lê thị huệ
Nghe Thanh Âm Hướng Xa Lộ Houston
Gõ Vào Đêm Đen Tối New Orleans
tản mạn
Tháng Bảy nóng khủng cao bồi Tây Nam nước Mỹ đốt đuốc 100 độ F. Hai chị em kéo va li trèo máy bay về hướng minh mông ấy. Lùng vé United Airlines vé Delta on lan Hotwire. Xe thuê lấy ở Louis Armstrong New Orleans International Airport, xe Accent được giao ở phi trường George Bush Intercontinental/Houston Airport (IAH) cũng cà thẻ tín dụng qua computer on lan hết. Bắt đầu chuyến đi về phía New Orlean phát xuất Jazz đen tung phèng lẫy lừng thế giới. Rời phi trường MSY nửa đêm 12 giờ sáng cầm chùm chìa khóa kéo hành lý bước ra parking lot có chiếc Dodge trắng mid size. Chị thoăn thoắt lái. Em cầm GPS trên lòng bàn tay tinh tướng dẫn độ. Hai chị em vượt núi vượt cầu vượt freeway nhờ GPS của Samsung phone. Hương lộ New Orleans lái chầm chậm nửa đêm như múa lụa freeway bản tình ca quá nhẹ nhàng. Ở New Orleans có thể tà tà được ở tốc độ 70 dặm một giờ. Dân New Orleans lái chậm và nhường nhịn. Dễ lái. Chạy trong vô thức cùng mấy chục năm lái xa lộ vèo vèo Freeway California. Chẳng bù về Houston cầm vô lăng. Hiu Tân vượt mặt sang len như trâu khùng đâm đầu bất kể. Thói quen lái xe của cao bồi Hiu Tân khác với điện tử Hố Dê ở chỗ ở Houston lái freeway sang len mình ên. Sang như đâm ngay lập tức vào đít mình. Houston mạnh ai nấy làm anh hùng xa lộ. Chúng sinh ít nhường cho người chuyển lane. Còn Bay Area Bắc California dân Freeway có nền văn hóa nhường người sang len. Muốn nhanh nhất 80/MPH trở lên thì lo mà lọt cho lẹ vào len trong cùng phía bên trái. Vào lane trong cùng phía trái ấy là tự động tìm tốc độ 80 dặm một giờ trở lên. Những len còn lại là càng sát vìa phải càng lái chậm hơn . Cái thứ gọi là văn hóa len . Ông bà già hay mới lái xe ì ạch 60 dặm một giờ thì làm ơn vào các len trong phía tay phải . Lái xe ở Bay Area Bắc California là chúng tôi đi thành đàn trong từng len như thế.
Hai chị em "Nhà Mẹ Lê" (chuyện Nhất Linh) luống tuổi. Đà sáu bó. Đi đến những thành phố cao bồi Tây Nam. Lái xe xông pha xa lộ không đàn ông ngồi cạnh trong đêm đen che kín bầu trời nước Mỹ.
Ở New Orlean được ngủ ở nhà Sáng Anna và chồng Chiêm hai đêm ngon. Ngôi nhà sương sương đầy ắp âm lượng của Sáng Anna. Bạn giọng Phú Thượng miền Quảng Nam lấy chồng xứ Huế. Ngôi nhà có một vườn rau xanh mướt để buối sáng tôi đòi điểm tâm bằng rau lang luộc và ghẹ tươi thơm ngon ăn tối mà sáng hôm sau còn đòi tiếp cho đã đời hải sản cảng New Orlean . Hai vợ chồng Sáng Anna và Chiêm con lớn chồng mưu lược vợ đảm đang, thành ra khách đến nhà là một may mắn hạnh ngộ những tín đồ công giáo tốt lành tử tế bác ái vị tha. Gương người công giáo tốt ở ngay trong ngôi nhà rất đang theo chủ trương ít đồ đạc ít sô hàng “minimalism”, mốt mới đang lên tại Mỹ.
10 giờ sáng hôm sau 3 chúng sinh đi quán Cafe Du Monde thuộc khu French Quarter. Khu Cafe Du Monde có một bãi đậu xe lý tưởng cho khách phương xa. Lại gặp đông đúc Việt Nam là nhân viên hầu bàn nói tiếng Việt. Quán cà phê thương hiệu Du Monde lừng danh thế giới với cà phê rang đóng hộp. 2018 chủ Mỹ, nhân viên Việt Nam. Chị Dung một người nhân viên hầu bàn ở Café Du Monde nói, mỗi nhân viên hầu bàn được khoanh vùng 3, 4 bàn. Càfe Du Monde cửa trống toang hoác liền vỉa hè, ngay khu thị tứ bờ sông. Khách ra vào tấp nập không bao giờ chừa bàn trống. Nhân viên hầu bàn lấy o đờ phải ứng tiền túi ra trả cho chủ trước. Sau đó mới lấy tiền lại từ khách. Ấy vậy mà nhiều người hầu bàn ở đây mua được nhà, Sáng Anna bạn tôi nói. Khác biệt nhà cửa vùng Houston - New Orleans là mua năm 1995 trị giá một trăm nghìn đô la, năm 2018 bán lại được hai trăm nghìn. Lời gấp hai. Trong khi ở San Jose Bắc California, mua căn nhà trị giá hai trăm nghìn năm 1995, năm 2018 giá bán lên một triệu đô la. Lời gấp năm.
photo:sunseeker.allegiant.com
photo: alamy.com
Tối thứ Sáu, 2 chị em đi ra Bourbon Street kiếm quán nhạc Jazz để nghe. Má ơi, đi trong đường phố thì vui nhưng ma ri hoa na - marijuana và mét - meth xì ke phủ kín đường hoa. Hút gì đâu mà hút dữ thần vậy không biết. Ma ri hoa na dày đặc từng mili mét không trung Bourbon một buổi tối thứ Sáu cuối tuần . Tôi ngộp thở luôn. Tôi bảo Mây Lan đi ra đường phía sau sau và nói may ra nghe được nhạc. Ở đây dương khói nặng nề quá. Cali vừa hợp thức hóa Marijuana. Bây giờ đi đâu cũng nghe cái mùi ấy. San Francisco đang sặc khói vì nó đến độ khách du lịch phải la làng. Cái mùi mà ai hút thì phê . Còn người không hút thì khổ ơi là khổ. Bây giờ đứng đâu nghe mùi nó đó. Nước Mỹ đang sụm bà chè vì chất khích thích não bộ này càng ngày càng lộng gió hua đế quốc về con đường vô định.
Ở New Orleans có bảng hiệu Versailles nở một đóa Vietnamese dị kỳ. Năm 1975 từng đoàn người đánh cá Phước Tĩnh Vũng Tàu Rề Phiu Ri tỵ nạn Việt ào ào đi ra từ căn cứ lính Fort Chaffee bang Arkansas đến xóm chài to đùng của New Orleans. Hy vọng câu được tôm cua ghẹ cá sống qua ngày. Phần lớn là dân Công Giáo Di Cư tránh Việt Cọng từ Bắc vào Nam năm 1954 . Đến New Orleans nhóm dân Công Giáo kiên trì ông cụ này quầy quần dựng giáo xứ và bán rau bán cá ngay trước nhà. Rất nhà quê Việt Nam. Làng Chài New Orleans của người Việt Tị Nạn này lừng danh nước Mỹ kiểu quê mùa dễ mến Việt Nam. Năm 1976 tôi đến thăm vùng này, sáng sáng họ rủ nhau đi nhà thờ, nghe cha Mai Thanh Lương giảng . Tan lễ họ nhóm chợ quê bạn đồ trước nhà. Hay và ngộ thiệt. Tôi thít. Nên làng chài này là điểm đến ở New Orleans của bao người Việt xa quê hương nhớ mẹ hiền. Đi về xứ New Orleans nước Mỹ, thấy có 3 nền văn hóa sống cạnh nhau tạm ổn: Văn hóa Mỹ Trắng văn hóa Mỹ Đen và văn hóa Việt. Ít thấy các bác Tàu Khựa, ít thấy các bác Ấn Cờ Ri ở New Orleans. Như đất Bắc Cali chúng tôi thì đầy đông các bác Tàu các bác Ấn thành hiện tượng.
Cũng phải 40 năm kể từ năm 1975 tôi mới trở lại đứng ngó Versailles. Cứ tưởng đến nơi còn tìm thấy chút lụp xụp quen quen giống dân Việt nhếch nhác. Ai dè vật đã đổi nhà đã dời! Không thể tưởng tượng bây giờ khu Versailles của người Việt bán cá nay toàn là những lâu đài tình ái xây hai con lân chầu trước cửa. Toàn là những dinh thự, biệt điện, lâu đài, biệt thự sát nhau. Các biệt thự này ở Cali thì chỉ 2 hay 3 triệu đô la. Dĩ nhiên ở New Orleans nhà cửa rẻ hơn, nên giá chừng 300 nghìn đô la trở lên. Được biết sau cơn bão Katrina năm 2005 ở New Orleans, thiên hạ bỏ đi khỏi New Orleans khá nhiều. Nên chính quyền liên bang và tiểu bang bèn phát một ngân khoản lớn để mời mọc những cư dân trở lại New Orleans. Người Việt làng chài Versailles trở lại khá đông. Nhờ món tiền trợ cấp hậu hĩ của nhà nước, họ xây nhà to đùng, đẹp đẽ như lâu đài là thế.
biệt thự của một người Việt thành công trong vùng
Versailles (photo:baomai.blogspot)
Từ New Orlean bay qua phi trường Houston chỉ một giờ đồng hồ. Ra quầy Car Rental hãng Advantage làm thủ tục thuê xe. Lái về khách sạn. Hai chị em riêng hai giường tha hồ thẳng người . Buổi tôi hân hoan đến hẹn ở nhà hàng Jasmine Aisan Cuisine trên đường Bellaire Blvd gặp Nguyễn Thị Lệ-Liễu và Hoàng Huy Mạnh. Ở Houston tôi tìm lại được tình thân mến của uyên ương bạn Huy – Liễu dìu tôi đi từ ngôi nhà ở Little Rock Arkansas 1975 đến nay vẫn còn thân thương. Huy Liễu cặp đôi uyên ương (tên chúng tôi vẫn gọi hai bạn Hoàng Huy Mạnh và Nguyễn Thị Lệ-Liễu Houston) đặc sản Triết Văn Khoa đại học Sài Gòn trước 1975. Thời mà chúng sinh khoái nghe nhạc Pháp, nghe Carpenter, nghe Beatles mới ra lò. Tối thứ Bảy, quán đông khách. Ăn bò nhúng giấm và cá chiên giòn cuốn bánh tráng yummy yummy. Huy Liễu còn đãi chúng tôi một đêm nghe tiếng hát Mary Linh có một không hai ở đất Houston. Mary Linh từng là ca sĩ sexy một thời trên sân khấu Sài Gòn nhạc Twist khích động ban Khánh Băng. Đêm nay tiếng hát của nàng ca sĩ vang tròn, khỏe mạnh, đốm hỏa châu dưới ánh đèn màu. Sao lại có một tiếng hát cứ trẻ mãi bài ca như thế. Hay điêu đứng! Mary Linh bao nhiêu tuổi, chả đếm. Nhưng đêm nay người nữ ca sĩ có giọng quyền biến như vừa ngừng như vừa bốc âm thời gian. Chúng tôi cứ tưởng như đang ngồi ở phòng trà Sài Gòn năm xưa nghe nhạc Pháp. Vì giọng Mary Linh đang bốc thành cuộn suối âm tung vào ánh đèn màu trong một căn phòng quán ăn biết tạo ra dung lượng để nuôi giọng ca làm ngưng đọng thời gian - Mary Linh Tiếng Hát Ngưng Thời Gian! Ca sĩ hát nhạc xưa để có được một khả năng, một thần âm tạo ra một giòng đời cũ ma mỵ trên sân khấu là con số rất hiếm. Một mình một chợ. Một mình Mary Linh trấn thủ lưu đồn Asia Jasmine trên Bellaire đại lộ với ban nhạc của Philip Thọ và Tuấn Trần như sắm sên đàn khõ riêng cho Mary Linh hát. Không ca sĩ cùng thời nào còn giữ được giọng ca trẻ, vang và khỏe như bà Mary Linh. Không Elvis Phương. Không Khánh Ly. Cả Tuấn Ngọc giờ cũng không. Lâu lắm rồi tôi mới tìm gặp được một Mary Linh tiếng hát có khả năng làm ngưng đọng thời gian cho những bài hát đồng tuổi đời đôi mươi của nàng ca sĩ, cùng thời điểm bản nhạc ấy ra đời. Đêm nay Mary Linh xả hết tốc độ vào các bài : J'entends siffler le train, Michelle ma belle, Crazy, Bambinom, Yesterday, Bản Tình Cuối, Không, Đêm Định Mệnh. Đất Houston có nường ca sĩ tên Mary Linh thật hiếm và quý.
Nguyễn Thị Lệ Liễu, Hoàng Huy Mạnh, Mây Lan, Lê Thị
Huệ, ca sĩ Mary Linh
Ngày hôm sau đình huỳnh ông Đặng Phùng Quân ra mắt sách nói chuyện Duy Tâm Duy Vật ở quán Phan Dụy. Gọi quán Phan Dụy cho dễ mến nguyên là đài truyền hình Saigon Network Television.51.3 ở Houston. Tôi nghe hoa khôi Phan Dụy qua Phạm Việt Cường thời giang hồ Houston đồn Phan Dụy người yêu của Tô Thùy Yên, và lúc đó Phan Dụy đang cùng Cao Đông Khánh ra cuốn băng thơ Tô Thùy Yên. Người đẹp Văn Khoa Triết Đại Học Sài Gòn một thời qua lời kể Phạm Việt Cường cho 3 đứa tôi Trân Sa, tôi, và Vũ Quỳnh Hương há hốc mỏ nghe tưởng Phạm Việt Cường yêu Phan Dụy. Học trò cưng của giáo sư Đặng Phùng Quân bữa này MC cho thầy duyên dáng trong tiếng nói trong trẻo ngọt ngào. Mặc một chiếc áo rồng bay phượng múa, hát bài Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi của Phạm Duy quá chân tình. Ra mắt sách Duy Tâm Duy Vật của ông Đặng Phùng Quân hôm nay phê nhất là món Bùi Huy đọc bài thơ Phượng Múa Rồng Bay của Cao Đông Khánh. Vừa là bạn, vừa có giọng Bắc khá chuẩn, Bùi Huy đọc bài thơ của Cao Đông Khánh bữa đó hay rụng rún. Tự nhiên nghe Cao Đông Khánh và Bùi Huy đọc bài thơ Phượng Múa Rồng Bay theo hai giọng Nam Kỳ và Bắc Kỳ, tôi chợt nghĩ thơ có thể cho tôi niềm thưởng ngoạn đa chiều không chỉ bằng mắt nhìn bản chữ, mà còn bằng tai nghe thanh âm của giọng tạo nên bài thơ. Thần lực của bài thơ qua giọng là một khía cạnh mà lâu nay tôi ít chú ý đến. Chủ biên Gió O cũng quần ống cao ống thấp đăng đàn ngợi ca sự đóng góp của giáo sư Đặng Phụng Quân và anh hùng hảo hớn Houston. Nói loạt thơ Cao Đông Khánh đọc, số đặc biệt thơ Cao Đông Khánh, được Thư Quán Bản Thảo của Trần Hoài Thư thực hiện trong thời gian qua, Gió O cắt ra từng bài riêng, và giới thiệu trên mạng Gió O, độc giả hưởng ứng nồng nhiệt, đông đảo các lượt viếng các trang thơ Cao Đông Khánh đọc. Nói cám ơn các tác giả sống ở Houston cọng tác với Gió O. Mà nói lộn Houston thành San Jose ba lần. Làm ông Bùi Huy ngồi dưới nhắc lỗi mệt nghỉ.
Cuối buổi trò chuyện của ông Đặng Phùng Quân thú vị nhất là ổng duyên dáng chiết luận muốn thấu tận nhiều hơn chuyện chữ nghĩa thì hãy đặt những câu hỏi với mấy ngài thi sĩ và chờ các thi sĩ trả lời. Gặp lại ông Triết Đặng Phùng Quân, sực nhớ ra mấy ông mần nghề Triết ông nào thoại cũng hay. Ngồi nghe ông nói chuyện mơ hồ Duy Tâm Duy Vật mà thấy giọng ông hơi bị du dương ma lực. Bất cứ ông thầy dạy môn Triết nào được sản xuất từ lò Việt Nam Cọng Hòa phần lớn đều là những kẻ thuyết pháp tuyệt vời . Nay họ là giống động vật hơi bị hiếm trong nhân gian của chúng sinh đang tồn tại . Tôi trân quý những phút giây ngồi lại nghe các ông Triết này trò chuyện. Nhất là được nghe một ông Triết kiến thức uyên thâm và đáng tin như ông Đặng Phùng Quân.
Giáo sư Triết Đặng Phùng Quân trong buổi ra mắt sách
vợ chồng Nhật Tim Mỹ Quỳnh, Mây Lan, Trần Khánh
Liễm, Em Trai GS Đặng Phùng Quân, Vũ Tiến Lập, GS Đặng Phùng Quân, Bùi Huy, Lê
Thị Huệ, Phan Dụy tại đài Saigon Network Television 51.3 Houston
Bữa đó Gió O còn gặp bác Trần Khánh Liễm có bài đi trên trang Ảo Ngôn của Gió O ngày nào. Vừa thấy mặt tôi là bác nói ngay ăn Qui cho tốt. Mà tôi nỏ biết Qui là gì. Bác phán mỗi ngày xoa mặt bao nhiều lần cho khỏe. Thảo nào trông da mặt bác còn phẳng, trẻ và đẹp hơn mấy ông Bùi Huy, Vũ Tiến Lập, Đặng Phùng Quân, và bà Lê Thị Huệ. Ảo Ngôn là trang rất ăn khách. Đi đâu ai cũng hỏi sao không mở lại Ảo Ngôn Trang! Gặp thi sĩ Vũ Tiến Lập người đặc biệt khều tay tôi nói, Lê Nghĩa Quang Tuấn dịch thơ trên Gió O rất chiến . Phải là thi sĩ thứ thiệt mới dịch được thơ hay như thế. Thi sĩ nói câu trước câu sau kéo ông Bùi Huy và vài ông khác ra ngoài hút thuốc. Mấy ông Việt Nam vẫn còn duy trì phòng trào hút thuốc ghê thiệc . Tôi nhận xét mấy ông di tản Việt Nam Cọng Hòa sang Mỹ mấy mươi năm sau mà vẫn còn hút thuốc đều là những ông có vợ hiền. Những ông có vợ chằng thì hình như giờ chả còn ông nào hút thuốc lá.
Ngày hôm sau chúng tôi gặp bạn của Mây Lan. Gặp em Lưu Nguyễn xinh đẹp và dễ thương lớp 12C của trường Nữ Trung Học Qui Nhơn ở phở Ngon . Em Minh Phúc lớp trưởng cùng thời Mây Lan ở Trinh Vương Qui Nhơn kêu qua tiệm khác ăn bún mắm. Houston Vietnamese giờ phát triển vượt bực San Jose. Giờ cạnh tranh với Bolsa Nam Cali rồi. Nhưng tiếc Bellair Blvd. Bolsa Ave. cũng như Senter Rd. không có được những tượng điêu khắc mỹ thuật đặt lên mặt đất làm dấu ấn đáng ngưỡng mộ Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Hải Ngoại. Phải chi trong khu đất rộng toàn tiệm Việt Nam như khu Kim Sơn này có một tượng Thuyền Nhân hay tượng Mẹ Bồng Con hay ngay cả một tượng Chiến Sĩ Việt Nam Cọng Hòa của điêu khắc gia tài hoa Phạm Thế Trung đặt ở đấy thì tuyệt vời biết bao.
lê thị huệ
2018
© gio-o.com 2018