Tâm Tình Ngăn Ngắn Với Nhà Thơ L.L.Lan

 

Lê Thị Huệ thực hiện



trang thơ L.L.Lan trên Gió O


 

Chị nói, cô hãy xem như đây là một cuộc trò chuyện, một tâm tình, đừng dùng từ “phỏng vấn” nghe nặng nề quá. Chị nói sao thì tôi nghe vậy. Tôi muốn nói, muốn viết vài điều để giới thiệu về chị. Tôi muốn đặt nhiều câu hỏi hơn nữa với chị. Nhưng tôi đang gặp phải một tảng đá lắp kín huyệt mộ. Tôi tôn trọng ngôi huyệt mộ ấy. Vì tôi cảm nhận quá ư sâu xa về nỗi khổ đau câm nín của chị, của những người đàn bà tài hoa xinh đẹp rực rỡ bị những “system” kẹp cổ giam nhốt trong cũi lồng cả cuộc đời. Tôi nhỏ rất nhiều giọt lệ ở cuối cuộc phỏng vấn này, trên freeway south 280 lái xe về, sau buổi trưa ngồi với chị trong một quán bánh mì San Francisco khuất ở một khu phố đông … Những oan nghiệt câm nín của chị làm tôi bật khóc trong nhiều ngày … (lth)

 

 

Lê Thị Huệ: Chào nhà thơ L.L.Lan, thưa đây là bút hiệu của chị, vậy chị có thể cho độc giả của Gió O biết tên thật của chị là …  

 

L.L.Lan: Tôi không có bút hiệu vì chưa từng tham gia văn thi đoàn nào.  Tên thật, nhưng xin viết tắt như vậy.

 

Lê Thị Huệ: Chị có thể cho độc giả Gió O biết bài thơ đầu tiên mà chị viết năm chị bao nhiêu tuổi ?

 

L.L.Lan: Vào khoảng 12-13 tuổi.

 

Lê Thị Huệ: Bài thơ đầu tiên ấy chị viết trong tâm trạng nào ?

 

L.L.Lan: Tâm trạng của một cô bé nhút nhát, ít nói, it cười, không có nhiều bạn bè nhưng đã có một thế giới mơ mộng riêng của mình.

 

Lê Thị Huệ: Chị nghĩ cả cuộc đời, chị đã sáng tác tổng cộng khoảng bao nhiêu câu thơ hay bao nhiêu bài thơ ?

 

L.L.Lan: Khoảng 6,7 trăm bài thơ hay 2,3 ngàn câu.

 

Lê Thị Huệ: Chị đắc ý nhất là những bài nào ?

 

L.L.Lan: Vài bài rất ngây thơ trong sáng viết khi chưa biết gì. Vài bài làm sau khi đã cực kỳ đau khổ.

 

Lê Thị Huệ: Bài thơ "Năn Nỉ" do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc có phải là bài thơ đầu tay của chị ? Tựa đề là "Năn Nỉ" hay tựa khác ? Và chị viết ra bài thơ năm chị bao nhiêu tuổi ?

 

L.L.Lan: ( không có câu trả lời ) (chú của lth)

 

Lê Thị Huệ: Trường thi “Thơ Cho Mẹ” mới được Gió O đưa lên đầu năm 2020, chị đã viết nó trong hoàn cảnh nào ?  Đấy là một bài thơ Mẹ viết . Tâm tình của người Mẹ Việt Nam mất mát trong chiến tranh . Một trường thi hơi bị hiếm được viết bởi một người nữ sống trong cuộc nội chiến Quốc Cọng 1954-1975

 

L.L.Lan: Đây là những xúc cảm theo tôi suốt thời gian chiến tranh.  Sau khi có con trai tôi mới cảm nhận rõ hơn và bắt đầu viết ra từ năm 1990.

 

Lê Thị Huệ: Ngoài tâm trạng mẹ mất con trong chiến tranh. Chị còn motif nào mạnh mẽ về cảm nhận của người đàn bà trong nhân sinh quan tổng quát, trong thơ chị 

 

L.L.Lan: Nhìn đâu tôi cũng thấy đàn bà đau khổ. Từ Cung Oán Ngâm Khúc tới Chinh Phụ Ngâm, chỉ tháy hết “oán” tới “thương”. Đến như người đàn bà cao trọng nhất trong Thiên Chúa giáo  cũng là nguời me bất hạnh nhất thế gian,người mẹ phải chứng kiến cảnh con chịu cực hình trên Thập Tự Giá.

 

Lê Thị Huệ: Giai đoạn nào của đời sống, chị làm thơ dễ nhất, nhiều nhất.

 

L.L.Lan: Khi dưới 20 tuổi,chưa có trách nhiệm, bổn phận gì phải chu toàn.  Và khi có quá nhiều phiền muộn từ đời sống thường ngày phải trốn vào thơ để tìm an ủi.

 

Lê Thị Huệ: Điều gì ở Thơ đã làm cho chị tìm được niềm an ủi ở chúng ?   

 

L.L.Lan: Thơ giúp tôi thư giãn vì nói lên những gì tôi không muốn/không nói được với ai.

 

Lê Thị Huệ: Chị thích thơ lục bát, 7 chữ hay 8 chữ ?

    

L.L.Lan: Tôi gần như không để ý tới thể thơ.  Cảm xúc tràn ra thế nào  thì viết theo đó. Tôi thích có nhạc trong thơ.

 

Lê Thị Huệ: Chị có nói chị bị thất lạc ba trăm bài thơ ?

 

L.L.Lan: Đó là những bài thơ làm lúc chưa tới 20 tuổi. Có thể non nớt  nhưng ghi dấu những cảm xúc đầu đời, khó viết lại được.  Bị mất vì có người mượn mà không trả lại cho người giữ.  Đã gần nửa thế kỷ, không biết người lấy đi những bài thơ này là ai với muc đích gì.

   

Lê Thị Huệ: Chị có thể nói trường thi hơn một ngàn câu trong tập Ô Thước cũng bị thất lạc của chị

 

L.L.Lan: Đó là câu chuyện về cô Chức Nữ trong huyền thoại Trung Hoa. Tôi rất thích hình ảnh cô tiên xiêm áo lộng lẩy bước đi trên đầu  mấy con quạ đen làm cầu qua sông Ngân để gặp chồng một năm một lần. Vừa đi vừa khóc, nước mắt ngập cả trần gian mỗi mùa thu. Chuyện thơ của tôi kể cô tiên tức giận, quyết định cho trời biết  sau lần gặp gỡ cuối cùng, cô sẽ đạp đổ cầu Ô, thả đàn quạ đi,  sẽ tư mình dệt lấy một giải lụa để nối liền sông Ngân dầu  phải mất 1000 hay100 ngàn năm nữa và khuyên chàng Ngưu gắng chờ. Rất tiếc tập thơ phải bỏ lại trong bàn viết sở làm và chịu chung số phận của tòa nhà bị thiêu hủy sau cuộc di tản.

 

Lê Thị Huệ: Chị nói bị thiêu hủy trong bàn làm việc của chị ở Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn vào năm 1975 ? 

 

L.L.Lan: Bỏ lại trong bàn viết nơi làm việc là một cơ quan thuộc tòa đại sứ Hoa Kỳ trong khu quân sự tại SG, phải bị phá sập sau lịnh di tản năm 1975.  

 

Lê Thị Huệ: Chị nghĩ thơ cứu rỗi hay bôi xóa chị ?

 

L.L.Lan: Tất nhiên là thơ đã cứu tôi, nâng tôi lên khỏi cái thế giới hàng ngày tôi phải chịu đựng. 

 

Lê Thị Huệ: Ba mẹ chị gốc ngoại quốc Anh-Pháp-Hoa. Chị học chương trình Pháp, lớn lên ở Việt Nam. Chị cũng là một người rất tinh thông Anh và Pháp Ngữ. Nhưng chị lại tìm chỗ trú ngụ của mình trong thơ Tiếng Việt. Chị có thể cho độc giả Gió O cảm nhận của chị về việc sáng tác thơ bằng tiếng Việt Nam . Những đặc điểm gì trong tiếng Việt mà chị cảm nhận ra trong khi làm thơ bằng tiếng Việt.

 

L.L.Lan: Tôi chỉ có một phần Tây, một phần Tầu, còn lại là hai phần  Việt Nam. Tôi yêu tiếng Việt từ khi chưa biết đọc, chỉ biết nghe qua 2 bà nội, ngoại rất mê cải lương, vọng cỗ, chuyện Kiều. Thơ tự nhiên chẩy ra từ máu Việt của tôi.

 

Lê Thị Huệ: Thơ của chị rất tự nhiên. Chị làm thơ như thơ từ đâu trong người tuôn ra. Không cần vay mượn đến thi cảnh, ví dụ như Phạm Thiên Thư phải vay mượn một điển tích “gã từ quan”, để ra thơ. Còn thơ chị thì thi hứng tuôn tràn lai láng, rất tự nhiên. Chị làm thơ có vẻ dễ dàng ?

 

L.L.Lan: Có lẽ đúng là tôi làm thơ có vẻ dễ dàng vì tôi không phải viết dưới áp lực nào cả. Chỉ viết những gì đã có sẵn hay tích trử trong tâm  hồn mình.

 

Lê Thị Huệ: Chị là người đàn bà hiện đại, a career woman. Chị đi ra ngoài làm việc suốt cả đời chị. Chị giỏi về computer. Xử dụng computer rất rành rẽ. Điều này, theo chị, có ảnh hưởng đến việc viết thơ không ? Khi mà mấy chục năm về trước chị đã chép thơ xuống giấy cảm xúc có lẽ khác . Bài thơ nào chị viết bằng computer chị ưng ý ?

 

L.L.Lan: Viết lên giấy hay lên computer không khác gì mấy, nhưng đúng là computer giúp dòng chẩy cảm xúc dễ dàng hơn rất nhiều.  Tôi may mắn được làm việc trong môi trường thuận lợi có điều kiện để viết trên computer. Hầu hết thơ làm sau 75 đều làm qua computer. Tập Thơ Cho Mẹ là một.  Cũng nhờ công nghệ này mà tôi chuyển được một số từ bản giấy qua.

 

Lê Thị Huệ: Chị có thích thơ của nhà thơ nào không ?  Việt Nam, ngoại quốc ?

 

L.L.Lan: Tôi rất thích thơ Huy Cận và Hàn Mặc Tử. Ngoại quốc, tôi chỉ còn nhớ Lamartine, Lord Byron cổ điển.

 

Lê Thị Huệ: Một câu hỏi hơi riêng tư, theo tôi, chị là một người nữ có nhan sắc đẹp khá gợi cảm. Nhưng tâm hồn nhạy cảm và thông minh của một Nàng Thơ, người sáng tác ra thơ, tự mình viết thành thơ, như chị thật hiếm hoi. Chị có cảm thấy sức mạnh từ thể xác lẫn tinh thần của mình là thứ tai họa cho chính mình hay là một bất hạnh may mắn . Chị có thể rút ra một kết luận như thế nào về chính số phận Thơ của chị

 

L.L.Lan: Tôi luôn cảm thấy cái tai họa chờ đợi mình nên vẫn cố tránh “chốn đoạn trường”của những người“ngàn thu bạc mệnh”suốt bao năm qua. Số phận thơ của tôi thì cũng như của những người viết khác, có mất, có còn, sao phải bận tâm.   

 

Lê Thị Huệ: Người đàn bà làm thơ thường gặp tình trường đa đoan. Chị có thể phát biểu một điều gì đó,  để chia sẻ với các chị em phụ nữ viết văn làm thơ già trẻ lớn bé ?

   

L.L.Lan: Điều tôi nghĩ không chắc còn phù hợp với phụ nữ thời nay. Gặp tình trường (hay chiến trường) nào thì cũng gắng tự đứng lên cứu mình trước. Coi chiến thương như vốn sống để làm giầu cho văn chương và cuộc đời mình.

 

Lê Thị Huệ: Cám ơn nhà thơ L.L.Lan đã dành cho Gió O cuộc trò chuyện hiếm hoi này./.

 

© gio-o.com 2020