NGUYỄN VĂN UÔNG

VUI BUỒN XÍCH LÔ

tản mạn


1.


Xe xích lô (cyclo) do Coupeaud, một kỹ sư người Pháp sáng chế năm 1939. Xe không được sử dụng với tính cách là một phương tiện giao thông tại chính quốc, nhưng xuất hiện tại Phnompênh, thành phố thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Tại đây, Coupeaud thuê hai người thay phiên nhau đạp, tổ chức một cuộc tuần hành từ Phnompênh về Sài Gòn. Xe vựơt qua chặng đường gần 200 cây số với thời gian 17giờ 23 phút. Xe xích lô có mặt ở Sài Gòn và phát triển nhanh, sau đó lan ra Hà Nội, Huế và các thành phố trên khắp nước. Năm 1939, Sài Gòn chỉ có 40 chiếc xích lô thì năm 1940 con số này đã lên đến 2000. (Theo Nguyễn Lưu - Chuyện Xích lô - NXB Thanh Niên 2003).


Xe xích lô xuất hiện ở Việt Nam, trở thành phương tiện giao thông, xuống dấu chấm hết cho lọai xe kéo có nguồn gốc du nhập từ xứ sở Phù Tang. Những me tây, bà đầm, thầy thông, thầy phán, thầy ký, tiểu thư, quan viên ... chễm chệ trên xe xích lô mui nệm mềm mại, không còn bực mình vì phải nhìn cái lưng gầy gò nhễ nhại mồ hôi, đôi chân trần gầy guộc xương da chắn ngang trước mắt như khi đi xe kéo. Mà theo phong tục Á Đông, ngồi xe kéo là phải đi sau, nhìn lưng người kéo xe. Cái sỉ nhục này người đi xe xích lô đã không còn nữa.


Huế, kinh đô của vương triều Nguyễn thuộc Trung kỳ, tuy là xứ bảo hộ của Pháp nhưng thực chất mọi quyền hành chính trị, kinh tế đều do Pháp nắm giữ như một xứ thuộc địa. Để thực hiện chính sách khai thác, chính phủ thuộc địa đầu tư mở mang cơ sở hạ tầng thành phố Huế khá sớm. Xe xích lô, vì thế, có điều kiện phát triển nhanh. Đầu nửa sau thế kỷ XX, xe xích lô ngày càng phổ biến không chỉ đối với giai tầng bề trên mà còn thông dụng với người bình dân. Xe xích lô trở thành hình ảnh khó quên của người dân kinh kỳ khi nói về thành phố của mình. Người bán buôn gồng gánh, hết hàng, tan chợ nhờ bác xích lô đưa về, dưỡng sức cho đôi chân ngày mai nặng gánh đường đi bán hàng. Bà nội trợ hàng tháng, có lương chồng mới lĩnh, ra chợ mua gạo, muối, đường, hàng… chất kín thùng xe chở về nhà. Những bà mẹ Huế chỉnh chu, quán xuyến, thuê xích lô tháng cho con gái lớn đến trường hay đi làm công sở. Xe đón đưa đúng giờ khiến bà an tâm về nỗi lo con gái đã lớn. Cũng có khi vắng khách, bác xích lô tha thẩn các con đường tìm khách. Trưa nắng, bác ghé vào một gốc cây rợp bóng mát ven đường vắng, tạm giấc nghỉ trưa trên xe. Du khách đến Huế thích thuê xích lô dạo quanh phố vì đây là phương tiện di chuyển ngọan cảnh thuận lợi. Thế đó… xe xích lô trở thành quen thuộc, thân thương với Huế, với người Huế đến nỗi, đi xa nhớ về, người xa xứ cứ hòai niệm về nhịp bánh xe lăn róc rách nước mưa ướt đường Huế mùa thu, hay cám cảnh nỗi nhọc nhằn, mồ hôi ướt đầm lưng áo người đạp xe những trưa hè oi bức.

 

2.


Đạp xích lô là nghề nặng nhọc, vất vả đòi hỏi sức khỏe dẻo dai và công phu luyện tập. Ba bánh xe tạo thế chân vạc cho xe khỏi đổ ngã khi đậu nhưng khó giữ thăng bằng mỗi khi cho xe chạy nhanh hay qua khúc cua gấp khúc. Ổ líp của xe xích lô ngược xuôi hai chiều, người đạp xe không thể ngưng đạp cho dù xe xuống dốc phải kềm bớt thắng. Tôi đã chứng kiến một tai nạn thương tâm trên dốc cầu Đông Ba. Chiếc xích lô lao xuống dốc với tốc độ khá lớn do mất thắng. Người phu xe không kềm được giò đạp, bị pê đan quất gãy ống chân. Mất thăng bằng, xe lật nhào vào thành hàng rào hành lang cầu. Người phu xe và bà khách văng xuống đường máu me nhễ nhại, phải chở đi cấp cứu.


Người phu xích lô theo thời kỳ có nhiều thay đổi. Thời buổi chiến tranh, thanh niên trai tráng đều vào lính, nghề xích lô chỉ dành cho người đứng tuổi. Sau năm 1975, tham gia lực lượng đạp xích lô phần nhiều là lớp trẻ do thất cơ lỡ vận, hay thiếu trình độ, thiếu lý lịch bảo kê để kiếm được việc làm nhàn nhã. Cũng có một bộ phận công chức, viên chức, sau giờ nghỉ, đạp xe làm thêm cải thiện. Trước đây, đạp xích lô là những người ít học. Sau này, dân xích lô có những người có trình độ cao, xã hội không sử dụng phải bám càng xe kiếm sống. Ở Huế, có hai nhà thơ đạp xích lô: Phương xích lô và Mẫn xích lô. Mẫn xích lô tên thật là Phạm Huy Ngữ, có nhiều bài thơ được chọn đăng Tạp chí Sông Hương và một số tạp chí khác. Phương xích lô tên thật là Nguyễn Văn Phương, hội viên hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế. Phương không những có thơ đăng tạp chí mà có tập thơ “CHỞ GIÓ” gồm 49 bài thơ của riêng anh do bạn bè tuyển chọn, in ấn sau khi anh mất. Dân xích lô Huế ai cũng biết anh và thuộc nhiều bài thơ của anh:


“Ngươi xích lô hề! Ta xích lô,
Cũng là thi sĩ cũng làm thơ”.
(Xích lô hành - CHỞ GIÓ)


Cuộc đời của hai thi sĩ xích lô này khác nhau. Trong khi Mẫn xích lô cùng vợ con vui vẻ sống hạnh phúc trong cảnh khó nghèo thì Phương xích lô có số phận nghiệt ngã hơn. Vợ Phương bỏ anh theo chồng mới. Hai đứa con phải vào nhờ nhà chùa. Anh chán nản, mất hết lẽ sống và chết đuối trong một cơn say, đẹp như cái chết ôm trăng, ngất ngưởng hơi men của một thi sĩ nổi tiếng ngày xưa.
Người yêu thơ Huế không ai là không biết bài thơ “Giọt nước Hương Giang” của Phương xích lô mà một tứ thơ trong bài này được bạn bè chọn làm tên cho tập thơ “CHỞ GIÓ” của anh:

“Hạt muối hòa tan trong ly nước
Tôi cũng hòa tan giữa cuộc đời
Làm tên phu xe qua ngày tháng
Chở bao tiếng khóc lẫn nụ cười

Vắng khách đôi khi về chở gió
Không tiền, không bạc vẫn cười vang
Dừng lại bên cầu nghe nước chảy
Chợt thấy mình: một giọt nước Hương Giang

 

3.


Xe xích lô được sử dụng vô cùng hiệu quả. Tùy theo từng thời, từng vùng mà nó được cải tiến phù hợp công năng. Trong lúc xe kéo hết thời chở khách, chỉ được cải tiến thành xe vận tải để kéo hàng hóa (Miền Bắc gọi là xe cải tiến) thì xích lô đa dạng hơn. Xe xích lô chuyên dụng chở hàng thì thay thùng xe có mui nệp chở khách bằng một thùng xe lớn, bằng sắt để chở hàng. Lọai xe này khi mới có, được gọi là xích lô ba gát. Sau, theo thói quen và để giản tiện, người ta chỉ dùng tên xe ba gát. Một lọai xích lô kiêm dụng chở khách và chở hàng, thùng xe đóng như xích lô khách nhưng rộng hơn, có gắn máy nổ thay chân người đạp. Đó là xích lô máy. Xích lô máy thịnh hành (nếu chưa dám nói là chỉ có) ở vùng Sài Gòn-Gia Định. Ngày còn là học sinh tiểu học, tôi thường dùng tập vở ba cô, tập vở olympic. Nhưng khi có tập vở xích lô máy, tôi chỉ dùng lọai vở này vì giấy trắng và dày hơn. Hơn nữa, tôi thích nhìn hình người lái xích lô máy mạnh mẽ, đẹp trai trang trí ngòai bìa vở.


Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tôi đến Sài Gòn lần đầu tiên. Xuống xe đò ở bến xe Pétrus Ký, tôi phân vân giữa hai lựa chọn: Thuê xe xích lô đạp hay xích lô máy để về nhà chú tôi. Nơi tôi đến xa tận bên Gia Định. Đi xích lô đạp thì chậm và tốn tiền nhiều. Đi xích lô máy nhanh, rẻ hơn nhưng sợ xe chạy bạt mạng như tôi đã từng được nghe. Cuối cùng tôi phải chọn phương tiện an toàn hơn: Ngồi xích lô đạp. Dọc con đường một chiều Phan Thanh Giản nườm nượp xe như dòng thác chảy, tôi phóng mắt nhìn nhà cửa hai bên đường, hàng cây xanh, trường nữ sinh Gia Long, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi và qua cầu Bông để vào Gia Định. Nhiều xe vút qua mặt, chạy trước xe xích lô của tôi, trong đó không ít xe xích lô máy. Nhận biết nó cũng dễ dàng, không cần nhìn: Một tràng tiếng nổ dòn dã, chát chúa như sấm và thanh la phối hợp, âm thanh ù ù xé màng tai theo tiếng “phèo” vút qua. Hung thần không quên nhả một luồng khói đen vào mặt kẻ đi sau thất thế.


Nhà chú tôi trong con hẻm lớn đầu đường Chi Lăng. Trong hẻm có nhà một ca sĩ hát nhạc rock bốc lửa. Nhưng nhìn cô ca sĩ hát nhạc rock thì không có dịp mà suốt ngày đêm, tôi luôn luôn bị tiếng rú xe xích lô máy tra tấn. Hơn chục gia đình chạy xích lô máy tá túc ở đây. Có nhà không chỉ một chíêc: cha xích lô máy, con xích lô máy, rể xích lô máy…Nói chung, dân gọi đây là hẻm xích lô máy. Dân Sài Gòn làm ăn không kể ngày đêm, tiếng xích lô máy không lúc nào vắng trong con hẻm này.


Dân xích lô máy thường là những tay anh chị thứ thiệt. Tranh giành khách, tranh giành đường, phóng nhanh, vượt ẩu, ngôn ngữ dao búa, lai rai nhậu nhẹt… thì ít ai bằng. Ngày ấy chưa có thành ngữ “hung thần xa lộ” nên xích lô máy thóat được hỗn danh này. Nhưng mỗi lần ngồi lên xích lô máy băng băng trên đường phố Sài Gòn, không ai là không có vài lần thót tim.Thế nhưng, gác càng xe trước cửa nhà, làm một cốc trà đá từ tay chị vợ âu yếm đưa cho, anh tài xế xích lô máy biến hình như là con người khác: Hiền lành, chơn chất, dễ ưa. Cái quán cóc đầu xóm không khi nào là không có phu xích lô trong xóm ngồi lai rai. Một cậu gần nhà chú tôi mới vào nghề, chỉ nhỉnh hơn tôi chừng vài tuổi, thấy tôi từ miền Trung mới vào, có ý mến mộ người xa lạ, cậu thường gọi tôi nhập bọn. Cốc rượu đầu tiên tôi uống trong đời là với cậu ấy, nơi cái hẻm xích lô máy ấy. Tối đến ngây nguời, bừng bừng, tỉnh tỉnh. Tôi ngủ một giấc đến sáng và nhớ đến hôm nay.


Ngày nay, xích lô máy hầu như không còn. Chiều hè rảnh rang, cái thú thuê một chiếc xích lô đạp dạo quanh các con đường rợp cây xanh của thành phố cũng khó. Nhiều con đường đẹp đã cấm xích lô. Phuơng tiện lưu thông gia tăng theo dân số. Sài Gòn là thành phố quá tải. Xích lô đạp khó chen chân tranh tốc độ với nhiều lọai phương tiện giao thông khác, ngày một vắng hơn.

 

4.


Dân xích lô sống bằng cách đổi sức mạnh cơ bắp kiếm miếng ăn. Vất vả, cạnh tranh nhưng lắm chuyện vui buồn. Nhiều anh có trình độ, biết chút ít tiếng nước ngòai chở khách du lịch ngọai quốc thu nhập hơn hẳn chở khách người mình. Có những anh xích lô nói chuyện với khách Tây bằng ngôn ngữ tay chỉ chỏ cũng xong. Nhưng có chuyện này cần ghi vào “chuyện cười” giới xích lô:


Hôm ấy, một anh xích lô mời được một bà đầm lên xe đạp quanh thành phố. Tha thẩn hết các con đường rợp bóng cây xanh, bà bảo anh cho xe vào trung tâm thành phố. Ở một ngã tư, người, xe tụ lại rất đông, xe anh không nhích lên được. Anh xuống xe, rẽ đám đông vào xem. Một cảnh tượng kinh hoàng: Chiếc xích lô bẹp dí dưới gầm một chiếc xe tải lớn. Khi trở lại xe, bà khách hỏi :
- Ket xcơ xe? (Qu’est ce que c’est? : Cái gì đấy?)
Anh nghe tiếng được, tiếng mất, trả lời:
- Không phải kẹt xe. Xe tông xích lô.
Bà đầm sững sờ, một phần vì anh nói tiếng Tây giỏi quá, một phần vì xe xích lô đâu phải của mình. Bà hỏi lại:
- Mông xích lô? (Mon cyclo? : Xe xích lô của tôi?)
Anh xích lô đính chính:
- Không. Tông nát banh cả xe.
Đến đây thì bà đầm ngớ ra không biết anh nói sao nữa.

Thì ra, anh nghĩ là bà đầm hỏi: “Kẹt xe à?”. Anh trả lời “xe tông xích lô” thì bà đầm hiểu là “c’est ton cyclo” (là xe xích lô của bà). Bà hỏi lại: “Mon cyclo?”, anh đóan ý bà chỉ nói “tông cái mông chiếc xe”. Anh đính chính lại không chỉ tông mông xe mà tông nát banh cả chiếc xe.

Thế đó!...Lãnh một món tiền kha khá từ bà đầm hào phóng, anh rủ vài bạn xích lô tâm giao vào quán cháo lòng. Vài ly sương sương anh kể lại câu chuyện. Bạn bè có một phen cười vỡ bụng.

 

5.


Cũng vì chuyện xích lô chở đầm dạo phố, kết quả là người lái xe xích lô phải thay đổi tay thắng từ trước yên xe đưa ra phía sau.


Chuyện là thế này:

Một anh xích lô chở một cô đầm trắng nõn dạo phố. Nắng tháng sáu cháy da nhưng chiều xuống, gió nồm nam bốc hơi mát rượi của dòng sông phả lên con đường phượng bay nhập nhòe hoa nắng dưới tán lá xanh non. Trang phục người Âu đã hở hang, với cái nóng nhiệt đới càng thêm khêu gợi. Chân anh đạp xe như một bản năng. Đôi mắt anh nhìn qua đầu cô đầm theo một bản năng khác. Đôi khi anh cố dướn mắt lên quan sát xe cộ lưu thông trên đường, nhưng chỉ chốc lát, đôi mắt chết tiệt ấy lại quay về phía trước, dưới vai cô đầm, ở đó có cái hẻm sâu hút chìm nửa chừng giữa hai gò cao và lớp vải bó sát, căng phồng. “Da chi mà trắng dữ rứa!”... “Ngồi xi nê mười phim không bằng một lần coi cọp tận mắt!”... Anh chặc lưỡi xuýt xoa mãi: “Suốt buổi chiều khô cổ, chưa được uống li bia hơi mô mà răng nước bọt nhiều như ri?”... Mải mê, mê mải nhìn…, dướn mắt lên…, một chíêc xe hơi ngược chiều lao tới. Phản xạ, tay anh kéo mạnh cần thắng. Lạ quá! Xích lô của anh vẫn không dừng được. Nhanh trí, tay còn lại, anh bẻ ngoặt cho xe chồm lên lề đường, tông vào gốc cây. Anh văng ra khỏi xe, tay vẫn nắm chặt cần thắng. Qua hết giây phút kinh hoàng, anh nhìn xuống: “Ồ không! Đây đâu phải cần thắng!”. Thì ra, trong lúc hốt hỏang, anh nắm bừa cái cần tròn tròn, cứng đơ trước yên xe mà cứ tưởng là cần thắng. Hèn chi, kéo cần thắng rêm cả người mà xe không dừng được.


Cảnh sát đến làm biên bản xử phạt vi cảnh. “Chết tui rồi! chạy suốt ngày chưa có chi cả lấy tiền mô nộp phạt? Mấy anh tha cho! Sự thể là do em…do em…” Anh kể lại đầy đủ tình tiết câu chuyện. Mấy anh cảnh sát cũng được một trận cười vỡ bụng, bèn tha cho anh.


Từ đó, để tránh các trường hợp tai nạn xảy ra tương tự như thế, chính quyền có lệnh bắt buộc tất cả các xe xích lô phải đổi cần thắng trước đây là một thanh sắt ống nước tròn nhỏ, dài cỡ non gang tay, nhẵn nhụi trước yên xe xích lô ra sau yên xe. Thay hẳn thanh sắt bằng một vòng thép tròn. Bây giờ thì tìm một chiếc xích lô ba bánh có cần thắng phía trước yên xe thì thuộc loại hiếm đấy!


6.

Ngôn ngữ Việt Nam thật phong phú và gợi hình. Cùng một động tác điều khiển phương tiện giao thông mà với ô tô thì “lái ô tô”, với xe đạp thì “đi xe đạp”, với ghe, đò thì "chèo ghe", "chèo đò", còn với xích lô thì “đạp xích lô”. Không thể thay đổi động tác và đối tượng cho nhau được. Có dùng thay, thì nghĩa lại khác đi. Với từ “đạp” lại đa nghĩa hơn. Đưa nước lên ruộng bằng đạp guồng nước, gọi là “đạp nước”. Vò lúa bằng chân người hay trâu, gọi là “đạp lúa”. Đầu năm vào nhà ai đầu tiên là “đạp đất”. Loài lông vũ yêu nhau thì gọi là “đạp mái”…Cũng tại ngôn ngữ bất đồng giữa các vùng miền mới có câu chuyện này:


Một người con trai Huế làm ăn xa, cưới một cô vợ miền Nam ngọt như nước dừa. Anh cưng, anh chiều đủ điều mà chị vợ vẫn lạnh lạnh với anh. Anh không nghi ngờ gì vợ mình vì biết cô vẫn rất yêu anh, chung thủy với anh. Vợ anh là một cô gái chính chuyên thuộc gia đình nề nếp. Cô đến với anh hòan tòan tự nguyện sau một thời gian quen biết khá lâu. Cô không có bạn trai nào khác ngoài anh ra. Vì làm cùng cơ quan, anh chị biết nhau rất rõ trước khi quyết định đến với nhau. Thế mà cô ấy vẫn cứ lạnh lạnh sao ấy!


Một kỳ nghỉ phép khá dài, anh dẫn vợ về quê sống với gia đình một thời gian, luôn dịp ra mắt bà con nội ngọai. Anh dành cho vợ tất cả sự trìu mến, chăm sóc để vợ quen dần nếp Huế trong cách sống. Chị cũng thể hiện sự mãn nguyện về nhà chồng trong cách ứng xử với bà con nội ngoại bên chồng. Ai cũng khen anh có người vợ lý tưởng, xứng đôi vừa lứa. Rứa mà chị vẫn cứ lạnh lạnh với anh. Anh tự an ủi hay là tính cô là thế, là thế!…


Một lần anh cùng vợ tham quan phố Huế. Anh gọi một chiếc xích lô hai vợ chồng ngồi chung. Nhìn xe rồi lại nhìn anh mấy lần, chị tần ngần bước lên xe trước những lời chèo kéo của chồng. Nhưng xe vừa lăn bánh, chị lại bảo dừng và gọi thêm một xe khác vừa trờ tới, riêng cho chị. Hai người, mỗi người một xe song song ngắm phố. Mọi dự tính của anh thiết kế một cuộc chơi phố trên xích lô để nhớ lại những kỷ niệm xưa và giới thiệu với chị những thắng cảnh, di tích trên đường xe qua thế là hỏng toi.
Tối về, trong căn phòng nhỏ có cửa sổ hướng về mặt sông, ánh trăng non đầu tháng và không khí mát mẻ ôm ấp đôi vợ chồng trẻ. Khác với thường ngày, chị vợ tối nay hào hứng bao nhiêu thì người chồng cứ lạnh lạnh với nhiều suy nghĩ vu vơ.
- Anh nè! Thùng xe nhỏ thế mà ngồi hai người, em thấy ngộ quá. Ngồi lên chân anh thì coi sao được. Mà em ngồi xép một bên, anh một bên… kỳ quá…
- ….
- Anh nè! Mà Huế đẹp thiệt…đẹp quá anh hí! Em hỏi cái gì, ông xích lô cũng biết và thỏa mãn mọi yêu cầu của em đó! Anh biết không? Ông còn hẹn em, mời em chiều mai làm một cuốc nữa, lâu hơn, ra ngòai thành phố vắng vẻ, nhiều thú vị lắm! Anh để em đi với ông nhe!
-…
Chị đã cố dùng hết lời ngon ngọt, thái độ lơi lả nhưng anh vẫn lặng im không nói nửa lời. Chẳng lẽ to tiếng với vợ trong nhà cha mẹ lúc này? Cũng không thể chịu đựng được thái độ sàm sỡ của vợ với ông xích lô mới quen, anh quay mặt vào tường sau khi xỉa vào mặt vợ:
- Ngủ đi! Muốn thì mai cứ đi mà làm …
Trong cơn bực dọc, anh lại nghĩ vu vơ về những ngày cô vợ lạnh lạnh với mình. Chị vợ cũng không chịu nổi thái độ của chồng nhưng cố chiều anh. Chị nhẹ nhàng rót vào tai anh:
- Mà anh nè! Ông xích lô này thật tuyệt. Em lên xe là ông đạp liền. Em bảo nhanh, ông đạp mạnh. Em bảo chậm, ông đạp nhẹ nhàng. Ông càng đạp mạnh, em càng thấy đã. Thấy ông mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thở hồng hộc, em bảo ông dừng chút ít lấy sức. Ông bảo: “Không chi mô! Miễn răng đạp tốt cho cô là được rồi. Dừng thì mất thú”. Lúc đó… thiệt mà nói, em sướng lắm.Gió hây hây em mát cả người. Em đê mê không biết trời trăng mây gió gì nữa. Em nhắm mắt nằm dài trên xe, thưởng thức trọn vẹn cái cảm giác được ông đạp…
- Quá lắm rồi! Bây giờ tôi mới biết bộ mặt của cô! Muốn gì tôi cũng theo cô cả, ngủ yên đi! Mai tính!
- Ủa? Anh nói gì vậy? Em đang cần thì anh không nói gì cả! Anh không bằng ông xích lô! Không bằng ông xích lô!...
Tối hôm đó đúng là “vầng trăng ai xẻ làm đôi”. Anh chồng quay mặt vào tường. Chị vợ hướng về cửa sổ. Hai tấm lưng trần không có mắt vẫn phải nhìn nhau. Trăng khuya lạnh xế đầu hồi, không còn nhìn vào cửa sổ của đôi vợ chồng. Vợ chồng mới, giận nào rồi cũng qua mau. Không gian yên tĩnh, gợi tình quá, anh chồng quay người choàng tay qua vợ làm lành. Chị vợ thao thức không ngủ được, chỉ chờ giây phút ấy.
- Ngày mai anh thuê một chiếc xích lô đạp em quanh thành phố Huế. Em thích không?
- Không! Em thích anh đạp ngay bây giờ thôi! Ngày mai em đi xích lô với ông ấy vì đã hẹn lỡ ông rồi.
- Ừ! … Thì bây giờ cũng được, anh chiều…
- Ủa!...Ủa!...Gì?...Gì anh?...Gì?...Gì?...ì ?...ì?...ì…ì…ì.
Sáng dậy, mặt hớn hở hơn mọi ngày, chị nhìn anh cười tủm tỉm:
- Bây giờ em mới hiểu được tâm trạng của anh chiều qua. Anh chỉ suy nghĩ lung tung. Cũng vì em là người Nam, ngôn ngữ thẳng tuột không xiên xẹo. Bây giờ em không dám nói anh đạp không bằng ông xích lô. Phải nói sao anh hè? Anh là nhất trên đời rồi. Chẳng có ai bằng được anh.


7.

Tôi có người bạn là con nhà xích lô. Tôi chơi với anh ấy từ năm học đệ Thất, bậc trung học. Tuy cùng lớp nhưng anh ấy lớn hơn tôi ba bốn tuổi, trong lớp ai cũng gọi bằng anh. Nhà anh ấy ở đường Gia Hội, kiệt sau mả ông Trạng. Nhà tôi ở xóm Ngự Viên. Tuy gần nhau nhưng khi chưa học với nhau cùng lớp, tôi cứ ngỡ anh là người đạp xích lô. Mỗi ngày, qua đường Gia Hội, tôi thường thấy anh quanh quẩn hoặc ngồi vắt vẻo lên hai chiếc xích lô đậu ở góc đường Ngự Viên-Gia Hội chờ khách. Khi đã thân nhau, tôi thường qua nhà anh chơi. Có khi tôi ngủ đêm ở đó. Nhà anh chỉ có bốn người. Bố anh đã già, làm nghề đạp xích lô nuôi ba đứa con trai ăn học. Tản cư từ quê lên phố tránh bom đạn, trong ba anh em, chỉ có người em út là vào học đúng tuổi qui định. Anh và người em kế phải làm giấy khai sinh hạ tuổi để được vào trường. Cả ba anh em đều học giỏi và chung một trường công lập. Anh chỉ học trước hai người em một lớp.


Nhà không có người mẹ, mọi việc trong nhà, bốn người đàn ông tự quán xuyến với nhau. Từ việc kiếm tiền đến chợ búa, nấu ăn, giặt giũ, bố anh đều tính tóan và sắp xếp cho cả nhà. Những buổi không đến trường, đôi khi anh thay bố chạy khách xe nhà hoặc mướn thêm xe chạy với bố. Có điều là gia đình anh được bà con trong xóm thương yêu vì ông cụ hiền từ và ba anh em đều ngoan, lễ phép và học giỏi.
Học xong bậc Trung học đệ nhất cấp, anh thi đậu vào trường đào tạo công chức học tận Sài Gòn. Ở đây anh vừa học vừa sử dụng vốn nghề nghiệp xích lô nuôi thân đến ngày ra trường, trở thành công chức.
Trong thời kỳ còn là học sinh trung học kiêm nghề xích lô nghiệp dư, anh quen với o bán chè gánh. Nhà o ở tận Bãi Dâu. Mỗi chiều, khi trời vừa xế, gánh chè của o đã nhún nhẩy nhịp nhàng với chiếc đòn gánh thanh thanh trên đôi vai tròn trịa uyển chuyển theo từng bước đều đặn của đôi chân. Phải nói là nhìn gánh chè của o, ai cũng thầm phục sự khéo léo của chủ nhân. Các soong chè sạch bóng, trắng sáng màu nhôm, chứa đầy chè nước vàng trong. Lại còn nhiều thứ khác, kể cả một thau nhôm chứa nước lã có thả vài cọng lá chuối để giữ mặt nước khỏi chao. Bước o đi không thấy vẻ nhọc nhằn. O chè gánh không lọt ra ngòai ánh mắt ngưỡng mộ của anh xích lô. Lúc đầu chỉ là chào hỏi bâng quơ, tiến dần đến khi, mỗi lần gánh chè qua ngã ba Ngự Viên-Gia Hội, không thấy anh, o ngồi nán lại bán vài chén cho khách ăn, đợi để được thấy anh trước khi lên chợ. Tình khi đã chín mùi, mỗi buổi hòang hôn, chè hết, từ chợ về gánh không, anh đợi, nài o lên xe xuôi đường đưa o về nhà. Ai cũng bảo: Hai đứa thương nhau thiệt!


Thời gian ba năm anh đi học xa, o vẫn đều đặn mỗi chiều với gánh chè đậu ván. Anh trở thành công chức, hai người làm đám cưới. Bà con trong xóm lại bảo nhau: “Hai đứa cưới to thiệt!”. Căn nhà có thêm con dâu trở nên ngăn nắp gọn gàng hơn hẳn. O đã thay đổi từ gánh chè bán rong thành quán chè và nước giải khát ở chợ. Mỗi sáng, trước khi đi làm, anh đạp xích lô đưa o và hàng lên chợ. Chiều tan sở về nhà, anh đạp xích lô đón o về nhà. Bà con trong xóm có dịp kháo nhau: “Hai đứa hạnh phúc thiệt!”


Khi o sinh đứa con thứ hai thì anh bị động viên. Mấy năm sau đó, tôi gặp lại anh khi anh chuyển quân qua nơi tôi đang dạy học. Gặp nhau tình cờ ở vùng cao heo hút, xa thị thành, tâm tình nhiều mà vui vẻ với nhau thì chẳng có gì: Vài chai bia Larue, mấy con cá khô nướng, ít gói đậu phụng rang…Tôi lại nhớ buổi rượu đầu tiên với anh xích lô máy non mười năm trước ở Sài Gòn. À! Mà sao lạ! Tôi có duyên nợ gì với xích lô mà trong vô số cuộc rượu trong đời, chỉ nhớ kỹ về hai lần uống rượu với bạn xích lô.


Một dịp nghỉ hè về Huế, tôi đến thăm nhà ông cụ xích lô bố bạn tôi. Ông cụ đã già không còn sức để đạp xe. Hằng ngày, ông đẩy xe ra ngã ba Gia Hội- Ngự Viên để đó cho thuê ngày hoặc cho người chạy chia từng cuốc. Ba đứa con trai đều là sĩ quan, đủ cấp dưỡng cho ông sống tuổi già. Hai đứa sau đã có nhà riêng. Ông ở với con dâu trưởng vì “chồng nó ở xa, coi giùm con cái để nó buôn bán nuôi con”. Hai đứa con bạn tôi, một trai, một gái kháu khỉnh và xinh như mẹ nó. Tôi cho quà, chúng sà vào lòng tôi như quen biết từ lâu. Tôi ngạc nhiên thì ông bảo: “Ngày nào nó cũng nhìn tấm ảnh chú và bố nó chụp chung ngày còn đi học mà trông bố và chú về. Thương lắm!”. Tôi hỏi hai đứa chung một câu: “Sau này lớn lên hai cháu thích làm gì?”. Thằng con trai nhanh miệng: “Cháu thích đạp xích lô như ông. Cháu không thích đi lính như bố, ở xa lắm không về, mẹ khóc mãi”. Đứa con gái hơi rụt rè nhưng không chịu thua, quay sang anh, nó nói: “Em thích đi bán chè như mẹ thôi. Anh lớn chút nữa để đạp xe chở mẹ và em đi chợ nghe!”


Chiến tranh kết thúc đã khá lâu. Ba đứa con trai của ông cụ xích lô chỉ còn hai nhưng đều ở nước ngòai. Ông đã già lắm, ở trong căn nhà cũ với cô dâu thứ hai góa bụa hay ốm đau ngặt nghèo và đứa cháu trai. Đứa cháu học giỏi nhưng không vào được trường đại học, phải theo nghề xích lô của ông. Một mùa hè mới gần đây, tôi về thăm quê ngẫu nhiên đúng dịp ông cụ qua đời. Sau đám tang, tôi có may mắn được tham dự một cuộc dã ngoại bằng xích lô của anh em nhà anh bạn tôi. Không phải đi xích lô mà thuê hẳn mấy chiếc xích lô, người trong nhà thay phiên nhau đạp. Trong đám chỉ có ba người đạp xích lô có nghề là hai anh em bạn tôi và đứa cháu. Số còn lại chỉ chập chững. Chiếc xe của bạn tôi, dân xích lô chở vợ là dân chè gánh, điệu nghệ hơn cả. Xe anh chị luôn dẫn trước, cố vượt thật xa để dừng lại đợi chúng tôi. Chặng cuối dừng dưới chùa Thiên Mụ, hai mái tóc đã chớm bạc dựa vào nhau. Gió từ sông thổi lên tung mớ tóc bồng bềnh của chị phủ kín vai anh.


Khi chúng tôi kịp đến nơi anh chờ, không ai bảo ai, bao nhiêu máy ảnh có được đều được đem ra dùng. Anh chị thì chẳng hay biết gì vì đang trong giấc ngủ trên xe. Biết đâu anh đang có giấc mơ về anh xích lô trai tráng ế khách, đậu xe ngủ trưa dưới gốc cây bóng mát ven đường.


8.

Tôi nhớ những ngày còn bé, mỗi tháng theo nội tôi lên tiệm chú Ngọc Hưng trên đường Gia Hội mua gạo. Trả xong tiền, nội tôi bảo tôi ra đường vẫy gọi xích lô. Hai bà cháu lể mể ngồi lên xe để bác xích lô cùng người nhà tiệm khiêng bao gạo tạ đặt lên xe. Bao gạo nằm gọn trên bệ xe cũng là lúc bánh sau xe chổng ngược lên. Bác xích lô lựa thế ấn bánh xe sau xuống lại sát mặt đường, giữ cân bằng để lên yên. Trên đường đi, cậu bé con hơn mười tuổi vừa ngắm con đường Gia Hội tấp nập người xe, vừa để vào tai không sót một mẩu đối thọai giữa hai người lớn:


- Gạo sọc nâu nở nhiều nhưng không ngon bằng gạo sọc xanh.
- Răng mệ không mua gạo sọc xanh?
- Mắc hơn mười mấy đồng, lại ăn hao lắm.
- Mệ mua cả tạ, ăn mấy tháng mới hết?
- Ui chà! Tiện tặn chỉ non tháng thôi đó! Giặc giã tản cư mười mấy miệng ăn. Gạo sọc nâu còn kiếm không ra mà ăn nữa là...
Xe lằn ngoằn qua mấy khúc cua cùi chỏ trong hẻm xóm, dừng lại trước bệ thềm. Bác xích lô xuống xe, yên sau xe lại chổng ngược lên. Chuyển xong bao gạo vào nhà, nội tôi mời bác ly nước chè xanh. Tôi nhìn bác quay đầu xe ra khỏi ngõ xóm, lòng dâng lên tình cảm khó nói nên lời.

 

Đó là xích lô của hơn 50 năm trước, xích lô của những người bình dân lam lũ. Ngày nay xích lô đã khác nhiều rồi. Hà Nội đã có xích lô của công ty dịch vụ Sans souci do một thầy giáo cấp 3 bỏ nghề “gõ đầu trẻ” để làm “vua xích lô”, chuyên chở các VIP dạo phố Hà Nội. Dĩ nhiên các chiếc xích lô này không hề tuềnh tòang. Xe phục vụ thượng khách cơ mà! Các xe xích lô này đã ghi dấu hình ảnh thủ tứơng Pháp và đòan tùy tùng, thủ tướng Cộng hòa Séc, đến cả các vị nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh Á Âu 5 (ASEM 5). "Bác" đạp xích lô lọai này không phải ai cũng được chọn vào. Ngòai sự lịch lãm, sành điệu, có đào tạo, có lý lịch bảo kê, còn nhiều ... nhiều thứ yêu cầu khác nữa. Xuống thấp hơn một chút là xích lô phục vụ du lịch được tổ chức thành từng đòan, từng nhóm phát triển trong các thành phố có thế mạnh du lịch. Ngồi lên các chiếc xích lô du lịch, du khách nước ngòai còn được hưởng thêm dịch vụ hướng dẫn viên không cần phiên dịch và dĩ nhiên túi tiền cũng vơi khá đậm cho "bác" xích lô và người tổ chức. Khách du lịch trong nước thứ thiệt chơi sang mới dám gọi xích lô này. Nhưng khi trả tiền xong anh không khỏi vài câu chặc lưỡi tiếc tiền.


Báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng thỉnh thỏang đưa tin vài đám cưới ở nước ngòai tổ chức trên núi, dưới biển, trên phi cơ, ngòai du thuyền... Ở Việt Nam có người tổ chức đám cưới bằng xích lô. Đám cưới xích lô không phải vì nghèo không đủ tiền thuê xe hơi mà vì nhiều tiền quá, thuê cả đòan xích lô công nghênh qua thành phố chơi sang, lóe mắt thiên hạ. Một đòan xích lô giăng hàng xuyên phố phường. Lọng đỏ, tán vàng, hoa tươi... bên từng đôi trai thanh gái lịch ngồi xích lô nườm nượp chảy xuôi theo dòng đưa tiễn người sang sông. Các "bác" đạp xích lô được lựa chọn, trẻ măng, đẹp trai cũng vét tông, cà vạt chỉnh tề, đều đều chân đạp giữ khoảng cách. Một bên đường, khách bộ hành và người đi xe ngán ngẩm nhìn nhau.
Ngòai những lọai xích lô ấy, vẫn còn lọai xích lô lam lũ ngày xưa.

 

Tôi một lần về thăm quê, gọi một chiếc xích lô chờ khách ngòai cổng bến xe. Xe đi xuyên lòng thành phố về nhà. Rất may là quê tôi chưa có khu vực cấm xích lô lưu hành như ở các thành phố lớn khác. Con đường khá xa từ đầu phía nam đến gần cuối phía bắc thành phố. Tôi dặn anh đạp xích lô cho xe qua đường có chiếc cầu cũ màu trắng bạc. Gần đến cửa thành phía đông, tôi bảo anh quay trở lại, vào thành bằng cửa phía nam. Con đường phố ngòai thành song song bờ sông, mùa hè nhiều phượng vĩ loang lóang hoa nắng và xác phượng trải đỏ mặt đường. Anh xích lô tưởng tôi là người “cõi khác”, đôi lần hỏi lại chỗ tôi về. Không sao! Cứ an tâm! Thế rồi cũng đến nhà tôi. Tôi xuống xe. Anh xích lô quay ra ngõ xóm. Tôi vẫn thấy rõ thành phố của tôi như mấy mươi năm trước qua dáng người trai trẻ lầm lũi ấn từng bước đạp nặng nề lên chiếc bàn đạp quay vòng chầm chậm. Anh còn quá trẻ. Đời anh có gắn mãi được với chiếc xích lô không?

 

9.

Xích lô hiện diện trên đất nước này đã hơn 60 năm, vừa đủ tuổi cho một đời người. Xích lô đi vào cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt như là một gắn kết khó rời. Xích lô đã đi vào nghệ thuật thứ bảy với bộ phim của đạo diễn tên tuổi Trần Anh Hùng. Bộ phim có tên như tên cúng cơm của chiếc xe này. Xích lô đã làm tựa đề cho một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Thanh với lời ca Mỹ Tâm vang lên: “Xích lô ai không ước mơ/ Cứ lo trời nắng, cứ lo trời mưa/.../ Phố đông người qua/ Lối kia chật quá/ Khiến con tim tôi hao gầy...”. Cái gì đã tồn tại với một cộng đồng thì cũng hiện diện trong các giá trị văn hóa làm nên cuộc sống tinh thần của cộng đồng đó. Có một giá trị văn hóa xích lô trong nếp sống người Việt chúng ta hôm nay? Có ai bác bỏ điều này không nhỉ?


Cuộc sống ngày càng phát triển với nhiều nhân tố mới xuất hiện. Đó là qui luật đi lên của xã hội. Khư khư giữ lấy cái cũ cũng là một cách ngăn cản bước đi lên đó. Chúng ta không thể để mãi cảnh những chiếc xích lô ba bánh chậm chạp, bò lê thê trên những con đường nhẵn thín, rộng thênh thang, nườm nượp các phương tiện giao thông tuôn chảy như thác. Mà nếu cho phép để lại thì liệu tự thân chiếc xích lô kia có thể chen chân, tìm được đất sống trong khung cảnh xô bồ, cạnh tranh từng phút giây để giữ chỗ đứng của mình.

 

Biết bao con người đã gắn cuộc đời với vòng quay ba bánh xích lô. Không có nó, cái gì thay thế được. Những con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo sâu hút còn tồn tại thì còn cần chiếc xích lô chở hàng vào nhà. Những cuộc đời dân nghèo thành thị, chỉ làm chủ duy nhất sức lao động cơ bắp của mình, hằng ngày quay tròn đôi bàn chân theo vòng quay bàn đạp xích lô, kiếm sống cho gia đình. Chưa có giải pháp chuyển đổi hữu hiệu thì cũng còn cần sự tồn tại của chiếc xích lô. Bản thân chiếc xích lô và người đạp xích lô không trả lời được câu hỏi này. Xã hội đã tạo điều kiện để nó xuất hiện và tồn tại thì cũng phải có trách nhiệm tạo điều kiện để nó tuyên bố hòan thành sứ mạng, rút lui về quá khứ.

 

Tôi may mắn được một lần tham quan quốc đảo Singapore. Ở đó còn nguyên vẹn một khu phố Tàu bên cạnh các khu nhà hiện đại, sang trọng. Có chừng mươi chiếc xích lô, mươi người gánh rao, bán dạo các món ăn Tàu truyền thống… Nhưng chỉ chừng đó thôi, có phép, có biển kiểm sóat đàng hòang và chỉ ở một số con phố phục vụ khách du lịch. Người hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi hay là đất nước họ muốn giữ lại một ít bóng dáng ngày xưa để làm giàu thêm cuộc sống hiện tại. Những người làm công việc này còn được nhà nước khuyến khích vì so với nhiều ngành nghề khác, họ bị thiệt thòi rất nhiều trong thu nhập.


Trước khi trở thành một quốc đảo độc lập cuối thập niên 50 thế kỷ trước, họ cũng như ta. Chỉ chừng 50 năm xây dựng, đảo quốc sư tử đã có những thành tựu như hôm nay làm cả thế giới khâm phục. Năm mươi năm sau nữa, không biết Việt Nam có còn những con hẻm chỉ vừa ba bánh xích lô; có còn những người nghèo thành thị chỉ biết duy nhất một cách kiếm sống bằng việc ấn đôi bàn chân lên giò đạp xích lô. Xã hội giải quyết được bài tóan đó thì có muốn giữ lại xích lô để còn một chút bóng dáng quá khứ thì cũng khó, như hôm nay chúng ta cố giữ những buổi diễn xướng âm nhạc dân gian truyền thống ở chốn sân đình.
Khi đó chúng ta nhìn về quá khứ để thương “một thời lận đận lao đao, một thời nắng dãi mưa dầu: Xích lô” (Vẫn còn nhớ mãi-Thơ Nguyễn Văn Phương).

 

NGUYỄN VĂN UÔNG
2009

http://www.gio-o.com/Chung/NguyenVanUongCuiRomGiu.htm