Quế Hương

C Ò   G À

Trong số những người viết trong nước sau 75, Quế Hương là người dựng truyện qua những mảnh đời chung quanh, lãng mạn hư cấu lồng thực tại phũ phàng, với văn phong đơn giản mà sâu sắc, bút pháp dung dị mà vững vàng, được trao tặng nhiều giải thưởng, trong số có giải  Sáng tác Thơ Truyện Trẻ Em, do Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ Em Việt Nam thuộc  UNICEF của Liên Hiệp Quốc.

Chúng tôi được tác giả – hiện cư ngụ tại Đà Nẵng – cho đăng vài truyện ngắn.

Truyện  Cò Gà riêng dành tặng các thiếu nhi, nhân dịp Trung Thu và Ngày Nhi Đồng. Trần Thị Lai Hồng



- Dậy mau, Cọt !  Gió quá !  Tao e cò con lộn cổ xuống đất hết trọi rồi !

Thằng Cọt nghe lơ mơ ông Tư Cò gọi, nhưng không sao ngồi dậy được bởi nó đang bơi trong một biển nước đục ngầu, lạnh ngắt …  Tứ bề nước.  Nó thấy cánh tay mẹ nó chới với giơ lên tuyệt vọng rồi bị nước nuốt chửng.  Nó thấy em nó trôi phăng phăng như một chiếc lá …  Nó hét lên, nhưng nước tràn ngay vào miệng thành tiếng ú ớ …

- Khổ thân thằng bé, lại mơ thấy lụt nữa rồi !  Này Cọt, mày ở trên giường, còn sống nhăn răng đây nè !  Dậy đi cứu cò con !
Ông Tư lay mạnh.  Lần này thì ông kéo được thằng bé ra khỏi giấc mơ.  Má nó đầm đìa nước mắt, tay chân lạnh ngắt như dầm trong nước.  Nằm trong chăn, nó vẫn bị cái lạnh tận tiềm thức ấy bám riết không buông tha.  Vào giường là thằng bé lại sợ nằm mơ.  Nước lũ cứ lạnh lùng, chì chiết dâng ngập giấc mơ dìm mấy mẹ con nó trong làn nước lạnh cóng, đục ngầu.

- Cứ học ông Tư mày đây nè !  Ngay cả khi ngủ gặp chuyện kinh khủng là lái giấc mơ  bay qua cái vèo !
- Giấc mơ mà lái?
- Chứ sao !  Có lần tao mơ thấy bị kẹt trong một đám cháy ở rừng tràm.  “Cháy luộc” chứ chẳng chơi !  Lửa bén nhanh vào lớp bổi, lan nhanh như chớp, lá non, cành cây còn bị luộc chín huống chi con người.  Thế là tao bình tĩnh điều khiển giấc mơ,  bay qua đám cháy, hạ cánh an toàn trên giường …
- Ông Tư nói dóc !
- Không dóc sao con cháu bác Ba Phi mậy ?  Bây giờ, người ta lái giấc mơ bay vèo vèo trên đường phố.  Tau tính sắm một cái bay giựt le trên bờ ruộng.
- Bay xuống lạch luôn !  Thằng Cọt bật cười.

Ông Tư Cò quả có tài lái nó bay qua giấc mơ kinh khủng.  Ông không những cứu nó thoát chết mà còn bao lần kéo nó ra khỏi giấc mơ màu nước bạc …
- Cầm đèn pin ra vườn coi!  Tao nhóm lửa rồi!  Chuẩn bị băng bó sưởi ấm cho tụi hắn. Trự nào nghẻo thành món cò vùi luôn!

Vườn ông Tư không rộng, không đẹp nhất vùng, nhưng lại được lũ chim cò chọn làm nơi trú ngụ.  Nhiều nhất là cò trắng.  Ngày chúng bay đi kiếm ăn, đêm về ngủ trong vườn.

Thằng Cọt thích ngắm cảnh cò về.  Bầu trời dường như xôn xao bởi vô số chấm li ti xuất hiện, rồi rõ dần những dáng hình mảnh mai lả lướt chao lượn trong vũ điệu hạ cánh tuyệt vời.  Phút chốc,  vườn rung lên trong bản hoà âm điền dã, các cành cây như đồng loạt đơm hoa, rợp trắng thân cò.   Trông đông đúc hỗn độn thế nhưng ông Tư bảo chúng không “lộn nhà” của nhau bao giờ. 

Đầu mùa mưa, cò đẻ nhiều vô kể.  Ông Tư có thể khá hơn nếu bắt cò con bán.  Nhưng ông bảo cò cũng biết “chọn mặt gửi vàng.”  Làm thế khác chi phụ lòng tin của chúng.  Bán ít trứng thì được, bởi chúng đẻ mỗi năm mấy bận, không bán bớt e không còn chỗ cho chúng đậu.  Mà tiền nhiều làm gì ?  Bần cùng sinh đạo tặc, phú quý  sinh … đủ thứ!  “Như tao đây là khoẻ.”  Ông già chịu chơi nhấm nhấm bộ ria hoa râm, kết luận.  Một già, một trẻ, thế mà hợp tính nhau.  Hay đùa, hay dỗi, hay thích ăn vặt, nghe băng cải lương, yêu lũ chim cò …

Đến kỳ sinh sản, vườn ông Tư trở thành bệnh viện của chúng.  “Sản phụ” tấp nập, “khoa nhi” bận rộn.  Thằng Cọt là một bác sĩ phụ tá mát tay.  Ngững chú cò con bị rơi khỏi tổ đến tay nó thường là được sống.  Nó chăm như chăm con nít.  Mà chúng cũng là con nít cò đấy thôi.  Bé bỏng, hồn nhiên, dễ thương như thằng Còng em nó …


 Nghĩ đến em, cổ họng nó thắt lại.  Chiều ấy, khi chèo xuồng lên Uûy ban nhận hàng cứu trợ, mẹ đã dặn nó nhớ cột chân em vào chõng tre trước khi ngủ để khỏi lăn xuống nước.  Thế mà ham giành ăn “tưởng tượng” với em, nó đã quên …  Cũng tại thằng Còng biết mẹ đi nhận hàng cứu trợ, cứ nôn nóng, cái miệng không yên.

- Họ có cho cái gói đổ nước vào là thành tô mì không anh ?
- Có.  Cả thùng 30 gói lận.  Nhà thím Ba không còn nóc, không còn giường, được hai thùng.
- Nhưng nhà mình còn nóc, còn cả giường !  Thằng Còng nhìn lên nóc nhà tiếc rẻ, rồi hỏi tiếp :
- Thế má sắp về chưa ?
- Lâu lắm.  Phải sắp hàng chờ gọi tên nghe mậy.  Tao nghe thím Ba kể.  Có khi mai mới dzìa tới nơi.  Mênh mông nước, tối thui mù !  Tao lo má rớt xuống nước !
- Nhưng má có xuồng chú Tám cho mượn mà !  Em đói bụng quá trời nè !  Thằng Còng xoa xoa cái bụng, nuốt ực nước bọt rồi xoè tay, loay hoay chia phần những gói mì tưởng tượng.  Nó đếm từng ngón, từng lóng tay rồi rành rọt :
- Má đi mệt, phần má 4 ngón.  Em 3 ngón, anh 3 ngón.  Còn lại …
- Lỡ họ cho 10 gói thì sao mậy ?
- Thì má vẫn 4 gói, em 3 gói, anh 3 gói.
- Thôi đừng nhắc nữa, sốt cả ruột.  Nằm xuống tao cột chân vào giường, mở mắt ra là thấy 30 gói mì !
- Đợi em ăn khô một gói, giống như lâ”n thím Ba cho mình.
- Đã có đâu mà ăn khô với ăn nước.  Cái thằng !
- Nhưng thèm quá ngủ hổng được.  Aên giả đò mà !  Xé bì ra.  Còn cái gói thơm ngát này tính sao ?
- Mỗi đứa mút một miếng.
- Vụn mì cho em.  Thằng Còng dốc cái bao tưởng tượng ra lòng bàn tay.
- Chia hai!  Thằng Cọt hùng hổ giật “cái bao.”


Nhớ đến đó, thằng Cọt ngồi sụp xuống bên bụi tre, ôm mặt khóc oà.  Mưa quất vào mặt nó như tát.  Trời phạt nó mất mẹ mất em là phải.  Đến mấy vụn mì tưởng tượng mà nó cũng không chịu nhường em.  Giá nó biết em nó ra đi không kịp ăn được một gói mì cứu trợ, nó đã cho thằng Còng hết cả “3 ngón tay” phần mình cho em sướng.   Về sau , để an ủi nỗi đau, người ta cho nó cả mấy thùng mì, nhưng nó không ăn gói nào cả.  Cầm lên là quặn ruột quặn gan …

Đang khóc, nó bỗng nghe tiếng cò con rơi lịch bịch.  Gạt nước mắt, thằng Cọt lom khom rọi đèn pin, săm soi tìm.  Nếu đêm ấy nó cũng nghe tiếng rơi “tỏm” xuống nước như nghe tiếng rơi “bịch” xuống đất này nhỉ !  Khi thức giấc, ngỡ thấy một thùng mì gói trên giường thì nó chỉ thấy trống không.  Quờ tay không thấy thằng Còng.  Thắp đèn lên chỉ thấy nước mênh mông.  Sợ quá, nó vừa khóc vừa gào gọi em.  Đáp trả nó chỉ có tiếng nước chảy.  Hoảng loạn, thằng Cọt nhào đại xuống nước bơi ra khỏi cái chòi bánh ú.  Nước cuốn nó tấp vào nơi ông Tư đang soi bắt rắn.  Còn má nó … sau này ông Tư đoán có lẽ trả xuồng xong, về nhà không thấy hai anh em nó trên giường, đã nhảy ùm xuống nước bơi tìm.  Nước và đêm nuốt chửng má, nhưng những gói mì thì không.  Chúng bập bềnh lang thang trên nước. 

Đêm ấy cả hai ông cháu cứu vài chục cò con.  Những con may mắn bị thương nhẹ được ủ ấm đợi sáng đặ lại vào tổ.  Tụi cò thương binh nặng thì nằm lại khoa nhi của bác sĩ Cọt.  Mấy mống gãy cổ vô phương cứu chữa, ơng Tư quẳng xuống ao cho cá.

Sáng hôm sau, đi nhặt cá tươi cò tha về rớt trong vườn đút cho cò thương binh ăn, thằng Cọt phát hiện trên lớp lá ẩm ướt một chú cò con đang bị kiến vùi.  Đó là một con cò trắng mỏ vàng.  Tấm thân bé bỏng lịm dần bởi hai nỗi đau, vừa bị thương vừa bị kiến cắn.  Thằng bé nâng sinh vật nhỏ nhoi tội nghiệp ấy lên.  Nó vẫn còn sống.  Nhúm lông tơ beat dính, cái mỏ nhọn hoắt bất lực gục trên tay thằng nhỏ.  Thằng Cọt phủi kiến cho nó, vạch cánh bắt từng con, xem vết thương, và bọc cò trong áo đem vào nhà.

-    Kiến đốt sưng vù!  Xoạc cánh!  Gãy cẳng!  Quẳng cho cá!  “Bác sĩ trưởng khoa” quyết định.
- Nhưng nó còn sống mà!  Thằng Cọt không đồng ý.
- Chữa lâu lắm!  Phải băng cánh, bó cẳng.  Mà chưa chắc rồi bay được, sống tàn phế thêm tội.
- Nếu bay không được thì nuôi dưới đất như gà.  Ông bảo gãy cổ mới quẳng cho cá mà!  Cổ hắn không gãy.  “Bác sĩ phụ tá” khăng khăng.
- Thế thì mày lo mà chăm sóc!

Mấy ngày sau, cò nhóc đã ngóc đầu dậy khi thằng Cọt đút cá cho nó.  Cánh bị băng, chân bị bó, cò nhóc trông thật thê thảm.  Sợ nó thiếu vắng mẹ, thắng Cọt đem bỏ đại vào một tổ cò rồi núp trên cây rình xem.  Chiều về, cò mẹ không chấp nhận sinh vật được băng bó cứng đờ ấy là thành viên trong gia đình, không mớm mồi, lại còn lấy mỏ hất ra.  Thằng Cọt thử ở một tổ cò khác.  Cũng vậy.

Thế là nó quyết định “làm mẹ” chú cò tội nghiệp.  Thằng Cọt gọi nó là cò-thương-binh, đặt trong lồng để phòng chuột.  Cái lồng được treo bên cửa sổ, gần chỗ nó ngủ.  Lạ thay, trong giấc mơ, nó không còn thường xuyên bị dìm trong nước lụt nữa.  Có khi nó còn mơ thấy cò thương binh lành lặn, chấp chới bay lên trời xanh, đôi cánh thanh mảnh vẽ những nét lượn mềm duyên dáng.

Cò thương binh mạnh dần.  Đám lông tơ mịn như bông nõn.  Chiếc mỏ màu xoài ửng.  Một bên cánh xệ xuống như vạt áo so le.  Khi đi được, nó luẩn quẩn trong sân như bọn gà, nên ông Tư gọi nó là cò gà.  Cò gà tình cảm đáo để.  Hễ thấy thằng Cọt đâu là khập khiễng xán tới, lấy mỏ mổ mổ, quệt quệt rất âu yếm.  Sáng sáng, nó ngơ ngác nhìn đồng loại bay lả bay la trên bầu trời rồi mất hút.  Chiều chiều, nó ngác ngơ ngỏng cái cổ cò nhìn lên những cành cây trĩu nặng thân cò, rộn ràng tiếng kêu thân thuộc.

Cò gà lớn mau, chân lành trước cánh.  Bệnh nhân cùng điều trị với nó đã “ra viện” hết trơn mà nó vẫn còn ở lại.  Riết rồi cả bác sĩ và bệnh nhân quen ngủ với nhau, chơi vói nhau.  Ngày cò gà luẩn quẩn ở sân chơi bắt ruồi, nhặt cá, chơi với lũ gà vịt, con cún, thằng Cọt, ông Tư.  Nó đi lại vững vàng trên đôi chân lỏng khỏng như que tăm nhưng vẫn chưa bay được dù vết thương đã lành. 

Những ngày mưa, nhìn nó đứng một chân, một bên cánh xệ xuống, co ro như người mang tơi lá, thằng Cọt vừa thương vừa buồn cười.  Nó thắc mắc vì sao đám cò cùng lứa đã bay theo mẹ kiếm ăn mà cò gà vẫn luẩn quẩn dưới đất như … gà!  Ông Tư bảo tại nó quen sống như gà rồi không nhớ mình là chim nữa, hoặc tai nạn đã làm nó bị một trục trặc nào đó ở cánh, tật nguyền suốt đời.  Thằng Cọt không tin.  Nó vẫn nghĩ đến ngày con cò gà biết bay, hoà nhập với bầy đàn.  Thỉnh thoảng, chú cò tội nghiệp của nó vẫn chao liệng trong giấc mơ biêng biếc màu trời.

Dạo này cò rủ nhau về vườn ông Tư đông vô kể.  Đôi khi nó và ông Tư nói chuyện phải hét to để át tiếng  kêu của chúng.  Ra vườn cũng phải đội nón, nếu không chúng sẽ ị lên đầu.

Cò gà lớn hẳn rồi, mượt mà, trắng nõn, nhưng vẫn ru rú trên mặt đất, trong nhà.  Có hôm, thằng Cọt thấy nó đứng ở sân, vỗ cánh nhè nhẹ như bị tiếng gọi của bầu trời thăm thẳm quyến rũ, nhưng vẫn không bay lên.  Nó thích đậu trên vai thằng Cọt, trên lưng con cún, đi theo ông Tư ra đìa tát cá, luẩn quẩn trong vuông sân bắt ruồi.  Thằng Cọt nghĩ đến chuyện tập bay cho nó.

Một ngày, đợi lũ cò kéo nhau đi kiếm ăn, thằng Cọt  trèo lên một cái cây thâm thấp, ôm theo chú cò gà.  Nó còn cẩn thận trải rơm dưới đất để phòng cò gà không bay được rơi xuống sẽ không đau.  Tụi cò con trong cái tổ gần đó lao nhao ngỏng cổ, há mỏ vì tưởng mẹ về mớm mồi.  Cò gà nhìn chúng, nhìn quanh.  Lần đầu tiên đứng trên cao, nó thấy gì cũng lạ.  Bầu trời như sà xuống thấp, gần xiết bao, thênh thang mời gọi.  Nó làm động tác vỗ cánh rồi bay qua … vai thằng Cọt!

- Chỗ của mày là bầu trời thênh thang chứ không phải vai tao!  Thằng Cọt giận dữ đặt cò gà lại trên cành cây và trèo xuống đất.  Cò gà đứng trên cây nhìn xuống vai thằng Cọt.
- Bay xuống đây!  Đồ gà!
Thằng Cọt dợm bước.  Cò gà nhìn theo, và bất ngờ vẫy cánh, rướn người.  Thằng Cọt nghe như một chiếc lá đậu xuống vai mình.  Nó la lên :
- Ông Tư ơi!  Cò gà bay được rồi!  Bay được rồi!

Nó chạy, còn cò gà bay là đà trên đầu nó.  Vòng liệng rộng dần, cao dần, rồi đôi cánh mỏng mảnh trắng ngần tự tin vút lên thanh thoát.  Nhìn bóng hình thân thuộc của cò gà chấp chới trên nền trời cao rộng mênh mông, thằng Cọt bỗng chảy nước mắt.  Nó mơ hồ thấy trên lưng cò một cái chấm nhỏ, thằng Còng, em nó.

Suốt ngày hôm đó thằng bé đứng ngồi không yên.  Cò gà không trở lại.  Nó bỗng nhớ cò gà da diết.  Cả ông Tư cũng bần thần đi vô đi ra như người thiếu thuốc.

Chiều về.  Vườn nghìn nghịt cò trắng.  Thằng Cọt tha thẩn đi dưới những cành cây trĩu nặng thân cò, quên cả đội nón, mặc cho chim ị trên vai, trên áo, trên đầu.  Chẳng biết trong đám cò đông đúc kia có cò gà của nó?  Ba buổi chiều như thế thì ông Tư phát cáu.
- Quên hắn đi!  Bay được rồi không trở lại nữa đâu.  Bận sau quẳng cho cá ăn cho khoẻ trí, nhẹ lòng.  Vào nướng cho tao mấy con khô sặc, hái trái xoài tượng, lấy rượu đế ra đây.  Nghìn nghịt cò, thiếu gì mà chờ hắn!


Bỗng nhiên, thằng Cọt cảm thấy một chiếc lá rụng khẽ khàng trên vai nó.  Một chiếc lá trắng muốt rơi tự trời xanh.  Rồi cái mỏ cưng cứng nhọn hoắt quen thuộc quẹt quẹt vào vai, rỉa vào tóc.
-    Mày về đó hử?  Thằng bé thì thào như sợ nói lớn cò gà lại bay đi.  Nó đi vào nhà, lòng lâng lâng như mọc cánh.  Cò gà sà xuống bên ông Tư, chào ông bằng mấy cái mổ.
- Má mày!  Tưởng không thèm dzìa nữa!  Ông Tư chửi.
- Má cò gà là ai, hở ông Tư?  Thằng Cọt thắc mắc.
- Là mày chớ ai!  Mà đừng gọi hắn là cò gà nữa nghen!

Quế Hương