Trangđài Glassey-Trầnguyễn
(sắp) hết mười rồi!
tản mạn
Còn hơn cả tháng nữa mới hết 10 tuổi, mà chàng đã trù liệu cho sinh nhật của mình.
- Mẹ ơi, năm nay con lớn rồi! Mẹ không phải mua quà sinh nhật cho con. Mẹ cũng không phải dắt con ra tiệm mua bánh nữa. Con thích hai Mẹ con mình làm bánh với nhau. Mình làm buổi sáng nghe Mẹ, để trưa chiều ăn luôn.
Wow. Tính gọn thiệt! Nhưng chỉ năm phút sau, khi đi ngủ, chàng đổi ý:
- Thôi, con nghĩ lại rồi! Đợi tới sinh nhật của Mẹ (cả nửa năm sau hả? lo xa thiệt!) rồi mình làm bánh nghe! Sinh nhật con, Mẹ chỉ cần vẽ thi pháp với con thôi! Mà Mẹ phải dạy con sớm sớm để bữa đó con vẽ cho đẹp nghe!
Ai nói đàn bà hay đổi ý? Cái ông đực rựa này đổi ý còn mau hơn gió đổi chiều! Mấy tháng sau khi bị cấm túc vì đại dịch Cồ Vít, ăn ngủ đầy đủ, ảnh tròn trịa hẳn ra. Tôi chọc:
- Con có baby cheeks trở lại rồi kìa!
Chàng bẽn lẽn, cười híp mắt, thích hết cỡ! Làm con nít thì được Mẹ nựng nhiều! Thật là tiện lợi! Nhưng khi chàng vừa qua tuổi mười một, đi khám thường niên, bác sĩ nhi khoa nói:
- Bây giờ con lớn rồi! Con sẽ đổ mồ hôi nhiều, và trên người con sẽ có mùi. Nên con phải tắm gội mỗi ngày, và phải dùng deodorant.
Trên đường về, chàng hỏi tôi, có vẻ không vui:
- Tại sao khi lớn thì người lại đổ mồ hôi nhiều và có mùi hả Mẹ?
- Thì… tại trời sanh ra vậy.
- Tại sao trời lại sanh ra con người ta như vậy hả Mẹ?
- Mẹ không biết nữa!
Tôi trả lời cho qua chuyện để còn tập trung lái xe trên Freeway đông nghẹt. Chàng phán gọn hơ:
- Con muốn con làm baby trở lại! Baby thơm, không có mùi hôi!
Í da! Baby muốn thơm cũng phải tắm phải lau mỗi ngày đó, anh Hai à! Mà có chỗ phải lau thường xuyên và lau kỹ nữa kìa. Chẳng những vậy, còn phải… lấy tã che lại nữa! Đừng có tưởng dễ à nghe! Tuổi mười một. Chưa teen mà hết nhỏ. Tự biết mình đã vào một chặng đường mới của cuộc đời. Hôm có Dì Út qua chơi, chàng ra vẻ người lớn hẳn. Ăn sáng xong, tôi đi chợ, dặn chồng con ở nhà phần ai việc ấy. Tôi đi chợ về, thì chàng ra xe mang đồ vô như mọi khi, rồi lúc tôi đang soạn rau để nấu canh, chàng tới và dõng dạc trình báo:
- Lúc Mẹ đi chợ, con đã quét phòng ăn, dọn phòng chơi, dọn bàn dài trong phòng ăn. Con dẫn em Út vào phòng học, con chỉ em dọn bàn học của em. Con dẫn hai em ra sân, tụi con dọn dẹp đồ chơi. Con quét hành lang và sân gạch. Rồi con dọn phòng chơi. Bây giờ con đi học bài.
- Ừ, Mẹ cám ơn con.
Thật ra thì tôi không dặn chàng làm hết những việc trên. Chỉ giao cho quét phòng ăn và đi học bài thôi. Nhưng chàng biết tôi thích nhà cửa gọn gàng, nhất là những dịp đón người nhà ghé chơi, nên chàng đã tự động làm những điều mà chàng biết tôi vẫn làm trong những dịp này. Tôi nói:
- Thôi, con đi học bài đi. Mẹ nấu cơm bây giờ.
- Nhưng Mẹ ơi, con muốn phụ Mẹ nấu cơm. Mẹ nghĩ đi, lâu rồi con không được nấu cơm đón Út.
Cũng phải. Cấm túc cả năm nay. Mấy đứa nhỏ ít được gặp nhau. Người lớn cũng thêm việc, ít ăn cơm chung. Tôi nói:
- Tùy con!
Chàng hăng hái phụ rửa rau rồi đi cắt rau, cắt nấm để nấu canh tàu hủ. Trưa đó, Dì Út qua để làm banner cho con gái út, cùng tuổi với con trai giữa của tôi. Mấy tuần trước, cả nhà bên Ngoại định ăn cơm chung vì lâu quá không gặp nhau nhưng rồi phải hủy vì sợ con Cồ Cồ. Hôm nay, chỉ có gia đình Dì Út ghé. Ba gia đình khác đang chờ ngày lành tháng tốt. Cho nên, từ ngày dự tính đại gia đình gặp nhau, thì chàng đã mon men xếp ngôi sao giấy. Bắt tôi phụ cắt giấy mỏi cả tay! Giấy màu của Nhật để làm origami. Chàng ghép hai màu với nhau, làm những ngôi sao trông xinh xắn hẳn lên! Chàng thích thú so các cặp màu rồi cười đắc chí, vì tạo ra những cặp màu thật lạ lẫm. Chàng hỏi tôi:
- Mẹ ơi! Mẹ thích ngôi sao nào nhất!
Tôi cắt giấy đơ tay, lại bị bắt suy nghĩ nên trả lời qua loa:
- Mẹ thích hết!
- Không được! Mẹ phải chọn một cái mà Mẹ thích nhất! Vì con muốn tặng cho Mẹ một ngôi sao!
- Trời đất! Làm cả một thùng mấy chục cái mà cho Mẹ có một cái à!?
- Vậy Mẹ muốn mấy cái con cũng cho!
- Mẹ muốn hết mấy ngôi sao con mới xếp!
- Nhưng mà… con cũng muốn có nữa! Thôi con cho Mẹ phân nửa nghe!
Tôi cười xì xòa:
- Mẹ chọc con thôi! Mẹ thấy con chơi vui quá thì ghẹo vậy, chứ Mẹ lấy rồi để đâu?
Nhà đã không còn chỗ để nhét vì đi đâu cũng là tác phẩm của các chàng. Nghe vậy thì chàng yên tâm, nhưng vẫn nằng nặc đòi tôi chọn một ngôi sao yêu thích. Rồi thấy tôi ngần ngừ, chàng dứt khoát:
- Thôi, con tặng Mẹ ngôi sao này, vì Mẹ thích màu trắng và màu xanh dương!
Ừ, vậy cũng gọn! Để Mẹ còn tiếp tục vai trò nữ tỳ cắt giấy nữa. Bữa sau, chàng đã xếp được cả trăm ngôi sao. Chàng xin tôi cái hộp giấy hình chữ nhật hơi xẹp, Amazon Prime mới giao đồ bữa trước. Chàng cắt bên hông, làm hai cái hộc cũng bằng giấy, rồi lấy hai cọng dây nhỏ làm chỗ để kéo hộc ra vô. Xong, chàng lấy giấy màu vàng, dán nắp hộp cho thật đẹp, rồi dùng keo nóng, gắn những cây dừa, hoa sứ, và chim hồng hạc bằng muýt lên, như là bãi biển Hạ Uy Di (mà chàng chưa từng tới) vậy. Chàng ghi ba giá biểu: 10 xu, 20 xu, 30 xu. Tôi la lên:
- Trời đất! Cái này làm để tặng thôi chứ ai mà bán con! Giấy Mẹ mua cho con chứ con có phải trả tiền đâu!
- Bán chứ, Mẹ! Đây là tác phẩm nghệ thuật, làm bằng tay, không ngôi nào giống ngôi nào hết hà!
- Nhưng ai mà mua!
- Không ai mua cũng được! Con biết nó có giá trị là được rồi!
Đây là tư tưởng kinh doanh của thế kỷ 21 đây! Có đồ cứ bán! Không ai mua, kệ! Biết đồ của mình có giá trị là được rồi! Oanh liệt thay chí khí trẻ con! Cho nên hôm sau, khi Dì Út ghé và đã ăn trưa chung, thì chàng khoe liền cái hộp “trăm sao” của mình. Dì Út thích thú vì hồi nhỏ cũng hay xếp ngôi sao với Mẹ chàng, nên chắc trong niềm hoài cảm về tuổi thơ đã mất tích, Dì Út hăng hái mua hết mấy trăm ngôi sao của chàng. Chàng đặc cử cậu em trai giỏi toán để cùng tính tiền. Hai đứa tính tới tính lui, giảm giá, cho thêm sao đó, rồi tính gọn lại, vị chi là 10 đồng. Tất cả chuyện buôn bán “trăm sao" này đã diễn ra ngay trong nhà tôi, nhưng tôi không hề biết vì lu bu bếp núc và làm banner. Tới khi chàng hớn hở cầm tờ giấy 10 đô ra khoe, thì tôi hỏi:
- Tiền ở đâu mà con có?
- Dạ, con bán ngôi sao.
- Hả? Sao bán mắc vậy? Ai mua!
- Dạ Út mua của con! Út mua hết luôn!
- Không được lấy tiền của Út! Con tặng cho Út đi, ai mà lấy tiền nè!
Dì Út lên tiếng bênh liền:
- Ngộ hôn! Đã lấy hết ngôi sao rồi! Phải để cho tác giả giữ tiền chứ!
Tôi nói cách gì, hai dì cháu cũng a dua với nhau, không chịu trả tiền lại. Thấy mấy đứa nhỏ đang cao hứng chơi với nhau, nên tôi không làm tới, mà đợi nói riêng với con sau. Chiều đó, Dì Út về rồi, thì tôi gọi chàng vô phòng, nói nhỏ:
- Con nè, Mẹ biết con thích chơi trò bán đồ, nhưng con nên tặng cho Dì thì hay hơn. Dì Út hay mua bánh kẹo, thú bông cho con hoài! Con là con nít, không có tiền để mua quà tặng lại Dì, thì bây giờ, con làm ngôi sao tặng cho Dì, như vậy không phải hay hơn là đem bán sao?
Chàng nghe ra thì thấm ý, nói liền:
- Dạ, để con trả tiền lại cho Út. Út được giữ ngôi sao đó để chơi.
- Để Mẹ nói với Út là con không lấy tiền đó.
- Con cám ơn Mẹ.
Chàng đi lấy tờ 10 đồng, đưa cho tôi. Tôi gọi cho em gái, tỏ rõ ngọn nguồn. Lại bị la, “sao bắt nó trả lại?” và “có bao nhiêu đâu mà!” Nhưng tôi đã dặn các con, bây giờ còn nhỏ, thì đừng lo nghĩ chuyện tiền bạc, hãy vui sống. Cần gì đã có Ba Mẹ lo cho. Tôi dạy cho con hiểu giá trị của đồng tiền, nhưng cũng cho con biết, các con chưa cần cầm tiền trong tay. Trong những dịp cần thiết, thì tôi dạy con cách coi giá và trả tiền, chọn món đồ mình muốn theo số tiền mình có. Tôi hay nói:
- Mai mốt, khi tụi con lớn, phải lo đến chuyện tiền bạc, thì mới biết, mệt lắm!
Nhưng con nít không tin người lớn! Con nít chỉ nghĩ, có tiền thì thích lắm, muốn mua gì cũng được, muốn đi đâu cũng được! Nên mấy năm nay, từ khi hai anh lớn xin giữ tiền Tết, tôi đã chỉ cho cách ghi lại có bao nhiêu tiền, mỗi khi muốn mua cái gì thì phải coi, mình có đủ tiền không, và nếu đủ, thì khi mua xong còn bao nhiêu. Nhất là phải suy nghĩ cho kỹ, là mình mua cái này xong rồi, mà vài bữa có cái khác mình thích, thì… làm sao? Không đổi lại được, cho nên mua xong là xong, không thay đổi ý kiến nữa. Nhân tiện, tôi chỉ cho con thấy, người lớn thì phải lo ưu tiên nơi ăn chốn ở, tiền học tiền hành, bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm sức khoẻ, rồi mới nghĩ đến những thứ khác. Nhất là khi các chàng lóe mắt thấy đồ chơi đẹp, thì tôi phải nhắc:
- Nếu con thích cái gì con cũng mua, thì con sẽ hết tiền, và cũng không đủ chỗ để đồ chơi. Và nếu con lỡ mua nhiều đồ chơi quá, mà con không có tiền trả tiền nhà thì làm sao?
Thích thì dễ, nhưng thích mà không mua mới khó! Phân biệt giữa “cần" và “muốn" là điều cần thiết để giúp con người ta giữ thăng bằng tài chính và những mặt khác trong cuộc sống. Ngày xưa, khi tôi theo học một số khoá về tài chánh, mới giật mình khi biết đa số dân Mỹ đều “xài trước, trả sau" nên tỷ lệ đóng tiền lời rất cao. Có nhiều người cả đời phải lao đao vì thẻ tín dụng, cũng chỉ vì “muốn" hơi nhiều và mua không suy tính. Sau một ngày nấu nướng làm banner hơi mệt, tôi sửa soạn đi ngủ, thì thấy chàng ngồi một mình, có vẻ buồn. Tôi nắm tay dắt vô phòng học:
- Có chuyện gì vậy? Nói Mẹ nghe.
Chàng ngồi yên. Rồi đi lấy cái throw blanket màu xanh pastel tôi mua ở New Rochelle quấn người lại, ngồi xuống kế tôi. Thấy chàng ngồi yên, tôi lại hỏi:
- Có chuyện gì? Tell me.
- Hồi chiều…
Chàng chỉ nói có bấy nhiêu rồi bật khóc, ngả đầu vào lòng tôi. Tôi vuốt tóc chàng:
- Hồi chiều làm sao?
- Hồi chiều, con tặng cho Út hết mấy ngôi sao con xếp, mà con không biết là con rất thích nó. Bây giờ con nhớ nó lắm!
- Vậy để Mẹ nói Út cho con lại mấy ngôi sao đó nghe.
- Nhưng mà con đã cho rồi thì con không muốn lấy lại.
- Thì hồi chiều Mẹ đã nói là con để Út chọn 5 ngôi sao Út thích thôi, nhưng con cứ nói tặng hết cho Út.
- Tại lúc đó con không biết là con thích nó như vậy! Con chỉ muốn mấy ngôi sao đầu tiên con làm thôi. Con thích mấy ngôi sao này.
Chàng thích làm đủ thứ. Làm thuyền từ những sợi len, cây skewer, và những miếng giấy phồng trong các hộp bánh. Làm tên bằng những cành tre, cung bằng cành thông dài và sợi dây thừng. Dùng băng keo làm “tapigami" thành thúng, các con thú, bàn ghế. Chàng thích giữ những vật mình sáng chế ra. Chàng hay khoe với tôi mỗi lần làm xong một món gì. Nhiều khi tôi đang chiên cá mà phải một con mắt coi bếp một con mắt ngó chàng thuyết trình về công trình mới nhất! Chàng thích xếp origami. Tôi tốn hết mấy đợt mua giấy hoa ở Daiso. Tôi mua hộp để vô để khi ba chàng lấy giấy thì tiện và giữ gọn gàng. Từ hộp giấy hoa này mà ra cả trăm ngôi sao… Để rồi tôi phải khổ vì đàn ngôi sao giấy đi rồi mà người sáng tác ra chúng còn ngồi đây nhớ. Tôi trấn an:
- Không sao đâu! Để Mẹ xin lại cho con.
- Nhưng lỡ Út cho ai rồi thì sao?
- Út mới về mà! Tối rồi, Út không cho ai đâu! Của con làm mà, Út không cho đâu!
- Con cám ơn Mẹ. Mẹ nói với Út dùm con!
Mua bán kiểu này thì ấm ớ thật! Bán xong, thì gọi để trả tiền lại, tặng không. Rồi đêm hôm khuya khoắc thì lại muốn xin lại “những ngôi sao đầu tiên.” Ôi, răng mà chuyện mần ăn ni rắc rối rứa! Sắp hết 10 tuổi hắn dần lân như ri hè! Mà không chỉ rắc rối chuyện những ngôi sao origami hai màu! Mấy chuyện khác cũng rắc rối không kém. Chẳng hạn như chuyện ai mê ai hơn. Chàng hay ghen với chàng Út, nhưng cũng mê Út không thua tôi. Nhiều khi chàng cứ ôm ghì lấy em út rồi nói:
- Em có biết là em dễ thương lắm hôn?
Hôm cả nhà đi hiking về, Mập mệt quá, ngủ vùi trên xe. Về tới nhà thì Mập vùi đầu vào lòng tôi, nên tôi ẵm Mập lên sofa cho Mập nghỉ mệt trước khi đi tắm. Thế là chàng đi tắm ra, thấy Mẹ đang ôm em, liền lên tiếng:
- Coi kìa! Ai mà sướng vậy! Được Mẹ ôm nè! Trời ơi, em có biết là khi em được Mẹ ôm thì em dễ thương hết sức hôn? Em dễ thương là tại Mẹ ôm em đó, biết hôn?
Rồi có bữa hờn giỗi, chàng chạy vô tìm tôi, mếu máo:
- Hai em chơi với nhau thân quá! Con hết tuổi làm con nít rồi! Hai em thích chơi với nhau hơn là chơi với con!
Người lớn thì chưa thành, mà con nít thì chưa hết. Cái khoảng giữa này hơi rắc rối! Đã lâu tôi chưa gặp tình trạng này, nên không biết xử trí ra sao. Nhưng chắc trên đời này ai cũng vậy, cũng có lúc hoài vọng tuổi thơ. Mấy đứa cháu trong nhà, đã teen hết rồi, đang học trung học cả, mà khi qua nhà tôi, vẫn ôm đồ chơi con nít chơi ngon lành. Chơi say sưa. Tới nỗi tôi thấy dễ thương quá nên quay phim lén mà vẫn không hay. Tới chừng biết thì những nam thanh nữ tú này chỉ cười khì khì thôi! Còn cái võng điện cho trẻ sơ sinh tôi mua lúc mới sanh Mập, thì mỗi lần họp mặt gia đình, đều có những kẻ đã từng sơ sinh vài năm trước đó leo lên để đong đưa lúc lắc. Cho nên chuyện chàng nuối tiếc tuổi thơ thì âu cũng là chuyện ngàn đời của nhân sinh. Có lúc, chàng thấy tôi soạn quần áo mặc đã chật đem cho thì cản lại:
- Mẹ cho con xin cái áo này. Con giữ làm kỷ niệm. Con mặc cái áo này lúc con viết thiệp sinh nhật cho Mẹ năm đó.
- Ừ, vậy thì Mẹ giữ nó lại.
Cho nên, chàng dặn, áo quần nào không có kỷ niệm mới được đem cho. Một vài cái có kỷ niệm đặc biệt, thì một là cất để chàng lâu lâu lấy ra ngắm để nhớ hương thời gian, hoặc là chàng đem mặc cho đoàn thú bông cả mấy trăm con lớn bé trong nhà. Con nào “lỡ" được mặc cái gì thì mặc cả năm, cả đời. Con gấu trắng thì mang vớ đỏ. Con koala thì mặc áo lạnh khỉ (không tay). Con mang găng, con đội nón nỉ. Ôi, nhìn thấy thú mang găng tay giữa mùa hè đổ lửa sao tôi rất dễ đổ… mồi hôi! Mà trong những đợt sóng trào nuối tiếc tuổi thơ ấy, chàng hay nhận xét, ôn cố tri tân, và… làm khó tôi. Có bữa, chàng vắt tay lên trán, trầm ngâm:
- Sao hồi nhỏ, Mẹ hay ru con ngủ, đưa võng cho con, ôm con, hát những bài hát ngọt ngào, rồi Mẹ hôn con, nói, “Cục Cưng ơi, con ngủ ngon nghe!” mà bây giờ, Mẹ không làm như vậy nữa? Sao hồi nhỏ Mẹ ôm con nhiều, mà bây giờ, toàn là con ôm Mẹ không vậy?
Tôi không biết đường trả lời, giả đò ngáy khò khò, làm chàng cười khăng khắc. Thì mệt quá, còn sức đâu nữa mà ôm mà hun mà hít mà chúc! Bây giờ chàng có nhiều sức hơn tôi, nên chàng ‘trả lễ' lại những ngày xưa thân ái tôi đã ôm-chúc-hôn chàng là chuyện hợp lý quá đi chứ! Chứ bây giờ lớn ngồng rồi, ngày nào cũng chạy tới đo coi đã cao tới miệng, tới mũi, tới mắt tôi chưa còn gì! Mà chàng trả lễ rất ư là chu đáo. Bữa nào tôi kêu lạnh là chàng nói:
- Để con đắp mền của con cho Mẹ! Khi nào con lạnh, con sẽ lấy lại.
Rồi sau đó, chàng hào phóng gác chân lên để truyền hơi ấm cho tôi, “giống như hồi nhỏ Mẹ ôm con vậy đó!” Mèn ơi, hồi đó con nhỏ xíu, Mẹ bự tổ, thì Mẹ ôm con nhìn nó rất ư là âu yếm. Còn bây giờ, con đã lớn cồ, Mẹ cũng vạm vỡ, mà ôm kiểu này sao khó thở quá. Cái chân của chàng gác lên một cái là tôi không nhúc nhích được. Nhưng tôi không dám thố lộ, vì sợ chàng buồn. Thế là đợi lúc chàng bắt đầu ngủ say, tôi trả tự do cho cái chân của chàng, trả hơi ấm cho chàng, để tôi có thể nhúc nhích và xoay trở. Nghĩ cũng mắc cười! Mười tuổi rồi mà còn con nít lắm! Rất ham chơi và rất chân tình! Nhiều khi chàng cứ nằng nặc nói là chàng thương tôi hơn, bắt tôi phải nghe theo. Tôi ứ chịu! Chàng nói, chàng thì chỉ có một mẹ, còn tôi tới bốn con. Một con thương một mẹ thì nhiều hơn là một mẹ thương một trong bốn con. Tôi cãi:
- Nhưng Mẹ mang con trong bụng chín tháng mười ngày! Mẹcho con cả hình hài này, cho con cả cuộc đời Mẹ! Mẹ phải thương con nhiều hơn chứ!
Chưa kể là Mẹ đã thương con từ muôn kiếp trước đó! Chàng yên lặng một hồi rồi miễn cưỡng làu bàu trong miệng, mặt không được vui:
- Thì coi như là Mẹ thương con nhiều hơn đi! Nhưng con thương Mẹ nhất trên đời đó! Không ai thương Mẹ nhiều như con thương Mẹ đâu!
Và chàng chứng minh tình yêu đó bằng những dự tính cụ thể. Chàng cứ nói:
- Mai mốt lớn lên, con sẽ mua nhà ở biển cho Mẹ. Mẹ ở với con nghe!
Tôi chối liền:
- Ứ! Mai mốt con lo cho vợ con của con! Mẹ tự lo được mà!
- Con không cần lấy vợ! Con sẽ ở với Mẹ suốt đời luôn! Con muốn Mẹ về ở với con!
Xí! Chắc là đã có không biết bao nhiêu chàng trai tuổi hoa niên chẵn chục như chàng nói câu này. Nhưng hãy đợi đấy! Chục năm sau người ta lạc vào rừng yêu thì chắc người ta sẽ không nhớ nổi mình đã từng tuyên bố một câu xanh da trời như vậy đâu há! Rồi một ngày mùa Xuân nọ, chàng cũng hết mười tuổi. Hôm sinh nhật chàng, tôi nói ba chàng mặc áo T-shirt đỏ của quê Nội ra. Tôi bày quà lên bàn. Tuy nói là không cần quà, nhưng khi mở quà tôi tặng thì chàng cười híp mí, vì toàn những thứ đơn sơ mà đúng ý. Như cái tấm gỗ nhỏ tôi vẽ lên hai con cá thành số 11, vì chàng mê câu cá! Nhưng ngư phủ này không câu được cá dù rất chăm chỉ và hăng say đi câu ở rất nhiều nơi trong nhiều năm, chỉ trừ lần duy nhất câu được ba con cá trong cùng một ngày ở Pine Flat Lake gần rừng Sequoia National Forest. Từ hai thân cá, tôi vẽ hai chữ tên tắt của chàng. Bên phải thì ghi năm thành một đường thẳng đứng, 2 0 2 1. Phía dưới, tôi vẽ đôi hia đi hiking mà chàng đã nghiên cứu kỹ từ mấy năm trước và yêu cầu tôi mua khi tôi bắt đầu dắt chồng con leo núi. Chàng luôn miệng nói khi mở ra món quà mình thích:
- Con cám ơn Mẹ!
Nhưng lời cám ơn đã đằm thắm hơn trước. Có hơi nhè nhẹ nhão nhão một chút. Không ồn ào như Út Mập, không réo rắc như Anh Tư. Anh Hai nay đã lớn rồi! Có dấu hiệu nhẹ nhàng của một người sắp tròn một con giáp. Có một phần quà từ phương xa, có tiền mặt. Chàng xung quỹ cho tiền học đàn. Nhưng hôm sau, khi cả nhà đi bộ để “tắm rừng,” chàng lại đổi ý:
- Mẹ ơi! Con muốn dùng tiền sinh nhật để mua rừng!
- Mua rừng ở đâu?
- Dạ, rừng ở Amazon! Đó là lá phổi của thế giới đó Mẹ!
- Giống như con là lá phổi của Mẹ vậy hả?
Chàng vừa cười mỉm chi, vừa liếc mắt nhìn tôi, tỏ vẻ bất ưng vì tôi dám pha trò trong câu chuyện nghiêm túc này. Chàng nói:
- Mẹ này!
- Ủa, rừng ở bển làm sao con mua được?
- Dạ, có một tổ chức vô vụ lợi, họ mua rừng, rồi để cho trẻ em đóng góp vào để giữ rừng.
- Là sao, Mẹ không hiểu?
- Là để rừng được giữ như nguyên thủy, không bị tàn phá hay khai thác nữa đó Mẹ! Giống như nhà văn Beatrice Potter, mua nhiều nông trại rồi tặng cả vùng đất cho chính phủ Anh để bảo tồn thiên nhiên đó Mẹ.
Tôi nhớ tới chuyện bán ngôi sao, tặng ngôi sao, đòi ngôi sao với Dì Út. Mua rừng rồi có… đổi ý không đây? Nhưng tôi tự trách mình đã dám nghĩ xấu cho thằng bé. Chàng yêu thiên nhiên. Hai năm trước, trong một bài viết, chàng đã nói về mơ ước khi lớn lên, sẽ không còn nạn ô nhiễm đại dương. Đó là một ước mơ xa xôi, nhưng từ những ước mơ đó, trẻ con suy nghĩ, hành động, và đóng góp vào những thay đổi trên thế giới. Từng bàn tay nhỏ góp với nhau. Từ khắp nơi. Những giấc mơ trong trẻo và mẫn tuệ.
Ừ, thì mua rừng! Để Mẹ góp thêm với con, kiểu matching donation, thành gấp đôi, nghe Anh-Hai-Lá-Phổi-Của-Mẹ!
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
06/2021