Trò Chuyện
Với
Nhà Thơ
Hoàng Xuân Sơn

lê thị huệ thực hiện

Lê Thị Huệ: Chào anh Hoàng Xuân Sơn, anh sáng tác được nhiều thể loại thơ. Từ lục bát cho đến tự do, tôi đều có thể tìm được những bài thơ hay của anh. Anh có thể cho độc giả gio-o biết, anh vừa ý nhất với thể loại thơ nào?

Hoàng Xuân Sơn: Chào nhà văn Lê Thị Huệ. Thân chào quý độc giả Gió-O

Đúng là tôi có chọt chẹt nhiều thể loại.  Nhưng cuối cùng vẫn chịu nhất là lục bát chị ạ? ! Mần thơ năm thì bảy đỗi, tới lui đủ kiểu đủ cọ, rồi cũng trở về với sáu/tám thôi. Chẳng là mình đã ăn dầm ở dề với ca dao, với hát ru từ thuở nằm nôi đó sao?  Vả lại nhiều ngườì đã xác quyết lục bát là thể thơ Việt chính hiệu con nai vàng thì mình phải hãnh diện làm được thơ dân tộc chứ . Chị có nghe bài ca "Đi Mô Rồi Cũng Nhớ Về Hà Tĩnh" ? Hà Tĩnh, quê mền - cái nôi lục bát đó. Cụ Tiên Điền lừng danh với sáu tám Thúy Vân Thúy Kiều chắc hẵn làm bọn mình được thơm lây.  Vậy thì lục bát là máu là thịt.  Là cốt nhục thân thương.  Sao đành đoạn bỏ ?

LTH: Bài thơ lục bát nào của anh được khen hay nhất ? Được nhiều bạn bè anh khen hay nhất chẳng hạn

HXS: Bị mình lấy cái nhan sách tập thơ thứ nhì cùng tên với một bài ở trỏng : Huế Buồn Chi (tập này có khá nhiều bài lục bát ) nên đi đâu người ta cũng lấy bài này làm . . . kiểng (!) . Ta cùng đọc lại thử nhé :

Huế buồn chi Huế không vui
Huế o ở lại Huế tui đoạn đành
O đau sương khói một mình
Tui đi ray rứt Nội thành tái tê
Huế buồn chi, tội rứa thê
Tình xưa nghĩa cũ ngó về tựa nương
Huế ơi mộng tới đường trường
Kim Luông Vỹ Dạ dòng Hương có còn?
Trèo tình lên núi mà thương
Cỏ cây chất ngất phố phường ở mô
Huế chừ cách mấy triệu o
Mưa qua cửa Thượng, chiều co bến Thừa.

Chị thấy thế nào ? Xoàng quá phải không ! Tôi thấy bài thơ tròn trịa quá, không mấy xuất sắc ngoài vài ý tạm gọi là ... thơ: o đau sương khói/trèo tình lên núi/cách mấy triệu o.

Bài này viết đã lâu, trong nước, hồi tôi xa Huế vào Sàigòn trọ học khoảng thập niên 60. Có gửi cho Văn. Nhưng bị ông Trần Phong Giao cho vào sọt rác !

Sau này ở hải ngoại, Huế Buồn Chi được chọn đăng ở Việt Chiến (Virginia 1983).  Anh Võ Đình tìm đến làm quen cũng từ cơ duyên bài thơ này ( Huế tìm Huế ? ).  Nhà văn Túy Hồng cũng khen nức nở.  Rồi từ đó bài thơ này được nhắc đến như một biểu tượng Huế.   Được lôi ra ngâm nga ca kệ nhiều lần.  Chỉ có mình ông bạn nhạc sĩ Bắc kỳ Phạm Anh Dũng tìm phổ nhạc bài HBC thôi. Toàn Huế cả.  Riết cũng đâm nghi nhờ giá trị bài thơ. Trường hợp này cũng từa tựa trường hợp nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với bài Nắng Chiều.  Nhạc sĩ Lê sáng tác nhiều ca khúc giá trị, nhưng đi đâu cũng nghe thiên hạ nhắc Nắng Chiều, hát Nắng Chiều khắp mọi nơi, khiến ông cũng đâm ra “gờm gờm” đứa con tinh thần nổi tiếng của mình.

Gần đây, một vài bài lục bát của HXS cũng nấc lên được đôi tiếng vọng thầm từ phía bằng hữu. Qúy bạn gái thì thích Bài Thơ Dịu Dàng (như phái nữ) :

Dịu dàng
em đến bên tôi
hình như . . .
hình như mình
đã  biếng cười
rất lâu
từ trăm năm chụm mái đầu
từ xanh thơ dại nên mầu tóc tơ
từ yêu thương lẫn vực ngờ
chẳng qua chút bóng sương mờ đấy thôi
hãy tin rằng : bấy cuộc đời
yêu em bạch nhật
suốt trời thanh thiên
hãy tin rằng : thịt xương liền
vào trong muôn kiếp
lậm tiền duyên nhau
sá gì
một gợn bể dâu
đã se cùng tát
lượng sầu nhân gian
cho xin
lời, tiếng 
dịu dàng
xin nhau đắm giữa vô vàn
cuộc yêu

Bạn đọc nam hay nhắc tới bài Đọc Hoàng Lộc. Ra Tù Về Lại Hội An ; (có lẽ do đồng cảnh đồng tình, đồng thuyền đồng hội, luôn luôn tự đặt để mình như kẻ sa cơ lỡ vận ! )

Trời mưa ray rứt lệ mòn
em ơi đá tạc có tròn hay chưa ?
ta về
ấp úng tình xưa
người trăm năm cũ như vừa mới
ai ?
chao ơi
thiệt tội đêm dài
nghiến sâu thân thế
lạc loài thể thân
chừ
trùm cái bóng phân vân
về mô cũng đụng
chút gần
thịt xương
chiếu giường ai trả mùi huơng ?
trăm thương còn sót
một đường chim bay
ta về
nhang khói lắt lay
thôi âm hồn nọ
vẫn ngày dương gian
tả tơi một nắm hương vàng
cỏ xanh mồ mới
tro tàn cuộc yêu
ta như cỗ máy đứt thiều
hồn ngất lịm với trưa chiều mung lung
đêm vơi
cõi thế bập bùng
giọt trăng giọt rượu vàm sông
bến
           nằm
ta về
như gợn gió âm
ở lâu vết buốt
ngực trầm tích kia
giọt mưa giọt lệ đầm đìa
thất phu
nhòe buổi ta về
trắng
     không .

Đáng  ra, thơ chỉ nên cảm nhận mà không nên lý giải.  Nhưng thôi, kệ ! Xin dài dòng một tí vì bài này có chỗ được phần tâm đắc : Chị có để ý chữ  "thất phu" ở gần cuối bài ? Một danh từ được sử dụng như trạng từ : Không biết có gợi thêm mối cảm thương của một kẻ sa cơ vừa được thả tù,  thất thểu lội đi giữa đường mưa lệ chan hòa ?

LTH: Anh làm thơ có vẻ dễ dàng ?

HXS: Cũng "trần ai khoai củ" chứ không được dễ dàng lắm đâu chị ạ !

Chị có để ý dưới mỗi bài thơ tôi đều có ghi chú thời gian sáng tác? Có lúc viết được nhiều, viết dồn dập như thể có cái gì dồn nén, bức xúc khiến mình phải tuôn ra cho kịp.  Nói nôm na là hứng khởi tràn trề.  Có lúc kẹt dài dài, tắt tị làm mình chỉ ước được như Giả Đảo thời xưa "ba năm làm được hai câu" cũng tạm thỏa lòng.  Có điều lạ là chính trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn mới viết được nhiều.  Lúc ở không, nhàn rỗi, tưởng là làm được nhiều thứ mà rồi cuối cùng cũng đành khoanh tay.  Chẳng hạn có hồi làm những công việc nặng nhọc ngoài sức người, ý tưởng ở đâu tuôn ra nhiều thế ( Tôi hoàn thành một mạch cuốn Huế Buồn Chi ở thời điểm này ).  Làm như thử mình phải tự đày đọa mình mới ra thơ.  Thú đau thương phải không chị?  Hay mình nhắn nhủ mình như lời một bài hát : "Tình đòi tình vật vã khôn nguôi . . . " ( Bên Kia Sông - Nguyễn Đức Quang/Trần Đại Lộc)

LTH: Trên là một câu ở thì hỏi. Chứ tôi đâu kết luận đâu. Nhưng nhờ vậy mới thấy được câu trả lời của thi sĩ. Nếu anh có nhiều nỗ lực đễ ra được những câu thơ "có vẻ dễ", thì anh đã thành công và anh nên hãnh diện về điều đó. Một sự chiến đấu với chữ nghĩa để mài lên thành những câu thơ tinh vi và và rực sáng như trong nhiều bài thơ của anh, thật là đáng ngưỡng mộ. Nhờ đọc được câu trả lời này của anh, tôi sẽ bắt đầu đọc lại thơ Hoàng Xuân Sơn một cách mới mẻ thêm . Anh có nhớ bài thơ nào anh làm nhanh nhất, và bài thơ nào anh "ngâm" lâu nhất ?

HXS: Bài làm khá nhanh là bài Hành Trang :

Đêm gần
nghe tiếng gọi
         xa
khổ đau quằn quại
có là hành trang
anh đi
dưới nắng điêu tàn
cũng thầm ghi lại
đá vàng
âm xưa
trời đương nắng
trời chưa mưa ?
làm sao gió nổi
trong mùa bụi xanh
lậm vào
mắt đỏ hồn anh
tiền thân
giờ
cũng ngọn  ngành
        mai sau

Cũng lại lục bát chị Huệ thấy không?  Bài này tự nhiên thấy được câu cuối trước: Tiền thân/giờ cũng ngọn ngành/mai sau ( một câu nghiệm được cả ba thì ).  Từ đó phóng ngược trở lại.  Có lắm bài viết nửa chừng tắt tị bèn phải  "ngâm"  chung trong một . . . thùng rác !

LTH: Thơ của Hoàng Xuân Sơn sau này nghiêng về lối chơi chữ cầu kỳ đẹp đẽ. Tự nhiên anh viết ra những chữ cầu kỳ như thế, hay sau khi viết, anh thay đổi các chữ viết cho son thắm hơn ?

HXS: Tôi không có chủ trương kỳ khu mài dũa đá nham thành ngọc đẹp chị ạ ! Càng không có tham vọng làm một Phu Chữ kiểu nhà văn Lê Đạt.

Trong một dịp tán gẫu với Cao Vị Khanh,  một bạn văn cùng địa phương cư ngụ, hai đứa cố công tìm hiểu vì sao ngôn ngữ thơ khác biệt quá xa với ngôn ngữ đời thường, mà cuối cùng vẫn không lời giải đáp. Trích một đoạn anh bạn này viết, chị xem thử sao :

". . . Có lần bày rượu ra hàng ba nói chuyện làm thơ với HXS, để truy tìm nguyên ủy chữ nghĩa trong thơ, cả hai bàn qua tán lại tới chắt cạn ba chai vang đỏ mà bí nhiệm vẫn hoàn bí nhiệm . Ngôn ngữ thơ ở đâu ra mà không có trong mớ ngữ vựng hàng ngày . Cũng người cũng tình đó . Cũng thân cũng tâm đó . Mà sao lời trong đời không giống lời trong thơ . Sao lời trong thơ thì trơn tru châu ngọc . Mà lờ?i trong đời thì lục cục lòn hòn . Thì cũng tự phát, cũng bốc đồng, cũng một mạch mà chữ nghĩa thì khác hẵn . Không lẽ có một Nàng Thơ thiệt ? Nàng ăn ở liêu trai với chàng , rồi thỉnh thoảng hà hơi mớm lời cho chàng, choàng vai cầm tay chàng viết nên những câu lục bát . . . đồng thiếp . . . . " ( Thử Nghiêng Tai Nghe Lại Cuộc Đời - Cao Vị Khanh/Thư Quán Bản Thảo tập 25 tháng 10-2006 )

Cũng có lần hỏi một bạn văn khác: anh tin có thần cú không ? Đáp: có, nhiều lúc viết ra được lắm câu như bị ma nhập, rất lấy làm ưng ý, chữ nghĩa không biết từ đâu lại ?!

Tôi nghĩ chữ nghĩa thần kỳ, đắc địa là do quá trình suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình thôi . Dĩ nhiên cũng phải có công phu hàm dưỡng. Những con chữ ẩn tàng đâu đó trong vô thức . Được dịp là bung ra kịp thời kịp lúc. Cái đó có phải là trời đãi ? Nói theo kiểu Trung Niên Thi Sỹ Bùi Giáng : chữ & nghĩa; ý&lời; thân &tâm -  "gặp nhau ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên".

LTH: "Chữ nghĩa thần kỳ, đắc địa là do quá trình suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình" là một câu nói xương máu, một câu nói hay, một câu nói của một thi sĩ đúng nghĩa. Anh biết mình là một thi sĩ từ bao giờ ? Đấy là một cảm nhận từ lúc còn trẻ, hay sau khi anh đã làm được những bài thơ và được người khác khen hay ? Anh nói thật đi

HXS: Suốt một đời tôi, chữ  "bằng hữu" luôn luôn chiếm một trong những vị trí hàng đầu.  Tôi mê bạn đến nổi bị mạ la ( và sau này vợ rầy ).  Cái thuở đầu đời mần thơ mần thẩn cũng do bạn (xúi) dù chưa được mặn mà cho lắm.  Thấy bạn làm mình cũng bắt chước làm.  Rồi để đó.  Lúc bắt đầu có được dăm ba bài đăng báo, đã thấy “hồ hỡi” trong lòng.  Nhưng chưa mê.  Tới lúc bằng hữu viễn phương lai tìm đến kết giao:  Nào là Trần Hoài Thư ghé thăm lần đầu sau một cuộc hành quân.  Nào là Vũ Hữu Định, Hà Nguyên Thạch, Phan Nhự Thức lặn lội từ ngoài Trung vào cho một cuộc gặp gỡ.  Và rồi Hoài Khanh, Huy Tưởng, Trịnh Cung,  Đinh Cường,  Phạm Nhuận . . .hội ngộ, chia sẻ làm mình có cảm giác mình cũng là một “thi sỡi” như ai ( xấu hổ !).  Từ đó, lậm thơ hồi nào không hay.  Nhưng mà chị Huệ có tin cái lẽ “ ghét của nào trời trao của ấy “ không ? Hồi chưa biết thơ thẩn là gì, có mấy anh bạn cùng lớp làm thơ đã có bài đăng báo.  Các vị này đi đâu cũng vác cái mặt hìu hiu tự đắc.  Làm mình phát ghét.  Thế mà quả báo chị ạ ! Ngứa ngáy thế nào mà ngọ ngoạy vào bút mực.  Cái “ thoạt kỳ thủy” nghiệp này thiệt tình không nhớ nổi !

LTH: Chính vì sự đắc địa của các con chữ trong các bài thơ Hoàng Xuân Sơn, mà những cảm xúc trong các bài thơ của Hoàng Xuân Sơn hơi bị rỗng. Anh có nghĩ mình làm thơ thuộc trường phái "duy từ", tức là chơi chữ cho bảnh, cho đẹp, cho ngon, trước hết. Tôi đọc thơ anh và có cảm tưởng là mình thưởng ngoạn nghệ thuật xếp chữ của tác giả. Tôi bị lôi cuốn bởi cách xử dụng chữ nghĩia của anh nhiều hơn là những rung động từ bài thơ ? Dĩ nhiên có những độc giả khác sẽ không nghĩ như tôi ?

HXS: Như vậy là chỉ còn những xác chữ rỗng tuếch phải không chị ? Cám ơn Lê Thị Huệ đã thực lòng nói rõ điều này. Cảm quan này không phải chỉ có mình chị.  Ngưòi nữ thân cận nhất đời tôi cũng cho rằng chữ nghĩa HXS cầu kỳ, rắm rối.  Đọc không mấy cảm xúc.  Không bằng một phần của nhà thơ thời danh Luân Hoán,  thơ lúc nào cũng chân tình, tràn đầy xúc động.  Như vậy Bụt chùa nào cũng không thiêng cả !!  Tôi không thích đặt để mình trong trường phái này, phe nhóm nọ.  Cũng có một vài trách cứ từ phía độc giả là thơ HXS hồi xưa tình tứ diễm lệ biết bao nhiêu thì nay đọc trúc trắc trục trặc, khô cằn, tối ám.  Tôi đã tạm biện giải rằng thì là sông có khúc, người có lúc: đã tới lúc hết còn những cảm xúc bồng bột phát tiết bên ngoài ( như cuộc sống êm đềm những năm xa xưa ở quê nhà hay khởi đầu những chuỗi ngày lưu vong buồn thảm ).  Thơ bây giờ chỉ là sự ghi chép những cảm xúc đè nén, ẩn tàng bên trong. Thơ cảm khái, hào khí trở thành thơ cô đọng, thu quén như buổi chiều của đời người . Như một lúc nào đó, Gió-O đã giới thiệu đọc thơ HXS phải đọc chầm chậm mới có cơ may thấu hiểu tình ý trong từng câu từng chữ .  Nếu bạn đọc không cảm thấy được điều này, thì đó có thể là cái dở của người cầm bút hay không ?

LTH: Có lẽ anh và tôi có cái nhìn khác nhau về giá trị của thơ văn chăng ? Với tôi một bài thơ rỗng vẫn có thể là một bài thơ giá trị. Một câu thơ vương lại trong đầu nhiều khi chỉ là vài chữ đắc địa.  Tôi không nhớ ai là người đầu tiên viết ba chữ "ghé môi sầu", đọc câu thơ này ở đâu đấy, nhưng tôi vẫn chỉ nhớ ba chữ "ghé môi sầu" chỉ vì ba chữ này có một kiến trúc chữ nghĩa rất vô nghĩa nhưng lại gây nhớ. Thơ của anh gây cho tôi một sự nhớ nhung. Đọc thơ anh lần đầu rồi sau đó nhơ nhớ, thì muốn tìm đọc lại. Thế là anh đã là thi sĩ với tôi rồi . Rắc rôi, vô cảm, hào hùng, vô duyên, tục, hay mơ, thơ là sự đắc địa của chữ. Nên một tác giả làm thơ mà gây cho người đọc sự nhớ nhung chữ nghĩa của người ấy, theo tôi đấy là sự thành công của một thi sĩ

HXS: Được lời như cởi tấm lòng. Cám ơn chị.  "Ghé môi sầu" nghe thần sầu và thơ mộng quá phải không ? Trịnh Công Sơn đấy :  ". . . chiều qua bao nhiêu lần môi cười – cho mình còn nhớ nhau . Chiều qua bao nhiêu lần tay rời – nghe bồn ghé môi sầu . Ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu . Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau . . . “ (Chiều Một Mình Qua Phố - TCS) .

LTH: Anh có nghĩ là mình đi lạc vào nhóm Thơ Tân Hình Thức của Tạp Chí Thơ dưới ảnh hưởng của Khế Iêm. Khi nói điều này, tôi vẫn qúy trọng tất cả mọi thử nghiệm. Tôi không lên án đâu đấy. Dĩ nhiên là thử nghiệm mà đi theo người khác để thử nghiệm chứ không được là cái thứ do ta sáng tạo tiền phong lập thuyết numero uno, thì với tôi cũng chẳng có gì gọi là hào hứng cho lắm.

HXS: Tổng cộng đâu đấy tôi có làm dăm ba bài thơ dưới dạng Tân Hình Thức do anh Khế Iêm bên Tạp Chí Thơ chủ xướng và hô hào đóng góp. Gọi là thử nghiệm thôi.  Cho có này có nọ?.  Chưa bước thật sự thành thử không có vấn đề “đi lạc”.  Phương chi nhóm THT chủ trương (hay áp dụng kỹ thuật) thơ vắt dòng và nói thơ theo giọng đời thường; mọi biện pháp tu từ đều được gạt bỏ.  Vậy thì một "chuyên viên chơi chữ" kiểu HXS dễ dầu gì có chỗ đứng trong dòng Tân Hình Thức hiện thực?  Mọi kẻ sinh hoạt văn ghệ đều mong muốn có một sự đổi mới để làm đẹp hơn chính mình.  Như thay một cái áo cũ mặc đã quá lâu.  Có điều cái áo mới chưa làm mình thay hình đổi dạng được thì đành quay về hơi hướm cũ thôi.

LTH: Anh ảnh hưởng Trịnh Công Sơn hay Trịnh Công Sơn ảnh hưởng anh? Các anh đi từ qúan Văn mà ra. Hình như anh cũng là bạn khá thân của TCS. Tôi thấy anh và Trịnh Công Sơn có cái chất "hiền triết" trong cách giao tiếp với đời sống. Khi TCS qua đời, anh viết một bài thơ rất hiền triết. Bài "Giả Tưởng Về Một Mùa Vong" rất lạnh. Sao lạ vậy.

HXS: Tôi không tin là tôi chịu ảnh hưởng của anh Trịnh Công Sơn (TCS) hay ngược lại,  dù giữa chúng tôi là chỗ rất thân tình. Cho tới giờ này, tôi chưa được nghe một vấn nạn như vậy. Tôi nghĩ anh Sơn có thế giới riêng của anh.  Tôi có bầu trời của tôi.

Tôi giao du với nhiều bạn bè văn nghệ, mỗi người có một cá tính riêng và phần hồn ai nấy giữ. Có điều trên phương diện sáng tác, bằng hữu lắm khi là nguồn cảm hứng bất tận.  Tôi có thể làm một bài thơ lấy cảm hứng từ một ca khúc, một họa phẩm hay chính từ nhân dáng của bạn.  Hay bạn có thể làm ngược lại.  Nhưng không có ai copy ai hoàn toàn.  Bằng hữu đến với nhau được là do hợp tính hợp tình.  Có khi tính tình đối nghịch nhau cũng đánh bạn được.  Thân thiết hơn nữa là đằng khác. Tôi thân cận với TCS một phần có lẽ do tinh thần và thể chất có đôi điểm tương đồng:  Có một chút gì hư nhược, yếu đuối; sợ bạo động; chuộng sự trong sáng và chân tình . Có thể mượn lời một ca khúc của TCS để minh họa đôi điều :  "Tìm em tôi tìm - mình hạc xương mai - tìm trên non ngàn - một cành hoa khôi - nụ cười mong manh - một hồn yếu đuối - một bờ môi thơm - một hô`n giấy mới . . . “ (Đóa Hoa Vô Thường) . Tìm em, hay tìm lại chính mình, cái âm bản khuất lấp nơi khuôn dạng của người thân, bạn bè ?

Một ảnh hưởng duy nhất từ TCS:  Sự thành công vượt bực của anh đã làm nức lòng bạn bè.  Như một sự thôi thúc mãnh liệt bọn chúng tôi mạnh dạn "dấn bước thăng trầm" vào con đường văn nghệ.

Anh TCS mất đi tôi rất đau lòng. Nhưng không quá sảng sốt vì vẫn chờ đợi một sự thật sẽ phải đến: TCS đã tự hủy hoại dần mình khi bước trình cuộc lữ chưa kịp tới bờ. Tôi đã viết nhiều bài cho TCS khi anh nằm xuống. Tôi cũng thấy bài  "Giả Tưởng Về Một Mùa Vong" ôm ấp không khí lạnh: Chẳng qua là cái màu sắc vô tưởng của không gian cách trở bến bờ.  Và cái cảm thức khác biệt ngày một chia xa của kẻ ra đi và người chọn lựa ở lại .

LTH: Câu hỏi trên là câu hỏi tôi "rà mìn" đấy (cười). Mấy chữ này tôi nhặt ra từ câu trả lời trên của anh: "Hư nhược, yếu đuối, sợ bạo động ... tự hủy hoại ..." rất là TCS, mà có lẽ cũng là khuôn mặt của một trong những tâm thức Việt Nam thế kỷ qua. Đấy chính là khuôn mặt Việt Nam nhất, đến độ hết chiến tranh Nam Bắc rồi mà lớp trẻ lớn lên sau chiến tranh ở Việt Nam hiện nay cũng vẫn còn mê đồng nhạc TCS hơn bất cứ nhạc của ai khác. Anh có thấy thế hệ của anh và TCS  nói được một thứ tiếng nói, anh có hãnh diện về gia tài trên mà thế hệ thơ văn của các anh đã để lại dấu ấn

HXS: Chị Huệ đã linh cảm thấy được "mìn chôn ngầm" ? Chắc chị đã nhìn ra được một cái “gap” nào đó giữa tình bạn chúng tôi nói riêng và nói chung.  Thật tình bọn tôi thương quý và Tiếc cho anh TCS (không phải là thương hận như nhiều người khác). Tiếc ở chỗ tâm tình giao cảm không còn nguyên thủy như thuở nào mới khoác vai nhau đi vào đời.  Lần gặp gỡ sau cùng ở Montreal/Canada TCS có vẻ hài lòng với sự gặp gỡ, giao tiếp với những nhân vật tai to mặt lớn của nhà nước CS, cùng với những ân huệ (dỏm) mà đám người này đưa ra nhữ mồi (!). Phạm Nhuận, một người làm thơ rất thân cận với TCS cũng phải lắc đầu luôn khi thấy anh Sơn hãnh diện được "anh hùng không gian" Phạm Tuân ghé thăm, ủy lạo (Phạm Tuân : một phi hành gia dép lốp VN được các đồng chí niet/niet cắp nách bay vào vũ trụ ).

Nhưng thôi giờ đây tôi tin rằng TCS đã hòa nhập vào cái thân phận đích thực bấy lâu đi tìm của mình giữa đất trời vô ngã. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi - để một mai tôi về làm cát bụi . . .  Sẽ không còn Tôi, không còn Em.  Không còn vướng vất hệ lụy trần gian. Cái còn lại, ca khúc Trịnh Công Sơn mãi mãi là những bài kinh tụng tình yêu . Là lời trần tình cho cuộc bể dâu đong đầy dấu lệ.  Hỡi ơi vì đâu gần cuối một đời người, TCS đã phải viết nên lời than thở Tiến Thoái Lưỡng Nan nghe não lòng:  "Tiến thoái lưỡng nan – đi về lận đận . . . "  Đi chẳng đặng mà về cũng không xong !

Vâng, thì nhìn lại chúng tôi cũng hãnh diện nói lên được tiếng nói chứng nhân một thời đại khốc liệt tang tóc . Gia tài thơ văn ấy khá đồ sộ ( mà có những thế lực muốn bôi xóa, hủy diệt đi ! ), nhưng có chắc gì đáp ứng được lòng mong mỏi của mẹ già khi những đứa con ngày một chia xa.

LTH: Anh sáng tác thơ, sáng tác nhạc, biết đàn ca hát xướng. Anh nhận xét nhạc của thơ Việt khác với nhạc của nhạc Việt như thế nào ?  Anh có thấy một bài thơ Tiếng Việt nào rất nổi tiếng mà không có chút nhạc nào trong đấy không ?

HXS: Xin xác nhận một điều là tôi chỉ làm thơ mà không viết nhạc. Nói bậy một điều không chuyên: nhạc trong THƠ VIỆT khơi mở từ ngôn ngữ và hình tượng thi ca nên có tính ẩn giấu. Không phải chỉ có thơ vần điệu mới có nhạc tính.  Nhạc trong thơ vần điệu gần với nhạc trong NHẠC VIỆT, mang ít nhiều tính trình diễn, phơi lộ ra ngoài. Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền mới đọc tưởng như không có nhạc tính,  nhưng thật sự ôm ấp tràn đầy trong mỗi âm thanh hình ảnh. Thử đọc lại Bài Ngợi Ca Tình Yêu mà Phạm Đình Chương phổ nhạc xem sao :  "Tôi chờ đợi lớn lên cùng giông bão – hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai . Tôi chờ đợi cười lên sặc sỡ - la qua mái ngói thành phố đồng ruộng - bấu lấy tim tôi thành nhịp thở . . . ". Theo tôi, đây là một ca khúc mang âm thanh cuồng nộ rất hay, một sự đồng cảm tuyệt vời giữa người làm thơ và kẻ soạn nhạc.

LTH: Anh uống rượu dữ không. Đôi khi tôi đọc những bài thơ của anh mà có cảm tưởng ngà ngà như người hơi say say tí men.  Không phải là một cái say nồng nàn, mà một cảm giác ngà ngà hơi lạnh lùng. Xúc cảm trong thơ Hoàng Xuân Sơn là xúc cảm lạnh chứ không phải xúc cảm nóng.

HXS: Thế mà bạn bè cho là tôi khá nồng nàn khi gặp gỡ chị ơi ! Thiên hạ bảo người miền Trung thường che dấu cảm xúc. Có lẽ nơi tôi biểu hiện rõ rệt cái truyền thống ấy chăng ?

Bọn đàn ông chúng tôi hễ gặp nhau là bày cuộc rượu. Cho đúng với cái nghĩa: Hội chứng của những kẻ thèm . . . rượu.  Phải có cụng ly này nọ mới hào hứng xôm tụ.  Có rượu vào tâm tư mới dễ bộc lộ ( Rượu vào - lời ra).  Và dễ bốc phét, tán láo. Rượu cũng có thể làm quên đi cái muốn quên và gợi nhớ cái đáng nhớ.  Bằng hữu gặp nhau mà không rượu thì giống như cờ cụp đuôi. T ệ lắm cũng cà phê cà pháo.  Những vần thơ cảm khái, hào khí ngất trời cũng từ cuộc rượu tuôn ra.

Tôi cũng là một dân nhậu có hạng ( có sắp xếp đẳng cấp đàng hoàng à nhe ! Điều này có thể kiểm chứng nơi qúy vị hảo hớn Trần Nghi Hoàng, Lâm Chương, Phan Xuân Sinh, Đức Phổ, Nguyễn Xuân Thiệp . . .).  Hồi còn bên nhà sau cuộc đổi đời 75 buồn quá nên đâm nhậu dữ thần.  Qua bên này cũng quá buồn nên tiếp tục những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng [ Hôm nay tới phiên tôi - Bàn tròn làm chủ xị - Rượu sẵn đó xin mời - Nhậu chừng nào mút chỉ - Mình tha hương buồn quá – Nên tụ tập như vầy - Một năm vài chục cữ - Chẳng chết một thằng tây - HXS].  Bây giờ thì phải tu tỉnh lại.  Lớn tuổi. Sức khỏe kém. Phong độ giảm dần. Chừ bọn tôi có rượu đỏ làm chuẩn. Nghe nói không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc.  Có điều chị Huệ tin nổi không: Tửu lượng đàn bà mạnh hơn đàn ông ?! Quý vị nữ lưu ít khi đụng trận . Nhưng hễ nhập cuộc rồi thì bọn mày râu chúng tôi chỉ có từ chết tới bị thương . HXS dân nhậu mà thơ chỉ có cảm giác lạnh thì chắc là . . . rượu dỏm !

LTH: Nồng-lạnh khác với nồng ấm. Nồng ấm thì có thể tiên liệu được.  Một con người nồng nàn trong đời thường mà lai nồng-lạnh trong thơ thì đấy là sự lôi cuốn chứ nhỉ.  Cái chất không nồng nàn trong thơ Hoàng Xuân Sơn làm cho người đọc có cảm tưởng tác giả trốn giấu cảm xúc của mình. Thơ Hoàng Xuân Sơn có khuynh hướng trung tính. Những bài thơ diễn đạt kiểu này rất là nét riêng của thơ Hoàng Xuân Sơn:

những bài thơ trắng
chữ nghĩa thiên-di mùa bão biển
thời-gian bạo-tàn thổi lướt
ngọn tháp chuông rùng mình
chiếc mỏ neo ngoài khơi quăng quật
người-thủy-thủ-cuồng-ngâm-con-tàu-
gào-la-viễn-phố
bên kia ngày vô tận
một kẻ chết đứng trên đường
những tờ thư cuốn đi
tín-hiệu không lời buồn bã

Có những bài thơ trắng
như cõi lòng rỗng không.

Hai câu thơ cuối trên đây có phải là những câu thơ gần nhất với cõi cảm xúc anh thường bắt gặp khi sáng tác thơ ?

HXS: Khuynh hướng trung tính à ? Thì tôi Ba Phải mà chị Huệ! Trong giao tiếp đời thường tôi không chủ trương ăn miếng trả miếng.  Mà luôn luôn muốn tốt đẹp mọi đàng, “Dĩ hòa vi qúy”.  Cái quan niệm cổ hủ (?) này làm mình bị mang tiếng là nhu nhược (!).  Nhưng thôi : Kệ ! (Hình như anh TCS cũng có thái độ này ?). Ba phải ngoài đời và trung tính trong thơ thì không có gì trội bật chị nhỉ ?.  Anh Võ Đình trong đề tựa cho tập Viễn Phố có nói thơ HXS là một tiếng thơ Cùng Cực Cô Đơn (sic) . Và anh bạn văn Vĩnh Hảo thấy rằng thơ HXS chỉ có từ Buồn đến Buồn - Dường như HXS ôm lấy cái phao Buồn để bám víu vào đời sống.  Thế chắc tôi phải là người của xứ Buồn Muôn Thuở mới hợp thời .

Làm thơ ơi hỡi làm thơ
Cầm lên bỏ xuống một tờ giấy trơn

Chị có thấy sáng tạo là một thao tác tự huỷ?  Không ? Chữ nghĩa viết ra rùng rùng.  Lẫn lộn.  Cấu xé vào nhau. Biến dạng.  Và mất tăm.  Chỉ còn lại những tờ giấy trơn.  Sẽ chờ đợi tiếp tục những lấm lem mực nhòa.  Sẽ không . Không còn gì hết . "có những bài thơ trắng - như cõi lòng rỗng không . . . "

LTH: Ý tôi nói là anh đã có một thái độ khách quan khi anh mô tả lại một xúc cảm. Đấy là nghệ thuật khách quan hóa một bài thơ. Có những người thưởng ngoạn thích những bài thơ như thế này hơn là "đổ xúc cảm xuống tràn ngập" bài thơ.

HXS: Cám ơn chị . Cũng có lúc "đổ cảm xúc xuống tràn ngập" bài thơ nhưng phải là cảm xúc thật mới có ý nghĩa.

LTH: Ngày trước anh học Triết. Điều này ảnh hưởng lên thơ anh nhiều không ?

HXS: Chắc chỉ có ảnh hưởng trên nếp suy nghĩ.  Cách viết thì không .

LTH: Một cách tự chối từ chăng?

HXS: Thật ra không phải chối từ.  Khi nói về cách viết, tôi muốn ngụ ý về một thứ văn phong riêng, một hơi thở văn chương độc lập.  Tình thật, triết học hay kiến thức bậc đại học cũng đem lại cho mình một nền tảng nào đó trong sự xây dựng ngòi bút : sự mạch lạc trong cấu trúc viết và cơ sở lý luận.  Nhưng mà, chữ nghĩa kinh điển trường ốc lắm khi sản sinh hoặc tái sinh một thứ thày đồ sách vở hay một loại hậu triết gia ( cứ tưởng rằng mình ) uyên bác với mớ từ vựng kêu rêu, tốt mã, tiếng tây tiếng u lòe loẹt khiến người đọc không hiểu gì sất ? Cái ấy có nên gọi là : tiêu hóa trật đường rầy ?

LTH: Anh nghĩ điều gì đã giúp anh tiếp tục sáng tác thơ được, trong khi một số các bạn anh qua xứ ngưuời bị khựng lại, không còn tiếp tục nữa.

HXS: Phải có lòng đam mê chị ạ!  Đam mê tột cùng càng tốt.  Đam mê tới độ "ghiền" mới giữ được lâu dài . Anh bạn Tưởng Năng Tiến nói về Nguyễn Nam An : Không cho An làm thơ nữa thì e hắn chết.  Đam mê tới cỡ đó chị thấy không ? Và Nguyễn Nam An vẫn mần thơ dài dài đấy chứ ! Không cứ là văn nghệ văn gừng. Bất cứ thức gì cứ mê miết làm hoài biết đâu có lúc thành đạt.

Tôi thuộc nòi hư hỏng, đam mê đủ thứ. Nào là thơ thẩn -vẽ vời - hát hò - nhảy nhót - ăn diện - nhậu nhẹt . . .  Cái gì cũng chọt chẹt vô hết. Thứ nào cũng mê tới bến ! Bởi rứa nên chi cứ . . . nhì nhằng . Chẳng được cái nào tinh. May mà còn chút thơ (thẩn) giữ mực thăng bằng đời sống.  Hi vọng thế !

LTH: Anh nghĩ cuộc đời của anh hay hơn, hay những bài thơ của anh hay hơn ?

HXS: Thơ giải mã cuộc đời và cuộc đời tìm kiếm chất liệu cho thơ

LTH: Anh nghĩ gì về đời sống lưu vong của anh ?

HXS: Vẫn cứ buồn nản như thường.

LTH: Anh còn nhớ Việt Nam không ?

HXS: Nhớ lắm chị ơi ! Vẫn chưa có cơ hội về thăm nhà.

LTH: Hm, anh nói buồn nản và nhớ nhung, nhưng mấy chục năm qua anh làm được bao nhiêu thứ,  có rượu ngon, vợ con ngoan, bạn bè, làm thơ, sáng tác, vv ... vv .. Nếu hỏi một câu hơi sỗ là "anh còn muốn điều gì?" thì anh sẽ trả lời như thế nao ? Anh có ghen tương với  điều gọi là "được sống và chết trên quê hương" của những người đang sống ở Việt Nam không ?

HXS: Tâm sự dài dòng một tí nhé : Nhớ không lâu trong một cuộc phỏng vấn trên Hợp Lưu, nhà văn Lê Thị Huệ có ngỏ ý trách cứ quý vị đàn ông, qúy đấng trượng phu VN đi đâu hết cả mà để đất nước tang hoang tanh bành té bựa như rứa ? Nói quả đáng tội : bọn đàn ông chúng tôi sang bên này lơ ngơ lớ ngớ không làm được cái tích sự gì cả . Cái gốc, cái rễ đã bị bứng đi thì hỡi ơi chỉ còn cái ngọn phất phơ theo gió chướng quê người ! Về ? thì kẻ tha phương nào chẳng muốn về lại nhà. Về không phải để thụ hưởng ( và rồi ganh ghét với những người chọn ở lại ). Về để nhìn lại con sông, cái cầu, mồ mã cha ông mà từ lâu mình đành đoạn bỏ. Về bới tìm cái xó xỉnh thân thương nào đó đã cho mình biết bao kỷ niệm. Hay nuôi một ước mơ hão huyền là về sống lại cái quãng đời êm đềm của một thời thạnh trị xa xưa ? Nhưng không phải là ngồi một chỗ mà cường điệu hóa cái chuyện về: mai ta chết đi xin trả xác thân về lại với biển với rừng (điều này e chỉ có trong thơ văn ). Cuộc sống vật chất giờ này nhìn như có vẻ đầy đủ, dễ dàng.  Nhưng đâu biết mình cũng phải kinh qua nhiều lao tác đắng cay, tủi nhục. Sang bên này, bọn thất phu chúng tôi phải biết ơn sự giỏi dang, đảm đang,tháo vát của quý vị nữ lưu anh kiệt. Nói chung là quý phu nhân của từng gia đình một.  Bất cứ chuyện lớn nhỏ gì cũng cần bàn tay đẹp, phù phép của người nhúng vô : không nàng đố chàng làm nên.  Bởi thế, cuộc sống tưởng chừng như phong lưu suông sẻ mà vẫn có chút gì lấn cấn.  Như thiếu cái nền tảng văn hóa lâu đời đồng cam cộng khổ mà trong đó người đàn ông chưa xóa được cái mặc cảm là kẻ vô vị lóng ngóng bên lề!

LTH: Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại nâng đỡ thơ của anh không ? Anh có thấy họ và anh có những chia sẻ về thơ ca không ? Độc giả của anh là ai vậy ?

HXS: Tôi có tham gia sinh hoạt cộng đồng và các đoàn thể bạn trong nhiều năm. Nhưng sự hồi đáp cụ thể thì chưa từng thấy. Nhiều khi còn được ăn bùn và đội nón cối nữa.  Nhưng thôi.  Ở cộng đồng làm như ảnh hưởng của sự tranh giành quyền lực lấn át mọi sinh hoạt khác.  Nói chi chuyện văn học nghệ thuật xa vời.  Hồi còn ở Văn Bút, tôi có phối hợp tổ chức một vài sinh hoạt ra mắt sách, tiếp đón bạn văn ở xa đến v.v. rồi thôi.  Đánh đạp vẫn hoàn đánh đạp.  Mọi nỗ lực văn nghệ đều mang tính cá nhân và thân hữu hơn là đoàn thể.

Thơ ca không phải là món ăn hợp khẩu vị của nhiều người ( số phận thơ ca lúc nào cũng hẩm hiu ).  Mặc dù ai cũng tỏ ra mình là người sành điệu, sính thơ.  Một loại mặc cảm thượng lưu trí thức ? Độc giả của mình là ai nhiều khi cũng không hiểu nổi nữa.  E rằng chỉ có bạn bè đọc lẫn nhau thôi (!).  Có một kỷ niệm đáng nhớ kể chị nghe : Hôm ra mắt tập thơ Huế Buồn Chi trời Montreal mưa tuyết tầm tã,  xe cộ đi lại rất khó khăn.  Gần tới giờ khai mạc chỉ có lác đác vài ba người.  Thôi điệu này chắc phe ta ngắm phe mình cho đỡ buồn . . . Huế .   Vậy mà chị biết sao không ? Sau nghi thức chào cờ, nhìn xuống hội trường thấy đông kín người.  Có thật nhiều cụ ngoại thất tuần cũng không ngại thờ?i tiết xấu, chống gậy lò dò tới tham dự.  Ôi! Cảm động biết dường bao.  Nhưng đừng bé cái nhầm. Đừng có mà tưởng bở.  Đó là các cụ các cô bác chú dì đồng hương tới ủng hộ người cùng xứ sở.  Chứ không phải là tò mò tìm đọc thơ HXS đâu !

LTH: Tôi chắc là anh không ngạc nhiên về sự từ chối khốc liệt của đời sống. Thơ hay không thơ, đời sống của chúng ta là một sự bị chối từ ngay trong căn bản, phải vậy không . Tuy nhiên, nói điều này cho anh nghe, thơ của anh gửi đến gio-o có bị "lọt" bài nào chưa ? Tôi không nhớ (cười) . Nhưng gio-o đã phải "gửi gió cho mây ngàn bay" một số bài vở khủng khiếp lắm. Có nhiều tác giả đã gửi bài đến cho gio-o một số lượng lớn, nhưng có lẽ gio-o là diễn đàn không thích hợp với các bài vở ấy nên tôi không thể đưa lên được. Được biết thơ anh gửi đến diễn đàn nào là được các diễn đàn ấy ưu ái đến đó, anh có tin mình là một thi sĩ lớn chưa?

HXS: Phải mạnh dạn gạt bỏ sạn cát chứ chị chủ nhiệm. Điều này càng nên áp dụng với kẻ viết: vứt bỏ đi những gì mình cảm thấy vô bổ ( mà khó lắm thay!).  Nhớ lại lần đầu đến với Gió-O tôi gởi một loạt thơ đủ loại thể điệu (cầu may).  May mà chỉ có đôi bài thử nghiệm chưa tới nơi tới chốn nên được cho về nghỉ hưu.

Chị nhắc chi tới chữ nhà văn nhà thơ lớn, nhỏ!  Lớn nỗi gì khi hầu hết chúng ta đều thiếu chiều sâu và chưa đạt tới bề dày. Có chăng sự góp mặt lâu dài chỉ là chút lửa trơi lượn lờ của người hương hỏa nơi chốn từ đường văn chương chữ nghĩa mơ hồ tịch mịch.

LTH: Hình như những ngón tay của anh bị đau khi phải xử dụng chúng. Anh có mối lãng mạn nào với niềm đau da thịt so với những niềm đau tâm linh để có thể kể ra cho độc giả gio-o nghe chơi không ?

HXS: Kẻ giữ cửa này xin được treo Miễn Chiến Bài! Hẹn hồi sau chiến đấu tiếp!

LTH: Bây giờ anh sáng tác thơ bằng cách viết xuống giấy, hay gõ ki bo ?

HXS: Vẫn không có thói quen viết thẳng vào bàn máy chị ạ.  Vẫn bạ đâu viết đó như hồi nào.  Chộp được câu nào, ý nào thì vội vã ghi xuống trên bất cứ mảnh giấy nào lượm được.  Cứ thế có khi thất lạc nhiều câu nhiều chữ mà mình nghĩ là tới, là lộc thánh trời ban. Thật tức anh ách !

LTH: Tôi để mấy chữ "Thật tức anh ách" làm câu nói khép lại cuộc trò chuyện của chúng ta nhé.

Cám ơn thi sĩ.


 
© 2006 gio-o

đọc các sáng tác của Hoàng Xuân Sơn