Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Ừ, thì chơi!
tản mạn
(Hình do Mập vẽ, tham gia cuộc thi 2021 Forever Forests:
Dancing Deer, Mother's Strength, The Old Tree of Life)
(Hình do Chàng Giữa vẽ, tham gia cuộc thi 2021 Forever Forests:
Symbiotic Fire; Layers of Life; Cosmic Interplay)
(Hình do Chàng Cả vẽ, tham gia cuộc thi 2021 Forever Forests:
Perfect Peace; The Circle of Life; Many Lives, One Forest)
Chàng đã hết tuổi ăn. Không thiết ăn uống. Chỉ thích chơi. Hồi nhỏ ăn nhiều tròn vo. Bây giờ dài ngoẵng. Chắc hồi nhỏ ở bầu trong bụng Mẹ (thì tròn), bây giờ ở ống (thì dài). Đây là cái tuổi làm “xe đua” - ăn chỉ đủ để nạp năng lượng cho không đói gục, rồi phóng tiếp. Phóng mệt thì lại ăn. Chứ không ăn nhiều như trước. Mong là xe đua mau nghỉ hưu để chàng trở lại ăn nhiều ngủ nhiều như xưa cho tôi đỡ mệt!
Trời tối thui. Mùa đông mau tối. Ăn xong đã dọn dẹn rửa ráy và lo đánh răng súc miệng rửa mặt cùng mọi thứ linh tinh khác. Chàng kéo tay tôi:
- Mẹ ơi, chơi với con!
- Ừ, thì chơi! Chơi cái gì?
- Chơi thú trong hoang địa.
Chàng xếp miền hoang dã từ những cục đá đủ màu đủ kiểu mà chàng đã thu thập trong những lần đi cắm trại trên rừng trong núi ngoài biển. Nhìn cũng thích mắt. Những hộp giày đã được làm thành diorama ở trong, giờ chàng lấy làm núi và hang. Bên kia, chàng xếp những cái hộp nhựa thành một cái tháp. Chàng là Linh Dương. Tôi là Wombat. Con Linh Dương đi bơi hồ. Con Wombat cũng đi bơi. Linh Dương bơi nhẹ nhàng. Wombat nhảy vô hồ, kêu cái ‘bũm.’ Bự con mà, phải ồn ào thôi! Hai anh thấy nhộn nhịp chạy qua coi. Linh Dương kêu:
- Mẹ ơi, Mẹ leo lên tháp đi!
- Không leo được! Tháp cao lắm! My butt is chubby!
Ba chàng cười sặc sụa!
- Mẹ funny quá!
- Kệ tui! Nhìn đi! Con Wombat này nó mũm mĩm như vầy, con Linh Dương thì thanh mảnh thế kia, biểu làm sao nhanh nhẹn như nhau được!
Chàng Cả cà kê:
- Mẹ ơi, con thích Mẹ chơi với tụi con hoài. Mẹ nói chuyện mắc cười quá!
Tôi giả bộ làm tỉnh:
- Cười gì? Coi nè, nó tròn ũm hà!
Tôi bỏ bê quá khứ để làm con nít. Chơi như thật. Làm siêu con nít. Vô tư và tận tình. Cái vụ chơi này là truyền kiếp từ Chàng đầu cho đến Chàng cuối. Ôi! Thiên đường tuổi thơ! Sao tôi lạc vô làm chi cho… sướng vậy! Sướng nhất là lúc nê cái bụng bầu sắp sanh không đứng-nằm-ngồi-xoay-trở gì được hết mà vẫn phải chơi xe lửa trên sàn. Trời ơi, ai sáng chế ra món đồ chơi xe lửa này vậy? Nói tên đặng tui đi kiện làm khổ bà bầu!
Mà sao con nít chơi hoài không chán há! Có mấy món mà xào miết không hết! Cũng đá, cũng lá tre, cũng thú hoang, cũng cành khô, cũng mấy cái hộp, mà chơi triền miên, chơi nhiều tập, chơi không tận. Bữa thì thú dắt nhau đi học. Bữa thì thú múa “Let It Go” (trời ơi, cái bài này nghe miết mắc chết!). Bữa thì thú chơi trốn tìm. Mà khổ nhất là khi thú đi lạc. Cái nhà thì nhỏ, mà đồ chơi thì hơi nhiều, cho nên việc tìm thú lạc cũng khá là công phu. Khi tìm ra thì cả nhà thú ôm nhau mừng rỡ. Tôi thì được thở. Bữa sau, đang ăn cơm tối, Anh Hai giải thích với tôi:
- Mẹ ơi! Hôm qua, Mẹ nói con wombat không chịu leo tháp vì nó có chubby butt là đúng! Đó là vũ khí tự vệ của nó đó Mẹ. Khi nó bị con thú nào tấn công, thì nó sẽ dùng cái chubby butt của nó để chống lại. Giống như người ta dùng cái khiên để đỡ đạn vậy.
Thì ra là vậy! Hóa ra cái gì cũng có cái lợi của nó. Tôi thật ra chỉ nói bông lơn vì không muốn phải đưa con wombat tròn trĩnh leo lên mấy tầng tháp cao nhồng và rất ư là bấp bênh kia. Hoàn cảnh thực tế là vậy. Bây giờ thì tôi biết, cái mông to của con wombat thật là lợi hại. Chàng Mập (hồi nhỏ mập, giờ đã ốm, nhưng tên lỡ kêu thích miệng rồi, không đổi được) gợi ý:
- Mẹ ơi! Mẹ supersize đi, rồi Mẹ cũng sẽ có vũ khí tự vệ như con wombat!
Tôi xém sặc. Cho coi phim tài liệu để biết ăn fast food là rất ư hại sức khỏe. Vậy mà bữa nay cà rỡn, biểu tôi supersize như trong phim. Thôi thôi! Tôi là kiếp chim yến tử, xin miễn làm wombat. Hai mươi sáu trước, lúc tôi còn làm phụ giáo cho học khu Westminster, có một phụ huynh tự nhiên tới đòi coi bói cho tôi. Cổ nói, kiếp trước tôi là con mèo giữ đèn ở bàn thờ Phật, kiếp này tôi là chim yến tử. Tôi sẽ nhẹ nhàng bay bổng khắp nơi. Nhiều khi trong giấc mơ, tôi cũng thấy mình khinh công, bay khắp chốn, mà cũng có lúc, sức cạn, lực cùng, cất cánh không lên, trên đầu thì ngàn thứ bủa vây. Ngày xưa khi nghe lời bói toán, tôi cũng không biết thực hư ra sao, nhưng mấy chục năm sau được dụ dỗ làm wombat có chubby butt, tôi lại nhớ lời tử vi năm nào. Tôi thong thả trả lời Chàng Út:
- Thôi con! Để Mẹ làm con chim bay tới bay lui! Mẹ không muốn có… vũ khí tự vệ gồ ghề kia!
Đời sống của trẻ thơ thật lý tưởng. Tự do suy nghĩ, tự do bày cuộc, tự do sáng tạo, tự do tưởng tượng. Mà con nít nào chẳng thích chơi thú bông! Bây giờ thì còn thêm thú nhựa nữa, hàng ngàn xa số! Nhưng cái vụ chơi thú bông hay thú nhựa cũng làm tôi nhức đầu. Ai biểu cầu toàn! Ham dạy con tiếng Việt làm chi! Mở miệng là muốn nói tiếng Việt, mà thiệt ra có cả ngàn thứ tôi chưa hề thấy trong tiếng Việt bao giờ! Cho nên, khổ cho người Mẹ nào muốn… “dạy con tiếng Việt toàn diện.” Để dạy con học tiếng Việt, tôi cũng ráng tìm tên mấy con thú trong tự điển mà không thấy. Tự điển điện tử trên mạng thì chỉ… ‘phiên âm' ra. Vậy là xong! Nhưng thật ra thì không xong! Vì phiên âm kiểu này, con “tucan” phiên ra tiếng Việt kêu là “Tú Càn” thì… dễ đụng chạm! Mà không phải lúc nào phiên âm ra cũng nghe lọt tai. Con quetzel, con ocelot, con và con! Phiên thì được nhưng đọc và nghe không được lắm. Mấy con thú thông thường dễ biết thì đã biết rồi: khỉ, voi, bồ nông, trâu, bò, ngựa, dê, lạc đà, kỳ nhông, báo đốm, hồng hạc, vv. Nhưng có những con thú không có trong sách vở tiếng Việt, vì chúng mới được tìm thấy sau này, hoặc là vì chúng chưa được đưa vào sách vở thời trước, cho nên… chúng không có tên tiếng Việt. Tôi nhức đầu nhất là khi con hỏi:
- Mẹ ơi, con này trong tiếng Việt tên gì?
Chẳng lẽ nói:
- Chờ cái! Để Mẹ đặt tên cho nó!
Mỗi lần lái xe đi đâu, tôi hay chơi trò đố tiếng Anh ra tiếng Việt để cho con học tiếng Việt và quên đường xa. Thường thì các chàng thích đố về thú. Mỗi lần không nhớ ra chữ tiếng Việt, các chàng rất tức mình khi tôi đưa ra giải đáp. Cả ba nhao nhao:
- Con biết con này! Mẹ nói là con nhớ liền, mà con không tự nghĩ ra được! Tức ghê!
Chàng Cả nói:
- Con gì thì con quên, chứ con khỉ thì con không quên. Vì Mẹ hay kêu con là “thằng khỉ!”
A! Mắng yêu cũng có cái lợi. Chắc mai mốt tôi phải mở rộng mặt này, mắng con là “thằng cọp,” “thằng sóc,” “thằng thỏ,” cho nó nhớ nhiều hơn! Nhưng không mắng “thằng thằn lằn" được, vì có điệp từ, sẽ gây khó hiểu, và đưa đến nhiều câu hỏi khó trả lời khác!
Lại nói về Chàng Mập. Năm tuổi, chàng thích làm nhà khoa học. Chàng hay nói, “Mẹ ơi, mai mốt con lớn, con thành nhà khoa học…” thì tôi hay nhắc, “Bây giờ con đã là nhà khoa học nhí rồi, vì con thích quan sát và tìm hiểu vạn vật!” Chàng nghe xong, suy nghĩ, rồi “Ồ!” một cái nhẹ nhàng! Như hơi thở của hoa hồng.
Chàng rất thích các loài chim. Chàng có hai con hồng hạc và bạch hạc mà chàng dụ Mẹ mua được ở Big 5. Bữa đó, Mẹ chở chàng đi mua bánh sinh nhật, tiện đường Mẹ ghé mua cái loa để tuần sau đi cắm trại gắn vô điện thoại cho cả nhà nghe audio books. Vừa vô tiệm là mắt chàng đã bắn tia lazer và nhận được tín hiệu có thú bông ở góc phải. Chàng thẳng tiến về đó, mặc kệ Mẹ níu kéo đi về phía có cái loa. Rồi chàng ôm ngay con hồng hạc lên:
- Mẹ ơi! Mẹ mua hồng hạc làm quà sinh nhật cho con đi! Rồi Mẹ gói lại nha! Con sẽ giả bộ ngạc nhiên khi con mở quà!
Đúng là con nít! Biết mà giả bộ không biết! Tự động đòi mua rồi làm đạo diễn biểu tôi phải gói làm quà sinh nhật! Tính gọn ghê! Thôi, vậy tôi đỡ phải suy nghĩ coi mua cái gì cho đúng ý. Niềm vui đơn sơ của con trẻ. Ngọt như mật ong rừng. Tôi say mật, lắc lư ghẹo chàng:
Mua hồng hạc
Sáu đồng bạc
Con hoan lạc
Ôm hồng hạc!
Chàng không thiết trả lời. Ôm hồng hạc, mải mê đặt tên. Mai mốt đi làm nghiên cứu, không biết được ôm hồng hạc thật thì có vui như ôm hồng hạc nhồi bông bây giờ không nhỉ? Mà nhà khoa học này, tuy chưa có đồng nào trong nhà băng, lại có những ý tưởng rất hào phóng.
- Mẹ ơi, con sẽ mở một khách sạn cho những nhà khoa học. Tất cả mọi nhà khoa học sẽ được đến ở miễn phí, và được làm nghiên cứu khoa học ở đó.
- Rồi con lấy tiền đâu ra để xây khách sạn? Mà xây ở đâu?
- Con chưa biết. Nhưng con muốn làm như vậy!
Bữa kia, đang ngồi vẽ hình chim trời cá biển thì chàng ngừng tay, âu yếm nói:
- Mẹ ơi, con yêu Mẹ!
Tôi chớp thời cơ:
- Vậy con cho Mẹ đi làm nghiên cứu khoa học với con nghe! Mẹ sẽ ghi xuống dữ liệu cho con.
- Mẹ được chăm sóc nhà cửa, cắm hoa, trang trí cho căn nhà.
- Nhà nào?
- Nhà của con ở kế bên khách sạn khoa học.
À, thì ra là vậy! Nhà khoa học mở khách sạn khoa học cho mọi người, còn mình thì ở nhà kế bên. Dự án xây dựng này coi bộ ngày càng mở rộng. Từ khách sạn khoa học, nay có thêm nhà, rồi mai mốt biết đâu có thêm khách sạn cho các loài thú đang được nghiên cứu không chừng. Hy vọng là những bất động sản này sẽ không đổi địa chỉ quá thường xuyên. Như mấy năm nay, lúc thì chàng muốn sống ở Bắc Cực, bữa thì chàng đòi qua Úc Châu, rồi đi những miền hoang vu không tên không địa chỉ. Chàng thích rong chơi khắp miền trái đất. Hồi mới bốn tuổi, chàng đã nói:
- Con muốn đi thăm họ hàng ở Á Châu.
Mà đã có gặp ai đâu mà đòi thăm? Chàng chỉ biết là tôi lớn lên ở Việt Nam, thì chàng tự suy ra là mình còn họ hàng bên đó. Vậy là đòi đi thăm thôi! Họ hàng chưa gặp, đòi thăm đã đành. Rồi tới các loài tạo vật cũng vậy! Thích con gì là muốn đi gặp con đó. Thăm người thân đã đành. Chàng còn muốn thăm cả thú nữa! Đúng là cái thú thăm thú thú! Nhưng thăm không chưa đủ! Thích con thú nào, chàng cũng muốn nuôi con thú ấy. Bữa thì chàng đòi con voi con. Bữa thì muốn có dê núi con. Bữa thì ngựa vằn. Mê con gì là đòi con đó. Nếu mà đem hết những con thú chàng đã mê và đã đòi nuôi từ nhỏ tới giờ về nhà, thì chắc cái nhà đã thành vườn thú từ lâu rồi! Mà cũng không cách gì có đủ chỗ cho bao nhiêu con thú ấy!
Chàng cũng thích hoa lắm! Thích vô cùng! Người đâu mà sướng! Cái gì đẹp là đòi, là mê! Khôn chết đi được! Lần đưa chàng đi coi rodeo show ở Cal Poly Pomona, rồi ghé tiệm Farm Store, tôi mê mải lựa mấy chục cân golden mandarin, loại quýt vàng ngọt lịm mà thanh ở quầy rau quả tươi. Chàng theo Tía và hai anh ra nursery ở ngoài, bèn nghía ngay chậu hoa tím Petunia. Thế là khi tôi khệ nệ ôm mấy bịch quýt ra xe, chàng nói:
- Mẹ nhớ đem Petunia về nghe!
May mà có mấy đồng một chậu. Nếu không là không mua đâu nghe! Tiền đâu mà mua! Tôi hay hù vậy. Giơ cao đánh khẽ. Thấy cái gì tốt cho con là mua thôi, đâu cần tới các chàng xin hay hỏi. Đem Petunia về rồi, trồng xuống đất, ngày nào chàng cũng chạy ra thăm cây hoa mới. Thích hoa cũng tốt. Trồng hoa là một thú vui thanh tao. Mấy năm trước, khi mới muốn cưới tôi, chàng nói:
- Mẹ mua cái áo màu hồng và màu tím để mặc làm cô dâu nghe! Con sẽ mua hoa hồng đỏ ở Home Depot cho đám cưới của hai mẹ con mình!
Lúc mới qua Mỹ, tôi học lớp cắm hoa trong chương trình ROP Regional Occupatonal Program. Tôi từng cắm hoa cho rất nhiều đám cưới trong gia đình ở Mỹ, ở Nam Mỹ, và ở Châu Âu nữa. Nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ mua hoa ở Home Depot cho đám cưới của mình cả. Hơi bình dân. Nhưng tôi nghiệm ra, vì tôi chưa dẫn chàng đi mua hoa ở đâu bao giờ. Lần đầu tiên chàng thấy hoa là khi tôi đưa chàng đi Home Depot mua cây ăn trái về trồng. Nên đối với chàng, mua hoa thì phải đi Home Depot. Chàng chỉ biết có mỗi chỗ này là có bán hoa tươi thôi. Hồi trước tôi có dắt chàng đi chợ ở Costco, nhưng lúc đó Costco chưa bán hoa tươi nhiều như bây giờ. Đám cưới thì không chỉ cần hoa cô dâu. Lần khác, chàng lại bảo tôi:
- Mẹ phải mua cái nhẫn thì con mới cưới Mẹ được.
Rồi chàng xòe tay, khoe với tôi cái "jewel" chàng nhặt được trong lúc đi hiking: một hòn sỏi nhỏ trong veo. Chàng nói:
- Con sẽ gắn cái jewel này lên cái nhẫn cưới cho Mẹ!
Sao không cho coi cải lương mà cũng hát đúng bài bản ghê ta! Nhẫn cỏ cho nàng. À không, nhẫn sỏi cho nàng. Đám cưới đơn giản. Áo, hoa, và nhẫn. Nhanh, gọn, lẹ! Không cần khách khứa họ hàng gì sất. Vậy tôi đỡ mệt! Chứ không như lần tôi cưới Tía của chàng, mệt đứt hơi vì phải lo từ đầu chí cuối, mà còn đón bạn bè họ hàng từ xa về. Nghĩ lại còn sợ!
Thích hoa thì nhớ trồng hoa để có hoa mà ngắm mỗi ngày! Một lần kia đi hiking về, ghé chợ mua đồ ăn, thấy người ta bán những chậu hoa nhỏ một đồng một chậu, tôi mua cho mỗi chàng ba chậu. Tôi soạn cho ba chàng ba mảnh vườn nho nhỏ để trồng ba chậu hoa. Từ đó, có thêm hoa gì thì lại trồng thêm vào, nhất là qua nhà Ngoại xin vô vàn những cành hoa trong sân trước. Dễ trồng nhất là sống đời, geranium. Trong những lần đi các khu Wildlife Sanctuary trong vùng, tôi lại mua và trồng thêm buckeye daisy, wild iris, black sage, và những loại thảo mộc từ vùng này (native plants) để rủ ong bướm về chơi. Rồi ba chàng gieo cả những loại hạt từ nhà bếp, như hạt bơ, hạt bưởi, và chờ chúng nảy mầm. Khi cây lớn một chút, tôi sẽ phải dời ra trồng chỗ nào có đất rộng hơn. Mùa Xuân năm nay, Chàng Cả đã dò ý, xin thêm mảnh vườn nhỏ khác để trồng rau củ. Khi tôi nói, cả cái vườn là của chung, cả nhà cùng trồng, cả nhà cùng hưởng, thì Chàng Cả nói:
- Nhưng con muốn tự tay con trồng! Con muốn tự một mình con trồng và chăm sóc kìa! Con sẽ rất hãnh diện để mời cả nhà ăn củ cải đỏ và rau đậu con trồng!
Nói vậy thôi, chứ ham chơi thấy mồ! Hôm trước cứ náo nức đòi đào khoai tây lên, mà lu bu cả tuần, tới lúc đi đào thì chàng tỉnh bơ nói:
- Con mắc chơi rồi! Thôi con không đào đâu!
Hứ! Anh Cả mà vậy đó! Con Nít Cả thì đúng hơn! Mà Chàng Giữa cũng vậy! Một mực đòi nấu canh cho cả nhà ăn. Rồi tới giờ lành thì nói: Thôi Mẹ nêm dùm con! Lại nói về chuyện Mập thích những loài chim. Lần đi cắm trại mùa Xuân ở William Heise, Mập nhặt được lông chim gõ kiến đầu đỏ. Chàng thủ thỉ:
- Mẹ ơi, con muốn có con pet woodpecker!
Tôi tò mò coi thử coi chim gõ kiến thì có nuôi trong nhà được không. Thì ra là không được! Đây là chuyện phạm pháp! Chim gõ kiến rất quan trọng cho môi trường, và cần được bảo vệ. Tôi nói cho chàng nghe thì chàng ỉu xìu, buồn thiu. Hiểu, nhưng vẫn buồn. Tôi nhanh trí, chạy ra tiệm sách cũ, mua được quyển sách về chim gõ kiến cho chàng. Tác giả Alexander F. Skutch, họa sĩ Dana Gardner. Do nhà Ibis xuất bản từ năm 1985. Chàng ôm sách, cười mỉm chi, tự an ủi. Sách rất đẹp, có nhiều tranh chim gõ kiến đủ loại rực rỡ. Chàng thích thú ngắm nghía và lấy giấy ra vẽ theo. Cũng giống như khi coi phim tài liệu “Voyage of the Continents,” chàng lấy cuốn sổ, ngồi nghiêm chỉnh ở bàn, lấy bút viết ra, nghe tới đâu thì vẽ tới đó. Nhà khoa học tí hon thích ghi lại những gì mình nghe và đọc. Chơi như học. Học như chơi. Và rất thích quan sát thực tế. Như lần coi phim tài liệu về hệ thống sinh thái ở Cuba, chàng khảng khái quyết định:
- Sinh nhật bảy tuổi, con sẽ đi Cuba!
Tôi chưa kịp trả lời thì hai anh vặn vẹo:
- Là khi em vừa mừng sinh nhật xong thì em sẽ ra phi trường lên máy bay đi, hay là một ngày, hai ngày sau đó?
Chàng không giải thích, không trả lời. Chỉ lẳng lặng ngồi mơ màng về những sinh vật chàng đã thấy. Chàng thích hồng hạc đậu hồng cả một vùng. Nhưng chàng tội nghiệp mấy con cua nhất! Cứ bò ngang qua đường là bị cán rộp rộp! Chàng cứ thốt lên, “Tội nghiệp quá!”
Thế giới tưởng tượng của một đứa bé sáu tuổi là cõi say mê không tận. Trong các động vật, Mập thích các loài chim nhất. Chàng biết tên nhiều loài chim, có thể nhận diện chúng qua hình dáng bên ngoài, có thể giả tiếng kêu của chúng, thích chơi với chúng (nhồi bông), thường vẽ chúng, và nhất là siêng đặt tên cho chúng. Không hiểu sao chàng có thể nhớ hết tên của mấy chục con chim nhồi bông chàng có. Lúc chàng bốn tuổi, cả nhà dắt nhau lên đồi để dự Shotokan Karate Special Training ở Oshima Dojo trên Santa Barbara. Nhác thấy con chim con trong bụi cây, chàng hớn hở chạy tới. Hình như con chim đang tập bay, nên nhảy hai cái, rồi nằm yên trên đất. Chàng la lớn:
- Con chim của con! Con chim nhỏ của con! My baby little birdie!
Tôi sợ chàng bắt nó nên phải ôm chàng lại. Con chim từ từ nhảy vô trong bụi cây nằm yên. Chàng khóc la om sòm, nhất định đòi phải ôm con chim và đem nó về nuôi. Tôi phải dứt khoát bồng chàng đi chỗ khác. Trong lòng cứ áy náy vì chỗ võ đường, người ta đang chú tâm tập tành. Lớn một chút, chàng tự xoay sở để có những con chim chàng thích, bằng cách vẽ hoặc nắn chúng từ paper clay. Không có chim thật thì làm chim giả. Năm đó, có người quen tặng chậu hoa lan thật lớn, có nhiều con chim giả đủ màu. Chàng xin mấy con chim rồi từ một con, chàng ‘sáng chế’ ra một loạt chim khác bằng cách gắn đuôi cho nó. Khi thì chàng gắn đuôi công, khi thì đuôi vịt, đuôi diều hâu. Nhưng bất kể là dùng lông gì, chàng đều tự nghĩ ra cái đuôi đó giống con chim nào. Vậy là cứ mỗi hai phút, chàng lại chạy qua bếp khoe với tôi một con chim mới, một cái tên mới, một nụ cười mới. À, con này là chim này, vì đuôi nó fluffy. Con này thì có đuôi màu xanh dương. Vân vân và vân vân. Một con chim, một cái mình nhỏ xíu, mà biến hóa muôn trùng. Thật là tiện lợi và thú vị. Mà đỡ tốn kém nữa! Chỉ khổ cho tôi, phải phân thân, vừa nêm nếm, cắt rửa, vừa làm ủng hộ viên cho nhà ảo thuật. Tôi từng coi những nghệ nhân trình diễn thay đổi mặt nạ rất ngoạn mục. Còn cái vụ đổi đuôi chim liên tục như vầy thì hình như chỉ mới có một và ngoạn mục trên cả ngoạn mục vì người xem phải dùng trí tưởng tượng của mình đến mức tối đa để nhìn chỉ một thân con chim mà phải "thấy" ngàn con chim khác!
Mới biết, mê gì thì mê, chàng vẫn mê các loài chim hơn cả mê hoa. Cả nhà đưa nhau đi cánh đồng hoa Flower Fields ở Carlsbad. Vô tới cửa, gặp khu Bird Aviaries thì hai cái chân của chàng đình công. Chàng dính chặt vào cái lồng chim, có bầy chim cút button quails xinh xắn lúp xúp chạy tới chạy lui, có những con chim society finch nhảy nhót nhộn nhịp, có đàn ring-neck doves, và nhất là, khám phá mới nhất và đam mê mới nhất của chàng: zebra finch. Chàng lê lết ở đó, nói gì cũng không nghe, dụ gì cũng không chịu đi. Ngắm say đắm. Tôi rà mạng thử coi chim này bán ở đâu, nhưng kết quả lung tung dong dài. Mệt quá, tôi không rà nữa. Khi có người đến chăm sóc chim, tôi kêu Chàng Cả hỏi thăm coi mua chim này ở đâu. Magnolia Bird Farm. Ai mua cũng được, không cần phải là doanh nghiệp. Người nhân viên đó nói những con chim này rất dễ nuôi, chỉ cần lo đủ thức ăn và nước uống, và treo những cái tổ trong lồng nếu muốn chúng đẻ trứng. Tôi hỏi liệu chúng có buồn khi người nuôi chúng đi xa không, thì ông ấy nói, không giống như loài két, những con chim này rất tự lập, không cần có người hỏi thăm chuyện trò. Vì chàng không chịu đi, tôi đành dắt hai chàng lớn đi ngắm hoa, giao chàng cho Tía coi bên chuồng chim. Rồi sau đó, tôi trở lại, hứa mua ba con zebra finch cho ba chàng, thì chàng mới chịu dời bước đi ngắm hoa với cả nhà. Mà sau đó vẫn vòng lại để ngắm chia lần cuối trước khi đi về. Chưa mua mà chàng đã đặt tên cho con zebra finch của mình rồi. Chưa gặp mà đã mê nó rồi sao? Tùy hỉ. Miễn là đừng đòi cưới nó là được.
Tôi tung tăng nhún nhảy theo hơi thở tuổi thơ. Khơi mở tâm thức. Háo hức ước mơ. Lung lơ trí huệ. Kiến tạo đam mê. Mới thấy, chơi cũng mệt. Dạy cũng mệt. Không biết trên đời này, làm cái gì mới không mệt đây? Làm cái gì không mệt thì tôi không biết, nhưng mà tôi biết chắc có một thứ rất mệt, không chừng mệt nhất nữa: đó là làm biếng. Làm biếng thì cái gì cũng đùn ra, đời sẽ đũn đùn đun. Không thích chút nào!
Ừ, thì chơi tiếp! Cho nó mệt đứ đừ đư vậy!
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
06/2021