THƠ TRẦN MẠNH HẢO

 

MỘT MÌNH TÔI MỘT ĐƯỜNG

 

 

…Tôi đã từng nói : chủ nghĩa và nhân danh, những sợi dây nghiệp báo ai đem về ràng buộc lấy thân hình dân tộc. Trần Mạnh Hảo nói hay hơn tôi : “ Những con đường như những lằn roi / Lịch sử quất lên mình đất nước”…”  Thích Nhất Hạnh

                                                                                  

Những con đường như những lằn roi

Lịch sử quất lên mình đất nước

Những nẻo đường trên xứ sở tôi

Như nước mắt của người yêu chảy suốt

 

 Đường vồ lấy tôi như mèo vồ chuột

Không cho tôi chọn đường

Bước ra từ bụng mẹ

Úp mặt vào quê hương

 

Những con đường của thế hệ tôi

Lao thẳng vào cái chết

Đ ất nước tôi cháy nhà

Dù nghìn lần bị giết

Biết lối nào tôi đi

Chôn sống tôi hỡi cánh rừng khốc liệt

Đ ất nhú bàn tay bia mộ lỡ thì ?

 

Nếu có ban mai nào bất chợt

Tôi không còn nhìn thấy núi sông

Thấy những con đường trong mơ cỏ mọc

Lúc chín như cầu vồng

Đừng cướp đi của tôi hạnh phúc

Được chạy trên những con đường

Đầy sỏi đá và đầy bùn đất

 

Những nẻo đường ròng ròng đỏ

Gập ghềnh như quê hương

Dù không ai đi cả

Một mình tôi một đường !

 

Hà Nội 1979

Trần Mạnh Hảo

 

VĨNH BIỆT TIẾNG HÓT

 

Vĩnh biệt tiếng hót đồng nội

Giọt sương trên cỏ xinh

Lại ngỡ đôi mắt mình

Giấc ngủ đêm qua làm rớt

Lấy mỏ nhặt lên không được

Tôi hót vang đồng…

 

Vĩnh biệt

Còn hơn cả sự chết

Khi kéo người bóc lưỡi tôi

Một nỗi đau khôn xiết

Sao tôi lại phải khóc cười ?

 

Ô i tiếng hót tuyệt vời người không hiểu

Và tiếng người tôi nào hiểu người ơi ?

Tôi có còn là con sáo

Khi phải nhại tiếng người ?

 

Bạn ơi

Cái con người không bị cắt lưỡi

Chính là thầy dạy tôi !

 

Sài Gòn 1981

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

NHỚ CAO BÁ QUÁT

 

Một tiếng nhân tình ông vẫn Qúat

Câu thơ xô lệch cả trời cao

Đến ngôi thiên tử còn rơm rác

Đầu rớt mà thơ vẫn tự trào

 

Trong cõi người ta ông một cõi

Đau đời sợi tóc cũng đau theo

Hỡi ôi sống chết là cơm bữa

Đỉnh núi nhiều khi cũng bọt bèo …

 

Sài Gòn 1981

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

CỦI THAN CÙNG RÉT

 

Chúa ạ, lâu rồi con mới rét

Chúa mới vùi con giữa gối chăn

Con như thanh củi lăn vào bếp

Yêu đến thành than rét vẫn hàn…

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

EM VÀ ĐÊM

 

Thức đêm mới biết rằng đêm ngắn

Chỉ có em thôi mới thật dài

Hôn em từ gót chân lên trán

Hôn mới nửa chừng đã sớm mai

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

CHÉM

 

Ta đứng trong trời đất đổi thay

Từ đâu một nét mác lông mày

Chém ngang hồn vía tan ngày tháng

Một vết thương dài suốt trả vay

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

CHO MỘT NHÀ VĂN NẰM XUỐNG

 

                        Kính tặng hương hồn anh Nguyên Hồng

                             Và hương hồn của lũ chúng ta

 

Một mẩu giấy bằng bàn tay đứa bé

Báo Nhân Dân đăng một tin buồn :

-     Nhà văn Nguyên Hồng vừa mất

Không có quê hương

Không một dòng sự nghiệp

Thôi thế là may !

Vẫn còn một chỗ chôn trên báo đảng

 

Những ngày này anh Nguyên Hồng ơi

Anh có thấy xung quanh chúng tôi

Bãi biển Vũng Tàu đầy những xác chết trôi

Những người Việt Nam vượt biên chết chìm trên biển

Những em bé

Những người đàn ông

Những người đàn bà

Chết rồi còn giơ tay cầu cứu

Chết rồi còn quờ tay tìm lối thoát

Đ âu nhà văn đâu người cầm bút

Sao nỡ để nhân vật của mình

Chết trôi chết dạt

Biển ơi nỡ vô tình

Như là nghìn trang sách

Những tay sóng kia sao không vuốt mắt

Cho những nhân vật của chúng ta ?

 

Biển không nhận

Bờ không nhận

Những trang sách không nhận

Không ai nhận những con người

Ở giữa thời đại mình đang sống ?

 

Anh Nguyên Hồng xin anh hãy ngủ yên

Biển ngoài kia đang gào lên những dòng cáo phó

Dữ dội và ghê gớm hơn cái mẩu tin buồn trên báo :

Những nhà văn đang chết đi

Những con người đang chìm xuống

Biển gào lên

Những nhân vật của chúng ta gào lên

Những Tám Bính, Năm Sài Gòn gào lên ! [1]       

 

Giá biển kia hoá thành rượu đế

Để anh uống suốt một đời

Một xị đế bằng cầm tay mà sáu mươi tư năm anh khao khát

Để chết rồi còn vã mồ hôi

Anh nghèo lắm anh chỉ giàu nước mắt

Anh khóc lên cả lúc đang cười

Anh khóc lên khi có người hát

Sự thống khổ của con người

Đi qua dòng nước mắt

Xuống mồ còn chưa thôi…

 

Những nhân vật của anh

Người làm đĩ vẫn còn làm đĩ

Người ăn cướp vẫn còn ăn cướp

Người lừa đảo vẫn tiếp tục lừa đảo

Người căm thù vẫn cứ căm thù

Người yêu nhau thì vẫn yêu nhau

Không có anh dìu dắt

Những nhân vật của anh rồi biết về đâu ?

Nhà văn mất đi

Để nhân vật mình giang giở

Bao số phận mồ côi

Bởi anh không còn nữa !

 

Thương anh sống đời vô sản

Chết xuống vẫn làm ma vô sản

Không chức tước uy quyền

Chỉ ly rượu và ngòi bút

Sống trung thực trên đời

Chính là điều khó nhất !

 

Anh đã sống gần sự thật   

Sống gần nước mắt mồ hôi

Suốt cuộc đời thiếu rượu

Lấy gì cho anh say ?

 

Thế hệ chúng tôi

Ngày mai sẽ theo anh nằm xuống

Nếu báo có đăng tin buồn

Xin biển đừng đăng cáo phó !

 

(Trại sáng tác văn học Hội Nhà văn Việt Nam tại Vũng Tàu mùa hè năm 1982)

Trần Mạnh Hảo

[1] Tám Bính, Năm Sài Gòn : 2  nhân vật  trong tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng.       

 

 

MỪNG BÁC NGUYÊN HỒNG SỐNG DẬY

 

-       bác này đã chết

Sao còn tìm tới đây ?

Bác đi rồi đâu biết

Khóc bác thành vạ lây !

 

-     Vì thế ta sống dậy

Mò tới thăm chú mày

Thương chú mày vụng dại

Đ ốt thơ làm ma chay !

 

-     Trời ơi đúng bác thật

Ba trăm sáu lăm ngày

Có chén rượu mừng bác

Sống chết cùng đưa cay !

 

-     Ta cũng mừng cho chú

Tai vạ rồi sẽ qua

Khi nghe ta cáo phó

Sao chú không cười khà ?

 

-     Giá biết điều ấy sớm

Em nào dám làm thơ

Cuối cùng bác lại sống

Chao ôi em đến khờ !

 

-     Ta làm sao chết nổi

Văn chương còn giở giang

Thương ta mà chú lỗi

Cứ gì một đám tang !

 

-     Bao người bác chưa viết

Chết dạt vô Vũng Tàu

Thương thì thương vẫn ghét

Giận chi hoài nỗi đau ?

 

-     Ô i dà bao nhiêu chuyện

Ta viết mới phần nghìn

Dẫu chú rơi xuống biển

Chớ để chìm niềm tin !

 

-     Cám ơn bác chỉ dạy

Uống đi bác Nguyên Hồng

Còn vài xị cuốc lủi

Nhớ bác ngồi em trông !

 

-     Hộ khẩu ta chưa có

Chớ vội mừng chú em

Năm ngoái đà cáo phó

Sao giờ còn chui lên ?

 

-     Cái nghề ta nó lạ

Sống dậy âu lẽ thường

Xin bác đừng chột dạ

Bởi dám làm văn chương  !

 

Sài Gòn 1983

Trần Mạnh Hảo

 

 

NHỮNG ĐỒ CHƠI CỦA CON TÔI

 

Suy dinh dưỡng từ trong thai

Con lớn mỗi ngày èo uột

Cha đi làm nhà nước

May mà mua được búp bê

 

À  ơi con bế con chơi

Búp bê đầy đặn còn người còi xương

 

Này chú gấu phốp pháp

Con bồng toát mồ hôi

Cô bé ni-lông mập mạp

Nằm bên con trông cọc cạch buồn cười

Chiếc xe tăng khẩu súng cũng tròn đầy

Vũ khí còn có da có thịt

Chú ngựa gỗ có ăn gì đâu mà chắc nịch

Sao con chẳng giống búp bê ?

 

Ngày mai

Ngày mai

Ngày mai

Có thể cha sẽ sắm cho con mọi thứ

Nhưng tuổi thơ con không đến lần thứ hai !

 

Hãy đi qua tháng năm này con ơi

Hỡi những búp bê béo tốt

Sao để con người còi cọc trước đồ chơi ?

 

Sài Gòn 1982

Trần Mạnh Hảo

 

 

CÂY ĐÀN THẦN

 

Sáng chợt bừng thức dậy

Con hỏi cây đàn đâu ?

-     Vừa để đàn bên gối

Tay nhỏ tìm hồi lâu !

 

Cây đàn như pháp thuật

Không cánh sao đàn bay ?

Cây đàn chưa có thật

Mà con tìm sáng nay …

 

Thì ra trong giấc ngủ

Con mơ cây đàn thần

Từng giấc chiêm bao nhỏ

Có phím đàn con ngân

 

Bố ước mình bé lại

Đ ể tin vào giấc mơ

Rằng có ai đã lấy

Mất cây đàn trẻ thơ ?

 

Sài Gòn 1983

Trần Mạnh Hảo

 

 

CON ẾCH THI CA

 

Con ếch ấy trốn mùa đông nằm trong hang thao thức

Mặc đồng loại ngủ khò trời sập cũng không hay

Khi mùa đông sắp tàn xuân chưa tới kịp

Con ếch tiên cảm ơi sao vội kêu ộp ộp thế mày ?

Tiếng kêu đánh thức đồng loại báo cho kẻ rình bắt ếch

Rằng lạy ông tôi ở bụi này !

 

Tất nhiên chú ếch báo hiệu kia liền bị bắt

Nằm trong giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm

Mùa xuân đến loài ếch bừng mở mắt

Đ âu biết kẻ thức tỉnh mình vừa vĩnh biệt ao chuôm !

 

Hà Nội 1983

Trần Mạnh Hảo

 

 

PHỎNG VẤN CHÍ PHÈO 

 

-      Bá Kiến chết lâu rồi

Sao anh còn ăn vạ ?

Chấp chi cái trò đời

Đ ược vạ thời sưng má

 

-     Ơ thằng con đánh bố

Tớ sống nó còn theo

Té ra trời cũng ngố

Đ ố bằng mưu Chí Phèo !

 

-     Anh chửi cái thời điếc

Khản tiếng ăn thua gì

Thà rằng đi kiếm việc

Làm cút rượu nhâm nhi …

 

-     Nếu tớ câm miệng hến

Như các chú bây giờ

Thì đời toàn Bá Kiến

Lấy đâu thằng làm thơ ?

 

-     Chúng nó giấu hết mặt

Đành phải rạch mặt mình

Anh muốn khui sự thật

Cần đường dao thông minh !

 

-     Mẹ cha cho cái mặt

Để vênh váo với đời

Vậy mà tớ phải rạch

Một vệt thời thế chơi !

 

-     Một mình nàng Thị Nở

Đủ đền bù anh chưa ?

Ngoảnh nhìn lò gạch cũ

Thương bao nhiêu cho vừa ?

 

-     Thôi đếch thèm rạch mặt

Cường hào vẫn cường hào

Tớ thử thay kiểu mặt

Xem có thành Nam Cao ?

 

Sài Gòn 1983

Trần Mạnh Hảo

 

 

HOÀNG HÔN XUỐNG, BẤT CHỢT NHÌN LÊN SAO HÔM, BÈN THAN RẰNG :

 

Ôi trời xanh, trời xanh

Anh không thể tranh giành

Với vì sao nhỏ ấy

Mọc trước và sau anh !

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

TRÁI ĐIỀU [1]

 

Trái điều hạt chẳng nằm trong ruột

Trái tim anh đập ở ngoài da

Chút lòng giấu mãi mà không được

Chết rồi gan ruột mới tòi ra …

 

Trần Mạnh Hảo

[1] Trái điều : đào lộn hột

 

 

LỜI TÚ BÀ ĐỊNH HƯỚNG THUÝ KIỀU

 

-     Này tấm lòng trinh bạch

Bà đánh chừa nghe con

Thuý Kiều đâu trang sách ?

Đ ể câu thơ chịu đòn  !

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

LỜI CON XIẾN TÓC

 

Hai sợi tóc dài, hai cọng râu ?

Tôi nào dám xiến tóc ai đâu

Trót sinh miệng sắc hơn dao kéo

Tiếc nỗi trời kia lại trọc đầu …

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

ĐỘNG TĨNH

 

Cứ ngỡ đã tìm ra tĩnh lặng

Chao ôi đêm lắng hết thôn làng

Chợt đâu chiếc lá rơi trong vắng

Nghe giật mình hơn mọi tiếng vang  !

 

Trần Mạnh Hảo

 

VỀ MỘT CHIẾC LÁ VÀNG

             

Suốt ngày sao lá không rơi ?

Ngỡ anh đã ngủ khẽ rời cành êm

Vì sao lá níu cây thêm ?

-          Sợ anh buồn, lá chọn đêm lìa cành !

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

NỖI BUỒN LÁ

 

Mới trên cành cao vót

Thoắt nằm dưới chân người

Ta vẫn ngồi dưới gốc

Sợ gì chuyện rụng rơi !

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

BÀI CA SỰ THẬT

 

Sự thật của tôi

Sự thật của anh

Sự thật của chúng ta

Sự thật của mọi người ?

 

Nhân loại có bao thời

Sự dối trá làm quan toà phán xử

Bru-nô ơi trái đất vẫn tròn

Mà chân lý nghìn sau còn trả giá

 

Nhưng đất nước vẫn đi tìm sự thật

Trong câu hát có mồ hôi nước mắt

Có con nghê đá đầu đình cười cợt các triều vua

Có thằng Bờm chẳng tin lời hứa hão

Cái quạt mo không để phú ông lừa

Vua Hùng ơi Người đi tìm sự thật

Bằng cách ngày đầu năm xuống ruộng cày bừa

 

Bao triều đại xưa đổ vì ưa nói dối

“Muốn nói gian làm quan mà nói”

Sự thật giấu trong nhà dân đen

Sự thật từng vật vờ đi như ăn mày đầu đường xó chợ

Sự thật làm anh hề, chú mõ

Sự thật như nàng Thị Kính oan khiên

Sự thật trốn vào ngụ ngôn, ngạn ngữ sấm truyền

Sự thật có khi mượn Xuý Vân mà giả dại

Sự thật chiếc lá đa bay qua bao thời đại

Bay về đây trời nổi can qua

Con vua thất thế quét chùa sãi ơi !

 

Vĩnh biệt chú Cuội

Vĩnh biệt thành tích ma, báo cáo láo thành thần

Bệnh hình thức gọi sai tên sự vật

Người đói phải nói lời no

Vị đắng sao lại kêu là mật ?

Ngục tù mang nhãn hiệu tự do !

 

Vĩnh biệt khái niệm quét vôi và từ ngữ nước sơn

Đạo đức dính trên đầu môi chót lưỡi

Vĩnh biệt những bóng ma cơ hội

Những cái đầu già cỗi tự bên trong

Những con mắt nhìn người bằng bóng tối

Có nhận ra tia nắng mới trong lòng ?    

 

Tôi là người tập yêu sự thật

Tập nghe nên có lúc ù tai

Tập nhìn nên chói mắt

Đất nước đổi thay

Cơn đau đẻ những dòng sông quằn quại !

 

Hạt thóc và hạt máu có bao giờ nói dối ?

Bốn nghìn năm dân tộc tôi

Đi từ bờ bên kia

Đến bờ bên này của sự thật

Để mỗi con người hôm nay trên mặt đất

Được cầm trong tay một tia nắng mặt trời …

 

Sài Gòn ngày 15-1-1987

Trần Mạnh Hảo

 

 

XIN CẦM TRÊN TAY

 

Tôi cầm thư mẹ rụng rời :

Mạ gieo mấy lần lụi chết

Lại mất mùa con ơi !

 

Chợt thấy sông Hồng run trên trán mẹ

Quằn quại dòng mồ hôi

Hạt thóc to bằng trời

Mà không che nổi đói rét

 

Tôi cầm tờ báo đọc

Khắp nơi được mùa niềm tin !

Niềm tin và hạt thóc

Cái được cái thua

Cái còn cái mất

Cái như thật

Cái như đùa

Cái như nước mắt

Cái như không biết chiêm mùa

 

Cầm những bài thơ hôm nay

Chợt thấy thiên đường trước mắt

Hạnh phúc – Ồ , trở bàn tay

Máu với mồ hôi đâu mất ?

 

Những bài thơ vô trùng mặc toàn áo blu  ( blouse)

Không bụi than xô bồ lấm láp

Không bi kịch thơ như nhà tu

Suốt đời tụng kinh và hát

 

Phải thơ chưa từng thất bát

Chỉ có lúa mất mùa ?

Chỉ có bông thóc lép

Một mình giữa bão xác xơ ?

 

Tôi từng cầm được trên tay :

-     Niềm tin – Tiếng hát – Bài thơ

Xin tập cầm cho được :

Một hạt thóc

Một củ khoai

Một sự thật

Trên  bàn tay dân tộc sần chai !

 

Sài Gòn 1983

Trần Mạnh Hảo

 

 

NHÂN XEM PHIM “SÁM HỐI” [1]

NGHĨ VỀ BÔRÍT PAXTECNĂC 

 

Đ âu phải bao giờ nhân dân cũng thắng

Nhà độc tài của mọi thời đại và anh

Cần phải thức, mãi mãi thức trắng

Dù anh đã nằm dưới cỏ xanh

 

Anh đã yêu đất nước mình như một chàng muzich

Cái cách yêu quý phái chẳng hợp thời

Anh đã yêu đến quằn quại, đến xùi bọt mép

Mà thơ anh vẫn bị đe dọa cả đời !

 

Những nhân vật của Đ ôxtôiepxki

Như cua bò qua văn anh lổm ngổm

Bầu trời xanh từng in dấu anh đi

Treo anh lên vầng mây sớm

Anh bay lên cùng khói bếp lầm lì

Và rơi xuống cùng tuyết trắng …

 

Lara của anh [2]

Mùa thu của mối tình chết

Sông hồ kia từ độ khỏa thân

Ô i lá phong vàng phủ dần gương mặt đẹp

Tiếng cú kêu thất thần

Em ở đâu con thiên nga bị giết ?

Thơ anh còn dò dẫm dấu bàn chân !

 

Hỡi chàng Don Quichotte Zivago [3]

Với cối xay gió số phận

Một mình anh chiến đấu đến bao giờ ?

 

Trái tim nhà thơ

Là trái mìn nổ chậm

Mà tình yêu đến trước hẹn giờ

 

Nhà độc tài bảo anh :

“- Cứ bốn người dân thì có bốn tên phản động !” [4]

Phải bỏ tù cây sồi

Ai cho mày tỏa bóng ?

Hắn định bắt đi đầy cả gió và thơ !

 

Ô i bầu trời kia

Anh đã vác trên vai như khổ giá

Và nước Nga- người đàn bà anh yêu

Tia nhìn nàng đóng đinh anh vào tất cả !

 

Anh tàn phai cùng mùa thu

Cuồng nhiệt cùng bão tuyết

Tóc anh bạc mốc sương mù

Anh là con tuần lộc già phương Bắc

Một đời nghe tiếng sói tru

 

Trên mồ anh cỏ tiên tri báo trước

Về sự hết thời của bọn độc tài

Ô i đất nước

Anh đã yêu đến băng hoại cả đời !

 

Khi nhà độc tài tìm cách bất tử

Dẫu nằm xuống đất rồi anh chẳng được yên đâu

Tôi nhìn thấy nhân dân ngồi phán xử

Các thời đại đi qua, thơ lặng lẽ bắc cầu …

 

Sài Gòn 21-7-1978

 [1] Phim “Sám hối” : một phim hay của điện ảnh Gruzia ( Liên Xô cũ) sản xuất tại Tbilixi, lên án nhà độc tài vĩ đại ( ám chỉ Stalin- cũng là người Gruzia). Phim này khi chiếu ( nội bộ) cho giới báo chí văn nghệ sĩ ở Sài Gòn xem từ năm 1978, đã gây xúc động mạnh mẽ; mượn gió bẻ măng, xem xong phim này, ai cũng thấy hả lòng hả dạ vì được dịp “trả thù” bọn độc tài chuyên chế. Đ ến thời “mùa xuân văn nghệ cởi trói : 1986-1989, phim “Sám hối” mới được chiếu rộng rãi ở rạp cho dân xem. Nay ( 2005) phim này buồn thay, lại bị xếp vào loại phim “phản động” .

[2] Lara : người yêu của bác sĩ Zivago, những nhân vật trong tiểu thuyết “Bác sĩ Zivago” của văn hào ( kiêm thi hào) Nga : Borit Paxtecnăc

[3] Zivago : nhân vật bác sĩ trong tiểu thuyết trên .

[4] Lời tên độc tài trong phim “Sám hối”

 ( Bài thơ này đã in báo “TUỔI TRẺ – CHỦ NHẬT” số 37-87 ra ngày 20-9-1987 )

            

 

 

BÀI THƠ THỨ HAI GỬI CHẮT CỦA CON MÌNH

 

 

Mai sau dù có bao giờ

                     ( Nguyễn Du )

 

Các chuyên viên hạnh phúc thề với tôi thời các bạn

Cái ác bị diệt trừ, quyền lực chẳng còn đâu

Tôi tin tưởng bằng cái đầu lãng mạn

Lấy ước mơ thử bắc tạm cây cầu

 

Xin cho lòng tôi đến trước vài thế kỷ

Đ ược nâng ly vào bữa tiệc không mời

Đ ược khiêu vũ mừng bạn bè hoàn mỹ

Rồi quay về hiện tại máu mồ hôi

 

Ô i ma mãnh mang gương mặt thánh nhân dẫn dắt

Có cái lưỡi triết gia lật lọng mấy con bài

Bao thần tượng vầng hào quang đã tắt

Thời đại tôi nhiều màn kịch bi hài

 

Nhưng đất nước vẫn lội qua mọi đầm lầy phản bội

Đ ể thuỷ chung với chắt của con mình  ?

Thời tôi sống bạn hoá thù sớm tối

Có lọc lừa biết sám hối cầu kinh …

 

Thôi, mặc những mưu đồ gian trá ấy

Dòng chảy nhân dân huyết thống giống nòi

Lịch sử ạ, cái gì ra cái nấy

Thời gian rồi sàng sảy lại cho coi !

 

Không sợ đói, chúng tôi không sợ chết

Dẫu ngã xuống rồi còn gửi lại nắm xương

Làm vật lót đường đời sau đi tiếp

Chỉ sợ ai kia lầm lẫn lối thiên đường

 

Chắt của con tôi ơi ! Cõi “đại đồng” phía ấy

Xin đừng biến niềm tin này thành  món đồ chơi

Chúng tôi vịn vào tương lai như chiếc gậy

Đ ể vượt dãy Trường Sơn sừng sững phía chân trời.

 

Sài Gòn 20-4-1988

 

 

         

CÁM ƠN ONG BƯỚM

 

Cành đào sau tết người ta vất

Còn sót vài bông nở tận lòng

Thương tình ong bướm theo xe rác

Đ ưa tiễn hoa tàn cũng bướm ong

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

CỦI VÀ HOA

 

Tỉa nhánh đào khô toan chụm lửa

Vài hôm chồi rỉ giọt đào hoa

Mùa xuân đâu phụ lòng cây củi

Cành đứt lìa thân nụ mới oà .

 

Trần Mạnh Hảo

 

CON MÈO

 

Khi mới sinh mèo con vồ đuôi mình như vồ ánh nắng

Tuổi trưởng thành mèo vồ chuột, vồ chim

Nó quên mất đuôi nhưng về già ngoài sân vắng

Mèo lại giở đuôi mình ra vờn cho mắt được lim dim …

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

VỪA ĐI VỪA …SỢ

 

Biết đi là tự huỷ

Biết yêu là mất ta

Không vượt qua Dịch Thuỷ

Đừng hòng làm Kinh Kha !

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

ĐỨC PHẬT DI LẶC TRẢ LỜI CHÚNG SINH

 

Như Lai ngộ bằng đầu

Thiền kiểu nào cũng đúng

Trời đất vừa một bầu

Ta thiền bằng cái bụng !

 

Trần Mạnh Hảo

 

SÁT PHẬT

 

Thành Phật phải sát Phật

Gốc bồ đề một mình

Người nhập cùng tạo vật

Diệt diệt mà sinh sinh

 

Ở ngoài vòng sinh tử

Cọng cỏ cũng Phật mà

Ngộ rồi là chưa ngộ

Phật Phật mà ta ta

 

Chẳng cần phải diệt dục

Khi đã nhập Niết Bàn

Còn sợ gì gái đẹp

Hợp hợp mà tan tan

 

Phật không thể thành Phật

Nếu sợ kiếp luân hồi

Khoát tay ngoài thiện ác

Một một mà đôi đôi

 

Đ ời đâu phải bể khổ

Sát Phật, Phật quay về

Chết rồi còn mắc nợ

Tỉnh tỉnh mà mê mê

 

Phật tự tỏa, tự nhập

Cứ chi phải nâu sồng

Đừng hỏi hư hay thực

Sắc sắc mà không không

 

Thuý Kiều vừa thành Phật

Mười lăm năm tu hành

Cõi tâm thành cõi Phật

Lầu không lầu không xanh

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

TƯỢNG ĐÀI Ở MAXCƠVA

 

Trên tượng đài các nhà cách mạng đứng uy nghi lãng mạn

Họ ngước tới mênh mông tay phác thảo các chân trời

Còn các nhà thơ như Puskin chẳng hạn

Lại cúi xuống mặt đất buồn đau tìm số phận mỗi con người !

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

BỨC TRANH NGA NĂM 1988

 

Có đôi chim bồ câu Nga đánh nhau xơ cánh

Qụa đứng xem rồi mổ tuyết trên cành

Kìa ai đó ném ra vài mẩu bánh

Nuôi hai biểu tượng của hoà bình đang mở cuộc chiến tranh …

 

Trần Mạnh Hảo

 

CHƠI VỚI CON LẬT ĐẬT

 

Con lật đật Sô-Viết

Kính koong xoay đủ trò

Chẳng cần ăn gì hết

Mà bụng tròn vo vo

 

Dễ thương thay người Việt

Mê con lật đật Nga

Tìm mua cho bằng hết

Bán lại lời gấp ba

 

Qua hải quan hớt hải

Bộ trưởng tới dân quê

Dù va ly quá tải

Vẫn tha lật đật về       

 

Tổ Quốc tôi xa khuất

Sau con khật khưỡng này !

-     Ai vừa làm trái đất

Thành con lật đật xoay ?

 

Maxcơva 1988

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

ĐÊM PHƯƠNG BẮC NHỚ VỀ TỔ QUỐC

 

Một màu trắng rợn người dân tộc tôi chưa biết

Đ ang đối chọi gắt gao với màu than đêm

Nỗi nhớ tôi xin nhập vào bão tuyết

Bay qua nước Nga, vượt Trung Hoa gió bấc

Mưa phùn đêm nay có thổi rát mặt Người

Tổ Quốc ơi !

 

Nửa nước tôi giờ này cuốn trong rơm rạ

Biển dạ dày cồn sóng Thái Bình dương

Tiếng mọt nghiến đêm kèo nhà đói võng

Từ đỉnh cao tập bước xuống đời thường

Đất nước tôi thuyền vỏ trấu vờn đỉnh sóng

Số phận neo Người vào bóng Trường Sơn

 

Chẳng lẽ không còn con đường nào yên lành hơn

Ngoài một lối vượt đá ngầm, dông bão ?

Trời mắt ếch đáy giếng nào kiêu ngạo

Tổ Quốc tôi nằm ở đâu

Trên mùa gặt địa cầu ?

Người cày xới bằng xương sườn, lấy máu mình gieo hạt

Nứt nẻ vết chân cò, chân vạc, toạc đồng sâu …

 

Loa Thành ơi ai lường gạt  Mỵ Châu ?

Dấu lông ngỗng tình xưa còn trắng tóc

Tổ Quốc tôi đau mà không dám khóc

Hoa cau cười nhòe nhoẹt áo nàng Bân

 

Đâu nỗi nhớ nhà đứt ruột Huyền Trân ?

Đâu Tổ Quốc của nàng Kiều Kim Trọng ?

Thế giới này quá rộng

Nhưng nỗi nhớ thương chỉ một lối đi về !

 

Chỉ nơi mẹ mò cua bùn lạnh cóng

Lửa đói lòng dìm bóng mẹ vào đêm

Chỉ một chỗ em qua đò vịn sóng

Trăng xòa tay dừa ngóng móng chân thềm

 

Đ êm ai hát tôi nghe qua nửa vòng trái đất

Đ êm tro bếp quê hương mầm lửa mạ hoen màu

Nghe gió bấc gọi mặt trời xa khuất

Tổ Quốc, xin Người đánh thức cả niềm đau .

 

Mátxcơva 12-1988

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

ĐƯỢC CHƠI VỚI KIẾN

 

 

Bạn tôi bảy chục tuổi xuân

Giờ ngồi xem kiến hành quân thay người

May còn con kiến để chơi

Có khi vạn sự ở đời con con  

 

Dễ chừng lấp biển dời non

Lưng còng mới được lon ton tuổi già

Góc vườn đàn kiến bò ra

Kéo đi hàng dọc như là Trường Sơn

 

Nhớ ơi đồng đội chập chờn

Chiến tranh bỏ lại cô đơn hòa bình

Ngồi chơi với kiến giật mình

Một ta mà cả đội hình ngày xưa

 

Tiếng rừng gọi bạn không thưa

Hoá thân thành kiến như vừa đâu đâu

Tuổi già thơ thẩn lâu lâu

Ngồi chơi với kiến bạc đầu không hay …

 

Sài Gòn 1995

 

Trần Mạnh Hảo

 

TÔI MANG HỒ GƯƠM ĐI

 

Sao Hồ Gươm biết tôi chia xa

Mà run cho mọi bóng cây nhòa

Mà im im hết nghìn tăm cá

Mà thở chiều lên khắp cỏ hoa ?

 

Gó níu hoàng hôn xuống đáy tranh

Lá rụng, trời xao động cổ thành

Đổi dòng, sông gửi hồn ngưng đọng

Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh

 

Tôi muốn mang hồ đi trú đông

Mà không khiêng vác được sông Hồng

Mà không gói nổi heo may rét

Đành để hồ cho gió bấc trông !  

 

Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây ?

Mà thương ôm bóng kẻ lưu đầy

Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng

Mà cả trời kia xuống hết cây …

 

Hà Nội 1998

 

Trần Mạnh Hảo

 

VUA BẾP

 

Hai ba (23) tết Táo lên trời

Nhọ nhem mà thoắt được người tôn vinh

Lấy tro làm gốc dân tình

Khói um góc bếp triều đình đầu rau

 

Một niềm bồ hóng mai sau

Đ ứng nghiêng ba góc chụm nhau bảo hoàng

Trấu vun đống rấm ngai vàng

Gù lưng vua đội một làng nồi niêu

 

Nặn ra bởi đất đã nhiều

Ai mà chịu lửa thử liều làm vua

Ngồi cai trị thật hay đùa

Để que cời mặc sức lùa rạ rơm ?

 

Đoạn đành nung gạo thành cơm

Ăn than, uống lửa, chẳng gờm cướp ngôi

Ngó lên trời nhọ đít nồi

Đầu rau quên chuyện mình ngồi làm vua…

 

Sài Gòn 2000

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

LÝ BẠCH

 

                “Bạch giả thi vô địch

                   Phiêu nhiên tứ bất quần”

                   ( Xuân nhật hoài Lý Bạch – Đ ỗ Phủ )

 

Bóng đuổi ta ù té chạy

Khi thấy mặt mình dưới suối

Ôi trăng sáng đến mềm môi

Sáng đến chẳng còn gì để ta chơi với kiến

 

May còn bông lau trắng núi Nga My

Bướm Trang Tử làm đời ta ấm ớ

Trời cứ lầm ta với cái ly

 

Chỉ sắc đẹp Dương Quý Phi mới giúp ta biết được

Khi tắt  rồi ngọn lửa về đâu ?

Nhưng sắc đẹp lại câm hơn bóng nước

Ta đành ôm mây trắng trên đầu

Hỏi Trần Tử Ngang lối rẽ về thời trước

Trời xanh còn che nổi Hoàng Hạc lâu ?

 

Ôi tuyết trái mùa rắc mạt cưa

Ta không mướp đắng hoá ra thừa

Rượu kia đâu dễ làm say núi

Đá cứ vô tình khinh nắng mưa !

 

Thời thế làm đầu ta mốc thếch

Bá Di, Thúc Tề có thể thoát được thóc nhà Chu

Nhưng không thoát khỏi vệt nhọ giữa trời của Cuội

Hằng Nga ơi ! Trăng còn phải ở tù !

 

Ta trả “Thanh Bình điệu” cho Đ ường Minh Hoàng

Gió cũng bị đầy đi Dạ Lang [1]

Cổ ta vừa với gông vua lắm

Đố vua gông nổi mùa thu vàng ?

 

Vũ trụ là hũ rượu suông không đáy

Nên giời cũng chẳng cùm được thằng say

Gió kia không sống cũng không chết

Thổi lên cho lá được ăn mày !

 

Bớ sông Hoàng Hà đổ trời xuống đất

Sao bóng ta cứ núp rình ta ?

Mèo rình chuột ta rình trăng mọc

“Nguyệt hạ độc chước” ơi ! Một cộng không bằng ba [2]

 

Thơ viết xong trăng chừng tái mặt

Uống say đến mức sắp thành ta

Thơ hay có thể bị vua bắt

Trăng nhé nghìn đêm bạc tiếng gà !

 

Bớ thuyền say khướt trăng làm lái

Rượu ghì trăng xuống uống nhau chơi

Hồn ta làm cá cho trăng lưới

Nghìn năm ta chết đuối giữa trời …

 

Sài Gòn 1985

Trần Mạnh Hảo

[1] Dạ Lang : thuộc tỉnh Quý Châu, nơi Lý Bạch bị đi đầy năm 759 đời vua Đ ường Túc Tông.

[2] Lấy ý bài thơ : “Nguyệt hạ độc chước” của Lý Bạch :

                                                          “ Cử bôi yêu minh nguyệt

                                                          Đ ối ảnh thành tam nhân”

 

 

TẬP ĐI

 

 

Tập đi từ lúc bò nhoài

Để con người thoát khỏi loài bốn chân

Vịn vào mọi thứ xa gần

Đứng lên vụt chạy qua thân phận người

 

Tập đi tám chục tuổi rồi

Đ ôi chân lại trở về thời chưa đi

Lại bò như vật hài nhi

Với tay cỏ đã xanh rì, gậy ơi  !

 

Tập đi suốt cả cuộc đời

Mà chân chưa chắc là đôi chân mình ?

 

Nam Định 1990

 

Trần Mạnh Hảo

 

LẠY BÙN

 

                “ Sen đâu dám chê bùn tanh

                   Vì bùn là mẹ sinh thành ra sen”

                                                ( TMH)             

 

Rửa tay

Khoắng chân

Trả vết lấm bùn cho ao cho ruộng

Leo lên chiếu ngồi

Mặc ai theo bùn lắng xuống !

 

Mẹ tôi vừa mới bế tôi

Đã thành nấm đất lên ngôi cùng bùn

 

Bùn nở Tòa Sen, đùn gạo trắng

Ở chỗ thấp nhất thành quen

Mai sau nằm xuống ngó lên thấy bùn  !

 

Bùn sinh lửa than đăng đàn trát vách

Lạy bùn lấm quá thành đêm

Thương bùn lắng nước đau thêm đánh phèn

Máu phù sa bầm đọng bùn đen

Từ dưới lỗ móc lên người, lên phố

Đi với bùn mới tới được hương sen .

 

Hà Nội 17-1-2002

 

Trần Mạnh Hảo

 

ĐÊM VIẾT KIỀU

 

                “Bất tri tam bách dư niên hậu

                   Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?”

                                                ( Nguyễn Du )

 

Đêm đặc thành thỏi mực

Tiếng vạc mài nghiên

Từng giọt

Từng giọt

Máu đêm

Nhỏ xuống Thuý Kiều

 

Bút ta nào phải mũi giáo

Cớ sao từng chữ bị thương ?

Ta đâu nỡ làm đau tờ giấy bản

Huống hồ em tài sắc

Thương em mà bút đọa đầy em !

 

Phải ta từng sống với em mười lăm năm đất Bắc ?

Gió bấc ăn dần từng mái tranh

Đêm mọt kêu rụng tóc

Sợi rau muống buộc đôi ta bền chặt

Pho sách thánh hiền không đổi được miếng ăn

 

Trang giấy lặng như đồng chiêm trắng

Câu thơ ta bắt ốc mò cua

Củ khoai không vùi trong bếp

Củ khoai vùi trong giấc ta mơ !

 

Phải ta từng dắt em đi hành khất

Xòe tay ăn mày núi vòm trời

Ăn mày phù sa hạt gạo

Ăn mày dòng sông biển khơi

Ăn mày con người lòng nhân ái  ?

 

Đêm nay em theo ta về Phú Xuân

Lưu lạc trên trang sách

Em đừng chết đuối trên dòng sông xoáy nước

Như thuở Tiền Đ ường

Ta nhờ vãi Giác Duyên ngồi gác

Đón em về từ cuối màn sương

 

Ta ngồi viết

Trời đêm Phú Xuân như  ao  nước đục

Phải em là hồn con cò không siêu thoát được

Đòi thơ nước trong                                   

Những câu hát tha phương cầu thực

Cùng em đòi một tấm lòng

 

Ta ném mọi giáo điều lên mặt thần Mày Trắng

Để lấy tình yêu Thúc Sinh

Ta trả mũ cánh chuồn cho Hồ Tôn Hiến

Để làm Từ Hải

Ta là anh chài lưới lặn xuống dòng đêm  

Tìm lại cho em chàng Kim thuở ấy

 

Ta ngồi viết

Sông Hương bay thành nét thảo câu thơ

Núi Ngự Bình như anh xẩm ngồi hát

Biển ngoài kia lục bát tràn bờ …

 

Kiều ơi !

Thôi em đừng khóc

Tiếng vạc đã mài hết một thỏi đêm

Cuộc đời dồn chúng ta vào trang giấy trắng

Như dồn tới chân tường định mệnh

Từng đêm ta đập bức tường

Vầng trăng vỡ lúc ta căm giận

Lại nguyên lành khi cất tiếng kêu thương …

 

Sài Gòn ngày xá tội vong nhân 1984

 

TRẦN MẠNH HẢO

 

(ảnh báo Tiền Phong)
Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Huy Thiệp ở
Đại Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ VII.