Đoàn Nhã Văn

Kiệt Tấn Và Những Đam Mê Giữa Đời Thường

 

Kiệt Tấn đến với làng văn nghệ trước tiên bằng thi tập Điệp Khúc Tình Yêu và Trái Phaù vào năm 1966.  Đúng 21 năm sau, tập truyện Nụ Cười Tre Trúc được xuất bản ở ngoài nước và cũng chính tác phẩm này đã bắt cầu cho những tác phẩm khác nối tiếp nhau, làm nên tên tuổi Kiệt Tấn trên văn đàn.  Ở ông, hừng hực một ngọn lửa: dám sống hết mình, dám viết tường tận về những điều mình sống và đặc biệt là dám đẩy ngòi bút vào vùng đất, mà đối với nhiều người, nó thuộc loại “cấm kỵ”, để rồi trở thành một hiện tượng văn học trong khoảng thời gian cuối thập niên 80: hiện tượng Kiệt Tấn.

 

Ba tập truyện ngắn Nụ Cười Tre Trúc (NCTT), Thương Nàng Bấy Nhiêu (TNBN)Nghe Mưa in đậm những chuyện tình của Kiệt Tấn từ thuở mới lớn ở quê nhà, đến những chuyện tình với các tình nhân tóc vàng mắt xanh ở Gia Nã Đại, Pháp khi ông đi du học.  Lồng vào đó là những truyện ngắn viết về quê hương khi đứng bên này nhìn về bên kia biển trời lồng lộng, cũng như đời sống riêng tư hiện tại ở Pháp với nhiều phiền lụy của cuộc đời.  Tập truyện ngắn Em Ơi Biết Đâu Tìm (EOBĐT), thật ra có thể xem là những trang Ký lý thú, ghi lại một thời đã qua cùng những chuyến đi gặp bạn bè và những chuyến bạn bè đi thăm ông.  Ở đây, ông cũng nhắc lại một thời vẫy vùng với các người em xứ tuyết, người em xóm học.

 

Truyện dài Lớp Lớp Phù Sa vẽ lại những mãnh đời trên vùng cò bay thẳng cánh miền Nam.  Ông dựng lại nhiều lớp nhân vật, và dĩ nhiên, chuyện tình yêu và đàn bà cũng không thể nào vắng mặt.  Lớp Lớp Phù Sa, ông viết bằng một giọng văn khác biệt với những tập truyện ngắn.

 

***

 

Khi dám sống hết mình thì mọi thứ bên cạnh cuộc đời xem ra nhẹ tênh.  Chữ nghĩa mang ít nhiều cái phong thái ngang tàng.  Hình ảnh sử dụng lắm khi bứt khỏi cái nhìn, cái đọc thường ngày ở rất nhiều người. Trong cái ngông nghênh đó, người ta nhìn Kiệt Tấn như một hiện tượng bất thường. Kiệt Tấn điên!  Nhiều người bảo thế.  Không thấy Ông phủ nhận.  Thậm chí, ông còn nhắc tới những điều này rãi rác trên các trang sách của mình.  Và trong những cơn điên như thế, ông đã từng dám ỉa vào óc của mình, một điều mà người bình thường không dám nói, và dĩ nhiên, càng không dám giữ lại trên giấy trắng mực đen như ông (EOBĐT, trang 250-251)

 

Kiệt Tấn chống chủ thuyết, bởi thuyết nào cũng chứa sẵn mầm loạn trong đó.  Thuyết càng lớn, loạn càng lớn (NCTT, trang 122).  Chính trị đồng nghĩa với điếm nên nhất định không phải là đất của chàng (TNBN, trang 132). Với ông, lãnh tụ cũng chỉ là ... tủ lạnh. Ông mệt với những anh hùng và nghẹt thở với những mớ triết lý. Và vì thế  ông “phát minh” ra cái triết lý của riêng mình – triết lý của “lỗ rún”.   Ông viết: “Tôi muốn cái gì cũng phải có ý nghĩa. Cục đá phải có ý nghĩa.  Con chó cũng phải có ý nghĩa. Tôi cũng phải có ý nghĩa. Cuộc đời cũng phải có ý nghĩa.  Ý nghĩa theo cảm quan của tôi, dĩ nhiên. Vì có như vậy tôi mới chấp nhận.  Tôi chỉ có thể chấp nhận tôi.  Thiệt hết sức logique.  Hết sức hợp lý.  Tôi đã tìm ra được triết lý của lỗ rún.  Ngó lỗ rún của mình mà lý luận. Mê lắm.” (Nụ Cười Tre Trúc, trang 133).

Có ai “bình thường” mà phát minh ra triết- lý-của-lỗ-rún như ông?

 

Điên hay không điên, có gì là quan trọng, khi những điều chung quanh cuộc sống hôm nay thay đổi xoành xoạch.  Hôm nay đúng, ngày mai có thể sai và ngược lại. Điều quan trọng là ở trạng thái nào, con người sống thực với lòng mình, yêu thực lòng mình và nói thực lòng mình.  Xa hơn bước nữa, ở trạng thái nào người nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.  Có nhiều văn nghệ sĩ  trên thế giới trong những cơn “điên rồ” họ đã tạo nên những tác phẩm để đời.  Riêng Kiệt Tấn, trong những “cơn điên” của mình, ông đã trổ thêm một cánh cửa cho ngôi nhà văn chương. Trong những lúc mất quân bình đó, những tác phẩm nghệ thuật xuất hiện, lóe lên những tia sáng lạ và đẹpï, làm chùn tay không ít người viết khác, trong giai đoạn này. Điên để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mà được nhiều người nhắc tới, nhiều người cũng muốn lắm.  Nhưng rất tiếc, muốn điên không phải dễ, và không phải ai cũng điên được. Mà dù có điên được chăng nữa, chưa chắc họ đã dựng nên những tác phẩm giá trị. Lý do đơn giản: họ không phải là Kiệt Tấn.

 

Lần bước theo những tác phẩm của Kiệt Tấn, người đọc bắt gặp một giọng văn dí dỏm, thỉnh thoảng chen vào đó là một sự mỉa mai, châm biếm và cũng không hiếm lần cười cợt. Cái dí dỏm của ông là cái cái dí dỏm của một anh chàng Nam Kỳ vui tánh. Tợp xong một ngụm rượu, đặt ly xuống, kể một câu chuyện vui, xen vào những chi tiết lý thú, làm cả bàn tiệc xôn xao bàn tán, sau đó nổi lên những tiếng cười đắc ý và thích thú. Giọng văn dí dỏm của ông in đậm trên năm tác phẩm. Viết bằng một giọng văn dí dỏm là mang trong người một dòng máu yêu đời tha thiết.  Bởi kẻ chán đời không thể nào mở được một nụ cười vui, chứ nói gì đến chuyện hóm hỉnh, dí dỏm cả ngàn trang sách.  Tuy vậy, cái yêu đời của Kiệt Tấn cũng chẳng giống ai.  Cái yêu đời của kẻ dám sống hết mình, như ông, đã vượt khỏi những thông lệ cũ càng, bứt ra khỏi những hàng rào định kiến bao đời. Từ yêu đời sang yêu người chỉ cách nhau có một bước.  Từ yêu người nói chung, qua yêu đàn bà nói riêng, dĩ nhiên bằng triết-lý-của-lỗ-rún, cách nhau chưa tới gang tay.  Kiệt Tấn yêu đàn bà da diết và thèm đàn bà dữ dội. Thiếu họ, ông khật khùng, dở khóc dở cười.  Mà thật. Nhiều lúc ông khóc tàn canh gió lộng.  Ông khóc ở Canada, ông ôm đầu, rơi nước mắt ở Paris, ông lồng lộn ở Sài Gòn, ông quay quắt ở Bạc Liêu.  Thiếu hơi đàn bà là ông ủ dột, ngật ngưỡng, lù đù, tái mét, rũ rượu.  Vì thế trên những trang sách của ông, bàng bạc những cuộc tình, những môi hôn, những đồi núi, những nhung lụa, những hừng hực, mê mẫn, bừng cháy, tuyệt dịu, thần tiên, hoang đường, phơi phới .v.v...  Ông nhắc đến người em xứ tuyết Gia Nã Đại.  Ông cặn kẽ với người em xóm học Paris.  Ông quay cuồng với người con gái Bạc Liêu.  Ông đắm đuối với người này ở Biên Hòa, người nọ ở Gia định, kẻ khác ở Sài Gòn, người nớ ở Vũng Tàu. Mỗi người một vẽ, mỗi kẻ một đam mê, và mỗi nàng một cháy bỏng khác nhau. Tất cả những nhân vật đó góp phần làm nên văn phong vui tươi, sinh động của Kiệt Tấn trong vùng tình cảm đầy ướt át này.

 

Cũng nên nói thẳng rằng: nếu không có hơi hướm đàn bà của thời vẫy vùng tuổi trẻ, chắc chắn không có tên tuổi Kiệt Tấn. Với ông, “Đàn bà là cả một thế giới bí mật. Con gái cũng vậy. Càng nhỏ tuổi càng bí mật. Nhưng khi lớn lên các nàng lại càng tăng thêm bí mật – một cách khác” (EOBĐT, trang 10).  Càng bí mật, ông càng nhất mực tôn thờ. Ông đến với họ như một thứ tôn giáo của riêng ông, mà ở đó đã mở ra những đắm đuối, say mê, cởi mở, hạnh phúc, hừng hực, dập dồn, xốn xang, xao xuyến, thèm thuồng, quyến luyến. Và ông bơi lội trong vùng không gian này thỏa thích.  Tuy vậy, chỉ cần một chút để ý, ta sẽ thấy ngay ông viết về những người đàn bà với một tấm lòng, một đam mê, và đằng sau đó là chiêm ngưỡng, là trân quý. Ông viết về họ là muốn cho họ sống lại dài lâu trong lòng độc giả bằng một sự trân trọng của mình.  Ông minh định một điều: “tôi viết tình dục với mục đích cho độc giả thấy tình dục là một điều tự nhiên và đẹp đẽ. (...) Tôi không thể yêu một người đàn bà không có thân thể, thứ đến tôi không tách rời nhục cảm khỏi tình yêu chớ tôi không nhìn đàn bà với con mắt thuần nhục cảm.” (EOBĐT, trang 70). Hơn nữa, Kiệt Tấn cần hơi đàn bà nhưng không phải ông cần đàn bà để làm cái chuyện bình thường của tạo hóa. Mà lắm lúc, Kiệt Tấn cần đàn bà là để giải tỏa nổi cô đơn. Trên đời, ông chỉ sợ có hai thứ: bệnh tật và cô đơn.  Vì thế, “mỗi lần đến một thành phố lạ nào, việc đầu tiên của tôi là đi tìm đàn bà – bất cứ người đàn bà nào cũng được.Không phải để giải quyết sinh lý.  Tôi cần có sự hiện diện mà sự hiện diện đó phải là của một người đàn bà. Không có nàng tôi thấy đời sống trống rỗng, mênh mông, hoang vu dễ sợ. Tôi tưởng có thể ngã ra chết được. Tôi ghiền đàn bà như ghiền ma túy.” (Thương Nàng Bấy Nhiêu, trang 82)

 

Cái ghiền của Kiệt Tấn tạo nên những trang sách đẹp, bắt đầu cho cái ghiền khác, nơi độc giả: cái ghiền được nằm một mình, đọc những truyện tình của ông, nghe thấm thía ở mỗi tế bào, và lắm lúc vừa đọc vừa cười thích thú.

 

***

 

Một trong những điểm đặc thù, ở chữ nghĩa của Kiệt Tấn, trong vùng tình cảm đầy ướt át này, là đặt nhiều cặp tính từ đàng sau môït câu nói để nhấn mạnh điều diễn tả. Cặp chữ này nối liền cặp chữ kia tạo nên những đợt sóng dập dồn trong dòng suy nghĩ người đọc.  Đợt sóng này chưa dứt, đợt sóng khác đã đến. Chưa kịp no đầy với cảm giác cũ, cảm giác mới đã xuất hiện, kéo người đọc vào dòng chảy mới của ông, hòa mình trong đó, trôi theo những ngọn triều dâng, nhấp nhô, nhấp nhô, đẩy đến tận cùng.  Vì thế, người đọc như thấy mình tham gia đủ đầy qua những vùng chữ nghĩa mang hơi hướm đàn bà.

 

“Tôi cuối xuống cạ nhẹ môi tôi trên môi nàng. Lướt qua, khẽ lướt qua...Mướt như lụa.  Tuyệt dịu. Thần tiên. Hoang đường! Chợt nghe kiểng đổ trong đầu, thánh thót, ngân nga, vang vang, lùng bùng.  Môi nàng khép kín.  Nụ hôn đầu đời.  Phớt nhẹ.  Một lần.  Chỉ một lần thôi.  Mà vĩnh viễn!” (Nụ Cười Tre Trúc, trang 64)

 

“Tuyết vừa ngồi xuống là tôi đi thẳng vào nỗi ám ảnh của mình.  Bàn tay tôi sục sạo tìm kiếm đóa hoa thầm kín của nàng.  Mềm mại, ấm áp, trơn ướt, nhung êm. Mê mẫn, sung sướng, hạnh phúc. (Thương Nàng Bấy Nhiêu, trang 56)

 

“Chân tay hai đứa quấn quýt chằng chịt rối ben tưởng không thể nào tháo rời được nữa.  Rên rỉ, năn nỉ, xô ra, quấn vào, cuồng nhiệt, mê tơi, cực điểm, chết ngất...” (Thương Nàng Bấy Nhiêu, trang 105)

 

“Nàng hướng mắt về khung kiếng uốn cong truyền hình, loại truyền hình thu sẵn đông cứng, trong lúc đó đôi ngươi tôi lại dính cứng trên ô cửa bầu dục khoảng khoát, cũng truyền hình, nhưng lại là hình ảnh đời sống sờ sờ, tự tại, hiện hữu, linh động, hô hấp liên tục từng giây tùng phút. Tuyệt vời. Ngoạn mục.  Mãn nhãn.  (...)  Đừng mà, để yên cho em coi truyền hình một chút. Coi sao nổi mà coi. Dò dẫm. Xáp lại. Rờ rẫm. Mó máy. Ngoan nào, để yên cho người ta mò trăng một tí.  Khám phá bờ giếng trên có móc cài.  Nhưng cứ để nguyên như vậy. Thú vị là ở chỗ đó. Leo ra. Chận giữ. Tức vỡ. Be bờ.  (Nghe Mưa, trang 74 – 75)

 

Ở thi ca, chúng ta thấy Bùi Giáng ăn ngủ, hít thở, sống chết với những tiếng bình dân trong cuộc sống. Thì ở thể loại văn xuôi, Kiệt Tấn đem ngôn ngữ đời thường vào văn chương rất ngoạn mục.  Không có nhiều nhà văn đi theo con đường này thành công. Bởi vì, theo lối này đòi hỏi một bản lãnh nghệ thuật, một nhạy bén của chữ nghĩa, và quan trọng hơn hết, nó đòi hỏi người sử dụng nó có một tấm lòng tha thiết với đời để nhận thấy được: ngôn ngữ đời thường gần gũi và đáng yêu. Có yêu thương sâu đậm mới dành cho nó những vị trí xứng đáng, để rồi chắc lọc lại cho mỗi trường hợp, đem nó vào văn chương, gởi đến người đọc những ngạc nhiên, thích thú.  Bàng bạt trên những trang sách là những tiếng đậm nét trong thể văn nói của miền Nam.  Lâu lâu, nghe lại những tiếng này, ta cảm thấy đầy thích thú.  Nghe Kiệt Tấn cho nhân vật của mình nói, lại càng thích thú hơn, bởi nó mang đầy chất sống, những chất sống tươi rói như phả vào câu văn, đưa đến gần người đọc. Chính chất liệu ròng này đã tạo nên những cảm giác hiếm hoi như khi có người gãi giùm mình đúng chỗ ngứa.  Đã thiệt là đã.

 

Một khía cạnh khác trong văn chương Kiệt Tấn: đem thi ca, ca dao, vọng cổ vào những bản văn. Điều này có thể bắt gặp trong bất kỳ truyện ngắn, truyện dài hay ngay cả trong thể loại tùy bút của ông, và thậm chí trong những lá thư gởi người quen, gởi bạn bè.  Khi đem vào những trang sách của mình, ông không hề chú thích liền sau đó. Ông cứ để dòng cảm xúc của độc giả chảy dài theo câu chuyện.  Những cái chú thích sẽ làm nghẽn giao thông, phá tan cái không khí mà ông tạo được. Và ông dư biết điều đó.  Sau cùng, ông chú thích cuối bài một loạt tên tác giả có thơ trích, hay ca dao, hay vọng cổ.  Và trong rất nhiều trường hợp, ông biến một phần câu ca dao thành một phần câu văn của ông. Người được Kiệt Tấn mê nhất và được ông trích dẫn nhiều nhất, có lẽ là Nguyễn Bính và Phạm Thiên Thư.  Tuy nhiên, cũng có nhược điểm trong lối viết này: nhiều chỗ, ông như lạm dụng, đẩy một hơi mấy câu Kiều thành câu văn của mình, hay làm một lèo mấy câu thơ của họ Nguyễn, họ Phạm thành đoạn văn của mình, ngon ơ.  Ở điểm này, đôi lúc có thể làm bực mình những độc giả khó tính.

 

Thật rõ ràng, một lần nữa, Kiệt Tấn đã bày một lằn ranh minh định: bên này là Kiệt Tấn, bên kia là người khác.  Ai chịu thì ở lại, còn không ...cũng không sao, nhưng đọc ai cũng dzậy, đọc tui, tui cảm ơn.

 

***

 

Kiệt Tấn có một lối diễn tả nội tâm nhân vật, nhất là những nhân vật nữ, khá tài tình.  Ông không dẫn giải chi li, mà ngược lại, dùng hình ảnh nói thay cho sự chuyển đổi trong suy nghĩ của họ. Tôi tin rằng những hình ảnh này, nếu lên phim, chắc chắn sẽ là những thước phim đẹp.

 

Ở truyện ngắn, Người Em Xóm Học, trong tập Thương Nàng Bấy Nhiêu, chẳng hạn.  Ông cùng Diane quấn quýt bên nhau như đôi sam trong những ngày hè khi ông từ Quebec qua Paris, thăm Lộc.  Sắp hết ngày hè, giờ chia tay sắp đến.  Dẫu chậm thế nào thì cũng phải chia tay.  Những kỷ niệm, vấn vương, xao xuyến, bồi hồi làm cho cuộc chia tay nào cũng cảm động.  Nhưng cho nhau gì đây để nhớ mãi, giữ lại gì đây để mỗi khi nhìn vật sẽ nhớ người.  Kiệt Tấn cắc cớ, xin người tình một chiếc quần lót của nàng, anh viện dẫn để nhớ mãi mùi hương thầm kín.  Nhưng Diane dẫy nẫy và nhất định không cho.  Nhưng nàng tặng chàng một cái khác. Cái gì đây?

 

“Ngẫm nghĩ một hồi, bỗng nhiên nàng tháo váy, cởi quần lót ra, tôi tưởng nàng đã đổi ý muốn tôi giữ mùi hương thầm kín của nàng.  Nhưng không, nàng cầm kéo quay mặt vào tường lúi húi.  Nàng cắt tặng tôi một chùm cỏ ở gò tình, cũng màu auburn nhưng nhạt hơn và xoắn tít như lông cừu.  Nàng bảo tôi nhổ cho nàng sợi tóc, nàng buộc cùm cỏ và bỏ vào hộp thiếc đậy nắp lại.  Tôi cảm động thấy thương nàng hết sức.” (Thương Nàng Bấy Nhiêu, Trang 112)

 

Có người cho đây là một hình ảnh dung tục.  Nhưng thực ra đây là một hình ảnh hết sức nghệ thuật.  Diễn biến nội tâm của Diane được Kiệt Tấn mô tả rất tuyệt.  Nàng ngẫm nghĩ, do dự khá lâu.  Cũng phải thôi. Yêu người tình tha thiết, nhưng ....  Đúng, sự thay đổi trong ý nghĩ của nàng bắt đầu từ cái nhưng này.  Và khi đã vượt được cái nấc đó, nàng đã quyết định thật nhanh và dứt khoát như một cái máy.  Rồi sau đó, bỏ nó vào hộp, đậy nắp lại.  Hành động này còn bẫy lên được một điều trong tận đáy lòng của Diane: đã yêu nhau thật sự thì cái gì còn làm được, huống hồ gì một lời cầu xin nhỏ nhặt của chàng.

 

Ở một truyện ngắn khác, Yêu Em Xứ Tuyết, trong tập Nghe Mưa, sự thay đổi, cái dùng dằng của người con gái, và cái quyết định dứt khoát của cô, khi giấu người yêu của mình, đi lấy chồng, rất sắc xảo qua ngòi bút của Kiệt Tấn.

 

“Ngọn đèn lại được thắp lên lần nữa để nàng thổi tắt.  Và trong bóng tối nàng ôm tôi siết thiệt chặt và hôn lên má tôi một nụ hôn rất dài, son môi nàng có hương vị hoa hồng.  Nàng xô ngã tôi lên giường và tiếp tục đóng vai chủ động. (...) Nàng nói lảm nhảm những gì tôi không nghe rõ, chỉ loáng thoáng tiếng còn tiếng mất như nấc khóc...(...).

Sau khi quần áo chỉnh tề, nàng mở ví tay lấy thỏi son mùi hoa hồng thoa lên môi, tô đi tô lại nhiều lượt trước tủ gương nhỏ máng quần áo của tôi.  Xong nàng đặt môi áp hôn cửa kiếng in lại nguyên vẹn vết tích đôi môi nàng rồi dùng thỏi son viết khít ngay bên dưới “jet’aime!”.  Nàng mở ngăn kéo bàn viết học trò của tôi quăng thỏi son vào đó và đóng lại, ngó tôi chăm chú:

-Thôi em về!

Chưa bao giờ tôi thấy nàng hấp tấp như vậy.  Tiếng chân nàng chạy nhanh đột nhiên dừng lại ở khoảng giữa cầu thang như chần chờ.  Một giây, hai giây, ba giây ... Bước chân lại tiếp tục đi xuống.  Cánh cửa ở cuối cầu thang mở ra rồi đóng lại.” (Nghe Mưa, trang 106-07)

 

Nàng chủ động trao thân cho người yêu trong lần cuối cùng gặp mặt.  Trong những giây phút yêu đương đó, nàng lảm nhảm như nấc khóc là dấu hiệu của dằn co, ray rứt.  Bởi đây là một quyết định quan trọng, một quyết định của sự một đi không trở lại.  Như tức tưởi, như nghẹn ngào. Nàng để lại vết son trên cửa kiếng của người tình như muốn nhắn chàng rằng hãy nhớ mãi vết son này.  Và cuối cùng gởi lại cho chàng thỏi son trong ngăn kéo bàn viết.  Tại sao lại thỏi son?  Thỏi son cũng giống như vật bất ly thân của người phụ nữ phương Tây.  Thiếu gì thì thiếu, trong ví của họ không thể thiếu thỏi son khi ra đường.  Để thỏi son ở lại, như để lại kỷ niệm cuối cùng, trong một tâm trạng bã bời.  Rồi cũng phải ra đi.  Sự chuyển đổi tâm lý từ trạng thái giằng co qua sự quyết định bằng sự hấp tấp và những tiếng bước chân chạy nhanh.  Phải thật nhanh, nếu không, sợ chính mình sẽ đổi ý.  Nhưng chân đi mà hồn để lại. Nàng như lừng khừng.  Thật ra, cái lừng khừng bắt đầu từ khi “tô đi tô lại nhiều lượt” son môi.  Không phải vô tình mà Kiệt Tấn “bắt” nàng tô đi tô lại nhiều lần.  Ông không nói thẳng.  Bởi nói thẳng thì còn gì là nghệ thuật.  Sự dùng dằng, quyến luyến càng rõ rệt hơn khi nàng chạy ra khỏi phòng, rồi dừng lại.  “Một giây, hai giây, ba giây ...” và cuối cùng là sự dứt khoát, dứt khoát nhưng không giấu nỗi sự đau lòng.   “Bước chân lại tiếp tục đi xuống.  Cánh cửa cuối cầu thang mở ra rồi đóng lại”.  Chấm hết.  Ở câu cuối cùng ta lại bắt gặp một nét đẹp khác.  Cánh cửa không chỉ khép lại để ngăn cầu thang và dãy phòng ngủ.  Nó còn như một vật chắn, khép lại một mối tình, làm một bức ngăn, chia cách người đi, kẻ ở.  Như một nhát kéo, cắt sợi dây oan, mỗi người giữ một nữa rời, nghiệt ngã. Hình ảnh tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng đăït nó được trên trang sách đúng vào vị trí của những sự chuyển đổi và tâm trạng rối bời của nhân vật một cách đắc địa như Kiệt Tấn.

 

***

 

Như bao lưu dân khác, đi đâu thì đi, Kiệt Tấn cũng có một chỗ để nhớ về: quê hương.  Viết gì thì viết, Kiệt Tấn cũng không khỏi viết về nơi chốn sinh ra: quê hương.  Đứng bên này trời, nhìn về bên kia biển lớn (ở những năm 80), nghe lòng se thắt, từng nhịp tim đập rộn lên nỗi nhớ nhà.  Quê hương trên những trang sách của Kiệt Tấn không những đậm nét những vùng ông đã đi qua, để lại ít nhiều những mối tình, mà còn là hình ảnh những bà già.  Từ bà-già-bán-cà rem, bà-già-bán-đậu-phộng-lép, đến bà-già-lượm-lon, bà-già-điên trong thành phố .v.v....  Những bà già ít nhiều để lại trong ông những niềm thương nhớ vô vàn, da diết, và không ít nổi xót xa.  Trong số những bà già quê hương đó, có một người ông nhắc tới rất nhiều, đó là người mẹ thân yêu của ông.  Ông viết về mẹ mình thật đẹp. Thật ra, khi viết về Mẹ, không riêng gì mẹ mình, mà là tất cả những người mẹ Việt Nam, ông dụng lối viết nhẹ nhàng, đằm thắm.  Ở đây, người đọc như đọc được ý nghĩ của ông: chữ nghĩa văn hoa không chở hết tâm hồn đôn hậu của mẹ hiền; câu cú thời thượng không mang nổi tấm lòng cưu mang không một lời than thở của những bà già chốn cũ.  Bóng mát của mẹ, nụ cười của mẹ là cả một trời, một biển.  Vặn vẹo chữ nghĩa sẽ xiêu lạc những tấm lòng quê.  Vì thế, Kiệt Tấn lấy hình ảnh đơn sơ của ruộng đồng mà viết về Mẹ, tạo nên những hình ảnh liên tưởng đẹp ngút ngàn.

 

“Mặt bà nhăn nheo hiền hậu, cười móm, giống bà già bán cà rem ở trường tiểu học, lúc tôi học lớp nhứt, mười tuổi. Buổi trưa, khi ngồi vá áo bên cửa sổ, bà ngó tôi cười móm trong vuông nắng, tự nhiên tôi có cảm giác đang nằm dưới một gốc tre già bên bờ ao, lá tre trên cao thoảng gió rì rào, giọt nắng trộn lẫn bóng lá tre nhảy nhót trên khuôn mặt tôi mát rượu, tôi thiu thỉu ngủ, giấc mơ thơi thới…(...)  Cho dù má tôi không cười thành tiếng, tôi vẫn nghe có tiếng rì rào thanh thoát của tre trúc rộng lượng chở che.  Tôi là con trâu nghé nằm trong bóng lá im buổi trưa hè nắng gắt.” (Nụ Cười Tre Trúc, trang 15)

 

Một trong rất nhiều những đoạn văn, tôi cho là đẹp, mà Kiệt Tấn viết về mẹ ông, những người mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn, nhưng có trái tim to bằng bồ lúa.

 

“Nếu ngọc trai là ngọc của sò biển, nếu gạo thóc là ngọc của trời thì nước mắt là ngọc của má tôi.  Cả đời má tôi buông nhả loại ngọc đó rất nhiều, cho bất cứ gì, cho bất cứ ai, vô tình hay cố ý, đến gõ cửa trái tim bà.  Tôi thường ví trái tim bà là bồ lúa, mà mỗi hột lúa là một mối thương tâm, một mối thương tâm rất gần với từ bi, khiến cho bà sa nước mắt ngùi ngùi vô số kể, suốt cuộc đời bà. (...) Cả đời tôi chưa hề nghe tiếng “hy sinh” thốt ra từ cửa miệng của bà.  Bởi vậy, khi thấy má tôi khóc, đừng tưởng bà đau khổ, đừng tưởng bà đang nghĩ bụng mình hy sinh rút ruột cho con ăn, mình thức đêm thức hôm dầm sương dang nắng vì con cái.  Khi sung sướng, người ta cũng có thể chảy nước mắt lắm chớ, phải không?  Vì vậy nước mắt của má tôi cũng rì rào như nụ cười tre trúc của bà: thương yêu, chở che, rộng lượng.”  (Nụ Cười Tre Trúc, trang 20-21)

 

***

 

Rời vùng truyện ngắn, Kiệt Tấn bước vào truyện dài bằng Lớp Lớp Phù Sa.  Một tác phẩm viết về đời sống và tâm tình của người dân miền Nam, trên ruộng đồng, trên sông nước.  Ở đây, Kiệt Tấn không còn kể chuyện mình, mà bắt đầu kể chuyện người, chuyện đời.  Dẫu rằng trong những cảnh đời đó, người đọc bắt gặp một số nhân vật và dễ dàng nhận ra ngay những nhân vật này đã được ông đề cập đến trong các tập truyện ngắn, như chú câm, như lão thần y và dăm nhân vật khác.  Ông mượn hình ảnh những người chung quanh mình để dựng truyện.  Khi vay mượn, dĩ nhiên phải tính toán.  Người đi buôn mượn vốn thì tính thiệt, hơn.  Nhà văn mượn hình ảnh cuộc đời, mượn chân dung người khác thì thường chắc lọc, thêm bớt.  Lớp Lớp Phù Sa, hình ảnh nhân vật có chắc lọc nhưng hình như vẫn còn thiếu chất sống.  Cái chất sống cần thiết để tạo ra những mảng đời sống, khó trùng lặp trên vùng phì nhiêu, sông nước miền Nam.  Giọng điệu câu văn cũng thế.  Nhiều lúc ông rề rà quá sức ở những chỗ không cần cái rề rà.  Cái khác biệt lớn giữa truyện ngắn và truyện dài của Kiệt Tấn là ở chữ nghĩa.  Chữ nghĩa ở truyện dài không còn cái quyến rũ, cái thôi miên, như ở truyện ngắn.  Theo tôi, truyện dài của Kiệt Tấn không sắc xảo và lôi cuốn bằng truyện ngắn của ông, dù rằng nó là một truyện dài có thể xem là “đọc được”, so với một số truyện dài ngoài nước mà ta đọc được từ đó đến nay.

 

***

 

Khi Kiệt Tấn viết về quê hương, người đọc thấy hình ảnh người mẹ hiền ấp ủ trong lòng người viết; trái tim nhân hậu, tấm lòng cởi mở của bà theo suốt cuộc đời của ông, cùng những giọt nước mắt buồn, vui thấm suốt đời người.  Khi viết về tình ái, người đọc thả hồn mình vào những chuỗi tháng ngày mới lớn của Kiệt Tấn, cùng chia xẻ với ông những mời gọi, rũ rê đó.  Tất cả những điều này đến với độc giả không ngoài chữ nghĩa.  Cái đẹp của chữ nghĩa là nét đẹp của nghệ thuật. Khi nghệ thuật đạt đến một mức độ nào đó, người ta không còn thấy lớp vỏ nghệ thuật hiện hữu nữa, mà chỉ thấy hình ảnh rực sáng bên ngoài, những biến chuyển nội tâm sục sôi bên trong, tạo thành một hiện tượng, mạnh mẽ nhưng khá ngắn ngủi: hiện tượng Kiệt Tấn.  Hiện tượng này như tia sáng lóe lên từ mũi hàn với nhiệt độ cao. Bùng lên. Sáng xanh. Khi hết hơi, mũi hàn tắt, thôi thúc đã hết, đam mê đã ngừng.  Ông ngưng viết trong sự luyến tiếc của độc giả, nhưng điều này cũng cho thấy rằng: ông đã tìm được cho mình một thế quân bình trong trong đời sống, mà ở trạng thái này, dù không viết, ông vẫn thấy hạnh phúc, một niềm hạnh phúc của đời thường.

 

Ngắn gọn, văn chương Kiệt Tấn như những đường kiếm đẹp, khi kiếm rời khỏi võ, kiếm và người là một; chiêu thức không còn nữa, chỉ thấy cái uy lực, vũ bão của nó.

 

 

Đoàn Nhã Văn

Viết xong 9/2000, sửa lại 1/2005