phỏng vấn

nhà văn

Đào Trung Đạo

lê thị huệ thực hiện

 

Đào Trung Đạo sinh năm 1940 tại Hà Nội, sống ở Hà Nội cho đến khi di cư vào Sài Gòn năm 1955 cùng gia đình.  Anh định cư ở Miền Nam California từ năm 1982. Đào Trung Đạo là một tên tuổi xuất hiện thường xuyên trên các tờ Văn (Hải Ngoại) của Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng và Văn Học của Nguyễn Mộng Giác trong thời gian cực thịnh của các tờ báo văn chương này nơi Hải Ngoại. Tôi biết các nhà văn chủ bút này rất o bế nhà văn Đào Trung Đạo, để có thể nhận các truyện dịch hoặc các bài điểm sách truyện ngoại quốc của anh. Đào Trung Đạo cũng đã từng đóng góp các truyện dịch, các bài điểm sách, các nhận xét phê bình văn chương Hải Ngoại cho đài Voice Of America ( VOA), Hoa Kỳ, một thời gian dài. Là một người thường xuyên đọc sách Triết và Văn Chương của các tác giả Pháp, Anh, và Đức từ thời trẻ, anh là một người đọc các sáng tác của các nhà văn, triết gia Anh, Pháp Đức nhiều kinh khủng. Đào Trung Đạo một trong số những người tiêu hóa Văn Chương Anh Pháp Đức có hạng, mà tôi đã gặp. Từng là giáo sư trẻ dạy tại Đại Học Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, một ngôi trường đại học quân sự ưu tú bậc nhất huấn luyện sĩ quan cho Quân Lực Miền Nam Việt Nam triều đại (1955-1975), Đào Trung Đạo đã bị tù Cải Tạo Cọng Sản sau khi Cọng Sản Miền Bắc chiếm Miền Nam Quốc Gia năm 1975. Đào Trung Đạo cùng nhà văn Đặng Phùng Quân đã “vượt biên đường bộ” băng qua Cam Bốt thời Cọng Sản chiếm đóng, để đến bến bờ Tự Do ở Thái Lan, rồi sau đó mới định cư ở Hoa Kỳ.  Anh là một trong số những người giúp gầy dựng trang Gió O từ đầu, và ở lại, cho đến nay. (LTH)

    

 

Lê Thị Huệ: Anh em mình – thứ lỗi,  vì đã dùng danh xưng “anh” và “em” để trao đổi câu chuyện văn chương giữa Lê Thị Huệ và Đào Trung Đạo, vì chúng tôi thật sự thân nhau trong tinh thần văn chương qua một thời gian dài kể từ khi nền Văn Chương Hải Ngoại bắt đầu 1975 cho đến nay, khi có cuộc đối thoại này 2018 -  thế mà đã ở với Văn Chương Hải Ngoại từ khi ông Võ Phiến và ông Mai Thảo khởi đầu nền Văn Chương Hải Ngoại này, phải không ?

 

Đào Trung Đạo: Cám ơn Lê Thị Huệ về cách xưng hô thân tình “anh-em” (rất hiếm đối với LTH) cho mối liên hệ đã hơn ba mươi năm. Mối liên hệ đó bắt đầu như thế này: Khoảng năm 1983 trong một cuộc trò chuyện với nhà văn Mai Thảo anh ấy có kể cho anh nghe: hồi làm tờ báo văn nghệ (Đất Mới?) ở Seatle Mai Thảo có nhận được một truyện ngắn ký tên Lê Thị Huệ và kèm theo truyện ngắn này là một cái “note” của tác giả đại ý “nếu đăng thì đăng nguyên văn, không được sửa đổi hay xóa đi một chữ. Bằng không hãy liệng nó vào thùng rác!”. Anh không còn nhớ tên truyện ngắn đó của em đã được Mai Thảo đăng trên Đất Mới. Nhưng anh không thể quên lời của Mai Thảo nói về Lê Thị Huệ với anh: “ghê thật!” kèm theo là nụ cười thật hồn nhiên dễ thương của Mai Thảo. Mấy tháng sau đó quãng gần gần 12 giờ trưa khi anh đang ngồi trong văn phòng làm việc thì nhận được điện thoại của Mai Thảo: “Cậu ra đây ngay đi, có người muốn cậu trình diện! Chúng tôi đang ngồi ở Song Long. Ra ngay đi.” Anh không hỏi anh Mai Thảo ai mà dám đòi anh “trình diện” (“ghê thật!”) nhưng cũng lờ mờ đoán chừng dựa vào “kiểu ăn nói” này. Đấy là lần đầu tiên Đào Trung Đạo gặp Lê Thị Huệ, khởi đầu cho mối liên hệ anh-em đã trên ba mươi năm. Mai Thảo đã mất, và hai anh em mình “vẫn ở” (chữ của Mai Thảo) với Văn Chương Hải Ngoại.

 

Lê Thị Huệ: Anh có nhận xét nào về các cái mốc của Văn Chương Hải Ngoại và những kỷ niệm hay điều nào đáng nhớ ?

 

Đào Trung Đạo: Các mốc của Văn Chương Hải Ngoại? Để đánh dấu các mốc đó có lẽ chúng ta có thể căn cứ vào sự xuất hiện của các tạp chí văn chương (báo giấy), những trang mạng văn chương sau khi các tạp chí văn chương đình bản và những diện mạo văn chương mới. Về tạp chí văn chương (ở Mỹ, không kể ở Âu Châu) có hai tờ VĂN và VĂN HỌC qui tụ nhiều người viết nhất. Tờ VĂN do Mai Thảo “dựng bảng” lại – nhưng cương quyết từ chối danh xưng chủ nhiệm hay chủ biên – còn tờ VĂN HỌC do Nguyễn Mộng Giác đảm nhiệm. Về những diện mạo văn chương mới: vì quan điểm của anh là “Văn Chương Hải Ngoại không phải là sự nối dài của Văn Chương Miền Nam” nên anh chỉ chú ý tới những cây viết “sáng tạo/đam mê/thách đố/trí tuệ” thôi. Phần đông những người viết được biết đến nhiều trước đây ở Miền Nam khi rời quê hương quả thực đã không có đóng góp nào đáng kể cho Văn Chương Hải Ngoại. Nhưng hiện tượng này thì thật mới lạ: những người viết mới của giai đoạn 1980-1990 là những nhà văn phái nữ! Kỷ niệm hay biến cố đáng nhớ? Kỷ niệm đáng nhớ: giao tình với Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng cũng như một vài người viết khác (quen biết thì nhiều nhưng không thân thiết vì anh phải thú thật anh là người “quả giao”). Biến cố có tính cách cá nhân là việc anh cầm bút lại: từ sau 1960 với bút hiệu Thạch Trân trên Sáng Tạo bộ mới anh đã tạm ngừng viết.

 

Lê Thị Huệ: Em nhớ thời Mai Thảo làm tờ Văn, ông năn nỉ anh cho bài dịch các tác giả Anh Ngữ quá trời. Còn ông Nguyễn Xuân Hoàng hô một tiếng là anh giúp bài các tác giả Anh Ngữ ngay . Công lao của anh giúp hai ông này giữ tờ Văn không phải là nhỏ

 

Đào Trung Đạo: Về dịch truyện ngắn cho VĂN: Khi Mai Thảo làm lại tờ tạp chí này ở Mỹ anh thấy có một khoảng trống về việc giới thiệu văn chương quốc tế đến độc giả nên anh nhận lời anh Mai Thảo làm công việc này cho VĂN từ đấy và coi công việc này trước hết như một nhiệm vụ sau đó như một “hobby”. Sau này khi Mai Thảo vì vấn đề sức khỏe trao tờ VĂN cho Nguyễn Xuân Hoàng làm anh cũng giúp Nguyễn Xuân Hoàng như vậy. Còn công lao ư? Theo anh quan niệm một tạp chí văn chương phải có “bài nằm” cho mỗi số báo, trước hết đó là cần thiết tạo tính cách liên tục. Về giới thiệu văn chương toàn cầu: Thú thực anh không đánh giá cao trình độ đa số độc giả văn chương của các tạp chí nên chỉ giới thiệu những nhà văn “dễ đọc” – nhất là những nhà văn Mỹ vì ở nửa sau thế kỷ 20 tiểu thuyết Mỹ chiếm vị trí tiền trường – còn những nhà văn tầm vóc của Mỹ như Thomas Pynchon, William Gaddis, Don deLillo, David Foster Wallace... tuy anh ngưỡng mộ nhưng xem ra có lẽ không hợp với “tạng” độc giả và ngay cả với một số người viết Việt nên không giới thiệu. Anh nghĩ nếu có những người thích đọc những nhà văn anh ngưỡng mộ thì họ đọc nguyên bản tiếng Anh, đâu cần anh giới thiệu. Điều này anh nhận ra vì ngay cả trước 1975 ở Miền Nam cũng vậy, cứ giở một tạp chí văn chương ra là thấy phần văn dịch nào là Sartre, Camus, Sagan... trong khi chính ở Pháp “phong trào” đọc một số những nhà văn này đã chấm dứt từ mười năm trước. Đọc văn theo phong trào là một điều nên tránh. Cũng đừng quá tin vào những giải thưởng văn chương và những người viết mục điểm/giới thiệu sách. Nhất là ở Mỹ có nhiều điều phức tạp lắm.

 

Lê Thị Huệ: Hình như anh là người khai sinh ra cụm từ "Văn Chương Vô Xứ" mà ông Mai Thảo rất thích cụm từ này.

 

Đào Trung Đạo: Thế nào là Văn Chương Vô Xứ: Theo anh, viết phải là viết “ở đây, hôm nay.” Trong ý nghĩa này sau 30 tháng Tư 1975 Thanh Tâm Tuyền trong một bài phỏng vấn sau khi định cư ở Mỹ tự tra vấn bằng câu hỏi, đại khái “Có thể nào viết như không có gì xẩy ra?” Câu hỏi này tự nó đã ngầm chứa câu trả lời. Kể từ sau thảm họa này chúng ta đã không còn xứ sở nữa, phải sống kiếp lưu đầy ở một nơi ngoài quê  hương và cũng lại không thể coi nơi cư ngụ mới là xứ sở thì rõ ràng mình là kẻ vô xứ. Nếu kẻ vô xứ đó viết văn làm thơ thì bản viết mang dấu ấn vô xứ. Vô xứ đã trở thành một ý niệm phổ quát. Từ giữa thập niên 80 trong tâm thế này anh khá tâm đắc với cụm từ “Littérature déplacée” Linda Lê sử dụng, văn chương di vị/địa này theo Linda Lê mang dấu vết của sự mất mát nguyên ủy (trong tập khảo luận Tu écrira sur le bonheur, anh đã dịch đăng trên Gió-O) có nghĩa khá tương tự với Văn Chương Vô Xứ. Cụm từ Văn Chương Vô Xứ nhà văn Mai Thảo rất tâm đắc từ đó mang dấu ấn Đào Trung Đạo. Hơn nữa từ nửa sau thế kỷ 20 sự xuất hiện của những người viết vô xứ (stateless) ghi lại tiếng nói đặc trưng của Văn Chương Thế Giới với khá nhiều những nhà thơ nhà văn tầm vóc. Chính vì vậy anh khá dị ứng với những người viết – nhất là ỡ Mỹ – tự khoanh vùng cõi viết của mình trong “diaspora.” Không những đề tài này [có thể nói khởi đầu với Maxine Hong Kingston] đã mòn cũ, rỉ sét mà còn không phải là một chủ đề văn chương đích thực. Nhận mình là nhà văn thuộc nhóm người thiểu số đồng nghĩa với tự khu biệt, tự sát, vô tình chịu mang cái mặt nạ, cái thòng lọng của những nhà phê bình bản xứ chỉ chờ cơ hội đeo lên mặt hay choàng vào cố mình. Gần đây ở Mỹ có một người viết gốc Việt viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh rất “vênh vang” khi được đeo cái mặt nạ này vì được trao giải Pulitzer! Trong khi đó anh rất quí trọng thái độ của Nam Lê tác giả tập truyện ngắn The Boat (được khá đông các nhà phê bình bản xứ hết lời ca ngợi và được trao vài giải thưởng văn chương cao quí) mới đây đã thẳng thừng tuyên bố hãy vứt quyển sách này vào sọt rác! Đó là một thái độ “xứng mặt nhà văn” và anh hy vọng Nam Lê trong thời gian tới sẽ viết được những tác phẩm văn chương.

 

Lê Thị Huệ: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác lúc còn sống hay dùng cụm từ "Văn Chương Hội Nhập" để chi các nhà văn chuyên viết về các đề tài ở xã hội mà họ sinh sống . Anh nghĩ thế nào ?

Đào Trung Đạo: Chính vì quan niệm như trình bầy ở trên nên anh không đồng ý với cụm từ “Văn Chương Hội Nhập” của Nguyễn Mộng Giác. Văn Chương không bao giờ cần “hội nhập” với bất kỳ cái gì ngoài “hội nhập với chính văn chương.”

 

Lê Thị Huệ: Có thời gian anh dạy chung với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền ở trường Võ Bị Đà Lạt

Đào Trung Đạo: Anh bị gọi động viên từ Khóa 17 Trừ Bị Thủ Đức nhưng được hoãn vì lý do học vấn (làm DES Diplôme d’Études Supérieures tức Cao Học) cho đến Khóa 25 mới phải nhập ngũ. Ở Thủ Đức sau hơn bốn tháng huấn luyện giai đoạn I tuy mới chỉ đeo Alpha (sinh viên sĩ quan) anh được chuyển lên dạy ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt vì trường bắt đầu chương trình 4 năm, sinh viên sĩ quan tốt nghiệp được cấp văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng. Anh bắt đầu dạy các môn Khoa Học Nhân Văn từ Khóa 22B trở đi. Quãng năm 1971 (?) anh Thanh Tâm Tuyền mới đổi lên Võ Bị và làm việc ở Phòng Chiến Tranh Tâm Lý của trường. Anh Thanh Tâm Tuyền không có nhiệm vụ giảng huấn. Thời gian anh ấy ở Võ Bị (khoảng 2 năm) – vì tính anh Thanh Tâm Tuyền khá “quả giao” – nên chỉ chơi thân với một vài người, trong đó thân nhất là “nhân vật” Kiệt và Nghiêm (tên thật của họ ngoài đời khác hẳn) trong truyện dài Một Chủ Nhật Khác, “ông giáo” Thanh (thiếu tá) vì là người cùng quê. Anh, Kiệt (Thủ Đức Khóa 23), Nghiêm (cùng Thủ Đức Khóa 25 với anh, hiện ở California) khá thân. Kiệt hồi đó có vẻ đẹp trai “rất đàn ông”, dạy ở Khoa Anh văn Võ Bị, Đại Học Đà Lạt và Hội Việt-Mỹ (tuy tốt nghiệp kỹ sư ở Philippines và Đức nhưng lại là người nói tiếng Anh xuất sắc, được cử làm thông dịch viên (dịch miệng truyền thẳng vào micro đồng thời với xướng ngôn viên tiếng Việt cho quan khách tham dự người nước Thanh Tâm Tuyền (dĩ nhiên có Nghiêm) ở nhà Kiệt và đấy là lần cuối những người bạn thân với Thanh Tâm Tuyền thời Võ Bị trùng phùng. Chuyện bên lề về tính cách Thanh Tâm Tuyền: Một buổi chiều nọ anh và Thanh Tâm Tuyền sau giờ làm việc ở Võ Bị cùng vài người bạn khác chạy xe ra phố Đà Lạt uống cà phê (để nguyên quân phục, không đeo lon, không vào tiệm cà phê Tùng) mà ngồi ở quán lề đường của Chị Sáu (em ông Tùng). Bọn anh đang ngồi quán thì có ba bốn nữ sinh/viên đến mời “nhà thơ” Thanh Tâm Tuyền dự buổi “văn nghệ bỏ túi” vào ngày Thứ Bảy do mấy cô ấy tổ chức. Và đây là câu trả lời của Thanh Tâm Tuyền: Cám ơn. Tôi là Đại Úy Dzư văn Tâm chứ không phải là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.

 

Lê Thị Huệ: Ủa vậy là nhân vật Kiệt của Một Chủ Nhật Khác của nhà văn Thanh Tâm Tuyền là phản ảnh một người thật trong đời thường sao ?

Đào Trung Đạo: TTT đưa vào Một Chủ Nhật Khác không những nhân vật chính Kiệt mà hầu hết những nhân vật nam nữ khác đều có thật ngoài đời. Chỉ có một chi tiết “không thật” là ở kết thúc quyển truyện Thanh Tâm Tuyền đã cho Kiệt “chết”! Tuy tác giả có toàn quyền thúc truyện như mình muốn nhưng theo anh đoán chừng, có lẽ Thanh Tâm Tuyền làm vậy một là muốn tạm thời “trốn” hai là đã “chán”, bế tắc trong việc viết tiểu thuyết. Ngoài ra anh thấy Thanh Tâm Tuyền vô hình trung vẫn còn quan niệm tác gia tiểu thuyết là “Thượng đế” có quyền sinh sát, một điều anh không đồng ý. Từ giữa thập niên 60 thế kỷ 20 Roland Barthes và Michel Foucault đã đặt cột mốc cho phê bình văn chương hiện đại khi chỉ ra “tác gia đã chết.” Tuy nhiên qua Một Chủ Nhật Khác Thanh Tâm Tuyền đã mô tả được cuộc sống của giới trí thức trẻ trong giai đoạn cuộc chiến sắp tàn lụi.

 

 

Lê Thị Huệ: Trường Võ Bị Đà Lạt là một niềm hãnh diện của chế độ Việt Nam Cọng Hòa 1954 - 1975 . Trường ở vị thế khá đẹp và tuyển chọn những thành phần giáo sư và thanh niên trẻ ưu tú để huấn luyện 4 năm. Anh có thể nói đôi điều về kinh nghiệm dạy ở Võ Bị Đà Lạt?

 

Đào Trung Đạo: Kinh nghiệm dạy học và thời gian ở Võ Bị với anh phải nói là hạnh phúc. Với các Khóa 22A, 23, và 24 về tuổi tác thầy trò cách nhau không nhiều nên dễ có liên hệ gần gũi thân thiện, coi nhau như anh em. Sinh viên Võ Bị rất trưởng thành, có kỷ luật. Mỗi tuần vào Mùa Văn Hóa anh đứng lớp năm buổi sáng. Sau giờ dậy các giáo sư được phép ra thị xã dạy học. Vì thấy lương sĩ quan eo hẹp, khó có thể phụ giúp gia đình được và đa số trước khi bị động viên kiếm tiền khá bằng việc dạy học nên Bộ Tổng Tham Mưu cho phép sĩ quan giáo sư được dạy tư. Với những sĩ quan tuy bị động viên nhưng vẫn được lĩnh “lương sai biệt” vì trước khi vào quân đội họ là công chức nên họ không thấy cần đi dạy học thêm. Nếu không có giờ dạy dân độc thân “tại chỗ” sau giờ làm việc ở trường thường hay ra thị xã ăn uống mua sắm các vật dụng cho nhu cầu hàng ngày, hoặc ngồi quán tiệm như các tiệm Mekong, Nam Sơn... Quãng ngoài 6 giờ chiều đi ăn rồi chuẩn bị mặc “treillis”(đồ trận) vào trường trực gác vì từ sau biến cố Mậu Thân trường “cấm trại” dài dài.  Giáo sư có bài soạn in sẵn phát cho sinh viên và sinh viên được thư viện cho mượn sách tham khảo (phần lớn dịch các sách giáo khoa của Mỹ). Võ Bị có một thư viện khá đầy đủ các sách bằng tiếng Anh cho các môn học. Anh là Trưởng Phân Khoa khoa Khoa Học Xã Hội nên có nhiệm vụ “order” sách từ Mỹ cho thư viện. Nhân dịp này anh đặt mua ngoài các “textbook” ra còn khá nhiều sách văn chương như các tác phẩm của Franz Kafka, Samuel Beckett, James Joyce, William Faulkner ...Cơ sở Võ Bị tân tiến, có Phòng Thí Nghiệm Nặng (duy nhất ở Đông Nam Á), có amphitheatre [Kiệt dạy ở Hội Việt Mỹ nên mượn được khá nhiều phim hay đem vào trường chiếu ban đêm và Thanh Tâm Tuyền rất thú xem những phim này], phòng ốc cho sinh viên và cho các khoa thuộc Văn Hóa Vụ và Quân Sự Vụ đều rộng rãi khang trang. Mối liên hệ giữa các giáo sư Văn Hóa Vụ với nhau và cả với các sĩ quan cấp bậc cao hơn của trường khá nhẹ nhàng, tương kính và thân tình. Thanh Tâm Tuyền đã mô tả cơ sở trường Võ Bị rất chi tiết trong truyện dài Một Chủ Nhật Khác. Thời gian này các sĩ quan phải vào trường trực hằng đêm. Các phiên trực gác với các sinh viên sĩ quan cũng là kỷ niệm đẹp. Sinh viên sĩ quan vốn có khả năng quân sự chuyên nghiệp cao và rất kỷ luật nên khi trực cùng các giáo sư họ không để các thầy phải bận tâm.Thứ Bảy và Chủ Nhật sĩ quan nếu không có phiên trực thì ban ngày không phải có mặt trong trường (anh ở Khách sạn Thủy Tiên 2 do Võ Bị thuê dành cho giáo sư.) Thủy Tiên 2 nằm đối diện cư xá nữ sinh viên ở đường Đoàn Thị Điểm, từ phía ngoài lối dẫn vào là những dãy quán ăn đêm đối diện trường tiểu học Đoàn Thị Điểm bán cháo, miến, xôi gà...nổi tiếng của Đà Lạt.

 

Lê Thị Huệ:   Khi ở Đà Lạt anh còn dạy trung học tư thục Việt Anh. Đời sống ở Đà Lạt thời gian ấy chắc là phải nhiều thú vị

 

Đào Trung Đạo: Anh Th., trưởng khoa Khoa Học Xã Hội (Khóa 1 Nam Định, đồng môn ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn) và anh bắt đầu dậy Triết các lớp Đệ Nhất ở trường tư thục Việt Anh từ 1969 cho đến ngày Đà Lạt di tản. Tính ra anh có cả thảy 7 thế hệ Cô Tú Cậu Tú. Anh Th. dạy môn Luận lý và Đạo đức còn anh dậy Tâm lý cho Đệ Nhất A (Ban Vạn Vật) Siêu hình học cho Đệ Nhất C (Ban Sinh ngữ). Sau do yêu cầu của hiệu trưởng nhất là của học sinh các tư thục khác quanh vùng và của học sinh chương trình Pháp ở Lycée Yersin và Couvent des Oiseaux (đã có Tú Tài I chương trình Pháp nhưng muốn thi cả Tú Tài II cả Pháp lẫn Việt) anh mở lớp riêng (cours particulier) luyện thi môn Triết. Lớp khá đông học sinh. Nhiều kỷ niệm đẹp và đáng nhớ. Học sinh vốn rất sợ môn Triết khô khan, khó nuốt nhưng đó lại là môn thi bắt buộc, có hệ số lớn của bằng Tú Tài II. Và anh đã làm cho môn học này không những không khô khan mà còn hấp dẫn! Học trò của anh rất đỗi ngạc nhiên khi có một GS Triết bề ngoài “khó thương” và phong cách “bụi đời” thường mặc đồ treillis không đeo lon lá đến lớp phụ trách một môn học nghiêm xác. Anh đã tạo một không khí mới cho lớp học và một cách giảng dạy môn Triết khác lạ. Câu đầu tiên anh nói với học sinh: đừng sợ Triết. Học/đọc Triết không khó nếu hiểu rõ từ [ngữ] Triết, nắm được cách đặt và giải quyết vấn đề. Học Triết không phải là “nhai lại, học thuộc lòng.” Sau đó anh gợi ý cho học sinh tự triển khai tư tưởng của mình. Khuyến khích học sinh đọc sách thêm. Anh cũng lấy những thí dụ trong văn chương nghệ thuật để minh họa ý chính làm cho bài học bớt nặng nề. Các lớp riêng của anh thường học vào Thứ Bảy và Chủ Nhật thuận tiện cho các học sinh trường Bùi Thị Xuân, Couvent des Oiseaux và Yersin. Ông hiệu trường một hôm đề nghị anh bắt buộc nữ sinh lớp riêng cũng phải mặc đồng phục như những lớp thường khác hay ít nhất phải ăn mặc đơn giản kiểu nữ sinh truyền thống. Anh phớt lờ đề nghị này. Nhất là với các học sinh Bùi Thị Xuân, Yersin, và Couvent des Oiseaux vốn hàng ngày đã phải mặc đồng phục đến trường nên các thiếu nữ thanh xuân này nhân cuối tuần được dịp mặc đủ các kiểu thời trang rất đẹp mắt. Vì thế khối học sinh lớp riêng của anh trẻ trung vui tươi. Sự thành công của lớp này theo anh nghĩ chính yếu vì học trò học giỏi và chăm (vốn gốc Bùi Thị Xuân là trường công lập và dân Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux làm bài thi sinh ngữ dễ dàng) còn phần nhỏ là do giáo sư nên cuối năm hầu hết đậu Tú Tài II ngay khóa 1. Kỷ niệm dạy học ở Đà Lạt của anh những năm tháng đó thật tuyệt vời. Ủa, theo anh biết thời gian này O Huệ cũng đang học ở Đại Học Đà Lạt mà sao còn “gài bẫy” anh bằng câu hỏi “Đời sống ở Đà Lạt thời gian ấy hẳn phải nhiều thú vị”! Trả lời LTH phỏng vấn phải nhớ luôn luôn “đề cao cảnh giác.”

 

 

Lê Thị Huệ: Em có nghe anh nhắc thời anh làm luận án Cao Học với giáo sư Rene Peltier về triết gia Pháp Maurice Merleau-Ponty. Anh có thể kể lại ám ảnh triết học hơn ám ảnh văn chương này của anh

 

Đào Trung Đạo: Một kỷ niệm khá đẹp trong đời. Thật ra anh muốn viết về Hegel, nhất là về Hữu Thể Luận Hegel trình bày trong tác phẩm đồ sộ Wischenchaft der Logik/Đại Luận Lý. Alexander Kojève, Jean Hyppolite và nhiều triết gia khác đã khai thác Hegel trong quyển Phänomenologie des Geites/Hiện tượng luận Tinh thần rồi. Anh thích viết về Hegel trước hết để có cơ hội đọc triết gia   này sâu hơn, sau nữa vì hai triết gia-nhà văn Georges Bataille và Maurice Blanchot anh ngưỡng mộ rất ưa “cà khịa” với tư tưởng Hegel! Nhưng cả hai giáo sư Michel Piclin và René Peltier đều không “compétent” về Hegel nên GS Peltier gợi ý nếu anh chịu viết về Maurice Merleau-Ponty thì ông ấy có thể nhận làm giáo sư bảo trợ được. Đề tài anh đề nghị là “Le rôle du corps chez Merleau-Ponty” (Vai trò thân xác trong triết lý của Merleau-Ponty). Thời đó làm Cao Học không phải đến lớp, thầy trò làm việc riêng với nhau ở đâu cũng được miễn trình cho trường thời khóa biểu diễn tiến công việc. Kỷ niệm làm việc với GS Peltier khá thú vị: ông đề nghị cứ mỗi hai tuần vào chiều Thứ Bảy gặp nhau tại tư gia của ông ta để thảo luận về luận án. GS Peltier trẻ trung, thân thiện, rất “Parisien”, đam mê diễn kịch và đọc thơ của các thi sĩ Siêu Thực Pháp. Thi thoảng sau khi bàn luận công việc xong vợ chồng GS Peltier mời anh ở lại ăn bữa tối với gia đình giáo sư. Bà Peltier nấu các món ăn Tây rất ngon, lại yêu văn chương, và cả hai vợ chồng đều là những người sành điệu rượu vang Pháp. GS Peltier bắt buộc anh cứ hai tuần lễ phải đọc xong một quyển sách cỡ 150 trang dùng cho việc làm luận án. Thời gian này ngoài làm Cao Học anh còn phải đi dạy học kiếm sống. Xin dạy ở mấy trường trung học công lập thì hầu hết các trường ở Saigon đã có đủ giáo sư Triết rồi (còn hai trường nữ Trưng Vương và Gia Long các vị nữ hiệu trưởng từ chối nhận GS Triết nam còn quá trẻ như anh, lấy cớ không có giờ). Tuy được cắt cử dạy ở trường Sư Phạm Long An và trường Trung học Ngô Quyền Biên Hòa nhưng anh thấy chuyện đi lại không thuận tiện cho việc làm luận án nên anh đi dậy trường tư. Viết luận án nửa chừng anh bị gọi động viên [và cả vụ đàn đúm với bạn bè nữa chứ, tự thú đấy!] cộng thêm một số việc riêng tư khác làm anh chán nản không kết thúc luận án. Vả lại có làm xong đi nữa anh cũng không thích trình luận án trước Hội Đồng Khoa thời gian đó vì vị Trưởng Ban Triết – người tự nhận mình là “con hoang của Sartre” và anh rất kỵ nhau. Bị động viên và được cử lên dạy Võ Bị, anh lên trình diện và nhận công việc khoảng hơn một tháng trước biến cố Mậu Thân. Nhân dịp tết Trường cho phép các giáo sư được về ăn tết với gia đình. Vì thế anh có mặt ở Saigon khi Việt cộng tấn  công vào thủ đô. Mấy hôm sau khi chiến trận tạm lắng dịu các sĩ quan nghỉ phép được lệnh trở lại trường. Quay trở lại Võ Bị anh được chỉ định cùng với các sĩ quan và sinh viên sĩ quan dự những cuộc hành quân tảo thanh Việt cộng quanh Đà Lạt. Lên làm việc ở Võ Bị, bận rộn với những giờ dạy học ở cả Võ Bị lẫn trường tư ngoài thị xã, cộng thêm việc gặp mặt và làm việc với GS Peltier hầu như bất khả nên anh không hoàn tất và trình luận án. Bản thảo luận án thất lạc sau khi anh vào tù cải tạo.

Ám ảnh triết học lấn lướt ám ảnh văn chương? Không hẳn. Có lẽ vì anh chịu ảnh hưởng truyền thống văn hóa Pháp – nhất là với những triết gia như Georges Bataille, Giles Deleuze, Michel Foucault, Jacques Derrida...ngoài Triết ra đều là những người say mê đọc và viết về Văn chương.  Hơn nữa anh cho rằng Văn Chương và Triết học tuy là hai đối thủ nhưng lại đồng hành. Hay nói như Heidegger thi sĩ và nhà tư tưởng cư ngụ trên hai đỉnh núi song song.

 

Lê Thị Huệ: Hình như anh ở tù cải tạo chung với anh Thanh Tâm Tuyền ?

 

Đào Trung Đạo: Anh “trình diện” học tập cải tạo ngày 20/6/1975. Nơi tập trung là một ngôi trường ở Sài Gòn. Quãng 2 giờ chiều mọi người được lệnh cán bộ phải xếp hàng để được “nhỏ mũi nước tỏi”! Vào khoảng 3 giờ sáng hôm sau tất cả được đưa lên xe tải bịt bùng chở đi. Đến nơi chưa 5 giờ sáng và được lệnh “khẩn trương” dọn dẹp thu xếp chỗ ở. Nơi này chính là trại Long Giao trước đây là căn cứ của quân đội Mỹ nay tan hoang cỏ mọc ngập đầu người. Hai hôm sau anh và TTT gặp nhau. “Lán” Thanh Tâm Tuyền ở đối diện chỗ anh ở. Anh và anh Thanh Tâm Tuyêền có đôi ba kỷ niệm khó quên thời đi tù cải tạo: vì anh có một vài “đệ tử” rất tháo vác nên họ xoay sở “tự chế” đồ ăn như từ ruột cá ngừ các “anh nuôi” (tức làm bếp) được phép lấy, trồng bầu bí các thứ rau để “cải thiện”. Một chiều Chủ Nhật nọ nhân anh mới được gia đình “thăm nuôi” có mấy lon gạo trắng nên đệ tử của anh nấu được một nồi cháo ruột cá ngừ thơm phức! Anh qua rủ Thanh Tâm Tuyền sang thưởng thức món này và anh ấy rất thích thú. Một bữa khác Thanh Tâm Tuyền đưa tặng anh bản viết “Bài thơ thuốc lào” (sau này khi đã sang Mỹ anh đưa cho Mai Thảo giữ) và cho xem tờ giấy nhầu nát chép tay bản nhạc Một Mùa Xuân Mới của Văn Cao. Thanh Tâm Tuyền buồn rầu nói: “Văn Cao vẫn quá thơ ngây!” Trước Tết năm đó Thanh Tâm Tuyền cùng với các sĩ quan được Việt công xếp vào loại “có nhiều tội ác với nhân dân” (sic) từ mờ sáng khi trời còn đang mưa mịt mù bị chuyển trại. Để kỷ niệm thời gian này anh có bài thơ “Thời triệt hủy thi sĩ” (trong chuỗi Những Mùa Xuân Tử Sinh) để kỷ niệm những ngày ở Long Giao với và lúc chia tay Thanh Tâm Tuyền:

thời triệt hủy thi sĩ

 

mù tỏa mưa bay đêm cuối xuân

trong buốt giá tù chuyển trại

chập chờn những bóng ma tội đồ

còng lưng đu bám bùn trơn trượt

quăng thân xác quăng cuộc đời vào trong lòng những chiếc xe âm phủ

lặng câm vuốt lớp sương tẩm độc

trên tóc trên mắt trên má trên môi

xá chi một địa danh sẽ tới, khi

trên đất nước không còn là quê hương này

ngập ngừng vẫy tay tiễn bạn trong bóng tối

biết rằng từ đây lời từ biệt nào cũng đều vô nghĩa

quay  mặt trân trối ngó mênh vào đêm 

mơ hồ lắng nghe tiếng chim lạc bầy

hoảng hốt réo gọi bóng tối  

thì thôi từ nay khổ đau đã là bất tận

khi  nước mắt đã chảy ngược tim người

 

                   (nhớ TTT /Trại tù Long Giao 1977)

 

Một vài kỷ niệm khác của Thanh Tâm Tuyền em có thể đọc lại trong “Bài Ai Điệu Cho Thanh Tâm Tuyền” anh viết đã đăng trên Gió-O nhân ngày anh ấy từ trần.

 

Lê Thị Huệ: Anh nói không đánh giá cao độc giả văn chương của các tạp chí tiếng Việt nghe sao buồn quá. Cho dù thực tế như thế nào thì chúng ta lỡ “engage” vào cuộc chơi văn chương tiếng Việt. Mỗi người bày ra một tác phẩm cho mình. Áo đẹp của nàng/chàng đâu hãy cứ khoe đi. Còn chợ đời thì để gió thổi mây bay theo định mệnh của nó. Em nghĩ vậy.

 

Đào Trung Đạo: Đánh giá của anh là đối với những tạp chí văn chương in giấy trong quá khứ. Và thực tế là những tạp chí này đã không sống nổi, phải lần lượt đình bản dù cho các vị chủ biên cố gắng hết sức. Anh biết Nguyễn Xuân Hoàng khi bắt buộc đình bản tờ Văn vẫn còn “ôm” một món nợ không nhỏ. Cũng theo lời một chủ biên thì tạp chí phải đi tìm người đọc một cách khá tuyệt vọng trên “mênh mông biển cả.” Thời xưa trước 75 người đọc chờ đợi ngày đầu tiên tờ tạp chí mình yêu thích ra để mua ngay về đọc. Ngày nay lớp độc giả tha thiết với văn chương quá hiếm hoi. Và còn trình độ độc giả nữa chứ. Chính một vị chủ biên nọ khi anh đưa đăng những bài khảo cứu có trình độ “hơi” cao đã ngần ngại nói với anh rằng “đa số độc giả bây giờ trình độ học vấn chỉ quãng lớp 9!” Nhưng vì chúng ta đã “engaged” vào “cuộc chơi văn chương” như em nói thì thôi cứ viết, viết thật hay, còn về độc giả thì mình không có quyền chọn lựa. Tuy nhiên anh nghĩ tình cảnh hôm nay có thể sẽ khác trước. Anh hy vọng chúng ta đang có một lớp độc giả mới – những người trẻ hãy còn yêu mến tiếng Việt – trong và ngoài nước, nhất là những người trẻ trong nước còn “yêu thích văn chương.”

 

Lê Thị Huệ: Theo anh một độc giả nghiêm chỉnh ngày nay nên đọc những quyển tiểu thuyết nào? Khi mà trong cánh rừng rậm thế giới đang mở ra trùng trùng điệp điệp các thứ cần/nên phải đọc.

 

Đào Trung Đạo: Anh rất thích cụm từ “độc giả nghiêm chỉnh” của em. Anh muốn hiểu “nghiêm chỉnh” có nghĩa thực sự muốn hiểu tiểu thuyết là gì và thú vị khi đọc được một tiểu thuyết hay, đáp ứng cả nhu cầu tìm hiểu lẫn nhu cầu thưởng ngoạn của mình. Về tiểu thuyết anh nghĩ Việt Nam chỉ có truyện dài, không có tiểu thuyết theo đúng tiêu chí tiểu thuyết đích thực. Điều này cũng không nên buồn vì cứ nhìn quanh các nước Á Châu thì chỉ có Nhật là có tiểu thuyết với những tiểu thuyết gia như Yokio Mishima, Kenzaboro Oe, Kōbō Abe...Còn hướng dẫn nên đọc những quyển tiếu thuyết nào thì khi đã là độc giả nghiêm chỉnh nên tìm đọc những tiểu thuyết của Franz Kafka, Marcel Proust, James Joyce, William Faulner, Vladimir Nabokov, Toni Morrison, Thomas Pychon, Don deLillo, David Foster Wallace... và mới đây quyển tiếu thuyết đồ sộ của Arno Schmidt Bottom’s Dreams (1496 trang) và Pararel Stories của Pater Nadás đã được dịch sang Anh văn và xuất bản rất đáng đọc. Đọc tiểu thuyết phải kiên nhẫn (mỗi ngày đọc chừng 10, 20 trang thôi cũng được vì đời sống, công việc, gia đình chiếm mất khá nhiều thì giờ rồi) và không nên “thời thượng”, chạy theo thị hiếu. Quyển của Arno Schmidt và quyển của Nadás rất thú vị, bõ công đọc.

 

Lê Thị Huệ: Về mảng phê bình văn học anh đã nghiên cứu rồi để dở? Anh có thể nói sơ qua về công trình này của anh?

 

Đào Trung Đạo: Trong 3-Zero (đã đăng trên Gió-O) anh đã viết về phê bình văn chương mới của Maurice Blanchot, Roland Barthes (đặc biệt với giáo trình ở Collège de France La Préparation du Roman), và Jacques Derrida. Muốn hiểu về tiểu thuyết – nhất là bộ À la Recherche du Temps perdu của Proust – thì không thể bỏ qua Préparation du Roman của Barthes. Quan niệm phê bình văn chương mới của Blanchot anh đã khái quát trong bài “Ngôn ngữ phù ảo trong thơ Nguyễn Thị Hải” Gió-O đã đăng mấy tuần trước. Còn về Derrida và phê bình văn chương hủy tạo nữa. Anh đang “edit” những bài viết này và viết thêm một vài bài khác để xuất bản thành sách. Anh cũng đang đọc Giles Deleuze và Michel Foucault viết về tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết của Pierre Klossowski (Klossowski là dịch giả Nietszche đáng tin cậy, nhất là công trình dịch Der Wille zur Macht/Ý chí hướng tới Quyền lực được xuất bản trong Friedrich Nietszche, Fragments Posthumes XIII, Gallimard xuất ản năm 1976). 

 

Lê Thị Huệ: Loạt bài Thi sĩ và Thi ca của anh khá lôi cuốn, anh mong muốn gì khi giới thiệu những tác giả này đến với độc giả tiếng Việt. Anh dùng tiêu chuẩn nào để chọn các tác giả ấy để giới thiệu đến độc giả Việt Nam?

 

Đào Trung Đạo: Viết loạt bài Thi sĩ Thi ca trước hết anh muốn chia sẻ với người đọc những thi sĩ anh ngưỡng mộ và hy vọng người đọc cũng sẽ yêu thích và tìm đọc tác phẩm của những thi sĩ này. Hơn nữa xưa nay (gần một thế kỷ rồi!” người đọc Việt Nam chỉ được giới thiệu rất giới hạn những thi sĩ “quen thuộc trong sách giáo khoa”, từ trước đến nay nào đã có ai viết về René Char, Paul Celan...một cách tương đối đầy đủ đâu trong khi giới nghiên cứu thi ca quốc tế đã viết về những thi sĩ này từ gần 40 năm rồi. Nhưng mục tiêu chính của loạt bài này đã được anh nói rõ trong “Khai từ” Thi sĩ Thi ca Tập I về Paul Celan “Người làm thơ chỉ là thi sĩ đích thực khi hắn viết ra bài thơ – toàn thể những bài thơ hắn đã viết ra chỉ là một bài thơ duy nhất – trong đó Thi ca là một ẩn mật: bằng ngôn ngữ riêng mình thi sĩ gián tiếp biểu đạt quan niệm của mình vế Thi ca.” Nói trắng ra chỉ là thi sĩ nếu có một quan niệm về thi ca. Dù khi đọc điều này những người đã,đang, và sẽ làm thơ không mấy hài lòng nhưng anh thấy mình có bổn phận nói ra sự thật. Nhận định này không lạ, anh rút ra từ nhận định của Hegel (bạn thân của Hölderlin) rằng từ sau thế kỷ 18 nghệ thuật là nói về bản chất nghệ thuật. Như vậy là thơ hiện đại là nói về thơ, về thi ca. Chính vì vậy Heidegger gọi Hölderlin là “thi sĩ của thi ca” và Maurice Blanchot gọi Char là “thi sĩ của thi sĩ.” Với Celan thi ca là “đi tìm gặp Người Khác.” Với Char thi ca là “cái chưa/không biết (inconnu) thi sĩ chỉ ra bằng cây gậy dò đường hay bằng ngón tay trỏ bị tuốt móng máu chảy ròng ròng. Với Ungaretti thi ca là “đi tìm Đất Hứa, một xứ sở hồn nhiên.” Ngoài ra nếu được anh thích chọn những thi sĩ là những kẻ “lưu đầy, vô xứ” như Celan và Ungaretti và tới đây sẽ là Edmond Jabès...

 

 

Lê Thị Huệ: Mấy bài thơ của anh đăng trên Gió-O khá hay. Sâu sắc tính triết nhân. Tại sao anh không sáng tác thơ nhiều hơn?

 

Đào Trung Đạo: Chủ biên Gió-O Lê Thị Huệ là người đọc thơ “giỏi”, biết “appreciate” thơ hay nên mảng Thơ của Gió-O khá hấp dẫn, qui tụ được những người làm thơ hay. Cám ơn em thích một vài bài thơ của anh. Đôi khi anh không những rất hào hứng gửi thơ mới viết xong cho Lê Thị Huệ đọc trước khi đưa lên Gió-O mà còn chờ nhận xét của em. Trong năm nay có một lần anh gửi cho em một bài thơ mới viết xong Lê Thị Huệ mail cho anh nói “bài này sao buồn quá” và anh nghĩ ngay đến việc viết lại bài thơ đó. Cũng có khi Lê Thị Huệ “đổi” tựa đề bài thơ cho anh và anh “hoàn toàn không phản đối.” Chẳng hạn em đặt tựa đề một bài thơ anh gửi cho em là “Suối Nguồn Thức Giấc” – cụm từ này lấy từ một câu thơ trong bài, còn tựa đề cũ anh quên mất rồi – thì thật tuyệt vời, thật “ghê thật!” Anh làm thơ nhắm đến một quan niệm về Thi ca của riêng mình. Theo anh thi ca “là ngôn ngữ đi tìm không gian cõi ngoài”, chờ đợi/đợi chờ lắng nghe tiếng thì thầm của Hữu [Seyn/Beying] ẩn khuất, bị lãng quên/quên lãng. Một cách biểu đạt cái “Ereignis/Tương Hữu” bằng ngôn ngữ thi ca. Chính vì thế Lê Thị Huệ cho rằng Thơ Đào Trung Đạo “sâu sắc tính triết nhân.” Khi Thi ca “cất tiếng gọi” anh mới làm được thơ. Có khi nghe gọi nhưng không kịp viết xuống. Đôi ba bài trong vài tháng, nửa năm không chừng. Nhưng khi viết xong một bài, đọc lại luôn tự hỏi “cái này có phải là thơ không?” Nếu câu trả lời là “không, chưa phải” thì hoặc “vứt vào sọt rác” hoặc tạm thời quên/cất đi, để sau này sẽ sửa lại.

 

Lê Thị Huệ: Raymond Geuss một giáo sư nổi tiếng ở Princeton Mỹ vào thập niên 1970 viết sách tuyên bố: “Philosophy is dead – Triết học đã chết”, trong mối tương quan giữa vai trò Triết học trong Lịch sử. Em sinh hoạt trong môi trường trí thức Mỹ nên em rất hiểu Triết học là ngành yếu, không sang, đối với môi trường đại học hay trí thức Mỹ. Nhưng anh có biết sinh viên ở California, muốn ra trường bằng cử nhân ở hệ thống đại học công lập như University of California (UC), California State University (CSU), Community Colleges (CC) đều phải học một lớp triết - philosophy, gọi là Critical Thinking (Triết lý, Suy Nghĩ Chí Lý). Đây là một lớp bị bắt buộc học, nằm trong phần GE (General Education – Giáo Dục Tổng Quát). Sinh viên học bất cứ ngành nào của cấp Cử Nhân bên cạnh các lớp chuyên ngành đều phải hoàn tất 4 lớp Giáo Dục Tổng Quát GE thì mới được cấp bằng. Vì thế bất cứ sinh viên nào cũng buộc phải học lớp này để biết cách suy nghĩ hợp lý.  Họ bỏ hết các thứ râu ria của Triết học, mà giữ lại một môn then chốt rất tốt. Sinh viên học môn này giúp họ suy nghĩ kỹ càng và hợp lý trong giòng suy nghĩ. Để có thể tự  mình chọn lựa những quyết định hợp lý trong đởi sống. Một cẩm nang sống rất tốt cho mọi người. Có lẽ anh không đồng ý với lập luận này của Geuss?

 

Đào Trung Đạo: Câu trả lời của anh chia ra hai phần: phần thứ nhất sơ lược về mục tiêu của “Critical Thinking” và phần thứ hai về lời tuyên bố của Raymond Geuss “Philosophy is dead.” Về phần thứ nhất Lê Thị Huệ đã giải thích khá rõ ràng. Anh chỉ muốn thêm chi tiết, ở một số đại học Mỹ danh tiếng lâu đời có dạy giáo trình Advanced Critical Thinking đặt trên nền tảng Tri thức luận (Epistemology) nhắm cung cấp cho sinh viên những kiến thức về mối tương quan giữa luận lý học và ngôn ngữ với quan niệm triết lý chủ yếu của trường phái Triết học Phân tích (Analytic Philosophy) cho rằng triết học là triết lý về ngôn ngữ (philosophy of language). Triết lý Phân tích rất thịnh hành ở Mỹ kể từ đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Hầu hết các triết gia phân tích đều ác cảm với Triết học Lục địa (Continental Philosophy) nhất là với Heidegger, Foucault và Derrida. Chương trình Suy nghĩ có phán đoán cao cấp này chịu ảnh hưởng Triết lý Phân tích nên muốn hiểu rõ câu nói của Geuss “Philosophy is dead” không thể không đặt câu nói này trong khuynh hướng chống lại Triết lý Phân tích của Geuss và quan niệm riêng biệt của Geuss về Lịch sữ Triết học.

Trước Raymond Geuss trong quyển Philosophy and the Mirror of Nature (1979) Richard Rorty (1931-2007) trong phần kết luận Philosophy Without Mirror đưa ra lời cảnh bào về khả năng “triết học đang đi tới chung cuộc” (Philosophy is coming to an end) nhưng sau đó tỏ ra hối tiếc đã đưa ra nhận định này và cho rằng đó chỉ là một kiểu nói có tính cách tu từ mà thôi. Rorty vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng giáo sư Triết là cần thiết chẳng hạn để giúp sinh viên đọc những tác phẩm triết học vĩ đại đã tạo nên truyền thống, và cũng đưa ra quan điểm Tri thức luận là trung tâm của Triết học. Nói đến Tri thức luận tức là nhấn mạnh tới Luận lý học, nhất là phương pháp của những khoa học. Rorty và Geuss (sinh năm 1946) có một thời gian là đồng nghiệp ở Princeton và dù Geuss chỉ là một đồng nghiệp trẻ nhưng Rorty rất quí trọng (nhưng không hẳn đồng ý) những ý kiến của Geuss về một số vấn đề triết học và văn chương.Và Geuss cũng rất quí trọng Rorty tuy nhiên lại không chia sẻ nhiều quan điểm triết học của “người anh cả” này tuy cả hai đều khuynh tả và có khuynh hướng muốn bắc nhịp cầu với Triết học Lục địa. Ở Princeton, cả Rorty lẫn Geuss bị coi là “bad boys”, là những người có chủ trương tương đối (relativists), có ý định xóa bỏ sự khu biệt vốn được coi là thiêng liêng giữa chân và giả (truth and falsehood). Vì Rorty đã từng lên án chủ trương “công an tư tưởng” (Thought Popice) của Commitee on Instruction ở Princeton nên cả Rorty và Geuss đều tử giã Princeton (Rorty sang dạy ở University of Virginia và Geuss vào quốc tịch Anh và sang dạy ở Cambridge.) Geuss đưa ra kết luận “Philosophy is dead” ở chương kết quyển sách mới xuất bản Changing the Subject/Thay đổi Chủ đề (2017), một quyển lịch sử triết học khá khác thường. Theo Geuss “triết lý đã chết” vì những chỉ dấu sinh động của triết học trong quá khứ, sự hấp dẫn, tính sáng tạo và sáng kiến của triết học nay không còn nữa mà thay vào đó triết học giờ đây chỉ còn là “trích dẫn” theo bổn phận và là những màn tái trình diễn có tính cách lịch sử (historical re-enactments) mà thôi.  

 

Lê Thị Huệ: Anh và anh Đặng Phùng Quân đăng những loạt bài Triết và Văn chương trên Gió-O. Có người hỏi em có ông nào yêu ông nào không. Em nói tôi thấy hai ông đều có vợ con đề huề. Nhưng muốn anh xác nhận, anh và anh Đặng Phùng Quân có phải là tri kỷ không. Hai anh cùng vượt biên đường bộ qua ngả Thái Lan. Tri kỷ trong văn chương hơi khó nhỉ?

 

Đào Trung Đạo: Từ nãy đến giờ anh em mình toàn trò chuyện về những vấn đề “nặng” quá. Thế nên nhân dịp “có. người. cướp. thời cơ” hỏi về mối liên hệ ĐPQ - ĐTĐ này chúng ta hãy nhân tiện làm một thứ ngưng, ngắt quãng “kind of interruption” trước là để hít thở, sau là để “cho vui. thôi. mà.” Câu hỏi “nhân cơ hội” lấy cớ Cô Huệ hay đăng bài của hai người kế cận nhau trên Gió-O suốt một giai đoạn dài cho đến nay hai người đã bắt đầu vào thời “tuổi. già mỏi mệt”. Thử quay ngược thật nhanh cuốn phim tựa đề “Tình thân hữu/Amitié/Friendship”: Anh và anh Đặng Phùng Quân chơi thân kể từ thời học trung học: đua nhau học, đua nhau đọc sách [cũng đua nhau ăn chơi nữa chứ, phải không?]. Xong trung học cả hai phải đi dạy học kiếm tiền nên thì giờ gặp nhau bị giới hạn. Xong đại học thì “đường. đời. chia ngả. đường. ai. nấy. a lê. bước”, anh Đặng Phùng Quân vào dạy ở đại học Văn Khoa còn anh phải “dzô lính” lên dạy ở Võ Bị. Sau 30 tháng Tư 75 anh Quân gần như bị cọng sản cho thất nghiệp bán phần (chưa phải đi kinh tế mới hay “nhập kho” là may rồi nhưng vẫn bị theo dõi, “canh chừng sẽ vượt biên”) còn anh đi tù cải tạo trong gần sáu năm. Nhưng phải nói anh coi anh Đặng Phùng Quân là người bạn thân nhất trong đời anh may mắn có được. Khi anh ở tù cải tạo tại trại Long Giao, gần dịp Tết Đặng Phùng Quân đã đi cùng vợ anh vào thăm anh. Và chỉ duy nhất chỉ một Đặng Phùng Quân thôi trong số những bạn thân của anh. Lê Thị Huệ hẳn cũng biết Kinh Thánh có câu (đại khái) nói rằng “người đến thăm ta khi ta bệnh hoạn tù tội mới thật sự là bạn của ta.” Khi anh ra tù cải tạo và chuẩn bị vượt biên đường bộ người duy nhất anh nghĩ cho biết và gợi ý có thể cùng đi, cùng chia sẻ hiểm nguy may rủi là anh Đặng Phùng Quân. Số phần cả. Để ghi nhớ việc này anh đã làm bài thơ Đêm Xuân Vượt Sông Hậu (trong chuỗi Những Mùa Xuân Tử Sinh đăng trên Gió-O) để tặng Đặng Phùng Quân.

 

Lê Thị Huệ: Anh nói anh “chịu ảnh hương văn hóa Pháp,” nhưng bây giờ anh sống ở Hoa Kỳ và đọc nhiều về văn chương Hoa Kỳ, nếu cho anh phát biểu vài điều khác biệt rõ về văn chương Hoa Kỳ với văn chương Pháp, anh sẽ nói như thế nào?

 

Đào Trung Đạo: Một cách tóm tắt: Sự khác biệt về triết học và văn chương giữa Pháp (lục địa) và Hoa Kỳ (tân thế giới) chính yếu nằm ở truyền thống văn hóa riêng của mỗi nước. Trước hết về triết học: theo anh, Pháp mạnh về việc “đẻ ra” những triết gia độc đáo trong khi ở Mỹ truyền thống Triết học Phân tích (Analytic Philosophy) thống trị các Phân Khoa Triết ở các đại học lớn, danh tiếng giờ đây dường như đã “khựng” lại. Bù lại những nhà chuyên khảo triết học của Mỹ lại “đáng tin cậy” hơn những nhà chuyên khảo Pháp trong việc viết sách về các triết gia như Nietszche, Husserl, Heidegger... chẳng hạn. Chính Françoise Dasture đã phải than phiền về những sách Pháp viết về Heidegger. Anh nghĩ điểm mạnh này của các chuyên gia Mỹ phần vì họ gần gũi với tiếng Đức, sang tận Đức theo học các “đại sư phụ” từ cuối những năm 20 thế kỷ trước, và cũng có thể vì họ là người Mỹ gốc Đức thế hệ thứ nhì, thứ ba. Một điểm mạnh nữa của Mỹ là ở chỗ một số các đại học Mỹ có nguồn tài chính dồi dào để đầu tư vào việc nghiên cứu. Điển hình về việc nghiên cứu nghiêm chỉnh của các chuyên gia triết Mỹ: trong khi những chuyên gia Pháp đã “Pháp hóa” Nietszche thì những sách Mỹ viết về Nietszche không những phong phú hơn mà còn nghiêm túc hơn. Về văn chương: rõ rảng tiểu thuyết Mỹ trong thế kỷ 20 Mỹ hơn hẳn Pháp, sáng tạo hơn cả về chủ đề lẫn kỹ thuật viết tiểu thuyết. Hơn nữa tiếng Anh ngày càng chiếm vị thế áp đảo trên thế giới và ngành xuất bản Mỹ cũng khá mạnh trong việc phổ biến các tác phẩm giá trị, “có tiền in và có thị trường tiêu thụ” để có thể cho ra mắt những quyển tiểu thuyết hay dịch từ các ngôn ngữ khác dầy từ trên 500 trang đến trên 1000 trang.

 

Lê Thị Huệ: Nhìn về nền phê bình trong nước anh đánh giá như thế nào?

 

Đào Trung Đạo: Bằng câu hỏi này quả thực Lê Thị Huệ “to hold my feet to the fire”, hết đường tránh né. Trước hết, anh nghĩ Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại không có “phê bình văn chương” đúng nghĩa nói chi một “nền” phê bình. Một cách khái quát: Ở giai đoạn 1925-1945 những nhà gọi là “phê bình văn chương” phần lớn gốc Nho học, mới làm quen với văn học Pháp nên chưa nắm vững – hay đúng ra chưa biết – lý thuyết phê bình văn học hiện đại Tây Phương và cũng còn luẩn quẩn với những tay viết cảo luận Trung quốc như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược... Chính vì vậy mới nổi lên cuộc tranh luận “văn chương vị nhân sinh hay vị nghệ thuật” thật ngớ ngẩn hoặc cuộc bút chiến về Truyện Kiều có tính cách chính trị hơn là văn học. Trong bản chất vốn dĩ văn chương là tranh biện (contestation), thách đố, bất dung chấp quyền lực, nhất là quyền lực chính trị. Thế nên có pha “hàng tấn muối” vào văn chương thì văn chương cũng chẳng “có vị” hay “vị” cái gì. Ở giai đoạn 1945-1955 khi Trường Chinh sao chép bài viết của Mao Trạch Đông về văn chương nghệ thuật đọc tại hội nghị Diên An thì “phê bình văn chương” trở thành “lý luận văn chương” có nghĩa phê bình từ nay phải theo chỉ đạo của Tuyên giáo, một thứ quái thai “lý luận nhai lại” của các “hồng vệ binh văn học”, kiểu lý luận văn học quái thai này chỉ có ở xứ Việt Nam cọng sản. Đây là giai đoạn khổ nạn, mạt vận của phê bình. Chúng ta cần hiểu rõ điều này: người cọng sản khi đã nắm quyền cai trị họ giữ “độc quyền nói, phát ngôn” dủ cho phát ngôn của họ là dài-dai-dở đi nữa. Nếu ai phản bác quyền hành này người cọng sản sẽ dùng bạo lực, tù đầy để bịt miệng, dẹp bỏ tức thời. Hai thí dụ điển hình: Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm trong quá khứ và “vụ án Nhã Thuyên” mấy năm trước đây. Hiện thời tình cảnh này cũng không thay đổi. Vào những năm 70 thế kỷ trước Miền Nam có đôi ba người viết phê bình văn chương muốn đem những lý thuyết phê bình như của Sigmund Freud, Gaston Bachelard... ra áp dụng vào việc quảng diễn văn chương Việt Nam nhưng lại tự giới hạn, khoanh vùng vào việc “chỉ luận về văn chương Việt Nam.” Từ thập niên 60 thế kỷ 20 lý thuyết phê bình văn chương thế giới – nhất là ở Pháp – đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khai phá nhưng sự hiểu biết của giới trí thức Miền Nam còn rất hạn hẹp tuy có không ít người học văn chương ở Pháp trở về nước giảng dạy ở đại học. Nói chi giới nghiên cứu Miền Bắc hoàn toàn mù tịt về lý thuyết phê bình va9n chương Tây phương. Trong giai đoạn này trí thức Miền Bắc kể cả những người du học ở Nga hay các nước Đông Âu trở về cũng chỉ loay hoay với một vài tác giả lý thuyết văn học Nga cũ kỹ. Chính vì những lý do nêu trên nếu có dịp đọc sách văn học xuất bản ở trong nước anh chỉ đọc những quyển dịch thơ chữ Hán và thu tập giải nghĩa thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... hay những chuyên luận về văn chương cố điển Việt, và về ngữ học như sách của Nguyễn Tài Cẩn hay Cao Xuân Hạo chẳng hạn.

 

Lê Thị Huệ: Em thuộc khuynh hướng thực tế. Với tình trạng bạo động, áp bức, cái ác phơi bày ra trên mạng, trên game, trên thông tin, trên phim ảnh như hiện nay, anh có nghĩ triết lý đạo đức chen chân vào chỗ nào đâu để giải thích các cường lực đang chế ngự con mắt và trí óc của chúng ta khi mở máy ra xem, đọc, nghe đọc về hiện tượng này hiện nay?

 

Đào Trung Đạo: Thực ra, triết học không có nhiệm vụ đưa ra giải  pháp, lời giải đáp đạo đức cho những vấn nạn của thời đại mà chỉ phân tích những hiện tượng này và để mọi người cọ sát với thực tại và tự tìm ra lời gải đáp. Nghĩa là làm cho mọi người ý thức được vấn đề. Tính chất tiền phong của văn tự triết học (écriture philosophique) nằm ở sự xuyên thủng thực tại và thách đố con người tự tìm ra lời giải đáp.

 

Lê Thị Huệ: Anh nghĩ sao về cụm từ “Hậu Hiện Đại” (Postmodernism) được một số người viết tiếng Việt cả trong và ngoài nước hay dùng?

 

Đào Trung Đạo: Một cách khái quát: Anh có đọc đôi ba người ngoài nước viết về Hậu Hiện Đại. Nhìn chung, nhờ ở ngoài Việt Nam những người viết này có hoàn cảnh tham khảo những sách về Hậu Hiện Đại (hầu hết là sách tiếng Anh) nên có đưa ra được một số thông tin cần thiết. Thế nhưng những sách Mỹ này phần lớn lại do những người viết không chuyên về Triết nên có khuynh hướng chỉ xem xét Hậu Hiện Đại trong phạm vi văn chương nghệ thuật hoặc chính trị xã hội và đa số họ là những người thiên tả. Chẳng hạn sách của Jürgen Habermas, Frederic Jameson hay Terry Eagleton (anh này thì quá thô thiển). Quyển The Condition of Postmodernity của David Harvey hay quyển Paraesthetics của David Carroll khá hơn. Nếu quả thực là người muốn tìm hiểu Hậu Hiện Đại một cách nghiêm túc và tường tận thì không thể không đọc những sách của Michel Foucault, Giles Deleuze, Jacques Derrida, và Richard Rorty. Khốn nỗi sách của ba triết gia đầu khó đọc và cả ba vị trong sách vở của họ không hề nhắc tới “Postmodernisme”! Thi thoảng trong vài bài viết hay phỏng vấn họ chỉ nhắc đến việc chúng nhân gọi họ là những triết gia hậu-cấu-trúc. Mặc dù Jean-François Lyota tác giả quyển Condition Postmoderne được nhiều người biết đến (hình như ở Việt Nam có bản dịch tiếng Việt) nhưng quan điểm của Lyotard về Hậu Hiện Đại không được giới triết học Pháp hoan nghênh [Có thể xem bài Rorty phản bác Lyota Cosmopolitanism without emancipation: A Response to Jean-François Lyota trong Objectivity, Relativism, and Truth). Người viết về Hậu Hiện Đại trong nước? Hết sức “vớ vẩn”, “sở tri bất túc”! Cũng chẳng trách được vì trong nước trước hết nếu hiểu và huỵch toẹt ra là Lyotard quan niệm chủ thuyết Hậu Hiện Đại hoàn toàn bác bỏ “siêu-tự-sự” Mác-xit và học thuyết phân tâm học của Freud thì sẽ được Tuyên giáo “sờ gáy” ngay [cũng may các lãnh đạo Tuyên giáo phần đông thuộc thành phần “bổ củi gánh nước” cho nên – nếu quả thực có bản dịch này – đã để cho bản tiếng Việt Condition postmoderne của Lyotard thoát vòng kiểm duyệt); sau nữa những người viết trong nước không có khả năng ngoại ngữ và chuyên môn cũng như không có sách vở Âu-Mỹ viết về Hậu Hiện Đại để tham khảo.

 

Lê Thị Huệ: Và thơ Tân Hình Thức lào xào với các bạn thơ Việt trong và ngoài nước nữa chứ!

 

Đào Trung Đạo: Thơ Tân Hình Thức Việt cả ngoài lẫn trong nước tuy là một nỗ lực “làm mới” nhưng cho đến nay chưa có những thành tựu đủ thuyết phục cả về lý thuyết lẫn thực hành. Lê Thị Huệ dùng chữ “lào xào” để mô tả tình cảnh này khá thú vị vì theo anh biết những người làm thơ theo kiểu Tân Hình Thức dường như “chẳng ai chịu ai”. Khế Iêm người chủ trương Thơ Tân Hình Thức ở Mỹ cho rằng đổi mới thơ phải đổi mới cả hình thức lẫn nội dung nhưng khi đưa ra cơ sở lý thuyết không những có tính chất “chiết trung” mà còn dựa trên những kết quả khám phá sinh học chưa được nhìn nhận: kết hợp nhịp điệu và cảm xúc của thơ truyền thống (từ bán cầu não phải nơi phát sinh nhịp điệu, cảm xúc) với ngôn ngữ và kiến thức của thơ tự do (phát xuất từ bán cầu não trái).

 

Lê Thị Huệ: Anh tâm đắc quyển thơ “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền” của Mai Thảo, anh có thể nói về điều này?

 

Đào Trung Đạo: Tâm đắc? Có và không. Anh chú ý tới bài viết “bờ cõi khởi đầu” Mai Thảo viết về Thơ đặt ở đầu tập “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền” như một Khai từ, hay đúng ra là “trực quan về Thơ” của tác giả. Nói rằng đó là “trực quan” vì Mai Thảo là con người cảm tính, trực giác chứ không phải con người của lý trí văn chương, lý thuyết văn chương. Những thi sĩ tầm vóc thế giới thường có bài viết về quan niệm thi ca của mình, và Mai Thảo đã viết về “Thơ”, một điều hiếm có đối với người làm thơ Việt tuy chưa hẳn đã bước vào ngưỡng của một quan niệm về Thi Ca. Trong  “bờ cõi khởi đầu” Mai Thảo nói về những cái “cõi không” phía sau “tứ tượng” của vũ trụ thơ: dọc-ngang-trên-dưới đều dẫn tới “cõi không. Không còn gì nữa hết.” Và Mai Thảo nói rõ “Cõi không là thơ. Nơi không cò gì nữa hết là khởi đầu thơ. Một xóa bỏ tận cùng. Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ.” Đó là cõi thơ Mai Thảo. Ảnh hưởng tư tưởng Trang Tử Nam Hoa Kinh rất rõ. Nhưng điều đáng yêu là Mai Thảo cuối cùng đi tới sự xóa bỏ chính bản ngã mình để chỉ giữ lại “tôi thơ.”      .

Trên 90 bài thơ trong “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền” phần lớn là thơ cảm tác viết suốt dọc lộ trình thi ca trên 30 năm với những giai đoạn Mai Thảo “trốn” thơ thời trẻ và đến cuối đời “không thể trốn” thơ. Bài “Cúi Đầu” ban đầu Mai Thảo ký bút hiệu là Nhị được Thanh Tâm Tuyền đăng trên trang Văn Nghệ của nhật báo Dân Chủ (chủ nhiệm Vũ Ngọc Các, tòa soạn ở đường Phạm Ngũ Lão, Saigon) năm 1957 (?). Chính bài thơ này là khởi đầu một tình bạn lâu bền giữa Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo. Còn đa số những bài khác Mai Thảo viết từ khi tỵ nạn ở Mỹ cho đến năm 1986. Mai Thảo thích sử dụng lối thơ bảy chữ, có nhiều bài bảy chữ bốn câu. Và lục bát Mai Thảo cũng khá độc đáo. Nhiều bài viết về “thời kỳ trại đảo” khi Mai Thảo sống ở trại tỵ nạn dành cho thuyền nhân. Một số bài viết về thân hữu với giọng điệu riêng tư thân thương. Anh cho rằng những bài thơ Mai Thảo nói lên được chủ đề thi ca có tính chất phổ quát là những bài thơ hay: vì thơ hay phải vươn từ cái riêng tư để tới cái phổ quát. Chẳng hạn những bài “Không tiếng”, “Em đã hoang đường từ cổ đại”, “Trừ tịch”, “Nghe đất”, “Một mình”, “Dỗ bệnh”, “Mỗi ngày một”, “Không hiểu”, “Nửa đường”, “Mộ thuyền”, “Thơ xa”. Anh đặc biệt thích bài “Chỗ đặt” : “Đặt tay vào chỗ không thể đặt/Vậy mà đặt được chẳng làm sao/Mười năm gặp lại trên hè phố/Cười tủm còn thương chỗ đặt nào.” Thật thú vị khi đọc một Mai Thảo Công Tử Hà Thành Độc Thân Suốt Đời bóng gió bông đùa! Trong kinh nghiệm đọc những tuyển tập thơ cả Việt lẫn ngoại quốc anh thấy một tập thơ có được một phần ba những bài hay đã là quí rồi. Trong số những bài hay này lọc lại cũng chỉ còn năm ba bài là “thật hay” được người đời yêu thích và những nhà phê bình ngưỡng mộ.

 

đọc trang Đào Trung Đạo tại đây

 

© gio-o.com 2018