TƯỞNG BÌNH MINH

CHỈ ĐÂU MÀ BUỘC NGANG TRỜI

tản mạn

 

Hồi phổ thông, một hôm mình lục đâu được trong nhà một cuốn sách rất dày, sách viết về ca dao tục ngữ thành ngữ Việt Nam. Mình đọc say mê, thích thú và thậm chí thi thoảng còn cười rú lên sung sướng, vì thấy dân gian Việt Nam hóa ra không những rất thông minh sâu sắc mà còn hết sức tếu táo và khôi hài nữa. Đó là cuốn sách mà mình đọc rất nhiều lần, và cuối cùng mình thuộc khá nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao.

 

Có nhiều câu thành ngữ tục ngữ ca dao rất rõ nghĩa bóng, chẳng cần giải thích gì thêm. Nhưng nghĩa đen của chúng thì thực sự thú vị, chúng có liên hệ cuộc sống lao động ở làng quê. Nhờ quan sát cuộc sống  lao động ở làng quê mà dần dần mình bắt đầu hiểu nghĩa đen của chúng.

 

Ví dụ câu "mặt xanh đít nhái" hay dài hơn thì "mặt xanh như đít nhái đồng". Câu này tương đồng với các câu "mặt xanh như tàu lá chuối", ý là đều tả về sắc thái mặt mày của 1 người trong hoàn cảnh sợ hãi nhưng mang sắc thái khôi hài, có chút châm biếm, chế giễu. Nhưng tại sao lại "mặt xanh đít nhái'? Nếu ai từng hồi nhỏ ra đồng bắt nhái cho gà ăn ( thậm chí người ăn) sẽ thấy là đít những con con nhái đồng có màu xanh rêu, một cách ngụy trang của chúng để lẫn vào rong rêu hoặc rau cỏ mọc ở bên bờ ruộng.

 

Hoặc câu "run như cầy sấy". Rõ ràng là tả về việc run, hoặc do sợ hãi hoặc do lạnh. Hồi còn nhỏ, Tết, nhà mình có nấu bánh chưng ngoài trời. Một hôm đang canh nồi bánh chưng thì thấy có con mèo hàng xóm kêu meo meo và đến lại gần bếp lửa để sưởi ấm. Trời Tết miền Trung mà, rất lạnh. Đã thế không hiểu sao con mèo lại bị ướt lông. Nó ngồi bên bếp lửa kêu meo meo và bộ lông run lên cầm cập. Điều tương tự cũng có thể thấy ở những con chó ướt bộ lông ngồi bên bếp lửa. Nên mình đoán nghĩa đen câu "run như cầy sấy" có lẽ là bắt nguồn từ những người thợ sơn tràng hoặc những thợ săn đi trên rừng. Và "sấy" ở đây là "sấy khô", "làm khô". Ở trên rừng ban đêm người ta thường đốt các đống lửa để sưởi ấm và đuổi thú dữ. “Cầy” ở đây có thể là loại chó mà các thợ săn hoặc thợ sơn tràng mang theo, có thể người ta không dùng từ "chó" mà dùng "cầy" cho hợp vần với "sấy". Rất nhiều người người dùng câu "run như cây sậy", thậm chí một số thầy cô giáo còn ra câu này trong bài thi ngữ văn,  mình nghĩ là sai.

 

"Ướt như chuột lội". Có rất nhiều người nói "ướt như chuột lột". Mình nghĩ câu "ướt như chuột lột" là vô nghĩa. Nếu ai đã sống ở các vùng nước lụt thì khi lụt đến có thể thấy những con chuột lội trên dòng nước với bộ lông ướt mèm, cố bấu víu lấy cành cây miếng gỗ từ đâu trôi ngang qua để sinh tồn.

 

"Kẻ cắp gặp bà già". Thi thoảng trên báo chí mình vẫn thấy 1 số phóng viên viết "kẻ cướp gặp bà già", theo mình là sai. "Kẻ cặp gặp bà già" thì nghĩa bóng quá rõ ràng rồi, tương đồng với “kẻ tám lạng người nửa cân” hay “một chín một mười”. Nhưng nghĩa đen của nó mới thú vị. Ăn cắp khác với ăn trộm và ăn cướp. Ăn cướp thì công khai, thường dùng sức mạnh bạo lực để công khai khống chế hòng tước đoạt. Rõ ràng sức vóc của một bà già không bao giờ là "ngang cơ" với 1 thằng cướp thường là khỏe và hung bạo. Nhưng ăn cắp thì lại khác, khác với ăn trộm là lén lút đột nhập khi không có sự hiện diện của người bị mất đồ, thì ăn cắp lại diễn ra khi có mặt của bị hại tại hiện trường, nhưng lợi dụng sự sơ hở hoặc không chú ý cho dù chỉ chốc lát của họ để chôm đồ. Mà bọn ăn cắp gặp các bà cụ già bán hàng thì thua, vì các cụ mặc dù có thể thua kém về thể lực, nhưng các cụ hết sức cẩn thận, biết rõ cái gì nằm  ở đâu, chưa kể lợi thế kinh nghiệm do tuổi tác lâu năm mang lại cho các cụ nữa. Hồi nhỏ, có thời gian mình toàn ở nhà ông bà ngoại. Bà ngoại mình bán hàng vặt ngoài chợ, chủ yếu bán trái cây, thi thoảng bị mất cắp, nhưng mấy bạn ăn cắp thật sự khó tung hoành đối với các bà cụ già như bà ngoại mình, vì dù chúng có giở trò gì thì cũng bị các cụ phát hiện và hô toáng lên. Chưa kể mặt mũi đứa nào ăn cắp ra sao thì các cụ thuộc hết.

 

 

"Chỉ đâu mà buộc ngang trời/Tay đâu mà bụm miệng người thế gian". "Chỉ" ở đây không phải là chỉ để may vá. Mà là chỉ trời. Người nào hồi nhỏ sống ở quê và có thả diều vào mùa hè sẽ thấy trời mùa hè rất trong xanh, thi thoảng từ trên không trung có những đoạn gì trăng trắng bay theo gió rồi rơi xuống đất hoặc các cành cây, dân gian gọi là chỉ trời hay tơ trời.

 

"Bắng nhắng như nhặng vào chuồng tiêu". Nếu ai đã từng ngồi hố xí 2 cục gạch, chùi đít bằng lá chuối khô trong vườn thì dẫu nhắm mắt cũng nhớ được hoàn cảnh nghĩa đen cũng là hoàn cảnh ra đời của câu thành ngữ này.

 

“Buồn như trấu cắn”. Đây là một câu thành ngữ mình nghĩ là hết sức thú vị vì nghĩa bóng ngược hoàn toàn so với nghĩa đen. Nghĩa đen, “buồn” ở đây không phải là tâm trạng buồn bã, buồn phiền, mà là “nhột”, cách nói của miền Bắc, nhột do trấu dính vào da ( trấu cắn). Mình biết nghĩa đen của câu này do hồi nhỏ hay chơi trốn tìm, trốn vào những bồ lúa, bồ trấu trong nhà ông bà ngoại. Nghĩa đen là như vậy nhưng nghĩa bóng người ta dùng để tả tâm trạng không vui của họ với sắc thái hơi châm biếm, tự trào, chứ không phải là sự nhột trong nghĩa đen.

 

“Dốt đặc cán mai”. Câu này nghĩa đơn giản, để chỉ ai đó dốt, nhưng nhất mạnh mức độ dốt nên có thêm chữ “đặc”. Nhưng lại thêm “cán mai” để nhấn mạnh hơn nữa sự dốt. “Mai” là một dụng cụ đào đất, lưỡi hẹp hơn xẻng, nặng hơn xẻng nhưng nhẹ hơn xà beng. Cán của dụng cụ này luôn luôn bằng gỗ đặc, để tăng sức nặng, nhờ vậy mà người ta có thể đâm lưỡi mai vào đất được dễ dàng hơn và sâu hơn. Thật khó có thể đào đất với một cái mai có cán là rỗng.

 

Ở Sài Gòn mình không có nhiều bạn. Vì các câu chuyện khi mọi người gặp nhau thường rất buồn chán. Lúc nào cũng nhà đất, lương lậu, thăng tiến, sự nghiệp, thành công này nọ. Chẳng mấy ai như mình, chẳng mấy ai thích nói về một câu ca dao, một câu tục ngữ hay thành ngữ nào đó.

 

Tưởng Bình Minh

SG 16/06/2014

 

© gio-o.com 2014