Trần Khánh Liễm.


Huyền Thoại Lê Minh Bằng.

 

 

          Năm nay khí hậu tiểu bang Texas có nhiều thay đổi. Từ tháng bảy, hầu như tuần nào cũng có ít ngày có mưa. Đôi khi mưa đổ xuống như thác lũ, làm xũng nước nhiều nơi trong thành phố. Buổi chiều  thứ bảy hôm nay vẫn còn oi bức, chúng tôi cũng nhất định đáp lại lời mời đi dự buổi trình diễn của Trung tâm Asia tại Houston về “ Huyền Thoại Lê Minh Bằng “. Cái tên đó là ghép lại từ  tên của ba nhạc sĩ : Lê Dinh, Anh Bằng và Minh Kỳ.

 

           Hôm nay thứ bảy 26 tháng 8 năm 2006. Cũng  ngày này năm trước  là đầy năm ghi dấu những đau thương của cơn bão Katrina, cơn bão số 4 đã tạt vào tiểu bang Lousiana mà phần thiệt hại lớn nhất đánh vào New Orleans. Những ngày gần tới đây bắt đầu trên đài truyền hình đang chiếu lại những hình ảnh thật khó quên của một cơn đau thảm khốc đã lấy mất  nhiều ngàn nhân mạng và khiến cả triệu người cuốn gói ra đi không biết bao giờ mới trở lại.

 

         Thành phố Houston trong dịp này đón nhận cả gần ba trăm ngàn người, không phải mấy ngày hay hai ba tuần lễ, mà cả bao nhiêu tháng. Cho tới nay cả trăm ngàn người đã chọn nơi đây  là nơi định cư vĩnh viễn. Toàn dân và chính quyền, nhất là thành phố Houston đã mở rộng lòng đón tiếp và săn sóc những người chạy bão này. Cộng đồng Việt Nam đã được ghi nhận những thành tích rất cao trong việc tiếp đón và cứu trợ.

 

          Cũng chính trong thời gian bằng giờ  này năm trước, sau cơn bão Katrina ít tuần, đoàn văn nghệ sỹ trung tâm Asia đã tới thành phố này trình diễn và cống hiến miễn phí việc giải trí và ủy lạo người tỵ nạn.

 

          Cái tên trung tâm Asia đã gắn liền với thành phố Houston trong những công tác cứu trợ đó. Hôm nay các văn nghệ sĩ trở lại với “ Huyền Thoại Lê Minh Bằng” đã được đón nhận một cách nồng hậu. Hai xuất trình diễn vào buổi trưa và tối thứ bảy đều bán hết vé !

 

          Một chương trình hùng hậu và vĩ đại nhất chưa từng thấy của trung tâm Asia  bao gồm những bản nhạc hay nhất của ba nhạc sỹ, những ca sĩ nổi danh suốt mấy thế hệ đã có thật nhiều kỷ niệm và sự liện hệ với ba nhạc sĩ này. Họ đã nổi tiếng vì trình bày những bản nhạc của ba nhạc sĩ, hôm nay họ lại có mặt tại đây vừa để trang trọng cảm tạ ba nhạc sỹ vì những bản nhạc đó đã đưa họ tới những địa vị sáng chói một thời trong nền  âm nhạc tại miền Nam. Những kỷ niệm, tâm tình và sự liên hệ giữa họ với các nhạc sỹ là những hình ảnh nổi bật nhất trong buổi trình diễn. Những kỷ niệm đó không bao giờ quên, những kỷ niệm đó đã đánh dấu sự trưởng thành của nền âm nhạc Việt nam của một thời người Việt sống trong không khí tự do để làm văn hóa.

 

          Sân khấu của hý trường Hobby trong khuôn viên đặc trưng và tối tân của thành phố Houston đã là nơi thích hợp cho trung tâm Asia đón nhận những khách yêu thích âm nhạc Việt Nam và tìm lại những âm điệu tâm tình giúp mỗi người hồi tưởng lại những kỷ niệm riêng tư của mỗi người,  làm nhớ lại những liên hệ, những rung cảm và những thăng trầm của miền Nam nước Việt .

 

          Với sân khấu vĩ đại được trang trí bằng  mầu sắc đôi lúc  rực rỡ, đôi lúc như huyền ảo, màn ảnh tối tân, và nhất là âm thanh tuyệt hảo đã đưa khán giả sống lại cái không khí của một thời. Buổi trình diễn được mở đầu với bài “ Đêm Nguyện cầu “ với hình ảnh một nữ tu ( Thanh Lan ), đứng giữa một lớp người đại diện cho nhiều thành phần xã hội để tâm niệm và nguyện cầu cho Việt Nam. Cách bố cục này cũng giống như cuốn DVD năm ngoái trung tâm Asia  đã thực hiện để tưởng nhớ cố nhạc sĩ Nhật Trường, Trần Thiện Thanh : “ Anh Không Chết Đâu Anh “!, cũng Thanh Lan mở đầu. Để rồi tất cả các nghệ sĩ, mỗi người một giọng hát, mỗi người hát một câu như khẩn khoản nài xin Thượng Đế thương lấy dân Việt Nam này ! Cách bố cục đó có đầu có đuôi, có hô có ứng ( nói theo cách bố cục của truyện Kiều ) ! , có mở có đóng. Đó cũng là cấu trúc của một câu chuyện đưa khán giả đi từng bước nhớ lại cuộc đời và sự nghiệp văn nghệ sáng tác của Lê Minh Bằng trong giòng lịch sử văn nghệ thuật trong văn hóa Việt nam của miền Nam tự do.

 

          Nam Lộc trong giọng nói nhẹ nhàng êm ả đã nhắc tới Minh Kỳ ( 1930-1975 ) trong khi giới thiệu cho khán giả bản nhạc. Minh kỳ là một đại úy cánh sát, sau khi miền Nam rơi vào tay cộng quân mấy tháng, anh đã tất tưởi ra đi trong trai giam mà cộng sản ém nhẹm không cho gia đình  biết, cho tới hơn một nam sau, khi chúng rời trại, mới báo cho gia đình tới nhận phần mộ để bốc về mai táng nơi mộ phần của gia đình. Trong phần trình diễn cũng chiếu một đoạn phim gồm cuộc phỏng vấn vợ và các con củanhạc sỹ.

 

         Ở một phía cánh bên hữu, Thanh Tuyền và Việt Dũng giới thiệu nhạc phẩm của Lê Dinh ( sinh 1934 ). Trong đó Thanh Tuyền nhắc lại bản nhạc Hà Tiên ông viết cho nàng. Lê Dinh và gia đình hiện đang định cư tại Canada. Trong số ba nhạc sỹ có sự cộng tác với nhau rất chặt chẽ, cũng như giúp nhau kiện toàn nghệ thuật sáng tác. Theo chúng tôi hiểu qua những giới thiệu thì họ chia nhau đồng đều tình cảm và lợi nhuận cho nhau. Hôm nay trong phần trình diễn các bản nhạc cũng theo tinh thần đó. Sáng thứ bảy hôm nay, Gia đình Anh Bằng và gia đình Lê dinh đã hội ngộ tại Khách sạn Magnolia lúc tám giờ sáng trong bữa điểm tâm và chia sẻ tâm tình trước tới dự buổi trình diễn để đời của một nền âm nhạc Việt..

 

        Hôm nay hầu hết những bản nhạc nổi tiếng được nhiều ca sỹ từ thế hệ thứ nhất tới thế hệ thứ hai trình diễn. Thế hệ thứ nhất hát một phần rồi tới ca sỹ thế hệ thứ hai. Những khuôn mặt quen thuộc như Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Trung Chỉnh, Chế Linh, Anh Khoa, Mai lệ Huyền cùng với rất nhiều ca sỹ trẻ như  Lâm Nhất Tiến, Lâm Thúy Vân, Trish, ban Asia four v.v..

 

          Xướng ngôn viên cũng được thay đổi thật linh động với nhiều khuôn mặt kể cả các ca sĩ trong đó có Nam Lộc, Việt Dũng, Thanh Lan, Thanh Tuyền, Delena Nguyễn

( anchor woman của CNN ) Trịnh Hội v.v..Thành ra với những MC được luân chuyển như thế mang lại nhiều sống động, nhất là họ lại là những người có rất nhiều kỷ niệm và liên lệ với ba nhạc sỹ Lê Dinh. Minh Kỳ và Anh Bằng, cái tam liên bang :  về Huyền Thoại  Lê Minh Bằng.

 

          Sống theo vận nước nổi trôi, các nhạc sỹ này đã cống hiến cho chúng ta mức thăng trầm, những kỹ niệm khó quên của ân tình, của những rung động , của những tâm trạng của con người. Khán giả cũng được nghe một đoạn phim nói tại sao Anh Bằng đã làm bài huynh đệ chi binh. Anh Bằng nói : “ Trong lúc quốc gia lâm nguy mà mấy ông anh lớn ( các ông Tướng!) cứ lủng củng với nhau, nên tôi làm bản nhạc này để nhắc mọi người phải đoàn kết thương yêu nhau “. Bản nhạc có câu : Huynh đệ chi binh là người lính thương nhau khác chi nhân tình”. Thế mới biết liên tam bang Lê Minh Bằng đã đóng góp thật nhiều trong giòng loch sử  một thời của chúng ta.

 

          Trong số ba nhạc sỹ, Anh bằng hầu như là người phối hợp cho cả ba, anh cũng là người lớn tuổi nhất trong ba người.

 

 Trước đây mấy tháng, tôi có gửi cho anh cuốn Tình Viễn Xứ, trong đó có nhắc tới tên anh với giọng hát như sóng cồn vang dội cả một vùng cửa Thần Phù. Anh Bằng sinh ở làng Tòng Chính ( Điền Hộ, cửa Thần Phù ) huyện Nga Sơn Tỉnh Thanh Hóa. Anh đã phổ nhạc bài Mầu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, người cũng sinh ra tại cửa Thần Phủ. Khi còn ở khu tư vào những đầu thập niên năm mươi, chúng tôi đã phải học thuộc lòng bài thơ mầu tím hoa sim, cả khu tư rung động chia sẻ tâm tình cùng Hữu Loan trong hoàn cảnh của nhà thơ mà cũng là một chiến binh.  Ở Thanh Hóa trong thời kỳ cuối thập niên bốn mươi, chúng tôi chỉ thấy Hồ Dzếnh với văn thơ của ông, cho tới đầu thập niên năm mươi, khi bài thơ Mầu tím Hoa Sim ra đời,  chúng tôi  mới biết Hữu Loan.

 

          Anh Bằng đã làm trên năm trăm bản nhạc, trong đó có hai trăm bài phổ nhạc thơ của các tác giả khác. Anh là người hiền lành và khiêm tốn, mặc dầu rất nổi danh. Buổi văn nghệ trình diễn chấm dứt vào quá nửa đêm với bài Lời Nguyện cầu được từng ca sỹ hát mỗi người một câu và cuối cùng tất cả các nghệ sỹ đều hợp ca để dâng lên Thượng Đế lời cầu kinh cho quê hương Việt nam giữa những tiếng vỗ tay không ngừng của khán thính giả. Buổi văn nghệ coi như là một thành công lớn ghi lại tác phẩm, cuộc đời và sự nghiệp của ba nhạc sỹ mà chủ đề của nó là”Huyền Thoại Lê Minh Bằng”.

 

        Sau buổi văn nghệ chúng tôi có gặp Anh Bằng chụp ảnh kỷ niệm để gửi tới đọc giả bốn phương. Anh Bằng là một ngôi sao sáng từ cửa thần Phù, nơi đã có nhiều ghi dấu từ hình ảnh Từ Thức với thuyết Tiền Thân, Vũ Công Duệ, và gần đây với Trần Kim Tuyến ( Cuốn Định Mệnh con người ) TS Nguyễn Xuân Phong ( thành viên Hàn Lâm viện Pháp ), Nguyễn Hữu Chỉnh, TS nguyễn Tiến Hưng ( Bí Mật Dinh độc Lập và Khi Đồng Minh Tháo Chạy ), Hữu Loan, TS Đinh xuân Nguyên, tức Thanh Lãng, GS Phạm Việt Tuyền, nhạc sỹ Trường Sa và bao nhiêu tài hoa mới  với hậu duệ của giòng tộc của tổ tiên đứng ra chiêu mộ miền đất bồi tại cửa Thần Phù.

 

     Trần Khánh Liễm.

     Houston 29 tháng 8 năm 2006,