tranh Võ Đình

VÕ ĐÌNH

chùm truyện cực ngắn

TRỜI ĐẤT

Bà bạn tên Ngọc.  Chồng Ngọc là René, Mỹ gốc Pháp.  Mới tháng trước, René chết, thình lình.   Không bệnh hoạn, không tai nạn chi cả.  Hôm qua, gặp Ngọc.  Bà khóc.  Mếu máo cái gì mà “chẳng ai thương mình cả...”  Một bà già trong bữa cơm đặt tay lên vai Ngọc:  “Đừng tưởng vậy.  Trên đầu có Trời thương.  Dưới chân có Đất thương.  Cứ nhớ vậy nhé.”
                                                                                              
2004

TRẮNG ĐEN

Tân và tôi là bạn “cố tri”.  Biết nhau, chơi với nhau từ hơn nửa thế kỷ. Nói cho đúng, sáu mươi năm.   Từ ngày chúng tôi còn ở tiểu học.

Hoàn cảnh đẩy đưa, Tân cư ngụ bên Pháp, tôi ở Mỹ, lâu lắm mới có cơ hội thăm nhau một lần.  Thời gian trôi qua, cả hai nay đã trở thành hai ông già.  Lần cuối gặp nhau ở Pháp, Tân về Paris đón tôi và bà xã, đem về nhà ở ngoại ô, đãi một bữa cơm hoàn toàn Việt nam, tự tay nấu lấy – bà Tân là một người Pháp.  Tân khoe:  “Cá thu nướng qua rồi mới kho đó!”  Chúng tôi khen ngon, Tân đắc ý lắm.

Tân có mái tóc bạc phơ; tóc tôi không bạc bằng nhưng râu tôi trắng xóa.  Tóc bạc, má phính, dáng Tân có vẻ “đẫy”.  Tôi chế nhạo bạn:   “Cứ ca-măm-be, ba-ghét, pi-na* vào cho lắm!”  Tân cười, xoa xoa bụng.

     Vài năm sau, Tân qua Mỹ chơi.  Có mấy cô em ruột, người chồng Việt ở Maryland, kẻ chồng Mỹ ở Florida.  Các em lái xe đưa Tân đến thăm tôi.  Chúng tôi đều là dân gốc Huế:  Nhà tôi làm “cơm hến”.  Trước khi ăn cơm hến, mọi người được nhâm nhi món “ mít  trộn ”:  Mít non, luộc, xé nhỏ, trộn tôm thịt, đậu phụng, mè rang nguyên hột, rắc rau răm hoặc húng quế, rưới nước mắm pha chanh, đường, ớt, tỏi.  Bẻ bánh tráng dòn, xúc mít mà ăn.  Ngon chết bỏ!

Gặp lại Tân, tôi giật mình.  Mái tóc bạc phơ đã biến mất, tóc Tân đen nhánh như mấy chục năm về trước.  Những nét nhăn cũng biến mất.  Một anh Tân thanh niên, mới ngoài 30!  Tôi nghĩ bụng:  Không ngờ thằng này lại là tín đồ của thuyết “trẻ mãi không già” qua ngả nhuộm tóc và giải phẫu thẩm mỹ!  Nhưng mải ăn uống trò chuyện, tôi không đả động đến chuyện này.  Mọi người cư xử bình thường.  Chẳng ai mảy may tỏ vẻ ngạc nhiên thấy ông già Tân nay lại trẻ ra quá nửa tuổi.

 Cơm nước xong, lâu sau đó, hai ông bạn mới có cơ hội ngồi thủ thỉ với nhau trong bóng mát của tàng cây bàng. 

Lúc ấy, tôi mới hỏi Tân:

- Này, ông làm chi mà ngó trẻ rứa?  Tóc đen thui, mặt không một nét nhăn.  Chừng 30!

Tân cười:

- Làm chi mô.  Tự nhiên thôi.  Không làm chi hết.

- Thật à?

- Thật.  Cam đoan. Trước, mình cũng thấy lạ.  Sau, quen đi.

-    Lạ thật chớ.  Mình nhớ mới lần trước gặp nhau, tóc ông bạc phơ.  Nay đen nhánh.  Như chàng Tân mấy chục năm về trước.  Lạ!  Khó tin.

-    Ông tin mình đi.  Mình thề!  Mặt, không giải phẫu, giải phiếc chi cả.  Tóc, không nhuộm nhiếc chi cả.  Tuyệt đối.

-  Ông nói thì mình tin.  Khỏi phải thề thốt!  Ông không thấy kỳ cục à?

- Có, kỳ cục chớ.  Tóc bạc cứ dần dần sẫm lại, đen dần, rồi đen hẳn, khi mô không biết.  Mặt mũi cũng rứa. 
Mấy đường nhăn từ từ mất dạng, rồi một ngày gương mặt trẻ hẳn.

- Đúng là “cải lão hoàn đồng” rồi đó.

- Đúng rứa.  Kỳ cục thấy cha!

- Rứa trong người thấy sao?  Có thấy trẻ lại không?

- Không, trong người vẫn vậy.  Không có chi thay đổi.  Vẫn là ông già Tân.  Vẫn loay hoay một lát đã chóng mặt.  Vẫn đi đâu cũng ngó tới ngó lui tìm chỗ đi tiểu.  Vẫn đau xương mỏi chắc khi trái gió trở trời.

- Mấy đứa em không thấy sự thay đổi nơi ông à?

- Chắc là có.  Nhưng chúng không nói chi cả.  Lịch sự Tây phương mà.  Chỉ có ông là “cố tri”, lại là “Mít”, mới tọc mạch!

Tân và các em ăn xong, uống trà nói chuyện thêm một hai tiếng, rồi lên đường.  Hôm sau, tối hôm sau, Tân đã phải bay về Pháp.  Đêm đó, tôi nằm mơ thấy Tân.  Mái tóc hắn, trắng đen, đen trắng, thay đổi liên miên như giây đèn nô-en đỏ tắt, đỏ tắt, kỳ cục hết sức.

                                                            ***

Nói chuyện với Tân, tôi thấy người bạn thuở thiếu thời là một người chơn chất.  Trước, còn thanh niên, hắn đỏm dáng.  Tóc vén lên, chải phồng thành một cái vòm trên đầu, kiểu mấy anh tài tử xi-nê những năm đầu thập niên năm mươi.  Bây giờ, hắn xuề xòa, giản dị.  Tóc bạc, cắt ngắn.  Áo gió nâu đậm, sơ-mi vải thô, quần khaki cũ kỹ.  Trông Tân có dáng dấp một anh thợ về hưu.  Một người ăn chắc mặc bền.  Một người không hơi đâu bỏ công bỏ của vào việc sửa mặt, sửa mũi, xóa vết nhăn, nhuộm tóc, v.v...
Tân có một chung cư ở ngoại ô Paris, nhưng thích về ở ngôi nhà xưa cũ nơi thôn dã xa cách phố thị.  Ưa cuốc đất, trồng rau.  Dựng được mấy giàn nho.  Tính một ngày sẽ sản xuất lấy rượu vang mà uống.  Một “ông Tây” gốc “Mít”.  Tôi tin lời Tân là hắn đã không nhuộm tóc, không giải phẫu nâng cằm, căng cổ, kéo má, v. v... Tôi tin là hắn đã nói thật.  Và tôi càng bàng hoàng về sự “cải lão hoàn đồng” kỳ dị nơi hắn.


Mới đây, chỉ hai năm sau ngày ăn “mít trộn”  với nhau, một tối, chuông điện thoại reng.  Tôi miễn cưỡng bốc ống nghe:

- Anh Võ đấy há?  Em đây.  Giao Chi đây.

- Chi đó há?  Mọi người khỏe há?

Chi ngập ngừng vài giây, rồi nói tiếp, giọng run run:

- Em tin anh biết là anh Tân mất rồi.  Được tin, gấp quá, vợ chồng em bay ngay qua Pháp tiễn anh ấy.  Có một chuyện lạ...

Tôi biết chuyện lạ của Chi rồi.  Từ lâu, tôi đã ngờ rằng thế nào chuyện đó cũng xảy ra.  Tôi im lặng thấm thía sự ra đi của một “cố tri”.

- Tụi em được tin thì anh Tân đã đi rồi nên chỉ nghĩ đến việc qua Pháp ngay để đưa đám anh ấy, không còn đầu óc đâu để tin cho bạn bè anh Tân biết.

Anh có nhớ hồi anh Tân qua Mỹ, tụi em đưa đến thăm anh chị không?  Anh Nam và em cũng vô cùng ngạc nhiên và sợ hãi thấy sự  đổi thay của anh ấy.  Tóc anh Tân trước trắng phau đã hoàn toàn đen lại,  và cả khuôn mặt anh, nước da anh, là của một thanh niên bằng nửa số tuổi thật của anh ấy.  Kỳ dị hết sức, nhưng phận em út, tụi em không dám nói chi cả.  Anh Tân ngồi bên anh, thấy như con ngồi với cha, không phải hai ông bạn đồng tuế!  Rứa mà anh biết không, khi tụi em đến nơi thì được đưa ngay vào nhà quàn thăm anh ấy.  Tụi em được thấy mặt anh Tân lần nữa, thật kỹ.  Kinh hoàng quá, anh ơi!  Anh Tân  lại thay đổi hoàn toàn.  Mái tóc đen đã biến mất.  Thế vào là đầu tóc bạc phơ.  Những đường nhăn nơi trán, nơi má, nơi cằm, nơi cổ... rõ nét vô cùng.  Hồi qua Mỹ, tụi em đưa đi thăm anh, anh Tân trông chừng mới ngoài 30.  Răng lại có chuyện kỳ cục rứa?  Nay chết rồi, anh ấy lại trở về đúng tuổi của anh ấy.  Một ông già trên 70.  Như anh rứa...

                                                          ***

“Như anh rứa”!  Đến nay, mấy năm đã trôi qua, tôi vẫn không hiểu chuyện đã xảy ra.  Tại sao mái tóc bạc phơ của Tân lại tự nhiên trở nên đen nhánh?  Tại sao bao nhiêu đường nhăn trên mặt một ông già lại biến đi mất tiêu?  Tại sao Tân chết, những sợi tóc bạc và những đường nhăn lại trở về?  Không hiểu được.  Không thể hiểu được.
 
Tôi chỉ biết một điều.  Tôi biết rằng mọi sự có thể là thế này mà cũng có thể là thế khác.  Hiện hữu trùng trùng điệp điệp, không biết đâu mà lường.  Trắng trở thành đen, đen rồi lại trắng, có không, không có, liên miên chập chùng, dễ như lật bàn tay.

Chú thích:
*phó mát camembert, bánh mì baguette, rượu vang (pinard là tiếng lóng) Pháp



VỀ NHÀ


Ba mươi Tết, đoàn xe lửa dừng ở Huế lúc mặt trời mới lên.  Bao nhiêu năm xa Huế, bây giờ tôi thấy ga Huế nhỏ xíu lại, và người dân Huế còn gầy gò hơn người dân Hà nội nữa.  Cái nét tiêu điều của Huế, tôi từng biết, nhưng thấy lại Huế, hai mắt tôi rưng rưng.

Cu Hảo còn ngủ khì, co quắp một góc ghế.  Thằng bé đi với cha từ Hà nội, ăn uống, ngủ ngáy thật vất vả.  Cũng vất vả lắm tôi mới chạy được cái giấy phép vào Trung.  Đất nước thống nhất từ cuối xuân năm ngoái mà mãi đến bây giờ, tôi mới được lên đường về nhà cũ.  Ôi chao, nghĩ đến giây phút thấy lại cha mẹ mà tôi muốn trào nước mắt.  Như vậy là gần 30 năm đã trôi qua.  Năm tôi ra đi, mới 20, nay, 1975, đã xém 50 tuổi.  Trên đầu đã muối nhiều hơn tiêu.

Tằn tiện, hai cha con không kêu xích-lô mà đi bộ.  Qua trường cũ trên đại lộ Lê Lợi.  Khi tôi ra đi, đường còn mang bảng tên anh thực dân đầu sỏ Jules Ferry.  Không qua cầu Trường tiền như xưa mà qua cầu Phú xuân.  Cầu này mới quá, tôi đi rồi mới được xây.  Rồi vào cửa Thượng tứ.  Cứ dọc theo đường thẳng mà về đến nhà.  Ngày trước, khi còn vua, con đường đầy bóng nhãn này gọi là đường Hộ thành.  Nay là đường Đinh Tiên hoàng.  Ba mươi tháng chạp, đường sá vắng hoe.  Lác đác một vài người đi nhanh như không muốn ai thấy mình. Tôi và thằng con đi ngoài đường, có vẻ ngơ ngáo.  Hai bên đường, nhựa đã rã, để lộ đất cằn, có dấu chổi quét.  Thành phố chuẩn bị ăn Tết đây.  Rời đường Đinh Tiên hoàng, vào con hẻm nhỏ, nước mắt trào đẫm mặt.  Hảo lắc lắc tay tôi:  “Bố ơi, Bố, tại sao Bố khóc?”  Tôi ậm ừ:  “Bố mừng quá, con ạ”

Đứng trước ngôi nhà, tôi không tin mắt mình.  Đây, chính đây rồi.  Mặc dù không còn cái cổng tre ngày trước.  Thế vào là cái cổng sắt bề thế, hai bên hai trụ xi-măng quét vôi vàng.  Một bà già, đầu chít khăn lam như một ni sư, đang lúi húi ở sân trước.

- Cụ ơi, cụ, cho tôi hỏi thăm...

Bà già nhìn ra, hấp háy.  Trời ơi, mẹ tôi đó, trời ơi...

Tay còn cầm cây chổi dài, mẹ tôi tiến lại gần cổng.

-  Ông hỏi ai?  Ông...  Phải Huy đó không con?

Cổng mở ra, tôi lọt vào, ôm lấy mẹ.

- Con đây, Huy đây mẹ...

Hai mẹ con ôm nhau, khóc.  Vừa khóc mẹ tôi vừa mếu máo vào tai tôi:

- Con vô chào Thầy đi.  Con xin Thầy tha tội đã bỏ nhà ra đi đi...

Qua màn nước mắt, tôi thấy một người mặc áo xám nhạt ngồi ở nhà trên.  Trong một tích tắc, tôi nhớ lại hết.  Những năm sôi sục sau Cách Mạng Tháng Tám 1945.  Không khí u uất của vùng còn nằm trong tay thực dân.   Khí thế bừng bừng của lòng “yêu nước” và “trai thời loạn”.  Cha tôi có một con dao nhỏ ông rất quí.  Lưỡi dao có thể xếp vào cán; tiếng Pháp là ca-níp (caniffe)  Toàn thân con dao là loại i-nốc sáng loáng.  Trên vỏ cán, có khắc con gà trống.  Ghét thực dân thì cứ ghét, nhưng hình khắc đó không làm cho chúng tôi nghĩ đến con gà trống “Gô-loa”, hình ảnh tượng trưng của nước “Đại Pháp”.  Ra đi theo kháng chiến, tôi chỉ đem theo một bảo vật duy nhất, con dao của cha.  Những năm lang bạt rừng rú, rồi sau Giơ-neo, ngoài Bắc, không biết con dao đã đi vào đâu. Tiếc nó trong bao năm trời...

Trong một tích tắc, tôi nhớ lại cả.  Gần 30 năm tưởng như không thay đổi gì nơi con người của tôi.  Mẹ tôi quì xuống, ôm lấy Hảo, khóc:

- Cháu nội đây hả cháu.  Cháu ơi!

Hốt nhiên, tôi không đứng vững nữa, hai chân tôi sụm xuống.  Cứ thế, tôi lết, tôi bò về phía cha tôi.
Cha tôi ngồi bất động bên bàn trà.  Tóc râu bạc trắng, mặt đỏ.  Áo xám dài và rộng như áo người tu hành.  Về sau, tôi mới biết gọi đó là “áo tràng”.  Cha tôi nói:

- Huy đó hả.  Con vô lạy ông bà.  Rồi ngồi xuống đây.

Tôi lết lên tam cấp.  Cha tôi đứng dậy, quẹt diêm, thắp hai cây hoàng lạp lớn trên bàn thờ, rồi nghiêm chỉnh vái dài trước khi ngồi xuống bàn trà.  Bàn thờ sáng lòa, trầm hương nghi ngút.  Thấp thoáng sau mấy chân hương, tôi thấy di ảnh của ông bà, của đứa em mất sớm.  Tôi lấy hết sức đứng dậy, chắp tay lạy.  Mấy chục năm rồi tôi mới làm lại cử chỉ đó.  Nước mắt đã khô, nay lại trào ra.  Tôi đến ngồi gần cha tôi ở bàn trà, mặt đẫm ướt.

 Mẹ tôi đã vào nhà, còn ôm lấy thằng Hảo.  Cha tôi mở cái hộp nhỏ, viên một bi thuốc, cho vào nõ (ngày tôi ra đi, cha tôi đã quen hút cái ống điếu bạc này), châm lửa, rít một hơi dài, thở khói ra trắng xóa, rồi hỏi, giọng bình tĩnh:

- Ngoài nớ, ngoài Hà nội, con có xe đạp không?

- Dạ có.  Con có chiếc Phụng Hoàng, Trung quốc làm, khá tốt.

- Với xe đó, giả sử con đạp cả ngày thì đi được mấy cây?

- Dạ, ít nhất cũng 35- 40 cây.

- Con có biết Hà nội – Huế, cách xa bao nhiêu cây không?

- Dạ, mới mua vé xe lửa nên con còn nhớ.  Dạ, chừng 700 cây số.

- Rứa thì con đạp xe từ Hà nội vô Huế, mất hết mấy ngày?

- Dạ, chậm lắm cũng chừng hai mươi ngày...

- Hai mươi ngày là ngót ba tuần lễ.  Đất nước bình yên từ cuối tháng tư dương lịch năm ngoái , đến nay sắp Tết ta.  Để coi... Rứa là đã 9 tháng trời.  Tại răng con lâu lắc rứa?  Tại răng con để Thầy Mẹ chờ lâu rứa?

- Dạ, im tiếng súng là con xin đi Huế ngay.  Nhưng cơ quan, họ nói phải chờ...

- À, thì ra cơ quan nói chi con cũng vâng dạ à?   Kệ họ chớ!  Nhảy lên xe, con đạp đêm ngày thì đoàn tụ với cha mẹ sớm biết mấy!

...

Tôi xa nhà gần 30 năm.  Đã sống qua những năm kháng chiến “thần thánh”.  Đã trải qua giai đoạn “thành lũy thượng tầng không gian B52” oanh tạc “trải thảm” miền Bắc.  Đã sống qua bao nhiêu ngày “hầm cá nhân”, bao nhiêu đêm “nhà tập thể” ở thủ đô Hà nội.  Và hôm nay, tôi mới thấy hết cái chông chênh của vị trí trái tim con người trong sự bình thản  nghiệt ngã của một guồng máy.

Võ Đình

© 2007 gio-o 

 


Đọc các sáng sáng khác của nhà văn Võ Đình trên gio-o