Trangđài Glassey-Trầnguyễn

 

con là quê hương của mẹ

 

Dấu Yêu ơi,

Con yêu dấu yêu ơi!

 

mỗi bập bẹ

khuyến thiện vách tường

mân mê ngày tháng cũ

con ô a

đàn trẻ lớp vỡ lòng

lay trường làng thức dậy trước hừng đông

 

mắt nheo nheo, nháy nháy, gieo tình

thắt thỏm sông rạch

xao xuyến gió hè

ruộng xa

 

bàn tay mềm như gió trời mới nở

xoa vào nghìn giấc ngủ của hôm qua

bùn non

mẫn mịn

tan giòn

 

tiếng cười thấm vào không gian

xe chỉ vấn vương 

luồn tơ lưu luyến

mẹ nhớ mình cười vài thập niên trước

và một quê hương lẽo đẽo đi cày [i]

 

ôi, Dấu Yêu, con hít vào khoảng trống [ii]

xả hồng trần, muôn lượng kiếp trước, sau

trống như nắng, như đêm chưa kịp ngủ

rỗng như trời, như ống trúc, mo cau

 

ôi, Yêu Dấu, con thở ra trăm cõi

xõa quê hương trên vũng nhớ đơn côi

mùi mía thơm trong nắng Tết trắng vôi [iii]

mùa tảo mộ nửa con trăng Nguyên Đán

 

con đã đến, quê hương thôi lẻ bóng

quê-hương-con [iv] bòng bọng nước tao phùng

 

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

 

http://www.gio-o.com/TrangDai.html

 

[i] Tôi sinh sau cuộc chiến Việt Nam. Khi tôi còn ấu thơ, thì tiếng cười vô tư của tôi quấn quýt bên những chiếc cày gỗ do trâu kéo trên những thửa ruộng loáng phèn. Cả quê hương tôi lẽo đẽo đi cày trong giai đoạn đó và về sau.

 

[ii] Triết gia Kim Định cho rằng cái khoảng trống trong trống đồng chính là cốt lõi của triết Việt: “…triết lý tâm linh lấy việc xả làm bước nhập môn… Riêng Việt thì xây trên chữ Trống… nhấn mạnh đến sự trống rỗng của tâm hồn làm nền móng” (tr. 42, Phong Thái Anh Vi, tác giả Kim Định, An Việt Houston xuất bản). Con hít vào khoảng trống, là hít vào cái tinh hoa cốt lõi của an vi.

 

[iii] Ở miền quê Tây Nam Bộ vào các thập niên sau 1975, người dân làng nghèo, chỉ dùng vôi trắng để sơn phết lại mộ bia, đa số là mộ đất, hay nhà cửa, trong dịp cuối năm, vừa tảo mộ, vừa chuẩn bị đón Tết. Có lẽ gần bốn thập niên sau, vẫn còn người chỉ có đủ tiền để mua vôi phết trên những nấm mộ nghèo mỗi lần đón Tết.

 

[iv] Con và quê hương, đối với một người mẹ Việt Nam xa quê, đã nên một. Con là tất cả những hy vọng và tình thương mà mẹ muốn trao cho quê hương, và chính quê hương lại là di sản thiêng liêng nhất mẹ muốn trao cho con. Chính trong con, mẹ đã tìm lại quê hương khi mẹ trao quê hương cho con mỗi ngày trong cúc cục cù lao. Con, quê hương, và mẹ cùng lớn lên trong một sự sống mới, gặp nhau trên một sinh lộ mới. Tôi dùng chữ “nước” ở đây với nhiều ngụ ý. Nước, cũng chính là quê hương. Nhưng nước cũng hàm ý nước ối, mạch nước nuôi dưỡng thai nhi trong thời gian chín tháng mười ngày. Bòng bọng nước chỉ một sự hướng tới, một sự háo hức mong đợi nguồn sống mới trong một con người, hay trên một quê hương.

 

 

 

 © gio-o.com 2011