Vũ Tiến Lập
bước vào tĩnh lặng
Trong những khoảnh khắc trước khi thời gian hoàn toàn biệt lập. Nơi biên giới là thể xác
yếu đuối của bạo tàn bởi thời gian. Thời gian không có sự đoái hoài, thời gian chỉ có sự trở
thành. Không hiểu ý thức có bất kỳ chiều sâu không hay chỉ là một trôi nổi trên bề mặt? Dường
như ý thức được tạo thành bởi những chứa đựng hiện hữu; nơi dung chứa hoàn toàn bị giới hạn.
Tư tưởng thực sự là những hoạt động của phía bên ngoài và trong ngôn ngữ nào đó tư tưởng có
nghĩa là phía bên ngoài. Từ ngữ “bề mặt” chỉ ra rằng có một cái gì đó ở dưới, một khối nước rất
sâu hay rất cạn. Một trí óc sâu sắc hay một trí óc nông cạn vẫn là những từ ngữ của tư tưởng, và
tư tưởng trong chính nó là giả tạo. Những chứa đựng đằng sau tư tưởng là những trải nghiệm, ký
ức, hay những sự việc đã qua, chỉ để được hồi tưởng, để trở thành hay để không hành động theo
nó. Phải chăng tĩnh lặng có chiều sâu. Tĩnh lặng không là chuyển động của tư tưởng và lòng
thương yêu cũng vậy. Chỉ còn những từ ngữ, thâm sâu hay nông cạn. Không có gì đo lường được
tình yêu cũng như cho tĩnh lặng. Những gì có thể đo lường được đều thuộc về tư tưởng và thời
gian. Tư tưởng là thời gian…
Tại sao sự suy nghĩ lại kiên cố như vậy? Dường như nó không ngơi nghỉ, dường như nó
quá bền bỉ. Sự suy nghĩ luôn luôn năng động, giống như những con khỉ, và chính hoạt động của
suy nghĩ gây kiệt lực. Không thể thoát chạy khỏi nó, suy nghĩ luôn theo sát không ngưng nghỉ.
Dù mình cố gắng kiềm chế nó, nhưng chỉ một vài giây sau đó nó lại trổi dậy. Suy nghĩ không
bao giờ yên lặng, không bao giờ yên ổn; luôn luôn theo đuổi, luôn luôn phân tích, luôn luôn tự
hành hạ chính nó. Dù đang ngủ hay đang thức, sự suy nghĩ liên tục hoạt động và dường như suy
nghĩ không có an bình, không có sự thảnh thơi. Sự suy nghĩ có khi nào được an bình? Nó có
thể suy nghĩ về an bình và gắng sức để được an bình, ép buộc chính nó để được bất động; nhưng
liệu sự suy nghĩ trong chính nó có sự an bình? Trong chính bản chất của nó không là náo động
hay sao? Sự suy nghĩ không là những phản ứng đến sự thách thức liên tục hay sao? Không thể
có kết thúc cho sự thách thức, bởi vì mỗi chuyển động của dòng sống là một thách thức; và nếu
không có nhận biết được thách thức, vậy thì có suy tàn, chết.Thách thức và phản ứng chính
là phương cách của dòng sống. Phản ứng có thể trọn vẹn hay không trọn vẹn; và chính sự
không trọn vẹn của phản ứng đến thách thức mới khơi dậy sự suy nghĩ, cùng náo động của nó.
Sự thách thức đòi hỏi hành động, không phải diễn đạt bằng từ ngữ. Diễn đạt bằng từ ngữ là
sự suy nghĩ. Có thể sự thách thức là một ý tưởng? Sự thách thức luôn luôn mới mẻ, trong sáng;
và có khi nào suy nghĩ, và ý tưởng là sự sáng tạo mới mẻ? Khi sự suy nghĩ gặp gỡ thách thức, thì
phản ứng đó không là điều cũ kỹ, quá khứ, hay sao?
Phải nhìn nhận các nhà khoa học đang phát minh những điều tuyệt vời, khống chế không
gian vĩ đại, thế giới của ngày mai, của những máy móc mới tinh vi và kỳ vỹ; những giải mã về
những cấu tạo của tế bào, những cuộc thí nghiệm vẫn được thực hiện trên động vật. Những di
tích của một nền văn hóa cổ xưa được giải thích rành mạch. Thế giới kỳ diệu của quá khứ, những
đền đài, sự vinh quang. Thật nhiều tài liệu đã viết về sự hưng thịnh, những tàn bạo và sự vĩ đại
của quá khứ.
Nhưng chiến tranh thực sự đang xảy ra khốc liệt ở Ukraine, ở Trung đông, và đang khởi
mào cho vùng Thái bình dương và Ấn độ dương. Những chiếc xe tăng khổng lồ và những máy
bay phản lực tân kỳ đang bay lượn tác chiến. Tất cả sự phản đối và giết chóc có tính toán; Các
nhà chính khách đang nói chuyện về hòa bình nhưng lại cổ vũ chiến tranh trên mọi vùng đất.
Những phụ nữ đang khóc lóc van xin, những người bị thương tích vô vọng, những chiến sĩ đang
vẫy cờ và các vị tu sĩ trang nghiêm ban phước lành. Những giọt nước mắt của nhân loại không
rửa sạch được ham muốn giết chóc của con người. Không một tôn giáo nào đã ngừng được chiến
tranh; tất cả trái lại, đã khuyến khích nó, ban phước cho những vũ khí của chiến tranh; chúng đã
phân chia con người. Những chính phủ đã cô lập và bảo vệ ốc đảo của họ. Người ta cứ khóc,
nhưng lại giáo dục con cái của mình giết chóc và bị giết. Con người chấp nhận nó như
một phương cách của cuộc sống; cam kết của con người là dành cho sự an toàn riêng tư của họ;
là ân sủng và đau khổ. Những vui thú, gia đình, chính trị, những niềm tin và những thần
thánh thay thế vai trò của lòng thương yêu, Và rõ ràng nó đã bị mất hút bởi hiểu biết và niềm tin,
và lòng thương yêu bị mất hút bởi những cảm xúc. Niềm tin mang lại rõ ràng? Bức tường khép
kín của niềm tin tạo ra hiểu rõ? Sự cần thiết của những niềm tin là gì, và liệu chúng không
làm tối tăm thêm lý trí đã bị che phủ rồi hay sao? Hiểu rõ vấn đề là không đòi hỏi những niềm
tin, nhưng sự nhận biết thông suốt là nhận biết trực tiếp mà không có sự can thiệp của ham
muốn. Do bởi ham muốn mới tạo ra hỗn loạn, và niềm tin là sự mở rộng của ham muốn.
Những phương cách của ham muốn rất tinh tế, và nếu không hiểu rõ chúng niềm tin chỉ gia
tăng xung đột, hoang mang và thù hận. Một cái tên khác cho niềm tin là trung thành, và trung
thành cũng là chỗ ẩn náu của ham muốn. Chúng ta nương tựa niềm tin như một phương tiện của
hành động. Niềm tin trao tặng sức mạnh đặc biệt đến từ sự loại trừ; và bởi vì hầu hết chúng
ta quan tâm đến hành động, niềm tin trở thành một cần thiết. Chúng ta cảm thấy không thể hành
động nếu không có niềm tin, bởi vì chính niềm tin cho chúng ta cái gì đó để sống nhờ, để làm
việc. Đối với hầu hết chúng ta, sống không có ý nghĩa ngoại trừ cái mà niềm tin cho ta; niềm
tin có ý nghĩa lớn lao hơn sống. Chúng ta nghĩ rằng sống phải được sống trong khuôn mẫu
của niềm tin; bởi vì nếu không có khuôn mẫu của loại nào đó, làm thế nào có thể có hành động?
Như vậy, hành động của chúng ta được đặt nền tảng trên ý tưởng, hay kết quả của một ý tưởng;
vậy là hành động không quan trọng bằng ý tưởng. Liệu những sự việc của lý trí, dù khác thường
và tinh tế, có khi nào tạo ra sự trọn vẹn của hành động, hay thay đổi cơ bản trong hiện diện của
người ta trong trật tự xã hội? Liệu ý tưởng là phương tiện của hành động? Ý tưởng có lẽ tạo ra
một chuỗi những hành động nào đó, nhưng đó chỉ là hoạt động; và hoạt động hoàn toàn khác hẳn
hành động. Chính trong hoạt động này nên người ta bị trói buộc; và bởi vì lý do nào đó hay hoạt
động khác ngăn cản thì người ta cảm thấy hụt hẫng và sống trở thành vô nghĩa, trống
rỗng. Chúng ta nhận biết được trống rỗng này có ý thức hay không ý thức, vì thế ý tưởng và hoạt
động trở thành quan trọng nhất. Chúng ta lấp đầy trống rỗng này bằng niềm tin, và hoạt động trở
thành một cần thiết gây thoái hóa. Vì lợi ích của hoạt động này, chúng ta sẽ từ bỏ; chúng
ta sẽ điều chỉnh chính chúng ta đến bất kỳ sự phiền phức nào, đến bất kỳ ảo tưởng nào. Hoạt
động của niềm tin đang gây hỗn loạn và hủy diệt; thoạt đầu dường như nó có trật tự và xây dựng,
nhưng trong sự thức dậy của nó có xung đột và đau khổ. Mọi niềm tin, về tôn giáo hay chính
trị không thể có hành động nếu không có sự hiểu rõ này.
Tất cả chúng ta đều có một thứ để chúng ta bám vào, mặc dù nó mang những hình thức
khác nhau. Bạn bám vào người chồng, người vợ của bạn, những người khác bám vào con cái của
họ, và vẫn vậy những người khác bám vào những niềm tin nào đó; nhưng ý định thì như nhau.
Nếu không có thứ gì mà chúng ta bám vào chúng ta cảm thấy lạc lõng vô vọng? Chúng ta sợ hãi
cảm thấy hoàn toàn một mình. Sợ hãi này là ghen tuông, hận thù, đau khổ. Không có nhiều khác
biệt giữa ghen tuông và hận thù.
Sợ hãi có thể hiện diện chỉ trong sự liên hệ; sợ hãi không thể tự hiện diện trong chính nó,
trong tách rời. Không có sự việc như sự sợ hãi trừu tượng; có sợ hãi về cái đã được biết hay về
cái không biết được, sợ hãi về điều gì người ta đã làm hay về điều gì người ta có lẽ làm; sợ hãi
về quá khứ hay về tương lai. Sự liên hệ giữa người ta là gì và người ta ham muốn là gì gây ra sợ
hãi. Sợ hãi nảy sinh khi người ta diễn giải sự kiện của người ta là gì, dựa vào phần thưởng và
hình phạt. Sợ hãi hiện diện cùng trách nhiệm và ham muốn được tự do khỏi nó. Có sợ hãi trong
sự đối nghịch giữa đau khổ và vui thú. Sợ hãi hiện diện trong sự xung đột của những đối nghịch.
Tôn sùng thành công mang lại sợ hãi thất bại. Sợ hãi là qui trình của lý trí trong sự đấu tranh
của trở thành. Trong trở thành tốt lành, có sợ hãi xấu xa; trong trở thành vĩ đại, có sợ hãi tầm
thường. So sánh không là hiểu rõ; nó được thúc đẩy bởi sự sợ hãi về cái không biết được liên
quan đến cái đã được biết. Sợ hãi là sự không chắc chắn trong tìm kiếm sự an toàn. Lý trí là thủ
phạm tạo tác sợ hãi; và khi nó phân tích sợ hãi, đang tìm kiếm nguyên nhân của sợ hãi với mục
đích được tự do khỏi nó, trí óc chỉ tự cô lập thêm nữa về chính nó và vì vậy gia tăng sợ hãi. Khi
bạn sử dụng sự phân tích để kháng cự sự hoang mang, bạn đang gia tăng quyền lực của kháng
cự; và kháng cự sự hoang mang chỉ gia tăng sự sợ hãi về nó, cũng như ngăn cản sự tự do. Trong
hiểu biết thong suốt có tự do, và không phải trong sợ hãi.
Thôi.
Tạm dừng,
để bước vào
Tĩnh lặng.
Vũ Tiến Lập.
Nov 3 rd , 2023.