Ted Serong (1915-2002)



Anne Blair

National Center for Australian Studies at Monash University

 

“ HÃY GIỮ VIỆT NAM CHO TÔI MƯỜI NĂM:

TED SERONG CỦA ÚC ĐẠI LỢI

TẠI VIỆT NAM, 1962-1975”

 

Ngô Bắc dịch

 

 

Vào tháng 1 năm 1976, Graham Martin, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, đã báo cáo với Ủy ban Quan hệ Quốc tế của Hạ viện về sự sụp đổ của đất nước vào tay Cộng sản Việt Nam. Ông nói, không có cố vấn Mỹ nào tham gia vào các kế hoạch cuối cùng để cứu vớt miền Nam Việt Nam, vì "Quốc hội đã cấm cố vấn Mỹ" và sự can dự của Mỹ "chỉ giới hạn ở vai trò hoàn toàn tiếp vận." Theo ông, một nhóm nhỏ trong chính phủ Thiệu đã kêu gọi "một sĩ quan quân đội xuất sắc đã nghỉ hưu của nước khác", kẻ đã khuyến cáo họ nên lui về vùng trung tâm giàu mạnh về kinh tế xung quanh Sài Gòn, rút ​​hết quân khỏi các tỉnh phía bắc, thuộc các quân khu I và II. Giới lãnh đạo miền Nam Việt Nam không thể quyết đoán được về kế hoạch này, Martin tiếp tục, cho đến khi, cuối cùng, vào tháng 3 năm 1975, chính Tổng thống Thiệu đã gọi điện cho " viên cố vấn không phải là người Mỹ" của ông, hỏi rằng liệu đã "quá muộn" hay không. (1)

 

Cố vấn không phải người Mỹ dĩ nhiên là Chuẩn tướng người Úc Francis "Ted" Serong. Serong là cố vấn phương Tây phục vụ lâu nhất ở Nam Việt Nam. Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến những chủ đề chính trong mười ba năm của ông ở Việt Nam, kết thúc bằng sự sụp đổ của Sài Gòn. Tôi hy vọng đến lượt các bạn sẽ giúp tôi trả lời câu hỏi tại sao ông ta, một quân nhân về cơ bản đã bị đánh bại trong tất cả các sáng kiến ​​của mình, lại chọn ở lại lâu như vậy.

 

Serong tốt nghiệp trường cao đẳng quân sự năm 1937. Ông đã vào trường cao đẳng từ lực lượng trừ bị, qua một kỳ khảo hạch, bắt đầu khóa đào tạo sĩ quan của mình ở trình độ năm thứ hai, chặng đường khó khăn nhất trong sự nghiệp quân sự. Ông là một người Công giáo, các thành viên trong gia đình ông thuộc nhóm tầng lớp lao động thượng lưu của các tổng giám mục gốc Ái Nhĩ Lan (Ireland) vào đầu thế kỷ này, đã tìm cách phục vụ chính phủ thông qua mạng lưới các trường sư huynh Kitô giáo (Christian Brothers schools). Một hệ quả của nền giáo dục của các sư huynh Cơ đốc là một thế giới quan chống Cộng sản mạnh mẽ, để đối phó với cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Giai cấp và đẳng cấp có thể là manh mối cho nhân cách của Serong. Thêm vào đó là một người cha đã dạy hai con trai của mình môn quyền anh trong những năm đầu của chúng, để khi chúng chiến đấu, chúng sẽ giành chiến thắng, và là kẻ, mỗi mùa hè, đã để chúng trên bờ sông nội địa để tập luyện việc sinh tồn, chỉ quay lại đón chúng hai tuần sau đó.

 

Mối liên hệ giữa CIA (Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ) với những kinh nghiệm ở Việt Nam của Serong đã mạnh mẽ ngay từ đầu. Trong các năm 1960 và 61, ông giữ chức vụ Cố Vấn Chiến Lược cho Quân Lực Miến Điện. Ông đã được chọn cho chức vụ này trên cơ sở một cuộc bỏ phiếu của các sĩ quan tham dự các khóa học được bảo trợ bởi các quốc gia khác có các vấn đề quân nổi dậy - các sĩ quan Do Thái (Israel), Nam Tư cũ, Anh Quốc - và sau đó đã thành lập hai trung tâm đào tạo, tại Núi Popa và gần Rangoon [Ngưỡng Quang, thủ đô cũ của Miến Điện, ND]. Tại đây, ông đã giảng dạy các khóa học mà ông từng hướng dẫn tại Trung tâm Huấn luyện Rừng Canungra Jungle, ở phía Bắc Queensland. Canungra đã được phát triển đặc biệt để bảo tồn và củng cố các bài học chiến thuật mà quân đội đồng minh ở New Guinea và Thái Bình Dương lĩnh hội được trong Thế chiến thứ hai. Trạm CIA ở Rangoon đã ghi nhận sự phù hợp của các phương pháp huấn luyện của Serong đối với Việt Nam ngay từ năm 1961. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Dean Rusk đã yêu cầu Canberra cử Đại tá Serong đến Nam Việt Nam. Vào tháng 7 năm 1962, Serong dẫn đầu một toán gồm ba mươi người, có lẽ là những chuyên gia được đào tạo tốt nhất mà Úc từng cử đi tham chiến, đặc biệt phục vụ tại các vị trí của Lực Lượng Đặc Biệt ở tỉnh Quảng Ngãi, thuộc Quân khu I. Hai trong số các sĩ quan được giao nhiệm vụ phát triển các hệ thống an ninh làng xã và báo cáo trực tiếp cho CIA. Bản thân Serong vừa là chỉ huy của một toán nhỏ người Úc, vừa là Cố vấn Chống Nổi Dậy của Chỉ Huy Trưởng Cơ Quan MACV, Military Assistance Command, Vietnam: Bộ Tư Lệnh Trợ Giúp Quân Sự, Việt Nam, lúc đó là Tướng Paul D. Harkins. (2)

 

Serong lần đầu tiên truy vấn khả năng lãnh đạo của Harkins trong một cuộc chiến chống nổi dậy khi ông thực hiện hai chuyến thám thính tự tài trợ đến miền Nam Việt Nam vào tháng 5 năm 1962. Dưới tiêu đề "Tình hình chung", ông ghi nhận "Tệ hơn điều tôi đã được dẫn dắt để tin tưởng, và ngày càng xấu đi. Kế hoạch của VC [Việt Cộng] đang phát triển đều đặn. Kế hoạch của Chính phủ đang phát triển trên giấy tờ! Trên thực tế thì sao? " "Chính sách chiến lược thì thụ động và phản ứng (reactionary). Không có tính cách chủ động. Không có sự kiểm soát thống nhất." "Tướng Harkins chưa nắm được bản chất nhiệm vụ của mình. Chúng ta hãy hy vọng ông ấy sẽ sớm hiểu được điều này, để phục vụ cho tất cả các nhu cầu của chúng ta." “Công việc của ông ta là chuyển nhượng quyền chỉ huy thống nhất cho Ngô Đình Diệm, [Tổng thống miền Nam Việt Nam].” (3) Bối cảnh được sắp đặt cho một cuộc đụng độ, không chỉ với Tướng Harkins, mà với những ràng buộc theo đó sự can dự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam sắp được tiến hành.

 

Kinh nghiệm của Serong với tư cách là chỉ huy của Toán Huấn Luyện Quân Đội Úc, Việt Nam (AATTV: Australian Army Training Team, Vietnam) đã tổng kết cho những tình huống khó xử trong mối quan hệ cố vấn. Các thuật ngữ "Huấn luyện: Training" và "Toán: Team" đã được Bộ Ngoại Giao [Úc] thay thế cho sự định danh ban đầu của Quân đội là "Thành Phần Quân Đội Úc, Việt Nam: Australian Army Component, Vietnam". Sự thay đổi này nhằm nhấn mạnh rằng "Toán" có tính cách độc lập với Hoa Kỳ và vai trò của nó chỉ giới hạn trong việc huấn luyện và không phải để chiến đấu. Tuy nhiên, các phương pháp huấn luyện của Toán nhấn mạnh vào việc tuần tra thăm dò và truy kích thọc sâu, và các cuộc diễn tập tiếp xúc kiểu Canungra được thiết kế một cách đặc biệt để tạo ra các phản ứng tự động trong trận chiến và do đó để tạo lợi thế trước kẻ thù tùy thuộc vào các sự chỉ huy. Theo lời của Serong "những người lính quy ước nghĩ về khu rừng rậm như đầy rẫy những kẻ thù rình rập. Dưới hệ thống của chúng tôi, chúng tôi sẽ thực hiện việc ẩn nấp." Họ tất yếu sẽ nhìn thấy cuộc chiến đấu, tất yếu phải gánh chịu thương vong. Cái chết đầu tiên của họ trong trận chiến xảy ra vào tháng 7 năm 1964. Chuẩn Úy Kevin Conway và Trung Sĩ Nhất Gabriel Alamo, thuộc Lực Lượng Đặc Biệt của Lục Quân, đều thiệt mạng trong khi điều khiển một hố súng cối trong trận Nam Đồng [?]. Đại Úy Roger H.C. Donlon, người thay thế Conway và Alamo trong ổ đặt khẩu súng cối, đã được trao tặng Huân Chương Danh Dự  Của Quốc Hội đầu tiên của cuộc chiến. Bảy người Mỹ khác đã bị thương trong cuộc giao tranh đó, vì các cố vấn của đồng minh đã tham gia hoạt động chiến đấu với kẻ thù kể từ thời điểm đó, nếu không phải là trước đó. (4)

 

Và làm thế nào mà một cố vấn nước ngoài lại thúc đẩy cho đúng sự cố vấn trên các nhà lãnh đạo của quân đội quốc gia của một nước có chủ quyền? Trong đoạn nhật ký của mình vào ngày 21 tháng 9 năm 1962, Serong đã viết: "Tôi đau đớn khi thấy những tên khốn kiếp nhỏ bé này thoát khỏi tội giết người, và nhìn thấy các chàng lính của chúng tôi bị giết trong khi họ đang cân nhắc một cách nhã nhặn xem liệu họ sẽ nghe theo lời cố vấn của chúng tôi hay không. Có thể họ sẽ không muốn ngăn chặn cuộc nổi dậy chăng ". Ông ở Quảng Ngãi, bình luận về các hoạt động của Quân Đoàn I, Quân Lực Nam Việt Nam (QLVNCH). Ông tiếp tục, "đã đến thăm trạm CIA ... Chuẩn tướng Kelleher và Gill Strickler đều đau buồn ... tại Quân Đoàn I (Quân Khu 1) một cuộc hành quân của QLVNCH được so sánh với Cuộc Tiến Quân của Tướng Sherman  xuyên qua tiển bang Georgia [Sherman March through Georgia, trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, áp dụng chiến thuật “tiêu thổ” dẫn đến sự thất trận của Các Tiểu Bang Miền Nam Hoa Kỳ muốn duy trì chế độ nô lệ, ND] ... điều này trở lại với nỗ lực cố vấn của chúng tôi. Chúng ta phải có một ``chiếc gậy để thúc đẩy: goad '' và một ``quyền phủ quyết: veto ''. (5) Được cơ hừu vào mối quan hệ cố vấn là sự thôi thúc để tiếp quản.

 

Serong là Cố Vấn về Chống Nổi Dậy cho Tướng Paul Harkins, tư lệnh người Mỹ. Tướng Harkins không tin vào cuộc chống nổi dậy, nhưng ông cũng không muốn có một cố vấn. Nếu chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu binh sĩ của các quốc gia khác phải có mặt tại Việt Nam, như một màn trưng diễn các lá cờ ủng hộ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Tướng Harkins, một cách có thể hiểu được, không muốn có các chỉ huy của các nước khác trong các hội đồng chấp hành của mình. Thiếu Tướng Charles Timmes, người đứng đầu Nhóm Cố Vấn Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ, Việt Nam (MAAG), cơ cấu chỉ huy mà toán Úc phải báo cáo, nói với Serong vào giữa tháng 6 năm 1963 rằng Tướng Harkins “không muốn đám đông Úc là những người khởi xướng chính sách. "Một mối quan tâm, Tướng Timmes nói, đã tăng lên khi có thể có sự xuất hiện của một đội ngũ quân New Zealand (Tân Tây Lan). Trong suốt năm 1962 và 1963, chúng tôi thấy Serong trình bày với  Harkins một chuỗi báo cáo liên tục. Bản dự thảo quy tắc ứng xử, lời khuyên về việc mở rộng nguồn tin tức tình báo của ông về địch thủ, và bản văn về những điểm chính cần thiết cho việc huấn luyện QLVNCH. Ba yêu cầu của Serong ở đây luôn giống nhau: thể lực, tập luyện về vũ khí, đáp ứng kỷ luật. Đề mục tương tự được lặp lại trong suốt quyển nhật ký. Các ghi chú đào tạo của ông được ghi tỉ mỉ: kiểm tra - tập trung vào một việc mỗi tháng, những việc đơn giản quan trọng hơn kỹ thuật, đừng bao giờ từ bỏ việc truy kích - cho dù thế nào đi nữa. Đến tháng 2 năm 1963, ông viết "trong cuộc họp giao ban tối nay, Harkins có vẻ như đã không nắm được phương hướng chiến lược của cuộc chiến, và chuẩn bị giải quyết cho những diễn biến trong ngày, những việc lặt vặt hàng ngày." (6) Ông quyết tâm nhận lời mời của Thiếu tướng William Yarborough đến thuyết giảng tại Trường Huấn Luyện Lực Lượng Đặc Biệt, tại Fort Bragg, North Carolina, và trình bày trường hợp của ông tại Washington để có một bộ chỉ huy thống nhất Hoa Kỳ-Nam Việt Nam.

 

Ngay từ tháng 9 năm 1962, Serong đã kết luận rằng các báo cáo của MACV về tiến trình trong cuộc chiến là lạc quan một cách hoang đường. Ông nhận thấy rằng lãnh thổ biên giới đang bị mất trong các cuộc xâm nhập vào miền Nam Việt Nam, quân số Việt Cộng đang gia tăng, và chương trình Ấp Chiến Lược, một chiến lược nội bộ cơ bản, đã thất bại vì nó được mở rộng mà không được củng cố. Các sự thuyết trình của ông với Harkins để giải thích điều này không có tác dụng gì, mặc dù các phân tích của ông đã được CIA, đặc biệt là John Richardson, lúc đó là trưởng trạm Sài Gòn, và các nhà báo chỉ trích sự lãnh đạo của Harkins, trong số đó có David Halberstam của New York Times, tìm kiếm. Vào tháng 5 năm 1963 tại Fort Bragg, ông đã trình bày chi tiết về phân tích của mình, mặc dù có một số điều chỉnh kỹ lưỡng. Ông nói, bạn có thể nhận được những con số ấn tượng bằng cách đếm số lượng các phi vụ đã bay, số thương vong được thực hiện và gây ra, các số dự trữ được chuyển giao và đạn dược đã sử dụng, nhưng chỉ số thực sự duy nhất cho thấy sự tiến bộ trong một cuộc chiến chống nổi dậy là khối lượng thông tin tình báo do dân chúng cung cấp một cách tự phát, vì đây chỉ dấu báo về việc mọi người có tin rằng bạn thực sự có thể cung cấp cho họ sự an ninh hay không. (7)

 

Tuy nhiên, tại Fort Bragg, và trong các cuộc nói chuyện với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, ông đã gặp phải vấn đề của đồng minh thứ yếu. Những lời khuyên của ông về chiến thuật và phương pháp huấn luyện đã được áp dụng một cách hợp lệ trong các khóa học chống nổi dậy, ông đã được các đại diện của Hội đồng An ninh Quốc gia đón tiếp và thậm chí còn được các đại diện của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tán dương, nhưng bất chấp một số quan tâm đến điểm chính của ông rằng chương trình Ấp Chiến Lược (Strategic Hamlets) đã bị "dàn trải quá rộng", tiến hành quá nhanh và để lại các khoảng trống cho sự xâm nhập của Việt Cộng, ông ta không thể có ảnh hưởng gì đến chiến lược. (8) Và sau cùng, cấp bậc của Serong là Đại tá. Không ai kỳ vọng rằng ông việc hình thành chiến lược. Nhưng ông đã và Chiến Lược Quốc Gia Cho Miền Nam Việt Nam của ông là dấu hiệu chỉ dẫn cho việc ông không hiểu được những sự cứu xét chính trị ở Washington sẽ quyết định việc tiến hành chiến tranh.

 

Vào năm 1962, Serong đã viết rằng điều quan trọng nhất là phải có một chiến lược, "một điều gì đó mà chúng ta có thể xem là một điều tích cực và tiến tới." Cho đến nay rất tốt, nhưng, như chúng ta sẽ thấy khó đạt được một cách đáng ngạc nhiên. Khi đó, "phải có quyết tâm tiến hành cuộc chiến tranh tại miền Bắc Việt Nam, để đẩy chính họ phải lùi lại. Thật sai lầm khi tin rằng nếu chúng ta tiếp tục phản ứng, kẻ thù sẽ mệt mỏi. Đối thủ sẽ không mệt mỏi, bởi họ được chống đỡ bởi Trung Quốc. Mỹ sẽ mệt mỏi trước Trung Quốc, mặc dù Mỹ có sức mạnh lớn hơn, và có thể buộc Trung Quốc phải gục ngã nếu trận đấu trở nên sự thi đua tăng cường. " Ông nói tiếp, thời tiết  trong nước Mỹ chưa chín muồi cho một sự đẩy lui, nhưng những gì có thể làm là đàm phán với chính phủ Lào để cắt đứt đường tiếp cận của Bắc Việt với Nam Việt Nam qua Lào, qua đường mòn Hồ Chí Minh. Thành phố Tchepone của Lào có thể được phát triển về mặt thương mại, và do đó địch bị cự tuyệt, và toàn bộ vĩ tuyến 17 được củng cố cho trận chiến cuối cùng, từng trung đoàn Hoa Kỳ đến từng trung đoàn Việt Nam, chống lại Quân đội Bắc Việt Nam. Kể từ khi Hà Nội bắt đầu công bố tài liệu từ văn khố lưu trữ của mình vào năm 1995, một chủ đề thường xuyên lặp đi lặp lại là sự ngạc nhiên là Mỹ đã không hành động để cắt đứt con đường mòn qua Lào. (9) Điều bất ngờ này có thể được giả vờ, bởi việc củng cố vĩ tuyến 17 là chưa bao giờ một lựa chọn ở Washington. Serong không nhận ra rằng W. Averell Harriman, Thứ trưởng Ngoại giao các vấn đề chính trị năm 1963, người mà ông coi là đồng minh tốt nhất của mình trong nhiều năm trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, sẽ là kẻ chống đối mạnh nhất sự phá vỡ Hiệp Định Lào, mà ông, Harriman, đã thương lượng ngay từ đầu. Ông hiểu rằng công chúng Mỹ có thể không chấp nhận chiến tranh với Trung Quốc, nhưng không hiểu rằng bản thân chiến tranh Việt Nam chỉ có tầm quan trọng thứ yếu đối với vấn đề thực tế, đó là quan hệ của Mỹ với Nga. Từ vị trí thuận lợi của mình ở miền Nam Việt Nam, ông không thể thấy rằng Tổ Chức Hiệp Uớc Bắc Đại Tây Dương (NATO) là vấn đề thực sự đối với các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

 

Năm 1964 chứng kiến ​​sự suy thoái của cuộc chiến, mở đường cho quyết định của Tổng thống Lyndon Johnson vào tháng 7 năm 1965 về việc đưa quân đổ bộ đến Việt Nam. Cuộc lật đổ và cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng 11 năm 1963 đã mở ra một thời kỳ vô cùng bất ổn. Đảo chính nối tiếp đảo chính ở Sài Gòn, với mỗi chính phủ mới lại cách chức các chỉ huy và tỉnh trưởng trung thành với chế độ trước đó. Trong những điều kiện này, không có chiến lược an ninh làng xã nào có thể được theo đuổi trên phạm vi toàn quốc. Bắc Việt và Việt Cộng tăng cường áp lực ở miền Nam. Đến cuối năm 1964, chín tiểu đoàn của quân trừ bị miền Nam Việt Nam không còn tồn tại nữa - các thành viên đã đào ngũ hoặc mất khả năng chiến đấu.

 

Vào thời điểm này, trong tháng 10 năm 1964, Serong xin các chỉ thị cho ông từ Thiếu tướng Sir Walter Cawthorn, người đứng đầu Cục Tình Báo Úc, cơ quan đã giữ ông ở lại Việt Nam. Cawthorn, đến thăm Việt Nam trong chuyến tham quan các nước trong khối SEATO hàng năm của mình, đã nói với Serong rằng "Hãy [giữ Việt Nam] cho tôi mười năm." Ông nói, với ân hạn mười năm, Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đều có thể trở nên đủ mạnh để chống lại sức ép của lực lượng nổi dậy của Cộng sản. Và theo Serong, đó chính xác là những gì đã xảy ra: ông khẳng định rằng từ tháng 3 năm 1965 cho đến tháng 4 năm 1975, những nỗ lực của bản thân ông và những người khác ở miền Nam Việt Nam đã mua được mười năm để củng cố kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á. (10)

 

Từ năm 1965, Serong hướng dẫn chiến thuật chống nổi dậy trong y phục công sở và thắt cà vạt. Ông không mặc quân phục, vì ông làm việc cho CIA, được biệt phái vào tháng 3 năm 1965 từ Quân đội sang Bộ Ngoại giao, vỏ bọc công khai cho hợp đồng của anh ta với Cơ quan này. Các bài viết đăng tải của ông ở Việt Nam từ đó cho thấy chính thức rằng ông đang làm việc với Cơ Quan Viện Trợ Hoa Kỳ (USAID) hoặc với Sở Thông tin Hoa Kỳ (USIS). Tuy nhiên, dự án quan trọng của ông từ năm 1965 đến năm 1967 là tham vấn về việc xây dựng Lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Dã Chiến (PFF: Police Field Force). PFF là đỉnh cao của triết lý chống nổi dậy của ông. Dự kiến của ông là vùng nông thôn có thể được giữ an toàn cho nông dân nông bằng cách tuần tra tiền phương, trên một mô hình trị an thuộc địa. Mô hình của ông là các cuộc tuần tra của đế quốc Anh ở biên giới phía tây bắc của Ấn Độ. Ở Đông Nam Á, một người ưu tú sẽ được tuyển chọn từ hàng ngũ của QLVNCH và được đào tạo về chiến tranh du kích kiểu Canungra bởi một nhóm chuyên gia làm việc từ một trại ở Đà Lạt. Tiêu chí lựa chọn của Serong vẫn được giữ nguyên: thể lực, rèn luyện vũ khí, đáp ứng kỷ luật.

           

Trong suốt năm 1966, Serong đã rảnh tay trong việc tuyển dụng đội ngũ huấn luyện viên của chính ông. Tham gia cùng anh còn có Laurie Crozier, một kỹ sư hầm mỏ thông thạo một số ngôn ngữ châu Á. Serong đã gặp Crozier trước đó khi anh ta làm nhiệm vụ tại Đại sứ quán Úc tại Sài Gòn. Monty Rodulfo, làm việc cho Tình báo Anh trước đây, đã theo dõi lâu năm biên giới Ấn Độ từ Assam. Bây giờ anh ta đã tham gia PFF. George Warfe và Frederick Lomas đã chiến đấu trong Thế Chiến Thứ Hai và sau đó đã giảng dạy tại Canungra. Thượng Tá Tommy Wright mà Serong đã gặp ở Miến Điện. Giống như một số người khác tham gia nhóm PFF, Wright có dòng dõi lai giữa Anh-Miến và đang bị loại khỏi chức vụ công ở quốc gia sinh ra anh. Khi tin tức về việc làm táo bạo lan rộng, những người từ nhiều vùng đất cũ của Anh đã đăng ký tham gia. Đáng chú ý nhất, một nhóm lính đánh thuê da trắng từ Rhodesia đã đến Đà Lạt vào một buổi tối để cung cấp dịch vụ của họ. Họ đã được chấp nhận. (11)

 

Giai đoạn 1966-1968 là một trong những cuộc cạnh tranh gay gắt về sự hiện diện của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đó là thời điểm mở rộng và tài chính tài trợ vô hạn định dưới thời chính quyền Johnson, giữa sự xuất hiện của quân bộ đội trên đất liền trong năm 1965 và sự nghi ngờ đầu tiên của công chúng về sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong năm 1968. Cuộc chiến phải tạo cơ hội cho tất cả các yếu tố. của Lực lượng Quốc phòng và các cơ quan dân sự. Nếu Lục quân có mặt ở Việt Nam, thì Lực lượng Không quân cũng phải làm gì đó ở đó. Nếu Thủy quân lục chiến có đại diện, thì Hải quân cũng phải có một vai trò quan trọng không kém. Một loạt các chương trình MACV, CIA và AID mọc lên đầy hoang mang, tất cả đều tranh giành quyền thống trị. Bằng chứng của Nhật ký Serong là khi chính quyền Sài Gòn lâm vào khủng hoảng, một tình huống không phải không thường xuyên, những người ủng hộ các chương trình khác nhau đã đua nhau dành sự chú ý của nhà lãnh đạo khả dĩ nhất sắp đến của miền Nam Việt Nam. (12)

 

Lực Lượng Cảnh Sát Dã Chiến đã phạm lỗi với một bên là tư lệnh mới của MACV, Tướng William C. Westmoreland, người đã tiếp quản từ Tướng Harkins vào tháng 6 năm 1964, và bên kia là Cố vấn trưởng đặc biệt phi quân sự của Tổng thống Johnson, Robert W. Komer. Ám hiệu đầu tiên về việc Tướng Westmoreland phản đối khái niệm Lực Lượng Cảnh Sát Dã Chiến xảy ra vào ngày Quốc Khánh Nam Việt Nam hồi tháng 10 năm 1965. Khi nhìn thấy các đại diện của PFF diễn hành, Tướng Westmoreland đã thốt lên "Tại sao, họ không phải là cảnh sát, họ là những người lính!" Sự phản đối của vị tư lệnh Mỹ đối với việc tổ chức Lực Lượng Cảnh Sát Dã Chiến, theo đề xuất của Serong, được thể hiện trong một báo cáo bí mật vào tháng 11 năm 1965 gửi cho Đại sứ lúc bấy giờ, Henry Cabot Lodge. Westmoreland bắt đầu "Ông sẽ nhớ lại rằng tôi đã bày tỏ sự dè dặt mạnh mẽ đối với chương trình tổ chức Lực Lượng Cảnh Sát Dã Chiến ... đặc biệt theo đề xuất của Đại tá Serong." Ông tiếp tục "khái niệm do Đại tá Serong đưa ra trái ngược với sự phân công các vai trò và các nhiệm vụ hiện tại cho các lực lượng khác nhau của Việt Nam tham gia chiến đấu và bình định" ... "Lực Lượng Cảnh Sát Dã Chiến để hoàn thành sứ mệnh mà họ có được giao phó cho họ cuối cùng sẽ thấy cần phải mở rộng đến mức gần bằng với Lực Lượng Dân Vệ ... Theo tôi, những vấn đề điều hành xảy ra sẽ là điều không thể tưởng tượng được. "(13)

 

Khi Robert Komer đến miền Nam Việt Nam năm 1966, ông nhận thấy có hai người liên tục đưa ra lời khuyên và các văn bản ghi nhớ liên quan đến công cuộc bình định. Một người là John Paul Vann, người đã trở lại Việt Nam với cơ quan (US) AID sau thời gian đầu tiên phục vụ với tư cách là cố vấn quân sự cho MACV vào năm 1962 đến 1963, và người kia là Serong. Komer cuối cùng đã bỏ qua những nỗ lực của Serong để liên lạc với ông ta. Komer không ủng hộ Lực lượng Cảnh sát. Sự phản đối của ông đối với PFF là không có cố vấn Mỹ nào được đào tạo về các phương pháp trị an thuộc địa cần thiết cho khái niệm PFF. Và đây là mấu chốt của một vấn đề trọng tâm. Komer đã chuẩn bị để yêu cầu người Anh tìm cho ông quân đội Bhutan được huấn luyện về trị an thuộc địa, nhưng không khuyến khích sự đóng góp thêm từ các đồng minh thứ yếu trong liên minh Mỹ. Thật vậy, khi Đại sứ Maxwell Taylor vào năm 1965 nghe nói về thành công của thành viên AATTV, Barry Petersen, trong việc tổ chức các người Thượng Miền Núi ở cao nguyên trung tâm để tự vệ, dưới sự bảo trợ của CIA, câu hỏi quan trọng của Taylor là "Tại sao một người Mỹ không làm điều này [ làm việc]? "(14)

 

Năm 1968, Serong bắt đầu ký hợp đồng với Tổ chức Rand, theo chỉ thị của CIA rằng hợp đồng Rand sẽ đóng vai trò như một vỏ bọc phù hợp cho các hoạt động tiếp tục của ông ở Việt Nam. Ông đã nghỉ hưu từ quân đội Úc vào thời điểm đó. Khi làm việc với Rand, ông đã phát triển các sách hướng dẫn về chiến tranh không chính quy, những sách hướng dẫn này do Lầu Năm Góc ủy quyền và được Bộ Quốc phòng chi trả. Ông đã giảng dạy tại Trường Cao Đẳng Quốc Phòng Miền Nam Việt Nam từ khi thành lập dưới sự lãnh đạo của Tướng Vĩnh Lộc vào năm 1968. Ông tin rằng việc đào tạo cải tiến cho các sĩ quan sẽ làm cho QLVNCH trở thành một Quân đội chuyên nghiệp hơn, với kết quả là nạn tham nhũng và các sự bổ nhiệm chính trị.sẽ được giảm bớt, hoặc ít nhất, các vụ bổ nhiệm chính trị có thể là những sự bổ nhiệm tốt hơn. Trường Cao đẳng Quốc phòng đã bị đóng cửa vào năm 1972 vì thiếu sự hỗ trợ của đồng đô la Mỹ. Ông vẫn dũng cảm tiến tới.  Đối với tổ chức tư vấn Batelle đặt tại Ohio, ông đã mua đất cho Viện Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam (Vietnam Institute of Science and Technology), một nỗ lực nhằm nhân bản kỳ tích kinh tế của Hàn Quốc. Ông đã nghiên cứu các vấn đề của quản trị thành phố, và đặc biệt là hình dạng tương lai của các cuộc nổi dậy ở đô thị. Nhưng khi Serong thất thần nhìn từ Sài Gòn, Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu quay lưng lại với cuộc chiến, và cuối cùng cắt nguồn tài trợ cho cuộc chiến, cho đến khi, như ông cay đắng ghi lại, vào năm 1975, QLVNCH đơn giản là hết đạn. (15)

 

Tâm trạng của Sài Gòn năm 1974 được Serong ghi lại trong một bản thảo chưa xuất bản, có tựa đề "Một tháng trong tháng chín." Cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới vào tháng 10 năm 1973 đã bóp nghẹt nguồn cung cấp xăng dầu cho chiến tranh. Các cố vấn Mỹ đã rời đi, chỉ để lại một đại diện nhỏ của Đại sứ quán. Số tiền USAID ở đó dường như đã được tầng lớp trung lưu Sài Gòn chuyển sang tài trợ cho địa phương và, một cách được ưa thích hơn, cho các trường đại học ở nước ngoài thu nhận con cái của họ. Bằng cấp ngành luật học đặc biệt phổ biến, Serong đã ghi nhận "một nơi ẩn náu bốn năm khỏi chiến đấu cho những cậu trai; và để bảo vệ sự đứng đắn, điều này được mở rộng cho các cô gái, những người vẫn chưa có nghĩa vụ trưng binh. " Ông tiếp tục ghi nhận "chính phủ hy vọng qua công cụ này để giữ im các sinh viên có tiềm năng bùng nổ ... [Tình trạng này] không thể kéo dài thêm nữa . "(16)

Năm 1974 Tư Lệnh Quân Đội Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Tổng Thống Miền Nam Việt Nam. Thủ tướng của ông Thiệu là Trần Thiện Khiêm, một trong những nhân vật chính trong cuộc đảo chính năm 1963 chống lại ông Ngô Đình Diệm. Tháng 12 năm 1974, Trần Thiện Khiêm tiếp cận Serong, đề nghị ông vạch ra một kế hoạch cho sự tồn vong của đất nước. Serong đề nghị di tản khỏi Quân khu I và II, trên cơ sở QLVNCH có 2/3 lực lượng chiến đấu được triển khai ở phía bắc, nơi có ít hơn một phần ba của cải và một phần mười dân số. Serong lập luận rằng hy vọng sống sót duy nhất của miền Nam Việt Nam là rút ngắn các đường tiếp tế trải dài quá mức. Hơn nữa, ông tiếp tục, một cuộc rút quân về miền Nam sẽ khiến nhiệm vụ chiếm đóng của địch trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, ông nói thêm, quân đội sẽ phải được rút ra và người dân phải được di tán trong vòng vài tuần nếu có xảy ra giao tranh. Vào thời điểm đó, Tổng thống Thiệu không thể chấp nhận đề nghị này, một phần vì điều đó có nghĩa là việc từ bỏ kinh đô cũ tại Huế.

 

Trong các sự kiện của năm tháng sau đó, tầm quan hệ rộng lớn với người Việt Nam của Serong, được thiết lập trong mười ba năm, sẽ đóng một vai trò quan trọng. Đầu năm 1975, Ngô Khắc Tĩnh [người có quan hệ gia đình với ông Thiệu, ND], lúc đó là bộ trưởng trong nội các, đã toan tính rao bán "kế hoạch giải phẫu" cho các tướng lãnh khác của Việt Nam. Nguyễn Văn Châu, một thường dân Công giáo quyền lực từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong chính phủ, đã thông báo cho Serong về những diễn biến trong cộng đồng Công giáo ở Quân khu I và II, những người lo sợ nhất về một sự chiếm đoạt của Cộng sản. Thời gian đang trôi đi. Ông cho Thiệu một thời hạn cuối cùng: việc tái phối trí phải được hoàn thành vào giữa tháng Hai. Vào tháng Giêng, Serong nói với Giám mục Thuận, giám mục phụ tá của địa phận Sài Gòn “hãy chuẩn bị mọi thứ cho năm 1955 một lần nữa.” (17)

 

Vào giữa tháng 3, ông Ngô Khắc Tĩnh thông báo với Serong rằng Tổng thống Thiệu muốn hỏi ý kiến ​​ông. Serong nói với ông Ngô Khắc Tĩnh rằng chiến tranh đã kết thúc, và tất cả những gì quan trọng, đã kết thúc được ba tuần. Hai ngày sau, Quân đội Bắc Việt tràn vào Nam Việt Nam từ phía sườn không được bảo vệ ở Lào, tấn công vào Ban Mê Thuột, thuộc Quân khu II. Các con đường ở phía bắc đã bị cắt đứt. Phương tiện di tán duy nhất là đường biển và đường hàng không. Trong cơn hoảng loạn xảy ra sau đó, nhiều sĩ quan và quan chức cấp tỉnh đã dùng quyền hành để tự cứu mình và thân nhân của họ, khi hàng ngàn người bỏ chạy về phía nam, hướng về Sài Gòn.

 

Ông Thiệu từ chức và bay ra khỏi đất nước vào ngày 21 tháng 4. Đêm đó, một nhóm sĩ quan Việt Nam đến thăm dinh thự của Serong ở đường Phan Đình Phùng. Họ yêu cầu ông cho họ biết phải làm gì, trong trường hợp không có các người chỉ huy của họ. Trong vài ngày sau đó, Serong đã ra lệnh. Ông không hy vọng rằng bất kỳ trận chiến nào chống lại quân Bắc Việt có thể thắng lợi; những gì ông ta đang tìm cách làm là đem lại cho quân đội VNCH đang chiến đấu ở phía bắc và tây nam thành phố một cơ hội để cứu sống họ. Vào ngày 27 tháng 4, Đại Tá Hải Quân Nguyễn Văn Ánh, lúc đó là Thứ Trưởng Bộ Kế Hoạch của Nam Việt Nam, và Phạm Văn Liễu, Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến và cựu Tư Lệnh Cảnh Sát, cả hai người rất quen biết với Serong, Ông Ánh từ những ngày tại Cao Đẳng Quốc Phòng, thông báo với ông rằng họ muốn để đưa số tàu còn lại của hải quân Nam Việt Nam ra ngoài cửa sông. Họ nói rằng điều này họ không thể làm được, cho đến khi các chỉ huy đương nhiệm, những người dường như bị tê liệt, được miễn nhiệm. Ba người đã giành được thẩm quyền thích đáng từ tân Tổng thống Dương Văn Minh.  Nguyễn Văn Ánh và Phạm Văn Liễu sau đó đã đưa các tàu và số lượng người tối đa có thể lên tàu xuyên qua các cuộc giao tranh ác liệt tiến ra Biển Đông đến  Hạm đội 7 đang chờ đợi.

 

Serong tự mình rời khỏi khuôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ có rào chắn hai mươi bốn giờ trước khi Dương Văn Minh đầu hàng Bắc Việt vô điều kiện. Ông đã được di tán cùng với 4.000 người khác trong hầm tàu ​​chở hàng The Green Port of New Orleans. Ở Hồng Kông vài ngày sau đó, ông được biết từ George Jacobson của Cơ Quan CIA rằng chỉ có một phi công Nam Việt Nam yêu cầu thêm nhiên liệu để thực hiện hành trình trở về thành phố.

 

Ấn tượng mạnh mẽ của tôi về Serong ở miền Nam Việt Nam là ông ấy luôn đi bộ. Ông đang đi bộ tại Sài Gòn, thu thập thông tin, thu xếp giấy tờ cho những cuộc vượt thoát trong những ngày cuối cùng; đi bộ kiểm tra con đường phục kích, trình diễn cách sử dụng vũ khí hợp lý trong màn kịch câm, kiểm tra địa điểm cho một trận đánh. Ông có năng khiếu lãnh đạo. Những người mà ông chọn lãnh trách nhiệm chứng thực cho việc đạt được những gì họ đã nghĩ trước đây về các khả năng của mình. Ông là một người khởi thủy, và vì vậy đã gây ấn tượng với một số người như một lang băm, như ông đã từng được miêu tả trong Decent Interval của Frank Snepp. Ông đã không chịu đựng các kẻ ngu một cách vui vẻ, và sẵn sàng đưa ra các nhận định của ông về kẻ thù. (18)

 

Ông tiếp tục phục vụ những gì ông thấy là sứ mệnh của mình tại Việt Nam rất lâu sau khi chính phủ của ông đã giải kết. Thái độ của ông đối với việc cứu miền Nam Việt Nam có thể được tóm tắt bằng một giả thuyết mà ông đưa ra trong một cuộc hội thảo của cơ quan nghiên cứu Rand vào năm 1970: Trong trường hợp hai người leo núi Alpine, một người thấp hơn trên dây và phụ thuộc vào người kia, nếu người ở trên cao hơn bắt đầu không còn nắm vững sự kiện, đinh đế giày sẽ không bám chặt, gờ vách đá đang vỡ vụn, khi nào người đó cắt dây? Buổi hội thảo đã tranh luận về các khả tính khác nhau. Câu hỏi cuối cùng đã được chuyển đến Serong. Câu trả lời đã được đưa ra.  Bạn đừng cắt dây; cả hai bạn cùng nhau vượt qua./-

 

-----

CHÚ THÍCH

 

1. U.S. Congress. House. Hearing before the Special Subcommittee on Investigations of the Committee on International Relations. The Vietnam-Cambodia Emergency, 1975 Part III-Vietnam Evacuation. Testimony of Ambassador Graham A. Martin. 94th Cong., 2nd sess., January 27, 1976. H. 461.

 

 

2. Tại thời điểm viết bài, bằng chứng về các cuộc tiếp xúc của Serong với CIA ở Miến Điện nằm trong các cuộc phỏng vấn hàng tuần của tác giả với Serong, từ 1994 đến 1996. Các nhiệm vụ về Việt Nam sau này của Serong với CIA được ghi lại rõ ràng trong Serong Papers, Melbourne, bắt đầu. với một câu trả lời tích cực cho lời đề nghị gia nhập Cơ quan từ Tướng Walsh  đề ngày 15 tháng 5 năm 1964. Việc cựu Ngoại trưởng Dean Rusk đã yêu cầu Serong một cách đặc biệt trong các cuộc đàm phán về sự đóng góp của Úc đối với sự tham gia của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam đã được xác nhận bởi cuộc phỏng vấn của tác giả với Ngài Garfield Barwick, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Úc, tại Sydney, tháng 10 năm 1995. Để biết thêm chi tiết về nhiệm vụ của các sĩ quan Úc với CIA, xem Ian McNeill, The Team: Australian Army Advisers in Vietnam 1962-1972 (Toán: Cố vấn Quân đội Úc tại Việt Nam 1962-1972) (Canberra, ACT: Australian War Memorial (Tưởng niệm Chiến tranh Úc), 1984), 34-67 và 378-385.

 

3. Bản ký âm từ các ghi chép của Serong về chuyến thăm Việt Nam năm 1962, "May '62 Recce Notes," Serong Papers.

 

4. Về việc đổi tên AATTV, Serong tái bút cho Kenneth Grenville, The Saving of South Vietnam (Sydney: Alpha Books, 1972), 214; "chúng tôi sẽ thực hiện việc ẩn nấp", trong Ian Mackay, Australians in Vietnam (Adelaide, Australia: Rigby Limited, 1968), 14. Để biết chi tiết về các cuộc tập trận tiếp xúc ở Canungra, xem Kenneth Maddock (ed.), Memories of Vietnam (Sydney: Random House Australia, 1991), 50-51.

 

5. Francis Philip Serong Diary (sau đây gọi tắt là FPSD) 1, bút ký ngày 21 tháng 9 năm 1962.

 

6. Trích dẫn Tướng Timmes từ FPSD 1, bút ký ngày 21 tháng 6 năm 1963; các nhận xét về Harkins, bút ký ngày 19 tháng 2 năm 1963. Nhật ký đầu tiên, từ tháng 7 năm 1962 đến tháng 9 năm 1963, là nguồn thông tin đầy đủ nhất về các phương pháp huấn luyện của Serong.

 

7. Từ tháng 9 năm 1962, Serong theo dõi "Bản tóm tắt hàng tuần" của CIA để đánh giá mức độ xuất hiện của các phân tích của ông (các cuộc phỏng vấn của tác giả, tháng 1 năm 1996). Về việc sử dụng các báo cáo tiến trình chiến tranh của Serong, cuộc phỏng vấn của tác giả với David Halberstam, New York, tháng 11 năm 1995 và với Rufus C. Phillips III, trước đây là Phụ Tá Giám Đốc Phát Triển Nông Thôn Miền Nam Việt Nam, Washington, tháng 11 năm 1995. Bài phát biểu tại Fort Bragg, ngày 5 tháng 5 năm 1963 , là từ Serong Papers.

 

8. Về việc các phương pháp huấn luyện của Serong được tích hợp vào các khóa học tại Fort Bragg, thư gửi tác giả từ Thiếu tướng Yarborough, tháng 9 năm 1995, và để biết thêm thông tin về chuyến thăm hồi tháng 5 năm 1963 của Serong tới Washington, cuộc phỏng vấn của tác giả với Trung tướng Victor H. Krulak, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, San Diego, tháng 10 năm 1995, và với William E. Colby, Trưởng Phòng Viễn Đông của CIA năm 1963, tháng 11 năm 1995. Xem thêm David Halberstam, The Best and The Brightest (New York: Ballantine, 1993) , 276.

 

9. Các văn bản về Chiến Lược Quốc Gia cho Miền Nam Việt Nam là từ trang để trắng cuối sách của FPSD 1, đang chờ sự sắp xếp vị trí của tài liệu quan trọng hơn được đệ trình cho Tướng Harkins và được phân phối thông qua Ủy ban Canberra Committee, trưởng cơ quan liên lạc Quốc Gia Thứ Ba của Phái bộ Hoa Kỳ. ở miền Nam Việt Nam trong các năm 1962 và 1963. Về một sự bình luận gần đây của Bắc Việt Nam về việc Hoa Kỳ không cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh, xem cuộc phỏng vấn của Đại tá Bùi Tín với Stephen Young, Wall Street Journal, ngày 3 tháng 8 năm 1995.

 

10. Bằng chứng cho chỉ thị "Hãy cho tôi mười năm" của Cawthorn là hồi ức của Serong; cụm từ không xuất hiện trong các bút ký FPSD cho tháng 10 năm 1964. Serong đã trả lời một Tướng Walsh bày tỏ sự quan tâm đến lời đề nghị của Cơ quan và gợi ý rằng việc giải ngũ ông khỏi các nhiệm vụ của Quân đội Úc có thể được thực hiện bởi tổng hành dinh Tình Báo Úc ở Melbourne chứ không phải từ các kênh thông tin Quân đội trong một bức thư hồi tháng 5 năm 1964 (Serong là chỉ huy toán AATT, Việt Nam, gửi cho Tướng Walsh, ngày 15 tháng 5 năm 1964, Serong Papers). Một lá thư năm 1967 của Cawthorn gửi Serong, được gửi bí mật thông qua Đại sứ quán Úc tại Sài Gòn, viết rằng "một trong những điều kiện được đưa ra khi thỏa thuận biệt phái ông với CIA là ông sẽ không được làm việc bên ngoài Việt Nam" (Cawthorn's Personal, số 9052 / 10, Serong, 31/10/1967, Serong Papers), và có vẻ làm bằng chứng cho thấy Cawthorn dự định Serong sẽ có vai trò chủ chốt trong việc "trấn giữ" miền Nam Việt Nam. Các cuộc thảo luận của Cawthorn với Giám đốc Trạm CIA Peer de Silva và người chỉ huy thứ nhì sau de Silva khi đó là George Jorgenson, về việc biệt phái cho Quốc Gia (Hoa Ky, được sắp xếp thông qua các kênh Tình báo Úc, được ghi nhận trong các bút ký cho các ngày 8, 9 và 22 tháng 10 năm 1964, FPSD 4, 7 tháng 10 năm 1964-tháng 5 năm 1965.

 

11. Lý lịch của Crozier và các cộng sự được trình bày trong một tập hồ sơ không ghi ngày tháng có ghi nhãn "Nhân sự", Serong Papers. Những lá thư không chiêu mời từ những người nộp đơn cho các chức vụ với PFF được tìm thấy trong nhiều hồ sơ thư từ của Serong Papers cho giai đoạn 1965-1968.

 

12. Các bút ký trong FPSD cho tháng 4 và tháng 5 năm 1966 đưa ra bằng chứng đồ họa về sự cạnh tranh giữa các cơ quan nhằm ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo Việt Nam đang khả dĩ nổi lên. Về sự cạnh tranh giữa các cơ quan nói chung, xem Robert W. Komer, Bureaucracy at War (Bộ máy quan liêu trong chiến tranh) (Boulder, Colorado: Westview Press, 1986) và cho giai đoạn 1964, xem sách của tôi, Lodge in Vietnam: A Patriot Abroad (New Haven: Yale University Press , 1995), 127-129.

13. Bản Ghi nhớ gửi Đại sứ Lodge từ Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ, Việt Nam, Chủ đề: Lực lượng Cảnh sát Quốc gia, ngày 9 tháng 11 năm 1965, Lodge Papers, Massachusetts Historical Society, Boston. Giai thoại "Why they’re soldiers" (Tại sao họ là người lính) trong bức thư Serong gửi cho tác giả, tháng 11 năm 1991.

 

14. Về ý kiến của Komer đối với PFF, cuộc phỏng vấn của tác giả với Robert W. Komer, Washington, tháng 11 năm 1995. "Why not an American? (Tại sao không phải là người Mỹ?)" trong Barry Petersen với John Cribbin, An Australian Soldier's Secret War in Vietnam: Tiger Men (Cuộc chiến bí mật của một người lính Úc ở Việt Nam: Tiger Men) (South Melbourne: Macmillan Company, 1988), 133.

 

15. Chi tiết về các hợp đồng khác nhau của Serong sau khi ông nghỉ hưu từ Quân đội Úc vào năm 1968 có thể được tìm thấy trong nhật ký của giai đoạn này, và đặc biệt nhất là trong một hồ sơ có tên "Chronological File, March 1968 Thru September 1970," Serong Papers. Về việc "hết đạn", xem Francis Philip Serong Oral History (OH), 1994, Lyndon Baines Johnson Library (LBJL), Austin, Texas, II, 45.

 

16. Trích dẫn từ "One Month in September (Một tháng trong tháng chín)," một bản thảo dài ba mươi trang với ba but lý trọn ngày đã hoàn thành, Serong Papers, 2.

 

17. Các kế hoạch tiếp vận cho cuộc rút lui, như được trình bày với Tướng Thiệu vào tháng 12 năm 1974, nằm trong các Tài liệu của Serong; một bản tóm tắt xuất hiện trong sách Denis Warner, Not With Guns Alone: ​​How Hanoi Won the War (Sydney: Hutchinson, 1977), 13-14. Một thành viên của Quân đội Bắc Việt gần đây đã tuyên bố rằng Cộng quân có những kế hoạch này cùng lúc với ông Thiệu. Xem bài phỏng vấn của Tướng Trần Bạch Đằng trong Larry Engelmann, Tears Before the Rain: An Oral History of the Fall of South Vietnam (New York and Oxford: Oxford University Press, 1990), 305-309. Sự tường thuật ở đây và bên dưới dựa trên tài liệu của  Serong OH, LBJL, II, 22-45.

 

18. Frank Snepp, Decent Interval (New York: Random House, 1978), 109-110.

 

 

-----

Nguồn: https://www.vietnam.ttu.edu/events/1996_Symposium/96papers/tenyears.php

Back to Agenda Page

Back to List of Available Symposium Papers

 

Ngô Bắc dịch và phụ chú

04.2021

 

http://www.gio-o.com/NgoBac.html

 

© gio-o.com 2021