tranh Rừng Kinh Dương Vương


 

Vũ Đình Kh.

 

kiếp người

 

                                                                                                                         

 

     Như mọi buổi sáng.

         

     Mặt trời vừa ló chưa quá nửa ngọn cây muồng trước nhà, ông giáo Thanh thay bình trà, uống từ lúc trời còn mờ đất, cắp cuốn sách ngang nách ra vườn cây. Sáng nay, ngồi chưa nóng chỗ, ông đã nghe tiếng vợ gọi:

    

     - Ông ơi, có phải lại ở ngoài vườn không đấy? Tôi đi chợ đây, ông ra khóa dùm cái cổng nhé?

    

     - Bà để đó, tôi ra ngay. Hôm nay có phiên chợ à? - Ông giáo Thanh hấp tấp lật cuốn sách, dấu trong lưng quần, đi ra.

   

     - Mấy tháng nay, tôi thấy ông lạ quá! Ông có điều gì trăn trở, mà sáng nào cũng ra vườn cây uống trà, đọc sách? - Bà giáo đứng cạnh đôi thúng, tay cầm cây đòn gánh nhìn chồng.

    

     - Tôi có việc gì đâu mà phải trăn trở hở bà? - Ông dối vợ.

   

     - Vâng. Ông lúc nào chả nói vậy! Mà mấy tháng nay ông đọc sách gì, tôi thấy ông ra vẻ nghiền ngẫm dữ?  

 

     Ông giáo Thanh ú ớ...

    

     Bà tiếp:

   

     - Thôi, tôi đi chợ đây!

    

     Ông vội vã theo chân vợ ra khóa cái cổng. Dạo này, ông như kẻ lén lút làm điều phi pháp! Làm việc gì cũng nhìn trước, ngó sau. Dù căn nhà ông nằm khuất trong một con đường mòn nhỏ, trước nhà là cây muồng lớn, đang nở hoa vàng rực một khoảng trời, che kín cả cái cổng lớn và khoảng sân trước nhà.

     

     Dạo đó, ông có người cháu từ Mỹ về, biếu vài cuốn sách Thiền và cho biết rằng dưới phố Thành có ông Bảy Tần là người đại diện của phái Thiền này, cách đây hai năm. Nghe thì nghe vậy, vì ông biết đã lâu. Ông tự tom góp một số bạn bè quen biết tập tành ngồi thiền. Nhưng chưa bao giờ ông xuống phố để hỏi ông Bảy Tần về chi phái này. Cảnh sát cũng biết lờ mờ, nhưng cũng lờ đi vì dù sao ông Bảy Tần cũng từng là cán bộ cơ sở về hưu. Bây giờ đã là thời đổi mới, ai ai cũng thờ cúng trong nhà, đi nhà thờ, chùa chiền dâng hương công khai. Ngay cả cán bộ cao cấp cũng vậy. Người ta coi thờ cúng là một cái mốt mới, thời thượng nhất. Bao năm dưới thời bao cấp, mọi sinh hoạt tưởng gần như chỉnh chu. Nay bung mở với kinh tế thị trường, con người sống như nằm trong rọ lâu năm, nay phóng mình ra hớp không khí. Tham nhũng như một cơn dịch thời đại. Nạn cướp bóc, cướp của giết người, đĩ điếm tràn lan. Người giàu càng giàu hơn, vì biết chạy chọt mánh mung, buôn bán. Nghèo thấp cổ bé miệng, như vợ chồng ông giáo Thanh ngày càng nghèo hơn, chỉ biết bám vào mảnh vườn làm kế sinh nhai, sống qua ngày. Người giàu cứ tin tưởng đất nước ngày càng thay da đổi thịt; và kẻ nghèo thì lại đâm ra tự ti bởi cái hố ngăn cách ngày một sâu.

    

    Từ lúc có cuốn sách trong tay, ông giáo Thanh lén lút vợ tự hành công. Ông sợ bà biết; ông đã là con chiên tôi trung của Chúa gần suốt cả đời người. Cái tin ông Bảy Tần, mới ngồi thiền không lâu đã nở bộ đầu, thấy tử hà sa, rồi... 'phiêu diêu nơi miền cực lạc', làm một số đạo hữu tu tại gia bàn tán càng làm ông giáo Thanh nôn nóng thêm.

    

    Cái nghĩa 'phiêu diêu nơi miền cực lạc' theo lời các đạo hữu rỉ tai, là ông Bảy Tần xuất thần hồn khi ngồi tập trung tinh khí thần ở nhân trung. Khi đó phần hồn ông Bảy Tần, ly tán rời khỏi thân xác phàm trần. Ông thường khoe: Ông đi trên mây, lướt ngang gió phiêu phiêu, ào ào trong hư vô.

    

    Ông giáo Thanh tay cầm cuốn sách, do một Linh Mục Công giáo viết trước 75, nay được in ấn lại ở ngoại quốc, làm ông suy nghĩ mông lung. Quả thật, ông cũng muốn bỏ Chúa luôn mà theo lối thiền đầy quyến rũ này. Ông cũng biết, bên Tây Tạng, xuất hồn vía hay đầu thai kiếp sau của những vị Phật sống là có thật và gần như bình thường.

     

    Tay cầm cuốn sách, ông tự nhủ hôm nào rảnh rỗi, sẽ đạp xe xuống phố làm quen ông Bảy Tần.

     

    Bấy lâu ông vẫn có thời gian kia mà! Vậy sao chưa chịu đi? Có cái gì đó khó chịu trong ông? Ông chịu! Ông giáo Thanh lật mấy trang sách, chăm chú đọc.

    

    Những cánh bướm bay chờn vờn trong nắng ấm, thi thoảng đáp xuống tách trà đã nguội. Ông lãng đãng quơ tay đuổi. Ông đang say mê cuốn sách, như một người lâm mê hồn trận, dù biết mình bị lạc.

 

 

     Ông Bảy Tần lót cái gối đệm bông dưới sàn nhà, trước khi ngồi xuống. Ông ngồi ngay ngắn, hai chân xếp kiểu kiết già, chân này tròng lên chân kia ngang bắp vế trắng hếu, trông khó coi với thân hình vốn đẫy đà ở tuổi 60. Như một vị chân tu chính thống, ông nghiêm trang nhìn quanh, các bạn đạo trong căn phòng khách im ắng. Rồi ông bắt đầu giảng về cách hành công khi tham thiền. Làm thế nào hít cho đầy hơi trong đơn điền rồi dẫn lên ngực, tung lên bộ đầu, để đưa trược điển ra ngoài lấy thanh điển vào trong cơ thể... Sau đó, ông bắt đầu thuyết pháp liên tu bất tận, những sở kiến bấy lâu ông nghiên cứu, gặt hái lúc ngồi tham thiền nhập định. Càng lúc, ông càng nói trơn tru như thoa mở, không vấp váp mảy may, với những từ hoa mỹ thật khó hiểu của nhà Phật, của kẻ tu đạt cao, như có thể nói cả ngày. Nhìn ông thuyết pháp, khó ai đoán rằng, ông đã từng là một cán bộ nhà nước trước kia.

    

    Mấy ông già xấp xỉ trên dưới sáu mươi, ngồi ngay ngắn lắng nghe những lời của một đạo hữu may mắn đi trước, truyền đạt lại. Họ nghe từng lời để nhớ, để ghi vào bộ óc vốn đã bắt đầu hay quên.

     

    Đó là mấy ông già có cuộc sống nội tâm bất an hoặc ăn không ngồi rồi. Từ đó họ tự đi tìm đường tu, hầu mong nội tâm được lắng dịu phần nào. Họ bắt đầu bước vào cõi vô hình, để bám víu. Trong số đó, có ông giáo Thanh.

   

    Cuộc sống càng sa đọa, con người càng bám víu lòng tin vào hư vô hơn. Một nơi thiêng liêng có đấng tối cao trong trời đất, vũ trụ bao la này? Hơn bất cứ thứ gì có ở trên đời. Ông nghĩ, con người sống mà không có niềm tin thì sống ở trên đời này làm gì? Sinh lão bệnh tử chẳng qua là định luật tuần hoàn của vũ trụ bao la trời đất hoặc của một đấng tối cao, linh thiêng nào đó. Nhưng sống mà chết mòn, cơ cực trong sự nghèo đói thì ông chẳng muốn. Thà rằng chết cho ra chết, sống phải ra người, thì mới toàn vẹn. Dẫu có cơ cực nhưng tự bản thân cảm thấy thoải mái tinh thần với cuộc đời trước mặt là đủ. Phàm làm người ai cũng có thất tình lục dục. Xã hội càng cơ cực, nhố nhăng con người lại sinh ra lòng tham. Tham của cải vật chất để cuộc sống khả quan hơn. Tham cái ăn cho bao tử đỡ bớt cồn cào. Và có một số người tham sống! Đó là ông giáo Thanh. Tham sống ở đây có nghĩa là tham sống một cuộc đời chân chất, nội tâm lắng dịu, chứ không phải tham sống sợ chết! Nhưng cuộc sống bên lề xã hội đã và đang phá sản mọi thứ! Mà nhất là tình người tốt đẹp tưởng như hằng cửu của con người Việt Nam qua mấy ngàn năm, nay bỗng dưng xáo trộn ngược ngạo. Ông lại đâm ra cái tham khác - Sự tín ngưỡng từ một tín ngưỡng khác! Con người quả lạ đời như ông nghĩ! Không lúc nào hài lòng chính mình và ông biết ông không luôn luôn hài lòng.

    

    Ông Bảy Tần nói:

   

    - Tôi đã đi tới cõi vô hình mà với mọi thứ tín ngưỡng tôn giáo đều như nhau. Chỉ có cõi trần vì có quá nhiều người mê muội nên mới phân biệt đạo này với đạo kia, giáo phái này với giáo phái nọ, chủ nghĩa này với chủ nghĩa kia để mà chém giết nhau, dành nhau vì một cái đỉnh chung: Tiền tài, danh phận!

    

    Ông giáo Thanh nghĩ, không biết ông Bảy Tần nói có thật không? Tuy nhiên, cái cảnh xuất phần hồn 'phiêu diêu nơi miền cực lạc' bất cứ lúc nào của ông Bảy Tần, làm ông giáo Thanh mê mệt. Ông nghĩ đến một khi thành đạt rồi, ông sẽ xuất hồn đi về cõi vô hình! Để gặp Chúa Giê Su và kể Ngài rõ về nổi khổ đau của loài người.

    

    Mấy tháng nay, lén lút tu một mình, ông thường e thẹn cả nghĩ. Làm người đàn ông cột trụ gia đình, lại có những hành động mờ ám, thì chẳng ra cái thể thống gì. Chẳng khác nhân vật Nhạc Bất Quần trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung! Trốn vợ, trốn bỏ trách nhiệm của một đời sống con người vốn giàu tình ái, đêm đêm lẻn ra bờ rừng luyện tịch tà kiếm phổ! Để rồi trở thành người đàn ông bất lực, bán nam bán nữ. Nhân vật Nhạc Bất Quần vì quyền lợi và danh vọng mà hủy cả sự nghiệp một đời dựng nên. Riêng ông có sự nghiệp gì? Ông tự hỏi, và biết; ngoài cái không sự nghiệp, ở ông là cả một trời đau khổ, lao lung về đạo về đời.

     

    Tiếng ông Bảy Tần vang vang làm ông giáo Thanh giật mình:

     

    - Thưa ông giáo. Ông đã bỏ công ngồi thiền lâu nay, ông có thể san sẻ cho các đạo hữu quanh đây vài suy nghĩ hữu ích?

    

    Mấy ông đạo hữu già, nãy giờ nghe giảng thuyết chỉ hiểu lơ mơ, vì cách hành công quá mới, nhiêu khê. Họ hồi hộp chờ nghe câu trả lời của ông giáo Thanh. Dù sao, ông giáo Thanh vẫn là người công giáo. Một người công giáo lâu đời như ông, trước khi dò dẫm qua một tín ngưỡng khác chắc phải đắn đo lắm.

 

    - Thú thật cùng các đạo hữu. Từ lúc ngồi thiền hơn tháng, tôi cảm thấy nội tâm yên tĩnh hơn. Nhiều khi, tôi muốn bỏ tất cả thời giờ rãnh rỗi để ngồi tịnh tu cho yên tâm phần hồn. Nhưng cuộc sống trước mắt làm con người mù quáng vì tiền, cái gì cũng dám làm đã tạo nên một xã hội đầy lo âu. Cho nên nó cũng hệ lụy tới gia đình, con cái. Thành thử muốn có dư thời giờ, ngồi tịnh tu một mình cũng hơi khó. Nhưng bắt đầu từ hôm nay tôi nhất quyết theo lối thiền này!

   

     Mấy ông đạo hữu già hả hê, khi ông giáo Thanh, một người có ăn học, gõ đầu trẻ mấy chục năm dài, phân bua. Họ chỉ cần nghe được bấy nhiêu. Họ thấy may mắn đi đúng con đường mà họ cho là chân pháp!

    

    Ông giáo Thanh, sau khi phát biểu 'lời cảm tưởng', ông cảm như cái tự kỷ ám thị bám riết ông nhiều hơn. Nội tâm yên tĩnh? Sao ông lại đòi hỏi phải xuất phần hồn cho mau, để gặp những đấng tối cao nào đó, như Chúa Giê Su chả hạn?

    

    Cái tự kỷ ám thị, nhiều lúc nó giúp ông suôn sẻ nội tâm đang bung xung mọi điều của cuộc đời . Nhưng nhiều lúc, nó muốn dìm sâu ông vào vũng bùn đen tối, lừa gạt thị hiếu và cảm nghĩ làm tri thức thêm đậm đặc khó bứt thoát. Ông biết, ông chưa cảm thấy nội tâm yên tĩnh chút nào. Ông giáo Thanh không tin những điều ông vừa nghĩ ra. Ông mong rằng, ấy chẳng qua là những suy nghĩ tầm phào từ một não bộ đang bắt đầu suy nhược.

                                                                 

    

    Căn gác nhà ông Bảy Tần, nằm dưới những tán dừa, rào rào mỗi khi gió thổi. Cứ mỗi cuối tháng, ông lén lút tổ chức một cuộc họp mặt đặc biệt về đêm với các đạo hữu. Ông Bảy Tần ngồi kiết già, nhìn quanh các bạn đạo tuyên bố:

    

    - Thưa các đạo hữu. Trong các giờ, giờ Tý là giờ thuần khiết nhất, tốt nhất để chúng ta cùng hành công. Tôi gọi đó là phương pháp công phu trợ điển. Người này giúp người kia tạo thành một dòng điện lớn xoay tròn, để đưa cái trược điển trong cơ thể ra ngoài, và lấy cái thanh điển của trời đất vào. Và giờ Tý cũng là giờ âm thịnh nhất, nên những oan hồn quanh quẩn đây rất nhiều! - Ông ngưng nói, hỏi ông giáo Thanh - Thưa ông giáo! Thông thường ông xả thiền theo cách thức thế nào?

   

    - Thưa, hai tay như niệm Phật, chà xát vào nhau hướng về phía trước, hai chân cũng chụm lại chà xát vào nhau...

    

    - Ý, như vậy không đúng ông giáo ạ! - Ông Bảy Tần cướp lời, hoảng hốt. - Khi ông chụm hai tay chà xát vào nhau, thì những luồng điển trong thân thể ông từ đó thoát ra hai bàn tay bắn về phía trước. Luồng điển có thể giết chết những oan hồn, nếu trúng họ. Những oan hồn quanh đây, chúng chỉ tò mò và muốn khuấy phá chúng ta mà thôi, chớ chẳng hại gì! Vì vậy, khi chà xát hai tay, ông giáo nên đưa thẳng lên trời!

    

    Ông giáo Thanh ừ hử. Ông định hỏi: ma quỷ đôi lúc đi lang thang dưới đất, ắt hẳn cũng có lúc bay vớ vẩn trên trời cao. Ông chưa kịp hỏi, bỗng có tiếng leng keng. Ông Bảy Tần nhìn cái chuông:

    

    - Thằng cháu nội tôi, từ dưới nhà giật giây báo hiệu có chuyện gì xẩy ra. Các đạo hữu cứ tự nhiên ngồi nói chuyện, đừng náo động.

   

    Đám cảnh sát ùn ùn leo lên thang gác. Họ vừa chạy vừa la: "Đứng yên, không được chạy!"

    

    Chạy đi đâu trong căn gác nhỏ này, khi chỉ có một cái cầu thang, trống hốc bốn bề mà cảnh sát đang lên? Ông giáo Thanh nghĩ chưa hết, đã thấy đám cảnh sát năm người nhập vào căn gác. Cảnh sát bây giờ không mang súng mà mang dùi cui và gậy điện. Một gã hăm dọa:

 

    - Ngồi im! Gậy điện ghê lắm! Chích vào là giật bắn người ra xa đấy!

 

    Ai nghe cũng gờm, riu ríu ngồi im. Ông Bảy Tần đứng dậy:

 

    

    - Các anh xông vào nhà tôi là ý gì đây? Có giấy lệnh khám nhà không, mà dùi cui gậy gộc đầy người? Đây là thời đổi mới rồi, biết không!

    

    - Đổi mới nè! - Gã cảnh sát trẻ hung hăng bấm nút cây gậy điện dí vào người ông Bảy Tần. Không biết ông làm phép bằng cách nào, cây gậy điện phản ứng ngược, dòng điện chạy trở qua thân người cảnh sát, làm gã la ré lên. Gã quăng gậy điện, chạy xuống cầu thang. Mọi người ngơ ngác há miệng nhìn ông Bảy Tần, khâm phục.

    

    - Hừm. Đúng là pháp thuật tà ma! - Một cảnh sát kinh ngạc la lên, rồi tiếp - Chú Bảy! Chú dùng pháp thuật tà ma hại nhân viên chính quyền hén!

    

    - Tao làm gì có pháp thuật mà hại nhân viên cảnh sát. - Ông Bảy Tần lúng túng.

   

    - Chú không dùng pháp thuật mà thằng Tứ nó la ré lên và chạy như bị ma đuổi?

    

    - Có những việc, tụi mày biết rõ hơn tao!

    

    - Chú không được nói nhiều. Chú có biết từ ngày nghỉ hưu, chú lập ra cái 'am' này quyến rũ người đời lắm sao? Tôi mời chú và tất cả mọi người về đồn cảnh sát. Đi mau!

    

    Gã cảnh sát trưởng toán dí dí cây gậy điện sát người ông Bảy Tần hăm dọa. Ông đành tuân phục, không ra oai như ban nãy. Ông giáo Thanh cũng làm theo. Đây là lần đầu tiên, ông thấy ông Bảy Tần ra phép thần thông! Bấy lâu nay đọc sách và nghiên cứu thiền, ông nghe nói về "điển", theo nghĩa đen của nó mà không biết ra làm sao! Nay ông biết điển là một cái gì ghê gớm lắm. Không hình không sắc. Nó là sức mạnh của thần linh!

 

                                                                                                                                                   *

 

    

     - Ông làm sao vậy? Ông đi đâu một ngày một đêm không cho tôi biết. Mà sao ông lại phờ phạc thế kia?

    

    Ông giáo Thanh ho từng chập, tránh câu hỏi của vợ. Sau, ông nói:

    

    - Tôi đi thăm bạn, vui quá mà quên báo bà hay!

    

    - Chúa ơi! Ông uống rượu?

   

     - Vâng! Tôi có uống chút chút. Bằng hữu mấy mươi năm mới gặp, vui quá, hơi quá chén.

   

     Bà giáo thở dài, thông cảm nhìn chồng. Bà biết bấy lâu, ông sống như vậy cũng tội nghiệp. Hơn hai mươi năm, ông uất ức chỉ vì cái lý lịch công giáo, mà bị cho nghỉ dạy. Ông chưa nổi điên là cũng may cho cả gia đình lắm rồi. Biết vậy, bà chìu chồng đến lơ là thăm hỏi ông, như thể sợ ông mủi lòng. 

   

     - Ông nên nghĩ đến sức khỏe. Bây giờ ông ho, rồi lại đổ bệnh thì khổ đấy. - Bà giáo bóp hai vai chồng, lủi thủi đi vào nhà.

    

    Gió vẫn thổi trên những ngọn cây muồng hoa vàng rực. Ông giáo Thanh nhớ câu chuyện đêm qua. Ở khu phố, các nhà xung quanh, cứ thấy lâu lâu, vào cuối tháng không trăng, căn gác trên cao không cửa sổ của nhà ông Bảy Tần lù lù nhiều mạng người, cứ ngồi im như thóc hằng mấy giờ đồng hồ. Người ta ngỡ là ma, nên báo cho chính quyền biết! Mới xẩy ra cớ sự cả đám người bị bắt oan một đêm ngủ với muỗi! Sau một buổi sáng bị hỏi cung, trước khi chia tay nhau, ông Bảy Tần khuyên mọi người nên ẩn nhẫn một thời gian chớ nên vọng động, kẻo chính quyền để ý. Ông khuyên ông giáo Thanh, bớt hành công khi chưa thông suốt về thiền! Ông giáo Thanh ừ hử mà não cả lòng trước khi chia tay ai về nhà nấy.

 

 

                                                                                                                                                   *

 

 

    - Nguy rồi, anh Bảy ơi! Nguy rồi...

      

    Ông Bảy Tần đang ngồi đọc báo sát lề đường của khu phố, nghe tiếng kêu từ xa, ông bỏ tờ 'Tuổi Trẻ', nhìn người vừa kêu ông. Ông bạn đạo vừa ngừng xe đạp, vừa thở, làm ông Bảy Tần cũng lo theo. Đó là ông Chín xe lam, ngồi thiền cũng khá lâu và rất thân gia đình ông Bảy Tần.

    

    - Có chuyện gì vậy anh Chín? Vào đây ngồi nghỉ, hẵng nói.

    

    Ông Chín xe lam ngồi xuống ghế đẩu, lấy cái nón nỉ cũ mèm rách vài lỗ trên vành, quạt lia lịa. Mặt ông đỏ gay, mồ hôi mồ kê tươm ướt hai bên thái dương lan xuống cổ áo sơ mi trắng đang ngả ra màu vàng ỉn. Ông Bảy Tần ái ngại, chờ ông già quạt cho ráo mồ hôi, đoạn hỏi bạn:

    

    - Nắng thế này, anh đạp xe xuống đây kiếm tôi có việc chi, anh Chín?

   

    - Ông giáo Thanh bị 'tẩu hỏa nhập ma', anh Bảy ơi!

   

    Ông Bảy Tần giật mình. Ông giắt cây bút ngang vành tai ngó sững bạn, đoạn đứng dậy. Ông đi tới đi lui miệng lẩm bẩm:

    

    - Tôi đã bảo rồi. Nếu chưa thông thì đừng tự ý ngồi thiền một mình. Ông giáo làm gì mà hấp tấp dữ vậy. Vì điển không đủ mạnh để đánh mấy con ma ra xa. Giờ rước lấy thảm họa! Thiệt là...

    

    Ông Bảy Tần chợt nhớ tới trường hợp của chính ông. Ông thường hãnh diện khoe, mấy năm trước, ông tình cờ gặp được cuốn sách nói về thiền, từ tay một người bạn ở Sài Gòn. Được cuốn sách, ông cũng tò mò như bao người là nghiền ngẫm đọc và hành công một mình không ai chỉ dạy. Nghĩ vậy, ông đành im!

    

    - Làm sao bây giờ, anh Bảy?

    

    Ông Bảy Tần không trả lời bạn, hỏi ngược lại:

    

    - Anh biết nhà ông giáo?

     

    - Thưa không. Tôi chỉ gặp ông giáo Thanh có một lần đêm ấy, từ đó bặt tin luôn. Chuyện như thế này... Hồi sáng lúc đang chạy xe, tôi có gặp ông giáo Thanh đi dạo mát trong sân nhà thờ. Ổng vừa đi, vừa cầm gậy, chích vào đít mấy đứa nhỏ trong nhà thờ, rồi hỏi: "Có thấy điển của tao không? Nó mạnh lắm nhá! Còn hơn cây gậy điện của cảnh sát!" Tôi thấy lạ ngừng xe hỏi, thấy ông ăn nói lạng quạng lắm. Tôi nghĩ, ông giáo Thanh bị 'tẩu hỏa nhập ma' như dạo nào chính tôi mắc phải. Tôi định bỏ xe dắt ổng về, nhưng bà con trên xe la ó dữ quá. Xe vừa vào bến là tôi vội vã lấy xe, đạp xuống báo anh ngay.

    

    Ông Chín ngừng nói để thở, nhìn ông Bảy Tần lo lắng.

    

    Ông Bảy Tần lặng im; chợt nhớ đến vụ ông Chín xe lam cũng bị 'tẩu hỏa nhập ma' cách đây hơn năm về trước.

    

    Hồi đó, ông ngồi thiền, đâu được vài tháng. Ông Chín xe lam ở trên Thanh Minh, nghe phong phanh, liền xuống so tài đọ sức, đấu khẩu về đời về đạo. Ông Bảy Tần cũng nghe nhiều người nói, ông Chín xe lam thuộc loại hàng 'sư tổ' về bùa phép gì đó. Mặc dầu nghề tay phải của ông là tài xế xe lam sáng đi chiều về. Nhưng ông cũng lập ra một cái am nho nhỏ. Ông làm chủ tự! Cuối tuần lên đồng xuống bóng, trừ ma đánh quỉ cứu vớt chúng sanh. Được một năm chính quyền địa phương phát hiện. Cũng may, ông không bị đưa đi học tập cải tạo. Dù sao, nơi ông cư ngụ, có một số người vẫn còn tin vào mấy lá bùa rất linh mà ông thường nói, dấu kín ở xó nhà, chờ có dịp sẽ xài. Trong cuộc họp ở phường, dân xóm vẫn còn nghĩ đến cái tình dạo nào mà nương tay, nương miệng, tha cho ông cái tội mê tín dị đoan, tào lao thiên địa. Ông bỏ nghề một thời gian. Nhưng chứng nào tật ấy, cái máu 'văn nghệ đồng bóng' vẫn còn luân lưu mãi trong cơ thể đầy nhang của ông. Một hôm chở khách, ông tình cờ nghe loáng thoáng câu chuyện giữa hai người đàn bà, nói về ông Bảy Tần ở dưới phố Thành đang theo thiền cái đạo gì đó. Ông suy luận rằng: Con người trần tục thuộc về cõi dương thì làm sao có thể xuất hồn đi vào cõi hư vô? Mà nơi đó là cõi âm, cõi của ma quỉ và cả thánh thần hiển linh. Theo kinh nghiệm của ông, thường chỉ có cô Ba, cậu Bảy hay một oan hồn linh thiên nào đó ở cõi âm, vì hiển linh mới có thể nhập vào thân xác phàm trần được. Bằng chứng là ông đã cầu không biết bao nhiêu vụ trước kia mà đồng cứ nhẩy liên tục không ngừng nghỉ. Trưa đó, sau chuyến xe về bến dưới phố, ông Chín xe lam vội vã tới nhà ông Bảy Tần đàm luận về đạo pháp.

    

    Lúc đầu vừa nhìn thấy mặt ông Chín xe lam, theo kinh nghiệm bản thân, ông Bảy Tần biết ngay rằng người đàn ông này bị u mê ám chướng rất nặng, cần được trị tức thời, mới mong thoát khỏi tai ách. Ông liền đem thuyết pháp của đạo ông, giảng cho ông Chín xe lam nghe. Nghe một chập, ông Chín xe lam cũng cố cãi chầy cãi cối không tin. Đôi bên cứ khư khư bảo đạo pháp của mình. Ông Chín ra vẻ bực tức, đội mũ hẹn một ngày nào đó sẽ trở lại đàm đạo lần nữa. Trước khi ra về, ông hỏi ông Bảy Tần cho mượn cuốn sách nói về thiền để nghiên cứu thêm. Từ đó, với cuốn sách trong tay, ông Chín xe lam bỏ hết thời giờ còn lại tham thiền nhập định. Ông 'tham' thiền đến nỗi, một buổi sáng sớm đẹp trời, trên chuyến xe từ Thanh Minh chở bà con cô bác xuống chợ bán hàng quà, cây trái như thường lệ. Đột nhiên ông ngừng xe tắt máy, xuống lề đường ngồi tham thiền nhập định, mặc bà con kêu gào mỏi miệng. Một mụ nạ dòng ban đầu còn năn nỉ ỉ ôi, rồi đến chửi, thấy ông không nhút nhích liền đạp cho ông mấy cái mới thôi. Từ đó, cứ vài ba ngày là xẩy ra chuyện. Và mỗi ngày, ông Chín xe lam ngồi thiền lâu hơn, mặc sự hối thúc, chửi rủa vì sợ trễ sẽ ế hàng họ. Xe cộ thời bao cấp còn hiếm hoi, nhất là ở quận lỵ nhỏ như Diên Khánh này. Cả quận được ba chiếc xe ạch đụi như ba bà già hom hem sắp tới ngày xuống lỗ! Tài xế muốn làm gì thì làm, chẳng nể vì một ai, ngay cả cán bộ đi công tác. Cho đến một hôm, một bà nhà quê chịu không nổi nữa, đập cho ông Chín xe lam cây đòn gánh vào lưng khi ông đang ngồi tham thiền, phải đi nhà thương. Chừng đó, mới đến tai ông Bảy Tần.

    

    Nghĩ đến chuyện xưa, ông Chín xe lam và ông Bảy Tần nhìn nhau ái ngại...

 

         

                                                                                                                                      *

 

    Buổi trưa, bà giáo đang ngồi ăn cơm một mình thì nghe tiếng gọi cổng. Ông Bảy Tần với thằng cháu nội xuất hiện:

   

    - Thưa bà! Tôi dò hỏi quanh xóm, bà con cho biết đây là nhà ông giáo Thanh? Tôi là bạn ông ấy không lâu, nhưng khá thân!

    

    Bà giáo ngơ ngác mở cổng, chào khách dẫn vào nhà. Bà phàn nàn, ông giáo dạo này ăn uống thất thường, đi lang thang những buổi trưa và tối. Chỉ có trưa nay, không hiểu sao ông cu rú trong phòng và dặn bà ăn cơm trước để ông yên. Ông Bảy Tần tai vẫn nghe, chân cứ bước đều theo bà giáo vào phòng khách. Đến cửa phòng chồng, bà đưa tay gõ mấy tiếng. Không thấy tiếng trả lời bên trong, bà lại gõ tiếp, mạnh và nhanh hơn. Lần này, tiếng ông giáo Thanh vang ra, bực dọc:

    

    - Bà đấy à? Đã bảo để tôi yên tĩnh cơ mà. Dặn bao lần rồi!

    

    Bà giáo Thanh nhìn ông Bảy Tần, như muốn chứng minh lời bà nói.

    

    - Có ông Bảy dưới phố lên thăm ông.

    

    Có tiếng sột soạt mặc áo. Rồi tiếng lê dép lẹt xẹt nặng nề đi ra. Ông giáo Thanh mở cửa. Thấy ông Bảy Tần, ông kéo bạn vào phòng, trước cặp mắt ngơ ngác của vợ. Vừa đóng cửa, là ông khoe ngay:

 

    - Nè, anh Bảy! Mấy hôm nay, tôi đã xuất hồn được rồi anh ạ. Tôi có gặp cả Chúa. Ngài bảo, thế nào tôi cũng sẽ được đi dạy học lại như xưa. Anh cũng thấy đó, xã hội bây giờ rặt một lũ mất dạy. Sự giáo dục ngày càng lơ là và người ta đã không coi trọng cái nghề giáo như trước kia. Còn nữa, tôi sẽ là một con chiên ngoan đạo tôi trung với Chúa, để hằng ngày quét dọn nhà thờ, đốc thúc bà con đi cầu nguyện và xưng tội thường xuyên hơn, kẻo Ngài trách. Chúa ơi! Con xin cám ơn Ngài.

 

    - Ông giáo? Ông không sao chớ?

 

    - Vâng. Tôi vẫn khỏe, vẫn hành công suốt ngày, anh ạ. Mảnh đất này là cái chi, mà con người thích tranh nhau, rồi hành hạ nhau quá nhỉ? Tại sao con người ta không nghĩ tới những điều thiện để làm, khi cái vũ trụ này nó tươi đẹp, bao la quá. Ai Vua, ai Chúa? Ai công hầu danh tước? Để rồi được gì, khi mỗi người chỉ còn một nắm đất trơ xương! - Ông giáo Thanh ngừng nói. Ông chạy vào xó phòng, lấy cây gậy. Ông thọc gậy vào bụng ông Bảy Tần:

   

    - Anh coi điển của tôi nhé! Coi nè. Nó mạnh lắm! Chẳng thua gì cái gậy điện của tụi cảnh sát quận đâu nhé! Truyền điển! Truyền điển! Lũ con nít nó sợ, chạy vắn khói đít, anh Bảy ơi!

    

    - Ông ơi, ông làm gì trong đó mà ăn nói kỳ cục? - Bà giáo đứng ngoài, mếu máo nói vọng vào.

    

    - Điển đâu? Điển đâu, sao không thấy? - Ông giáo Thanh chọc chọc cây gậy vào bụng bạn. Thấy ông Bảy Tần vẫn đứng yên không chạy tán loạn như lũ trẻ hồi sáng, ông thất vọng quì xuống - Trời ơi, như vậy là anh còn cao hơn tôi một bậc, anh Bảy ơi! Làm sao mà bọn cảnh sát nó sợ tôi? Để tôi an thân tu thiền mà sống cho qua ngày?

   

    Nghe ông giáo Thanh nói một hồi, ông Bảy Tần chợt nhớ tới nhiệm vụ của mình. Ông nhìn thẳng vào mặt ông giáo. Đôi má ông giờ đây teo tốp khô khan, lưỡng quyền đưa cao hết cả thịt. Hai hốc mắt sâu hom hóm thất thần, mất vẻ tinh anh mà cách đây mới có mấy tháng, lần đầu tiên ông Bảy Tần gặp bạn. Và nhất là cái trán, trải dài một lằn đen mờ thẳm! Chỉ có những con mắt 'nhà nghề' như ông Bảy Tần họa may mới nhìn ra. Ông Bảy Tần biết, ông giáo Thanh nôn nóng được xuất hồn đi vào cõi vũ trụ mênh mang. Ông nhìn bạn, lắc đầu:

    

    - Tôi đã khuyên ông nhiều lần, ông giáo ơi. Dục tốc bất đạt. Phải hiểu rằng, mình có căn duyên hay không? Muốn xuất hồn ngay đâu có được. Tu luyện đêm ngày chỉ hại bản thân, ông ạ. Sắc sắc không không. Có tức thị không. Không tức thị có. Cuộc đời này chỉ là hư hư, ảo ảo. Ông giáo ơi, ông đã từng dạo quanh nhà, để nhìn ngắm những loài hoa; nhưng ông đã nghĩ được điều gì chưa? Tuy rằng cuộc đời có nhiều hệ lụy phiền não, nhưng bên cạnh ông đâu đó quanh đây; có những cái đẹp mà đấng tạo hóa đã ban cho. Ông đã không nhận ra chân giá trị của cuộc sống vì có quá nhiều đè nén.

         

    - Giá trị gì, khi con người là một lũ thối tha?

 

    - Trong cái thối tha, có cái nhiệm màu. Đó là lẽ đời thị phi! Tôi đã khám phá ra điều kỳ diệu. Rằng, những đóa hoa, có những mùi hương khác nhau. Cũng như mỗi con người, cũng có những mảnh đời suy nghĩ khác nhau. Nhưng chung qui mọi loài, đều có mầm sống, sự sống. Như vậy, tại sao ông lại đi hủy những mầm sống, sự sống mà ông đang có trong người, bằng những ràng buộc, bắt ép một cơ thể phải làm những điều mà trí óc ông ham muốn xúi dục?

    

    - Cái gì xúi dục, từ đâu?

    

    - Tánh ma trong bản chất con người ham hố của chúng ta! Chúng ta không nên coi việc nghiên cứu tôn giáo là một phương tiện để thỏa mãn đời sống, thỏa mãn trình độ tri thức. Hoặc xem đó là một hình thức giải trí trong khi tâm thức bất an nhất thời. Làm người, xin lỗi ông giáo, không nên quá tham, dù rằng ở sự tín ngưỡng. Làm thế chúng ta chẳng khác nào một thứ ký sinh sống bám? Dù là thứ 'ký sinh' tín ngưỡng. Bởi vậy, ông mới bị 'tẩu hỏa nhập ma' thế này!

    

    - Đó là chân lý hằng cửu?

 

    - Không có chân lý nào gọi là hằng cửu cả! Chỉ có con người mới là hằng cửu. Con người làm ra mọi chân lý.

 

    - Vậy tôn giáo, tín ngưỡng có hằng cửu?

 

    - Có và không!

    

    - Thế nào?

    

    - Nếu ta tin, đó là hằng cửu!

    

    - Vậy, hằng cửu là gì? Nó có mất? Và đến bao giờ thì mất, nếu ta nói không?

    

    Bà giáo Thanh đứng bên ngoài dóng nghe tự nãy giờ. Bà bàng hoàng cả tâm can khi nghe hai bên đối đáp, những điều bà không thể hiểu. Bà nôn nóng đẩy cửa, bước vào.

   

    - Ông bảo chồng tôi bị tà ma nhập? Ôi chao, Chúa ơi! Làm sao bây giờ?

    

    Ông Bảy Tần chưa kịp trả lời một lô câu hỏi của vợ bạn. Ông giáo Thanh quơ quơ cây gậy, nhìn vợ cười hà hà, rồi khoe:

   

    - Bà nó ơi, tôi đã gặp được Chúa rồi! Tôi đã gặp được Chúa rồồi... ha... ha... Điển nè! Điển nè! - Ông dí dí cây gậy vào vợ. Bà giáo đứng yên. Ông giáo Thanh lại thất vọng.

    

    Nhìn chồng đứng ủ rũ. Đến lúc này, bà giáo mới tin lời của ông Bảy Tần là thật. Bà mếu máo nhìn bạn chồng:

    

    - Cơ khổ! Ông có cách gì giúp đỡ được nhà tôi?

    

    Ông Bảy Tần an ủi:

    

    - Bà đừng lo. Ông nhà bị không nặng lắm. Chỉ nói lăng nhăng nhứt thời. Tôi có cách trị...

    

    Vừa khi ấy, thằng cháu nội ông ló đầu vào. Ông Bảy Tần vẫy tay gọi cháu:

   

    - Tí, vào đây giúp nội dìu thầy giáo ra xe con. - Ông quay qua bảo bà giáo.

   

    - Tôi chở ông giáo vào Sài Gòn gấp, tìm thầy trị liệu. Chắc chắn sẽ khỏi, bà đừng có quá lo lắng. Một vài tuần ,ông ấy sẽ khỏi bệnh ngay.

    

    Bà giáo Thanh tâm can như lửa đốt. Bà chỉ biết nhìn ông Bảy Tần gật đầu, nước mắt vòng quanh.

    

    - Cám ơn Chúa... Cám ơn ông... Nhờ ông giúp nhà tôi.

 

                                                                                                                                             *

 

 

     Một tháng sau đó, ở thị trấn Diên Khánh, xuất hiện một người điên. Ông già điên này, đặc biệt chỉ mặc độc nhất cái áo veston trên người. Ông đi lang thang, hết chùa này, sang nhà thờ nọ với cây gậy trên tay, để xin điển từ đấng thần linh.

   

    Người ta gặp ông đi trên đường, vội quay mặt tránh ngay. Con nít thì nghịch ngợm hơn, chúng lấy đất đá ném ông, kêu: "Ê, ê có ông điên, ở truồng khoe chim!" Những ông già thì điềm đạm hơn, khuyên ông nên mặc quần, đừng để lủng lẳng, lòng thòng mà đi ngoài phố như vậy, trông kỳ lắm. Ông trừng mắt, quơ gậy dí sát vào mặt họ, nạt:

   

    - Hừm. Coi chừng ăn điển đấy! Bây giờ là thời đổi mới! Thiên hạ lố lăng làm lắm điều càn rỡ. Tôi ăn mặc đổi mới như vầy có hại gì ai!? Đời, như khói như mây!

    

    Ông bỏ đi, tiếng lảm nhảm còn vươn lại, man man.

 

    - Vâng! Đời như khói như mây... như khói như mây...

   

    Mấy ông già nhìn theo lắc đầu:

    

    - Thế cũng xong một kiếp người! Ông giáo Thanh, chắc hạnh phúc?

 

   

 

Vũ Đình Kh.

                                                                                                    

Vancouver, 12/032000