Trangđài Glassey-Trầnguyễn

 

đèn Rùa

 

 

*Thương tặng Dì Lâm*

 

 

 

Mẹ sanh Cu Tí. Dì Lâm mua quà gửi qua amazon. Dì Lâm đang học Y, mà dám mua nhiều quà cho cháu đầu lòng. Khi Dì Lâm gọi thăm, Mẹ hỏi, có phải Dì Lâm nhịn cơm một tuần để mua quà cho em bé không. Mẹ nhớ nhất là cái đèn Rùa, vì ngày nào cũng dùng nó. Có nhiều con vật để chọn, nhưng Dì Lâm chọn con Rùa, có lẽ là vì nó là một trong tứ linh.

 

Đèn Rùa có nút bật tắt-mở ở phía dưới bụng Rùa. Chỉ cần mở đèn mà không cần tắt, vì đèn tự động tắt sau 40 phút. Mỗi tối Mẹ cho Cu Tí bú ngủ xong, thì đặt Cu Tí xuống giường, rồi mở đèn Rùa lên. Trên mai Rùa là hình ảnh các con thú biển khác nằm theo hình tròn của mai. Rùa chở trên lưng cả đại dương ba màu, giữa lưng là một trời sao có trăng lưỡi liềm cũng đổi ba màu khác nhau.

 

Mỗi đêm, Cu Tí ngủ với những ánh sao lung linh và những con thú biển dễ thương. Những giấc mơ của Cu Tí cũng đổi màu ngoạn mục như ánh sáng êm dịu toả ra từ cái đèn Rùa. Mẹ làm Rùa nói với Cu Tí, “Anh Hai ơi, ngủ ngon nghe!” Rồi Mẹ thay Cu Tí nói với Rùa, “Rùa ơi, ‘dủ don’ (ngủ ngon) nghe!”

 

Khi bắt đầu biết bò, Cu Tí ôm cái đèn Rùa bò lổm ngổm trong phòng chơi và dần dần mở rộng lãnh thổ qua các phòng khác. Cu Tí bò bằng ‘ba chân’ vì một ‘chân’ trước mắc ôm đèn Rùa. Mỗi lần Cu Tí ôm đèn Rùa bò tới bò lui, thì Mẹ lại trẻ ra mười tuổi vì cười.

 

Lớn một chút, Cu Tí ôm đèn Rùa chơi cả ngày, như chơi với gấu bông, khỉ bông, cồ-la-là (koala) bông, bò bông, và tất cả những thú nhồi bông khác mà Cu Tí được tặng, dù mai Rùa có hơi cứng.

 

Dì Lâm hay xin Mẹ cho Cu Tí qua chơi với Dì. Mẹ hay hỏi ngược lại, “Em học tối tăm mặt mũi, còn chưa có giờ ăn ngủ, còn đâu mà chới với em bé?”

 

Năm năm rưỡi sau. Cu Tí đã thành Anh Hai đến ba lần, và một em đã về cõi xa. Lần nào sanh em, Mẹ cũng mở đèn Rùa cho em bé ngủ: Anh Tư, rồi tới Út Mĩm. Anh Tư ngủ giỏi như Anh Hai. Còn Út Mĩm lớn con hơn hai Anh, ngủ dài hơi nhất.

 

Khi Mẹ sanh Út Mĩm, Dì Lâm đã làm bác sĩ được một năm, đang đi thực tập. Dì Lâm quen lệ, lại gởi quà cho em bé mới, dù Mẹ đã cản hết sức vì Út Mĩm sẽ được thừa hưởng áo quần và đồ chơi của hai anh ruột và các anh chị em họ. Út Mĩm nhỏ nhất trong mười đứa cháu trong nhà. Đồ chơi đồ mặc không thiếu. Chỉ thiếu sức để chơi và thiếu chỗ để cất.

 

Lần này, Dì Lâm cũng mua quà qua amazon. Trong suốt một tuần, ngày nào nhân viên UPS cũng ghé giao quà. Mẹ nhận quà, ký tên tới xanh mặt. Mẹ hỏi Dì Lâm, “Bộ em lấy hết tháng lương đầu mua quà cho em bé hả?” Tuy mua quà cho em bé mới sanh, nhưng Dì Lâm cũng không quên hai anh lớn. Hồi Giáng Sinh, Dì Lâm mua cho ba anh em bộ cầu tuột xe. Hai Anh lớn chơi dùm luôn phần của Út Mĩm. Anh Tư còn phạt mấy chiếc xe đi ‘time-out’ vì… Anh Tư thích vậy. Còn áo quần Dì Lâm mua thì Út Mĩm mặc không vừa, vì Út Mĩm dễ bú dễ ngủ, phải mặc quần áo trước tuổi. Nhưng đèn Rùa thì không bao giờ ‘chật’ hết, nên Mẹ lại mở đèn Rùa cho Út Mĩm ngủ.

 

Tối nay, đèn Rùa không chịu sáng. Ba lấy tuột vít mở bụng Rùa để lấy pin ra thay. Anh Hai tíu tít mở tủ phụ Ba kiếm pin mới. Anh Tư tính thừa cơ hội để lục lọi đồ đạc trong tủ, nhưng Mẹ kịp thời chận lại.

 

Thay pin xong, Ba ‘quên’ đem đèn cho Út Mĩm, mà xúm với Anh Hai và Anh Tư tắt hết đèn trong phòng gia đình, rồi bật đèn Rùa lên. Anh Hai cầm đèn Rùa đứng giữa phòng, Anh Tư đứng kế bên. Một trời sao và mặt trăng lưỡi liềm lấp lánh trên trần nhà lót gỗ đỏ. Anh Hai bấm nút để đổi màu, đổi hoài không chán. Rồi Anh Hai cho thú biển ‘bơi’ từng con một bằng cách bấm một trong ba nút trên mai Rùa để cho ánh sáng chạy quanh. Thú biển ‘bơi’ tới đâu thì Anh Tư nôn nóng tới đó, ngấp nghé xin cầm đèn.

 

Ba ngồi chờ tới phiên mình mà sốt ruột. Khi được cầm Rùa, Ba xoay ngược lại và rọi xuống đất, rồi rọi lên mình Anh Hai và Anh Tư. Cả hai bỏ chạy quanh phòng để tránh không bị rọi, rồi quay lại, giật đèn từ tay Ba, để rọi lại Ba. Ba cha con rượt nhau, kẻ rọi người né. Tiếng cười nhảy cò cò trên sàn rồi phóng lên tường, lướt lên trần nhà. Út Mĩm ngủ tì tì trong phòng, vô can với cuộc chơi mới với đèn Rùa.

 

Bữa sau, Anh Hai nhớ đồ chơi cũ, đem đèn Rùa ra chơi ban ngày. Anh Hai chui vô hành lang giữa các phòng ngủ, đóng hết các cửa phòng lại để hành lang tối đi, rồi bật đèn Rùa lên. Một mình Anh Hai chạy giữa hành lang, rao đủ tên các thứ biết bay, từ chim chóc, máy bay, đến phi thuyền. Cái hành lang biến thành không gian vô tận, từ bầu trời xanh trên đầu, đến ngoại tầng không gian tít xa.

 

Trong văn hoá Việt Nam có cây đèn cù, hay đèn kéo quân, một loại đèn Trung Thu mà cả trẻ em lẫn người lớn đều chơi. Bài dân ca giàu hình ảnh và ý nhị, “Khen ai khéo xếp (ô í a) cái đèn Cù, voi giấy (ới a) ngựa giấy (ơ) tít mù nó (ới) lại vòng quanh, (ơ) bao giờ em bén (ới) duyên anh, voi giấy (ới à) ngựa giấy (ơ) vòng quanh (ới a) cái tít mù tít mù…” Những voi giấy, ngựa giấy, chong chóng, diều giấy, những rượt đuổi, những duyên đôi lứa, những tình trẻ con…

 

Trong văn hoá gia đình của bốn anh em, có cây đèn Rùa. Đèn Rùa trong trẻo tiếng cười trong đêm thanh và ngày nắng, giăng cao trí tưởng tượng trẻ con, xoay bốn phương tám hướng một đêm được ngủ trễ, cha con giãi trăng sao khắp nhà. Đèn Rùa thắp sáng vành nôi, đong đưa những giấc mơ tuổi thơ, dịu dàng những niềm thương gia đình, mênh mang vũ trụ, ươm mầm cuộc sống.

 

Khen ai khéo mua cái đèn Rùa… Đèn Rùa là đèn Rùa ơi!

 

 

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

 

 

http://www.gio-o.com/TrangDaiGlasseyTranNguyen.html

 

© gio-o.com 2015