đó.

 

Hỏi: Các dân biểu thường xuyên đến đó trong các chuyến đi tìm hiểu sự kiện.

-         Và chúng tôi đã phải khoản đãi họ rất nhiều.

 

Hỏi: Họ có học hỏi được gì qua các chuyến du hành? Hay chúng chỉ là một sự lãng phí tiền bạc của người thọ thuế.

-         Không, chúng tôi chắc chắn đã làm hết sức để giáo dục họ.  Tất cả chúng tôi đã làm như thế.

 

Hỏi: Tôi có nghe họ nói rằng họ sẽ bay lên Vùng I, hay vùng Vùng II, và trải qua một ngày ở đó rồi trở lại và nghĩ rằng họ thực sự là các người bạn thân thiết của các tướng lĩnh và mọi sự việc.

-         Điều đó đã xảy ra.

 

Hỏi: Một thao tác của ảo tưởng?

-         Đúng vậy.

 

Hỏi: Về các bài học từ Việt Nam, ông có thể tóm tắt trong một vài câu phát biểu hay không? Ngoài những gì ông đã nói.

-         Một điều mà chúng tôi nghĩ là quan trọng và có thể không quan trọng đối với ông là các bài học lĩnh hội được từ mỗi cuộc giao chiển.  Khi chúng tôi trở lại làm các cố vấn, đây là điều cực kỳ quan trọng để mang đến cho những người mà chúng tôi đang cố vấn.  Đâu là những lỗi làm mà họ đã phạm phải trong cuộc giao chiến và cố gắng để sửa chữa chúng.  Đó không phải là bức tranh to lớn mà ông yêu cầu.  Đó là một vài điều gì đó mà tôi đã lĩnh hội.

 

Hỏi: Về bức tranh to lớn thì sao?  Tôi có các đứa con gái bậc trung học đang học về Việt Nam, và xem ra nếu có các bài học, chúng thì rối rắm.

-         Bài học như bài học thứ nhì mà tôi đã đề cập.  Sự du nhập các binh sĩ Mỹ.  Thứ ba, nếu chúng ta đang tham chiến cùng với một đồng minh, chúng ta không được hạ thấp đồng mình.  Chúng ta các người Mỹ đi đến việc đảm nhận cuộc chiến tranh, đồng minh chỉ lo mặt an ninh, canh gác làng xã.  Chúng ta giờ đây đảm trách chiến tranh.  Tôi nghĩ điều đó là một lỗi lầm thực sự.  Một điều khác là việc thực sự học hỏi về văn hóa và ngôn ngữ.  Ngôn ngữ thì quá quan trọng.  Chúng ta chưa hề chinh phục được điều đó và đó là công việc khó khăn nhất.  Bắt các cố vấn học hỏi sáu tiếng mỗi ngày trong một năm sẽ trợ giúp nhưng có lẽ sẽ chưa đủ.  Tôi nói về việc học tiếng Nga ở mức độ đó.  Tiếng Việt cũng không kém khó khăn.

 

Hỏi: Song hiện nay tại các đại học hầu như không có ai học tiếng Trung Hoa, tiếng Hàn hay tiếng Nhật.  Và không có ai nghĩ rằng các tiếng này sẽ hoàn toàn cần thiết.  Hay tiếng Nga.

-         Tôi nghĩ, các ngôn ngữ, chắc chắn tại Hàn Quốc và Việt Nam, chúng là các chướng ngại vật.

 

Hỏi: Tại Trung Mỹ Châu, tiếng Tây Ban Nha.

-         Dĩ nhiên có nhiều người nói được tiếng Tây Ban Nha hơn.

 

Hỏi: Cám ơn ông.

(((Chấm dứt cuộc phỏng vấn ở Mặt A, Cuộn Băng 2, ở điểm ctr 431)))

-----

nguồn: http://Ide421.blogspot.com/2012/12general-charles-timmes-remembers-fall.html

 

Ngô Bắc dịch và phụ chú

04.2021

 

http://www.gio-o.com/NgoBac.html

 

© gio-o.com 2021