Võ Đình

 

Tìm Cháu

 

đoản văn, 2003

 

Cứ chiều chiều, khi nắng bắt đầu xế, ông già lại chống gậy ra khỏi nhà.  Tuy dáng dấp có vẻ là người cao tuổi, nhưng lưng thẳng, đi đứng vững chãi.  Ông đội cái mũ tai bèo, trắng, ngả màu đất.  Áo quần vải thô, giày ba-ta cũ.  Cái mũ che mất phần trên đầu, chỉ thấy tóc hai bên tai và sau ót còn rậm, cắt ngắn, bạc phơ.  Râu ba còm, trắng như cước.  Vừa bước, ông vừa vung vẩy cây gậy gỗ ổi như thể đó là một thanh kiếm dài.

 

Ông già ra khỏi xóm, hướng về ngã cửa Thượng.  Rồi quày phải, một khi ra đến ngoài thành.  Ba trăm bước nữa là đến nơi đóng tạm của một số lính miền Bắc.  Lác đác vài quân nhân ngoài cổng trại, áo quần màu cứt ngựa điểm đôi ba huy hiệu đỏ choét.  Ông già đi chậm lại, nhìn họ chăm chăm.  Một anh lính quát lớn:

 

- Ông già nhìn cái gì?

 

Ông già nắm chặt cây gậy trong tay.  Tai ông không quen với cách nói hách dịch như vậy.  Ông làm như không nghe, đi nhanh hơn.  Xăm xăm vào cổng trại.  Một người lính khác trong bót gác chạy ra, súng trong tay, chận ông già lại:

 

- Ê!  Ông già kia! Đi đâu vậy?  Có chuyện gì?

 

    Giọng anh lính lơ lớ, Bắc không ra Bắc, Nghệ không phải Nghệ.

 

Ông già lại nắm chặt gậy, hỏi:

 

- Này, chú em!  Năm nay, chú bao nhiêu tuổi?

 

Bị hỏi thình lình, người lính ngỡ ngàng.  Đành trả lời:

 

- Mười tám!  Hỏi làm gì?

 

Tay phải dộng dộng cây gậy, ông già đưa tay trái vuốt râu:

 

- Mười tám!  Hà hà...  Chú em xem, râu ria như thế này, tôi có đáng tuổi ông nội chú không?

 

Anh lính sửng cồ, lớn tiếng:

 

- Ông già lôi thôi quá!  Vào đây làm gì?  Đi đâu?

 

Ông già điềm tĩnh vuốt râu, lại hỏi:

 

- Chú em cứ trả lời tôi xem nào.  Tôi có đáng tuổi ông nội chú không?

 

Cực chẳng đã, người lính hạ giọng xuống:

 

- Đáng!  Đáng quá đi!  Ông nội... à, cụ đến đây làm gì?

 

- Chú em 18 tuổi.  Hà hà...  Mười tám tuổi...  Vậy là chú sanh năm 1957, ba năm sau hiệp định Giơ-Neo chia đôi đất nước.  Này, chú em biết không?  Ông có thằng con vô rừng theo kháng chiến chống Pháp từ năm 1948 kia đấy.  Giơ-Neo, 54, nó tập kết ra Bắc.  Hăm sáu tuổi, lấy vợ sanh con, là vừa.  Nếu sanh con trai, lớn lên, e phải vô lính, ngang ngang tuổi chú bây giờ.  Chú nói chú 18 tuổi, đúng không?  Ông đáng tuổi ông nội chú là phải rồi!

 

Mấy anh lính đứng gần đó, nghe tiếng được tiếng mất mấy lời đối đáp giữa hai người, la ó lên, chế nhạo:

 

- Ông nội!  Ông nội!

 

  Ông già vung cây gậy, hét lớn:

 

- Im! Để ông hỏi.  Có đứa nào ở đây họ Đỗ không?

 

Mấy người lính nhìn nhau, lắc đầu, ngơ ngác.

 

Ông già hỏi tiếp, giọng sang sảng:

 

- Ông không hỏi mấy đứa ở đây mà thôi.  Ông hỏi cả doanh trại kia.  Chúng mày phải biết nhau cả.  Có đứa nào họ Đỗ, gốc Thừa Thiên không?

Một anh lính, người nhỏ bé, tóc hớt sát mang tai, sốt sắng la lớn:

 

- Có, có!  Có hai đồng chí họ Đỗ...

 

Nhưng một quân nhân khác trong đám lên tiếng ngay:

 

- Tôi biết hai đồng chí ấy!  Dân, người Thái bình.  Minh, dân Hưng Yên, Hà nội.  Không có ai họ Đỗ, gốc Thừa Thiên cả.

 

Ông già dộng cây gậy xuống đất mấy cái, chửi đổng: “Cha bây!”,rồi quay lưng.  Mấy người lính ngơ ngác nhìn nhau, nhìn ông già đi khuất cổng trại, xa dần.

 

 

Ông già về đến nhà khi trời đã chạng vạng.  Bà già ra đón ông tận cổng vườn:

 

- Răng?  Ông tìm ra không?

 

Ông già  lắc đầu:

 

- Có hai đứa họ Đỗ.  Nhưng không phải dân Thừa Thiên.  Không phải con thằng Huy.

 

Bước vô căn nhà đầy bóng tối, ông già ngước mắt nhìn lên.  Ảnh thằng Huy, hai ông bà  đem ra phố cho phóng đại, treo trên tường, từ hồi nó ra đi.  Bốn tám đến bảy lăm, thế mà cũng gần ba mươi năm rồi! 

 

Võ Đình

2003