Trần Diệu Hằng

Mưa Đất Lạ

Chuyến xe buýt tới trễ năm phút, hay chiếc đồng hồ lần đầu tiên tôi sở hữu trong đời chạy nhanh? Điều đó không quan hệ. Chuyến xe có đưa tôi tới nơi muốn tới hay không mới là điều khiến tôi lo âu.

Nằm ngay phía trên cửa xe vừa mở, con số 32 được thắp sáng bằng những chấm đèn xanh biếc sau ô kính nhỏ hình chữ nhật, tôi yên tâm bước lên. Một tiếng “xì” gọn gàng, rối cánh cửa tự động đóng lại, mạnh mẽ, trơn tru như được đẩy bỡi một bàn tay lực lưỡng vô hình. Chiếc xe buýt tối tân khổng lồ nhẹ nhàng chuyển bánh. Tôi nắm chặt mấy đồng bạc cắt trong tay, chăm chú theo dõi từng cử động của bà già trước mặt để làm rập khuôn như vậy. Nhưng bà ta đưa ra một tấm thẻ. Người tài xế cười, giọng vồn vã và thân mật.

- Good Morning. How are you today, mamma?
- Bà già vui vẻ đáp lại:
- Fine. But I’m a…worry that it’s …rain.

Câu hỏi của người tài xế tôi hiểu được một trăm phần trăm vì nó có trong cuốn English for Today tôi học năm lớp sáu. Nó còn được lập đi lập lại trong những lớp Anh văn ở đảo và lớp tối sinh ngữ ở đây. Câu trả lời của bà già tôi nghe tiếng được tiếng mất, nhưng những chữ fine nghĩa là tốt, but là nhưng và rain là mưa thì tôi có thể đoán ra bà ta muốân nói gì. Kể ra thì năm năm trung học cũng cho tôi một chút vốn liếng Anh ngữ, dù chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay. Có lẽ tôi nghe và hiểu được đôi chút, nhưng cất tiếng nói lại là chuyện khác. Loay hoay dịch ý nghĩ của mình từ tiếng Việt sang tiếng Anh, rồi lúng túng chắp chữ vì sợ sai văn phạm, có khi tôi nghĩ xong được câu muốn nói thì người đối diện đã rời bước từ lúc nào. Chuyện đó xảy ra ngày hôm qua giữa tôi và thằng em út.

Bà cụ, hẳn là hành khách quen thuộc của đường xe buýt này; không như tôi, một con bé “mán rừng” mới đặt chân lên đất Mỹ, dò dẫm đi xe buýt lần đầu với một cõi lòng hồi hộp sợ hãi như đi phiêu lưu. Tuy nhiên, mẹ tôi dặn dò cũng cẩn thận lắm và cái hộp sắt đựng tiền gắn bên cạnh người tài xế cũng không đến nỗi khó tìm. Tôi bỏ từng đồng bạc cắt vào trong khe hộp. Người tài xế lại mỉm cười, liếc nhìn:

- Thank you.
Theo bài học thì tôi nên đáp lại: “You welcome” một cách lịch sự. Có gì khó khăn đâu? Tôi còn dư sức đọc những câu rắc rối, dài dòng hơn thế. Vậy mà không hiểu sao, tôi vẫn lúng túng mất vài giây mới lí nhí được hai chữ ngắn gọn đó.

Người tài xế dường như không chú ý lắm đến vẻ ngượng ngùng của tôi. Anh ta điều khiển chiếc xe buýt kềnh càng một cách tài tình. Nắng sáng hôm nay vàng rực, nhưng là thứ màu vàng chói và úa héo một cách kỳ lạ, có lẽ viø xuyên qua những đám mây đen đầy đe dọa trên bầu trời. Thế nhưng chùm nắng úa đó vẫn làm óng ánh những sợi lông măng hoe vàng trên đôi cánh tay khỏe mạnh của người tài xế. Hệt như đôi tay ông Jonh âu yếm choàng qua bờ vai mẹ tôi. Đã bốn năm tháng rồi mà tim tôi vẫn còn như khẽ nhói lên mỗi khi tưởng tượng đến hình ảnh đó.

Tôi lần qua mấy hàng ghế đầu, ngồi xuống một hàng ghế hoàn toàn trống. Chiếc xe buýt rộng mênh mông chỉ có chừng chục hành khách. Những chiếc nệâm mới tinh chưa thấy một chỗ sờn. Xe chạy êm như ru; nếu không thấy đường xá cây cối giật lùi lại sau lưng có thể tưởng mình vẫn ngồi nguyên một chỗ. Tôi chạnh nhớ đến những chuyến xe đò nghèo nàn tơi tả, chật cứng những người và gà vịt cùng trăm thứ hàng hóa lỉnh kỉnh. Ở mỗi con dốc ngược, xe khúc khắc từng cơn, thảm não như một ông già ho lao sắp đến ngày qua đời. Vậy mà nhờ chúng, tôi cũng lên tới vùng rừng núi heo hút thăm cha đôi lần. Bây giờ, tôi sẽ chẳng còn có thể thăm ông được nữa, dù chỉ là thăm cái nắm đất lè tè nằm trên một ngọn đồi trọc, người ta chỉ vào đó và nói là nơi an nghỉ cuối cùng của cha tôi.

Tôi lắc đầu, vội xua những ý nghĩ buồn bã vừa đến và cố gắng tập trung tư tưởng vào chuyện làm sao đi đến đúng nơi tôi muốn. Tới nơi rồi, tôi sẽ phải qua một cuộc “thử sức” xem vốn liếng chữ nghĩa có được bao nhiêu, có đủ bắt đầu một đời sống tương lai đầy những khó khăn mà tôi, bằng mọi cách phải tiến tới khắc phục. Cuộc “thử sức” này, theo sự giải thích, không phải là kỳ thi đậu rớt, nhưng có lẽ đối với tôi, nó còn quan trọng hơn thế nữa. Nó sẽ xác định cái chỗ đứng đã vốn rất bấp bênh của tôi hiện giờ. Nó sẽ quyết định tất cả, hy vọng ngày mai tôi đang chờ trông.

Tôi lại giở “mảnh bùa hộ mạng” ra xem, lẩm nhẩm ôn lại câu nói cho trơn tru trước khi có can đảm hỏi người tài xế đâu là trạm phải xuống. Trong mảnh giấy, mẹ tôi đã ghi sẵn ba câu nói tôi cần và ghi cả địa chỉ nơi tôi muốn tới. Kể ra bà cũng…chu đáo. Lần trước đưa tôi đi bà đã phải nghỉ một buổi làm. Tôi không đòi hỏi gì hơn được nữa. Mà thật ra, trong thâm tâm, dường như tôi muốn càng ít nhờ vả bà càng tốt. Ngót mười năm nay, tôi và ngoại đã sống nhờ mẹ, cả những lần đi thăm ba tôi cũng nhờ vả vào bà. Tôi đâu biết trong ân huệ đó còn có phần can dự của “người khác.” Cũng không phải tôi giận mẹ. Tôi chưa quyết định được có nên giận bà không. Theo sự chỉ dẫn của bà thì tôi phải đổi tới ba lần xe buýt: số 32, rồi  40, rồi 47. Bận về cứ thế đi ngược lại.

Một lát, nắm mảnh giấy trong tay, tôi lần lên đầu xe hỏi người tài xế:
- Would you please tell me where I should get off to catch the bus number 40?
Ông ta nghiêng đầu
- Pardon me?

Có lẽ tôi nói nhỏ quá. Hay tôi phát âm sai rồi? Thu hết can đảm, tôi lập lại lần thứ hai. Vẫn không khá gì hơn. Mắt người tài xế vẫn nhìn thẳng về phía trước, vần trán ông ta hơi nhăn lại như ngghĩ ngợi và nụ cười nhếch một nửa vừøa để che vẻ bối rối, vừa lịch sự xin lỗi và vừa…buồn cười vì bộ vó lập cập của tôi. Tôi bắt đầu cuống, nhưng còn cố làm bảnh thử một lần nữa. Tôi đâu phải người câm? Một bàn tay của người tài xế giơ lên rồi hạ xuống như phân bua:

- I’m sorry. I can’t  understand.

“Xin lỗi. Tôi không hiểu”. Trời đất! Tại sao tôi hiểu được ông ta mà ông ta không hiểu tôi? Đây không phải là giờ tập đọc Anh văn nữa, và không có thầy cô giáo nào ở đây sửa giọng cho tôi cả. Tôi đưa đại “mảnh bùa hộ mạng” ra, chỉ vào giòng chữ viết. Cho chắc ăn, tôi chỉ luôn vào địa chỉ của nơi muốn tới. Người tài xế cầm mảnh giấy, chưa vội xem. Tôi kiên nhẫn đợi vì hiểu rằng ông ta bận lái xe. Tới một ngả tư đèn đỏ, người tài xế đưa mảnh giấy lên xem rồi quay lại cười tươi tắn:

- O.K You…sit right here, young lady.

Vừa nói, người tài xế vừa quài tay chỉ ra hàng ghế nằm ngay phía sau ông ta, ngón cái của bàn tay tròn trặn, mập mạp như một quả chuối ngự.
Tôi thở ra, ít nhất thì ông ta đã hiểu tôi muốn gì. Phần tôi, không cần giỏi giang lắm, cứ nhìn bàn tay người tài xế và nghe được chữ sit nghĩa là ngồi vậy đủ rồi. Băng ghế đầu chỉ còn một chỗ trống, nửa kia đã có một người đàn ông ngồi sẵn. Chính sự hiện diện của người khách này làm tôi đi xuống mấy hàng ghế để rồi mất công lần mò trở lên. Bản tính rụt rè cố hữu thường đã đủ tôi sống khó khăn. Hàng rào ngôn ngữ cách biệt càng khiến tôi rúm người lại như một con chuột chỉ sẵn sàng đào tẩu vào xó nhà tối tăm của nó. Cùng lúc thấy rõ sự nhút nhát của mình, tôi cũng nhận ra rằng khả năng nói tiếng Anh của tôi còn quá yếu kém. Nỗi chán nản đổ ập xuống. Chắc là sẽ phải có một ngày tôi làm được chuyện đơn giản tối thiểu là đi xe buýt với một cõi lòng thoải mái, cười nói vài câu xã giao với người tài xế một cách dễ dàng, như bà già vừa nãy vậy. Giây phút này thì điều ấy còn có vẻ khá xa xôi.

Có lẽ điệu bộ ngơ ngác của tôi và hành động đưa “mảnh bùa hộ mạng” cho người tài xế làm ông bạn đồng hành động lòng thương hại. Ông ta mỉm cười thân thiện và cất tiếng hỏi, cố ý nói rõ và chậm:

- Where do you come from?
Thôi chết! Lại thực tập đàm thoại nữa! Nhưng may sao, câu này cũng có trong English for today. Tôi ngượng nghịu đáp ngắn:

- Viet Nam
- Oh! I see. Are you boat people?
Sì chữ boat people ai đi vượt biên mà chả biết? Tôi gật đầu lia lịa. Người đàn ông hỏi tiếp:
- How do you like it here?

Tôi ngẩn ra vài giây. Thích nơi này không ư? Chắc là đủ thích để liều chết mà đi. Thích đủ để mất hết, cho hết. Rồi tôi nghĩ đến ông John, mẹ tôi, và bầy em, trong đó có thêm một đứa tên Bob. Tôi nghĩ đến những bữa cơm gia đình mọi người vui vẻ cười đùa bằng một thứ ngôn ngữ khác, mẹ tôi chốc chốc thông ngôn cho tôi bằng một giọng ái ngại. Tôi nghĩ tới lần ông John thân mật ôm vai tôi vỗ về, thân thể ông mạnh mẽ dềnh dàng như một trái núi, tôi đã rùng mình liên tưởng tới lồng ngực còm cõi cũa cha tôi trong lần thăm viếng sau cùng. Tôi nhớ đến nỗi bối rối trong mắt mẹ tôi và những lời giải thích ngập ngừng, đứt đoạn. Tôi nghĩ đến sự tưởng tượng của tôi về cuộc gặp gỡ mẹ và các em trong suốt thời gian ở đảo. Do you like it here? Tôi cũng không biết tôi có thật sự thích không nữa. Nếu thích thì tôi đã vui. Mà cũng không thể nói không thích. Dẫu thế nào chắc cũng tốt hơn suốt đời chăm vườn trầu của ngoại, chăn bầy heo cho đúng tiêu chuẩn sản xuất của nhà nước và trang điểm thời hai mươi của mình bằng ước mơ có một người chồng khoẻ mạnh, yêu tôi mà không phải bộ đội. Nhưng có chắc là tốt hơn không? Cứ sống như cũ trong niềm thương nhớ, trong ảo tưởng đẹp về mẹ và mong mỏi ngày gặp mặt? Hay đoàn tụ để thấy một “gia đình mới”, trong đó ngoài mẹ và các em, còn có ông John, thằng Bob, sừng sững hiện hữu từ hồi cha tôi còn ngắc ngoải trong tù? Tôi chưa có thì giờ để cân nhắc kỹ điều đó. Vấn đề cấp tốc là trả lời ông bạn bên cạnh. Tôi chậm chạp nói từng chữ. Câu này tôi đã được một người anh tinh thần bên đảo “dợt” cho nên không thể sai vào đâu được:

- Yes, I like it very much. This is a beautiful country.

Người đàn ông hả miệng cười, khoe hàm răng đều đặng trắng bóng. Ông ta với tay kéo sợi dây điện chằng trên nóc khung cửa sổ chạy dọc theo hai bên sườn xe, tiếng chuông kinh - cong vang lên báo hiệu.

- I have to go, but good luck to you

Có tình cờ không nhỉ? Toàn những chữ tôi hiểu được cả. Chưa chi đã từ giã nhưng như vậy cũng tốt. Nói lâu tôi lòi đuôi dốt ra thì…tiêu! Còn lịch sự chúc may mắn nữa chứ. Ông Mỹ này dễ thương thiệt. Tôi học thêm được một điều mới lạ: sợi giây điện chăng trên nóc cửa sổ. Thế ra hành khách trên xe có hệ thống báo hiệu riêng ở mỗi trạm muốn xuống. Khi không, tôi thấy lên tinh thần vì khám phá đầy học hỏi của mình, nhưng niềm vui lớn hơn đến từ sự hài lòng đã … nói được một câu tiếng Anh gãy gọn. Đây là “thành tích” đầu tiên, chứng minh rằng tôi không đến nỗi quá nhút nhát và đần độn, Tôi có hy vọng rời khỏi nhà ông John.

Qua vài trạm nữa, người tài xế hơi nghiêng đầu, nói vọng về phía sau:
- Young lady, next stop…get off.

Get on, get off có trong bài học cả. Tôi còn nhớ mài mại hình vẽ chiếc xe buýt và người đi xuống với hàng chữ get off, người đi lên với hàng chữ get on. Tôi vội vàng đứng dậy. Chỉ một bước là tôi ở sát bên người tài xế. Khi xe đã dừng hẳn, ông ta chỉ chỏ xí xô một hồi. Tôi nghe tiếng được tiếng mất, nhưng nhìn theo ngón tay ông ta và thấy bản xe buýt năm bên kia đường, tôi biết phải chờ chuyến xe tới ở đó. Tôi gật đầu, miệng nói “yes” liên tiếp, ra vẻ đã hiểu thấu đáo. Tôi cũng không quên cảm ơn.
Xuống khỏi xe tôi mủm mỉm cười một mình. Con bé “mán rừng” như tôi cũng biết lịch sự và thông minh đấy chứ. Tôi đi tới đầu đường chờ đèn xanh để băng ngang. Xe chạy như mắc cưởi. Mỗi dòng xe ào qua, một luồng gió bụi tạt vào mặt làm tôi rờn rợn cảm giác khiếp sợ. Những lần ra phố bằng xe hơi với “gia đình của mẹ”, tôi chưa thấy được cái nhịp điệu nhanh chóng của đời sống thể hiện qua tốc độ của dòng xe cộ nơi đây. Bây giờ, đi bộ một mình, tôi thấy tôi bé nhỏ như con kiến đen lầm lũi mà đời sống chung quanh to lớn ồ ạt như một con quái vật khổng lồ, chỉ một hơi thở vô tình của nó cũng đủ khiến tôi nát xương.

Nhưng đó cũng chỉ là cái cảm giác run rẩy trong giây lát thôi. Vạn sự khởi đầu nan. Tôi đợi chuyến xe buýt tới, nhìn con số, lại đưa “mảnh bùa hộ mạng” ra cho nhanh chóng, tiện việc. Tôi bớt xấu hổ và lo sợ. Có lẽ cũng không ai cười giễu như tôi nghĩ đâu. Mọi người đều bận rộn với công việc riêng.
Khi chuyến xe buýt cuối cùng đưa tôi tới trước trụ sở thành phố, nơi đặt văn phòng của chương trình huấn nghệ, tôi vui mừng như trút được một nửa gánh nặng. Và tôi cảm phục tôi quá chừng.

Người đàn bà vừa xuất hiện ở cửa, tôi đã nhận ra ngay. Đó là người đàn bà xinh đẹp tôi thấy thấp thoáng ra vào văn phòng bữa trước, khi tôi đến đây ghi tên và làm giấy tờ lần đầu tiên. Tôi chú ý đến bà ta từ buổi đó vì bà là người Á Đông duy nhất làm việc nơi đây và vì bà có mái tóc óng ả thật đẹp. Tôi đã vẩn vơ tự hỏi không hiểu bà là người Tàu, Nhật, Đại Hàn hay…Việt Nam.

Người đàn bà gọi tên tôi bằng một giọng dịu dàng, sang trọng, âm hưởng đặc miền Bắc, giọng nói của mấy bà cô bên họ nội nhà tôi. Tôi mừng rỡ đứng lên. Như thế là tôi đã gặp đồng hương, nỗi lo ngại nãy giờ trong lúc chờ đợi đã tiêu tan. Thế nhưng cái kết quả tôi sắp được biết mới là rùng rợn.

Bà cố vấn mỉn cười
- Cô Thanh đi theo tôi nhé.
Nụ cười của bà tự nhiên làm tôi an tâm. Trông bà chỉ vào quảng ba mươi. Tôi nghĩ nên gọi bà bằng chị:
- Trời ơi! Vậy ra…chị là người Việt Nam? Nãy giờ em cứ lo không biết làm sao nếu gặp một cố vấn Mỹ.

Người đàn bà vẫn giữ nụ cười. Nhìn gần, tôi càng mê thích mái tóc óng ả và cách trang phục nhã nhặn lịch sự. Nhưng đặt biệt hơn cả, là cái phong thái vững chải, đồng thời rất dịu dàng. Bà bước đi những bước uyển chuyển mà “hiên ngang”. Còn tôi, lếch thếch liú ríu, không vội mà hai chân vẫn như quíu vào nhau, đôi vai chệch xuống thảm sầu. Sao lại có người đàn bà Việt Nam trông đầy tự tin như thế trên đất Mỹ? Mẹ tôi ở đây cũng đã lâu, và mẹ tôi cũng…xinh đẹp, nhưng mẹ không có cái phong thái của người đàn bà này. Trông mẹ có vẻ hơi … ồn ào, chộp giựt, và hấp tấp nữa. Nếu không, mẹ đã chẳng … “kết” với ông John? Có lẽ tôi đã nặng thành kiến với me từ hồi nào. Đi cạnh bà cố vấn, tôi có cảm tưởng bà là hình ảnh trái ngược của tôi bây giờ, nhưng cũng là niềm mơ ước của tôi mai sau. Biết đến bao giờ tôi mới bước đi với đôi mắt nhìn thẳng về phía trước và nụ cười mỉm sẵn sàng đối phó với cuộc đời kia?

Bà cố vấn mời tôi ngồi. Trong văn phòng bà có hai bàn giấy, phía góc bên kia là một bà tóc vàng ánh, đang chăm chú trên đống hồ sơ bừa bộn. Giây phút lên đoạn đầu đài của tôi đã tới. Nhưng đao phủ thủ trông chẳng có vẻ dữ tợn chút nào. Tự nhiên, tôi muốn nói với bà sự “chiêm ngưỡng” trong lòng tôi trước khi…quá muộn. Cái kết quả bà sắp cho tôi biết có thể làm tôi thấy bà thật sự là một đao phủ thủ ghê rợn, khác hẳn với gương mặt dịu hiền tươi sáng kia. Cũng có thể tôi muốn lảng chuyện đôi chút cho tinh thần đỡ căng thẳng:

- Em thích mái tóc của chị quá. Nó vừa bóng vừa mềm, không như tóc em. Đã dày lại cứng xơ xác. Ngoại em vẫn nói tóc mảnh và mềm thì sung sướng, tóc cứng và dày thì khổ cực.

Nói xong tôi mới thấy mình vô duyên, dài dòng trong những chuyện không phải phạm vi công việc. Nhưng bà cố vấn vẫn êm đềm:

- Các cụ nói đúng đấy cô ạ. Nhưng tóc mềm hay cứng cũng có thể…tuỳ hoàn cảnh mà thay đổi nữa. Nếu tôi ở trong trại tỵ nạn cả năm, không có nước hay thuốc gội đầu thì tóc cũng cứng ra ngay.

Tôi có cảm tưởng cách trả lời của bà cố vấn thật khéo léo và tế nhị. Càng thích bà, tôi càng run rẩy không dám hỏi cái điều mà tôi đang bấn loạn ruột gan muốn biết. Bà cũng có vẻ thong thả, không đi ngay vào vấn đề. Thế nghĩa là gì? Hay bà tôi nghiệp tôi sắp phải nghe “bản án tử hình”?
Người đàn bà cuối xuống nhìn tập hồ sơ. Tay tôi lạnh ngắt. Tôi không dằn được nữa, một tay tôi đặt lên bàn như để lấy thế và lấy can đảm chuẩn bị hỏi. Bà cố vấn chợt ngửng lên mỉm cươiø nhẹ nhàng. Xiết nhẹ bàn tay lạnh ngắt của tôi một giây rồi buông ra, bà nói vu vơ:

- Làm thế nào bây giờ nhỉ?
Một cảm giác lạnh lẽo chạy dọc theo xương sống tôi. Như vậy là lưỡi đao đã phập xuống, đao phủ thủ dù dễ thương đến mấy thì sự việc cũng vẫn không thay đổi được. Bàn tay tôi tự động rút về, rơi phịch xuống đùi. Tôi rên lên:
- Trời! Vậy là em…rớt rồi.

Tôi hơi tiếc, nếu bà xấu xí khó thương hơn một chút, có lẽ tôi sẽ tự do “ghét” bà hơn. Chắc chắn là bà chẳng can dự gì đến sự dốt nát của tôi, nhưng làm sao tôi có thể nhớ đến giây phút này như một kỷ niệm…tốt đẹp khi hy vong duy nhất mà tôi trông đợi đã tàn? Tôi sẽ lầm lũi sống tiếp như mọi ngày, trong im lặng, cô đơn, buồn chán. Ngày mai tôi sẽ lại nằm thừ người trên chiếc giường kê ở một góc phòng nhìn mây bay ngoài khung cửa đợi tới giờ đi nấu bữa cơm chiều, hay dán mắt vào màng ảnh nhỏ của chiếc TV, cố lắng nghe được một vài chữ lỏng chỏng rơi rớt trong những tràng âm thanh riú rít nhanh như gió.

Mẹ bảo nếu tôi chịu khó vui vẻ lên một chút thì mọi người đều có thể giúp tôi học Anh văn một cách dễ dàng và rồi tôi mới tính được bước tương lai. Có lẽ tôi đã giận mẹ và các em thật, dù tôi không muốn nhìn nhận điều đó. Có lẽ tôi đã “thiếu thiện chí”, đã khép kín, ù lì, lặng lẽ quá đáng. Giữa sự vui vẻ đến độ thản nhiên của mọi người, khuôn mặt tôi lạc lõng rơi vào đó như một cành lạ hoắc ở đâu đem tháp tạm vào thân cây không cùng một giống. Như thế mà tôi sẽ phải tiếp tục sống như vậy. Tiếp tục nhìn các em tôi như những người xa lạ. Tiếp tục nhìn mẹ tôi và ông John. Tiếp tục làm cái bóng câm nín u uẩn trong gia đình. Tất cả chỉ vì tôi đã thất bại, tôi không có đủ cái kiến thức tối thiểu cho một sự bắt đầu. Tương lai mờ mịt tối thui.

Tôi muốn vỡ tan ra, khóc to, khóc òa như một đứa con nít.
Người đàn bà tiếp tục nói nhẹ nhàng:]

- Theo thể lệ thì hồ sơ của cô đến đây coi như phải đóng. Hiện thời, chúng tôi không có một chương trình nào dành cho những người ở trong trường hợp của cô, nhưng nếu trong tương lai có gì mới hơn tôi sẽ cho biết nhé.

Tôi thở dài:
- Tương lai đó là bao giờ vậy chị?
Lại mỉm cười:
Tôi cũng…không rõ cô ạ. Có thể sáu tháng, một năm. Tuỳ theo những dự án đề ra và được chấp thuận hay không.

Tôi cúi mặt:
- Em phải làm gì trong thời gian chờ đợi?
- Cô có thể học thêm Anh ngữ ở những lớp tối tại các trường trung học cộng đồng và thi lại lần nữa. Biết đâu kỳ tới cô sẽ may mắn hơn?
- Em có được đưa đi học thử mấy bữa, nhưng phiền phức cho người đưa đón quá. Mà…em muốn học tiếng Anh trong nghề cho lẹ. Mấy chương trình đó người ta dạy tổng quát quá em không biết học đến bao giờ mới đủ xài.

- Cô qua đây bao lâu rồi?
- Dạ bốn tháng.
- Cô ở với người bảo trợ hay gia đình?
- Da, cả hai

Nụ cười của bà đao phủ thủ xinh đẹp và hóm hỉnh:
- Thế thì cô chưa đến nỗi…gặp khó khăn lắm đâu.

Nước mắt tôi bắt đầu chảy quanh. Tôi cố gắng nói liền một hơi:
- Khổ lắm chị. Nếu không em đâu vội tìm đến đây? Người chủ gia đình là người đứng tên bảo trợ em nhưng không phải cha em. Vợ của ông ấy là…mẹ em. Em đi vượt biên rồi từ trại qua tới đây dưới diện di trú nên không được hưởng một sự cấp dưỡng nào dành cho người tỵ nạn. Em muốn học một nghề nào đó để sống tự lập càng sớm càng tốt. Chị có cách nào giúp em? Em không biết phải làm gì nhưng …em muốn ra khỏi nhà.

Người đàn bà tắt nụ cười. Yên lặng vài giây. Đôi mắt màu nâu mở lớn nhìn tôi, tôi cũng lặng lẽ nhìn lại bà không dấu diếm. Rồi bà hỏi:

- Bên Việt Nam cô xong trung hoc chưa?
- Da, chỉ tới lớp 10. Từ chỗ nhà ngoại muốn đi học phải qua sông. Với lại, con của “ngụy” học nhiều cũng để làm gì đâu chị?
- Thế bây giờ cô muốn học nghề gì?
- Em…cũng không biết nữa. Em nói tiếng Anh dở quá. Học hoài nói vẫn chưa được. Cái lưỡi của em làm như cứng đơ, không chịu sự điều khiển của óc. Mới vừa cất tiếng là em đã…run rồi.

Bà ta lại cười. Tia nhìn như xuyên thấu qua người đối diện nhưng có vẻ đầy thiện cảm:
- Ai mới qua cũng vậy. Mừơi năm trước tôi cũng sợ hãi đâu kém gì cô? Thế này…có lẽ cô nên học nghề gì không cần nói tiếng Anh nhiều. Người mình ở đây hay chọn ngành chuyên viên điện tử. Electronic technician. Cô có nghe nói bao giờ chưa?

Tôi hớn hở trả lời:
- Da, em có nghe mẹ em nói. Nếu chị có thể giúp em học nghề đó thì mừng quá.

Người đàn bà cắn nhẹ đuôi cây bút chì ra vẻ suy nghĩ. Phút im lặng này tôi thấy dài hơn một thế kỷ.

- Cô đợi tôi một chút.
Bà đưa tay với điện thoại, bấm nút liên tiếp. Có lẽ bà phải nói chuyện với bốn, năm người khác nhau. Tôi không hiểu chút gì nhưng cũng thấy bà nói tiếng Anh thật hay, giọng đôi lúc có vẻ hóm hỉnh, thân mật, mà lại đầy vẻ thuyết phục.

Trong lòng nôn nao, tôi ngồi vặn vẹo mấy ngón tay, run rẩy chờ đợi.
Rồi cũng đến lúc các mẩu đàm thoại phải kết thúc. Bà cố vấn đặt hai tay lên bàn, mười ngón tay trắng muốt móng sơn màu mận đan nhau:

- Cô thuyết phục được tôi để tôi…thuyết phục bà giám đốc chương trình Anh ngữ nghề nghiệp đặc biệt chấp thuận cho cô học rồi đó. Tôi cũng đã hỏi một trường chuyên dạy về điện tử ở gần nơi cô học Anh văn. Họ nhận học phí đài thọ bởi chương trình huấn nghệ ở đây. Như thế là…xong rồi.
Tôi sững sờ lập lại:

- Xong …rồi? Nghĩa là em vừa được học Anh văn vừa học nghề sao?
Bà tiên của tôi mỉm cười:

- Vâng. Tôi…đặc biệt với cô lắm đấy. Bây giờ, tôi sẽ xúc tiến mọi thủ tục cần thiết và sẽ cho cô biết ngày giờ bắt đầu đi học sau. Thế…Cô định đi học bằng gì?

Tôi ngồi lặng người đi. Trước đây mưới lăm phút trời đất còn sầu thảm và bà cố vấn xinh đẹp vẫn là đao phủ thủ. Bây giờ thì nàng thật sự biến thành bà tiên của đời tôi. Tôi đã nói gì để được chăm sóc đặc biệt như vậy nhỉ? Trời ơi, tôi sẽ được đi học một nghề. Tôi sẽ có mục đích để hướng tới, một tương lai để chờ đợi. Tôi sẽ có thể ra khỏi nhà của ông John. Tất cả những điều đó chụp tới đột ngột sau khi tôi tưởng như đã tuyệt vọng. Tôi ngẩn ngơ không biết phải ôm ấp chúng sao cho vừa.

Khi nhớ ra rằng bà tiên đang chờ câu trả lời, tôi mới lắp bắp:
- Em…đi xe buýt. Sáng nay em đi xe buýt tới đây.
Bà tiên không có vẻ chú ý gì đến “kỳ công” đó cả. Tôi chợt nhận ra mình đang khoe khoang một chuyện lảng nhách. Bà mỉm cười:
- Cô có thể về được rồi. Chúc cô thật nhiều may mắn nhé.

Tôi không biết nói những điều hoa mỹ để tặng bà tiên, nhưng tôi nói với tất cả trái tim vừa được rót đầy hy vọng:
- Em cảm ơn chị vô cùng. Nếu không gặp chị, em không biết phải làm gì.

Lúc lênh đênh trên biển nhìn thấy tàu lớn đến cứu thì cũng mừng như em bây giờ đang mừng vậy thôi.

Bà tiên rời khỏi ghế, tiễn tôi ra cửa:
- Tôi rất mừng đã giúp được cô. Và tôi sẽ vui hơn nữa khi thấy cô tiến bộ trong chương trình học. Vì đó là công việc của tôi mà.

Tôi không biết nói gì nữa. Tôi sợ sẽ khóc vì mừng vui và cảm động. Bà tiên nói thêm:
- Tóc Thanh dầy như vậy có thể trở nên bóng nếu dùng thứ thuộc gội đầu thích hợp. Không sao đâu.


Cơn mưa đổ xuống thành phố khi tôi vừa bước xuống chiếc xe buýt sau cùng. Sợi mưa nhỏ nhưng giăng đầy kín không gian. Cũng lạ. Mẹ nói vùng Nam California này rất hiếm mưa.

Lúc tôi đứng sau khung cửa sổ chà tóc và nhìn ra ngoài trời, mưa bắt đầu gieo nặng hạt. Trận mưa đem lại cho tôi một cảm giác thân mật lần đầu tiên tìm thấy từ ngày đến đây. Thoảng trong không gian có vị nồng nồng, tựa như mùi đất tôi vẫn ngưởi thấy sau những trận mưa rào đầu mùa nơi vườn ngoại. Đám lá trầu xanh bóng chĩu xuống dưới những hạt mưa trong vắt ào ạt xuống từ trời. Lẫn trong mảnh ký ức rời rạc của quá khứ, khuôn mặt bà tiên cố thấp thoáng hiện ra. Cách đối xử tế nhị và sự giúp đỡ tận tình từ một người xa lạ như nàng có phép màu biến đổi lòng tôi. Mưa sầm sập ngoài trời không có vẻ đe dọa của những trận gió thốc bay cát bụi lúc tôi còn đang trên đường tới trụ sở của thành phố nữa. Màu xanh của đám lá trầu vườn ngoại và nụ cười dịu dàng của người đàn bà. “Mười năm trước đây tôi cũng sợ hãi đâu kém gì cô”. Mười năm, chắc ngày đó mẹ tôi cũng bơ vơ cùng cực, gánh nặng càng chất chồng thêm vì ba đứa con thơ. Trong một phút run rẩy nào đó mẹ đã phải quyết định và không quay lại được. Nếu hoàn toàn quên cha tôi, nếu hoàn toàn bạc bẽo vô tình, mẹ đã chẳng dày công dấu diếm bấy lâu để đóng tròn vai trò vợ hiền chung thủy. Tôi nghĩ đến những giọt nước mắt lưng tròng của mẹ lúc tôi lạnh lùng từ chối kể lại lần cuối cùng lên thăm cha. Tôi nói chuyện qua rồi có gì đâu để kể. Tôi không thể đo lường tận cõi lòng mẹ tôi xem bà đau đớn bao nhiêu. Tôi chỉ giản dị nghĩ đến nỗi đau của tôi. Thật tình, bấy lâu nay, tôi vẫn nghĩ mẹ đành đoạn dẫn ba đứa em ra đi là đã bỏ tôi và cha tôi từ thuở nào. Ôi tôi sẽ ra sao nếu không có cuộc chơi về thăm quê ngoại tình cờ? Tôi đã ở đây với mẹ, với các em. Và có thể tôi cũng như họ thôi, nhớ về cha tôi như một chiếc bóng mờ của quá khứ không còn sinh động. Tôi sẽ hồn nhiên nói chuyện với ông John. Tôi cũng sẽ vui vẻ đi cắm trại, đi trượt tuyết, đi xi - nê. Tôi cũng sẽ hân hoan và tự tin tới trường. Đời sống thẳng dòng đi tới và tuổi trẻ nào cũng cần niềm vui. Tôi sẽ không là tôi bây giờ. Mười năm lủi thủi nơi mảnh vườn quê trong một xã hội ngày càng khắt khe, bần cùng, tuyệt vọng đã biến tôi thành một thiếu nữ đôi mươi đầy mặc cảm để “mặc cả” với cuộc đời. Có thể các em không từ chối tôi như tôi nghĩ. Chừng ấy năm xa cách và sự khác biệt giữa hai không gian vời vợi đã tháo lỏng mối dây ruột thịt thâm tình. Chúng lớn lên ở một vùng trời khác. Rồi…thằng nhỏ Bob. Nó có nụ cười của mẹ. Tôi cũng vậy.

Tôi mở hé một cánh cửa sổ, nhắm mắt lại và chìa hẳn mặt ra phía ngoài. Mưa bay xèo qua hàng hiên hắt vào mát rượi. Mưa làm vơi đi nỗi u uẩn của ngày và của lòng tôi. Mùi đất vườn quê ngoại bỗng tràn đầy không gian ẩm đục cùng với cơn mưa, bóng chiều đổ ập xuống khu vườn

Trần Diệu Hằng