Phụ Bản:

Những Bài Giới Thiệu Tập Thơ
"Dự Báo Phi Thời Tiết"


 

Bài 1: Trần Tiến Dũng

Trong năm vừa qua, tình hình văn chương Việt Nam nói chung, và Sài Gòn nói riêng ít "buồn ngủ" hơn, hay sôi động hơn năm 20004, với hiện tượng một số người viết trẻ xuất hiện. Sau những dư luận xôn xao về các tập truyện ngắn Bóng Đè của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư, Năm Mười Mười Lăm... của Nguyễn Vĩnh Nguyên... thì vào những ngày cuối cùng của năm, vỉa hè văn nghệ Sài Gòn lại quan tâm đến sự kiện đình chỉ xuất bản và đề nghị thu hồi tập thơ DỰ BÁO PHI THỜI TIẾT.
Ngựa Trời là một nhóm gồm 5 nhà thơ nữ, trong độ tuổi từ năm sinh 1981 đến 1985. Họ gồm có: Thanh Xuân, Phương Lan (còn bút danh khác là eL), Lynh Bacardi, Khương Hà và Nguyệt Phạm. Nhiều phần sáng tác của họ được phổ biến trên website: tienve.org; E-van; và một số các website khác. Họ cũng từng xuất hiện trên các diễn đàn văn chương và tạp chí trong nước, lẫn hải ngoại như Hợp Lưu, Văn, Tạp Chí Thơ... Bản thảo tập thơ DỰ BÁO PHI THỜI TIẾT bị các nhà xuất bản trong Nam từ chối in, hoặc đề nghị cắt xén, biên tập gắt gao. Mãi sau mới được công ty Nhã Nam nhận in qua đường nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Các tác giả được mời ra Hà Nội họp báo và nói chuyện về tác phẩm của mình ở trường viết văn Nguyễn Du. Trước khi các cuộc họp báo và giao lưu xảy ra thì có lệnh ngầm ngăn cấm không được tổ chức những sự kiện này. Báo Người Lao Động (02.01.2006) đăng bản tin sau đây:

  "Cục xuất bản vừa có văn bản đình chỉ xuất bản tập thơ Dự Báo Phi Thời Tiết của nhóm tác giả nữ Ngựa Trời do NXB Hội nhà văn phát hành tháng 12- 2005. Ngoài vấn đề nội dung tác phẩm không phù hợp với văn hoá Việt Nam, ảnh bìa của tập thơ này cũng rất "quái". Hình ảnh 5 tác giả nữ người quấn kín đầu theo kiểu Xác ướp Ai Cập, dán đầy bông băng trên mặt tạo nên hình ảnh kỳ dị... Những "chân dung" quái gỡ đó lại được được sắp xếp theo biểu tượng linga khiến người xem giật mình. Bên trong tập thơ, các nữ tác giả còn xuất hiện trong hình dạng xác ướp với đủ kiểu trang điểm quái dị như khiêu khích người đọc.   Ông Nguyễn Đình Nhã, Cục trưởng Cục Xuất bản, cho biết Cục Xuất bản sẽ tiến hành thẩm định tập thơ này và đề nghị Bộ Văn Hoá Thông Tin cho thu hồi tác phẩm. P.Quyên "
 
Thời gian gần đây, sách của các tác giả Trung Quốc thuộc một thế hệ mới đề cao các vấn đề nhạy cảm như nữ quyền, giải phóng tình dục... được dịch và phổ biến rộng rãi trên thị trường sách vở Việt Nam, nổi bật có các tác giả như Vệ Tuệ, Cửu Đan..., và so với các nhà thơ nữ Sài Gòn kể trên thì các tác giả này không kém phần "quái dị như khiêu khích người đọc", nhưng không một ai có ý kiến gì về việc "không phù hợp với văn hoá Việt Nam". Nhiều người nhận định rằng trong trường hợp DỰ BÁO PHI THỜI TIẾT này, lý do "không phù hợp với văn hóa Việt Nam" không phải là lý do chính, mà nó chỉ là cái cớ để ngăn chặn không cho tập thơ ra đời vì các lý do tế nhị khác như:
 
1/ Tính phê phán về mặt xã hội của tập thơ. So với các nhà thơ chính thống hiện thời thì nhóm Ngựa Trời đã mở rộng biên độ đề tài của các sáng tác ra khỏi các vấn đề bình thường như tình yêu, những xúc cảm cá nhân, chuyện nhân tình thế thái, tự thán, tự trào... Họ chạm đến các vấn đề nhạy cảm khác của xã hội với thái độ đầy ý thức công dân như sự bất công, sự trì trệ và nghèo nàn của đất nước, sự hoang mang và thất vọng trước tương lai, sự nghi hoặc, mất hướng của tuổi trẻ... có khi bằng giọng điệu, ngôn ngữ đầy cay đắng và phẩn nộ của tuổi trẻ. Có khi họ không khôn ngoan tiếp cận và lý giải sự việc bằng kinh nghiệm, nhưng bằng trực cảm của người nghệ sĩ.
2/ Hình thức, kỹ thuật và ngôn ngữ trong thơ của họ rất mới và táo bạo nếu so sánh với các nhà thơ chính thống trong luồng hiện nay. Những chuẩn mực trước đây của một nhà thơ nữ như sự dịu dàng nữ tính, tính lãng mạn, tính duy mỹ (cổ điển)... nhiều phần đều bị thay thế bằng cá tính mạnh mẽ, trực diện với hiện thực, suy tư không né tránh thực tại bằng các biện pháp tu từ hay ẩn dụ... Bạn đọc có thể tìm đọc các tác giả này trong mục tác giả của website tienve.org.
 
3/ Sự e ngại trước các sinh hoạt văn nghệ có tính tập thể. E ngại rằng không thể kiểm soát được như trường hợp nhóm các nhà thơ trẻ Mở Miệng (cũng ở Sài Gòn) ... Người ta có thể thành lập một nhóm nhạc Rock, một nhóm bạn học sinh ngữ, một nhóm sinh hoạt dã ngoại, thậm chí một bút nhóm mang những cái tên và tôn chỉ sân trường vô hại như Ngàn Thông hay Mây Trắng..., nhưng với một nhóm nhà thơ trẻ mang tinh thần cấp tiến, tự do thì lại là một chuyện khác. Họ sẽ bị xem là rất khả nghi, mất định hướng, cần được cho vào khuôn phép, cần được ngăn chặn hay thu hẹp tầm ảnh hưởng-sự tác động, hoặc tốt nhất là sử dụng động thái hư vô hóa sự hiện diện của họ.
4/ Ngoài ra, nếu cho rằng phần hình thức trình bày bìa của tập thơ là "quái dị như khiêu khích người đọc" rồi ngăn cấm thì quả là một ý thức ấu trĩ. Các hình trên bìa là những tác phẩm body-art do họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng thực hiện. Có phải khi người ta không thể hiểu, không thể dung nạp được những ý tưởng sáng tạo mới lạ thì cách tốt nhất là gán cho chúng các khái niệm "quái dị", hay "không phù hợp với văn hóa Việt Nam"? Trong trường hợp bìa tập thơ này thì khả năng liên tưởng và khả năng giật mình của người viết tin trên báo Người Lao Động quả là đáng nể. (Xin xem hình bìa bên dưới).
 

Bìa Dự Báo Phi Thời Tiết
 
Sau cùng, một điều thú vị là trong và sau khi có dư luận sách sẽ bị thu hồi, nhưng trong nhà sách lớn như Fahasa ở Sài Gòn vẫn có để bán tập thơ. Và ở các nhà sách và vỉa hè Hà Nội, tập thơ vẫn được bày bán với giá 18 ngàn, rẻ hơn giá bìa nguyên thủy là 25 ngàn. Có lẽ số sách này là từ nguồn sách được in lậu.
 
Có phải nền văn chương Việt Nam luôn yên tâm với một khí quyển không thay đổi từ bao đời nay mà không cần bất cứ một dạng thời tiết nào khác?
 
 
 
Bài 2: Trịnh Cung

Những Con Ngựa Trời


Hôm nay, ngày 28 tháng 8 năm 2005, tại thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông, lễ cúng khai tử những con @ phải gió và lễ rửa tội khai sinh Những Con Ngựa Trời đã được lặng lẽ nhưng không kém phần hoành tráng tiến hành vào giờ hoàng đạo tại Họa Miếu Trịnh Tử, toạ lạc tại lầu 1 chung cư Đồn Điền Cạo Mủ bên bờ bến Nghé.

Nghi thức theo lễ giáo Hậu Hiện Đại nên không dùng nhang đèn, mâm quả, heo sữa quay, gà qué và USD âm phủ, chỉ rượu Tây, mấy con khô mực và vài gói lạc rang. Chủ lễ, Pháp sư Quốc Chính, râu hùm hàm én không để xanh như mọi ngày mà nhuộm đỏ bằng kinh huyết được nhập từ Vương quốc các loài hồ, đầu quấn áo ngực hiệu Triump, tay cầm phất trần bằng xì líp hiệu Véra có lót băng vệ sinh siêu thấm Diana, hàng Việt Nam chất lượng cao, ra hiệu cho Trịnh Tử, Lão Cái bang trụ trì Họa Miếu dâng sớ cầu khai tử thơ hiệu những con @ phải gió sành điệu và trình diện Những Con Ngựa Trời, hay còn có tên thân mật là Đĩ Ngựa, trước vị Chủ tế và Hội Đồng Nghệ Thuật. Ngoài sự vắng mặt của các vị hảo hán: Phan Bá, Vương Quân, Lý Chờ, Bùi Chúa vì lí do ngoài vùng phủ (dụ) sóng, số hiện diện ở hàng chiếu trên gồm có các Thi Thúc, Thi Huynh như: Nguyễn Ziện, Tiến Zũng, Ngộ Nhiên, Minh Có và Mê Tiến, để được cầu chứng.

Pháp sư Quốc Chính gọi tên từng con ngựa trời ra thọ lễ, lần lượt từ Lynh Bacardi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Thanh Xuân và Khương Hà. Sau một hồi khảo sát chân cẳng, giáo mác, nhan sắc và thơ thức của các kiều nữ Ngựa Trời, Hội Đồng Nghệ Thuật dâng lên vị Pháp sư chủ lễ phong thư báo cáo kết quả. Ngài Quốc Chính mở thư bằng chiếc lưỡi dài có khảm đầy hột tiểu le rồi ngửa mặt lên trần nhà hét to 3 tiếng: "Chịu không nổi!". Cả đoàn âm binh cũng đồng loạt hùa theo hô vang: "Chịu không nổi! Chịu không nổi! Chịu không nổi!". Biết đã vượt qua cuộc sát hạch nín thở, 5 con Đĩ Ngựa vui mừng vung các cặp thanh long đao đầy khát vọng múa "điệu cuồng dâm sát thủ" được phụ họa bằng giàn nhạc một cây guitare thùng, chỉ huy bởi Mê Tiến nhạc trưởng - người mà báo V&T cho rằng không biết lấy một nốt nhạc, vừa đoạt giải nhất Ca khúc An Nam.

Buổi lễ được kết thúc tuyệt vời bằng bản Tuyên Ngôn Những Con Ngựa Trời ngày 28 tháng 8 năm 2005 được truyền đạt qua bộ phim có tên "Anatomy of Hell" của Catherine Breillat. Mọi người hân hoan hô vang: "Quá đã những Con Đĩ Ngựa! Quá đã! Quá đã!" trước khi ra về lúc chiều đã tối.


SG, 28 / 8 / 005 Trịnh Cung tường trình tại thành phố Hòn Ngọc VĐ

Trịnh Cung vẽ Ngựa Trời
 
 
  Bài 3: Trần Tiến Dũng
 
Ôi bắt gặp hình người nghệ sĩ già đang xuống dốc đường Tự Do một chiều. Cái hình đi không nhún nhảy nhưng chân đung đưa, riêng cái đầu là cái chậu sứ nặng, tạo cảm giác tha thiết muốn bể, và trọn điều ông muốn để lại chỉ là cái nón bêrê rất đĩ. Cái hình có cái chậu chứa nước và ánh sáng Sài Gòn thời mãn kinh bước qua vạch đường trắng đục ở góc Tự Do-Lê Thánh Tôn và đôi giày thích bước những bước mất dạy cóc cần biết đô thị đã đổi tên. Hình người nghệ sĩ xém đi lạc khi tìm một cái miệng khác. Trở về với cái miệng của chàng thi sĩ, tổ tiên không bảo vẫn cứ nuôi quanh miệng bộ râu thuốc trừ sâu để đuổi bọn ruồi. Chàng thi sĩ nói: "Phía trước phế tích Sài Gòn là bữa tiệc thơm của rừng." Hình người nghệ sĩ già có bộ râu đã qua gần hết các khúc quành tỉnh táo, hỏi: "Ở đó có gì?" "Có thi sĩ trẻ là ông!" "Ai cắt cái đầu tao." "Vậy là có bọ (đĩ ) ngựa trời."

Hãy cầu nguyện màu xanh đọt chuối hỡi các người! Thần linh không chịu chết của Sài Gòn ngụ khắp ngôn ngữ. Cái đầu chúng ta hiện chói chang trong màu xanh vừa được tắm bởi tinh trùng ngôn ngữ nóng hổi thổi bong bóng. Tất cả ngôn ngữ vỉa hè là thứ tình yêu mà địa ngục cào bấu vào trái tim đang sống nhăn răng bật tiếng nói. Chúng ta sạch từ màu xanh rắn lục, xanh đến mức ngựa trời là hết thuốc chữa. Quá đã! Cái thứ màu xanh đọt người, bàn tay xoa dịu tuyệt vọng, thứ ngôn ngữ này đã bao lần gội đầu cho chúng ta như mẹ.

Tôi từ gốc cây trứng cá ở một góc Sài Gòn đến đây, tôi được chào đón thơm phức nặc nồng bằng cái mùi Sài Gòn của những con ngựa trời. Một thằng cha đi bằng con mắt nước Mỹ ở sau lưng và một gã kè kè cái quan tài bí mật trong quần xà loỏng, cũng hửi thấy mùi dụ khị của chất sền sệt cà rem miệng con nít, sền sệt kem mùi màu lá dứa miệng sồn sồn. Trong tiếng chuông cà rem của cửa miệng ngôn ngữ các con ngựa trời, tôi hửi biết nhịp-giọng hú hí với thời gian Sài Gòn. Đừng nói các con ngựa trời đến từ Lâm Đồng, Đồng Nai... Ngay cả khi lú đầu từ trứng Sài Gòn đi chăng nữa thì các con ngựa trời chỉ đến từ cách bay của cái mùi ngôn ngữ có cánh màu đọt người.

Từ khi tôi bước lên cái cầu thang của ổ rừng không có toa-lét, cục gạch cũ nào cũng hừng hực nóng. Tay vịn vào khoảng trống vách rừng cao nghệu, bà giữ xe bán thuốc lá ở cửa rừng nói: "Chủ nhật mà người chết đâu hết rồi." Tôi ngoái lại và thấy cái xe bán thịt vò viên màu đỏ tươi treo những viên tròn tròn, những cây xúc xích mang bao cao su. Không cần biết cái mặt chuyên chế của gã chủ rừng, tôi qua các hành lang rất chảnh rồi thọc lên cái nghĩa địa ngôn ngữ. Chủ nhật 21/8, tôi thấy mắt những con ngựa trời đang từ từ tung bản năng quyến rũ, thứ cảm xúc lột trần xẻ thịt. Tôi cho rằng những thi sĩ ngựa trời này có khả năng cắt đầu mọi hình thái ngôn ngữ biểu hiện mang bao cao su cho cảm xúc.

Này, Lynh Bacarđi, Thanh Xuân, Khương Hà, Phương Lan, Nguyệt Phạm! Sẽ hằng hà sa số vò viên và cây xúc xích trùm bao cao su cố ngổng lên cho rằng chúng tôi đang đi tìm ý nghĩa thơ của các thi sĩ này. Cái đã là khối mùi nguyên nằm trong ngôn ngữ của ngựa trời thì còn tìm làm gì! Và nếu phải tìm thì chính từ những dòng chảy nặc nồng cảm xúc của những con ngựa trời này dẫn đến thế giới ngôn ngữ loài ngựa trời khác. Cái vứt đi là bài học đắng cay mà ai cũng từng trả bài rằng: ngôn ngữ bao cao su là  thứ thi ca an toàn. Sài Gòn của chúng ta là đất  lành của thể tánh ngôn ngữ con hoang và bản chất thi ca Sài Gòn là đón mừng thứ ngôn ngữ của đường phố vỉa hè trở về. Với những ai còn biết kiêu hãnh! Lúc này Sài Gòn là nơi duy nhất sáng tạo thứ ngôn ngữ hoang đàng. Nếu không có con đường mà những đứa con hoang ngôn ngữ đã mở ra, thi ca - kể cả thi ca chuyên chế - sẽ không có con đường sống.

Con ngựa trời Thanh Xuân thản nhiên vừa xoa đít cô gái trong mơ và đọc thơ. Ngôn ngữ kể lại tình trạng thất vọng mà không hề khoả lấp cảm xúc thách thức niềm ham sống. Và sự tinh tế của thơ Thanh Xuân từ kẹt bề bộn gạch đá tâm hồn luôn biết giấc mơ có nhu cầu nói thật. Cuộc đời nhìn trực diện trong thơ Thanh Xuân chính là bao gồm mọi sự sống mạnh, mỗi lần chơi là chơi trọn và để chinh phục sự trọn vẹn đó, Thanh Xuân thật kiêu hãnh. Thanh Xuân đã đưa tay quẹt cái thứ nước mà cơn sốt ký ức trẻ vừa để lại trên mi mắt. Có khi cô đã nói bằng giọng hồn nhiên đến không màng giấu cặp nanh ngựa trời xanh ngon lành :"Thật chó chết!"


Bên cửa sổ tôi nhìn thấy   Năm đó tôi mơ thấy em mang thai ở tuổi 19 và cần tôi tư vấn cách phóng sinh khi tôi là một bà cô già niêm phong thân thể xử nữ mình trước bọn đàn ông. Bên cửa sổ tôi nhìn thấy thằng tình nhân tuyệt vời lớn hơn 15 tuổi của em đang cần mẫn chuyển vào tài khoản của em một thù lao nho nhỏ    em hí hoáy cười    cũng bõ cho một người mà em đã mê tít Năm đó tôi thấy nó đăng quang với thế giới rằng nó là một thằng đồng tính cần tôi tư vấn cách đăng ký kết hôn mà không rắc rối khi tôi đang tập đánh vần Sở-Tư-Pháp là gì. Bên cửa sổ tôi nhìn thấy một thằng sinh viên thiếu tiền trọ học đang cố nhoè nhoẹt giới tính của mình tưởng tượng tình ái với một ông già bị hoại tử phần-tất-yếu-nhất-của-cuộc-sống Năm đó tôi thấy ả son phấn loè loẹt để dự thi hoa hậu và cần tôi tư vấn cách make up thế nào là style khi tôi chỉ biết nước vo gạo và dưa leo tươi. Bên cửa sổ tôi nhìn thấy một thân thể phì nộn đầy mụn giộp chạy đôn đáo vay tiền để mua mỹ phẩm cào trúng thưởng. Ả nói với tôi ả cần đẹp để mồi chài một thằng đàn ông. Năm đó bên cửa sổ tôi thấy tôi là một giai nhân bất lực.
Con ngựa trời Nguyệt Phạm đến từ góc hình ảnh ngôn ngữ rung động tươi của buổi sáng đô thị có mưa. Ngôn từ Nguyệt Phạm phơi ra đôi cánh phản quang và tự do của ngôn ngữ. Cô bỗng nhiên là gương mặt có cách nhìn háo hức mà ngại ngùng của "Tạm bỏ những ngày buồn như giấy loại." Cái nhìn của tờ giấy loại đã chảy trong mắt Nguyệt Phạm. Tất nhiên là cả hai sẽ "À há!" khi cùng nhận biết à há làm tình với cảm xúc không mang bao cao su là chảy và bay trong đầu không có chỗ đặt chân. Dù sao cô cũng đánh thức cái thực thể chân thật khô.


Mắt giấy   Nhiều khi anh nhìn em bằng đôi mắt giấy Trống rỗng vô hồn   Nhiều khi anh viết gì trên giấy Trống rỗng vô hồn   Nhiều ngày em qua phố Ai nhìn em Ai nhìn nhau bằng những đôi mắt giấy Nung thanh sắt đỏ sau gáy Dán cuộc đời thiển cận   Nhiều khi em đọc được điều gì đó Xuyên qua giấy Nhìn khi em chẳng thấy được điều gì Trên giấy   Mắt giấy, mắt giấy đang nhìn ai trên những cao ốc đô thị   -"Các bạn chú ý! Hãy xử dụng Whisper! Whisper có cánh vào những ngày cuối tháng! Hai lớp siêu thấm! An toàn"   À há!
Trường họp "Loạn động vật" Lynh Bacardi lại thật-nhiên-đau-đớn. Ngôn ngữ của cô lột cởi dễ dàng cái cơ thể trần trụi của đời thường và ham muốn tính dục như ham thở. "Trường họp trời có mưa", không phải như lúc ở phòng tắm coi lại cơ thể của một mối tình. Cô cởi để lên cơn (đồng) và nói và cướp diễn đàn của bọn có giọng tình mang bao cao su. Và bây giờ ta bắt gặp trong "trường hợp trời có mưa" một thứ hoan lạc ngôn ngữ chỉ để làm náo nhiệt cái hoàn cảnh mà sự cô đơn không thể trốn thoát. Sướng!


Loạn động vật   trong trường hợp trời mưa. gã hàng xóm sẽ cho mượn cây dù gia bảo của gã. tiếng uỵch. xe cứu thương. người chạy. quả nhiên. con mẹ hàng xóm vừa tự tử. mặt trời cong queo uốn ván. trong trường hợp chó cắn. bắp tay sưng cục bởi vết chích ngừa. bước đi xiên xẹo. trên nắp cống mục. những con chuột cống giương mắt đỏ lòm. vẫy tay chào đón. bông gòn & thuốc đỏ một bữa nhậu dòi & nước cống. bao tử réo một ngày thịnh soạn. phiền phức với khói bụi nước hoa. một chuyến thám hiểm dưới gan chân. mền gối và căn nhà rỗng tuếch. gã hàng xóm với cây dù lủng. nước tràn. chèm nhẹp các khe nó phát hiện. trên thân thể và ác mộng. thèm thuồng nước bọt nhợt dần trên ngón trỏ. ngày hội lớn. cơn mê loạn tinh thần. buổi đưa tang trong lòng cống. huyên náo mùi mồ hôi. nước thánh trong buổi chiều giả dụ. những lòng thuyền dầy đặc con mắt lờ đờ. lờ mờ hướng đến. dấu sẹo lở chân. gã nghiêng đầu dưới tấm bảng khu phố văn hoá. nghiêng đầu tạ ơn lỗ hổng trên cây dù. tạ ơn nước hoa và nước cống. những vị chuột mến khách. và dòi và tôi.
Cái con ngựa trời dáng mỏng nhất rõ ràng là vẫn có dao (đao) lao vào đêm rạch mặt ngôn ngữ dối trá rồi vào quán "Trổng mắt. Sài Gòn không trà    chanh." Rõ ràng  con ngựa trời này từ từ tháo ngôn ngữ của kẻ khác ra bằng dao nhưng không ăn, ăn tối hay nặng bụng. Phương Lan thui thủi đi về cái xó nào đó và chăm chút nghe mình bằng một lỗ tai. Lỗ tai còn lại chăm chút tìm "Thò  thụt vào   ra thuỗn mặt." Dù chàng thơ nói thật cũng nghẹn cổ. Tuy vậy, bữa ăn tối của con bọ ngựa này vẫn tiến hành. Rồi kéo theo những con bọ ngựa khác có "vùng ký   ức đội lên" và " hát cùng ai nỗi đàn   bà lỡ sinh ra làm que    diêm cho một lần kiệt    cùng cháy đốt mà khói   chẳng thể lên     trời." Đó là ân huệ dành cho chàng thơ, bởi hiển nhiên ngôn ngữ không mang bao cao su sẽ bắn lên và căn phố lầu già xưa hồn nhiên ướt. Nơi chàng thơ luôn luôn khờ, luôn luôn rơi xuống để thấy rằng "Sài Gòn không trà   chanh" là những ngày còn lại không trọi trơ hiu hẩm.


Sài Gòn không trà     chanh   Thò      thụt vào         ra thuỗn mặt ngày chảy        nhão lên ngày ầm ỉ chuồn mất   Vòm Sử Quân Tử uể oải rũ xuống bầy sâu     tơ quá        lứa chờ vô vọng tiếng       thét thốc rạn men chiều Lang thang qua nỗi cô đơn bằng vé       lậu tình yêu   Không ai lao vào       đêm với con dao trong tay rạch mặt nguỵ         ngôn mình để giết được người          trong mộng* Bất lực cắm ngược      dao vào cuống họng lần về tay        không   Ở đâu vùng ký                   ức đội lên lổn nhổn những dấu         tích ung nhọt hát cùng ai nỗi đàn       bà lỡ sinh ra làm que       diêm cho một lần kiệt      cùng cháy đốt mà khói       chẳng thể lên     trời   Đặt bàn tay lên một chỗ       ngồi Rũ     ngất chiều quá chật   Sài Gòn trổng mắt Sài Gòn không trà      chanh.
Những con bò cạp không phải là đối thủ, không phải là tiền kiếp một ngày của Khương Hà. Hình con bò cạp cái là hiện thân của núi rừng âm u  chảy đậm đặc từ thơ và nhỉu ra từng giọt đắng nghét vào thứ thơ bướm bướm, thơ hap-pi-bớt-đê hồng hồng tím tím.... đang bay đầy tuổi trẻ. Sự ham muốn nọc độc không vì chuyện tự vệ. Không một thứ lửa đánh thức nào nóng bỏng bằng thứ độc ngôn ngữ của một con ngựa trời cái trẻ và thơ chỉ là cái cây xăng bơm "Vận tốc tính bằng giây" rồi bật diêm quẹt. Hô biến! Khương Hà là con ngựa trời có giấu trong chỗ rậm tối nhất của thơ mình một con bọ cạp. Mắt đọc thơ, tay nghe hát nhưng cảm thụ bao cao su, làm sao học được bài học về sự phục sinh sau liều nọc độc thâm u!


Những con bò cạp   Những con bọ cạp bò dọc đường đi Thành phố ngày bão bụi Lầm lũi những giấc mơ toang hoác gió khan Lần về miền sương trắng   Những con bọ cạp nối đuôi nhau bò lên sợi tơ giăng giữa rừng thông vắng Hau háu cào phím đàn Sục sạo nghĩa trang từ ngữ Vểnh đuôi cố rã giọng tru lời vô thanh Giương mắt trông theo những người đàn bà gùi mây trên lưng quấn gió trên tóc bay về phía thượng nguồn...   Những con bọ cạp chiều nay cuộn mình lăn theo tảng đá xù xì khô khốc Vận tốc tính bằng giây Sẵn sàng bắn vào khuôn mặt keo kiệt của thời gian những hồ nghi soi mói Sẵn sàng tấn công những bề mặt phẳng lặng nhất của tâm-linh-ngày Để rồi lẩn trốn trong những nếp nhăn của giờ Nép mình vào lỗ hổng của phút   Những con bọ cạp cần mẫn địu giấc mơ mình đi hoang qua các buôn làng heo hút Ở đâu đó chúng dịu dàng châm những lỗ nhỏ lên ngày Rót vào đó thứ nọc độc phỉnh dụ Rồi lặng lẽ bỏ đi...   Ở đâu đó mưa tràn qua đỉnh núi Nhẫn nại chờ một cuộc hành hình   Ở đâu đó sáu dây đàn căng lên tức thở vỡ lồng ngực triền xuân vỡ nỗi buồn mưng mủ Thác đổ vào đêm.
Những con ngựa trời đã trở về và đi bộ ngược hướng đầu dốc đường Tự Do. Nơi duy nhất đủ cao của Sài Gòn có thể treo tiếng chuông thi ca. Đi bộ ngược đường để đối diện những  âm thanh vang nhất, để biết khoảnh khắc mà ngôn ngữ suy yếu là lúc phản chiếu cái hình của người nghệ sĩ già và những chàng thi sĩ ngoài luồng trung niên có râu, không râu đều bạc đít cả. Họ đi hoặc ngồi là chờ ánh sáng biến họ thành những mảnh ngôn từ thuỷ tinh. Sức mạnh của họ chính là sự cảm xúc đối đầu đến run rẩy không cho phép thứ thơ trùm đầu bằng bao cao su xuyên qua. Các nàng búng chân ngữ âm, reo cánh ngữ nghĩa, các nàng cứ tha hồ tinh tế hay vụng về trên những mảnh sáng tối đã tự bể nát, để làm nên sự bén không chần chừ của ngôn ngữ chúng tôi.

Chúng ta thật cô đơn nhưng tầm vóc trơ trơ của chúng ta là cái toàn thể ôm choàng lấy thi ca ý thức. Những con ngựa trời đã trở về cánh rừng ngôn ngữ đường phố Sài Gòn, đó chính là đô thị, nơi những con ngựa trời đang đưa hai cánh tay như một cách chém, như một cách nguyện cầu trước cái miếu thiêng ngôn ngữ Sài Gòn.

                  Ai không đi hết con đường,
                  không xứng với cái chết!
Trần Tiến Dũng
 
 
 
Bài 4: Nguyễn Viện
 
Bí mật của một nụ hôn:

"Thường thì trong chỗ tôi làm, ai cũng tranh thủ vài tiếng đồng hồ nghỉ trưa để ngủ. Như mọi lần, tôi vẫn ngủ ở chỗ của tôi, nghĩa là ngay dưới chân ghế chỗ tôi ngồi làm việc. Trong phòng tôi có ba nữ, một nam. Anh chàng con trai duy nhất cũng ngủ, ngoài những hôm đi nhậu. Và "nó" ngủ tênh hênh ngay trên bàn. Bọn tôi vẫn đùa: "Coi chừng có ngày mi bị bọn tao hiếp". Nó cười khoái trá, dám thì cứ làm, tớ không kiện đâu. Quả thật, trông nó ngủ, rất khiêu khích. Tôi không biết hai con nhỏ kia thế nào, phần tôi vẫn nhìn nó như một thằng nhãi ranh. Thằng nhãi này khí tồn tại não, nên hay nói chuyện bậy bạ. Bọn tôi nhiều khi cũng tò mò hỏi nó "chuyện bậy bạ" bia ôm, đĩ điếm. Nó bảo trăm nghe không bằng mắt thấy, mắt thấy không bằng kinh nghiệm bản thân. Chị nào muốn thử cho biết thì cứ bảo em. Thằng nhãi mất dạy ra điều có giá và từng trải. Nó bảo, mình nó đi với hai em một lúc là bình thường. Con nhỏ MM chắc ở nhà cũng hay xem phim sex, hỏi có giống phim không? Vẫn kiểu ra cái điều, nó nói phim sao bằng tớ. Nghe thế, biết ngay là nói dóc. Trưa nay, tôi ăn cơm về muộn, nhìn thấy thằng nhãi ngủ ngon lành, hai tay kẹp giữa đùi. Tôi chợt nhớ có lần nhìn thấy chỗ gần đáy quần của nó đội lên như một cái lều. Ngủ mơ tôi thấy mình bị nó ôm và xé toang quần áo. Khi tỉnh dậy, cả bọn nhìn tôi cười nắc nẻ. Chẳng lẽ bọn nó đã chui vào trong giấc mơ của tôi? Tôi gườm gườm, tụi bay cười cái gì? Bọn nó bảo thích cười thì cười. Tôi vào toilet soi gương nhìn khuôn mặt mình. Hai bên má tôi có hình hai đôi môi vẽ bằng son. Cứ để nguyên vậy, tôi ngồi lên bàn cầu. Cố nhớ lại giấc mơ. Tôi phát hiện ra một điều, tôi đang tưởng tượng nó xé quần áo tôi... ".

Tối nay N xỉn. Có lẽ mình nàng đã cưa hết một chai Black and White. Nàng gác hai chân lên bàn đạp mấy chiếc dĩa không xuống đất. K cũng ngà ngà bảo anh đừng về, đang vui. Tôi nhìn K muốn tìm một điều gì khác. Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà... Tôi nói nhỏ với K khi TT đang ca vọng cổ, anh muốn đi ra ngoài với em.

K vào toilet, sau đó nàng đi thẳng ra vườn. Tôi đứng dậy tìm K. Ở cuối vườn, tôi hôn K. Chúng tôi hôn nhau, không nói điều gì.

Quay trở lại bàn nhậu, K ôm đàn hát. Ngày nào cho tôi biết, biết yêu anh rồi, tôi biết tương tư... Mọi người ồn lên phản đối, yêu cầu hát nhạc sến. Muốn sến thì có sến. Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm đốt đèn đi tìm đào... Tôi nhìn khuôn mặt K. Xa lạ. N hỏi không nhằm vào ai, có kẻ nào trong các ngươi muốn chết? Không ai trả lời N. Tôi lẳng lặng bỏ đi.

Chuyện không có gì bí mật:

"Em sẽ kể cho anh nghe một chuyện mà 1000 người biết rồi, anh là người số 1001. Nhưng... 1000 kẻ kia là những đứa ngu, chẳng hiểu gì. Không biết con số 1 phía sau thuộc hạng nào?

Dù chúng nó có biết rồi, nhưng với kẻ ngu thì chuyện này vẫn còn nguyên bí mật. Đố anh biết em sắp nói với anh chuyện gì, chuyện gì mà người đàn bà khó nói nhất, là bí mật của em.

Anh thuộc loại nào? Anh đã hiểu ra chưa?

NS".

Đã có 1000 đứa ngu, thì thằng thứ 1001 cũng ngu thôi. Tuy nhiên anh cũng biết điều khó nói nhất của một phụ nữ là khi họ muốn tỏ tình trước, bởi thế anh đoán bí mật của em là: "Em yêu anh".

Quả thật 1000 thằng ngu kia không thể nào hiểu được tại sao em lại yêu anh. Và anh cũng ngu nốt khi không nhận biết được tình yêu của em.

Anh xin hứa trước nhân dân là từ nay sẽ yêu em, nhưng với một điều kiện: Em phải đến gặp anh. Vì anh vẫn thuộc loại "cơ" toàn phần, không phải digital.

NS viết tiếp cho tôi:

"Ít ra anh cũng vừa đủ thông minh để biết rằng em thích anh. "Yêu" thì còn phải chờ, ông mãnh ạ. Anh có biết những thử thách dành cho một người đàn ông khi anh ta muốn nhận phần thưởng là một cô gái không?"

Cũng còn tùy cô gái ấy thuộc loại nào. Nhưng với em, anh biết thử thách đầu tiên là phải đá thằng sếp của em về chỗ ngồi của nó. Điều này khó hơn việc anh phải chiến đấu với một quái vật bốn đầu tám tay, vì theo cẩm nang tán gái, "cự ly" là yếu tố thuận lợi số một. Bởi thế, áp dụng binh pháp vào trường hợp này, anh sẽ "trường kỳ kháng chiến" với chiến thuật "mưa dầm thấm lâu", "nước chảy đá mòn"... cho đến một ngày kia em "giác ngộ cách mạng", "thoát thai quay đường về".

"Hiện thực và huyền ảo đã gặp nhau. Chung qui cũng chỉ vì cái nợ đời. Anh có chờ được tới ngày em mãn kinh không?". NS hỏi.

Tôi bảo cái nợ đời nhân dân chủ nghĩa của anh nó đòi trả ân trả oán trả thù bừng bừng nộ khí từng giây. Chờ đợi bao lâu cũng được, nhưng anh từng giây thất tiết với trời xanh, con tạo. Liệu khi em đến, ý còn mà lực cạn, cái hiện thực mục ruỗng, mà cái huyền ảo lại lung linh thì nợ đời còn đâu chủ nghĩa nhân dân.

"Anh thổ tả, thỏa hiệp tầm phào".

Thế nào là thỏa hiệp? Tất cả những ai sống và hành xử theo lương tâm mình, trong cái tình huống éo le không có trường hợp thứ ba giữa hai thế lực thù địch, lại chẳng chết giữa hai làn đạn.

Tôi nằm xuống, nín thở. Lũ sâu rì rầm dưới mặt đất. Thằng này đã bốc mùi rồi, chắc cũng sắp chết. Tôi vẫn luôn có dự cảm mình sắp chết. Những bóng ma nhảy múa. N đã tỉnh rượu. Những bóng ma biến mất. N bảo để có thể đi qua được phía đầu dây bên kia, anh đừng nhìn ngang. Nhưng tôi vẫn ở tư thế nằm. Tôi hỏi N, em có muốn nằm với anh không? Ba mươi sáu kiểu nằm nhất định là ba mươi sáu kiểu nghệ thuật, chỉ có bọn cơ hội mới cho rằng nằm là đồi trụy. N bảo lũ ngu còn cho rằng nằm là thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, tôi nói nằm thì dễ tránh đạn hơn, nhưng cũng không tránh khỏi bị đánh cùi chỏ vào mạng sườn.

K bảo hà cớ gì anh lại tù mù thế? Không tù mù thì soi đèn cho chúng nó bắn à? Đến một lúc nào đó, nhân cách của người ta sẽ bị đám đông qui định. Nếu không tỉnh táo, người ta sẽ chết vì sự dở hơi ấy. K nói đi uống rượu với em, anh có biết ở Sài Gòn chỗ nào chỉ bán rượu không? Tôi bảo anh chỉ biết chỗ nằm thôi. K bảo vừa uống vừa nằm cũng được.

Tôi và K đổ rượu lên người nhau. Da của K mỗi lúc một đỏ. K như một khối máu hừng hực. Chúng tôi bò trong vũng lầy của dớt dãi cho đến khi mệt lả. Nhắm mắt, tôi thấy lửa cháy từng đám lớn.


Bí mật của những con ngựa trời:

Tổng cộng có 5 con hết thảy, đều là giống cái. Chúng dàn hàng ngang và giương song đao lên, nhưng không phải tất cả đều muốn xung phong (cho em về nhà em ngủ). Mà xung phong để làm cái gì? Chúng vừa muốn thủ tiêu chính mình để phục sinh, vừa muốn ăn thịt con đực đã sinh ra mình để xác tín sự hiện hữu của chúng là độc lập và tự do.

Một buổi trưa rất ngựa. Chúng đã tuyên ngôn về chủng loại và công việc mần thơ của chúng, theo cách hiểu của tôi:

Xét rằng, trên quan tài những con (@) còng queo bọn tao (thanh xuân, phương lan, lynh bacardi, khương hà bùi, nguyệt phạm) ngựa giữa trưa nắng hừng hực bọn tao thích đĩ cho nên đĩ ngựa trên lưng những con còng (số tám) bọn tao là ngũ hành (lạc xoong) trong nghĩa địa đồ vật tái chế xúc (lọ) cảm (mạo) tái chế bọ và sướng tê tái nỗi tuyệt vọng khủng (hoảng) long bọn tao không có quá khứ dậm dật không có hiện tại lang (chạ) băm (bổ) bọn tao là tương (cà) lai (láng) tổ (cò) quốc (tế)   Nay tuyên cáo, bọn tao không phải (@) còng (rất củ chuối) bọn tao là những con ngựa trời, gọi theo kiểu nam bộ miền tây lục tỉnh còn thích ra vẻ là người Hà Nội văn hiến thì cứ gọi là bọ ngựa cũng không chết con tiều nào nhưng nhất thiết phải là (đĩ) ngựa chính chuyên con cháu ngựa (giống) bọn tao giết người tình bằng dao răng cưa và ăn thịt theo một nghi thức tôn giáo và làm thơ làm tình (khuyến mãi hai trong một) bất kể ngày kinh đêm nguyệt cho nên thơ... máu lắm và đầy chất (nhờn) hậu (môn) hiện (đương) đại (tiện)...
Có thể tôi đã không tường thuật đúng những lời phát biểu của từng con bọ ngựa. Nhưng tôi nghĩ cũng chẳng hề gì. Vấn đề là tôi đã thấy như thế, cho dù rất ngộ nhận. Bởi vậy, tôi chịu trách nhiệm về những gì tôi nghĩ và nói ra. Nếu chẳng phải đây là những điều năm con ngựa trời muốn bày tỏ, thì ít ra nó cũng là những điều tôi muốn có ở họ. Có thể giữa tính biểu tượng và sự thật còn rất xa nhau, nhưng ý thức về một cái khác, độc lập, tự do (và không nhất thiết phải là hạnh phúc) đến tận cùng bản năng của họ đủ để sự việc có ý nghĩa.

Hành vi xé xác và ăn thịt người tình của con ngựa trời giống như một hành vi giải phóng đạo đức, giải phóng khái niệm, giải phóng định kiến, giải phóng cái đã có... Sáng tạo là thể tính của cái không. Bởi thế nó từ chối mọi nghĩa vụ. Một nhà văn vẫn có thể là một chiến sĩ văn hóa, cán bộ văn hóa, nhưng không bao giờ là người sáng tạo. Bởi vì sáng tạo không đồng nghĩa với việc thừa hành, tiếp bước và mô phỏng. Sự quyết liệt trong tính cách của con ngựa trời là không làm tình lần thứ hai với cùng một con đực. Nó từ chối khoái cảm cũ, người tình cũ, hành vi cũ. Từ chối là khởi điểm của sáng tạo. Bởi thế, sáng tạo là từ chối mọi sự áp đặt của bất kỳ một mô thức nào. Cho nên những con ngựa trời hậu (môn) hiện (đương) đại (tiện) là cách vượt qua cái giáo điều hậu hiện đại làm duyên làm dáng, cho đến lúc không còn gì để hậu (môn) hiện (đương) đại (tiện) nữa. Sáng tạo là vượt qua cái chết. Bởi thế sáng tạo là không ngừng tái sinh trên sự tàn lụi của cái đã có. Sáng tạo là làm ra mốt, chứ không phải theo cái mốt nhất như các anh cách tân giả cầy. Chỉ những ai giũ bỏ được cái tâm thức bầy đàn mới có thể trở thành người sáng tạo. Cho nên, chúng em không bầy đàn kéo cưa hò xẻ theo tinh thần "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết", "thành công, thành công, đại thành công". Chúng em chơi chung nhưng không chơi tập thể. Mạnh ai người ấy chơi. Xả láng sáng về sớm.

Nguyễn Viện
 
 
 

 Bài 5:  Nhã Thuyên    

 

HỌ ĐÃ SỐNG, VIẾT VÀ DỰ BÁO
Họ làm thơ để truy nguyên bản thể, để sống và phơi bày cách mà họ sống, cách họ ứng xử với cuộc sống, với các hệ giá trị, với Thơ. Hỗn độn, quẫn bách, cuồng loạn và sẵn sàng thách thức. Họ không tuyên ngôn mà hiện hữu trong những cơn ác mộng hỗn độn hoặc chính những cơn ác mộng hỗn độn là hiện hữu của họ, nói như Trần Dần, đó là một chaos, nếu cuốn thốc theo họ, ta biết đó là một chaosharmonie.

Khương Hà

Những tình khúc và tự khúc tồn tại trong một hỗn âm cả Schubert lẫn Chế Linh. “Kẻ si tình vĩ đại” này có thể mê hoặc những người trẻ tuổi lãng mạn tin vào huyền thoại tình yêu “sống trong những giấc mơ đeo bám triền miên như một món nợ tiền kiếp”. Ðôi khi người đọc bật rùng mình trong trò chơi xáo trộn các quân bài cổ tích “Alice bị Lion King ăn thịt vết máu còn tươi”. Ðôi khi có những câu chạm vào ám ảnh tuổi hai mươi về những tình yêu không trọn “Muốn xếp lại hình chiếc li trong tay anh một buổi chiều đầu năm/ Muốn chạm lại nước mắt nào để biết ta đã từng là gì đó trong nhau/ để thấy mình biết khóc”. Ðôi khi ta phải giật mình: “Ta đã đi qua nhau lúc nào? Ở đâu?”. Tuy vậy vẫn là những tình khúc học trò, có khi nhảm nhí, và cơn mộng đẹp không đi ra ngoài lối Vi Thuỳ Linh thời trước. Những nhiễu loạn ý tưởng của Khương Hà giống như những ám ảnh mộng du bị cưỡng hiếp ở tuổi 20 hơn là những đau đớn, thức nhận thực sự.

Những tự khúc của một nốt tròn mang mặt nạ trốn tránh những ánh nhìn soi mói của cuộc đời cũng đồng thời là hành trình để phản tỉnh về lầm lỗi và (tự) trừng phạt. Lối tự họa qua những ám dụ bằng các nốt nhạc không hơn lối làm duyên kiểu Ðông Thi. Một cái Tôi mang ám ảnh về một kiếp đi hoang đánh mất bản thể, có khi thảng thốt vỡ ra, không thể kiêu hãnh như Phương Lan “ưỡn ngực triền xuân nhìn loài người với nỗi buồn mưng mủ” nhưng những sám hối của Khương Hà không thật chân thành. Cô vẫn lạnh lùng gài hoa trắng ai điếu thi thể tuổi thơ.

Khương Hà thuộc kiểu làm thơ chỉ chuyên chú vào cái Tôi, và sẽ chỉ là đáng nói nếu cái Tôi ấy thật sự đáng nói. Ở tuổi này, Khương Hà vẫn chỉ là cái cây có bộ rễ bạo liệt của dục vọng nhưng chỉ uể oải vươn ra những cành lá tầm thường và cho dù có “mệt mỏi ném mình vào con chữ” thì hiện tại con chữ vẫn “điềm nhiên giam tất cả vào một nghĩa KHÔNG GÌ”. Bởi Khương Hà vẫn đang sống và viết với một cái Tôi nhiều chắp vá, dễ dãi.


Nguyệt Phạm

Ðam mê của Nguyệt Phạm sẽ chỉ là một màu nhạt bên cạnh những bức tranh đậm, nhiều gạch xoá, nát nhàu của Phương Lan, Thanh Xuân, nhưng cũng vì thế mà đời thường và dễ chịu hơn. Tôi không thích cách Nguyệt Phạm collage những mảnh đối thoại, những đoạn quảng cáo, những mảng đời sống tẻ ngắt… dù nó phơi bày một thứ văn hoá thực dụng lan tràn, dù nó tố cáo sự trống rỗng của cuộc sống, dù nó là nỗi chán nản “sau sự nổi loạn nửa mùa của những đam mê” vẫn thường xảy tới với tất cả chúng ta. Thế giới sống của Nguyệt Phạm thiếu lực hấp dẫn đến mức cả những giọt nước cũng bất ngờ “trôi tuột khỏi mắt”, như dự cảm bất an về một địa cầu có thể trôi tuột khỏi quỹ đạo thái dương hệ, cho nên cả khi “hợp nhất” mãnh liệt, ái lực của Nguyệt Phạm cũng không mạnh và luôn bị chẽn mạch bởi những tiếng khóc nưng nức lan dài. Thơ Nguyệt Phạm là một hoà tấu day dứt vừa âm vọng nhạc điệu đồng dao với vòng dây trẻ thơ và một thiên đường đã mất vừa muốn xả mình trong nhạc mạnh đổ vỡ của phố xá chen chúc xô bồ. Tình yêu cũng sẽ không thể là giải thoát khi “vòng tay ôm vồ/ bầu không gian phù phiếm đâm nát những ngón tay hoa” khi con người luôn phải một mình nói một mình nghe trong quán lạ khi con người từ trên cao ốc đô thị nhìn nhau bằng những đôi mắt giấy nung rát phía sau.

Chùm “Những người đàn bà trong thành phố” đọc thích hơn cả, những hoảng loạn sâu thẳm của nội tâm vừa ém kĩ vừa bùng nổ trong những chân dung song chiếu, lồ lộ một thiên tính nữ với những giọt nước mắt và những tiếng chửi vẫn chảy và vọng qua muôn thuở kiếp người như số phận:

Người đàn bà vẫn yêu
khóc,
và chửi rủa từ thế kỉ này sang thế kỉ khác


Nguyệt Phạm giản dị, uể oải, như làm người ta chán. Nhưng có một thôi thúc sâu hơn trong chữ nghĩa và trong những ứng xử chật vật nhưng không khuất phục với ngôn từ và cuộc sống:

Hãy viết lên những chữ gọi nhau như từ tiền kiếp
Chúng ta đam mê như ngoài đam mê không là gì khác
Chữ lại bắt đầu cuộc vận hành
Bẻ lái nhọc nhằn
Trong sâu thẳm u tối
.


Lynh Bacardi

Dữ dội như muốn buồn nôn vào tính lãng mạn. Cho nên cũng tự đa mang thân phận “chở thuê” lang thang tìm chỗ ngủ như một kẻ vong thân tha thân nhưng Lynh Bacardi không bi đát mà như luôn thừa bản lĩnh để sẵn sàng cười nhạo vào mọi bi kịch của con người. Một cái Tôi đậm sặc chất đô thị, ở sự quan sát thấu đáo kĩ lưỡng bằng đôi mắt lạnh sắc nhạo báng (nhưng hoàn toàn không phải con mắt dao). Lynh Bacardi đặc sở hữu một thứ thơ thông tấn tàn nhẫn, không thương tiếc thói đa cảm yếu đuối vốn có của nhân tính, khiến người đọc rùng rợn vì những cơn ác mộng hiện hữu vì cái ác và trạng thái phi nhân tính loạn động vật ngổn ngang ở thế giới ta hàng ngày hít thở như một điều bình thường hiển nhiên. Không điêu trá, không tưởng tượng mơ mộng, không chấp nhận nguỵ ngôn, xé toạc những băng keo người ta vẫn dán chặt mắt miệng các nhà thơ, không từ những cảnh nhẫn tâm, sặc sụa ô uế, Lynh Bacardi phất một màn đen tiên cảm sợ hãi như trong phim hành động “The killer comes to town”. Nếu mĩ học không loại trừ cái kinh dị, liệu nó có thể chấp nhận cái khủng khiếp, không phải trong những tưởng tượng lắp ghép quái đản mà trong một không gian thường nhật? Cái khủng khiếp thường nhật mà chúng ta thường cố tình lờ đi để đảm bảo một văn minh của con người. “Loạn động vật”, “Ăn mày”, “Bọc đựng hẹp và sâu”, “Mình xin lỗi L”, “Bẩm sinh”… là những gì thuộc về thế giới ấy .

Có thể có kẻ sẽ bảo: vậy hãy đi làm báo, làm thợ săn ảnh, hoặc làm… cảnh sát! Thực tình là kẻ yếu bóng vía, tôi cũng muốn một cõi tâm bình yên để kính nhi viễn chi hoặc, sung sướng hơn, đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước thế giới ấy. Nhưng với những ngẫu hứng ngôn từ như những bản nhạc Jazz nhiều đổ vỡ bên trong, nhiều đau đớn bên trong, người đọc không khỏi bị nỗi sợ hãi kích động. Không phải cái rùng mình khi nhìn mình biến dạng trong nhà gương mà là nỗi sợ hãi, trực diện, cái thông thường trong một không gian không được lạ hoá, gián cách mà chỉ là một hợp chất đặc đến nỗi như dị thường. Nỗi sợ hãi cái sống. Nó không gây khoái cảm, không tạo khoảng cách để bình an. Ðây, những cảnh chất ngất trước mắt ta: chết chóc, tai nạn, làm tình, ăn mày, giật nảy, nóng như lửa, đổ vỡ…

Ở những bài như “Búp bê chột mắt”, “Lời cho bé yêu” ta gặp một Lynh Bacardi khác, với nỗi thèm khát con trẻ, với những cầu xin trong quẫn bách để lay tỉnh giấc mơ cuồng. Có phải đôi khi Lynh Bacardi cũng hoảng hốt chính mình?

Lynh Bacardi đã dám mở một không gian đáng sợ cho thơ. Ở đây sự hiện hữu của cô là một khẳng quyết: chẳng có gì mới trước ánh sáng mặt trời và chẳng có gì làm cho thơ ca sợ hãi, nhất là không sợ hãi cái ác. Ðó là một phong cách chiến binh.

Phương Lan

Một cái tôi bản năng đam mê đến căng nở cảm xúc, luôn luôn muốn đạt đến đỉnh hoa và vì thế luôn luôn bất định, cô đơn. Cô tìm cách bay vọt lên đỉnh núi để minh chứng cho hiện tồn, xua đuổi người tình rồi lại kiếm tìm quáng quàng một chốn nương thân nhưng biết “sự thật đâm thò lên sưng sỉa những mũi đinh xuyên nát lời yêu hoen rỉ”, rút cục chốn nương thân của con người thời đại này là:

Ðổi bất an này lấy một bất an khác
Chống chênh này lấy một chống chênh khác


Phương Lan luôn là kẻ không thể chừng mực, một kẻ yêu đến huỷ diệt chính mình và chấp nhận huỷ diệt để yêu. Tiuchev đã từng tuyên bố anh em song sinh của Tình Yêu là Sự Tự Sát. Phương Lan không triết lí, Phương Lan nghiệm sinh sự tự sát ấy. Trên đỉnh mùa, Sau lưng là đêm, Yêu nhau ngày chảy máu, Khe lạc xẻ dọc con đường chạy về phía chết… đều là những vần ngạt thở.

Phương Lan thách thức ngay cách đọc của bạn đọc bằng việc chia lìa những từ ngữ vốn tưởng “không gì chia cắt”, lối chia cắt có lẽ đã được học trong thơ Pháp hiện đại, kích thích thị giác-đọc, không phải để tạo những khoảng trống nhiều ý nghĩa mà là tạo ra những đập ngăn cảm xúc tuyến tính. Phương Lan không huỷ diệt trữ tình kiểu Lynh Bacardi mà tạo ra những đứt gãy trữ tình ở chính độ căng xúc cảm. Ðây chẳng hề là một trò chơi vô tăm tích mà là một cách chứng minh tính phi logic của tư duy, xúc cảm và phá vỡ sự ngự trị của thói quen từ ngữ cũ xì. Chẳng có gì khó hiểu nếu lười nhác đọc liền các con chữ đã bị cắt. Nhưng có thể đọc để cảm xúc bị va vào những đập chắn ấy, nhạc điệu bị chững, ta có thể tận hưởng cái thú của để cho cảm xúc không bị mê hoặc mà được thức tỉnh.

Ngôn ngữ thơ Phương Lan giàu sức mạnh biểu hiện, đầy hình tượng với một nồng độ đặc những ấn tượng sex, cuồng loạn, nồng nàn và toàn mãn. Không có một tình yêu kiểu Platon ở thời đại này nhưng hoàn toàn không phải một cuồng vọng dục tính, vật chất. Chính đó là khi cái đẹp khai hoa trong một bản lĩnh ngôn ngữ và nhạc tính độc đáo. Chẳng hạn những câu:

Ðỉnh núi căng Xuân 
Cây đâm sướt vòm Trời.
…Thân cỏ hoang oằnbật bứ nhựa đồng thanh từng cơn tràorạp
Khói ấm ườn mình vươn lên
Cái nhớ quẩn chân như con suối nhỏ

hay những nghịch âm va đập tạo thành những trạng thái sống luôn căng nở.

Ðọc Phương Lan có cảm giác “mệt nhoài nhưng phấn khích hoang dại giữa sa mạc mênh mông” bởi một tín ngưỡng tình yêu lớn lao, mạnh mẽ, dù biết rằng đó chỉ là cách con người vẽ ra những thiêng đường để chết.

Thanh Xuân

Thanh Xuân là một cần ăngten cực nhạy với cuộc sống con người thời hiện đại, một kẻ muốn tiên tri và nói như những sấm truyền, hoàn toàn không mơ mộng về một giấc thanh xuân mà vẽ ra “ảo ảnh núi đá có thể rơi vào một ngày không định trước”. Thanh Xuân “con thoi chính những đam mê của mình“ đến nản nhoài, biết trước đó là một cách hành hình và sẽ đến lúc ngã gục vì kiệt sức vì lưu lạc trong một cộng đồng lưu vong. Bài nào của Thanh Xuân cũng như ngầm một cảnh báo của ngôn sứ, khác với lối cảnh báo trần trụi của Lynh Bacardi, cảnh báo rằng con người có thể giết nhau. Xin đừng!

Hù doạ làm chi hỡi người
Khi dưới chân chỉ là bóng đêm

Bài nào của Thanh Xuân cũng thật đáng nói vì một nhận thức sống ở độ sâu đáng ngỡ ngàng. Có khi những mảng ghép đồng hiện nhiều thời gian, không gian, nhiều cảnh tượng, chẳng hạn như trong “Bên cửa sổ tôi nhìn thấy” làm ta nghĩ đến những mảnh ráp của “Vùng” của Apollinaire. Tuy vậy Thanh Xuân không thể còn cái nhìn điềm tĩnh và một đức tin tôn giáo, dù, hình như Thanh Xuân bị ám ảnh bởi tư duy và xúc cảm tôn giáo.

Thanh Xuân sẵn sàng “vác quá khứ ném vào bầy đàn gương mẫu và ì trệ”, không một lời cầu xin “tha thứ cho tôi không còn biết phép thơ xưa" như chàng thi sĩ Apollinaire, sẵn sàng (và đau đớn, bạo liệt) “rời khỏi bầy đàn âm thầm như cơn bão”. Thanh Xuân dám đứng trên đỉnh dốc, dù biết dưới chân là đêm là vực sâu mà có thể tuột dốc trượt ngã theo đường thẳng đứng lúc nào chẳng hay.

Nhưng “ẩn khúc cầu toàn” là hèn nhát. Thanh Xuân rơi theo một phán quyết từ định mệnh phản kháng để vãn hồi sự sống, dù chỉ là “một tín đồ suốt đời mông muội trong những giáo điều hoang tưởng”. Thanh Xuân sẽ gặp được nhiều tiếng nói đồng điệu từ những người trẻ.

Cuối cùng thì cũng bắt đầu
Cuối cùng thì cũng bắt đầu

Ðó không phải chỉ là một lời sấm.

Người ta sẽ bảo thời đại này hình như đang khai sinh ra một thế hệ thơ điên và các thi sĩ điên. Không phải. Có những tiếng hú gọi từ vô thức nhưng không mê sảng. Họ không có cái hạnh phúc được say sưa trong điên loạn, nhả ra những búng huyết đau thương, hoan lạc và khoái cảm như Hàn Mạc Tử. Họ quẫn bách trong sự tỉnh táo, thậm chí lạnh lùng, trong những hỗn độn đổ vỡ, trong những cuồng vọng cần giải thoát. Họ là những nhà thơ phố phường. Họ ám ảnh bởi một bản thể bị đánh mất và không trọn vẹn. Họ tố cáo sự trống rỗng chán ngắt của tâm hồn. Phơi bày những cơn mộng ác thường nhật của không gian ta vẫn hàng ngày điềm nhiên hít thở.

Có thể tìm để hiểu cách mà họ viết, những thủ thuật cắt dán, đảo chữ, ám dụ, ghép ráp, những cách giễu nhại, cách khai thác tiềm thức, những bí lực, huyễn lực của tâm trạng, tìm hiểu về ngôn ngữ sex, ngôn ngữ đô thị… của thế hệ @ viết thơ trên máy, những thủ thuật họ học trong thơ thế giới đương đại hoặc khám phá bằng chính trải nghiệm ngôn ngữ của mình. Họ đã “túm lấy tu từ vặn nghoẹo cổ/viết như khạc nhổ mọi tu từ” theo cách nói của Trần Dần, viết như thể vuốt râu hùm xám.

Phải chăng họ không bận tâm đến “mĩ học và đạo đức học” như cách của các bậc đàn anh? Họ có lẽ tồn tại riêng của họ và bằng cách ấy họ HIỆN HỮU.

Có lẽ bây giờ họ cần một tiếng vọng, với những lời chân thực, rằng độc giả chờ đợi gì ở họ, vọng tưởng gì từ thơ ca họ, đòi hỏi gì ở họ. Tôi không thích cách các nhà phê bình nghiêm khắc muốn ngâm cho họ vài năm đến nản nhoài rồi đọc cũng chưa muộn, đồng thời cũng dị ứng với những sổ toẹt khuyên họ hãy im lặng.

Tôi nghĩ, thơ họ như những nốt sần ửng đỏ vì những cái Tôi ham/dám cọ xát và dị ứng với thời tiết xã hội. Và đó cũng là một cách dự báo thời tiết, vốn bất thường và nhiều kinh hãi chẳng ai ngờ.

2/1/06

 

Bài 6: Trần Tiến Dũng

 Trò chuyện với 5 “Con Ngựa Trời” về tập thơ “Dự báo phi thời tiết” bị thu hồi tại Việt Nam
Thursday, January 19, 2006
NVT-NguaTroi1.jpg

Trần Tiến Dũng (Thực hiện)

Lời Tòa Soạn: Ðầu tháng 1 năm 2006, Cục xuất bản thuộc Bộ Văn Hóa Thông Tin Việt Nam đã ra quyết định thu hồi tập thơ “Dự báo phi thời tiết” do nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành tại Hà Nội vào tháng 12 năm 2005. Tập thơ này của 5 tác giả nữ đang sống tại Sài Gòn có độ tuổi từ 20 đến 25 gồm: Thanh Xuân, Phương Lan, Lynh Bacardi, Khương Hà và Nguyệt Phạm. Lý do Cục xuất bản thuộc Bộ Văn Hóa Thông Tin đưa ra (theo quyết định số 1/XB-QLXB) là: “Cuốn sách có một số câu thơ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, bị dư luận phản đối. Bìa trình bày phản cảm (bên liên doanh tự ý in bìa không đem nhà xuất bản duyệt).”

Ngay sau khi tin tức này được loan trên một vài tờ báo tại Việt Nam đã tạo nên những cuộc tranh luận về chế độ kiểm duyệt hà khắc và ấu trĩ của Bộ văn hóa thông tin Việt Nam trên các website ở hải ngoại thiên về văn hóa nghệ thuật như Talawas, Tiền Vệ... Tiếc thay, 5 tác giả này dường như không có cơ hội để phát biểu ý kiến của mình về tập thơ bị thu hồi trên các phương tiện truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý. Trên số báo hôm nay, trang Người Việt Trẻ đã có dịp trò chuyện cùng 5 tác giả của nhóm “Ngựa Trời” để quý độc giả có cái nhìn trung thực hơn về những người trẻ tuổi ở trong nước xem họ sống, họ nghĩ, họ viết và hít thở bầu không khí văn chương tại Việt Nam như thế nào. Cuộc trò chuyện dưới đây do cộng tác viên Trần Tiến Dũng của báo Người Việt thực hiện tại Sài Gòn.

Người Việt Trẻ

* Trần Tiến Dũng (TTD): Tâm trạng của các bạn trước lúc đi Hà Nội họp báo ra mắt tập thơ Dự Báo Phi Thời Tiết và “nỗi sợ” của các bạn trước sự kiện tập thơ bị thu hồi ra sao?

- Nguyệt Phạm: Em chuẩn bị làm mẹ nên không đi cùng các bạn ra Hà Nội họp báo. Ở nhà, tâm trạng của em hồi họp chờ đợi để biết biết khía cạnh nào là thành công nhất của tập thơ. Ðến khi nhận được tin tập thơ bị cấm em chưng hửng. Sợ, em không có gì phải sợ! Chỉ thấy lo cho các bạn.

- Lynh Bacardi: Dĩ nhiên là tôi rất vui, vui vì đây là lần thứ hai tôi đến tham quan Hà Nội, và lần đầu tiên tôi cùng ba người bạn thơ đi với nhau trong cùng một mục đích thú vị.

Sự kiện tập thơ bị thu hồi đối với tôi chẳng thể gọi là “nỗi sợ”, vì nó không ám ảnh tôi đến nỗi phải dùng từ đó để diễn đạt. Mà chính xác nên dùng chữ “thất vọng,” bởi cái cách mà những kẻ gác cánh cửa văn chương đối xử với một tác phẩm, và với những tác giả còn rất trẻ.

- Khương Hà: Trước khi ra HN thì tôi chỉ cảm thấy vui vì tập thơ cuối cùng cũng được xuất bản. Việc tập thơ bị thu hồi không gây ngạc nhiên hay sợ hãi gì cho tôi cả, vì tôi biết thể nào cũng có sóng gió nổi lên. Ðiều đó chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện tôi vẫn tiếp tục sống và viết. Chuyến đi này cũng là một dịp để tôi đi chơi và thăm một số bạn bè, không họp báo được thì hơi tiếc, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ với tôi.

- Thanh Xuân: Nói thật anh đừng cười, chứ trước khi tôi ra HN, điều tôi chuẩn bị không phải là mình sẽ nói gì, mà là mình sẽ mặc gì. Tôi mang hai vali quần áo, chỉ với mục đích “chụp ảnh” và mang về khoe với mẹ. Tôi thoải mái lắm, xem văn chương là văn nghệ, không phải đối phó hay học thuộc những gì sắp nói, tôi xem đó như một cuộc “giải lao.” Ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân tới Hà Nội, tại bữa cơm đầu tiên có dịch giả Dương Tường, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng, giám đốc nhà sách Kiến Thức (cũng là người giúp đỡ chúng tôi khá nhiều cho tập thơ) dè dặt và áy náy tuyên bố “Cấm rồi mấy em ơi.” Tôi nói chắc anh không tin, nhưng cá nhân tôi KHÔNG HỀ NGẠC NHIÊN, tôi chỉ lo là lo anh Thắng (công ty Nhã Nam, liên doanh với nhà xuất bản Hội Nhà Văn để xuất bản cuốn thơ) bị lỗ khá nhiều về tài chánh như in ấn, tiếp đãi chúng tôi, đi chơi bời, họp báo, và cả mời khách giùm chúng tôi nữa.

“...Thật ra khi tôi đọc thơ của 5 tác giả nữ này, tôi không thấy yếu tố khiêu dâm ở đây như ai đó nói. Nếu như bảo thơ Lynh Bacardi là tục tĩu thì không phải, chỉ có thể nói thơ của Lynh Bacardi dùng yếu tố tính dục nói lên ẩn ức, chứ không có mục đích là khiêu dâm. Bản thân thơ của cô ta chỉ “có lỗi” ở ngôn ngữ, tôi đọc tập thơ này không hề thấy khiêu dâm. Nếu gọi là “không thuần phong mỹ tục” thì không đến nỗi vậy, làm sao một cuốn thơ có thể gây tác hại xấu như các trang sex trên mạng, các vũ trường, các chương trình game... nó không đến mức phải thu hồi”. Vương Trí Nhàn, người biên tập cuốn “Dự Báo Phi Thời Tiết” (trích VietnamNet ngày 7/1/2006)
- Phương Lan: Tôi lên đường ra Hà Nội họp báo với rất nhiều tin tưởng và hy vọng. Tôi ngây thơ nghĩ rằng thế là cuối cùng mọi việc cũng êm xuôi. Tôi còn tưởng tượng ngày họp báo tôi sẽ đứng bên cạnh các bạn của mình nói những gì, với ai. Trong lòng tôi đầy ắp những dự định mới mẻ. Tôi định điều đầu tiên tôi làm sẽ là được gởi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả những đã luôn ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi ai trong suốt thời gian qua để tập thơ này được ra đời. Khi nghe tin có quyết định thu hồi tập thơ, tôi không đến nỗi choáng nhưng thấy... cụt hứng. Tôi cũng đã có nghĩ đến chuyện này từ trước, nhưng khi xin được giấy phép tôi lại tự cười mình rằng đã quá ảo tưởng. Thế mà hóa ra tôi không mắc bệnh ảo tưởng thật, hóa ra chúng tôi cũng được người ta “để ý” đến thế.

Sợ thì chúng tôi chả sợ gì. Chúng tôi không phạm pháp, không âm mưu. Ai cũng bảo chúng tôi rất dễ thương (mắt chớp chớp). Lúc đó tôi chỉ thấy buồn cười (buồn mà cười) và chẳng biết phải nói gì. Có sợ chăng chỉ là sợ cho hai bác nhà sách tốt bụng đã tất tả đi xin giấy phép, in ấn, phát hành,... (thậm chí còn có ý định trả tiền bản quyền cho thơ) mà giờ sách đã in ra lại không được bán thì... lỗ chổng vó. Ðúng hơn là tôi thấy tội, tội nghiệp cho những người yêu văn chương và vì văn chương ở cái nước mình.

* TTD: Gia đình bạn bè trong giới và ngoài giới của các bạn nghĩ gì về chuyện tập thơ bị thu hồi? Xin các bạn nói qua về áp lực dư luận đó.

- Nguyệt Phạm: Thực ra dư luận không chính thống chia sẻ với bọn em rằng tập thơ có lý do gì đâu mà phải cấm. Nếu cho nội dung có “vấn đề phải cấm” thì phải cấm ngay từ đầu, đằng này cho giấy phép, in ấn, tới khi người ta đi ra phát hành sách thì lại cấm, đó là sự bất công đến mức vô lý. Bây giờ thì em phải chịu đựng cái nhìn dè dặt của người thân và bạn bè, một số dư luận quanh em cho rằng con nhỏ này viết cái gì mà bị cấm. Nhưng tất cả họ hầu như không ai đọc tập thơ đâu mà biết tụi em viết cái gì, họ đọc báo nhà nước nói tập thơ không phù hợp với phong tục tập quán thì tin như vậy, buồn cười hết sức.

- Lynh Bacardi: Bạn bè trong giới văn nghệ vỉa hè thì cho rằng đây là một dịp để chúng tôi hiểu rõ hơn cái thực tế của nền văn chương nước nhà. Họ cũng hi vọng qua sự kiện này chúng tôi sẽ càng có tinh thần độc lập trong sáng tác, và có cái nhìn phóng khoáng hơn trong việc đưa tác phẩm của mình đến với độc giả. Theo tôi, thì hình thức in photocopy vẫn luôn thú vị, tự do. Và hình như nó phù hợp với tâm lý của người nghệ sĩ đích thực hơn, nhất là trong bối cảnh của đất nước này, một đất nước không có chỗ cho kẻ muốn được tự do nói lên điều họ nghĩ, dù chỉ trong văn chương.

Còn những người ngoài giới thì tôi không biết họ nghĩ gì, nhưng tôi hi vọng họ sẽ đọc kỹ “Dự Báo Phi Thời Tiết” trước khi “phán” một câu nào đó, nếu được như vậy, thì ít ra họ cũng đã đối xử công bằng với một tác phẩm.

- Khương Hà: Xin nói ngay là không ai có thể tạo áp lực cho tôi ngoài chính bản thân tôi. Bạn bè tôi bảo, biết đâu chính việc tập thơ bị thu hồi lại gây tò mò và được tìm đọc nhiều hơn. Gia đình tôi thì không bao giờ can thiệp vào chuyện viết lách của tôi cả.

- Thanh Xuân: Mẹ tôi nói văn chương không mang lại cơm áo nên có cấm hay không cấm cũng có hề hấn gì. Bạn bè thì ùn ùn đi hỏi, còn bản nào không bán cho tao với giá 40,000 đồng (giá bìa 25,000 đồng). Vài người thân thiết theo dõi nhiều đến thơ văn của tôi thì chăm chú đọc, săm soi các bài báo, cuối cùng kết luận, thơ Lynh ở trên các website kinh khủng hơn nhiều (tất nhiên tôi không vấn đề gì rồi). Còn đồng nghiệp văn chương thì vẫn phỏng vấn chúng tôi đều đều, nói là nhờ việc đình chỉ mà chúng tôi “sang” hẳn lên, lâu lâu lại đưa ra lời cảm thán không chết ai. Ðó là những gì tôi thấy, còn họ nghĩ gì thì ai mà biết, mà nghĩ gì cũng mặc kệ. Áp lực gì đâu, nếu tôi yêu một người mà người đó không yêu tôi, đó mới là điều đáng nói.

- Phương Lan: Chúng tôi ra Hà Nội mang theo rất nhiều những con mắt đợi của các anh em văn nghệ Sài Gòn. Cũng có rất nhiều người còn ngờ vực về lần “Bắc tiến” đầu tiên này của văn chương Sài Gòn, nhưng cũng có rất nhiều người hy vọng và cổ vũ. Khi tin tập thơ sẽ bị thu hồi lan vào đến Sài Gòn bằng đường... điện thoại tay cầm thì máy tay cầm của chúng tôi cũng rung rinh liên tục. Người thì gọi chia sẻ, khuyên chúng tôi đừng buồn nữa, dù sao cũng đã in ra rồi, ra hiệu sách rồi, thế là ok; người lại nhắn tin bảo thế mới oách sĩ ngựa trời; người bảo đã nói trước rồi, ai bảo chỉ giàu hoang tưởng;... Thú thực những ngày đó ở Hà Nội chúng tôi mỗi người một tâm trạng, có người bị shock, có người bình thản, nhưng ai cũng buồn buồn. Một số phóng viên và các bạn đọc trẻ đã từng đọc chúng tôi trên mạng mà chúng tôi gặp thì tỏ thái độ bực bội và bênh vực chúng tôi. Ðó là những ngày đầy cảm xúc.

“Ở Bắc, gọi là Bọ Ngựa. Ở Nam, là Ngựa Trời. Chúng tôi thích cái tên và Con Ngựa Trời. Vì nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy nó rất đẹp và mạnh mẽ. Nó hoàn toàn tự do, và không bị chi phối bởi bất cứ loài côn trùng nào quanh nó, kể cả Con Ngựa Trời đực. Thậm chí, nếu sau khi làm tình xong, mà nó thấy tâm hồn sảng khoái, nó sẽ nhai luôn đầu con đực một cách chóng vánh.” (Lynh Bacardi giải thích về tên gọi của nhóm “Ngựa Trời.” - trên Website www. Tienve.org).

* TTD: Theo chủ kiến của các bạn thì lý do chính tập thơ bị thu hồi là gì? Các bạn nghĩ gì khi các cơ quan xuất bản cho rằng: “Tập thơ không phù hợp với văn hóa Việt Nam?” các bạn có định “xét lại” quan điểm sáng tác của mình không?

- Nguyệt Phạm: Thực ra cái họ cho rằng tập thơ không hợp với phong tục tập quán chẳng qua chỉ là sự sáng tạo táo bạo mà thôi. Viết ở trong nước phải cân nhắc dè chừng đã là một cực hình, còn thế nào viết cho thỏa mãn yêu cầu “phong tục tập quán” của họ thì tụi em chịu! Có bạn bè cho rằng tập thơ bị thu hồi không phải vì nội dung mà do hình ảnh minh họa trong tập thơ lạ quá. Nhưng ảnh minh họa đâu phải là thơ. Vậy mà không ít người chưa đọc một dòng thơ nào trong tập: “Dự Báo Phi Thời Tiết” vẫn tin theo báo nhà nước. Nhưng dù sao được là đồng tác giả của tập thơ bị thu hồi, kinh nghiệm ấy em thấy cũng thú vị! Còn việc xét lại quan điểm sáng tác thì xin thưa: Không bao giờ!

- Lynh Bacardi: Cho đến nay tôi vẫn chưa hiểu vì sao tác phẩm bị thu hồi, những nguyên nhân mà những người có trách nhiệm đưa ra quá mù mờ và vụng về. Họ là những người ít ra đã trưởng thành ở mặt hình thể, nên theo tôi, nếu họ thật sự muốn những người trẻ tuổi như chúng tôi biết họ cũng đã trưởng thành ở trí tuệ, thì tốt nhất họ nên suy nghĩ, và đưa ra lý do nào thật chính đáng và phải phân tích cặn kẽ lý do đó. Tôi luôn nghĩ vấn đề tự do tư duy, tự do sáng tác của một con người, một nghệ sĩ thì thật quan trọng, và tôi đã viết với tất cả ý thức đó, vì vậy tôi thấy tác phẩm của mình chẳng có “lỗi” gì để phải bị đối xử như vậy. Tất cả những gì tôi viết ra có thể đúng, cũng có thể sai, nhưng đó chính là những điều mà Lynh Bacardi thật sự nghĩ. Và tôi cũng chẳng rảnh, hay dại dột “xét lại” hay thay đổi cái quan điểm tràn đầy sự khinh khoái này của mình.

Còn việc “Tập thơ không phù hợp với văn hóa của Việt Nam,” như vậy, trước tiên họ hãy soạn ra, và cho tôi xem bản “phẩm chất tối ưu của một người công dân nói chung, và một người sáng tạo nói riêng đối với văn hóa của Việt Nam” đi. Tôi sẽ xem cái bản ấy, và tôi sẽ sáng mắt mà hiểu rõ rằng “loại văn hóa nào thì có loại tác phẩm ấy.”

- Khương Hà: Theo tôi, lý do chính là người ta vẫn còn thành kiến không hay với chuyện sex trong văn chương, và e sợ sự vượt tầm kiểm soát , chứ không hẳn là thành kiến với những người viết trẻ như ai đó nói. Thật buồn cười vì người ta cho rằng tập thơ không phù hợp văn hóa Việt Nam, nhưng lại không chỉ ra cụ thể chỗ nào không hợp. Chúng tôi viết về những thứ rất đời thường bằng đúng thứ ngôn ngữ đời thường trong cuộc sống người Việt, nếu cho đó không phải là văn hóa Việt Nam, thì xin hỏi các vị ấy ăn uống ngủ nghỉ làm tình trong không khí và ngôn ngữ của nền văn hóa nào vậy? Bản thân chữ nghĩa thì vô tính, đẹp hay không là do người ta khoác lên cho nó, như khói vậy, bay qua nắng thì có màu vàng, bay trong đêm thì có màu đen.

Cục xuất bản vừa có văn bản đình chỉ xuất bản tập thơ “Dự Báo Phi Thời Tiết” của nhóm tác giả nữ “Ngựa Trời” do NXB Hội Nhà văn phát hành tháng 12-2005. Ngoài vấn đề nội dung tác phẩm không phù hợp với văn hóa Việt Nam, ảnh bìa của tập thơ này cũng rất “quái.” Hình ảnh năm tác giả nữ người quấn kín đầu theo kiểu xác ướp Ai Cập, dán đầy bông băng trên mặt tạo nên hình ảnh kỳ dị... Những “chân dung” quái gỡ đó lại được được sắp xếp theo biểu tượng linga khiến người xem giật mình. Bên trong tập thơ, các nữ tác giả còn xuất hiện trong hình dạng xác ướp với đủ kiểu trang điểm quái dị như khiêu khích người đọc. Ông Nguyễn đình Nhã, Cục trưởng Cục Xuất bản, cho biết Cục Xuất bản sẽ tiến hành thẩm định tập thơ này và đề nghị Bộ Văn hóa thông tin cho thu hồi tác phẩm. (P. Quyên).” (Báo Người Lao Ðộng ngày 02.01.2006)
Còn về chuyện quan điểm sáng tác, thì như tôi đã nói, không ai có thể gây áp lực hoặc thay đổi tôi ngoài chính bản thân tôi.

- Thanh Xuân: Tôi vừa có bài thơ đăng ở báo Doanh nghiệp Chủ Nhật số Tết. Một số bài trong tập “Dự Báo Phi Thời Tiết” cũng đã đăng ở khắp nơi không chỉnh sửa một chữ. Trước đây thì hằng hà sa số. Ngon lành thế thì “quan điểm quá đúng đắn đường lối,” tội tình gì tôi phải xét lại. Một nhà phê bình văn học cho rằng tôi chỉ ở mức trung bình khá, vậy thì phải làm sao để khá giỏi hoặc giỏi xuất sắc chứ. Tôi chưa bao giờ ra nước ngoài, đi học đúng tuổi và tốt nghiệp Ðại học tại VN, đi làm công chức, đóng thuế đầy đủ, giấy chứng minh nhân dân, bằng lái không thiếu cái nào, chưa lần nào vi phạm pháp luật. Tôi dài dòng chỉ để nói một điều hành vi có văn hóa xuất phát từ một tư tưởng có văn hóa, tôi chưa trải qua đời sống ngoại lai nên không có gì là không phù hợp. Vả lại, tập thơ cũng được sự cho phép mới in, chứ đâu có in lậu. Nếu nó không phù hợp văn hóa, thì người duyệt nó chịu trách nhiệm chứ đâu phải chúng tôi. Lý do chính: Không biết, không có, không quan tâm.

- Phương Lan: Theo tôi nghĩ thì người ta khó chịu về chúng tôi qua một vài bài công kích ấu trĩ trên báo chí trước đây và nữa là muốn dằn mặt những người làm văn nghệ cả phi chính thống và cả đang mon men sắp làm phi chính thống. Sau một thời gian “buông thả”, họ giật mình “chết chưa, sơ hở để lọt lưới vài con cá bự, giờ không làm gì để chuộc tội trước khi cộng sổ cuối năm thì toi!”, thế là họ vớ được chúng tôi và mừng húm: “Tóm chúng lại! Tóm chúng lại!”

Chúng tôi đã rất kiên nhẫn để chờ nghe được cái lý do chính đáng từ phía họ, tuy nhiên, khi nghe họ phát cái biểu thì chúng tôi lại bị... cụt hứng hiệp hai. Cái gì gọi là “phù hợp với văn hóa Việt Nam?” Phù hợp với văn hóa Việt Nam nghĩa là chỉ suốt ngày quẩn quanh với cái cày, cái cuốc, con trâu, còn vấn đề về thơ ca, sex siếc và những vấn đề khác của con người thì là vấn đề của thiên hạ thế giới à? Quan điểm sáng tác của tôi là sáng tác chẳng có một quan điểm nhất định gì ráo, có nọc tôi ra mà đánh đòn bắt đổi thì tôi cũng chịu, chả biết đâu mà lần. Tôi chỉ đang giữa những con đường đi tìm con đường của riêng tôi.

* TTD: Lúc này khi dư luận ồn ào quanh sự kiện tập thơ bị thu hồi tạm lắng, bằng trạng thái bình tĩnh, các bạn nghĩ gì về viễn cảnh sáng tác cũng như về việc làm tương lai của mình?

- Lynh Bacardi: Ðơn giản, tiếp tục viết, viết hăng hơn nữa, và khi rảnh rang thì nhớ về sự kiện này như một trò chơi mà mình từng tham gia, nhưng vì đã lỡ tham gia với những người chủ trò kém trình độ nhận thức, kém chuyên nghiệp, và dĩ nhiên không có ý thức độc lập nào trong con người của họ. Tóm lại, tôi hiểu rằng, chỉ có những sân chơi tồi thì mới còn tồn tại những người chủ trò như vậy.

- Khương Hà: Tôi chưa bao giờ mất bình tĩnh, nên cái viễn cảnh sáng tác và việc làm tương lai cũng không có gì xáo động. Tôi vẫn sống, yêu đương, ăn uống, làm việc, và viết lách như bình thường (nghĩa là làm thơ và tiếp tục làm nóng đầu óc để định hình cho cuốn tiểu thuyết của mình).

- Thanh Xuân: Tôi vẫn sáng tác không đều, thờ ơ chểnh mảng, cà rỡn chậm chạp như trước kia. Nhưng thiết nghĩ sau lời mào “Dự báo thời tiết” thì sẽ là gì nhỉ, một kéo mây, một chuyển giông, mưa lâm râm hay một Bão Cấp. Phải chờ thôi.

- Phương Lan: Tôi cũng như các bạn tôi đã chọn một con đường khác ngoài thi ca để câu cơm và sống với thơ như thể ngoại tình. Cái lợi của nó là nàng thơ sẽ không bị nàng áo cơm túm cổ đè ra mà cạo sạch lông mày hay rạch cho nát... mặt. Chẳng biết tôi có thể ngoại tình được đến bao giờ nhưng tôi biết như vậy tôi sẽ chẳng có ngày vì nàng áo cơm mà trở thành một người tình hèn hạ với nàng thơ. Tôi cũng vẫn sẽ là tôi, viết như thốc những gì mình muốn viết chứ không phải uốn éo, lừa mị, cười cầu (tài, tình,...) viết mình những gì người ta muốn đọc. Tôi là người không hay nghĩ to, nghĩ xa đến tương lai, nhưng trong tương lai gần, tôi vẫn tiếp tục viết thơ mỗi ngày trên, trong và giữa những copy quảng cáo, cho đến một ngày giở giời nào đó tôi nhận thấy có lẽ viết thơ lên một chỗ nào khác coi vẻ hấp dẫn tôi hơn. Xin cảm ơn!

* TTD: Cảm ơn sự cộng tác của các bạn!

Trần Tiến Dũng thực hiện

Tháng 1/2006

Thơ của những “Con Ngựa Trời”

* Bên cửa sổ tôi nhìn thấy

Thanh Xuân

Năm đó tôi mơ thấy em mang thai ở tuổi 19 và cần tôi tư vấn cách phóng sinh khi tôi là một bà cô già niêm phong thân thể xử nữ mình trước bọn đàn ông.

Bên cửa sổ tôi nhìn thấy thằng tình nhân tuyệt vời lớn hơn 15 tuổi của em đang cần mẫn chuyển vào tài khoản của em một thù lao nho nhỏ em hí hoáy cười cũng bõ cho một người mà em đã mê tít.

Năm đó tôi thấy nó đăng quang với thế giới rằng nó là một thằng đồng tính cần tôi tư vấn cách đăng ký kết hôn mà không rắc rối khi tôi đang tập đánh vần Sở-Tư-Pháp là gì.

Bên cửa sổ tôi nhìn thấy một thằng sinh viên thiếu tiền trọ học đang cố nhòe nhoẹt giới tính của mình tưởng tượng tình ái với một ông già bị hoại tử phần-tất-yếu-nhất-của-cuộc-sống.

Năm đó tôi thấy ả son phấn lòe loẹt để dự thi hoa hậu và cần tôi tư vấn cách make up thế nào là style khi tôi chỉ biết nước vo gạo và dưa leo tươi.

Bên cửa sổ tôi nhìn thấy một thân thể phì nộn đầy mụn dộp chạy đôn đáo vay tiền để mua mỹ phẩm cào trúng thưởng. Ả nói với tôi ả cần đẹp để mồi chài một thằng đàn ông.

Năm đó bên cửa sổ tôi thấy tôi là một giai nhân bất lực.

* Mắt giấy

Nguyệt Phạm

Nhiều khi anh nhìn em bằng đôi mắt giấy
Trống rỗng vô hồn

Nhiều khi anh viết gì trên giấy
Trống rỗng vô hồn

Nhiều ngày em qua phố
Ai nhìn em

Ai nhìn nhau bằng những đôi mắt giấy
Nung thanh sắt đỏ sau gáy
án cuộc đời thiển cận

Nhiều khi em đọc được điều gì đó
Xuyên qua giấy
Nhìn khi em chẳng thấy được điều gì
Trên giấy
Mắt giấy, mắt giấy đang nhìn ai trên những cao ốc đô thị

- “Các bạn chú ý!

Hãy sử dụng Whisper!
Whisper có cánh vào những ngày cuối tháng!
Hai lớp siêu thấm!
An toàn.”
À há!

Loạn động vật

Lynh Bacardi

trong trường hợp trời mưa.
gã hàng xóm sẽ cho mượn cây dù gia bảo của gã.
tiếng uỵch; xe cứu thương; người chạy; quả nhiên.
con mẹ hàng xóm vừa tự tử.
mặt trời cong queo uốn ván; trong trường hợp chó cắn.
bắp tay sưng cục bởi vết chích ngừa.
bước đi xiên xẹo; trên nắp cống mục.
những con chuột cống giương mắt đỏ lòm; vẫy tay chào đón.
bông gòn... thuốc đỏ
một bữa nhậu dòi... nước cống.
bao tử réo một ngày thịnh soạn.
phiền phức với khói bụi nước hoa.
một chuyến thám hiểm dưới gan chân. mền gối và căn nhà rỗng tuếch.
gã hàng xóm với cây dù lủng; nước tràn.
chèm nhẹp các khe nó phát hiện; trên thân thể và ác mộng.
thèm thuồng nước bọt nhợt dần trên ngón trỏ.
ngày hội lớn; cơn mê loạn tinh thần.
buổi đưa tang trong lòng cống; huyên náo mùi mồ hôi.
nước thánh trong buổi chiều giả dụ; những lòng thuyền dầy đặc con mắt lờ đờ; lờ mờ hướng đến; dấu sẹo lở chân; gã nghiêng đầu dưới tấm bảng khu phố văn hóa; nghiêng đầu tạ ơn lỗ hổng trên cây dù; tạ ơn nước hoa và nước cống; những vị chuột mến khách; và dòi và tôi.

* Sài Gòn không trà chanh

Phương Lan

thò thụt vào ra thuỗn mặt
ngày chảy nhão lên ngày
ầm ĩ chuồn mất

Vòm Sử Quân Tử uể oải rũ xuống bầy sâu tơ quá lứa
chờ vô vọng tiếng thét thốc rạn men chiều
lang thang qua nỗi cô đơn bằng vé lậu tình yêu

không ai lao vào đêm với con dao trong tay
rạch mặt ngụy ngôn mình để giết được người trong mộng
bất lực cắm ngược dao vào cuống họng
lần về tay không

ở đâu vùng ký ức đội lên
lổn nhổn những dấu tích ung nhọt
hát cùng ai nỗi đàn bà lỡ sinh ra làm que diêm cho một lần kiệt cùng cháy đốt
mà khói chẳng thể lên trời

đặt bàn tay lên một chỗ ngồi
rũ ngất
chiều quá chật

Sài Gòn trổng mắt
Sài Gòn không trà chanh.

những con bò cạp

Khương Hà

những con bọ cạp bò dọc đường đi
Thành phố ngày bão bụi
Lầm lũi những giấc mơ toang hoác gió khan
Lần về miền sương trắng

những con bọ cạp nối đuôi nhau bò lên sợi tơ giăng giữa rừng thông vắng
hau háu cào phím đàn
sục sạo nghĩa trang từ ngữ
vểnh đuôi
cố rã giọng tru lời vô thanh
giương mắt trông theo những người đàn bà gùi mây trên lưng quấn gió trên tóc bay về phía thượng nguồn...

những con bọ cạp chiều nay cuộn mình lăn theo tảng đá xù xì khô khốc
vận tốc tính bằng giây
sẵn sàng bắn vào khuôn mặt keo kiệt của thời gian những hồ nghi soi mói
sẵn sàng tấn công những bề mặt phẳng lặng nhất của tâm-linh-ngày

để rồi lẩn trốn trong những nếp nhăn của giờ
nép mình vào lỗ hổng của phút

những con bọ cạp cần mẫn địu giấc mơ mình đi hoang qua các buôn làng heo hút
ở đâu đó
chúng dịu dàng châm những lỗ nhỏ lên ngày
rót vào đó thứ nọc độc phỉnh dụ
rồi lặng lẽ bỏ đi...

ở đâu đó
mưa tràn qua đỉnh núi
nhẫn nại chờ một cuộc hành hình

ở đâu đó
sáu dây đàn căng lên tức thở
vỡ lồng ngực triền xuân
vỡ nỗi buồn mưng mủ
thác
đổ vào đêm.

 

Bài 7: Báo Công An Nhân Dân, Việt Nam

Tập thơ quái đản của nhóm "Ngựa trời"

Cuối tháng 12/2005, trên thị trường sách Tp.HCM và nhiều  tỉnh, thành khác, xuất hiện một tập thơ mang tên "Dự báo phi thời tiết" của 5 tác giả nữ với tên gọi chung là nhóm  "Ngựa trời". Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trong tập thơ này không có những bài, những câu mang nặng tính khiêu dâm, đồi trụy, tục tĩu.

Một trong năm tác giả nữ này là Phạm Thị Thùy Linh, biệt hiệu Lynh Bacardi, sinh năm 1981 tại Lâm Đồng. Tự giới thiệu về mình, Lynh Bacardi đã tuôn ra những câu quái gở như sau: “Một sinh vật có nhiều răng và móng vuốt. Khi thần kinh bị kích động thì thơ tiết ra từ những lỗ chân lông”. Chả thế mà trong bài thơ nhan đề “Chở thuê”, Lynh Bacardi viết: “Tiếng rên rỉ dòng nước trắng ứ bầu vú. Em vật vã cánh cửa mình chưa kịp khép kìa...”. Hay như bài “Đoạn kết”, Lynh Bacardi chắc chẳng còn biết liêm sỉ là gì: “Em mặc cả (...) anh về số lượng”.

Bà Trần Thị Lan, người đã có gần 30 năm dạy môn Văn tại một trường THPT ở Tp.HCM lắc đầu: “Tôi vẫn thường giảng cho các em học sinh, rằng thơ là kết tinh của những cảm nhận về cuộc sống, con người, là những suy tư, trăn trở, hy vọng và tuyệt vọng, khổ đau và hạnh phúc... Nhưng tôi không thể tưởng tượng lại có những dòng thơ tục tĩu đến như thế. Nếu học sinh của tôi đọc được, chúng sẽ nghĩ sao về thơ?...”.

Tuy nhiên, chẳng những đã không nhận ra cái bẩn thỉu, trụy lạc trong những câu chữ được gọi là “thơ”, Lynh Bacardi còn lớn tiếng xuyên tạc các cơ quan chức năng Việt Nam khi được một tờ báo phản động của một nhóm người Việt ở nước ngoài  phỏng vấn: “Sự kiện tập thơ bị thu hồi với tôi chẳng thể gọi là nỗi sợ, mà chính xác là thất vọng, bởi cái cách mà những kẻ gác cánh cửa văn chương đối xử với một tác phẩm...”. Nghe câu trả lời của Lynh Bacardi, người ta lấy làm ngạc nhiên bởi lẽ thu hồi một tập thơ mà nội dung của nó đầy rẫy những câu chữ bẩn thỉu, không chỉ là trách nhiệm của các ngành chức năng, mà còn là yêu cầu của xã hội.

Lật vào những trang trong, chân dung Lynh Bacardi với khuôn mặt dán đầy những hạt hình tròn màu trắng, Nguyễn Thị Phương Lan thì giữa môi là một lằn kẻ dọc, hai bên thái dương chạy đến gần sát đuôi mắt là hai bệt màu, Khương Hà mặt trát nham nhở phấn trắng, còn trên mặt Nguyệt Phạm là nguyên một vệt lớn, kẻ từ chân tóc chạy xuống mắt, xuống cằm. Riêng “nhà thơ” Thanh Xuân, một nửa khuôn mặt dán đầy những mẩu... báo! Đáng tiếc thay, một tập thơ kinh dị như thế, lại được liên kết với Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam in ấn và phát hành.

Thanh Xuân là “nhà thơ” thứ hai mà chúng tôi nêu lên trong bài báo này. 25 tuổi, tốt nghiệp cử nhân kinh tế nhưng dưới mắt Thanh Xuân, sinh viên thay vì là một trong những thành phần ưu tú của xã hội, thì “nhà thơ” lại hạ bút, viết những câu “thơ” như sau: “Bên cửa sổ tôi nhìn thấy một thằng sinh viên thiếu tiền trọ học đang cố nhòe nhoẹt giới tính của mình tưởng tượng tình ái với một ông già...”.

Từ trên xuống, từ trái sang: Khương Hà, Thanh Xuân, Lynh Bacardi, Phương Lan và Nguyệt Phạm.

Anh Nguyễn Văn Nam, người học chung Khoa Tài chính, Tín dụng tại Đại học Kinh tế với Thanh Xuân nhận xét: “Hồi ở trường, bạn ấy có hơi quậy một tí, nhưng không ai ngờ lại quá trớn như thế. Bữa phát hành tập thơ, Thanh Xuân có tặng tụi tôi vài cuốn. Đọc xong chóng mặt. Tôi hoàn toàn đồng ý với việc thu hồi...”. Kim Lan, bạn học chung với Thanh Xuân, lắc đầu: “Đọc mấy câu thơ như “Bên cửa sổ tôi nhìn thấy thằng tình nhân tuyệt vời lớn hơn 19 tuổi của em đang cần mẫn chuyển vào tài khoản của em một thù lao nho nhỏ...”, thì tôi thấy bệnh hoạn hết sức”. Ấy vậy mà khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo phản động hải ngoại, Thanh Xuân vẫn leo lẻo: “Tôi đi học đúng tuổi, tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, đi làm công chức, đóng thuế đầy đủ, giấy chứng minh nhân dân, bằng lái không thiếu cái nào, chưa lần nào vi phạm pháp luật. Tôi dài dòng chỉ để nói một điều: Hành vi có văn hóa xuất phát từ một tư tưởng có văn hóa...”. Chẳng lẽ những câu thơ bệnh hoạn, dung tục, bức chân dung “không giống ai”, lại được coi là có văn hóa, xuất phát từ một... tư tưởng có văn hóa?

“Nhà thơ” thứ ba: Khương Hà, năm nay vừa tròn 21 tuổi. Trong tập “Dự báo phi thời tiết”, ngoài những câu, chữ tối nghĩa, viết ra như thể đánh đố người đọc, Khương Hà không ngần ngại đưa những nhân vật huyền thoại mà cả thế kỷ nay - và hàng bao thế kỷ nữa, vẫn là những nhân vật được cả trẻ con lẫn người lớn say mê, thích thú, vào... dâm thơ: “Công chúa ngủ trong rừng giật mình thức dậy vì bị muỗi cắn. Phát hiện ra tia nhìn thèm khát bất lực của Aladin phía ngoài song cửa sổ vì gã Thần Đèn đang mê mải động phòng với nàng Tiên Cá”. Chao ơi, ông vua chuyện cổ tích Andersen, anh em nhà Grim và cả xứ sở thần thoại Ba Tư nếu có sống lại, chắc sẽ phải ngơ ngác tự hỏi vì sao những nhân vật hiền lành, hướng thiện của mình, lại bị “nhà thơ” Khương Hà trát lên mặt một lớp bùn đen. Ấy vậy mà khi trả lời phỏng vấn, Khương Hà biện minh: “Lý do chính là người ta vẫn còn thành kiến không hay với chuyện sex trong văn chương, và e sợ vượt tầm kiểm soát... Thật buồn cười vì người ta cho rằng tập thơ không phù hợp với văn hóa Việt Nam”. Từ bao đời nay, văn hóa Việt Nam làm gì có những tập thơ mà câu chữ đọc lên thấy buồn nôn: “Chiếc drap trải giường sau cơn cuồng lạc trơ trơ vô cảm giữa mớ hỗn loạn bầy nhầy...”.

“Nhà thơ” thứ tư mà chúng tôi muốn đề cập đến trong tập thơ “Dự báo phi thời tiết”, là Nguyệt Phạm. Tên thật là Phạm Thị Ngọc Nguyệt, sinh năm 1982 tại Đồng Nai và tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, báo chí Trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn Tp. HCM. Cũng như ba “nhà thơ” kia, rải rác trong thơ Nguyệt Phạm, vẫn chỉ là những câu, chữ đại loại như: “Những ngón tay sần lên sục sạo khắp khe hang đồi núi vực sâu”. Trong một bài thơ đề tặng nghệ sĩ saxo Trần Mạnh Tuấn (bài ngẫu hứng Sarxn'Art), Nguyệt Phạm đã ví những khán giả đến nghe tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn, là: “Cầu thang màu rượu đổ ập xuống đầu lũ lợn lao nhao, ngây ngô... Anh già ngồi run đùi, run run đầu trọc, tơ tưởng đến thời son trẻ...”. Riêng đoạn sau cũng của bài thơ này, Nguyệt Phạm viết: “Ở đây toàn dân trí thức. Chẳng có em út đập phá...”. Cách miêu tả ấy trong thơ Nguyệt Phạm đã xúc phạm tới một số nghệ sĩ, không thể không phê phán.

“Nhà thơ” cuối cùng trong tập thơ này là Nguyễn Thị Phương Lan, sinh năm 1981 tại Lâm Đồng, tốt nghiệp Khoa Báo chí Ngữ văn Trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn Tp.HCM năm 2004. Trong các bài thơ của “nhà thơ” Phương Lan, nhiều câu, chữ không thể tìm thấy ở bất kỳ một cuốn từ điển tiếng Việt nào, chẳng hạn như: “bật bứ”, “ngột khởi”... thì lại còn những cái khó hình dung được: “... Là ngày của nàng. Là ngày chảy máu. Cơn đam mê ngột khởi từ hai thân thể trái mùa... Ghìm chặt nhau không chọn ngày". Trả lời phỏng vấn của một tờ báo phản động hải ngoại, “nhà thơ” Phương Lan cho rằng: “Chúng tôi ra Hà Nội mang theo rất nhiều những con mắt chờ đợi của anh em văn nghệ Sài Gòn...”. Chẳng hiểu “những anh em văn nghệ Sài Gòn” mà Phương Lan đề cập đến là ai, khi mà tất cả những nhà văn, nhà thơ tên tuổi, hiện đang sinh sống, làm việc tại Tp.HCM khi được hỏi cảm nghĩ về tập thơ “Dự báo phi thời tiết”, đều có cùng câu trả lời: “Bẩn quá! Không chấp nhận được”.

Tập thơ đã được in và phát hành là điều đáng tiếc. Các cơ quan chức năng đã có quyết định thu hồi tập thơ quái gở này. Mặc dù đã muộn, nhưng nó vẫn là bài học không bao giờ cũ đối với những người trực tiếp làm công tác biên tập, thẩm định và phát hành sau này