Mà Nay Hoàng Hạc ...

Trần Diệu Hằng

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà nay hoàng hạc bên lầu còn trơ
Tản Đà dịch Thôi Hiệu

Tôi còn nhớ rõ, hoặc cho là tôi nhớ rõ từ mớ ký ức một người phụ nữ di dân cứ rơi rụng dần theo với tháng năm, buổi sáng hôm ấy trời mầu xám nhạt và mưa bụi bay lất phất…

Chúng tôi lái xe gần năm mươi dặm đường để tới dự một buổi họp mặt tất niên. Lâu nay, mẹ con tôi vẫn giữ thói quen tham dự buổi tiệc mỗi năm một lần này vì tôi muốn Hoàng Hạc có dịp gặp gỡ một số người đồng hương, nghe lại thứ ngôn ngữ dường như chỉ còn tồn tại qua vài mẫu đối thoại hàng ngày trong đời sống chúng tôi. Thật ra, Hạc xử dụng tiếng Việt rất giỏi, cả nói lẫn viết; khi rời Việt Nam Hạc đã lên mười, phầøn lớn kiến thức tiếng mẹ là do nó tự học thêm, với sự giúp đỡ của tôi. Ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ chính, Hạc còn khá thông thạo cả Pháp ngữ và tiếng Tây ban nha. Khả năng học sinh ngữ của Hạc thường làm tôi nhớ đến một người thân, từng rất thân với tôi trong một thời gian ngắn.

Trên đường trở về, trong khi lái xe, Hoàng Hạc hỏi:

"Má nghĩ sao về buổi họp mặt vừa rồi ở nhà bác Thảo?"

"Má nghĩ rằng…bác ấy đã bỏ rất nhiều thời giờ vào đó. Các món ăn thật là chu đáo, nhất là món gỏi sứa. Năm nay cũng có mặt đầy đủ đám trẻ như bọn con và John và Tần và Teresa. Má thấy vậy là vui quá rồi. Con thấy sao?" tôi quay sang nhìn Hạc vì cảm thấy ngay có điều gì không ổn trong giọng nói của con gái.

"Không. Con chẳng có điều gì phàn nàn về chuyện bác Thảo tổ chức hết. Nhưng mà má biết tại sao con đòi về sớm không?"

"Ờ, má cũng đang tính hỏi con…" tôi bỏ lửng ở đó chờ đợi.

"Con rất vui cho đến lúc đám mấy người đàn ông ngồi bàn kế bọn con bắt đầu nói tới chuyện về Việt nam chơi. Thật con không thể hiểu được anh Túc, cái ông anh họ của Teresa đó, ông ta cứ huyên thuyên về những cơ hội làm ăn lớn nhỏ, và kỳ cục nhất là ông ta lôi trong ví ra cả xấp hình các cô gái trẻ, khoe là họ ngọt ngào chiều chuộng và bám theo ông ta như ruồi. Nói theo kiểu "you got it, man" đó má. Rồi thái độ của mấy người nghe chuyện nữa, cũng làm con khó chịu sao đâu. Mắt họ cứ sáng lên và mấy bà vợ thì lại đưa tay bấu véo mấy ông chồng…" Hạc kể lại bằng một giọng bực bội.

"Tại sao những điều đó lại làm cho con khó chịu?" tôi hỏi nó và mỉm cười.

"Con không nghĩ một người xa quê hương đã lâu chỉ có chừng đó điều để nói về đất nước của mình. Con cảm thấy đấy là một sự khả ố," nó càu nhàu và lầm bầm trong miệng, âm thanh của những chữ sau cùng nhỏ dần, nhưng tôi vẫn nghe rõ.

"À ừ, Túc là một người đàn ông hơi thiếu tự tin đó mà. Anh ta ly dị vợ đã lâu và thường bảo rằng các bà các cô bên này quá tự do bình quyền nên hỏng kiểu, về Việt Nam lấy một người vợ bảo gì nghe nấy thích hơn. Có khi người ta lầm lẫn giữa sự lười biếng thiếu tính tự xét với cái tạm gọi là trở về với văn hóa dân tộc không chừng. Thế còn vợ chồng Thu và Tony thì sao? Câu chuyện của họ có vẻ vui và lành mạnh hơn nhiều đấy chứ. Toàn là những thắng cảnh đẹp, và với một giá hời."

"Một cách nào đó, con vẫn thấy như thế cũng không ổn. Có thể nào mình trở về như những du khách không má?"

"Người ta có thể trở về thăm một chốn cũ, có thể chứ con," tôi nói câu này với một vẻ dè chừng thận trọng, "má chỉ nghĩ đơn giản như vậy thôi."

"Có lẽ vậy. Có lẽ đối với nhiều người đó chỉ là chuyện trở về thăm một chốn cũ," Hoàng Hạc thầm thì như nói với chính mình, giọng xa vắng, rồi bỗng nhiên lại hơi sôi nổi, "nhưng đối với con thì không, nó phải là một cái gì khác hơn thế, nhiều hơn thế. Là một cái gì…" con gái tôi nhún vai biểu lộ sự khó khăn trong việc diễn tả. "Một cái gì mơ hồ con chưa định nghĩa được. Còn phần má? Tại sao con không thấy má nói gì về chuyện về hay không về?"

Hoàng Hạc hỏi câu này trong khi mắt nó nhìn về phía trước, cẩn thận quan sát con đường loáng ướt dưới mưa. Tôi không nhớ rõ lúc đó con gái tôi có liếc nhìn mẹ không, tôi vẫ cứ đinh ninh là vì phải chăm chú lái xe nên nó lhông kịp nhận ra nét thay đổi thoáng hiện trên nét mặt tôi. Tứ lâu tôi vẫn nghĩ tốt hơn chẳng nên cho nó biết về một câu chuyện xẩy ra đã hơn hai mươi năm về trước, một chuyện nay có nói cho nó biết cũng chẳng để làm gì, một chuyện tôi đã chôn kín đến độ với thời gian, tưởng như chỉ còn là một huyễn tượng, nhưng quả thật là tôi vẫn không thể không rúng động khi nó đề cập đến vấn đề này. Phải chăng con gái tôi có một linh cảm khác thường? Cũng có thể đây chỉ là một vấn đề có tính cách thời sự, và Hoàng Hạc vốn là một thiếu nữ thông minh và nhậy cảm.

"Có thể năm tới, má tính sẽ về đắp lại mộ phần cho ông bà. Việc trở về đối với má không còn đặt thành vấn đề nữa con. Má đã làm cái quyết định khó khăn nhất cách đây muời sáu năm rồi."

"Má muốn nói tới cái quyết định ra đi…mà không phải là để đoàn tụ với Daddy?" Hạc hỏi với một vẻ ngập ngừng.

"Đó chỉ là một trong nhiều nỗi khó khăn. Nhưng thôi, giờ mình có nói lại chuyện cũ cũng chẳng để làm gì. Hè năm tới, con có thể về cùng với má nếu con muốn. Con còn nhớ bé Ngọc bạn thân cùng xóm của con hồi tám tuổi không? Gia đình nó vẫn ở xóm Nhà Thờ Ba Chuông. Má có nhận được thư của bác Chân, hồi xưa bác ấy vẫn thường đón hai con đi học về những buổi trời mưa."

"Con còn nhớ chứ, dù chỉ còn là những hình ảnh mơ hồ thôi. Con không thể nhớ được nét mặt của bác ấy ra sao. Còn Ngọc, con chỉ nhớ mài mại nó mặc một chiếc quần đen và một cái áo bà ba trắng, tóc nó kẹp lại phía sau lưng và mắt nó đen tròn. Má à, con không định được là con có muốn trở về hay không. Dường như là con rất muốn và dường như là con lại không muốn chút nào. Con không hiểu. Con chỉ biết là có một cái gì đó như thôi thúc con và rồi lại như từ chối con. Con không biết là con có muốn đối diện với nó không. Về để đắp mộ cho ông bà thì cũng là việc phải làm, nhưng chắc không phải là chỉ có thế, và cũng không hẳn là con muốn trở về như một du khách."

Con gái tôi buông nhẹ một câu kết luận:

"Con nghĩ rằng không phải chỉ ra đi mới là một quyết định khó khăn…"

Tôi không hiểu rõ ý con gái muốn nói gì, nhưng tôi cảm được rằng thế giới dưới mắt nhìn của nó không đơn giản. Và rồi trước khi kịp suy gẫm nên xem nói gì với Hạc, tôi đã yêu mọi điều nó thắc mắc, yêu cả vẻ mặt nhăn nhăn của nó khi nói những điều ấy. Rồi tôi cảm thấy thật thú vị để ngồi yên mà hồi tưởng lại biết bao lần tôi đã cảm thấy yêu nó như thế trong đời.

 

Chuông điện thoại reo đến hồi thứ tư tôi mới bắt kịp vì còn mải loay hoay với mớ thịt cá vừa mua ở chợ về chưaa kịp chia ra thành những phần nhỏ vừa một bữa ăn của hai mẹ con. Tuân điện thoại viễn liên từ California sang để hỏi về Hoàng Hạc. Chàng rể tương lai của tôi buồn bã và lo lắng vì không hiểu tại sao Hạc lại đột nhiên thay đổi ý định không muốn làm đám cưới sau khi ra trường. Tôi nói tôi không hay biết gì cả. Hạc không hề nói gì với tôi. Tuân hỏi, bằnng một giọng ngập ngừng, rằng có phải Hạc đã có một người bạn trai khác. Tôi nói không, diều này thì chắc là không. Giọng ngập ngừng của Tuân làm tôi ái ngại, tôi muốn nói thêm vài điều gì đó để trấn an nhưng rồi lại thấy không bằng lòng chuyện cậu ta phải hỏi thăm hỏi dò như vậy. Hai đứa nó học cùng trường, quen biết cũng đã lâu. Tuân ra trường trước, mới đi làm xa chưa đầy một năm mà chẳng lẽ đã không còn tin ở Hạc. Tôi kết thúc cuộc điện đàm bằng cách ngắn gọn hứa với Tuân sẽ tìm dịp thuận tiện hỏi Hạc về việc này.

Gác máy điện thoại, tôi đến bên cửa sổ vén màn ngó ra mảnh vườn phía sau nhà. Trời xám một mầu chì và mưa bụi lất phất, một ngày cuối tuần không chút hứa hẹn vui tươi. Ôn lại khoảng thời gian hai tháng vừa qua, tôi chợt cảm thấy có lẽ con gái tôi đã trải qua một sự thay đổi nào đó trong tâm hồn. Thời gian gặp nhau rất ngắn ngủi trong ngày nhưng cũng đủ để tôi nhận thấy điều khác thường ở Hạc. Có lúc dường như nó vui vẻ hơi quá mức bình thường một chút, chỉ một chút thôi, lúc khác, dường như nó có điều gì suy nghĩ mông lung. Biết đâu điều lo ngại của Tuân là đúng. Biết đâu nó đã gặp một chàng trai nào khác mà nó ưa thích và bối rối không biết phải nói với Tuân như thế nào. Và nếu đây quả thực là một bí mật Hạc muốn giữ kín thì điều này có nghĩa là nó hiểu rằng nhân vật mới này không thuộc vào loại được tôi chấp nhận dễ dàng. Rồi thì ý nghĩ một người đàn ông xa lạ nào đấy có thể làm Hạc đau khổ khiến tôi giật nẩy mình khi cửa bật mở và con gái tôi bước vào, trên tay nó cầm một cuốn ảnh khá dầy.

"Má làm gì mà có vẻ hoảng hốt vậy? Con có để cái note trên tủ lạnh nói là chiều con mới về mà," Hạc bỏ giầy bước đến quầy bếp bằng những bước chân tươi trẻ vô tư. Thỉnh thoảng đối với tôi, nó vẫn làm ra vẻ một đứa con gái được mẹ chiều chuộng, có lẽ phần vì nó biết tôi thích vậy, phần vì nó vẫn là một cô sinh viên dù ở bậc cao học nhưng chưa thực sự lăn lộn vào đời. Coi Hạc trẻ hơn tuổi thật rất nhiều, có thể vì nó ít dùng son phấn. Bạn cùng lớp vẫn bảo Hạc có một gương mặt con nít. Một bà bạn quen tôi vẫn thường nói rằng nuôi con cái theo kiểu ViêÏt Nam chúng sẽ trẻ lâu, nghĩa là chúng không vội vã ra khỏi nhà vào tuổi mười tám hoặc tệ hại hơn nữa, mang bầu vào tuổi mười ba. Tôi không hẳn đồng ý với câu nói có tính cách khá tổng quát tới độ mơ hồ ấy nhưng cũng tin ở phần nào sự thật của nó. Có thể sự nâng niu cưng quý của tôi đối với Hạc đã khiến nó cảm thấy muốn trì hoãn ở lại vị trí một đứa con gái hơn là vội vã trở thành một người đàn bà. Cũng có thể con gái tôi là một thứ hoa Đông phương nở chậm, vì mọi trật tự đều thong thả đi theo đường vòng. Nhưng dù có vòng vo tới mấy thì cũng sẽ có lúc Hạc phải xa tôi, ngày đó sắp đến, ngày Hạc lấy chồng, cũng là ngày tôi vẫn hằng chờ đợi và hằng sợ hãi.

"À không. Có gì đâu. Má đang suy nghĩ bâng quơ vậy mà. Má vừa trả lời điện thoại của Tuân. Con chỉ về sớm vài phút nữa thì đã kịp nói chuyện với nó," tôi trả lời.

"Vậy sao? Thôi để lát nữa con gọi lại."

Đây rõ ràng là một bằng chứng của sự thay đổi, tôi nghĩ thầm. Trước đây, mỗi lần nghe Tuân gọi là nó phải ôm ngay lấy cái điện thoại đi vào phòng riêng đóng cửa lại. Tôi bắt sang chuyện khác, làm ra vẻ không mấy chú tâm.

"Hình ảnh gì vậy con?"

Hạc ngồi xuống chiếc ghế cao phía bên kia quầy bếp đối diện tôi.

"Một số ảnh con chụp ở tiệm đã lâu mà hôm nay mới lấy về, và…một số ảnh khác. Má coi bồ của Michelle chụp có đẹp không. Anh ta mở tiệp chụp hình ở đường Cypress chỗ khu Larwin Square đó má," Hạc vui vẻ nói nhưng tôi vẫn nhận ra chút ngập ngừng trong giọng của con gái. Những trang đầu của cuốn ảnh dán hình Hoàng Hạc chụp bán thân, rửa cỡ lớn choán gần hết trang. Nước ảnh thật rõ nét và nụ cười của Hạc trong một tấm hình trông thật tươi thắm và nhân ái.

"Ồ, ảnh chụp thiệt đẹp. Coi con của má giống tài tử xi nê quá. Khi nào đám cưới con với Tuân chắc là phải nhờ tới anh chàng này rồi," tôi nói như một tình cờ, nhưng thật ra lại là một nhập đề rất ư hợp lý vào câu chuyện mà tôi đã hứa với Tuân sẽ hỏi Hạc.

"Mấây bữa nay con…tính nói với má chuyện của con với Tuân mà chưa có dịp. Gần đây tụi con bất đồng ý kiến dữ lắm. Con không nghĩ là con sẵn sàng để bước vào đời sống gia đình bây giờ, hay năm tới, hay một tương lai gần. Con không muốn bị sở hữu, dù là sở hữu dưới hình thức một bông hoa cắm trong cái lọ độc bình đắt giá má à," Hạc trả lời với một vẻ bình tĩnh làm tôi choáng váng.

"Má cứ đinh ninh là con cũng yêu Tuân, " vài giâu sau tôi mới có thể trả lời," và má nghĩ năm tới con cũng đã hai mươi sáu."

"Con cũng yêu Tuân chứ. Nhưng điều đó không có nghĩa là con phải làm vợ Tuân sớm hơn con muốn. Không phải chỉ có một cách sống, một đời sống theo kiểu lớn lên lấy chồng, làm vợ và làm mẹ. Nếu Tuân thật sự yêu con, anh ấy sẽ hiểu thôi." Gương mặt thoáng nét xa vắng của Hoàng Hạc lúc đó làm tôi nhói lên một nỗi lo buồn."

"Con ơi, sống thế nào hay sống cách nào là một câu chuyện dài, rất dài. Con không thể ngắm nghía, suy tính trước như là vẽ một bức tranh hay một kiểu áo, con chỉ có thể cứ sống, sống thử, và tìm dần ra mình muốn sống như thế nào. Má chỉ mong cho con được vui, Má chỉ mong rằng các con đừng gặp chuyện gì trắc trở."

"Có khi đằng sau điều gọi là tình yêu chỉ là nỗi đam mê nhất thời. Có khi hôn nhân chỉ là một lề thói của xã hội, khi lấy nhau rồi thì người ta lại coi nhau như những món quen thuộc dùng trong nhà ngày càng nhàm chán. Con không biết con có nên tin vào hôn nhân hay không. Nhiều đứa bạn con cho rằng chỉ nên dọn vào ở với nhau, nếu không thích thì lại dọn ra," Hạc nói, mắt buồn bã ngó mông lung về phía cửa sổ.

"Con không nên nghĩ thế," tôi trả lời Hạc một cách chậm rãi để trấn áp nỗi sợ hãi đang tràn lên tim tôi và để chuẩn bị cho những điều tôi phải nói với con gái sau đó.

"Vậy tại sao cha mẹ ly dị? Nếu hôn nhân là chuyện tin được tại sao cha mẹ ly dị? Mẹ trả lời con đi. Tại sao cha có thể bỏ mẹ con mình sống bơ vơ gần mười năm để về xứ lấy vợ khác? Con không thể quên những giọt nước mắt của mẹ hồi đó, mẹ còn nhớ không?" Những câu hỏi đột ngột ném vào tôi như những trận mưa rào của quê hương thời tuổi nhỏ, những giọt nước nặng giận hờn sầm sập rơi xuống không báo trước. Mưa miềân nhiệt đới ào ạt. Những cánh lan miền nhiệt đới tím thẫm, tím ngát. Tôi đứng dậy, rời quầy bếp đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Vẫn lại một buổi trời mưa…

 

Tôi nhớ rõ, hoặc cho là tôi nhớ rõ từ mớ ký ức một người phụ nữ di dân cứ rơi rụng dần theo với tháng năm, buổi sáng hôm ấy trời mầu xám nhạt và mưa buiï bay lất phất…

 

"Chuyện gì xẩy đến cho đời má không có nghĩa là nó sẽ xẩy đến cho đời con. Chúng ta có những định mệnh riêng," tôi lẩm bẩm như nói một mình, "và má đã làm tất cả những điều má có thể nghĩ tưởng để cho con có được một cuộc đời tươi đẹp hơn. Con là niềm hy vọng. Con là ngày mai…"

"Má. Con không có ý định khơi lại chuyện cũ làm má đau lòng," nó dịu giọng, nhưng vẫn đầy vẻ bất an. Tôi đã suy nghĩ về điều này trong nhiều năm, nhưng cái quyết định sau cùng lại chỉ bật ra trong mấy giây đồng hồ. Cũng chẳng còn gì bí mật nữa. Chỉ là những bản khác nhau của một chuyện kể, thế thôi. Từ những ngày xa xưa trong quá khứ, tôi đã quen với những bản kể khác nhau về chuyện đời mình; phải tranh đấu kịch liệt để mà giữ lại một bản chính, mà rồi bản chính đó cũng chỉ có nghĩa cho riêng tôi, nào cho ai khác? Mọi chuyện tình đều mang cùng một số mạng oan nghiệt của loài chuyện kể, nó chỉ có nghĩa với hai người trong cuộc, mà rồi đôi khi, chính hai kẻ ấy cũng không kể cùng một chuyện. Có lẽ bây giờ là lúc tôi trao lại cho con gái, một bản tóm tắt chuyện đời tôi, thoát thân từ bản chính dường như đã phai mờ theo lớp bụi thời gian.

"Jerry không phải là cha ruột của con. Oâng ấy đã tình nguyện nhận như thế trong một hoàn cảnh cần thiết, và khi đó má cũng không hiểu rõ ông ta muốn làm vậy vì tình yêu của ông dành cho cha con hay cho má, nhưng má đã bằng lòng để cho con có được một người cha. Phải nhận rằng Jerry cũng thật lòng yêu thương con như con ruột. Má vẫn hằng cám ơn sự chăm sóc và giúp đỡ của ông ta bấy lâu nay…" tôi quay mình tiến lại gần con gái, nói một cách thong thả. Rồi thì câu chuyện của hai mươi lăm năm về trước cũng được tuôn ra một cách ngắn gọn, từ tốn. Những xúc cảm mãnh liệt đau đớn nhất của một thời rồi cũng chỉ còn lại là những âm vang.

Hoàng Hạc ngồi lặng người đi, như thể sức nặng của những điều tôi vừa nói đã đè bẹp mọi khả năng phản ứng của nó.

"Vậy bây giờ cha của con ở đâu?" sau cùng, nó hỏi bằng một giọng run rẩy khẽ khàng.

"Má không biết con à. Khi quyết định rời khỏi nước, má đã ngưng chờ đợi và kiếm tìm. Má nghĩ ông ấy đã chết từ mùa hè đó. Jerry cũng vẫn để tâm theo dõi tin tức cha con trong nhiều năm nay…"

Hạc nhắm mắt lại. Đôi rèm mi của nó cong vút lấp lánh hai giọt nước mắt như hai hạt kim cương. Có một khoảng không gian im lặng biền biệt, rồi là tiếng thở hắt ra của nó nghe như một lời đoạn tuyệt.

"Má à. Con không đợi năm tới về cùng với má xây mộ ông bà đâu. Tuần tới xin phép má con về Việt Nam," Hạc nói. "Mấy tháng nay con đã đọc nhiều tài liệu về tổ chức thiện nguyện này, má xem tiếp đi, phần sau của tập ảnh là những tấm hình chị giám đốc chương trình đã cho con mượn. Có một cái gì đó cuốn hút con. Má coi, những đồi trà tươi đẹp quá bên cạnh những con người vô cùng rách rưới khổ đau. Con nghĩ rằng con đã tìm thấy một ý nghĩa mới cho quyết định trở về của mình. Cũng có thể đây là cách để con tự thử thách mình, và thử thách Tuân…"

Chúng tôi trao đổi thêm một vài câu sau đó về những tấm hình, nhưng tôi không nhớ rõ tôi đã nói gì. Lòng bàn tay tôi đã rịn ướt, đầu óc chập chùng những bấn loạn, hồi tưởng và lo âu. Khi xem gần xong tập ảnh, tôi nói với con gái, "Có lẽ đây cũng là vùng ngày xưa cha con đã đi công tác và bị mất tích."

 

Chúng tôi gặp nhau qua sự giới thiệu của cha xứ tại nhà thờ mà tôi năng lui tới mỗi tuần. Don thuộc phái đoàn Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Mùa Hè từ Mỹ sang thu nhập dữ kiện để hoàn thành một luận án về ngữ học nhằm chứng minh tính khả dụng của thuyết Noam Chomsky trong việc nghiên cứu ngôn ngữ người Thượng trên vùng cao nguyên Kontum, Gia Ray; tôi đang theo học năm cuối ngành Anh văn tại đại học Văn Khoa Sài Gòn. Phái đoàn gôm phần lớn là những sinh viên trẻ tuổi vừa tốt nghiệp chương trình Cao học đang muốn tìm một hướng đi cho ngành ngiên cứu của họ. Điều này làm cha xứ có phần ngần ngại khi giới thiệu tôi; thuở ấy người ta chưa dễ chấp nhận chuyện những cô gái con nhà gia giáo quen biết các chàng thanh niên Mỹ, lý do là người dân địa phương cho rằng sự liên hệ này phần lớn chỉ có giữa những cô gái ăn sương và các chàng G.I. Dù vậy, trong đám con chiên của ông chẳng có ai đủ điều kiện hơn tôi, hơn nữa, tôi cũng đang rất cần một việc làm kiếm thêm tiền nên rốt cuộc thì tôi trở thành cộng tác viên cho phái đoàn với nhiệm vụ hướng dẫn và thông dịch. Lần đầu tiên tiếp chuyện với Don, tôi sửng sốt nghe những âm thanh Việt Nam quen thuộc phát ra từ miệng một người thanh niên tóc vàng mắt nâu, nụ cười mở rộng như mây trời. Khi tôi thắc mắc tại sao nhóm của anh lại cần tôi phụ giúp khi anh có thể nói tiếng Việt thông thạo như thế, Don giải thích rằng sự có mặt của một người thiếu nữ Việt sẽ trợ giúp anh rất nhiều trong việc gây được lòng tin tưởng và sự thân thiện của những người dân sống trong những buôn sóc hẻo lánh. Tôi nhận lời giúp anh, không phải chỉ vì cảm tình nồng hậu dành cho một người thanh niên khả ái biết nói lưu loát tiếng Việt , mà còn vì câu chuyện triền miên không dứt của chúng tôi sau đó. Thuở ấy tôi đang mê đọc cuốn tiểu thuyết cổ điển Cuốn Theo Chiều Gió của Magaret Mitchell mà Don vốn gốc gác sinh trưởng ở Georgia cũng biết rất rành rọt về tác giả và tác phẩm này. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu văn mà cả hai chúng tôi đều thích nhất và đã khiến chúng tôi cảm thấy thật ý hợp tâm đầu: "Ngày mai, ngày mai ta sẽ về Tara…" Ở Don toát ra một sự hồn nhiên ấm áp khiến người ta không thấy cần phải đề phòng. Tôi hỏi lý do nào đã thúc đẩy một người sống bên kia bờ đại dương như anh tìm học ngôn ngữ của những người sống bên này bờ đại dương như chúng tôi; anh trả lời bằng một tràng giảng giải về thuyết ngôn ngữ Chuyển Hóa Transformational Linguistics mà tôi chỉ nắm bắt được một cách mơ hồ. Dạo đó có lẽ tôi nhớ cái giọng ấm áp thỉnh thoảng chen vào vài câu tiếng Anh hoặc một vài chữ Việt phát âm lơ lớ của Don hơn là những điều anh say sưa nói, chẳng hạn như anh muốn moi xuống tận đáy những tầng cấu thức nằm sâu của ngôn ngữ, anh muốn thực hiện giấc mơ của Leibniz tìm kiếm cấu trúc tổng quát của một thứ ngôn ngữ phổ quát của loài người. Trong khi anh nói thao thao bất tuyệt, tôi nhìn đăm đăm như muốn soi xuống dưới vầng trán thông minh và đôi mắtnâu trong suốt của anh tìm xem có mảnh nào trùng hợp với linh hồn tôi.

Vài tuần sau đó chúng tôi lên đường đi Gia Ray. Theo dự án, tôi sẽ ở đây trong vòng hai tháng để làm những công việc phụ tá và giúp cho phái đoàn dễ dàng tiếp xúc với người địa phương. Thường thì ban ngày tôi đi cùng các nhóm tiến sâu vào những buôn sóc nằm rải rác trong vùng đồi núi, tối lại trở về văn phòng chính đặt ở tỉnh lỵ ngủ qua đêm.

Tôi còn nhớ rõ, hoặc cho là tôi nhớ rõ từ mớ ký ức một người phụ nữ di dân cứ rơi rụng dần theo với tháng năm, buổi sáng hôm ấy trời mầu xám nhạt và mưa buiï bay lất phất…

 

Mưa làm óng mướt những lá trà non. Một vài chùm nắng yếu ớt xuyên qua những đám mây đậm mầu không đủ làm rực rỡ buổi mai. Trời vần vũ như muốn bão. Jerry và Betty trong toán bốn người chúng tôi cùng ngã bệnh, tôi tưởng chuyến đi vào buôn Nong sẽ bị hủy bỏ nhưng ngược lại, Don nhất định muốn lên đường; anh bảo đã có hẹn gặp một người Việt gốc Thượng tên là Naylo, bạn của anh hồi còn ở đại học Michigan, và đó là một cuộc hẹn mà anh sẽ tới bằng mọi giá. Tôi ngần ngại khi nghĩ đến chuyện đi riêng với Don. Có lẽ đó là trực giác của người phụ nữ trước hiểm nguy, cho dẫu đấy là một hiểm nguy diễm lệ của ái tình. Như đọc được thoáng ngần ngại trên mặt tôi, Don trấn an là vùng chúng tôi sắp tới rất an ninh. Nhìn vào mắt tôi, anh mỉm một nụ cười tinh nghịch và diễu cợt, "Cô có thể tin ở tôi chứ, mình đã làm việc với nhau gần hai tháng rồi mà." Tôi tin Don phút đó và tôi vẫn tin vào sự thành thật của anh cho đến bây giờ, như tin vào bản viết chuyện tình của riêng tôi, điều duy nhất tôi còn giữ lại.

Người tài xế chiếc xe jeep của đoàn đưa chúng tôi một khoảng khá xa đến tận chỗ không còn đường xe chạy. Từ đây, để đến địa điểm đã định trước, chúng tôi phải đi bộ theo những con đường rừng ngoằn ngoèo, khúc thì băng ngang những trảng cỏ rộng mông mênh, khúc thì quanh co ven theo những sườn đồi. Chúng tôi đi về hướng đông, cho tới khi hai bên là ngọn núi thấp gần như đồi san sát sây rừng trên đó mọc vô số những chùm lan diễm lệ đủ mầu. Cảnh trí tuy thật đẹp nhưng sự vắng lặng của núi đồi không khỏi khiến tôi chợt rùng mình. Bầu trời càng lúc càng nặng như chì rồi gió chợt từ đâu nổi lên vật vã. Mưa trút xuống mờ mịt đất trời. Chúng tôi may mắn chạy tạt được vào một cái nóp xiêu đổ ven đường, có lẽ do những người Thượng đã dựng lên vội vàng trong mùa gặt trước. Mưa miền núi như một con quái vật gào thét điên cuồng trong cơn đất trời hỗn loạn. Một hồi sấm long trời lở đất đẩy tôi bắn vào vòng tay Don. Anh ôm vai tôi vỗ về, "Đừng sợ, mưa một lúc sẽ hết mà." Khi tôi ngượng ngùng đứng nhích ra xa thì Don, một cách tế nhị và tự nhiên, đề nghị chúng tôi ngồi xuống một khúc cây rừng kê sẵn trong nóp, ngồi dựa lưng vào nhau cho ấm chờ mưa bão ngớt.

Mưa bão đã không ngưng. Chiều núi rừng sập xuống âm u ướt nhẹp. Nước mắt tôi bắt đầu chạy quanh nhưng Don dỗ dành và trấn an tôi rằng ngay bây giờ, anh sẽ dùng máy viễn liên dã chiến liên lạc được trong vòng ba mươi cây số, chúng tôi lại có đầy đủ lương thực và nước uống, chuyện trở về sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tôi thật sự bật khóc sau đó khi Don phát giác ra chiếc máy viễn liên của anh đã hết điện từ lúc nào.

Đêm tới, lạnh căm căm và mưa vẫn vật vã trên những vòm cây rừng. Không còn cách nào khác hơn, chúng tôi đành phải nán lại trong nóp chờ sáng mai tạnh ráo sẽ lên đường. Hơi lạnh miền núi khiến một thiếu nữ quen đời sống thành thị như tôi run lên cầm cập. Don cởi áo khoác ngoài choàng lên vai tôi. Gần như kiệt sức vì lo sợ, mệt và lạnh, đầu tôi rớt trên vai anh lúc nào không biết. Tôi thiếp đi mê man.

Khi tôi mở choàng mắt trời đã bừng sáng, mưa tạnh từ đêm và mặt trời bắt đầu ló dạng, chiếu ánh sáng ấm áp. Chúng tôi đã dựa lụng nhau ngủ ngồi trong chiếc nóp cấy lúa ấy suốt một đêm dài. Don mỉm cười chào âu yếm. Mặt tôi nóng bừng vì ngượng nhưng tôi hiểu đêm qua anh đã không hề lợi dụng tình cảnh gần gũi ấy để làm một điều gì khác. Don tươi tỉnh báo cho tôi biết rằng chúng tôi đang ở cách buôn Nong non hai mươi cây số đườing rừng về hướng Tây và có thể tới nơi trong vòng ba tiếng đồng hồ đi bộ. Thu dọn xong ba lô, trước khi bước ra khỏi nóp, Don chỉ cho tôi hai giò lan thật lớn trên một gốc cây sần sùi trước mặt với những đóa hoa tím ngắt, vàng tươi còn lóng lánh nước mưa. "Đẹp quá. Hãy để tôi đem chúng về làm quà tặng cho em." Miệng nói, chân Don đã thoăn thoắùt chuyển động. "Đừng, mình còn phải vượt qua một quãng đường dài. Hơn nữa, bứng mất hai giò lan đó không chừng sẽ làm kinh động núi rừng đấy," tôi buột miệng như một phản ứng tự nhiên không suy nghĩ. "Nhưng chúng sẽ là kỷ niệm của buổi đi lạc hôm nay," Don nói và gửi cho tôi một cái nhìn nhiều ý nghĩa. Anh mở ba lô lấy ra nào dây thừng nào vòng đai dành cho trường hợp phải leo lên những sườn núi dốc, coi bộ rất lành nghề. Tôi đứng dưới vừa sốt ruột vừa lo sợ nhưng không thể không cảm thấy anh ta thật đáng yêu.

Khi Don khéo léo đem được cả hai giò lan xuống một cách nguyên vẹn, tôi chỉ vào giò mầu tím nói đây là Giả Hạc, còn kia là Hoàng Tâm. Chúng tôi trầm trồ ngắm nghía từng cánh hoa mướt như nhung. Don nói sẽ đem hai gốc lan về tặng tôi và thử ghép giống chúng để cho ra đời một loài lan tuyệt đẹp chưa từng có. Aùnh mắt chúng tôi không hẹn mà gặp nhau và thế là sự hỗn loạn tuyệt vời trong tâm tư chúng tôi bùng vỡ. Hương thơm của núi rừng, của loài lan vương giả quyện vào hơi thở chúng tôi ấm nóng. Khi môi anh gắn xuống môi tôi, vũ trụ như vỡ tung ra thành ngàn vạn mảnh, khả năng suy nghĩ của tôi tê liệt. Sau này, mường tượng nhớ lại, tôi chỉ có thể gọi tên cảm giác đó gần giống như sự xâm nhập đột ngột của một lực mãnh liệt vào một môi trường đang ổn định, xáo tung mọi trật tự đã có để bắt đầu một cái gì khác, một trật tự khác. Cuộc đời sau đó nhiều năm, nhìn lại ở tuổi bốn mươi ngoài, luôn được tôi chiêm nghiệm như những biến chuyển liên tiếp từ trật tự này sang hỗn loạn kia để rồi lại trở về một trật tự khác. Một biến đổi nhỏ ở môi trường khởi điểm này có thể lan tràn khuếch đại thành những trận gió bão rung chuyển núi đồi ở môi trường kia. Biến đổi đầu tiên trong đời tôi khởi đi từ cơn mưa bão đột ngột của đất trời, biến đổi sau cuối của cuộc đời tôi có lẽ là sinh phần của một kẻ tha hương bỏ hết lại sau lưng quê nhà và dĩ vãng.

Trên đường trở về buôn Nong, Don đã thầm thì bên tai tôi rằng sau này nếu có con, dù trai hay gái cũng nhớ đặt tên là Hoàng Hạc. Tôi đã ở gần người đàn ông ấy trong một thời gian rất ngắn, đôi ba ngày, hạnh phúc có lẽ cũng chỉ vừa đủ cho nỗi đau đớn kéo dài nhiều năm về sau.

Don mất tích ngay trong chuyến công tác sau đó, sau khi chúng tôi đã về được buôn Nong, và sau khi tôi đã bình yên trở lại Sàigòn. Tôi lờ mờ hiểu rằng chuyện nghiên cứu ngữ học có thể chỉ là một hình thức bên ngoài để che mắt nhân gian. Don có thể đã thuộc một cơ quan tình báo nào đó, có thể của CIA, thi hành một công tác, theo đuổi một mưu đồ như biết bao nhiêu toan tính thay đổi rối mù mỗi ngày mỗi xẩy ra trên mặt đất này. Có thể kẻ thù đã đột ngột xuất hiện và giết chết anh. Có thể anh đã bị bắt cóc và cầm tù ở một nơi chẳng ai có thể tìm thấy. Và cũng có thể, lời buột miệng của tôi xuất phát từ ý thức về niềm kính trọng cõi huyền bí của những người dân miền Thượng đã vô tình trở thành lời tiên tri: kẻ kinh động núi rừng đã bị nuốt trọn vào vòng đai xanh thăm thẳm của nó không để lại một dấu vết. "Ngày mai, ngày mai ta sẽ về Tara …" đã không bao giờ tới, không bao giờ tới nữa.

Hai tháng sau khi trở về Sàigòn, tôi biết mình có mang. Mồ côi từ thuở lên mười, tôi còn được cái may mắn là không phải đối diện với nỗi thất vọng và đau đớn của cha mẹ nhưng tôi vẫn muốn tuyệt đối tránh mọi điều tiếng dị nghị cho người bác ruột đã nuôi nấng tôi một cách chu toàn. Nói dối gia đình bác rằng tôi nhận việc mới của cơ quan USAID, với sự giúp đỡ của Jerry, người bạn thân của Don trong phái đoàn, tôi bỏ Sàigòn về sống tại một tỉnh lỵ hẻo lánh gần buôn Nong. Có lẽ tận thâm tâm, tôi vẫn mong chờ một phép lạ đem người đàn ông ấy trở về. Chờ đợi và chờ đợi. Aâm thầm và âm thầm. Tôi bảo với Hoàng Hạc Jerry là cha của nó trong những lần anh tới viếng thăm.

Mùa xuân 1975, vùng cao nguyên mất dần vào tay Cộng quân. Jerry khi ấy đang làm việc cho một cơ quan trực thuôïc tòa đại sứ Mỹ, thúc dục mẹ con tôi di tản về Sàigòn. Tôi ôm Hoàng Hạc lúc đó đã lên bốn bỏ Ban Mê Thuột vừa kịp trước khi thành phố đổi chủ. Jerry bảo tôi tình hình gấp lắm rồi, anh có thể dành cho tôi một chỗ ngồi trên chuyến bay chót ngày N. rời khỏi Việt Nam. Tôi có chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ để quyết định. Sống ở miền cao nguyên heo hút ấy hơn bốn năm, tôi đã yêu nghề dậy học của mình, yêu những đứa trẻ mới hơn mười tuổi đầu hàng ngày vẫn phải tranh đấu với cuộc sống và nỗi chết để có thể tới trường, yêu những người dân địa phương hiền lành chất phác không chút thắc mắc về dĩ vãng tôi. Và tôi vẫn thỉnh thoảng có thể về thăm mộ phần cha mẹ hay thăm gia đình bác, một chút máu mủ thân tình duy nhất ngoài Hoàng Hạc. Tôi phải đối diện với quyết định rời quê hương, đến một miền đất xa lạ mà tương lai chỉ là một dấu hỏi không lồ, hay ở lại, ôm đứa con mang huyết thống của người sẽ bị những kẻ chiến thắng coi là kẻ thù dân tộc. Ngả nào cũng là một cách chết, hoặc là một cách tái sinh.

Hỗn loạn. Trong tôi và quanh tôi chỉ còn là hỗn loạn chập chùng. Tôi không sẵn sàng để chết hoặc để tái sinh. Tôi ngần ngừ không thể quyết định ra đi hay ở lại. Cuối cùng thì tôi cũng từ chối chuyến bay chót ngày N. Tôi nói với Jerry rằng tôi cố chờ, biết đâu Don sẽ có mặt trong đám tù binh. Jerry trút cho tôi hết số bạc anh có trong người.

Trước khi bước qua ngưỡng cửa ngăn cách thế giới của tôi và anh, ở một quãng đã xa không còn nghe rõ nhau trong những âm thanh hỗn độn gào thét điên cuồng chung quanh, tôi thấy Jerry hướng về phía tôi, miệng mở lớn, uốn tròn thành những đường nét tựa như anh đang nói ‘tôi yêu em." Nhiều năm sau, Jerry không bao giờ nhắc lại lời tỏ tình câm lặng phút đó.

 

Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ cho Hoàng Hạc biết quyết định ra đi của tôi đã khó khăn tới chừng nào. Thường thì tôi chẳng ngồi nhớ lại chuyện xưa làm gì. Ở đây có thiếu gì vấn đề khác phải đương đầu, nhưng thỉnh thoảng trong những buổi chiều im vắng bỗng dưng tôi nhớ lại một vài chuyện, một vài sự việc. Chúng như những mảnh chân và tay của một con búp bê đã bị bẻ thành từng khúc rời rụng.

Ở một chỗ này tôi nhìn thấy mình đứng trên mảnh đất hương hỏa gia đình tôi hai mươi cây số cách tỉnh Bạc Liêu lâm râm khấn vái trước mồ, "Cha mẹ sống khôn thác thiêng xin hãy tha thứ cho con. Con không dám dẫn cháu về thăm quê ngoại, con không dám đưa Hoàng Hạc về quỳ lạy trước mộ phần không phải vì con có điều gì xấu hổ với lương tâm mình, mà vì lòng tôn trọng trật tự cũ. Con không muốn bà con lối xóm quê hương phải đàm tiếu tới linh hồn cha mẹ. Con đã quyết định ở lại để trở thành một kẻ lưu đầy trên chính quê hương mình. Không thành phố nào còn là của con. Không con đường nào còn là của con. Không gương mặt nào còn làngười thân thuộc. Và rồi đây con sẽ thật sự trở thành một kẻ không ràng buộc không quê hương không dĩ vãng. Con sẽ rời bỏ, sẽ trút xác, sẽ thay hồn. Con từ nay sẽ là kẻ sống ở muôn phương…"

Ở một chỗ khác tôi thấy sót lại hình ảnh căn phòng chật hẹp mầu tường vôi bẩn thỉu loang lổ, cái bàn xiêu vẹo và nụ cười phô bựa răng của gã công an phường, "Em cho anh …ấy một cái thì mọi chuyện xong ngay. Em nên biết em đã phục vụ kẻ thù của nhân dân chán chê ra rồi chứ còn quiù báu gì nữa đâu ."

Ở một chỗ khác nữa tôi nhìn thấy tôi ở tuổi hai mươi sáu, đầu đội nón lá tả tơi, mặc áo bà ba cháo lòng và chiếc quần đen bạc phếch gánh xôi đi bán dưới mưa và ngã dúi mặt xuống giòng nước chẩy cuồn cuộn ở ven đường.

Cứ như thế, thỉnh thoảng tôi nhớ lại đôi điều trong những buổi chiều, chẳng buổi chiều nào giống buổi chiều nào. Trí nhớ của một người di dân dường như không đáng tin cậy, trong một cách thế nào đấy, nó thật gần gũi với một bản viết, mà bản viết thì đổi thay mỗi lần đọc lại. Một người phụ nữ di dân như tôi không còn sở hữu tinh thần nào đáng kể hơn là ký ức. Và ký ức thì cứ như những tờ lịch úa vàng rụng dần theo với tháng năm. Dĩ vãng và nguồn cội và tình yêu và sự thuộc về một nơi chốn nào đấy cứ nhập nhòe đè lên nhau, như một khuôn mặt chập chờn sau vuông cửa kính ướt đầm nước mưa không còn nhìn rõ đường nét hình thù.

 

Thật tình mà nói, tôi không mấy yên tâm về việc Hoàng Hạc trở về Việt Nam để làm công tác thiện nguyện, mặc dù tôi rất hãnh diện về lòng nhân ái rực rỡ và trong sáng nơi con gái tôi. Với tất cả sự chủ quan của một bà mẹ, tôi nhìn thấy ở Hạc sự hòa hợp toàn bích của Đông và Tây, của trí tuệ và trái tim, của vẻ đẹp tâm hồn và thân xác, như niềm mong ước khi tôi đặt tên con bằng cái gạch nối liền Giả Hạc – Hoàng Tâm. Có thể nói Hạc chính là một trật tự mới thoát thân từ những hỗn loạn và đứt khúc của cuộc đời tôi nhiều năm về trước. Tôi vẫn cho rằng mình khá may mắn so với bà T. có con gái bỏ nhà ra đi từ thuở mười lăm, bà X. có con gái theo bọn băng đảng vào đường hút sách. Rồi cùng lúc với sự nhận biết mình may mắn ấy, tôi vẫn hiểu rằng Hoàng Hạc Catherine Hayle là một sản phẩm riêng lẻ của thời đại nó đang sống. Hạc được tựu thành trong sự hỗn loạn của lịch sử và của cuộc đời tôi. Trong nhiều năm Hạc không có bạn gái thân. Chung quanh nó vắng bóng kẻ đương thời. Dường như nó không thuộc về một thế hệ nào ở Mỹ: nó lặng lẽ đi ngang qua trong một cách thế lẻ loi, bên lề. Có lẽ nó không hề bao giờ cười ngặt nghẽo nói chuyện về các chàng trai, hút thuốc, uống rượu, mặc váy thật ngắn và đi shopping mỗi tuần một lần. Nó cũng không chăm chỉ tới nhà thờ mỗi Chủ Nhật cầøu kinh hoặc đi dự những buổi hòa nhạc cổ điển hay vũ ballet. Có lẽ con gái tôi là một cái gì ở giữa trang trại Tara và núi đồi Gia Ray và thành phố Sàigòn mất tên và thành phố Cincinnati đông đúc lạnh lẽo. Không như tôi là kẻ mất dần quá khứ theo với tháng năm, Hoàng Hạc có lẽ là một lữ khách đang đi xây lại căn nhà mới của nó bằng những gạch ngói hiện tại, vài mảnh quá khứ rời và một chút keo mơ ước tương lai.

Chao ôi, người lữ khách thông minh, nhân hậu nhưng ngây thơ chưa hề nếm mùi vị cay đắng cuộc đời ấy sẽ ra sao khi nó ở cách tôi tới nửa bán cầu? Tôi chưa hề sống xa nó một ngày suốt hai mươi sáu năm nay. Rồi là những chuyện rất đáng nản mà tôi nghe được, chẳng hạn đường phố thì hư hỏng hết cả, điện nước không có, miền cao nguyên mùa mưa đất bùn sẽ đặc quánh níu rịt mỗi bước chân đi. Một tai nạn rất vô lý nào đó có thể chờ đợi con gái tôi ở mỗi góc phố, mỗi bìa rừng, mỗi ngọn đồi, mỗi lạch suối. Nhưng sau cùng thì tất cả những âu lo rất rõ ràng trong óc tôi đó lại chỉ được nói với nó một cách bóng gió mơ hồ. Tôi không muốn nó phải buồn lo trước khi lên đường. Vả lại, cả hai chúng tôi đều ngầm hiểu rằng Hạc chỉ xin phép một cách lịch sự theo đúng lề thói trật tự cũ mà chúng tôi đã giữ được một cách êm thắm trong nhiều năm; tôi sẽ không ngỏ lời cản ngăn chuyến đi của nó cho dẫu tôi thật lòng lo ngại. Duy có mối quan tâm mà tôi không sao tránh khỏi khi xem tấm ảnh cuối cùng, chụp một người không còn rõ là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, mặt mũi bị bệnh cùi tàn phá đến độ dị dạng, đứng ngó mông ra một cánh rừng thưa. Tấm hình ấy, tương phản với hình con gái tôi ở đầu tập ảnh, gợi lên trong trí tôi những thế giới trật tự và hỗn mang, những nguyên vẹn và tàn phá, những trời cao và vực sâu, những khác biệt gây hốt hoảng và mủi lòng.

Hoàng Hạc hứa sẽ gửi thư cho tôi mỗi tuần.

 

"Bác thích đoạn phim này nhất. Hoàng Hạc mặc áo bà ba trắng quần đen đứng phát gạo. Xem mấy đứa trẻ ngơ ngác kìa. Trời bên đó đang mùa mưa. Chắc mưa thối đất thối trời nên mới lầy lội như vậyTuân thấy không?" tôi nói hơi nhiều và đôi khi hơi thừa, nhưng tôi có cảm tưởng là nếu không nói huyên thuyên như thế thì tôi sẽ khóc. Và cũng thật là vô duyên nếu tôi và Tuân cứ ngồi lặng lẽ bên nhau xem cuộn phim Hạc gửi về. Tuân đã vốn ít nói mà lại nói không rành tiếng Việt. Cuộn phim không nhạc đệm; ống kính dưới bàn tay rà chiếu của người không chuyên nghiệp cứ nhẩy lộn xộn lên xuống, vụt một cái qua bên trái lại vù một cái qua bên phải. Cuốn phim như người nấc cục, như những mảnh rời không thứ tự đầu đuôi, mảnh nào mảnh nấy nặng như những cục mưa đá lộp bộp rơi xuống cuộc đời chúng tôi yên lặng.

"Ờ bác cũng thích chỗ này lắm. Hạc đang chích thuốc cho người bệnh kìa, không biết nó học hồi nào vậy há Tuân? Rồi, đợi chút xíu nữa con sẽ thấy cảnh nó đứng bên một bầy trẻ nhỏ, coi giống một cô giáo làng…Đó, nó đang leo dốc trên đường lên sóc đó. Trời, nó quay lại giang tay cười, coi chừng té vỡ mặt à con…"

Gần như là tôi độc thoại và chàng rể tương lai chỉ biết ậm ừ dạ nhịp. Cuối cùng thì Tuân cũng hỏi được tôi câu hỏi duy nhất làm cậu bận tâm, "Thưa bác, bao giờ thì Hạc về? Những người này cần Hạc, nhưng con cũng cần cô ấy."

"Có thể một hai, có thể ba tháng, bác cũng chưa rõ, nhưng con nên yên tâm là Hạc sẽ về. Hạc còn phải về đi học tiếp chớ. Và con cũng biết là con sẽ phải nói gì với Hạc mà," tôi trả lời với một nụ cười trấn an.

Khi Tuân đã rời bước, tôi giở ra đọc lại đoạn cuối lá thư của Hoàng Hạc gửi kèm theo cuộn phim.

"…Con đang được làm đầy bằng sự chứng kiến những mất mát tận cùng. Nhưng con cũng hiểu rằng con không còn thuộc về nơi đây nữa và cũng không thuộc về nơi nào. Con đang chuẩn bị cho chuyến lên đường ngày mai và chỉ chọn một số hành lý thật cần thiết cho vừa chiếc va li nhỏ bé. Má ơi con đang bay qua lại trên bầu trời của người lữ khách phương xa…"

Trần Diệu Hằng