VŨ TIẾN LẬP
biệt khúc tháng Giêng
tản mạn
Tĩnh lặng như bí tích sáng tạo mặc dù đời sống vốn đòi hỏi sự tìm kiếm không ngừng. Nhưng đó chính là ý nghiã chân thật nhất. Đời người và cuộc sống chỉ đơn giản là những phần thuộc một ảo tưởng khác mà thôi, chính cuộc sống mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội để thoáng thấy được nỗi chết. Những cơn mộng thực sự chỉ là mộng. Biết mơ khi đang mơ. Ngày mai không là gì cả, ngoại trừ qúa khứ đang theo đuổi những hiện tại không biết được. Khoảng trống này bị lấp đầy bằng những hiểu biết ngắt đoạn mà trống không này là điều kỳ diệu của sáng tạo.
Tàn đông thôi thúc những sắc mầu rực rỡ trên tuyến xuân đang chuyển đến. Những trải nghiệm tích lũy theo thời gian đã tạo thành một ký ức bất diệt. Trùng trùng nối kết của những sớm mai thức giấc cô đơn trên con đường sinh tử. Tự do khỏi cái được biết là tự do khỏi thời gian. Khi thời gian không còn, lúc đó nỗi chết không còn. Tình yêu hiện hữu.
Nhìn ngắm những thứ đó mà không đặt tên chúng có vẻ không thể được. Chính hình thể là từ ngữ. Vậy là những từ ngữ đảm trách một vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Đời sống của chúng ta có vẻ là một mạng lưới của những từ ngữ phức tạp, liên quan lẫn nhau. Những từ ngữ có một ảnh hưởng quan trọng cho chúng ta, giống như từ ngữ ‘thượng đế’, ‘dân chủ’, ‘tự do’, ‘chuyên chế’. Những từ ngữ này gợi lên những hình ảnh quen thuộc. Những từ ngữ ‘người vợ’ và ‘người chồng’ là bộ phận của sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Nhưng từ ngữ ‘người vợ’ không thực sự là một con người đang sống, cùng tất cả những phức tạp và những phiền muộn của cô ấy. Vì vậy từ ngữ không bao giờ là cái thực sự. Khi từ ngữ trở thành quan trọng nhất, cái đang sống, cái thực sự, bị bỏ quên.
Chim chóc đang nghỉ ngơi qua đêm, và cái hồ lớn đang bắt đầu phản ảnh các vì sao. Cây cối kênh kiệu, chúng đã thu rút vào sự yên lặng và sự tối tăm. Có sự yên lặng thăm thẳm và an bình hiện diện khi tất cả mọi sự vật đứng một mình. Một mình này không là trạng thái cô độc gây sợ hãi, gây đau khổ. Nó là một mình của đang hiện diện; nó phong phú, nguyên vẹn. Cây Phong đó không hiện diện nếu không là chính nó. Một mình cũng thế. Người ta là một mình giống như ngọn lửa, giống như bông hoa, nhưng người ta không nhận biết sự tinh khiết của nó và sự mãnh liệt của nó. Thật ra, người ta có thể hợp nhất chỉ khi nào có trạng thái một mình. Một mình không là kết quả của phủ nhận, của tự khép kín. Một mình là sự tự do khỏi tất cả những động cơ, khỏi tất cả những theo đuổi bởi ham muốn, khỏi tất cả những mục đích. Một mình không là một sản phẩm cuối cùng của ký ức. Bạn không thể ao ước được một mình. Một ao ước như thế chỉ là một tẩu thoát khỏi sự đau khổ của không thể hợp nhất.
Bạo lực ở khắp mọi nơi, trong số những người có giáo dục cao và những người sơ khai, trong số những người trí thức và những người đa cảm. Giáo dục hay tôn giáo có tổ chức không thể thuần hóa con người; trái lại, chúng chịu trách nhiệm cho những cuộc chiến tranh, tra tấn, những trại tập trung và cho sự sát hại động vật trên đất đai lẫn biển cả. Con người càng tiến bộ bao nhiêu dường như càng trở nên hung tợn bấy nhiêu. Chính trị đã trở thành chủ nghĩa băng đảng, nhóm này chống lại nhóm kia; chủ nghĩa quốc gia đã dẫn đến chiến tranh; có những cuộc chiến tranh kinh tế; có những hận thù và bạo lực cá nhân. Con người dường như không học hỏi từ kinh nghiệm và hiểu biết, và bạo lực trong mọi hình thức vẫn tiếp tục. Hiểu biết có vai trò gì trong sự chuyển đổi con người và xã hội?
Khi bạn thấy một chiếc lá, bạn nhìn ngắm nó như thế nào? Chắc chắn, bạn không chỉ nhìn ngắm nó bằng hai mắt của bạn, nhưng bạn cũng nhìn ngắm nó cùng trí nhớ của bạn mà có ký ức riêng của nó về chiếc lá đó, cái tên thực vật của chiếc lá đó. Vì vậy, bạn không chỉ nhìn ngắm bằng hai mắt của bạn, nhưng bạn cũng nhìn ngắm qua những kỷ niệm được kết hợp. Có một qui trình tách rời đang xảy ra. Bạn thấy bằng hai mắt của bạn và bạn cũng thấy qua ký ức của bạn, qua hình ảnh mà bạn có về chiếc lá, hay về người yêu của bạn , bạn nhìn ngắm cô ấy hay anh ấy cùng hình ảnh mà bạn đã hình thành qua nhiều năm từ những kỷ niệm của tình dục, của vui thú, của bực dọc, của càu nhàu, của những từ ngữ tức giận, và vân vân; bạn đã dựng lên những hình ảnh về lẫn nhau – đó là một sự kiện thực sự. Lúc này, chính là hai hình ảnh này có liên hệ cùng nhau, và bởi vì lý do này bạn không có sự liên hệ hiệp thông; có một tách rời – phải có một tách rời – vậy là xung đột, và thế là không còn tình yêu. Chừng nào bạn còn không nhận biết hệ thống máy móc, cấu trúc và bản chất của hình ảnh, vậy thì bạn sẽ không bao giờ được tự do khỏi nó và bạn sẽ luôn luôn trong xung đột.
Tự do không thể được trao tặng, tự do là cái gì đó hiện diện khi bạn không tìm kiếm nó; nó hiện diện chỉ khi nào bạn biết rằng bạn là một tù nhân, khi bạn biết cho chính bạn, một cách trọn vẹn, khi bạn biết làm thế nào bạn bị giam cầm bởi xã hội, bởi văn hóa, bởi truyền thống, bị giam cầm bởi điều gì bạn được dạy bảo. Tự do là trật tự – nó không bao giờ là vô trật tự – và người ta phải có tự do, tuyệt đối, cả bên ngoài lẫn bên trong; nếu không có tự do, không có sự rõ ràng; nếu không có tự do , bạn không thể thương yêu, nếu không có tự do, bạn không thể tìm được sự thật; nếu không có tự do, bạn không thể vượt khỏi sự giới hạn của khối óc. Bạn phải có tự do, và bạn phải đòi hỏi nó bằng toàn thân tâm của bạn. Khi bạn đòi hỏi nó như thế, bạn sẽ khám phá cho chính bạn trật tự là gì – và trật tự không là sự tuân phục của một khuôn mẫu, một thiết kế; nó không là kết quả của thói quen. Tự do thật sự là sống từng giờ, từng phút khi qúa khứ trở thành hiện tại và hiện tại chính là tương lai hay một thứ hiện tại vĩnh cửu.
Ở phía dưới trên quả đất kia, có những kẻ độc tài chuyên chế chối từ tự do cho con người, những nhà học thuyết đang tạo hình thể cho tri kiến của con người, các vị giáo sĩ cùng những thế kỷ truyền thống và niềm tin của họ biến con người thành nô lệ; các chính trị gia với những hứa hẹn liên tục của họ đang mang lại đồi bại và phân chia. Ở dưới đó con người đang vướng mắc vào xung đột và đau khổ vô tận và vào những ánh sáng hào nhoáng của vui thú. Tất cả sự việc đó hoàn toàn vô nghĩa – đau khổ, lao lực và những từ ngữ của các triết gia. Chết chóc, bất hạnh và lao lực, con người chống lại con người.
Chúng ta đã tiêu xài quá nhiều tiền bạc vào việc giáo dục cho con cái chúng ta; chúng ta đã cho chúng quá nhiều sự chăm sóc; chúng ta đã trở nên quá quyến luyến chúng; chúng đã lấp kín cuộc sống cô độc của chúng ta; trong chúng chúng ta tìm được sự thành tựu của chúng ta, cảm giác tiếp tục của chúng ta. Tại sao chúng ta được giáo dục? Trở thành những cái máy công nghệ? Trải qua những ngày tháng trong lao động miệt mài và chết trong một tai nạn nào đó hoặc với một căn bệnh đau đớn nào đó? Đây là cuộc sống mà nền văn hóa của chúng ta, tôn giáo của chúng ta, đã mang lại cho chúng ta. Khắp thế giới mọi bà vợ hay bà mẹ đang khóc lóc; chiến tranh hoặc bệnh tật đã cướp đi người con trai hay người chồng. Tình yêu có là quyến luyến không? Liệu nó có là những giọt nước mắt hay nỗi thống khổ của mất mát? Nó là cô độc và đau khổ ? Nó là tự thương xót và đau khổ của phân ly? Nếu bạn thương yêu con trai của bạn, bạn sẽ bảo đảm rằng không một cậu trai nào bị chết trong chiến tranh. Đã có hàng ngàn cuộc chiến tranh, và các bà mẹ lẫn bà vợ đã không bao giờ khước từ hoàn toàn những phương cách dẫn đến chiến tranh. Bạn sẽ khóc lóc đau khổ và lại ủng hộ, miễn cưỡng, những hệ thống nuôi dưỡng chiến tranh. Tình yêu không biết bạo lực. Hạnh phúc quả không thể tìm kiếm trong lầu son gác tía, trong sự thỏa mãn những tham vọng điên cuồng nhưng là những giây phút mà người ta thực sự sống, thực sự chiêm ngưỡng sự sống.
Vũ Tiến Lập
3/2021