tranh: Lê QuếHương



 

Trangđài Glasssey-Trầnguyễn

 

ngủ

 

tản mạn

 

 

Mấy tháng bồng bế, bú mớm, tôi quên ngủ.

 

Mới ra khỏi bụng mẹ, Bé Con đã cự nự, không chịu nằm nôi. Đêm đầu trong bệnh viện, vừa vật vờ thuốc mê hậu sản, vừa ê ẩm cơn mổ còn ươm máu, tôi phải lê lên lếch xuống giữa giường và nôi để bế con. Cuối cùng, thử mấy chập vô hiệu, tôi ôm con trên mình, thiếp đi. Não và thân đồng bất động.

 

Bệnh viện đang xây thêm phòng, nên phải ở chung với một người khác. Ban ngày, tiếng vồ nện ầm ầm, máy móc inh ỏi. Ban đêm, con mình vừa yên, con ‘hàng xóm’ lại quấy, hoặc ‘hàng xóm’ lại coi TV. Phòng nhỏ, hai giường chỉ cách nhau một cái màn. Cái não ngoi ngóp thở. Nó giống như kẻ đang cố bơi vào bờ, vừa vào gần đến, thì bị xô dạt ra. Tiếng ồn, giấc ngủ, và dư âm thuốc mê – một bộ ba giằng xéo nhau não tôi.

 

Vô lý nhất là không có chồng đỡ đần những đêm đầu sau khi sinh. Tôi cười cười ca cẩm, “Bất công quá! Mẹ mang nặng chíng tháng mười ngày, đau đẻ cả ngày cả đêm mới sinh ra con. Ba lại được ‘xua’ về nhà ngủ! Công lý nằm đâu?” Cô hộ sinh cười tán đồng, “Lần sau cô sinh ở đây, sẽ có phòng riêng, chồng cô tha hồ ở lại chăm cả mẹ cả con.” Ôi, một hứa hẹn xa vời! Ích gì cho cái khốn đốn của tôi lúc ấy? Mà đàn ông, họ biết gì về chuyện đẻ chửa, dù yêu vợ yêu con và được vào phòng sinh như thời này?

 

Sau bốn đêm-ngày ở bệnh viện, tôi về nhà. Chị gái gọi điện, hớn hở bảo để sang chăm sóc. Tôi thật lòng, “Đừng qua sớm. Chờ chiều hẵng! Để ngủ cái!” Đằng nào, gia đình cũng đã đến bệnh viện thăm hai mẹ con. Không gấp. Ngủ mới gấp.

 

 

*

 

 

Mà cũng chẳng ngủ được!

 

Xếp tã. Soạn áo quần hậu sản (áo quần thai phụ giờ đã quá rộng, mặc vào là chúng tự động đi theo sức hút trái đất, rũ xuống sàn nằm chơi!). Chuẩn bị áo quần em bé. Coi lại hẹn bác sĩ. Coi tủ lạnh còn thức ăn được mấy ngày. Dọn ổ cho Bé Con. Lấy sổ để ghi ngày giờ uống thuốc giảm đau và trụ sinh. Uống thuốc. Soạn máy bơm em gái vừa đưa sang. Soạn bình. Bơm sữa. Thúc sữa ra cho nhiều. Linh tinh. Ngàn linh tinh.

 

Tối. Đã về nhà được một ngày, mà trăm sự ngổn ngang. Mẹ chưa cho tắm. “Đợi một tuần nữa đã con.” Mẹ, chị, em gái đưa thức ăn tới. Chiến dịch thúc sữa đợt một. Người ngợm nửa mê nửa mệt. Ăn và ngủ - hai trách nhiệm chính của người mẹ đang cho con bú.

 

Đêm đầu ở nhà, tưởng yên lành sẽ ngủ ngon. Nhưng vẫn tã, vẫn bú, vẫn bơm. Não tiếp tục tê. Ngủ bỏ nhà đi bụi. Những cơn ngáp dài đến đuỗng cả cổ tiếp tục làm lính canh ngày và đêm.

 

Nửa đêm. Dò dẫm đi ăn. Cơm vừa hâm lên, Bé Con đã khóc. May có chồng dỗ con, để tôi ‘nạp nhiên liệu’ phát sữa.

 

 

*

 

 

Ba tháng.

 

Người vẫn ê nhức. Con ngủ thì lo ăn, lo dọn, lo nấu. Con dậy thì cho bú, thay tã, hủ hỉ, tắm táp, rồi lại ru, lại hò, lại dỗ ngủ, lại xoa chân xoa người cho con lưu thông máu huyết.

 

Não bộ bắt đầu trơ ra. Lâu lắm rồi, nó chẳng được ăn văn uống chữ, chẳng hưởng thơ thưởng nguyệt. Cũng không được vận dụng cơ bắp qua sáng tác, hay thư giãn gân cốt bằng sách vở, phim ảnh. Não thoái hoá. Nó trở thành ‘thực vật.’

 

Nó thành bán đảo biệt lập. Chỉ trừ phần chức năng giúp tôi đi, đứng, ăn, nằm, giơ tay giơ chân.

 

 

*

 

 

Bé Con ngáy o o. Tôi đem dân ca ba miền ra ru chính mình. Con tiếp tục ngáy tì tì, tôi vẫn thức tồ tồ. Tôi lẩm nhẩm:

 

Cái ngủ mày ngủ cho sâu

Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về

 

Não tôi hỏi: đồng sâu ở đâu? Tôi làm thinh. Nó vặn vẹo: sao tới giờ còn chưa về? Đi cấy gì mà trễ vậy, nửa đêm rồi, trăng sao đâu mà thấy đường để cấy? Cấy cái gì mới được? Tôi nói: cấy lúa! Nó nói: Ở bên Mỹ đâu có trồng lúa nước đâu mà cấy! Tôi tảng lờ hát qua bài khác:

 

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chày thức đủ năm canh...

 

Não lại chất vấn: Con ngủ rồi, mẹ còn thức đó làm gì mà đủ năm canh? Nghĩ tới ai? Nghĩ chuyện gì? Tôi hát tiếp:

 

Hỡi chàng, chàng ơi

Hỡi người, người ơi,

Em nhớ tới chàng...

 

Não căn vặn: chàng nào vậy? Gái có con, mà sao lại kêu chàng nào giữa đêm thanh vắng! Tôi đáp cụt lủn: không có chàng, làm sao có con! Nó lấn tới: sao đang ru con mà nhớ tới chàng? Phân tâm thế! Tôi nổi dóa: thì bài hát làm răng, hát làm rứa! Ai biết trăng với sao chi hè! Hỏi nhiều quá! Phiền rứa!

 

Não hỏi hoài, tôi cụt hứng, không thèm hát nữa. Trần nhà kẽo kẹt tiếng đêm. Não lim dim, ôm tiếng ngáy của Bé Con, bập bẹ hát bài ru con còn dang dở. Tôi bịt tai lại. Hát chi mà nghe không vô!

 

 

*

 

 

Bảy tháng. Bé Con vẫn bú đêm. Càng khóc ré khi không đủ no. Khuya tôi lẻn đi tiểu, cũng rình rập, réo gọi. Ba nó bế lên, nó càng khóc lớn hơn, lo là Ba bồng thì không được Mẹ bế. Não đuỗi ra, bỏ cuộc. Nó tuyệt giao với ngủ. Nó nói, “Duyên không, mà phận cũng không.”

 

Đêm. Chồng con đã rền rền ngáy, não tỉnh rụi nằm nghe. Tôi dỗ ngọt nó, “Tắt đèn đóng cửa đi. Được nghỉ rồi!” Nó trơ ra. Nó căng như dây đàn mới lên. Như những tuần thi cuối mùa, bài vở dồn dập, luận văn tới tấp. Nó làm việc 25/24. Miễn nghĩ, miễn ngủ.

 

Não đã tê. Nó đình công vô điều kiện.

 

Cảm hứng vừa thập thò ló dạng, đã như những tiểu hành tinh yểu mệnh, vụt tắt. Ý tưởng chạy long bong trên viền môi của não, trần trụi, trơ trọi. Tứ thơ băng băng chạy qua não, bốn ngựa không theo kịp.

 

Nuôi con còn trong năm. Một mùa thi ‘cuối khoá’ vô tận.

 

Vậy mà tôi vẫn cứ ham thi. Đáng đời tôi!

 

 

Trangđài Glasssey-Trầnguyễn

 

http://www.gio-o.com/TrangDaiGlasseyTranNguyen.html

 

 

© gio-o.com 2014