MẠNG LƯỚI TUỔI TRẺ VIỆT NAM LÊN ĐƯỜNG
LÊN ĐƯỜNG INTERNATIONAL VIETNAMESE YOUTH NETWORK

http://www.lenduong.net - mangluoi@lenduong.net

URL: http://www.lenduong.net/article.php3?id_article=4778
Cập nhật: 17/09/2003.
In/Print   Ðóng/Close  

Bài Viết/Bình Luận Diễn Đàn Văn Hoá

Tưởng Niệm Vũ Khắc Khoan: Nhà Soạn Kịch Bậc Thầy

(Westminster - Việt Báo) "Nếu cuộc đời của anh Khoan như hình ảnh của một ngọn núi thì Anh đã sống nửa phía núi phương Đông với trái tim vồ vập, với cuống cuồng tham dự, với trọn vẹn tâm thức lăn xã vào đời. Để rồi anh sống tiếp nữa núi phương Tây với tấm lòng bình thản, với đôi mắt an lành, với tình cảm hiền hòa rộng lượng. Phương Đông là dập dồn sức sống rát nắng mặt trời. Phương Tây là tâm hồn lặng lẽ mát dịu nguồn trăng. Anh Khoan là sừng sững một ngọn núi. Ngọn núi ấy đã biết cách hoàn tất trong dịu dàng thầm lặng một chu kỳ sinh diệt..."

"....Anh Vũ Khắc Khoan là một nghệ sĩ đích thực. Một nghệ sĩ cuối đời biết bỏ phấn trắng bảng đen, bỏ chữ bỏ lời, bỏ tiền trường sân khấu, bỏ những đêm men say, bỏ những ngay ngất ngưỡng.... Anh đã bỏ hết tất cả và đã một mình lặng lẽ lâng lâng trong mù sương nơi ngưỡng cửa Pháp Hội..."

Sau năm 1975 Ông Vũ Khắc Khoan đã sáng lập và trở thành chủ tịch "Hội Phật Giáo Việt Nam" tại Minnesota. Dù vẫn tha thiết, say mê với sân khấu kịch nghệ nhưng ông cũng chuyên tâm tham cứu kinh điển Phật Giáo năm 1984 Ông đã viết đoản văn "Đọc Kinh" dài khoảng hơn 30 trang giấy 5x8 khổ chữ lớn nhưng hàm chứa nhiều suy tư về đời người sanh diệt rút ra từ rất nhiều kinh điển Phật Giáo. Nữ diễn viên Kiều Chinh khi được mời phát đã dùng những câu thơ của Mai Thảo nói về Vũ Khắc Khoan như sau:

Nhìn chai nhớ lại người yêu nó

Nhớ lại "Con Hùm Vũ Khắc Khoan".

Theo Kiều Chinh: Vũ Khắc Khoan chính là "con Hùm" của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Sỹ Tế, một người bạn vong niên của họ Vũ đã nói: Vũ Khắc Khoan đã dến được "tuyệt mù" của thế giới tĩnh lặng siêu nhiên, Ông là một lữ khách lang thang trong hành tinh của chúng ta (Nói theo ngôn ngữ của tập truyện "Người lữ khách lang thang trong thành phố" Của N.S.Tế)

Trong phần một này Diệu Vân và Trần Diệu Hằng đã trình bày hai bài thơ Ngỡ Xuân và Vọng Cố Nhân của Vũ Khắc Khoan làm nhiều người rất xúc động.

Mọi người đã nói về Vũ Khắc Khoan trong tinh thần thân hữu, rất nồng nàn. Trước hơn 200 thân hữu khi tham dự buổi lễ tưởng niệm nhà soạn kịch lớn của Việt Nam tại Hội trường nhật báo Người Việt lúc 7 giờ tối ngày thứ sáu 12 tháng 9 năm 2003 nhân lần giỗ thứ 17 của ông. Nhân dịp này Bà Vũ Thị Thơ là trưởng nữ của ông đã cho dựng lại một tiểu phẩm ngắn: "Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa" do Xuân Phát đạo diễn với thành phần diễn viên gồm có Xuân Phát, Anh Dũng, Mai Khanh, Vũ Thái Bình, Liên Hải, Nhật Hạ. Phần kỹ thuật và nhạc đệm, trang trí do Đông Phương, Lê Dũng, Nguyễn Nhơn Thành, Anh Dũng, Phạm Duy, Duy Cường, Vũ Công Thành, Vũ Hồng Liên và Nhạc sĩ Quốc Vũ phụ trách.

Vở kịch ngắn "Thằng Cuội..." được Vũ Khắc Khoan viết ra giữa thập niên 40 (khoảng 1946-1947) và đã được công diễn tại nhà hát lớn Hà Nội,

Liên tiếp sau đó với những tác phẩm khác như: Thành Cát Tư Hãn, Thần Tháp Rùa, Những Kẻ Không Chịu Chết, Ngộ Nhận ..v..v đã khiến Vũ Khắc Khoan được mọi người biết đến như một nhà soạn kịch tài ba hơn là nghề chính của ông là giáo sư tại các trường Đại học Văn khoa, Vạn Hạnh, Sư Phạm, Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, các trường Đại học Cần Thơ, Đà Lạt ..v..v... Ông trở thành nhà soạn kịch hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập niên. Ông là người phóng khoáng, dễ tính mà những bạn bè thân quen thường dùng từ "lừng khừng" để chỉ tính bất cần của ông, đối với mọi người trong đùời sống thường nhật. Ông đi dạy bằng xích lô tháng, hình ảnh giáo sư Khoan tóc trắng đến trường trên 1 chiếc xích lô là hình ảnh thân thương đối với các sinh viên và đồng nghiệp. Nhưng lại là người khó chịu, nghiêm khắc, đôi khi dữ dằn khi lao mình vào tập luyện, dựng kịch. Ông bắt diễn viên phải thể hiện nội dung vở kịch một cách có kỹ thuật, rất ghét những người hời hợt với vai diễn, cả với những nhân viên kỷ thuật hậu trường ông cũng rất chú ý. Khi xem kịch của Vũ Khắc Khoan người xem luôn mang theo những suy tư về và khắc khoải với nội dung khi ra về khác hẳn với lối diễn lôi kéo khán giả vào tình huống vỡ kịch và cố tạo cho khán giả khóc cười theo diễn viên để rồi khi ra về không còn nhớ gì nữa.

Bà Vũ Thị Thơ cho dựng lại vở "Thằng Cuội..." có 3 lý do chính: Nhân mùa trung thu đề cập tới nhân vật "Cuội" là hợp lý. Kịch bản ngắn, có chiều sâu. Vở kịch đòi hỏi ít vai diễn, thích hợp với hoàn cảnh hiện nay tại hải ngoại và hơn nữa kịch bản này ít được công diễn tại miền Nam trước 75 so với các tác phẩm khác của ông.

Nghệ sĩ Anh Dũng, là "chú Cuội" vai chính trong kịch bản đã cho biết: Anh chưa bao giờ nhận một vai diễn mà anh lại trăn trở tưởng tượng đến nhân vật mà anh phải thủ diễn và phải tập luyện nhiều như vậy. Thoạt mới nghe anh tưởng đây là một vở kịch thiếu nhi, trong mùa trung thu, nhưng khi được Vũ Thị Thơ giao cho kịch bản cùng vài hình ảnh buổi diễn trước 75 thì anh "hết hồn" và biết rằng đây là một vở kịch có nội dung rất khó thể hiện. Được thực hiện trên sân khấu nhỏ, diễn viên và khán giả quá gần nhau, không được kỹ thuật sân khấu bao che nên các nhân vật không có cơ hội dùng phụ cảnh để thể hiện sự suy nghĩ của mình. Sau buổi diễn, khi bước vào hậu trường với những tràng pháo tay hoan hô nồng nhiệt. Anh Dũng cho biết: Dù phải đầu tư rất nhiều trí óc cho một vở kịch tuy ngắn nhưng lại có chiều sâu như "Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa". Anh vẫn mong muốn được tiếp tục có cơ hội sắm giữ những vai trò khó khăn tương tự trong những kịch bản có giá trị như vậy.

Nguyễn Huỳnh Mai, Tổng thư ký tập san Đuốc Từ Bi, phát biểu sau vở kịch: Chú Cuội đã trở thành kẻ nói dối chỉ vì nó đã thấy được những gì người cùng thời không thấy. Đây cũng chính là hoàn cảnh của rất nhiều "Chú Cuội" hiện nay. Sau khi thưởng thức xong, bà cảm thấy mình sẽ bao dung hơn với những người chung quanh. Bà nồng nhiệt khen ngợi lối thể hiện mang đầy nội tâm của các diễn viên. Bà mong là những vỡ kịch có chiều sâu và giá trị sẽ xuất hiện đều đặn trên sân khấu hải ngoại.

Sau khi vở kịch ngắn "Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa" chấm dứt. Bà Vũ Thị Thơ đã hân hạnh giới thiệu "Tuyển Tập Vũ Khắc Khoan, Bộ I" vừa mới hoàn thành gồm 3 cuốn nhân lần giỗ thứ 17 của nhà soạn kịch danh tiếng này: Đọc Kinh (đoản văn) Mơ Hương Cảng (tùy bút) và Giao Thừa, Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa (2 kịch ngắn). Khán giả có thể tìm mua được trong các nhà sách sau lễ tưởng niệm hay tại địa chỉ: 12612 Rroveview St Garden Grove CA 92840 Điện thoại là: (714) 308-1251 hay trang nhà www.vulua.com.



 




Bài viết/bản tin này được in từ trang web:
MẠNG LƯỚI TUỔI TRẺ VIỆT NAM LÊN ÐƯỜNG

http://www.lenduong.net

Ðịa chỉ URL của bài viết/bản tin này:
http://www.lenduong.net/article.php3?id_article=4778