Hoa Đào  kép

Trần Khánh Liễm

Chăm sóc cây kiểng trong Mùa Xuân.

          Tôi xin gửi tới bạn hữu trên mạng lưới Gió-O một vài hình ảnh tôi chụp các loại hoa đào đương khoe sắc trong vườn. Đây cũng là lúc chúng ta bắt đầu những việc cần thiết, đồng thời cũng là cao điểm giúp cho tâm hồn mỗi người có dịp thưởng ngoạn cái đẹp rực rỡ Tạo Hóa dành cho chúng ta trong mùa xuân.

         Bước ra vườn phía trước hay phía sau vườn, các bạn thấy cây kiểng bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Những cây mai, cây đào , cây mơ đang khoe sắc lỗng lẫy, mỗi thứ một vẻ riêng biệt của chúng.

          Trong lúc này cây cối cũng cần chúng ta phải lưu tâm vun xới và dành nhiều thời giờ cho chúng. Tôi xin góp một số ý kiến trong việc chăm sóc cây kiểng để đóng góp phần nào vào cái thú điền viên của những bạn chơi cây.

          Đối với chúng ta khi vừa cho cây vào chậu hay vừa mua cây ở đâu về,  chính  là lúc chúng ta bắt đầu phải lo chăm sóc để nó có thể tươi tốt và phát triển được, và cũng từ lúc này chúng ta có một liên hệ chặt chẽ với những cây đó. Chúng ta phải học hỏi và nghiên cứu đặt để cây kiểng nơi nào cho thích hợp, tưới nước và bón phân cho đúng thời biểu để cây có thể phát triển.

          Tôi lần lượt xin lược qua những việc cần làm : tưới nước, bón phân, thay chậu và cắt tỉa cây trong vườn của chúng ta.
Tưới Nước.
         
           Những môn sinh người Nhật hay Tầu, khi bước vào ngưỡng cửa theo học nghề bonsai, việc  đầu tiên sư phụ thử sự kiên nhẫn xem môn sinh có đủ kiên nhẫn học tập trong một thời gian khá lâu dài. Môn sinh bắt đầu được dạy tưới cây kiểng. Cây kiểng bonsai thường được trồng trong một chậu  lớn hay bé tùy theo cỡ  của mỗi cây, thế nhưng so với cây được cấy dưới đất thì nó sống trong một khuôn khổ tương đối chật hẹp. Cũng chính vì thế khi cho cây vào chậu rồi, cây bonsai phát triển rất chậm. Cũng do khuôn khổ hạn hẹp đó, cây kiểng sống được là nhờ nước và phân bón. Nếu nước nhiều quá, cây có thể bị úng thủy, trái lại nếu thiếu nước, cây sẽ khô héo hoặc chết. Người ta thường phải cấy cây vào những chậu có lỗ ở dưới đáy để lúc nào chậu cũng ráo nước, nhưng phải để ý xem chậu có độ ẩm ướt khả quan hay không. Muốn cho chậu kiểng không ứ đọng nước, người ta thường đục lỗ dưới chậu. Có khi chậu chỉ có một lỗ, thường thì hai lỗ, nhưng cũng có ba lỗ, bốn lỗ hay năm lỗ tùy lớn bé và tùy theo nhà làm đồ gốm.
           Nước tưới nên dùng nước mưa, nước giếng hay nước máy. Nếu nước máy nên để mấy ngày cho nước lắng đọng lại và bay bớt  chất chlorine đi.

         Tưới cây kiểng  trong nhà : Cây trong nhà thường tưới hằng tuần hay cứ mười ngày một lần. Cây trong nhà hay bị úng chết là vì tưới nhiều, chứ không phải chết vì thiếu nước. Cây năng tưới hay ít tưới cũng tùy thuộc thời tiết, nhưng cây trong nhà tương đối ít bị ảnh hưởng thời tiết như cây ở ngoài trời. Tuy nhiên vào mùa đông, nếu tưới cây phải dùng nước cùng nhiệt độ như nhiệt độ trong nhà. Cũng trong mùa đông ta nên tránh để cây gần nơi máy sưởi thổi xuống hay gần sàn nhà có máy sưởi thổi lên. Khi đi nghỉ hè lâu, nên kiếm một người biết  chút ít về cây để họ săn sóc cây cho mình. Đặc biệt khi chưng kiểng trong văn phòng làm việc, nên tưới cây vào ngày trước khi có những lễ lớn chúng ta được nghỉ mấy ngày liền hay ngày thứ sáu trong tuần. Cách tốt nhất tưới cây trong nhà là lấy một chậu nước, ngâm cây vào đó khoảng từ mười lăm phút tới nửa giờ, rồi để cây lại chỗ cũ. Nước còn ngấm trong cây sẽ đọng dưới đĩa có khả năng tăng độ ẩm cho cây trong những ngày chúng ta nghỉ sở.

 

Tưới kiểng ngoài trời .

       Nếu có thể lựa chọn được hướng để cây, ta nên để cây về phía đông hay phía đông nam. Sở dĩ như thế vì nắng ban mai rất tốt cho cây. Trái lại cây để về phía bắc không tốt trong mùa đông có nhiều gió lạnh . Buổi chiều vào mùa hè quá nóng nực có thể  giết cây của chúng ta cũng như  nếu đặt chúng phía tây. Cấy một cây kiểng thật tốn công và mất nhiều thời gian, chẳng may cây chết thì uổng công quá. Thường những người chơi cây đặt hết tâm huyết vào mỗi cây mình trồng, do đó nếu cây tử vong, ta sẽ thấy tiếc công, tiếc thời gian đã dành cho cây, cũng có khi không thể kiếm được  cây cùng loại đã chết. Cây ở ngoài trời vào mùa hè, ta nên tưới vào sáng sớm khi trời chưa nắng và tưới vào buổi chiều khi mặt trời đã  lặn, vào lúc không còn nóng nực gay gắt. Chúng ta cần tưới cây hằng ngày trong mùa hè, có khi phải tưới cả buổi sáng và buổi chiều nữa.Về mùa đông ta tưới cây vào buổi sáng khi mặt trời đã mọc là đủ, có thể tưới cách hai hay ba ngày tùy loại cây. Cây thường hay chết vào mùa thu nhất là vào cuối tháng chín, tháng mười và đầu tháng mười một. Nhiều khi chúng ta nghĩ trời mát, thế nhưng chậu cây trong thời gian này rất khô, nó cần được tưới nước. Lúc nào chúng ta cũng phải tâm niệm, cây sống trong khuôn khổ chật hẹp, chỉ sống nhờ vào nước tưới đều đặn như tôi đã nói trên, lúc nào cũng phải giữ cho chậu cây ẩm ướt. Khi tưới cây kiểng phải tưới châm và tưới đi tưới lại cho tới khi chậu đẫm nước, tưới bằng vòi có hoa sen, tưới vào gốc cây. Trong mùa lạnh, nếu cây để trong những nơi không thoáng khí, ta nên cẩn thận đừng tưới vào lá, vì lá cây dễ bị ủng . Tưới cây ngoài trời vào buổi chiều cũng nên tránh tưới vào lá cây.

         Một nguyên tắc chung là số lượng nước tưới rất tùy thuộc thời tiết trong năm, tùy theo nhiệt độ và độ ẩm của khí trời mà chúng ta tưới nhiều hay  ít cho cây có thể sống được. Việc tưới cây cũng cần phải thận trọng lắm, thế  nhưng từ từ, chúng ta sẽ rút được kinh nghiệm để biết mỗi loại cây cần được tưới như thế nào, bởi vì không phải cây nào cũng tưới giống nhau hết . Chẳng hạn nếu ngày nào cũng tưới hai lần và tưới đẫm vào cây sứ thái, thì chỉ một hai tuần, củ sứ  ủng thối rồi chết.

Hoa Đào mầu  hồng tía ( peppermint flower peach )

 

Bón Phân.

          Cây nhờ nước và phân mới tươi tốt và phát triển. Phân cần những khóang chất như nitrogen, phosphorous, potash, calcium, sulphur, sắt. Chúng ta có thể bón bonsai bằng phân cá (fishmeal or fish fertilizer), phân bằng xương ( bonemeal), phân làm bằng rong biển ( sea weed) .
          Trong trường hợp cây vừa vào chậu, hoặc cây èo ọt , ta không thể bón phân ngay. Hiện nay trên thị trường có những loại kích thích tố và sinh tố ( hormone and vitamins) như Superthrive, chúng ta có thể dùng để giúp cho cây bị èo ọt chỗi dậy, từ  sau mùa thu qua mùa đông, thời gian này cây ở tình trạng ngưng phát triển ( dormant), bắt đầu vào  mùa xuân những kích thích tố và sinh tố đó rất cần cho chúng. Chúng ta cũng dùng thêm loại phân kích thích rễ (root stimulator). Chúng ta cần đọc kỹ những chỉ dẫn kẻo thay vì giúp cây phát triển, chúng ta lại giết cây. Chẳng hạn loại kích thích tố và sinh tố như  Superthriver chỉ có thể dùng từ năm tới mười giọt cho một gallon nước. Do đó khi bón phân nước phải thật thận trọng. Nếu có dịp đi biển, chúng ta cũng nên lượm một  ít rong biển. Rong biển về có thể ngâm vào nước, hai ba tháng sau có thể lấy nước đó tưới cho bonsai. Chúng ta cũng có thể phủ dưới gốc những cây bonsai lớn bằng rong biển nhất là trong mùa hè ở những nơi có nắng chói chang. Rong biển có sẵn sinh tố, chất đạm và muối, rất tốt cho cây. Trường hợp này rong biển vừa cung cấp thức ăn cho cây, vừa giúp cho cây có độ ẩm nhất là về mùa hè và cả về mùa thu khi trời có nhiều gió và khí hậu khô ráo.

          Trước khi bón phân, ta nên tưới nước đẫm vào cây. Riêng những loại phân tan chậm, người ta cũng dùng để bón bonsai. Thường là 13-13-13 hay 14-14-14 loại tan chậm trong thời gian 120  hay 180 ngày. Vào cuối tháng hai hay đầu tháng ba, chúng ta có thể bón phân cho cây, nhất là những vùng ấm áp, thế nhưng ở những vùng lạnh thì cần theo thời tiết địa phương. Tháng tám là thời gian chót chúng ta bón phân , đối với tùng, chúng ta có thể bón cho tới giữa tháng mười. Phân cũng không thể tưới nhiều một lúc, thà rằng tưới ít phân mà năng tưới thì hơn là tưới đậm phân mà lâu mới tưới. Chúng ta nên thay các loại phân khác nhau tưới cho cây hơn là chỉ dùng có một  loai. Có những nhà sản xuất phân dùng những hóa chất, sinh tố  có xúc tác trộn lẫn những vi khuẩn giúp cho cây tăng trưởng (water soluble biostimulant with beneficial bacteria) giúp cho cây dễ tăng trưởng và thích ứng với những khó khăn gay gắt của môi sinh khác nhau.

          Những ý kiến trên cũng phải uyển chuyển và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng nhờ kinh nghiệm mà người chơi kiểng đạt những kết quả tốt đẹp. Những bạn trẻ khi mới bắt đầu chơi cây hãy kiên nhẫn nhận xét từng trường hợp, từng loại cây. Sau một thời gian sẽ đạt kết quả và vững tâm hơn. Tốt nhất là khởi sự từ hai cây cùng loại, quan sát xem nó tăng trưởng ra sao. Sau  ít tháng, nếu có kết quả tốt đẹp, hãy kiếm thêm hai cây loại khác, và cứ thế sau một vài năm cũng có một số cây để chưng trong nhà hay ngoài vườn.

Hoa Mơ nở đầu xuân

Sang Chậu.

          Cây cứ hai ba năm tùy loại chúng ta phải sang chậu. Khi đầu thì chậu nhỏ, rồi tùy cây lớn bé chúng ta tìm chậu cho thích hợp cho mỗi loại cây. Chậu thì có chậu tròn, chậu hình bầu dục, chậu vuông, chậu hình chữ nhật. Những chậu nhỏ chỉ có một lỗ để cho nước thoát mỗi khi tưới, chậu lớn hơn thì có hai, ba hay bốn năm lỗ.
          Để cho đất khỏi trôi đi, người ta thường dùng những miếng lưới nhỏ hoặc bằng sắt hay bằng plastic gài một miếng thép giữ cho mủn cây và đất khỏi chảy ra ngoài, chỉ đủ cho nước rỉ ra mỗi khi chúng ta tưới.
          Chúng ta cũng phải chọn sao để chung quanh vành chậu phía trong ráp tiện rễ cây có thể bám vào đó được. Nếu phía trong là chậu sứ trơn thì tối kỵ vì không tốt cho rễ cây. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại chậu. Loại đắt tiền và được coi vừa có giá trị, vừa mỹ thuật, vừa giẻo giai đó là chậu Nhật . Loại thứ  hai cũng xấp xỉ như chậu Nhật, giá cả tương đối rẻ hơn, đó là chậu Đại Hàn. Loại thứ
ba là chậu Tầu hay Việt Nam. Loai chậu Tầu hay việt Nam nếu khéo chọn thì cũng có thể kiếm được phẩm chất khá, giá của nó tương đối rẻ hơn các loại chậu Nhật và chậu Đại Hàn. Việc cần nhất là phải xem chậu có được nung kỹ hay không. Cũng có những chậu khi chúng ta cấy cây lớn vào, nhất là cây cấy trong đá, nhiều khi khiêng chậu từ chỗ nọ tới chỗ kia, không khéo chậu không chịu được sức nặng có thể vỡ đôi. Những cây mới trồng còn ít tuổi, hoặc để làm quà cho những người thích chơi kiểng bonsai hay mới vào nghề, thì loại chậu nhỏ thứ ba chúng ta vừa nói là tiện nhất vì không tốn kém vả lại cây nhỏ cũng chưa có giá trị là bao. Khi sang chậu, chúng ta cũng phải tùy loại để pha đất cho hợp với mỗi loại cây. Khi cây mới sang chậu, chúng ta không nên bón phân, ngoại trừ các chất sinh tố hay kích thích tố cho cây chóng hồi lại. Khi cây bắt đầu nảy lộc , ra lá, lúc đó chúng ta mới bón phân. Những yếu tố căn bản cho cây khi chúng ta sang chậu vẫn là đất trong vườn, mủn cây, cát trộn với nhau, thay vào mủn cây, chúng ta có thể dùng peat.

 

Cắt tỉa và uốn cây .


          Nghệ thuật tỉa cây phát xuất từ phái Thiền tông . Các ngài đã khởi xướng với ý niệm sự hòa hợp giữa trời đất và con người :  thiên,  địa,  nhân. Cũng từ đó, suy luận về cuộc sống con người : sinh, lão, bệnh, tử, con người sinh ra, già yếu, bệnh tật rồi tử vong.
           Phái Thiền Tông đã từ Trung Hoa sang rao truyền  Phật Pháp bên Nhật, các ngài cũng mang theo những văn hóa, trong đó có nghệ thuật chơi cây kiểng. Giả thuyết này có thể giải đáp về những hệ thống hóa nghệ thuật bonsai, cách nuôi và đặt tên cho những loại cá thả trong hồ của người Nhật. Vì là một trường phái của những thiền sư có nhiều kỷ cương chặt chẽ mà nghệ thuật chơi cây của Nhật có hệ thống lớp lang hơn nghệ thuật chơi cây của những vùng Á Châu khác như Trung hoa, Việt Nam, Đại hàn. Đứng về nghệ thuật, chúng ta không thể nào khen chê, vì mỗi vẻ có cái hay cái đẹp riêng của nó. Ở đây tôi chỉ nói tính cách hệ thống hóa về cây kiểng của người Nhật. Thế nhưng nghệ thuật chơi kiểng của Người Trung Hoa hay người Việt Nam cũng có cái đặc thù uyển chuyển hơn, bay bướm hơn nhiều khi nó không bị gò bó quá nhiều trong những qui luật cứng nhắc.
         Người ta thường tỉa những cây thông, chẳng hặn loại hollywood juniper thành ba chùm ( thiên, địa, nhân ) hay năm chùm ( sinh, lão, bệnh, tử, sinh ). Tại sao lại kết bằng sinh mà không kết bằng tử. Nếu kết bằng tử thì đã ‘bí’, hết  chuyện nói. Do đó cây cần có năm chòm, kết bằng ‘sinh’ để còn có cơ phát triển.
          Tùy loại cây để chúng ta tỉa, hay bứt cành bứt lá cho cây có hình thù, gon ghẽ theo ý chúng ta muốn. Nhờ việc tỉa cây, bứt lá mà cây gọn lại, lá từ từ nhỏ. Kinh nhgiệm này sẽ tăng lên theo thời gian  từ khi chúng ta bắt đầu cho tới khi chúng ta học được những đặc tính của mỗi loại cây.
           Để cây gọn gàng theo những nghệ thuật chúng ta muốn uốn nắn một cây, người ta thường dùng những loại giây kẽm khác nhau tùy hoàn cảnh và sở thích. Có nhiều người dùng giây điện nung trong lửa cho nó mềm để uốn cây. Việc làm này tiết kiệm khá nhiều tiền. Cũng có người mua giây kẽm pha đồng hay pha nhôm. Loại này đắt tiền hơn, nhưng dễ cho chúng ta điều khiển lúc uốn cây lại. Giây có nhiều loại lớn bé khác nhau, tùy loại cây, cành lớn bé và tùy sự giẻo giai của thân cây chúng ta lựa chọn cỡ kẽm to nhỏ cho thích hợp.

Mai Vàng