Một Khu Vườn Fulbright Toàn Cầu:

Vun Trồng Mái Ấm ở Stockholm và Trên Thế Giới

bài & hình: Trangđài Glassey-Trầnguyễn, Ph.D.

 

 

Lời Giới Thiệu: Tác giả trình bày bài viết dưới đây vào ngày 20 tháng 10, năm 2021, Session 3, trong ngày đầu tiên của Đại hội Fulbright lần thứ 44, kỷ niệm 75 năm thành lập Chương Trình Fulbright với chủ đề, “Fulbright at 75: Celebrating a Legacy of Global Friendships.” Tựa đề Anh ngữ của bài thuyết trình là “A Fulbright Global Garden: Cultivating ‘Home in Stockholm’ and In The World.”  Bài này được tác giả đặc biệt phỏng dịch cho Gió O. Trong vai trò Giám Đốc Sáng Lập của Dự Án Người Việt Hải Ngoại (Vietnamese Diasporas Projects), Tiến sĩ Trangđài là người Việt duy nhất được chọn thuyết trình cho Đại hội năm 2021, cũng như trong năm 2020, khi cô nói về kinh nghiệm di dân khó khăn của những người Việt vô tổ quốc với bài nghiên cứu, “Un/Earthing Borderland-Motherland: Stateless Bodies In Transnational Limbo” (tạm dịch: Khai/Quật Biên-Giới-Quê-Mẹ: Những Cơ Thể Vô Tổ Quốc trên Ngõ Cụt Xuyên Quốc Gia). Xin xem trọn bài này tại đây: https://shiftjournal.org/issue-11/glassey-tranguyen/.

 

 

Hình 1: Tác giả tham dự lễ trao giải Nobel tại Concert Hall ở phố cổ Stockholm,

Thuỵ Điển tháng Chạp, 2004.

 

Xin kính chào quý vị,

 

Tôi muốn bắt đầu với lời cảm ơn chân thành đến Ban Tổ Chức đã nhọc công thực hiện đại hội qua mạng lần thứ hai này. Chúng ta hãy cùng tiếp tục thắp lên ánh đuốc Fulbright 75 năm sau khi viễn ảnh này được khơi màu và đã làm cho thế giới tốt đẹp hơn!

 

Trong phần trình bày sau đây, tôi xin mời quý vị cùng hồi tưởng lại kinh nghiệm Fulbright của chính mình khi tôi chia sẻ hành trình và cái nhìn mà tôi có được trong thời gian nghiên cứu tại Thụy Điển. Chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm một câu hỏi: Làm sao để cùng vun bồi tương quan nhân loại trong một thế giới đang tìm cách chung sống trong hòa bình, bảo tồn sinh thái, và bình đẳng?

 

Tôi đưa ra khái niệm “một khu vườn Fulbright toàn cầu" để cho thấy việc hòa nhập vào một văn hóa khác là cùng đích để tìm đến một đời sống an lạc (tại nhà) cho chính mình và tha nhân.

 

 

Phố cổ Gamla Stan, thủ đô Stockholm.

 

 

Xu hướng học thuật và phục vụ dân sự của tôi đã chịu ảnh hưởng lớn sau một năm tham gia chương trình Fulbright, từ những đan kết giữa kinh nghiệm nghiên cứu và nhận thức cá nhân. Tôi cho rằng công dân của thế giới hôm nay không chỉ cần vun bồi mái ấm tại nhà, mà ngay giữa thế giới nữa. Điều mà tôi chú trọng đến là kinh nghiệm an vị “đang ở nhà" có thể đến từ (a) lòng yêu thiên nhiên chung, (b) chính sách di dân nhân đạo, và (c) những cái (nghịch) lý của các cộng đồng thích ứng.

 

NHÀ TA Ở STOCKHOLM: Người Việt tại Thuỵ Điển

Dõi theo luồng sóng di dân xuyên quốc gia trong nửa thế kỷ qua, Dự án Fulbright của tôi tìm hiểu về đời sống của người Việt tại Thụy Điển, với chủ đề “Nhà Ta Ở Stockholm: Chứng Từ Xuyên Quốc Gia của người Việt Tỵ Nạn.”

 

Tôi thực hiện nghiên cứu theo phương pháp nhân chủng học, tham khảo tài liệu văn khố, và phỏng vấn lịch sử truyền khẩu bằng tiếng Việt với đồng hương tại thủ đô Stockholm và các thành phố khác ở Thụy Điển. “Nhà Ta Ở Stockholm" là dự án đầu tiên và duy nhất nghiên cứu về người Việt ở đây theo phương pháp này từ trước tới nay.

 

“Mỗi năm chúng tôi không có mặt trời trong sáu tháng,” một viên chức di trú đã nói với cô Triệu Trần Sen như vậy trong cuộc phỏng vấn tại trại tỵ nạn ở Phi Luật Tân. Là thuyền nhân, cô không có cái quyền xa xỉ để chọn nơi mình được định cư. Cô đi Thụy Điển, nhưng trong lòng cứ nghĩ, phải chi được đi Mỹ thì tốt quá.

 

 

Mùa thu Stockholm.

 

Đối với những người Việt tỵ nạn đi tìm một mái ấm tại Stockholm mà lòng thì hướng về nơi khác, có lẽ họ khó đạt đến cảm giác an vị. Trên những con đường ngập tuyết của đất nước Thụy Điển buốt giá, mái ấm phải chăng chỉ là một tâm thức xa vời cho họ? Từ những thay đổi về thời tiết môi trường cho đến sự cô lập về văn hóa, kiếp lưu vong da vàng được định nghĩa bởi mâu thuẫn và mong mỏi. Câu chuyện của người Việt tại miền đất Bắc Âu này tưởng chừng là những câu chuyện của kiếp lạc loài. Nhưng khi những câu chuyện này được gói ghém trong sự biết ơn sâu sắc đối với lòng nhân đạo của chính phủ Thụy Điển dành cho người tỵ nạn và di dân, thì cảm giác an vị được bày tỏ cách sâu xa nhất.

 

“Mái ấm" là một nghịch lý khi nó luân chuyển giữa những bất lợi của một nơi định cư có thời tiết lạnh giá và lòng biết ơn đối với chính sách di dân nhân đạo tại đây. Khi người Việt ở Thụy Điển nêu lên những bất lợi như thời tiết lạnh giá và rào cản ngôn ngữ (tiếng Thụy Điển vô cùng phức tạp, hơn cả phong ba bão táp trong ngữ pháp Việt Nam!), thì họ cũng tỏ lòng biết ơn vô tận đối với chính phủ nước này và các chính sách nhân đạo. Xin nhấn mạnh là trong suốt lịch sử loài người, những thể chế di dân trên thế giới vốn rất gập ghềnh. Năm 2021, khi chúng ta chứng kiến cảnh nước Mỹ rút quân khỏi A Phú Hãn và sự sụp đổ kinh tế tại Lebanon, cũng như những biến cố chính trị thế giới gần đây, chúng ta ý thức rõ ràng và lưu tâm đến nhu cầu quan trọng của những chính sách di dân nhân đạo.

 

Đa số người Việt tại Thụy Điển mang một lòng biết ơn vô bờ đối với nước sở tại, từ giây phút được định cư và trong  suốt thời gian nhập cư. Chị Sen giải thích, “Chúng tôi là những gia đình có người bị khuyết tật, hoặc già nua, hoặc đông con, nên tất cả các quốc gia khác đều từ chối không nhận chúng tôi. Nhưng Thụy Điển đã cưu mang chúng tôi. Họ đã cho chúng tôi một cơ hội định cư duy nhất!”

 

Tuy có một số người Việt tại Thụy Điển đã tái định cư đến những cộng đồng Việt hải ngoại khác có thời tiết ấm áp hơn và có nhiều đồng hương hơn như tại Quận Cam, California, phần lớn đã khẳng định với tôi rằng Thụy Điển là quê hương của họ. Họ trân trọng đời sống thanh bình và trật tự ở đây. Họ cảm thấy ổn định và an cư. Họ thấy được chính phủ quan tâm và chăm lo. Họ hạnh phúc thấy con cái được học hành tốt đẹp và hưởng nhiều cơ chế an sinh xã hội. Dù họ tiếp tục đối diện với những cách biệt văn hóa, họ cảm thấy có nhiều cơ hội cho những thế hệ nối tiếp.

 

AN VỊ GIỮA THẾ GIỚI: Những Cộng Đồng Thích Ứng

Khi người Việt định cư ở một miền đất mới, cảm giác tìm được một mái ấm thứ hai luôn đan quyện với những tương quan với người xung quanh và những quan hệ xã hội mà họ thiết lập. Những làn sóng người Việt ồ ạt bỏ nước ra đi từ năm 1975 cho đến tận hôm nay đã đưa đến việc hình thành những cộng đồng hải ngoại lớn mạnh quanh thế giới với cơ cấu tổ chức xã hội vững vàng. Trường hợp người Việt ở Thụy Điển thì không được như vậy. Vừa thiếu một cộng đồng văn hóa, vừa phải sống cách xa nhau, nên người Việt mới định cư ở đây có thể bị trầm cảm.

 

 

Sinh viên Việt Nam từ ba nước Bắc Âu gặp mặt ở hội đua thuyền Uppsala 2005.

 

 

Trong bản đồ Việt Nam hải ngoại, người Việt ở Thụy Điển có vẻ như bị “chầu rìa.” Nhiều học giả còn thắc mắc không biết có người Việt sống ở nước này không. Đây có thể vì con số người Việt tại đây khá nhỏ và họ lại sống rải rác khắp nơi. Nhưng qua các nghiên cứu thực tế, tôi thấy rằng vẫn có những trường hợp mà tôi gọi là “cộng đồng thích ứng" với tất cả mọi cái (nghịch) lý của nó, khi mà cơ cấu tổ chức có thể linh động và đến cách tự nhiên. Một trường hợp điển hình là khi sinh viên Việt Nam ở khắp các nước Bắc Âu họp mặt ở Uppsala cho cuộc đua thuyền  năm 2005. Đây là một sinh hoạt thường niên do Hội Sinh Viên Bách Khoa Uppsala tổ chức.

 

Khi tôi đang trò chuyện với các bạn sinh viên Việt Nam từ Phần Lan, Na Uy, và Thụy Điển, thì tôi tình cờ gặp bạn bè cùng ký túc xá người Romania và Mã Lai từ Lappis, Đại học Stockholm, cũng đến Uppsala dự hội đua thuyền. Đối với tôi, ngày đua thuyền ở Uppsala hội tụ một cộng đồng nhiều giai tầng của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết cùng vui chơi với nhau. Họ có thể không bao giờ gặp lại nhau lần nữa, nhưng trong ngày hôm đó, họ cùng  thuộc về một cộng đồng qua một sinh hoạt chung. Tôi nghĩ đến dự án nghiên cứu của mình, tuy chú trọng vào người Việt, nhưng không nhất thiết phải bị gò bó trong sinh hoạt sắc tộc mà thôi. Thật ra, tôi nhận thấy việc nghiên cứu về những tương quan của người Việt với cộng đồng địa phương và đất nước thứ ba còn quan trọng hơn nữa. Qua đó, cảm giác an vị và tinh thần cộng đồng có thể được mở rộng để bao gồm những tương quan nhân sinh chung vượt ra khỏi những ràng buộc dựa trên sắc tộc hay cấu trúc xã hội.

 

 

Tác giả trò chuyện cùng dân cử thành phố Berlin tại Đại hội Fulbright Đức Quốc 2005.

 

 

Một cộng đồng thích ứng khác mà tôi trải nghiệm là Đại hội Fulbright Đức Quốc lần thứ 52 vào tháng Ba, năm 2005, khi các học giả Fulbright từ khắp nơi quây quần tại Berlin để chia sẻ nghiên cứu và văn hóa. Tôi thật sự bị choáng ngợp! Tôi chưa bao giờ được gặp nhiều người trong chương trình Fulbright như vậy! Nhưng tôi xúc động mạnh mẽ nhất khi ôn lại lịch sử chia cắt của thành phố Berlin. Trong buổi họp town hall tại tòa đô chính, tôi đã hỏi những vị dân cử về các phương cách và chương trình họ đã thực hiện để giúp Berlin hàn gắn những cách biệt Đông-Tây trong lịch sử. Câu hỏi này khởi đi từ  cảm nghiệm tôi có khi nhìn về sự phân chia Nam Bắc tại Việt Nam và những ngăn cách vẫn còn tồn tại hôm nay. Tôi cảm thấy gần gũi và gắn bó mật thiết với Berlin bởi vì những kinh nghiệm lịch sử chung này.

 

AN VI TOÀN CẦU: Phổ biến thông điệp Fulbright

Sau một năm ở đất khách trong chương trình Fulbright, các nghiên cứu sinh trở về nhà, hay ở lại nơi đó như quê hương mới. Và sứ mạng phổ biến thông điệp Fulbright và vun trồng sự thông cảm liên quốc gia tiếp tục!

 

 

Sinh viên Việt Nam ở Phần Lan và Thuỵ Điển gặp nhau tại Helsinki, mùa hè 2005.

 

 

Trong buổi nói chuyện với tư cách học giả Fulbright tại Đại học Cal State Fullerton năm 2005, tôi mời gọi mọi người cùng trở nên những đại sứ văn hoá và đẩy mạnh sự hiểu biết xuyên văn hoá ở bất cứ nơi nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù bạn không chính thức nằm trong chương trình Fulbright. Hôm nay, tôi may mắn được sống giữa những nền văn hoá đa dạng của thế giới ngay tại Nam California này. Nhưng khi những khủng hoảng môi trường và thời tiết khắc nghiệt đã trở thành chuyện mỗi ngày, thì chúng ta được thúc bách để cùng nhau xây dựng một cộng đồng bảo vệ môi sinh.

 

Tinh thần và hành động bảo vệ môi trường là một mạch chính trong văn hoá Thuỵ Điển. Tháng Giêng năm 2005, tôi thuyết trình tại một Đại hội quốc tế do Bộ Phát Triển Quốc Tế (SIDA the Swedish International Development Authority) tổ chức. Tôi đã hỏi một học giả người Thuỵ Điển ngồi bên cạnh tôi, “Theo bác, đâu là điểm đặc thù của nền văn hoá Thuỵ Điển?” Ông suy nghĩ thật lâu, rồi nói với tôi, “Tình yêu thiên nhiên.”

 

Người di dân muốn hội nhập văn hoá vào xã hội Thụy Điển là một điều khó khăn vì nếp sống riêng tư ở xứ này. Nhưng có một cách có thể giúp rút ngắn khoảng cách văn hoá, đó là bằng cách tham gia và chia sẻ tình yêu và sự bảo vệ đối với thiên nhiên vốn hiển hiện và là cốt lõi của văn hoá nước Bắc Âu này. Và đây là một sự ăn rơ tuyệt vời vì người Việt tỵ  nạn ở mọi nơi mang theo một di sản chung: không phải là ngôn ngữ, hay văn hoá, vốn được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Cái chung đó chính là tình yêu thiên nhiên và sở thích trồng trọt. Tại Quận Cam chẳng hạn, người ta có thể nhận diện một ngôi nhà Việt Nam cách nhanh chóng qua những cây cối hoa cỏ xung quanh và ngay cả trong nhà.

 

Để kết, tôi xin trở lại câu hỏi mà tôi đã đề ra ban đầu. Làm sao để cùng vun bồi tương quan nhân loại trong một thế giới đang tìm cách chung sống trong hòa bình, bảo tồn sinh thái, và bình đẳng? Xin đưa ra vài suy nghĩ:

 

Thứ nhất, hãy giúp đẩy mạnh những chính sách di dân nhân đạo, với ý thức rằng chuyện di dân là một vấn đề hết sức phức tạp. Chỉ hai ngày trước, Hội Fulbright Association đã đưa ra một tin khẩn, kêu gọi sự hỗ trợ cho dự luật H.R.5482, nhằm hướng dẫn Bộ Ngoại Giao trong việc cấp hộ chiếu đặc biệt cho những người A Phú Hãn đã từng tham gia chương trình Fulbright, để họ và gia đình họ thoát khỏi sự bố ráp của chính quyền Taliban và được định cư hay ở lại Hoa Kỳ. Chúng ta có thể dành một phút để giúp điền đơn này (https://fulbright.org/we-stand-with-afghan-fulbrighters/?utm_source=Fulbright+Association&utm_campaign=f6c3bc25f0-EMAIL_CAMPAIGN_2019_10_01_05_24_COPY_01&utm_medium=email&utm_term=0_14193c13ec-f6c3bc25f0-127791061&mc_cid=f6c3bc25f0&mc_eid=UNIQID#afghan-bill) và giúp những thành viên Fulbright người A Phú Hãn #FulbrightAfghanAlumni.

 

 

 

Macintosh HD:private:var:folders:_t:2yxh3zbx18l43b7zvxmkytr40000gp:T:TemporaryItems:0.jpg

Macintosh HD:private:var:folders:_t:2yxh3zbx18l43b7zvxmkytr40000gp:T:TemporaryItems:0.jpg

 

Macintosh HD:private:var:folders:_t:2yxh3zbx18l43b7zvxmkytr40000gp:T:TemporaryItems:0.jpg

Hình về thiên nhiên của ba trẻ Kiên, Huy, Đan.

 

Thứ hai, hãy tạo nên những cộng đồng thích ứng để thiết lập những tương quan hoà bình và tình liên đới giữa các văn hoá. Hãy tiếp tục nuôi dưỡng một trái tim toàn cầu, hãy tiếp tục là những đại sứ văn hoá ngay cả sau khi bạn đã hoàn tất chương trình Fulbright, và hãy sống tinh thần Fulbright dù bạn đang ở đâu.

 

Thứ ba, hãy nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên trong những thế hệ của hôm nay và ngày mai. Hãy giữ nếp sống xanh, hãy tranh đấu cho công bằng môi trường, và hãy gieo trồng một tình yêu sâu sắc và sự chăm sóc thức thời dành cho Mẹ Đất trong cộng đồng và tại nhà.

 

Tôi xin chúc quý bạn mọi điều tốt lành nhất khi bạn vun trồng khu vườn Fulbright toàn cầu của mình!

 

Trangđài Glassey-Trầnguyễn, Ph.D.

11.2021