lê thị huệ

Ba Lần Nạn Nhân!
Chung quanh tuyển tập thơ
của 5 cây bút nữ
Dự Báo Phi Thời Tiết
bị thu hồi trong nước


Năm cô gái hãy còn trẻ. Người ta đã xiên 5 Cô vào một rọ cho tiện: Ngựa Trời là một nhóm gồm 5 nhà thơ nữ, trong độ tuổi từ năm sinh 1981 đến 1985. Họ gồm có: Thanh Xuân, Phương Lan (còn bút danh khác là eL), Lynh Bacardi, Khương Hà và Nguyệt Phạm . Người viết quảng cáo các cô này thật có tinh thần "xã hội chủ nghĩa" cao. Không cần tả cô đầu đàn ra đời năm mấy. Cô nhỏ nào tuổi Thiên Xứng.  Cô đẹp nào sanh quán tỉnh Đồng Nai.

Năm Con Ngựa Trời!  Nghe chẳng khác gì Mười Cô Đồng Lộc, một nhóm các cô gái trẻ đã nửa đêm ra đứng trên cánh đồng Đồng Lộc ở Hà Tĩnh, đưa tay lên trời,  chặn bom đạn Mỹ và được các ông nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đưa vào lịch sử.

5 Con Bọ Ngựa! Sao nghe cứ như 5 cô ca sĩ 5 Giòng Kẻ được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đặt tên cho.

Việc ca hát thì còn có nhu cầu đồng ca, hát bè, hợp xướng. Nên lập băng nhạc ca hát còn có ý nghĩa và nhu cầu của nó. Chớ sáng tác thì có cần bè nhóm để viết cùng một lần không?  Tính chất "tập thể chủ nghĩa" trong sự lập băng lập nhóm thơ văn rất phản ngược với tinh chất "cá nhân chủ nghĩa" của công việc sáng tác. Sáng tác đòi hỏi ý thức độc lập và cá nhân tính rất cao. Tất cả những nhóm nhiếc, băng biếc trong văn thơ thường mang tính tuyên dương một chủ đích nào đó ngoài hoạt động sáng tác. Cho nên sự lập băng lập đảng trong sáng tác là một hành động phản sáng tạo nhất.

Sự phản sáng tác còn nằm ở cách 5 Cô gái này được trình làng.

Sự xuất hiện của băng băng 5 Con Ngựa Trời được bắt đầu bởi vài bài viết của những người đàn ông đã lớn tuổi, chứ không phải được bắt đầu bằng tiếng nói và sự ra mắt của chính 5 Cô. Các cô không có được một tự tập hợp, các cô không lập nổi một trang web, hay mở được một forum. Trên tơ net, các trang web chùa vô số, yahoo groups miễn phí muốn mở mấy trăm nhóm cũng ra. Nên không thể nói là thời đại bây giờ không cung ứng nổi phương tiện cho các cô gái trẻ tự nói lên tiếng nói của mình.

5 Cô đã để cho các ông Trịnh Cung, Nguyễn Viện, Trần Tiến Dũng viết những bài giới thiệu trên net ở các trang tienve, Talawas, evan.  Tuyên ngôn của các cô do người khác đẻ ra trước. Bài viết của Trịnh Cung giới thiệu về 5 Con Ngựa Trời xuất hiện trên tienve vào ngày 28/8/2005. Mãi cho đến ngày 13/1/2006 khi tập thơ DBPTT bị thu hồi, trên trang tienve mới thấy xuất hiện bài viết đầu tiên của Lynh Barcadi, 1 trong 5 Cô, phân trần và lên án về tập thơ và nhóm của mình.

Bài này sẽ không bàn về thơ của 5 Cô. Chỉ bàn về hiện tượng những phía liên hệ tung lên trên net những mặt trận bảo vệ, giới thiệu, chà xát , đánh đấm 5 Cô gái; những người đã muốn xuất bản một tập thơ tên là Dự Báo Phi Thời Tiết.

Bìa sách Dự Báo Phi Thời Tiết do họa sĩ nhà văn Nguyễn Thúy Hằng trình bày, in hình năm khuôn mặt của năm cô gái như xác ướp nằm giữa những hình tượng như là bầy ku của đàn ông. Một bìa sách phải nói là rất táo bạo. Ý tưởng khuôn mặt 5 Cô như những mặt xác ướp nằm kè kè giữa ku của đàn ông là một ý tưởng khá qủy quái. Không hiểu Nguyễn Thúy Hằng có tìm cách đánh tráo nội dung của thi phẩm không, vì nhìn hình bìa, tôi chỉ thấy 5 khuôn mặt nữ như những biểu tượng đồ chơi dâm của đàn ông hoặc cho đàn ông.

Sau khi không có nhà xuất bản nào chịu in, Dự Báo Phi Thời Tiết đã được hoạ sĩ Trịnh Cung mang từ Sài Gòn ra Hà Nội chào hàng ( theo lời kể của Lynh Barcađi ). Dự Báo Phi Thời Tiết đã được nhà xuất bản Nhã Nam ở Hà Nội in xong. Đến khi nhà nước Việt Nam thấy quyển Dự Báo Phi Thời Tiết nằm trên quầy các tiệm sách, mới cho thu hồi.

Điều này chứng tỏ khâu kiểm duyệt của nhà nước Việt Nam khá lỏng lẻo.

Điều ấy còn cho thấy là nhà nước Việt Nam vẫn quá sức độc tài và nắm giữ những sức mạnh toàn trị trên quyền tự do ngôn luận của người dân. Nạn nhân vẫn là những người dân bị đàn áp trong một xứ sở mà sự đàn áp quá tuyệt đối, đến nỗi sự khiếu nại hoặc tranh đấu của người dân gần như không thể xảy ra.

Khi thu hồi tác phẩm những người đàn ông đang làm chủ đất nước Việt Nam đã đưa ra một bản tin như sau:

 "Cục xuất bản vừa có văn bản đình chỉ xuất bản tập thơ “Dự Báo Phi Thời Tiết” của nhóm tác giả nữ “Ngựa Trời” do NXB Hội Nhà văn phát hành tháng 12-2005. Ngoài vấn đề nội dung tác phẩm không phù hợp với văn hóa Việt Nam, ảnh bìa của tập thơ này cũng rất “quái.” Hình ảnh năm tác giả nữ người quấn kín đầu theo kiểu xác ướp Ai Cập, dán đầy bông băng trên mặt tạo nên hình ảnh kỳ dị... Những “chân dung” quái gỡ đó lại được được sắp xếp theo biểu tượng linga khiến người xem giật mình. Bên trong tập thơ, các nữ tác giả còn xuất hiện trong hình dạng xác ướp với đủ kiểu trang điểm quái dị như khiêu khích người đọc. Ông Nguyễn đình Nhã, Cục trưởng Cục Xuất bản, cho biết Cục Xuất bản sẽ tiến hành thẩm định tập thơ này và đề nghị Bộ Văn hóa thông tin cho thu hồi tác phẩm. (P. Quyên).” (Báo Người Lao Ðộng ngày 02.01.2006)

Lý do "không phù hợp với văn hóa Việt Nam" là một lý do không căn cơ. Vì mọi người đều có thể lạm dụng lý do văn hoá trong bất cứ trường hợp nào, khi mà văn hóa không phải là bản văn luật rõ ràng. Rồi tại sao nhân danh là văn hóa Việt Nam mà lại dựa vào một danh từ tiếng ngoại là "linga" để thu hồi tập thơ? Dùng một khái niệm ngoại quốc để làm nền móng cho văn hóa Việt Nam ư ?  Và lỡ người đọc không có vốn ngoại ngữ thì nào biết nhà nước ám chỉ điều gì . 

Sau đó trên trang Công An Nhân Dân của nhà nước Việt Nam số ra ngày 7 tháng 2, ông nhà nước Việt Nam nhiều quyền này lại viết một bài chà xát 5 chị em phụ nữ này tận tình.  Chuyện đời tư của 5 Cô bị cơ quan quyền lực cảnh sát Việt Nam, bới móc ra và phê bình không có một chút văn hóa nào gọi là kính trọng sự riêng tư của người dân, khi 5 người dân này chẳng làm gì phạm pháp cả.

Nếu nói vì sự tục của Dự Báo Phi Thời Tiết đã khiến cho tập thơ bị đình bản, thì e là nhà nước Việt Nam hơi kỳ thị Nam Bắc chăng?  Vì thơ của 5 Cô có tục tĩu thì cũng tục cỡ văn Đỗ Hoàng Diệu, có khiêu dâm thì cũng dâm cỡ thơ Vi Thùy Linh chứ gì. Tại sao thơ Vi Thùy Linh và văn Đỗ Hoàng Diệu của Miền Bắc thì được xuất bản, mà lại cấm thơ của 5 Cô Miền Nam? 

5 Cô đã không biết gì. Các cô đã hớn hở đi Hà Nội để ra mắt sách. Đến nơi nghe sách bị thu hồi thì tiu nghỉu trở về thành phố mang tên bác.

Các cô chẳng buồn họp báo hay ra thông báo tranh đấu bảo vệ cho tiếng nói của mình, tranh đấu cho tác phẩm Dự Báo Phi Thời Tiết được xuất bản.

Có thể tôi đã đòi hỏi một thứ sinh hoạt qúa sang trọng đối với những người đang sống trong một chế độ độc tài như Việt Nam.

5 Cô là nạn nhân của chính quyền độc tài đàn áp tự do ngôn luận tại Việt Nam. 

Mà trước đó, 5 Cô đã là nạn nhân của những người đàn ông muốn chứng tỏ cơ  bắp "đàn anh văn nghệ", khi các ông đã tung ra chiến dịch viết bài tới tấp về hiện tượng "5 Con Bọ Ngựa" trên các diễn đàn trong và ngoài nước. Cứ nhìn vào một loạt các bài viết của các "đàn anh" như Trịnh Cung, Nguyễn Viện, Trần Tiến Dũng vv... thì thấy sự ồn ào quanh tập thơ không phải do các cô tạo ra, mà do những người đàn ông liên hệ đến các cô đã tạo ra .

Những người đàn ông này đều là những người đàn ông lớn tuổi, đã có những mối dây và những uy tín nào đó với nhiều cơ quan ngôn luận trong và ngoài nước. Đấy là các ông Nguyễn Viện, Trần Tiến Dũng, Trịnh Cung. Những người đàn ông này đã dùng uy quyền quen biết với các cơ quan ngôn luận để đăng bài đánh bóng tên tuổi 5 cô liên tiếp, liên tiếp. Trong 3 tên tuổi vừa nhắc trên, có lẽ ông Trịnh Cung đã dùng uy thế của mình để gây áp lực trên chiến dịch này mạnh nhất. Trịnh Cung là một hoạ sĩ từ trước đến nay ít dính dáng đến giới thiệu và phê bình văn học, nay bỗng nhảy ra viết bài phê bình và giới thiệu các cô gái trẻ mới bước chân vào văn đàn, như giới thiệu 5 Con Bọ Ngựa, Đỗ Hoàng Diệu trên talawas. Trịnh Cung đã dùng ảnh hưởng giao tế của mình để giới thiệu 5 Cô với nhà in Nhã Nam. Trịnh Cung đã xử dụng mối quen biết lớn của mình để móc nối cho buổi ra mắt của 5 Con Ngựa Trời ở Hà Nội.  Trịnh Cung cũng giới thiệu để đưa bài của Trần Tiến Dũng  viết về 5 Con Ngựa Trời lên báo Người Việt ở hải ngoại.

Ông Nguyễn Viện đã chào hàng các cô như sau:

"Có thể tôi đã không tường thuật đúng những lời phát biểu của từng con bọ ngựa. Nhưng tôi nghĩ cũng chẳng hề gì. Vấn đề là tôi đã thấy như thế, cho dù rất ngộ nhận. Bởi vậy, tôi chịu trách nhiệm về những gì tôi nghĩ và nói ra. Nếu chẳng phải đây là những điều năm con ngựa trời muốn bày tỏ, thì ít ra nó cũng là những điều tôi muốn có ở họ. Có thể giữa tính biểu tượng và sự thật còn rất xa nhau, nhưng ý thức về một cái khác, độc lập, tự do (và không nhất thiết phải là hạnh phúc) đến tận cùng bản năng của họ đủ để sự việc có ý nghĩa.

Hành vi xé xác và ăn thịt người tình của con ngựa trời giống như một hành vi giải phóng đạo đức, giải phóng khái niệm, giải phóng định kiến, giải phóng cái đã có... Sáng tạo là thể tính của cái không. Bởi thế nó từ chối mọi nghĩa vụ. Một nhà văn vẫn có thể là một chiến sĩ văn hóa, cán bộ văn hóa, nhưng không bao giờ là người sáng tạo. Bởi vì sáng tạo không đồng nghĩa với việc thừa hành, tiếp bước và mô phỏng. Sự quyết liệt trong tính cách của con ngựa trời là không làm tình lần thứ hai với cùng một con đực. Nó từ chối khoái cảm cũ, người tình cũ, hành vi cũ. Từ chối là khởi điểm của sáng tạo. Bởi thế, sáng tạo là từ chối mọi sự áp đặt của bất kỳ một mô thức nào. Cho nên những con ngựa trời hậu (môn) hiện (đương) đại (tiện) là cách vượt qua cái giáo điều hậu hiện đại làm duyên làm dáng, cho đến lúc không còn gì để hậu (môn) hiện (đương) đại (tiện) nữa. Sáng tạo là vượt qua cái chết. Bởi thế sáng tạo là không ngừng tái sinh trên sự tàn lụi của cái đã có. Sáng tạo là làm ra mốt, chứ không phải theo cái mốt nhất như các anh cách tân giả cầy. Chỉ những ai giũ bỏ được cái tâm thức bầy đàn mới có thể trở thành người sáng tạo. Cho nên, chúng em không bầy đàn kéo cưa hò xẻ theo tinh thần "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết", "thành công, thành công, đại thành công". Chúng em chơi chung nhưng không chơi tập thể. Mạnh ai người ấy chơi. Xả láng sáng về sớm."

Trên đây là đoạn khúc lộn xộn, cường điệu, tuyên ngôn ẩu tả dùm cho 5 Cô. Sức mạnh của "ý thức độc lập tự do" là những thứ thuốc nổ cực mạnh. Nếu 5 Cô thật sự ý thức được những khái niệm này thì các cô phải tự phô diễn lấy, tự tuyên ngôn, tự đau khổ, tự tranh đấu lấy. Các cô không nên nhờ ông Nguyễn Viện phát biểu dùm.  Để có thể thuyết phục độc giả về danh xưng, chủ đích, và đường lối của một văn nhóm, nhóm 5 Con Bọ Ngựa nên đưa ra một bản đề cương như Mười Điều Tâm Niệm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, như Tuyên Ngôn Của Người Phụ Nữ Da Đen (Black Woman 's Manifesto) ngày xưa. 5 cô nên viết xuống, chứ không phải ông Nguyễn Viện viết xuống. Cách mạng phải là cách mạng của 5 cô, chứ không thể nhờ qua miệng ông Nguyễn Viện để thành cuộc cách mạng "hậu (môn): "nên những con ngựa trời hậu (môn) hiện (đương) đại (tiện) là cách vượt qua cái giáo điều hậu hiện đại làm duyên làm dáng, cho đến lúc không còn gì để hậu (môn) hiện (đương) đại (tiện) nữa.

Nguyễn Viện xử dụng những khẩu hiệu đao to búa lớn như "sáng tạo, cách tân, cái chết, tâm thức bầy đàn, đoàn kết, thành công ... nhiều quá!  Một người viết trân trọng giới thiệu một tác phẩm thì chắc chỉ cần khai thác một chi tiết: Tính sáng tạo của Dự Báo Phi Thời Tiết, cũng đủ để bàn sâu bàn rộng bàn xa tác phẩm một cách nghiêm túc rồi

Tệ nhất ở câu cuối: "Chúng em chơi chung nhưng không chơi tập thể. Mạnh ai người ấy chơi. Xả láng sáng về sớm.". Những câu nói đầy tính khích dục, viết về 5 Cô gái trẻ, nó hàm chứa tính chất "ngôn ngữ xâm phạm" ở chốn công cộng. Biến 5 cô thành những nạn nhân của những lời thô tục (profanity) trong bài viết đầy tính "cường đực" (machoism) của Nguyễn Viện


Ông họa sĩ Trịnh Cung, một người đàn ông đã gần 70 tuổi, giới thiệu 5 cô gái tuổi vừa ngoài 20 tuổi, như thế này:

"Những Con Ngựa Trời . Hôm nay, ngày 28 tháng 8 năm 2005, tại thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông, lễ cúng khai tử những con @ phải gió và lễ rửa tội khai sinh Những Con Ngựa Trời đã được lặng lẽ nhưng không kém phần hoành tráng tiến hành vào giờ hoàng đạo tại Họa Miếu Trịnh Tử, toạ lạc tại lầu 1 chung cư Đồn Điền Cạo Mủ bên bờ bến Nghé.

Nghi thức theo lễ giáo Hậu Hiện Đại nên không dùng nhang đèn, mâm quả, heo sữa quay, gà qué và USD âm phủ, chỉ rượu Tây, mấy con khô mực và vài gói lạc rang. Chủ lễ, Pháp sư Quốc Chính, râu hùm hàm én không để xanh như mọi ngày mà nhuộm đỏ bằng kinh huyết được nhập từ Vương quốc các loài hồ, đầu quấn áo ngực hiệu Triump, tay cầm phất trần bằng xì líp hiệu Véra có lót băng vệ sinh siêu thấm Diana, hàng Việt Nam chất lượng cao, ra hiệu cho Trịnh Tử, Lão Cái bang trụ trì Họa Miếu dâng sớ cầu khai tử thơ hiệu những con @ phải gió sành điệu và trình diện Những Con Ngựa Trời, hay còn có tên thân mật là Đĩ Ngựa, trước vị Chủ tế và Hội Đồng Nghệ Thuật. Ngoài sự vắng mặt của các vị hảo hán: Phan Bá, Vương Quân, Lý Chờ, Bùi Chúa vì lí do ngoài vùng phủ (dụ) sóng, số hiện diện ở hàng chiếu trên gồm có các Thi Thúc, Thi Huynh như: Nguyễn Ziện, Tiến Zũng, Ngộ Nhiên, Minh Có và Mê Tiến, để được cầu chứng.

Pháp sư Quốc Chính gọi tên từng con ngựa trời ra thọ lễ, lần lượt từ Lynh Bacardi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Thanh Xuân và Khương Hà. Sau một hồi khảo sát chân cẳng, giáo mác, nhan sắc và thơ thức của các kiều nữ Ngựa Trời, Hội Đồng Nghệ Thuật dâng lên vị Pháp sư chủ lễ phong thư báo cáo kết quả. Ngài Quốc Chính mở thư bằng chiếc lưỡi dài có khảm đầy hột tiểu le rồi ngửa mặt lên trần nhà hét to 3 tiếng: "Chịu không nổi!". Cả đoàn âm binh cũng đồng loạt hùa theo hô vang: "Chịu không nổi! Chịu không nổi! Chịu không nổi!". Biết đã vượt qua cuộc sát hạch nín thở, 5 con Đĩ Ngựa vui mừng vung các cặp thanh long đao đầy khát vọng múa "điệu cuồng dâm sát thủ" được phụ họa bằng giàn nhạc một cây guitare thùng, chỉ huy bởi Mê Tiến nhạc trưởng - người mà báo V&T cho rằng không biết lấy một nốt nhạc, vừa đoạt giải nhất Ca khúc An Nam.
Buổi lễ được kết thúc tuyệt vời bằng bản Tuyên Ngôn Những Con Ngựa Trời ngày 28 tháng 8 năm 2005 được truyền đạt qua bộ phim có tên "Anatomy of Hell" của Catherine Breillat. Mọi người hân hoan hô vang: "Quá đã những Con Đĩ Ngựa! Quá đã! Quá đã!" trước khi ra về lúc chiều đã tối.

SG, 28 / 8 / 005
Trịnh Cung tường trình tại thành phố Hòn Ngọc VĐ"

Bài của họa sĩ Trịnh Cung viết tường trình theo một giọng văn trớn trá cợt nhã. Ví dụ Nguyễn Quốc Chánh được ông gọi là Pháp Sư Quốc Chính, Lý Đợi được đổi thành Lý Chờ, Thận Nhiên đổi thành Ngộ Nhiên, Nguyễn Hữu Hồng Minh đổi thành Minh Có, Nguyễn Viện được đổi thành Nguyễn Ziện. Nhưng những câu gọi tên 5 Cô gái như " 5 con Đĩ Ngựa, Quá Đã những Con Đĩ Ngựa! Quá đã! Quá đã!" được phát xuất ra từ miệng của một ông già, nói với những cô gái đáng tuổi con cháu mình, là một hình thức "xách nhiễu tình dục" (sexual harassment) có bằng chứng. Nếu một bài viết như thế này xuất hiện ở Mỹ, sau này bất cứ lúc nào một trong 5 cô gái trở mặt, cô ta vẫn có thể dùng bài viết này để kiện Trịnh Cung, ông có thể bi tội to !

Nhưng ở một xã hội như xã hội Việt Nam, các nữ nạn nhân có dám đi kiện, được phép đi kiện, hay được bảo vệ việc kiện cáo bao giờ đâu. Nên người ta đọc và đăng nó lên các diễn đàn và không một ai bày tỏ tính chất nạn nhân bị chòng ghẹo tình dục của 5 Cô gái.

Trịnh Cung đáng bậc cha ông, Nguyễn Viện và Trần Tiến Dũng hàng anh chú. Những người đàn ông này lạm dụng danh hảo là các đàn anh đỡ đầu cho các em gái văn nghệ, nên đã xả ra những câu viết chà xát, hạ giá, biến các cô thành những con búp bê, những động vật gái trong những bài viết của các ông.

Lần nạn nhân thứ ba trong sự kiện này là tính tự động biến thành nạn nhân, hay tự nguyện trở thành nạn nhân của 5 Cô gái.

Người vẽ bức tranh con bọ ngựa không phải là một trong năm cô,  mà chính là ông Trịnh Cung. Ông Trịnh Cung vẽ, ông Trịnh Cung viết. Ông Trịnh Cung là người khích dục dùm cho 5 Cô gái. Nếu quả thật 5 Cô gái đã tình nguyện và cùng đồng ý với những giòng chữ của Trịnh Cung chỉ nhìn các cô như một động vật cái mạnh về chuyện tình dục, thì các cô đã tự nguyện hiến mình thành nạn nhân của những người đàn ông nhìn giá trị người đàn bà chỉ qua cái "giống" của họ.

Tự nguyện trở thành nạn nhân, không phải chỉ một cô mà đến năm cô cùng choàng tay nhau làm móc xích tình nguyện đứng cười toe cho những người đàn ông nào đó chụp hình đưa lên báo, để cho những người đàn ông viết diễu cợt pha chế ngôn ngữ  lạm dụng tình dục mô tả 5 Cô mà không một lời phản đối. Lại còn ủng hộ bằng cách viết dục cùng với họ. Hiện tượng nạn nhân bị mù loà trong sự bị giam cầm, rồi phát triễn một mối tương thân (bonding) với những kẻ giam hãm, thường được các chuyên gia về vấn đề sách nhiễu tình dục gọi là hiện tượng Stockkholm (Stockholm phenomenon). Các nhà tâm lý đã dùng hiện tượng này để mô tả những nạn nhân bị bắt làm con tin rồi lại yêu thương luôn những kẻ bắt cóc mình, hoặc xưng danh đồng tính với đám người này luôn. Đây là triệu chứng dễ thấy ở một số phụ nữ yếu bóng vía, lại bị áp đảo mạnh mẽ về tình cảm, về tình dục, về tiền bạc, từ chồng hay bạn trai của họ.

Những người đàn ông đại diện nhà nước Việt Nam đang cấu kết với những đàn anh đàn chị văn nghệ trong và ngoài nước ăn hiếp 5 Cô! Một mô thức thị oai uy lực cổ điển các băng đảng nam thường dành gái trong xi nê ma của Hollywood vẫn sản xuất, đã được master Trịnh Cung đóng mộc cầu chứng: được truyền đạt qua bộ phim có tên "Anatomy of Hell" của Catherine Breillat. Băng đàn anh văn nghệ thì viết bài và vận động ráo riết để các em gái có thể nổi tiếng nhờ công lao mình đưa lên: "Đây là 5 con gà của bọn tớ. Trình làng."  Băng đàn ông làm chủ đất nước Việt Nam thì ra uy: "Quyền hành thuộc về bọn tớ. Bọn tớ muốn bắt ai cũng được cả.  Làm cái gì được nhau nào." Bà con mau ra xem!  Ra xem!  Vỗ tay! Vỗ tay!  Nào!

Đáng lẽ từ đầu 5 Cô nên chọn một vị thế  độc lập để không trở thành là nạn nhân của ai cả. Khi các cô muốn thành những nhà tranh đấu cho quyền lợi của mình, thì trước hết, 5 Cô nên tự lực làm chủ lấy đường đi đến số mệnh của mình. Để nếu lỡ các cô có rớt, thì sự rớt ấy cũng mang giá trị đã góp phần vào những bước chân đi tới của những người phụ nữ quả cảm dám tranh đấu chống lại áp bức xã hội.

Lê Thị Huệ

(Lưu ý của tác giả: Bài viết này trước đây - lúc đầu - được ký dưới tên Đoàn Thị Thư)

© 2006 gio-o

Phụ Bản:
Những Bài Giới Thiệu Tập Thơ "Dự Báo Phi Thời Tiết"