VĂN QUANG
LẨM CẨM
SÀI GÒN
THIÊN HẠ SỨ

Số 199 ngày 14-3-2007

Sở Xây dựng Hà Nội… số dzách

Trong tuần vừa qua, ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho báo chí biết: “trong quá trình kiểm tra các công trình xây sai phép, không phép, thanh tra thành phố chưa phát hiện hành vi tiêu cực của cán bộ các cấp”.

Đây quả thật làm một tin mừng, quá mừng, vui ơi là vui, của các cán bộ thuộc Sở Xây dựng Hà Nội. Sở này toàn là những vị công chức tuy chưa được gọi là mẫu mực, nhưng có thể gọi là “thanh liêm” quá cỡ thợ mộc rồi. Nếu đúng là “chưa” hoặc “không” phát hiện ra một tí ti “tiêu cực” (hay nói ngay boong rằng tham nhũng) nào trong hàng trăm cán bộ, và nếu kể cả những “tay chân râu ria”, có thể là hàng ngàn viên chức chuyên trách về xây dựng của thủ đô Hà Nội thì đúng là một hiện tượng đáng mừng cho toàn dân VN chứ chẳng riêng Hà Nội.

 

Kịch 6 màn về xây dựng… không có ở Hà Nội?

 
Ấy thế mà những anh “thối mồm” cứ loan tin ầm lên rằng đứng đầu trong số 10 cơ quan xảy ra tham nhũng ở VN, chính là anh nhà đất. Nhà đất thì tất nhiên trong đó có cơ quan chuyên trách về xây dựng.

Dư luận cứ om xòm rằng người dân muốn xây nhà không phép, vượt phép thì chỉ cần “biết điều” với mấy tay cán bộ phụ trách xây dựng là xong. Thí dụ như làm cái nhà, cứ ung dung đặt nền xây móng, đang xây dở dang là có ngay một vị cán bộ đến hỏi thăm giấp phép, đo đạc đàng hoàng xem có đúng giấy phép không, hỏi thăm đủ thứ chuyện linh tinh “trong phạm vi quyền hạn” và pháp luật. Đấy là nói đến những căn nhà xây dựng có phép tắc đàng hoàng và đúng luật. Muốn yên thân, xây dựng trơn tru thì phải biết “bôi trơn” như kiểu xe cộ vận hành thì phải có dầu nhớt. Chẳng bao giờ người dân  xây dựng một căn nhà mà qua mặt được các vị cán bộ làm việc rất có lương tâm trong công việc “kiểm tra” này. Cái thứ lương tâm kiểm tra bao giờ cũng “tích cực” hơn đi họp hoặc làm những công việc khác.

Còn những căn nhà, hoặc chỉ cần một bờ tường vượt phép, không phép thì khỏi nói. Mà ác một cái là cứ xây dựng dở dang mới bị hỏi thăm sức khỏe, chứ ít khi nào các cán bộ sử dụng quyền hạn của mình bắt chủ nhà không được xây dựng. Sự việc được diễn ra theo đúng trình tự : “Cứ để nó xây rồi tính sau”. Màn hai mới là màn bắt đầu “tính sổ”,ø vài vị mang bộ mặt nghiêm chỉnh đến “hiện trường” xem xét, tuân thủ đúng pháp luật. Màn thứ ba là “mặt sắt đen sì”, bắt dừng ngay việc xây dựng dang dở. Màn thứ tư, các vị này lập biên bản đàng hoàng với những vi phạm cụ thể rành mạch rồi lừng lững bỏ đi, nhất định không chịu cho chủ nhà xin xỏ, kiên quyết làm theo đúng chức năng, không thiên vị, không “xin cho”, không hối lộ. Màn thứ năm thường là do chủ nhân quyết định xem nên “tiếp cận” những vị quan liêm chính kia bằng cách nào. Trực tiếp hay gián tiếp còn tùy thời cơ ứng biến. Nhưng màn thứ sáu, sau khi “tiếp cận”, thường là “xong hết”. Cứ việc phom phom xây dựng như không có chuyện gì xảy ra.

Đấy là cách thông thường nhất mà người dân ai cũng biết và không ít người đã phải diễn cái tuồng tích ba hồi sáu cảnh này rồi. Nhưng có lẽ là chuyện chỉ xảy ra ở những địa phương khác, chứ không xảy ra tại Hà Nội. Cho nên ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội mới mạnh dạn tuyên bố như thế với báo chí, tức là tuyên bố trước công luận về sự liêm khiết này của các cán bộ dưới quyền ông. Song ông cũng công nhận một tí cho phải phép là chỉ có một số trường hợp “cán bộ bị tạm đình chỉ công tác là do buông lỏng quản lý”.

 

Lời tuyên bố khôn… tổ mẹ!

 

Buông lỏng quản lý nghĩa là thế nào? Người dân khó mà đoán ra cái thứ chữ nghĩa này. Nếu hiểu một cách nhẹ nhàng thì đó chỉ là sự sơ ý của các quan chức, vì quá bận rộn với trăm công ngàn việc nên các quan chức không thể quản lý hết. Nhưng hiểu một cách khác, lý do dẫn đến sự “buông lỏng quản lý” cũng có thể là để cho nhân viên dưới quyền tự do lộng hành, tự do tác yêu tác quái. Vậy nhân viên cấp dưới “mua” được sự “tự do” đáng già ngàn vàng ấy, có tư túi gì với các quan trên không? Việc đó cũng nằm trong tội “buông lỏng quản lý”. Vậy hãy xem Hà Nội có bao nhiêu vụ xây dựng không phép, trái phép, vượt phép mà đến nay không hề có vụ tiêu cực nào như ông Giám đốc sở này nói.

Chỉ tính riêng trong năm ngoái thôi, năm 2006, thanh tra xây dựng kiểm tra 7.855 công trình trên địa bàn Hà Nội, phát hiện 4.454 công trình sai phạm, gồm 405 nhà sai phép, 1.933 nhà không phép, 1.474 nhà trái phép, 642 vụ vi phạm khác. Lực lượng chức năng cảnh cáo 1.431 vụ, cưỡng chế 1.319 công trình, 715 nhà tự khắc phục. Số trường hợp sai phạm năm 2006 giảm 11% so với năm trước. Thế tức là năm 2005 còn nhiều hơn thế nữa. Cứ tính gọn là 5.000 công trình sai phép. Hai năm vị chi là 10.000 công trình.

Vậy mà không có một vụ tham nhũng nào, không có một cán bộ xây dựng nào táy máy một đồng xu của dân thì đúng là mẫu mực hết chỗ chê, có thể khẳng định rằng đó là những cán bộ thanh liêm nhất Việt Nam hay cũng có thể là nhất thế giới. Còn chờ gì nữa mà nhà nước không ban thưởng bằng khen, huy chương cao quý, cho Sở Xây dựng Hà Nội? (Chưa biết chừng đã có khối ông nhận huy chương và làm lễ ăn mừng rồi mà người dân chưa biết đấy thôi). Đây là tấm gương sáng choang cho cả nước cùng noi theo trong cái thời buổi tham nhũng nhiều hơn ruồi này. Chính phủ làm mờ mắt vẫn chưa được một phần trăm. Xin lấy cái sở này ra mà học tập.

Nhưng cũng có dư luận thắc mắc rằng không biết như thế có phải là hành động che đậy hay không. Rút dây có thể động rừng. Một anh bị lôi ra sẽ kéo theo hàng chùm, hàng đống những quan chức chóp bu khác. Chưa biết chừng lại dây luôn cả đến “sếp lớn nhất” của ngành nữa mới là phiền. Thôi thì cứ tuyên bố là “chưa phát hiện ra” cho yên chuyện. Bao giờ phát hiện ra sẽ thông báo sau, hay là không bao giờ phát hiện ra thì “huề cả làng”. Đúng là một lời tuyên bố “khôn ngoan”, đầy kinh nghiệm của những vị tai to mặt lớn, quen đương đầu với sóng gió. Mai này có tìm ra vài chục hoặc vài trăm anh tham nhũng cũng chẳng sao. Bởi “tôi nói chưa tìm ra, chứ có phải không tìm ra đâu”. Người dân quê thường có lời khen: Đúng là khôn tổ mẹ!

 

Tức mình, ông khai hết

 
Ai muốn tin là Sở Xây dựng Hà Nội thanh liêm số một thế giới thì cứ tin. Tôi vẫn cho rằng Sở Xây dựng Hà Nội là số dzách. Khôn ngoan số dzách, chứ không phải là gian ngoan số dzách. Xin đừng hiểàu lầm, tội nghiệp cho cả nước.

 Nhưng một mặt khác cũng phải công nhận rằng việc điều tra tham nhũng trong phạm vi này là rất khó khăn. Vì sau khi tiếp cận với giới chức có thẩm quyền rồi mọi chuyện “làm luật” được diễn ra trong vòng bí mật, vô bằng vô chứng. Thì vụ hối lộ nào chẳng diễn ra trong vòng bí mật. Nhưng rồi vẫn có thể điều tra ra. Nhất là khi các ông chủ căn nhà to đùng bị tháo dỡ, rất có thể các ông này “tức khí” sẽ khai tuốt hết.

Kinh nghiệm trong những vụ tham nhũng trước, như vụ bố con ông thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Van Dâu nếu các người có liên quan không khai tuốt luốt hoặc khai một nửa thôi thì cơ quan điều tra làm sao tự kiếm ra? Rồi đến bà vợ ông thứ trưởng cũng bị điều tra “lây” vì liên quan đến các người đưa hối lộ.

Đến nay những vụ xây nhà trái phép, người dân có quyền nghi ngờ rằng nếu áp dụng những biện pháp mạnh quá, cưỡng chế tháo dỡ tuốt, rất có thể những ông chủ nhà sẽ “nổ tung” vì đã “bắt tay nhau” rằng cứ làm, mọi chuyện sẽ được diễn ra êm đẹp. Nhưng bây giờ nó không êm đẹp nữa, các đại gia mất toi công sức và hàng tỷ đồng “làm luật’ rồi, nay ngôi nhà đồ sộ bị cắt cụt, bị đập bỏ, thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều. Cơm không lành canh không ngọt, nẩy sinh mâu thuẫn, thù oán là chuyện thường tình. Các ông ấy khai ra thì tiêu tùng hết. Cho nên mọi biện pháp cần phải “nhẹ nhàng” hơn. Khó mà có thể mạnh tay kiên quyết đập bỏ để làm gương cho những người khác được.

Tìm ra bằng chứng về những “tiêu cực” dù có khó khăn, song không phải không thể làm được, trừ khi có… một cái gì đó lấn cấn không làm thôi.

Còn hàng ngàn “chuyện  nhỏ” khác như một cái nhà xây thừa một tí, một cái cửa lòi ra một  tẹo… chẳng ai hơi đâu đi tố cáo. Lỡ khai ra, nhà mình cũng tiêu tùng thì sao. Đó chỉ là những “mảnh tình vụn vặt” trong chuyện có tham những hay không về vụ xây nhà trái phép. Những mảnh tình vụn đó không nhiều quá, song nó làm nên khối cái dinh thự nguy nga, khối cái gia tài đồ sộ nhất nước đấy!

 

Biện pháp thòng

 

Còn ở giữa thủ đô Hà Nội trong 2 năm qua thì hoàn toàn trong sạch. Bạn có tin không? Cho đến bây giờ vẫn chưa có “phương án” nào được “đề xuất". Trái bóng lại được đá về cho các ông chủ “tự đề xuất phương án khắc phục”. Nếu không khắc phục sẽ bị cưỡng chế. Nhưng vẫn còn những biện pháp thòng là rất có thể căn nhà sẽ được “xem xét” để tiếp tục được sử dụng với các điều kiện sau: Công trình phải “cơ bản phù hợp” với quy hoạch, kiến trúc khu vực và an toàn theo quy định. Chủ đầu tư phải tự nguyện khắc phục các thiệt hại gây ra cho cộng đồng và thành phố bằng việc đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tương đương với phần hưởng lợi do vi phạm tạo ra”. Cái biện pháp thòng này xem ra cũng khôn ngoan cực kỳ.

Chẳng người dân nào đoán được việc này sẽ đi về đâu, tới đâu?

 

Đến chuyện cái cáp treo

 

Nền văn minh cáp treo du nhập vào Việt Nam mới được năm ba năm nay, nhưng coi bộ đắt hàng. Từ cáp treo Đà Lạt đến cáp treo Tây Ninh, cáp treo Chùa Hương …. và bây giờ đến cáp treo Vinpearl Nha Trang được coi là cáp treo dài nhất, hoành tráng nhất và là cáp treo đầu tiên trên biển tại Việt Nam.

Cáp treo Vinpearl chiếm tổng cộng 6.532m2, trong đó có 4.032m2 mặt đất và 2.500m2 mặt nước biển. Toàn bộ tuyến cáp treo dài 3.310m, được nối từ “khu đô thị Phú Quí” (Cầu Đá, Vĩnh Nguyên, Nha Trang) đến “đồi casino” của khu du lịch Vinpearlland tại Vũng Me, thuộc đảo Hòn Tre, gồm bảy trụ trên biển, hai trụ trên bờ và hai nhà ga.

 

Một chút hoài niệm

 

Vào dịp cuối năm vừa qua, tôi có dịp tháp tùng cậu con trai tới Nha Trang, nơi tôi đã có khá nhiều kỷ niệm đầu đời bước chân vào phục vụ trong quân ngũ. Hồi đó vào năm 1954, Nha Trang còn “hoang sơ”, êm đềm lắm. Đúng là một thành phố biển để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Nhưng đến nay thì thành phố biển đó đã khác hẳn. Nó đã trở thành một thành phố du lịch, chen chúc đầy những khách sạn từ 1 sao đến 4-5 sao và cuộc sống do đó cũng ồ ạt, chen lấn nháo nhác. Điều đó khiến cho những người đã từng có quãng thời gian xa xưa với Nha Trang không khỏi có một chút bùi ngùi tiếc nuối. Vẻ đẹp của những căn biệt thự cổ kính ngày nào không còn nữa, bãi biển cát vàng thênh thang bây giờ như chật chội hẳn lại bởi những ki ốt, những hàng quán chen chúc. Những bãi sú hoang dại, tối tăm mang một vẻ châu Phi, cũng biến mất tăm, chỉ còn thứ ánh sáng chói lòa của những cột đèn mang một thứ văn minh thời hiện đại ở thành phố nào cũng có.

Trong tháng 12 năm 2006 vừa qua, chúng tôi đã có dịp trở lại Cầu Đá, đáp chuyến ca nô ra mấy hòn đảo xa. Lúc đó chúng tôi mới chỉ được ngắm nhìn mấy hàng cột của chiếc cầu treo Vinpearl đứng sừng sững giữa sóng nước mênh mông của vịnh Nha Trang. Chỉ mấy chiếc cột thôi, nó đã có vẻ “hùng vĩ” rồi. Nếu lúc đó cầu treo hoàn thành, chắc bố con tôi thế nào cũng “đi thử cho biết”. Và nghe đồn sang đến hòn đảo Hòn Tre mà bây giờ được gọi là Vinpearl, sẽ có rất nhiều trò chơi thú vị. Nhưng giá cả thì… trên trời, có lẽ chỉ thích hợp với túi tiền của khách du lịch nước ngoài và những đại gia. “Con nhà nghèo thì đừng có mơ. Nó chém cho tơi tả”. Đó là lời bác lái ca nô cảnh báo chúng tôi.

 

Vinpearl một thế giới riêng

 

Đi ca nô giữa những hòn đảo mới nhìn thấy Vinpearl như một thế giới riêng, bí ẩn, kiêu sa và quyến rũ như cô gái chân dài cao quý có giá… hàng ngàn đô một lần gặp mặt. Ai thích thì cứ đến, không thích thì làm ơn đi chơi chỗ khác. Tôi tường trình như thế để bạn đọc dễ cảm thông với cảm giác của chúng tôi khi nhìn thấy hòn đảo này. Cứ tưởng tượng như nó là Monaco giữa đại dương, chứ không phải giữa châu Âu. Chỗ đó mà đánh bạc thì tuyệt hơn Đồ Sơn rất nhiều. Rồi một ngày nào đó, biết đâu ở một khu nào đó như khu Casino, chẳng biến thành Monaco Vinpearl? Có thêm tí đô la cho nhà nước là vui rồi. Nhưng anh dân đen có được hưởng lợi lộc gì không thì lại là chuyện khác. Cũng như ông Ông Kim Hak Su, hàm phó tổng thư ký LHQ đã nhận xét:

“Khi chứng kiến cơn sốt chứng khoán tại Thượng Hải (Trung Quốc) khiến nhiều người trở nên giàu có, tôi tự hỏi có bao nhiêu người nghèo đã được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán. Tương tự là với cơn sốt bất động sản, có bao nhiêu nông dân đã được nhờ?”

Ở VN cũng vậy, câu hỏi vẫn có ý nghĩa rất lớn với cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Người dân được hưởng cái gì với những cơn sốt chứng khoán và những việc mua đi bán lại nhà đất mỗi ngày hàng vài trăm tỉ của các công ty?

 

Rắc rối lớn ở Vinpearl

 

Nhưng chưa bàn đến chuyện đó vội. Trở lại với chuyện Vinpearl ngày nay, chưa mở cửa đã có rắc rối lớn rồi. Cứ tưởng là các cơ quan, các nhà nghiên cứu đã tính toán rất kỹ trước khi dự án cầu treo Vinpearl được thực hiện. Không ngờ khi chiếc cầu treo lớn nhất VN đó mang ra sử dụng mới té ngửa ra, nó làm trở ngại cho những tàu biển lớn ra vào cảng Nha Trang. Thế mà người dân cứ tưởng đó là vấn đề sống chết, vấn đề cơ bản nhất khi xây dựng Vinpearl. Một vấn đề rất sơ đẳng mà bất cứ công trình nào cũng phải tính tới. Một công trình như chiếc cầu treo bề thế đó thì càng phải tính toán đến nơi đến chốn hơn. Nhưng không đúng như thế.

Ngày 5-3, đại diện giám đốc cảng vụ Nha Trang cho biết việc tàu biển du lịch Aurora (Anh) không được phép cập cảng Nha Trang là do vướng cáp treo Vinpearl và các qui định điều kiện kỹ thuật của cảng. Từ nay nhiều tàu biển “cỡ trung bình lớn” như Aurora trở lên sẽ “hết đường” được cập cảng biển quốc tế Nha Trang.

Theo nhiều chuyên gia kinh doanh trong lĩnh cực hàng hải và cả các viên chức của cảng vụ Nha Trang, tàu Aurora chỉ là loại tàu biển thuộc “cỡ trung bình lớn”. Tức còn nhiều tàu du lịch biển quốc tế lớn hơn và độ cao tĩnh không cao hơn. Cảng Nha Trang cũng đã từng có những tàu biển có độ lớn hơn cả tàu Aurora hoặc tương tự vào cập cảng này...

 

Các chuyên quên hay chưa học tới?

 

Lý do được các quan chức có trách nhiệm đưa ra là theo số liệu do chính chủ đầu tư tuyến cáp treo là Công ty cổ phần du lịch và thương mại Vinpearl đã thông báo cho cảng vụ Nha Trang thì độ cao thông thuyền của tuyến cáp này bình thường chỉ 45m và tối đa 54m. Do đó tàu Aurora, có độ cao tĩnh không 53m, nếu cộng thêm cả biên độ thủy triều từ 1,5-2m và thêm cả biên độ sóng vào thời điểm tàu đi qua, hoàn toàn không thể nào chui được qua cáp treo.

 

Cũng theo đại diện của giám đốc cảng vụ Nha Trang, tàu Aurora có chiều dài đến 270m, nếu không bị vướng cáp treo cũng chỉ có thể cập được tại một cầu cảng duy nhất là cầu cảng số 3.

Trong khi đó, khoảng cách từ đầu cầu cảng số 3 đến điểm chiếu theo phương thẳng đứng của tuyến cáp treo Vinpearl chỉ chừng hơn 65m, một con tàu có độ dài như vậy được vào cảng thì chắc chắn sẽ có một phần của tàu phải nằm ngay bên dưới tuyến cáp treo.

Điều đó là hoàn toàn không thể được phép, bởi không bảo đảm được an toàn cho tàu, đồng thời nếu tàu bị xê dịch bởi sóng gió sẽ có thể xảy ra va chạm, tác động nguy hiểm cho cả tuyến cáp treo.

Như thế có nghĩa là cả chiều cao và chiều rộng không bảo đảm cho cáp treo. Vậy điều này khi làm kế hoạch, khi tính toán, các ông chuyên viên quên sao? Hay là chưa được học nên chưa biết?

Thế là quan đổ cho huyện, huyện đổ cho tỉnh, tỉnh đổ cho nhà đầu tư, nhà đầu tư nói rằng mình làm đúng luật từng chi tiết. Rồi sau đó vào ngày 2-3-2007, chủ đầu tư cáp treo Vinpearl còn đưa ra thông báo về “các yêu cầu hạn chế khác” đối với tất cả các loại tàu thuyền ra vào vịnh biển và cảng Nha Trang. Theo đó, “trong quá trình vận chuyển neo đậu của các loại phương tiện đường thủy phải tính đến sự trôi dạt, dòng chảy để tránh va chạm vào các trụ, các phương tiện vận chuyển phải luôn cách xa các trụ 50m...”.

Ngay đối với cảng vụ Nha Trang cũng “được” Vinpearl lưu ý: “Trong quá trình sử dụng, chúng tôi sẽ thông báo định kỳ chiều cao tĩnh không để quí công ty có kế hoạch khai thác sử dụng”. Như vậy là cảng Nha Trang và rất nhiều hoạt động liên quan đến hàng hải tại vịnh biển Nha Trang phải chấp hành mọi qui định mà nhà đầu tư tuyến cáp treo Vinpearl đã “ban hành”... Đây là sự quái lạ hiếm thấy. Nhà đầu tư ban hành lệnh cho cơ quan chức năng của nhà nước?!

Dúng là chuyện lẩm cẩm nhất thời đại.

Nhưng chuyện lẩm cẩm vẫn chưa chấm dứt, chắc sẽ còn hứa hẹn nhiều trò hay hơn thế nữa

 

Nha Trang sẽ mất vài chục ngàn  du khách!

 

Ngày 4-3, đại diện tàu du lịch biển quốc tế Aurora (Anh) - đại lý Hàng hải Nha Trang (Vosa Nha Trang) - cho biết: theo lịch đã được hợp đồng, lúc 9g ngày 12-3 tàu Aurora sẽ đưa 2.619 người gồm 1.765 du khách nước ngoài và 854 thủy thủ từ Singapore đến du lịch Nha Trang.

Ngài thuyền trưởng của tàu Aurora thông báo, nếu cảng vụ Nha Trang không cho tàu Aurora đi qua cáp treo Vinpearl để cập cảng Nha Trang thì tàu này sẽ hủy chuyến đến Nha Trang do việc phải trung chuyển du khách lên bờ sẽ gây khó khăn cho rất nhiều du khách là người già và người khuyết tật.

 

Ngày 6-3, ông Phan Xuân Anh - cố vấn Công ty du lịch Tân Hồng, chuyên đón khách tàu biển - cho biết: tính đến thời điểm đầu tháng 3-2007, ngoài tàu Aurora đã có ít nhất hai hãng tàu du lịch quốc tế khác là Oriana, Princess Sapphire thông báo hủy chuyến đến Nha Trang vì vướng cáp treo Vinpearl.

Hầu hết tàu hủy chuyến đến cảng Nha Trang đều là những tàu có trọng tải lớn nên số lượng khách đi trên tàu rất lớn. Trong đó, tàu Aurora trước đây bình quân mỗi năm ghé cảng Nha Trang hai lần với số lượng mỗi chuyến trên 1.800 khách; tàu Oriana gần 1.700 khách, mỗi năm 1-2 chuyến.

Đáng tiếc nhất là tàu năm sao Princess Sapphire với số lượng bình quân trên 3.000 khách và cập cảng Nha Trang mỗi năm từ 3-4 lần. Như vậy, chỉ với ba hãng tàu trên, ước tính sẽ có 15.000-16.000 khách du lịch quốc tế đường biển không thể đến Nha Trang trong năm nay vì vướng cáp treo Vinpearl.

Theo ước tính của giới chuyên môn, bình quân mỗi tàu du lịch cập cảng tại VN các khoản thu chính thức qua các dịch vụ hậu cần như phí bến bãi, tiếp nước, hoa tiêu... khoảng 700-800 triệu đồng.

Tuy nhiên, con số này chưa thấm vào đâu nếu tính các khoản chi phí khác từ du khách trên các con tàu mang lại như: phí đi city tour, mua sắm, ăn uống, giải trí,... ước tính cũng lên đến hàng tỉ đồng mỗi chuyến.

 

Thế nhưng cây cầu treo Vinpearl vẫn được long trọng khánh thành vào ngày 10-3. Hai câu chuyện lẩm cẩm này đã cho thấy trình độ của những cơ quan chức năng VN tới đâu. Khôn lỏi thì khỏi chê, nhưng ngớ ngẩn cũng … hơi nhiều. Xin bạn đọc vui lòng chờ đợi xem diễn tiến tiếp theo của vụ “xử lý” những ngôi nhà trái phép ở Hà Nội như thế nào và chuyện chiếc cầu treo “vĩ đại” Vinpearl sẽ ra sao? Mong rằng không có chiếc tàu biển nào đụng vào Vinpearl để may ra có dịp tôi còn được leo lên chiếc cầu treo đó cho biết mùi đời.

 

Hiện tượng Bi Rain

 

Suốt trong những ngày trước Tết và sau Tết Đinh Hợi vừa qua, tôi “trốn” ở vùng quê, không dám bước chân về thành phố. Cái Tết nhẹ nhàng trôi đi, chẳng cần phải đi thăm viếng ai và cũng chẳng ai cần thăm viếng mình. Như thế cho “yên cái sự đời”. Mãi đến ngày 9-3, vợ chồng ông tu bíp Hà Xuân Du và ông Phong Mắt Nhung mới từ San Jose về VN và ghé chốn quê mùa rừng rú, “bê” tôi về Sài Gòn theo chiếc xe các ông ấy mượn được của một đại gia ở Sài Gòn. Thật ra các ông ấy cũng có “nhiệm vụ” gặp tôi để bàn chuyện mang “một chút tình” của bạn bè ở Mỹ về tặng anh em Thương Binh còn ở VN. Tôi xin tường trình trong một số sau, vì ngày thứ hai 12 -3 chúng tôi mới gặp các anh em TP được.

 

            Tôi nói rõ như thế để bạn đọc khỏi lầm tôi về để đi nghe cậu ca sĩ Bi Rain của Hàn Quốc biểu diễn. Vé hạng nhất tới hơn hai triệu đồng, tôi dại gì đi nghe nhạc cái kiểu ấy. Tính ra mỗi chiếc vé bằng số tiến của một bác thợ làm vườn làm cả năm, không ăn tiêu gì, chứ ít sao.

            Nhưng cái chung cư tôi ở thì mấy cô cậu “tóc nâu môi trầm” có vẻ háo hức lắm. Song dân chung cư thì làm gì có tiền mua vé. Ấy thế mà có cô cậu vẫn cứ đến sân vận động quân khu 7 để “chầu” rìa, may ra vớ được một cái vé “loại siêu rẻ” vì thừa chỗ hoặc nếu có thời cơ thì lẻn vào coi cọp. Và quả nhiên, các cô cậu ăn chơi kiểu con nhà nghèo ấy đã có kinh nghiệm và không uổng công.

 

Phải đi nghe Bi Rain để tự chứng tỏ mình

 

Báo chí Sài Gòn loan tin tơi bời hoa lá, chả biết có vẽ thêm râu ria hay không, nhưng coi bộ “cực kỳ khủng” lắm. Sân khấu thiết kế loại bảnh nhất VN từ xưa tới nay, chưa bao giờ có. Người ta tiêu tốn đến 2 triệu đô la cho cái sân khấu này. Toàn là dụng cụ từ Hồng Kông, Hàn Quốc, Tây, Tàu mang sang với những chuyên viên lành nghề, cũng là người nước ngoài nốt. Gần mấy tháng nay, không khí Bi - Rain đã khiến Sài Gòn náo nhiệt, khác hẳn ngày thường với hàng loạt poster, quảng cáo. Đi bất kỳ đâu cũng thấy hình ảnh chàng Bi và những thông tin về địa điểm bán vé cho đêm diễn. Như thế thì những cô cậu được gọi là “dân chơi Sài Gòn” làm sao không nhào dô để tự chứng tỏ mình là “công nương và thiếu gia” thứ thiệt, chứ không phải hàng “dỏm”. Cậu Bi “ăn khách” cũng vì cái tâm lý này nữa, chưa hẳn là đã có nhiều người thích nghe cậu hát hoặc hiểu được cậu hát cái gì, vì Bi hát tiếng Anh, tiếng Hàn. Đến ca sĩ thứ thiệt ở đây còn không biết, nói gì đến “thiếu gia”.

 Đêm trình diễn của Bi Rain khá thành công. Mặc dù sức chứa của sân vận động lên tới 25 ngàn chỗ, nhưng không bán hết vé. Các tay vé chợ đen tưởng bở, bị một phen méo mặt. Gần đến giờ khai mạc, vé hạ giá rất “bèo”, chỉ còn một nửa so với giá chính thức. Không bán được thì vứt đi chứ để nhai làm sao được. Tuy nhiên, con số khán giả cũng đến gần 15 ngàn người. Cũng đã là một kỷ lục ở Sài Gòn rồi. Chưa có một ca sĩ nào, dù là hạng sao được đón tiếp linh đình như thế, từ sân bay đến nới diễn, các fan cứ bu đầy. Ngay ở khách sạn New World, nơi Bi ở vài ngày, cũng được thuê đầy kín để các fan có thể gặp gỡ thần tượng của mình hoặc “có cảm tưởng” được ở chung với Bi!

 

Sự hấp dẫn của Bi Rain
 

Trước khi đêm diễn bắt đầu, từ 5 giờ chiều, sân vận động quân khu 7 trở nên quá "nóng".  Đến 6 giờ 30, trước sân vận động sôi như chảo lửa khi khán giả đến nhận quà tặng từ hãng Nino Max nhân chuyến lưu diễn của Bi. Cảnh chen lấn hỗn loạn khiến cho việc tặng quà phải ngưng ngang giữa chừng để bảo đảm an ninh.

 Phải công nhận Bi Rain có một sức hấp dẫn rất đặc biệt. Từng cử chỉ, vũ điệu, ánh mắt toát vẻ gợi cảm nam tính tràn sức sống, “hoàng tử Bi -Rain” làm ngây ngất tuổi trẻ Sài Gòn trong show diễn đầu tiên tối 10-3.

Sau một hồi chờ đợi, cùng với tiếng ầm ầm của phi cơ, chàng “hoàng tử Bi - Rain” xuất hiện trong trang phục Hip hop hết sức đáng yêu và hát một mạch 3 bài: It's raining, Touch Ya, Why of all thing. Tiếng reo hò nổi dậy khắp các hướng sân khấu để hưởng ứng cho từng bước nhảy của ngôi sao.

Bi - Rain giới thiệu tour Rain's coming của mình xuất phát từ Hàn Quốc, qua Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Thái Lan và bây giờ đến Việt Nam. Anh luôn miệng nói "Xin chào Việt Nam! Cám ơn các bạn!" với nụ cười đáng yêu và cái nháy mắt tinh nghịch. Trang phục của Bi cũng đủ kiểu từ “bụi” đến trang nhã, lịch lãm. Kiểu nào cũng có, cứ như “thích kiểu nào em chiều kiểu ấy”.

 

Sự láu cá của ngôi sao

 

Anh chàng ca sĩ Hàn này còn tỏ ra rất láu cá. Cứ sau vài bài hát, chàng ca sĩ lại "nịnh" khán giả rất khéo qua những lời tâm sự bằng tiếng Anh: “Các cô gái tôi yêu đều đã bỏ tôi ra đi. Chỉ còn các bạn ở lại ... Vì vậy, tôi có thể gọi các bạn là những người yêu bé nhỏ của tôi được không? Những người yêu bé nhỏ ơi, bây giờ là các ca khúc dành tặng các bạn.

 

Ôi, nghe “mùi đứt ruột” như ca vọng cổ xuống xề vậy

Không như hầu hết ca sĩ Việt Nam thời nay, cứ mở màn bằng một “lời chào trân trọng nhất”, như đã thành khuôn mẫu, ít có “sao” nào sáng tác được một câu hay hơn thế.

Tôi không có nhiều thì giờ phân tích kỹ hơn về hiện tượng Bi Rain này của những người trẻ tuổi ở Sài Gòn. Tôi cũng không nói nó là tốt hay xấu, là niềm vui hay nỗi buồn của nền văn hoá hiện tại. Nhưng 2 đêm trình diễn của Bi Rain đúng là một hiện tượng của sân khấu ca nhạc tại VN. Chắc chắn nó sẽ làm thay đổi khá nhiều cho những cái gọi là “live show” của những sao mờ sao sẹt ở đây. Bởi sau hiện tượng Bi Rain, những thứ đó sẽ bị cậu Bi đẩy vào hậu trường, sẽ bị khán giả coi là “lạc hậu”.

Văn Quang