Trangđài Glasssey-Trầnguyễn
BÀ ĐIÊN
chuyện ngắn
Bà không có tên. Tóc đã hoa râm.
Trong xóm, không ai biết tên bà là gì. Ai cũng gọi bà là bà Điên. Từ ngày bà xuất hiện ở xóm, bà đã dở điên dở khùng. Có những phút ngắn ngủi, bà tỉnh, ngồi yên ở lề đường, dưới gốc cây me tây, khóc lặng. Lá me rơi lác đác theo nắng, theo gió. Những sợi tơ màu tím hồng từ những chùm hoa me tây rơi xuống, phủ lên bà. Cây me tây này có từ hồi Pháp thuộc, tàng rộng, lá rậm, nhìn từ xa như mâm xôi cắm trên cây cột. Tàng cây buông bóng, như chở che cho bà. Nhưng hình như làm người tỉnh không vui. Chỉ ít phút, bà quày quả trở lại ngay với kiếp khùng.
Tôi rất sợ bà Điên. Mỗi lần nghe bà ca hát hay chưởi rủa người đi đường ở đầu ngã tư, là anh em tôi lẹ làng đóng cửa trước lại, đóng luôn cửa sổ nhìn ra đường, rồi bám vô cái vách gỗ phía trước, nhìn qua cái khe hở dưới cửa sổ, chờ đợi. Tuy chưa bao giờ bị bà đánh, nhưng tôi khiếp bà hơn cả ông ba mươi.
Đôi khi, chúng tôi phải chờ rất lâu mới thấy bà đi tới. Bà Điên không gấp. Bà từ từ đi tới đi lui ở ngã tư, vì nơi đó đông người qua lại nhất, vừa chưởi, vừa cười, vừa khóc. Có lúc Bà rú lên như con chó sói bị thương. Bà thường hái hoa cài lên tóc, rồi bẻ một cành cây thiệt dài để quơ lên quơ xuống và quất vào đầu người đi đường. Ai lỡ đang đi trên đường mà thấy bà, thì lẹ lẹ co giò lên chạy, hoặc đạp xe hết điển. Khi đã cách bà một quãng xa, người ta mới đi chậm lại, và ngoái đầu chưởi cho bõ tức, “Đồ điên!”
Bà nhỏ người, nhưng rất mạnh. Nhiều khi
bị bà đánh vô cớ, mấy người đàn ông nhào
tới để chụp tay bà lại, nhưng bà nhanh và mạnh
như con hổ vồ mồi, túm đầu họ đánh
túi bụi. Họ nhỏ mọn, lấy đá chọi bà tới
tấp. Bà cười nghặt nghẽo,
rồi rú từng hồi như tiếng gió biển rít lên
ngày bão. Có khi tiếng rú ghê rợn như tiếng
chó tru ai oán những đêm cả xóm
bị công an xét nhà. Có người ác bụng,
chọi một cục đá lớn ngay giữa ngực bà.
Bà nhăn mặt lại, ôm ngực, nước mắt chảy
dàn dụa nhưng không bật ra tiếng khóc. Sau đó, ai
cũng tránh không đụng đến bà. Mỗi lần bà
phát cơn, cả xóm đóng cửa ngồi trong nhà coi.
Như thể người ta trân trọng dành cho bà cả mấy
con đường để làm sàn diễn lưu động,
với một dàn khán giả nín thở ngồi coi. Diễn
viên cùng sàn diễn mở rộng, cách ly hẳn với khán
giả.
Diễn viên tự cười, tự nói. Đối với khán giả, bà nói gì không quan trọng. Người ta chỉ cần nhìn thấy bà là đủ. Có khi bà hát, khúc hát lạ hoắc, tréo ngoe, không biết bà tự đặt hay hát từ tiềm thức của những kiếp trước.
Bà vừa tới ngã tư thì nhà nhà răm rắp đóng cửa, cài then. Khi không thấy người, bà Điên biết người ta né mình, càng hung hăng tức giận hơn. Bà nhào vô giựt cửa nhà này, xông tới gõ cửa nhà nọ, rồi rũ hai tay như người ta múa lụa. Có lúc, bà xoay người, bước đi ung dung, cử động thật khoan thai nhẹ nhàng như đang đi dạo với tình nhân. Bà Điên thu hút người trong xóm như từ trường hút thỏi nam châm, mạnh hơn cả Thanh Nga đóng vai điên trên sân khấu, vì Thanh Nga nhập vai nhưng không phải điên thật. Bà chẳng những điên, mà còn điên có phong cách riêng nữa, điên một cách kiên quyết. Đi coi TV ké thì có người coi, người không, nhưng coi bà Điên quậy thì ai cũng coi, nhà nhà cùng coi.
Không ai biết bà từ đâu tới, và vì sao bị điên. Có người nói bà hồi đó ở xóm này, bỏ nhà theo trai, sau một thời gian bị tình phụ, nên dở điên, trở về tìm gia đình nhưng người thân đã đi mất hết từ lúc nào, vì xấu hổ chuyện bỏ nhà theo trai của bà. Có người thì nói, bà bị một người đàn ông trong xóm này cưỡng hiếp lúc nhỏ, bây giờ trở về tìm thủ phạm. Có người nói bả ngày xưa bị mất con đầu lòng vì chiến tranh, tới giờ chưa nguôi nên mới vậy. Nhưng đây chỉ những lý thuyết không có cơ sở của người trong xóm, muốn giải mã cái bí ẩn của một người điên vô tông tích. Ngay cả người đàn bà đó hình như cũng không nhận diện được quá khứ của mình. Như thể bà đã làm rớt quá khứ của mình ở đâu rồi, từ lúc nào không biết.
Bà lang thang từ đầu xóm đến cuối xóm. Thỉnh thoảng, bà đi bộ ra chợ, đi hết sạp này đến sạp khác, hất đổ đồ đạc. Đây là cái chợ duy nhất trong cả thị xã. Nhà giồng ở mấy xã xung quanh cũng tụ về đây để bán rau, bán củ. Cả vùng tụ tập về đây để mua bán, đổi chác tất cả mọi thứ. Bà Điên lúc nào cũng trực chỉ vô nhà lồng chợ, oai phong như một thượng khách chính danh, chỉ đi cửa giữa. Mấy bà bạn hàng miệng dữ, chưởi tục để đuổi bà đi. Càng chưởi, bà càng phá hăng hơn, rồi lấy đồ liệng vô mặt chủ sạp. Qua tới hàng cá, bà bắt cá sống trong thau thảy xuống đất cho nó trườn đi rồi cười khanh khách. Người ta xô bà đi chỗ khác, thì bà xô lại. Hai bên xô xát, một bên là bà Điên, một bên là mấy bà hàng tôm hàng cá, không ai chịu thua ai. Mỗi lần bà ra chợ, là cả chợ nhốn nháo, xôn xao. Người đang đi chợ thì lẹ lẹ lách ra cổng, tìm đường về, sợ bị kẹt trong cảnh xô xát. Mấy người chủ sạp thì vừa chửi vừa than, ai bưng cái gì cất được thì bưng, nhất là tiệm bán đồ sành sứ sau lưng chợ, lo tẩu táng hàng hóa vô kho. Sau khi bà rút binh, cả chợ nhìn nhau ngao ngán, tiếng chưởi tiếng than râm ran cả ngày không ngớt.
Hôm nay, bà Điên xuất hiện ngay lúc nhà nhà đang ăn cơm. Người ta buông đũa, đóng cửa, dán mắt vào khe cửa để chờ bà. Cả con đường chính im phăng phắt. Bà Điên cũng im. Không biết bà tìm ra đâu được son phấn - chắc bà giựt đại của một sạp mỹ phẩm ngoài chợ - mà tự trang điểm cho mình. Cả khuôn mặt chỗ đỏ chỗ đen, như bức tranh đầu tiên của đứa bé mới cầm cọ, chỉ thích quẹt hai màu đen đỏ. Bà cài hoa trắng trên đầu, và cầm một bó hoa. Bà đi đứng dịu dàng như cô dâu ngày cưới. Bà từ từ đi giữa phố, không ghé vào nhà nào hết. Bà đi thật chậm, như để cùng trôi với thời gian lặng lẽ của buổi trưa nắng chói.
Sáng đó, Mẹ mua thịt bò tươi, sai Chị Ba đạp xe đem lên Ngoại. Mẹ dặn mấy anh em ở nhà lo học hành, dọn dẹp, rồi Mẹ đi xe đò lên Long Thành hốt thuốc Nam ở một cái chùa thiệt lớn mà mấy tháng trước Mẹ đã đưa tôi lên khám bệnh cúng dường. Hai mẹ con đi xe đò cả nửa ngày mới tới. Tới nơi, trời đã xế. Ngôi Chùa đồ sộ, uy nghi, với tượng Phật ngồi ở tiền sảnh. Sân chùa mênh mông, toàn là lá thuốc được sắt ra để phơi đầy sân. Lâu lâu, các tăng ni lại cầm cây bồ cào, đi quanh sân để trở thuốc. Người ta xếp hàng mấy vòng quanh sân và sau lưng chùa để được khám bệnh và lấy thuốc. Mùi thuốc chan chứa cả không gian quanh chùa. Mẹ nói tôi ráng chịu mệt một ngày. Người ta nói thuốc ở chùa này hay lắm. Chắc chắn tôi sẽ khỏi cái bệnh nóng gan. Mấy chiếc xe đò liên tỉnh nằm ngo ngoe ở lề đường trước cổng chùa, chờ khách. Chờ cả mấy tiếng đồng hồ, trời chực tối, tăng ni đã ra hốt hết lá thuốc ở sân chùa rồi, thì mới tới lượt tôi. Sư trụ trì chỉ bắt mạch một cái, rồi khoát tay cho tôi đi ra. Mẹ dắt tôi ra chính điện. Hai mẹ con xá ba cái, rồi Mẹ đưa tiền cho tôi, biểu dâng vô trong bình bát ở giữa phòng. Bữa nay, Mẹ chỉ cần đi một mình để trình bày bệnh tình của tôi, và xin thêm thuốc.
Chị Ba đi trên Ngoại về, vừa tới nhà thì bà Điên cũng vừa đi tới trước nhà chúng tôi. Chị Ba thấy bà Điên thì quíu cẳng, lật đật đạp riết từ lề đường băng qua sân trước vô nhà, thắng không kịp, ngã cái rầm vô chậu bông sứ Thái Lan mà Ông Ngoại gầy cho Mẹ. Chị đang lồm cồm bò dậy thì bà Điên quẹo vô sân nhà tôi. Anh Hai mở cửa cho Chị Ba, còn tôi với Tí Nị thì sợ điếng người. Chị Ba chưa bước vô quá bậc cửa thì bà Điên đi vô tới cửa rồi ngừng lại, nói:
- Tụi con cho dì xin ca nước uống.
Anh Hai thấy bả không hung hãn thì yên tâm, chạy vô nhà, tới lu uống nước, múc một ca nước mưa cho bả. Ba đứa tôi đứng im như tượng nhìn bà. Bà cũng đứng lặng lẽ nhìn chúng tôi. Bà Điên đón lấy ca nước, uống chậm rãi, rồi trả ca không lại cho Anh Hai.
- Cám ơn mấy đứa.
Giọng bà nghèn nghẹn. Hôm nay, bà không la không hét, không diễn một màn nào hết, mà sao bà lại khát nước, lại như thể mất hết sức lực. Như thể tất cả những sinh lực bà đã dùng mỗi lần nổi cơn điên trước đây là của người khác, mà những người duy tâm nói là ma nhập. Có tiếng bản lề kêu ken két. Mấy nhà xung quanh mở cửa, thò đầu ra nhìn qua sân nhà chúng tôi, coi chuyện gì đang xảy ra. Khi thấy bà Điên bắt đầu quay lưng trở ra đi tiếp, họ lụp chụp chạy vô nhà, mau mau đóng cửa lại, chen nhau sau khe cửa. Bà Điên đi rồi, bốn anh em đứng nhìn nhau. Anh Hai không đóng cửa nữa, mà mở cửa hẳn ra, rồi kêu Chị Ba thay đồ đi ăn cơm. Mặt anh đượm buồn. Tôi hỏi:
- Hồi nãy, bà Điên vô nhà mình bất tử vậy, Anh Hai có sợ không?
Anh Hai chỉ lắc đầu thật nhẹ, rồi ngồi xuống xới cơm cho Chị Ba. Tôi với Tí Nị ăn tiếp, nhưng không thấy ngon nữa. Tôi bỗng nhớ bà Điên, và lần đầu tiên, tôi cảm thấy không còn sợ bà nữa. Tôi mới nhớ ra, trước giờ, bà chỉ đánh và chưởi người lớn. Con nít đi ngang, bà không làm gì, có khi còn cười thân thiện và nhìn theo với vẻ quyến luyến, nhất là khi học trò tan trường, bà hay đứng nép vô lề để nhìn dòng sông áo trắng trôi ngang.
Sau ngày đó, bà Điên đi biệt xứ. Cả xóm thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi được ít tuần, người ta bắt đầu thấy vắng vẻ. Họ tiếc một tuồng hát xuất sắc mà không tốn tiền. Họ thèm cái sự hồi hộp mà bà mang đến mỗi lần xuất hiện, cái sợ hãi bà chụp lên đầu họ, cái vô thường của những buổi trưa có bà. Ai nấy hỏi nhau có thấy bà ở đâu không, như hỏi thăm về một người rất quan trọng và cần thiết trong cuộc đời họ. Nhưng ngay cả những người buôn bán liên tỉnh cũng không thấy bà ở trạm xe đò hay những vùng lân cận mà họ tới mua bán. Trong xóm, người ta bắt đầu đồn đãi những tin thất thiệt về bà. Người thì nói rằng, bà đã đi vô nghĩa địa gần ngã ba Cầu Tàu rồi biến mất trong một cái mả cổ. Người thì nói, bà đã lên Cầu Sơn Quy gần lăng Hoàng Gia rồi nhảy xuống sông. Người thì nói đích mắt thấy bà đáp chuyến xe đò liên tỉnh, đi về hướng Cái Bè, Cai Lậy.
Người đàn bà đó đã đi một cách bất chợt như khi bà đến, không báo trước, rút đi với bà tất cả những bí mật u uẩn, mặc cho người dân xóm tôi mang mang những thắc mắc. Dần dà, người ta cũng bớt nhắc tới bà, nhưng hễ con nít nào quấy phá, thì người lớn hay dọa, "Con mà hư, Bà Điên về bắt con đi bây giờ!" Bà trở thành một nhân vật bất tử, truyền đời, một huyền thoại. Có lẽ nhiều người lớn không chỉ dọa con, mà chính họ đôi khi cũng thầm mong là nếu nói như vậy, thì không chừng bà sẽ về thật. Biết đâu! Nhiều người muốn thấy bà mà để trong bụng, không nói ra, mượn tiếng khóc của trẻ thơ để làm cớ.
Lâu lâu, bốn anh em tôi lại hỏi nhau, không biết bà Điên bây giờ ra sao rồi. Tôi nghĩ đến bà như nghĩ đến một người họ hàng mà tôi chỉ gặp một lần, như những cậu dì họ tôi gặp hồi đám giỗ Ông Cố năm ngoái ở nhà tổ, dù tôi chưa bao giờ quen thân, nhưng vẫn dính líu máu mủ, nên có điều gì gắn bó.
Trangđài Glasssey-Trầnguyễn
http://www.gio-o.com/TrangDaiGlasseyTranNguyen.html
© gio-o.com 2015