VÕ ĐÌNH

 

NGƯỜI CHẠY BỘ (I)

 

truyện ngắn

 

I 

 

Một mile – dặm Anh -  là một cây số sáu.  Vậy hôm kia chạy được ba “mai” là đã gần năm cây.  Tôi không ngờ mới  chạy bộ được chừng ấy mà đã tưởng đứt hơi.  Khi mới bắt đầu, tôi đau đau ở hai đầu gối.  Có cảm tưởng một cái giẫm chân sai là ngã khuỵu xuống.  Nhưng sau mấy phút chạy chậm để cho cơ thể ấm lên, có đà hơn, chân hết đau, dẻo dai hơn.  Với kinh nghiệm đó, chiều nay tôi bắt đầu chỉ đi thôi, đi thật nhanh, chừng ba phút, rồi lúp xúp chạy chậm, thật đều, rồi tiến nhanh hơn, dần dần…  Chạy như vậy được độ ba phần tư “mai” thì tôi đã thở dốc.   Có gì đâu, một thằng đàn ông bước đến tuổi bốn lăm, chặng nửa đường giữa cái tuổi bốn mươi “nhi bất hoặc”, gọi là biết mình biết người, không còn băn khoăn nghi hoặc gì nữa, và cái tuổi năm mươi “tri thiên mệnh” coi như mọi sự “an bài”, biết mệnh trời nhưng thật ra là biết sức mình, cái gì làm được, cái gì không làm được, không còn lăng quăng nhăng nhít.  Đúng một phần tư thế kỷ học hành, nghề nghiệp, gia thất, cầm súng, đi cải tạo, vượt biên, làm lại cuộc đời…

 

Mấy người bạn trẻ, làng chàng tuổi ba mươi gọi tôi là “ông già gân”.  Tôi biết rằng tôi chẳng “gân” cái gì cả.  Mới hôm nọ, cúi xuống kéo sợi dây giày, tôi bỗng khựng lại.  Một cái đau nhói cháy bừng từ dưới xương mông lên tận nửa lưng.  Tôi lặng người, toát mồ hôi lạnh.  Nỗi đau xuyên qua xương sống, phóng ngược lên như một sợi dây thép.  Thân xác đã gởi cho tôi một lời cảnh cáo.  Tôi không thể không đón nhận.  Tôi tiếp tục chạy bộ.  Tôi chạy như vậy được ba tháng.  Sự tiến bộ chậm chạp.  Bù lại, tôi thấy có một niềm kiêu hãnh về sự tiến bộ ấy.  Tôi cố tình làm lơ, nhưng niềm kiêu hãnh dở hơi ấy cứ âm ỉ như một tảng than hồng.  Nó sưởi ấm và xoa dịu niềm nhức nhối râm ran trong cả thể xác lẫn tinh thần tôi.

 

Tôi có đọc ở đâu đó, mới đây người ta khám phá rằng khi cơ thể hoạt động mạnh, não bộ tiết ra một chất rất đặc biệt, gọi là endorphines.  Chất đó làm cho ta vừa bớt đau  nhức, vừa thấy khoái hoạt, sinh động hẳn lên.  Vài lần tôi đã từng có kinh nghiệm đó và hiểu tại sao tác giả bài báo, một bác sĩ y khoa, đã gọi chất endorphines  là một thứ “ma tuý” tốt lành.  Đã có lần tôi chạy và cảm thấy một nỗi hân hoan tràn ngập trong người.  Mỗi bước chân như nhẹ lên, vung dài ra thêm.  Bao nhiêu sự việc rắc rối của cuộcï sống trở thành tủn mủn vụn vặt, chẳng đáng bận tâm.  Vài lần  thôi, tôi có kinh nghiệm đó.

Thường thường thì chạy cứ chạy, tôi vẫn buồn bã u ám.  Chạy được độ nửa “mai” thì chân và đầu gối hết ngượng ngập, nhưng một nỗi đau đớn vẫn nằm nguyên trong tôi, có phần gắt gao hơn, phía dưới mỏ ác, ngay trên bao tử.  Có bữa, vừa chạy tôi vừa đặt một tay lên trên đó, ấn mạnh vào.  Cứ thế, tôi tiếp tục chạy.  Tôi chạy cũng vì tôi muốn thấy lại người đàn bà ấy.  Người đàn bà mà tôi gọi là Kiều.

 

 

II 

 

Một hôm, mới lối năm giờ chiều mà đã hoàng hôn.  Cả bầu trời trên đầu tôi  đã sẫm màu.  Xa kia, phía Tây, ánh mặt trời lặn loé lên.  Đang chạy, tôi dừng lại, đứng chết sững.

Trên không, một đám mây lớn, nằm dài.  Đám mây có hình dáng một người.  Một người đàn bà.  Trần truồng.  Tôi phải nói ngay là đám mây “có hình dáng”, vân vân …  Vì tôi hoàn toàn tỉnh táo.  Tôi biết đó không phải là một ảo giác.  Đó không phải là một người đàn bà.  Đó là một đám mây.  Màu hồng trắng lộng lẫy trong bầu trời xám ngọc trai loáng thoáng những gợn mây tím nhạt.  Tôi biết đó là một đám mây có hình dáng một người, như đã bao nhiêu lần trong đời tôi từng thấy những đám mây có hình dáng cái này cái kia.  Chẳng có gì lạ lùng cả.  Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương!  Nhưng hôm đó, đang chạy, tôi dừng lại, ngẩn ngơ.  Tim đánh thật mạnh.  Tôi xúc động quá sức. 

 

Người đàn bà khổng lồ, đầu ngả về, hướng biển, chân duỗi về Bắc.  Mái tóc che lấp cả khuôn mặt.  Nhưng thân hình lồ lộ …  Đôi vai tròn, bộ ngực đầy, bờ hông cao rồi sóng soải chạy theo vòng đùi mướt và bắp chân dài.  Nàng nằm nghiêng một bên, hướng mặt về phía trước, nên thấy rõ đôi vú lớn, chiếc lỗ rốn sâu, và hình tam giác giữa hai đùi.  Đám mây lớn nằm bất động.  Mặt trời chiều đã khuất, hắt ánh sáng lên chiếu rõ từng đường nét lồi lõm trên thân thể người đàn bà.

 

Thường thường, cái thật – “như thật” – của những hình tượng mây trời tuỳ thuộc vào trình độ phong phú của óc tưởng tượng người ngắm mây.  Đám mây tôi được thấy hôm ấy “hiện thực” đến nỗi nếu có máy ảnh, chụp được một tấm, rồi xén bớt, chỉ để lại thân hình người đàn bà, ai xem cũng sẽ tưởng đó là một con người thật.  Tôi nhìn kỹ, thấy cả những đốt chân, móng chân.  Đám mây nhỏ, phía dưới bụng, thật đến nỗi thấy rõ hình tam giác đen giữa hai đùi khép kín.  Ở giữa, đen thật là đen, chung quanh nhạt hơn.  Loăn quăn, lơ thơ …  Tôi thấy hai bầu vú lớn, căng tròn, nặng nề, phảng phất vài đường gân xanh.  Tôi thấy cả hai núm vú, hồng tươi.

Mải mê ngắm – ngắm mà bàng hoàng ngẩn ngơ – thân thể người đàn bà, tôi giật mình thấy đám mây đen là mái tóc xoã đã dạt qua một bên lúc nào không hay, và tôi nhận ra.  Trời ơi, Kiều.  Kiều loã lồ, nằm duỗi dài.

Tim tôi đánh nhanh đến nỗi tôi ngợp cả người.  Tôi nuốt nước miếng.  Tôi xúc động quá sức.  Tôi nhìn quanh.  Trên vùng cỏ mênh mông, xa xa có mấy đứa trẻ chơi banh.  Chiều sắp tối, yên tĩnh.  Mơ hồ có tiếng ai ới nhau.  Tất cả bình thường, êm ả.  Thế mà trên trời, Kiều nằm, mái tóc đen dài  hất qua một bên, một tay co dưới má, một tay duỗi vòng theo thân hình.  Từ bờ vai đến bàn chân là một đường lên xuống tuyệt mỹ.  Tôi lặng người.  Tôi ngồi xuống cỏ.  Tôi ngồi ngắm đám “mây Kiều” cho đến khi thân hình người đàn bà loã lồ từ từ tan loãng vào hư không …

 

Tôi lững thững ra về.  Hồi hộp, nhưng tỉnh táo, kích thích cực độ.  Hoàn toàn minh mẫn.  Tôi biết rằng tôi không nằm mơ.  Tôi biết rằng đó không phải là một ảo giác.  Tôi chỉ không biết một đám mây chiều, gió ôm ấp, gió vuốt ve làm sao mà có thể trở thành một hình dáng hiện thực đến thế.  Và tôi khoái cảm cực độ.  Tôi rung động từ đầu đến chân.  Tôi đã thấy được Kiều.  Thấy được Kiều dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.

 

Trước đó, tôi chỉ thấy được Kiều trong một khung cảnh “bình thường.”  Thấy Kiều như một hành khách trên chuyến xe lửa đưa rước người đi làm hàng ngày, một commuter train.  Có điều là thấy mặt nàng lần đầu tiên, tôi đã choáng váng, ngẩn ngơ.  Tim tôi đập hụt đi mấy nhịp !  Thay vì quay về chỗ cũ, tôi đứng nép mình sau cánh cửa tàu, tựa lưng vào bức từơng thép cứng lạnh.  Tôi đứng yên, cố lấy lại bình tĩnh.  Bao nhiêu sinh lực của tôi dồn cả vào buồng ngực.  Người đàn bà ngồi ở hàng ghế thứ hai, bên trái.  Chuyện xẩy ra bất ngờ quá, chẳng biết làm sao nữa.  Một người đàn ông đã đến cái tuổi của tôi !  Một người đàn ông bình thường, tầm thường, có vợ có con, công việc làm ăn đàng hoàng, đi sáng về chiều.  Thế mà gặp người đàn bà xa lạ lần đầu tiên, tôi xúc động đến ngất ngư.  Kỳ cục !

 

Hôm đó, như thường lệ, tôi lấy chuyến tàu sáu giờ mười sáng vô Manhattan.  Đêm trước, Yến, vợ tôi, trằn trọc khó ngủ, nên khi chuông đánh thức reng nàng ú ớ mấy tiếng rồi nằm yên.  Tôi vội tắt chuông, kịp nhớ ra rằng hôm ấy là ngày nghỉ của Yến.  Tôi nằm nghe hơi thở đều đặn, nặng nề của vợ một lúc, rồi lặng lẽ ra khỏi giường.  Tôi đến nhà ga Massapequa đúng sáu giờ ba phút.  Để xe hơi ở bãi đậu, tôi rảo bước về chỗ toa xe lửa đón khách.

Vừa lên khỏi tam cấp sắt, bước vào chỗ “không hút thuốc,” tôi đã thấy nàng ngồi đó rồi.  Khi tôi bước qua dãy ghế thứ hai thì nàng ngước mặt lên.  Trong tích tắc, bốn mắt nhìn nhau.  Tôi nhớ rằng tôi đã hơi nghiêng đầu, mỉm cười.  Nhưng ánh mắt bỗng sáng lên như một nhận diện.  Bắt được ánh sáng đó trong đôi mắt người đàn bà xa lạ – đồng thời thoảng qua hương nước hoa rất thanh – thì tôi đã đi quá hàng ghế của nàng đến ba hoặc bốn hàng hàng ghế khác.  Đó là khi tôi đột nhiên choáng váng, ngẩn ngơ.  Một nỗi xúc động dữ dội : đam mê, thèm muốn, khát khao cực độ.  Bất ngờ quá.  Sáu giờ sáng, trên một chuyến xe lửa commuter’s, một người đàn bà xa lạ !

Khi tôi lần mò về lại chỗ ngồi được mươi, mười lăm phút thì tàu dừng.  Kew Gardens, New York.  Tôi ngoái cổ nhìn lại hàng ghế  thứ hai thì nàng không còn đấy nữa.  Tôi nhoài người nhìn ra cửa sổ.  Ánh đèn bên đường rầy tù mù.  Tôi ngồi xuống lại.  Hít một hơi dài. 

Kew Gardens.  Nàng từ đâu đến ?

Xuống đó làm gì ?  Kew Gardens.  Vườn Kiều.  Nàng Kiều.  Ôi !  Kiều !  Kiều !

 

Mỗi tuần lễ tôi được thấy Kiều một lần.  Tôi thì ngày nào cũng lấy chuyến tàu ấy vào Manhattan.  Chuyến ấy, giờ ấy, năm ngày mỗi tuần.  Còn Kiều thì bất thường.  Mỗi tuần tôi chỉ thấy nàng có một lần, không nhất định ngày nào.  Mà lần nào cũng vào buổi sáng tinh mơ.  Chưa bao giờ tôi gặp Kiều trong một chuyến tàu từ Kew Gardens đi ra.  Kể từ hôm gặp nàng lần đầu, tôi mong ước, tôi chờ đợi mỗi ngày.  Cuộc sống trôi qua đều đặn, nhưng tất cả sự sống của tôi thâu tụ lại ở một điểm : chờ đợi, hồi hộp được thấy mặt Kiều.

Được thấy mặt thôi.  Mấy tháng trôi qua, gặp Kiều mỗi tuần một lần, ngồi cách nàng mấy dãy ghế trong toa xe lửa, tôi vẫn chưa nói với nàng một lời.

  Có lần, đi qua ghế nàng, tôi nhìn xuống.  Nàng mặc chiếc áo sơ-mi lụa tím than cùng với váy đen.  Tôi tần ngần, chậm chân bước.  Tôi thấy rõ gò má cao, hồng hồng tái tái của nàng, màu hồng bên trong một vỏ ốc biển.  Tóc mai đen, đen nhánh, nằm trên má như một vệt mực Tàu.  Tôi thấy một phần cổ nàng, sau lỗ tai.  Trắng ngần.  Làn da trắng nổi bật trong cổ áo tím.  Aùo thật mỏng; cổ áo hé mở phía trước, nhìn xuống thấy thấp thoáng giải nịt ngực màu cánh sen.  Tôi tiếp tục bước, tìm được chỗ ngồi xa hơn.

Cả ngày hôm ấy, hôm sau nữa, và nhiều lần về sau nữa, tôi nhớ lại cái giải nịt ngực màu cánh sen của Kiều.  Chưa bao giờ tôi đói khát một người đàn bà đến như vậy.  Không phải chỉ thèm muốn xác thịt.  Tôi thèm muốn hoà nhập cả sự sống của nàng và của tôi.  Thèm muốn nàng và tôi ôm nhau nhảy xuống một vực sâu mà chết, như những cặp tình nhân ở núi Phú Sĩ.

Chết với nhau, không phải vì yêu nhau mà lấy nhau chẳng đặng.  Người ta yêu nhau, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.  Còn tôi, chẳng cần nói chuyện lấy đặng hay không lấy đặng.  Tôi chỉ yêu quá mà muốn chết; chết vì yêu, yêu đến độ không sống nổi !

 

 

III 

 

Độ hai tháng sau buổi gặp Kiều lần đầu tiên, tôi lấy tàu ở Penn Station để về nhà ở Masssapequa. Cuối tháng sáu, trời đất nói nóng hầm hập. Con đường rầy Long Island Railroad này thật đông khách. Người người rã rời sau một ngày trong Manhattan. Xe dừng lại ở Kew Gardens,  tôi thấy Kiều bước vào trong toa xe “không hút thuốc” tôi vẫn ngồi.  Lần đầu tiên tôi thấy nàng trên một chuyến xe từ trung tâm New York đi ra.  Nàng mặc áo đầm trắng mỏng, thắt lưng bó eo, váy xếp xoè ra từ bờ hông, dập dìu uyển chuyển theo bước chân.  Tôi vội ngồi lại ngay ngắn, làm bộ thản nhiên không hay biết gì.  Đến khi nàng đi qua hàng ghế tôi, tôi mới nhìn lên.  Thì ra không phải là Kiều.  Tôi thất vọng.  Tôi ngồi im, đau đớn, tái tê.  Và tôi biết rằng đó là tình yêu.  Không chạy vào đâu được nữa.  Tình yêu như cả đời người đến tuổi bốn lăm này, tôi chưa từng được biết.  Tình yêu không chốn đến, không nơi đi, không duyên, không nợ, tình yêu mù quáng, điên rồ, tình yêu phừng phừng bốc cháy, tình yêu hoả diệm sơn phún thạch tuôn trào !

 

Tàu đến Massapequa tôi xách cặp xuống.  Tôi về nhà được một chốc thì Yến cũng đi làm về.  Thấy tôi ngồi thừ ở phòng khách, nàng hỏi : “ Anh, về rồi đấy hả ?  Sao không đi thay đồ đi ?”  Rồi vụt biến lên gác.  Một lúc sau, nàng chạy xuống, mặc đồ mát ở nhà, mặt rửa vội vàng, tóc mai còn ướt dính vào thái dương.  “Ấy, anh còn ngồi đấy hả ?  Mệt hả ?”  Rồi nàng vụt vô bếp.  Tôi nghe tiếng soong chảo loảng xoảng.  Trên gác vẳng xuống một điệu nhạc kích động.  Chắc lại là thằng Diệp.

Tôi vào bếp, một tay nới lỏng chiếc cà-vạt, tay kia mở tủ lạnh, lấy chai bia.  Yến đứng thái gì đó ở quầy.  Tôi mở chai bia, rồi bước lại gần vợ.  Yến thái những lát mỏng từ một miếng thịt bò đông lạnh.  Tôi uống một ngụm bia.  Yến tiếp tục thái thịt.  Tóc Yến che một bên má, tôi chỉ thấy được khoé môi xệ xuống của nàng.  Yến nhỏ hôn tôi năm tuổi, mới bốn mươi, nhưng vì có thói quen xệ miệng như vậy nên mới có một đường nhăn rất sâu ở hai bên môi.  Tôi uống thêm một ngụm bia.  Tôi đưa tay ra, đặt lên vai Yến, phía sau ót.  Mấy ngón tay tôi mân mê những chân tóc sau ót Yến, rời rạc, mơn man.  Rồi bò ra trước, xoa tới xoa lui, nhè nhẹ, mấy sợi tóc mai còn ẩm ướt một bên má.  Yến nẩy người nhẹ một cái.  Rồi tiếp tục thái thịt.  Mấy ngón tay tôi dừng lại, im lìm một lúc, rồi tôi rút tay lại.  Định uống thêm bia, nhưng thôi.  Tôi cầm chai bia đi lên gác.

 

Chiều chúa nhật, Yến và Út Hoa ngồi coi truyền hình.  Con Chi làm gì đó một mình trong phòng riêng.  Thằng Diệp đi chơi với bạn.  Còn tôi, sửa soạn cho chuyến chạy bộ cuối tuần.

Chiều đó tôi định bụng sẽ chạy thật lâu.  Chạy cho đến khi nào kiệt sức mới thôi.  Trời đã vào thu.  Cả không gian bàng bạc một nỗi ngưng đọng; trì trệ, hắt hiu.  Tôi mặc bộ sweatsuit  thật dày.  Và đội thêm cái cap  len nhỏ.  Sửa soạn đi chạy bộ mà tôi có cảm tưởng như sắp lên đường cho một cuộc phiêu lưu.

Qua mấy con đường đã đến khu công viên thành phố.  Gọi là công viên, thật ra đó chỉ là một vùng đất trống.  Có đôi lùm cây rậm rạp, có bãi cỏ mênh mông.  Càng xa thành phố, quang cảnh càng khoáng đãng.  Tôi bắt đầu chạy thật chậm.  Tôi biết dáng chạy của tôi kỳ kỳ.  Đầu gối tôi không đau, nhưng có vẻ khựng lại mỗi bước chân.  Tôi biết rằng chỉ một hồi sau, cơ thể ấm lên, các khớp xương sẽ nhuần nhuyễn ra.

Vừa chạy tôi vừa nhớ lại khi thấy đường nhăn một bên khoé môi của Yến, lòng bỗng tràn trề cảm thương.  Tôi muốn ôm lấy Yến, vỗ về.  Nhưng Yến đứng thái thịt thản nhiên quá, bình thường quá, làm tôi chùn lại.  Tôi chỉ đưa tay ra mân mê mấy chân tóc sau ót nàng, mấy sợi tóc mai trên má nàng.  Rồi thôi.  Tôi chạy mà nghĩ đến cái nhìn của Yến từ màn TV, khi tôi bước ra cửa.  Cái nhìn không trách móc.  Hay hờn dỗi.  Hay buồn bã.  Yến nhìn tôi như thể nàng không quen biết tôi.  Cái nhìn của những kẻ đi ngược chiều trong một shopping mall , tình cờ nhìn vào mặt nhau.  Nhìn mà không thấy.

 

Còn tôi, tôi mải chạy nhưng tôi lại “thấy.”  Tôi thấy cây kim trong một cái máy hát, một phonograph.  Đĩa hát cũ, hễ cứ chạy một vòng, nơi bị tì vết lại đụng phải mũi kim, và cứ thế, điệp khúc lặp đi lặp lại sau một tiếng “cạch” nhỏ vì đường rãnh đã quay được một chu kỳ.  Tôi biết chỉ việc nhấc cần kim lên, đặt xuống một đường rãnh khác, bản nhạc sẽ bị gián đoạn nhưng cũng sẽ bắt đầu một vận tiết mới.  Nhưng tôi không nhấc.  Tôi không muốn.  Tôi không đủ nghị lực.  Tôi cũng chẳng cần.  Nhớ lại cái nhìn của Yến khi tôi bước ra cửa, tôi bải hoải cả người.  Chỉ một cuốc chạy bộ bở hơi tai mới làm cho tôi sống lại.

Một người, không, hai người chạy bộ khác, vượt qua tôi.  Hai người da trắng, đã lớn tuổi.  Người đàn ông gầy, cao, sweatsuit  xám nhạt, baseball cap  đỏ tươi, tóc hoa râm loà xoà hai bên tai.  Người đàn bà tóc hoàn toàn bạc phơ, nhưng thân hình rất thon gọn.  Bà mặc quần jogging xanh lá cây, ngắn, xẻ hai bên đùi, đôi chân suông đẹp.  Họ vừa chạy vừa rầm rì nói chuyện.  Phút chốc, họ đã bỏ xa tôi, mất sau một ngả quẹo của con đường mòn.  Mới đó mà Yến và tôi lấy nhau đã hai mươi năm.  Cặp chạy bộ lớn tuổi làm tôi nhớ lại Yến và tôi đã sống với nhau hai mươi năm trời.

 

Sau biến cố Mậu Thân, tôi hăm mốt tuổi bị gọi nhập ngũ, theo học một khoá sĩ quan bộ binh Thủ Đức.  Tôi ra trường với lon chuẩn úy và được gửi về phục vụ địa phương quân ở một quận cách Phan Thiết khoảng mười cây số.  Được gần một năm, tôi chuyển về làm việc ở ban Tâm Lý Chiến của tiểu khu – có lẽ nhờ vào tài “văn nghệ” vặt được nhiều anh em biết tới.  Ở đó tôi đã gặp Yến, làm thư ký văn phòng tiểu khu.  Lên Thiếu úy, hăm bốn tuổi, tôi và Yến làm lễ cưới.  Năm sau, 1972, năm “mùa hè đỏ lửa,” có con Chi, gái đầu lòng.  Năm sau, tôi thăng Trung úy.  Rồi năm sau nữa, thằng Diệp ra đời.  Rồi biến cố 75.  Chúng tôi cũng lắm ê chề.  Tôi đi cải tạo ba năm ở Suối Máu.  Yến may vá lai rai, bán áo quần cũ, thăm nuôi.  Được thả về, tôi xoay ra làm … thợ mộc.  Xưa nay tôi vẫn khéo tay.  Kiêng cữ lắm mà chúng tôi vẫn có thêm một đứa.  Uùt Hoa, sanh năm 79, nhỏ thua chị Chi nó đến bảy tuổi.  Năm sau, chúng tôi vượt biên.  Mãi hai năm nữa mới định cư  ở Mỹ.  Một cách khá mỹ mãn.

Ở Việt Nam tôi vẫn tỏ ra có khiếu về Anh ngữ.  Sau chín tháng học nghề, tôi được nhận vô làm cho một hãng cung cấp chips  điện tử cho công ty Bell.  Chồng “tách” thì vợ “ly” ! (1)  Vợ chồng tôi sau mười năm định cư đã có nhà, có xe.  Trong nhà cũng có trải thảm, xa-lông toàn bộ, dàn stereo  tối tân, TV lớn, VCR, microwave, máy rửa chén bát, cellular phone  v.v. …  Như thiên hạ, chúng tôi, nói theo lối Mỹ, we’re doing O.K.  OK quá đi chứ !


 
 

Tôi  thường nhớ lại cái thuở ban đầu của Yến và tôi.  Nhớ lại những năm gian khổ ở trại cải tạo.  Những ngày nắng cháy, những đêm mưa bão ở trại tỵ nạn “ Buồn Lâu Bi Đát.”(3)  Thời gian bàng hoàng ngơ ngác mới đặt chân lên đất Mỹ.  Tôi có tình cờ nhắc lại đôi ba kỷ niệm ấy, Yến thường gạt đi : “ Thôi, anh nhắc làm gì nghe bắt mệt !  Già rồi đấy !”  Yến có lý.  Có lẽ tôi già rồi đấy.  Hay bắt đầu già.  Không những tôi hay nhớ lại quá khứ tương đối gần gũi, tôi còn thích nhớ lại cái thuở trước khi tôi gặp Yến nữa.  Xa xôi về trước, xa lắc xa lơ.  Thuở đầu tiên trên đời tôi biết ngắm, và khoái cảm, những sợi tóc mai của một người đàn bà.  Những sợi tóc mai mà mãi đến mấy chục năm sau, tôi mới thấy lại.  Trên gò má của Kiều.  Hôm tôi thấy được Kiều trong toa xe lửa.  Aùo lụa tím, váy đen.  Nịt ngực màu cánh sen.  Đi qua hàng ghế Kiều, nhìn xuống, tôi thấy gò má cao mà thanh của nàng, với những sợi tóc mai đen nhánh.  Về đến chỗ ngồi, cách xa Kiều đến mấy dãy ghế, mà tôi còn ngửi thấy mùi thơm.

 

Quá ba “mai,” tôi mệt quá, chạy chậm lại, rồi chuyển sang đi bộ, nhưng đi nhanh.  Nếu tôi cố chạy thêm nữa, lỡ xỉu xuống như ông Tổng thống thích chạy bộ nọ thì chỉ có chết, vì đâu được nhân viên an ninh chạy theo hộ tống !

 Cứ mỗi lần chạy mệt đứt hơi là tôi nhớ đến cái lần chạy theo chú Chín.  Em khác cha của ba tôi.  Hồi nhỏ, tôi không biết nhà chú ở đâu, chú học hành, nghề ngỗng ra làm sao …  Lâu lâu chú ghé thăm chúng tôi, với một cô bạn mới.  Nhiều lần tôi nghe ba tôi rầy rà chú, nhưng khi nào chú cũng chỉ cười.

Năm đó, có một cái tang thật đau đớn trong đại gia đình.  Anh Thân, con trưởng bác Cả tôi, ở quê, tội tình gì chẳng biết, bị ai đó “bên kia” hạ sát.  Chị Thân phải lấy vải chận hai bên đầu anh lại vì anh chết đầu gần lìa hẳn cổ.  Anh Thân chết sau Tết, thì cuối hè chú Chín lại bỏ “bên này.”  Chú dắt tôi theo, nói đi chơi, đi thăm vườn trái cây của gia đình người bạn thân.  Đi, chạy, suốt ngày.  Chú Chín cao lớn, tay chân dềnh dàng, chú đi nhanh.  Tôi chạy, phải chạy mới theo kịp chú.

Đến nơi thì đã xế bóng.  Căn nhà tranh ở nơi quá vắng vẻ.  Chung quanh chỉ có chuối , tre và ruộng.  Người  đàn bà trẻ tuổi một mình trong nhà – chú Chín bảo tôi đó là cô Sao -  nói chú cháu tôi ngồi xuống ăn cơm.

 Mười ba tuổi, tôi chưa “biết gì,” nhưng cũng đủ con trai mới lớn để thấy cô Sao xinh đẹp.  Tóc cô rẽ giữa, kéo xuống hai mang tai, rồi bới thành một lọn to, trễ xuống sau ót.  Cô mặc áo cánh trắng và quần đen.  Cô Sao khen tôi ăn mạnh; luôn tay gắp thêm thức ăn cho vô chén tôi.  Rồi nhìn chú Chín, cười cười.  Mắt cô long lanh.  Khi cô nói cười, hai chiếc răng cửa hàm trên có một khe hở nhỏ rí.  Chú Chín thì lầm lì, khác thường.  Chú Chín nhìn cô Sao với ánh mắt tôi chưa từng thấy.  Một lần, chú Chín nhìn cô Sao và cô Sao nhìn lại, tay cô mân mê những sợi tóc mai.  Nước da cô trắng hồng mà hơi tai tái, làm cho tóc cô đen mượt lại càng mướt đen.  Cô tẩn mẩn quấn mấy sợi tóc mai quanh ngón giữa, rồi thả ra.  Rồi quấn lại, rồi thả ra.  Trong khi đó, chú Chín nhìn cô với một nét mặt kỳ cục.  Tôi không biết là chú có điều gì giận dỗi không.  Tôi chỉ nhớ tôi sững sờ vì cô Sao ngồi ăn mà như cầm khách, tay phải cầm đũa, nhưng không ăn, tay trái cứ quấn quấn thả thả mấy sợi tóc mai.  Tôi thấy nghèn nghẹn nơi ngực.  Tôi ngượng, cúi đầu.  Bên kia mâm cơm, tôi thấy một bàn chân của cô Sao.  Lòng bàn chân cô thật sâu, trái chân tròn trịa, ngón chân cái cong lên …

Và xong miếng cơm cuối cùng, tôi đặt chén xuống, gác ngang đũa, nhìn lên.  Mắt tôi chạm phải vòng đùi cô Sao.  Tôi vội rời chiếc phản ăn cơm để kịp thấy chú Chín và cô Sao đang nhìn nhau chằm chằm.  Tôi lững thững đi ra nhà sau.  Một căn buồng nhỏ.  Rồi bếp.  Bên cạnh là chum nước, và bụi bạc hà.  Sau bếp là chuồng heo.  Chuồng heo còn hăng mùi phân, mùi cám, nhưng trống trải, như thể heo mới bị bắt đi không bao lâu.  Ngay trên chuồng heo, một sợi giây thép chăng ngang hai cột gỗ.  Và trên giây thép đó có một chiếc quần lót đàn bà.

Tôi ngoái đầu nhìn ra nhà trước.  Có tấm phên chắn ngang từ căn buồng nhỏ.  Tôi bước lại gần hơn.  Chiếc quần lót trắng, ở lưng và hai bên có viền ren.  Tôi càng nghẹn nơi ngực, tim tôi đập thình thịch.  Mười ba tuổi.  Tôi chua bao giờ cầm tay một người con gái, nói chi đến ôm một người đàn bà.  Nhưng tôi biết rằng chiếc quần lót nằm phơi tênh hênh trên sợi giây thép đó đã từng ôm ấp cô Sao.  Cô Sao mặc quần đen láng mướt, óng lên ở hông và ở đùi.  Cô Sao đang ngồi ở nhà trước, cười cười nói nói với chú Chín, hai chiếc răng cửa có khe hở nhỏ …  Chiếc quần lót này đã từng ôm ấp lấy cô Sao.  Ôm sít sao như một làn da mỏng mịn.  Ôm cô Sao ở lưng.  Ở bụng.  Ở mông.  Ở háng.  Ở …  Tôi càng nghẹn ở ngực.  Tôi bước lại gần hơn, ngoái đầu lên nhà trước một lần nữa.  Rồi tôi đưa tay ra rờ chiếc quần.  Lụa ni-lông mềm mại, mát rượi, âm ẩm.  Tôi mân mê ra phía trước.  Quần giặt, phơi lộn ngược.  Tôi vân vê cái đáy quần viền ren, giữa ngón cái và ngón trỏ.  Quần chưa khô, nước rịn xuống đáy, thấm ướt tay tôi.  Có tiếng lách cách.  Tôi vụt quay lại.  Cô Sao từ nhà trên đi xuống, mâm chén dĩa trên tay.  Cô hỏi tôi : “Ăn no thiệt không đó ?”  Nhưng tôi không đáp được, vì miệng tôi khô rang.  Tôi sượng trân.  Tôi không nhìn cô, chỉ gật đầu.

 

Đêm đó, chú cháu tôi ngủ lại.  Chú Chín ngủ với cô Sao trong căn buồng cạnh bếp.  Tôi nằm ở chiếc phản ăn cơm hồi chiều.  Tôi nằm nghe tiếng dế kêu quanh nhà mà giận chú Chín sôi gan.  Đi chơi cái gì kỳ cục thế này.  Tôi hỏi, chú trả lời quanh co.  Ánh mắt chú vừa dữ dằn, vừa hốt hoảng, tôi cũng không dám chọc chú giận thêm.

Tôi nằm không ngủ, lo.  Lo ba má tôi rầy, bỏ đi chơi không xin phép.  Lo không biết mai tính sao.  Tôi nằm trơ mắt trong bóng đêm.  Và tôi thấy lại chiếc quần lót phơi trên sợi giây thép căng trên chuồng heo.  Tôi nhớ lại cái đáy quần hơi ố vàng.  Tôi tưởng như tôi ngửi thấy một mùi hương.  Chuồng heo nồng nặc mùi phân, mùi cám, mùi rác mục, mùi sình lầy.  Nhưng tôi ngửi thấy một mùi hương khác, mùi huơng của một cái khác, của một nơi khác.   Thoáng nhẹ, nhưng hăng hắc, cay cay.  Mê hoặc.  Tôi thấy ngây ngây.  Mùi hương nồng hơn, gần gũi hơn, và tôi đê mê, đê mê …

 

Tôi bỗng giật mình, tỉnh thức, mới biết là mình vừa ngủ thiếp đi lúc nào không hay.  Thoạt nghe, tôi tưởng là tiếng kêu của một con mèo đi hoang.  Nhưng rồi tôi nhận ra đó là tiếng người.  Từ căn buồng nhỏ cạnh bếp.  Mơ hồ, khóc lóc, rên rỉ.  Tôi lắng nghe.  Toàn thân tôi bừng tỉnh, căng thẳng.  Tôi gượng dậy, nằm nghiêng, tay chống má, lắng tai.  Tiếng đàn bà.  Cô Sao, cô Sao, cô Sao …  Tôi nghe tiếng thở mạnh, hắt ra.  Rồi tiếng rên rỉ càng lúc càng dồn dập, gấp rút.  Có thêm tiếng gầm gừ, ục ặc, hổn hển.  Tiếng xuýt xoa, tiếng khóc nấc càng lúc càng dữ dội.  Tôi không biết chuyện gì ghê gớm đang xẩy ra.  Nhưng tôi nằm im.  Căng chướng từ chiều, từ lúc đưa tay rờ rẫm cái quần lót ướt nằm phơi trên sợi giây thép, tôi cảm xúc cùng cực.  Tôi quýnh quáng  không biết sao nữa.  Tôi hoảng hốt, rạo rực, kinh hãi, đê mê.  Tôi thấy cả sinh lực tôi  trào trực, nhấp nhô, sắp sửa oà vỡ.  Đến lúc tôi nghe tiếng cô Sao, rõ ràng tiếng cô Sao kêu thét lên : “ Anh !” thì tôi không chịu được nữa.  Và tôi tuôn trào, tuôn trào.  Đang nằm nghiêng, tay chống má để nghe cho rõ, tôi nằm vật xuống, co rút, chịu đựng cảm giác ác liệt tuyệt vời đang xé nát da thịt tôi.  Tôi tưởnơ”như ruột gan, tinh huyết tôi phọt ra đầm đìa.  Tôi luồn cả hai tay xuống ôm chặt lấy tôi.  Tôi nằm yên, co quắp như thế thật lâu.  Thật lâu, cho đến khi toàn thân tôi dịu lại, lắng đọng lại.  Căn nhà tranh im lìm.  Ngoài kia, tiếng dế ra rả.  Bấy giờ tôi mới biết cả cái quần đùi tôi ướt đẫm, bụng và đùi tôi nhễ nhại …  Lần đầu tiên trên đời.  Chưa hề ôm một người đàn bà con gái trong tay, nhưng đêm đó tôi không còn là một đứa con nít nữa.  Đêm đó tôi đã trở thành một người “đàn ông”.

 

Trời còn mờ mờ, tôi đã vùng dậy.  Cô Sao ngồi một mình bên bếp lửa.  Cô nói chú Chín tôi đã đi rồi.  Cô bảo tôi có cháo đậu thật ngon, ăn cái đã, chớ sáng hơn rồi hãy trở lại tỉnh lỵ.  Tôi muốn hỏi nhiều hơn về chú tôi nhưng nhìn dáng điệu uể oải xa vắng của cô Sao, tôi cũng thôi.  Mãi đến hai năm sau, thành lập “Ấp Chiến Lược,” cũng là năm hai phi công thả bom dinh Độc Lập, tôi đã được mười lăm, tôi mới biết, biết chắc chắn, là chú Chín đã có ý mang tôi đi với chú vô “bưng,” nhưng không hiểu vì sao chú đã đổi ý.  Về sau, tôi có nhiều lần nhớ lại, ngờ rằng biết đâu chính cô Sao đã khuyên chú hãy để thằng nhóc ở lại.

 Hơn hai mươi năm trôi qua, cho đến ngày tôi đem vợ con vượt biên, tôi cũng không bao giờ gặp lại cô Sao cả.  Tôi không bao giờ gặp lại cô Sao nhưng tôi nhớ mãi ngón tay giữa của cô quấn lấy mấy sợi tóc mai, rồi thả ra, quấn lại, thả ra, quấn lại, thả ra, quấn lại, thả ra …  Ngón tay thon, trắng ngần, những sợi tóc đen nhánh.

 

 

IV

 

Trên đường về, mệt quá, tôi không chạy nữa.  Tôi thất thểu những bước nặng nề.  Bao nhiêu năng lực của chuyến đi tiêu tan đâu cả.  Thứ hai, thứ ba, bắt đầu cho một tuần đi cày, blue Monday, đã lù lù trước mặt.  Nắng chưa tắt, nhưng xa kia, phía bên kia công viên, đèn đường bật sáng.  Phía Tây, một màu tím đục. 

Cả tuần qua, tôi không thấy Kiều trên xe lửa.  Từ Massapequa Kew Gardens ra Massapequa, ngày nào tôi cũng thấp thỏm, chờ đợi.  Vô vọng.  Một cảm giác mất mát xâm chiếm lấy tôi.  Thấy được Kiều đã trở thành niềm vui duy nhất.  Tôi không ngờ tôi nhỏ bé, ti tiện đến thế.  Cứ vài ba bữa, tôi chạy một lần.  Nhưng tôi không được thấy lại đám mây có hình dáng Kiều rõ ràng trong ngọc trắng ngà nữa.

 

Đi bộ một lúc, đỡ mệt, tôi lại chạy.  Có rủ Yến nhiều phen, nhưng nàng thử chạy một hai lần, rồi thôi.  Bốn mươi, nàng đã có nhiều nét sồ sề.  Hồi mới lấy nhau, Yến “hao gầy,” Yến “lãng đãng” đến độ bạn bè gọi là “Yến liêu trai.”  Sanh con, rồi chạy vạy vất vả những năm tôi đi cải tạo, Yến càng gầy gò, xương xẩu đáng thương.  Vậy mà mười năm ở Mỹ, tuyệt đối không pizzas, không hamburgers, nàng vẫn đẫy đà trông thấy.  Tôi không phiền hà gì về những ký, những cân thặng dư của Yến.  Ngược lại, tôi thoả mãn hơn.  Trong chuyện gối chăn.  Tôi chỉ ngày càng thấm thía sự xa cách giữa hai vợ chồng.  Mà nào có phải tôi hư đốn, xấu xa gì.  Tôi thừa biết tôi chỉ là một thằng đàn ông, một anh chồng chẳng có gì xuất sắc.  Tôi thích nói đùa rằng tôi theo đạo Trung Dung !  Ngay cả đến cái tên của tôi.  Thường.  Bình thường.  Tầm thường.  Thật ra, bà ngoại tôi rất mộ Phật, mấy tháng trước ngày tôi sanh, đã lên chùa xin trước một cái pháp danh.  Thôi nôi một cái là cho quy y.  “Ôân” trụ trì , người Huế, cho hai chữ Vô Thường.  Nhưng đi học chỉ nghe ghi theo khai sanh : Nguyễn Bá Thường.  Ai cũng tưởng đó là chữ Thường … thường.  Đâu biết đó là cái đuôi của cả một tên pháp danh đẹp đẽ : Vô Thường.  Tên thì vậy nhưng ngã mạn hết chỗ nói.  Từ ngày sang Mỹ, đi cày quá, tôi đằm tính đi nhiều.  Nhậu chút đỉnh, “xoa” chút đỉnh, “xoè” chút đỉnh … Ai sao thì tôi vậy, nhưng đại khái thôi.  Bá thường, trăm cái thường, tôi không có gì để ngã mạn ngã miếc.

 

 Tôi bảo Yến sồ sề, nhưng đàn bà sồ sề còn cái hấp dẫn.  Tôi đây chẳng đẹp đẽ gì.  Dạo này, tóc rụng quá sá, thưa trông thấy.  Mặc quần thì không thắt nịt da nữa mà dùng dây treo suspenders  cho thoải mái cái bụngbeer belly  quá bề thế.  Sử dụng máy điện toán suốt ngày, mắt tôi từ hơn năm nay cứ hấp ha hấp háy.  Rồi mỏi cổ.  Rồi đau lưng.  Có đêm đi tiểu đến mấy lần.  Hồi ở Cali, tôi có bắt đầu tập tành chút ít quần vợt.  Rồi cũng bỏ.  Yến càng lên cân, tôi càng thích.  Nhưng một bữa, tôi yếu xìu.  Thay vì tỏ chút thông cảm, Yến nói mát nói mẻ đủ điều.  Suốt mấy tháng sau đó, chúng tôi ngủ chung giường mà đâu có ngủ với nhau.  Đến khi làm lành thì lại thật tệ.  Lai rai.  Chiếu lệ.  Miễn cưỡng.  Chẳng ra làm sao cả.  Một sáng chủ nhật lười biếng, đang rờ rẫm Yến, tôi chợt bắt gặp mắt Yến nhìn lên khoảng không.  Cái nhìn, sau đó, tôi bắt gặp nhiều lần nữa.

Như hôm nay, khi nàng ngẩng lên nhìn từ màn TV, nhìn tôi bước ra cửa.  Tôi không nồng nàn đối với Yến như xưa.  Nhưng cái nhìn ấy vẫn làm tôi tê tái.  Có lần, tôi giật mình : biết đâu đó cũng là cái nhìn mà Yến bắt gặp ở mắt tôi.  Đã bao lâu chúng tôi vẫn nhìn nhau như vậy ?  Cái nhìn của những kẻ đi ngược chiều trong một shopping mall.  Đông đúc, nhộn nhịp, màu sắc tưng bừng, “nhạc hộp” – canned music – ra rả như thế, người người lũ lượt như thế, mà sao mỗi lần bước chân vào một cái mall  tôi cũng cảm thấy rằng đó là một cõi chết.  Dật dờ, thoi thóp.  Cõi mịt mù giữa tỉnh và thức, thực tại và ảo mộng.  Người người lũ lượt, mặt mũi đờ đẫn, những người gọi là đi mua bán, đi shopping,  thật ra chỉ là đi coi, đi ngắm, trầm trồ cái này, ố á cái kia cho đã con mắt, cho đã thèm, cho thoả cái khao khát, cái tham muốn, xoa dịu bớt nỗi trống rỗng bất an trong lòng, những người mộng du trong chốn thiên la địa võng của những mê hồn trận.  Trong khi khắp nơi, trên những hành lang đồ sộ, bóng lộn, trong những cửa hàng lộng lẫy, trong cả những phòng rửa tay, nhà cầu sạch sẽ, có nước nóng nước lạnh, giấy lau dịu mềm, có hàng ngàn, hàng vạn con quỷ nhỏ xíu, mặt choắt, tai to, đuôi dài, nanh nhọn, những con quỷ nghịch ngợm, lanh chanh, độc địa, xấu xí, đứa thì tụm năm tụm ba, đứa thì bám riết lấy người đi “bát mall”, mồm lải nhải không hở: “I wanna have it !  I wanna have it !”

 

Tôi không thích đi mall  như Yến và tụi nhỏ, nhưng tôi cũng không  trốn được con quỷ “ông nội” độc nhãn, ngồi lù lù một đống trong phòng khách.  Trong nhà, cái TV lớn, càng lớn càng thích, đã dành chỗ của bàn thờ ông bà.  Càng ngày tôi càng mê mẩn những trận đấu football, wrestling, tennis.  Cả những màn sitcoms  nhảm nhí, vô vị.  Càng ngày tôi càng khoái o bế chiếc xe.  Tôi tắm rửa chiếc Accord  của tôi, tôi lau chùi, tôi đánh bóng nó, tôi nâng niu, vuốt ve nó, sướng cả tay.  Trong khi Yến, tôi biết, tà tà tha về nhà hết đống phim bộ này đến đống phim bộ khác.  Uùt Hoa, khổ thân, vừa làm bài vừa coi phim với Má !  Con bé khôn, lanh.  Chỉ phải cái quá lười việc nhà.  Vì đã có chị Chi.  Con Chi không nề hà chuyện hút bụi, rửa bát, nhưng lạnh nhạt, uể oải, xa vắng.  Nói chuyện với nó, thiện chí mấy, kiên nhẫn mấy, cũng không bao giờ đi đến đâu.   Yến với nó thì như chó với mèo.  Má con chi mà cứ hễ mở mồm ra là hục hặc, cằn nhằn.  Thằng Diệp.  Ha, thằng Diệp thì coi như “người lạ” rồi.  Mười tám tuổi, bắt đầu vô đại học.  Nhưng ngoài bộ băng nhạc của nó ra, tôi chẳng thấy nó say mê cái gì.  Đám trẻ làm việc xã hội, cứu trợ, nó chê là giả dối, hời hợt.  Đám trẻ học hành nghiêm chỉnh, bồ bịch cũng có qui tắc, nó chê là quê một cục.  Đám trẻ ăn chơi, ngủ ngáy bậy bạ, lái xe Trans-Am  nhạc mở lớn rung cả cửa kiếng, nó chê là “bananas” là “chuối,” trong trắng ngoài vàng.  Nó, The Outsider.  Người lạ, người ngoài cuộc, người “sống chết kệ tui,” người thích chơi một mình.  Vợ với con !

Mỗi khi bực quá, bực vợ, bực con, bực cả chính mình, tôi lại nghe mơ hồ đâu đây mấy câu Chinh phụ ngâm học thuộc lòng hồi mười mấy tuổi :

Đường dong ruổi, lưng đeo cung tiễn
Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa.
Bóng cờ,  tiếng trống xa xa
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng …

Trời đất ơi !  Lòng bận thê noa !

Có nhà sư trẻ, điều khiển một đám thanh niên nam nữ sinh hoạt văn hoá ở Bắc Cali, đến vùng tôi nói chuyện.  Ông dặn mua thêm sách báo Việt, sách Phật, để cả nhà cùng đọc, cùng học.  Tôi vâng dạ.  Nhưng không làm.  Ngoài tờ Long Island Chronicle hàng ngày, và tờ New York Times Sundays  (tôi mua dài hạn vì thấy hàng xóm ai cũng có; nói đáng tội, mua mà chẳng đọc bao nhiêu, chỉ để Yến và Chi cắt dùng những coupons) chúng tôi chỉ quẩn quanh với vài tờ nguyệt san, bán nguyệt san Việt ngữ địa phương.  Quảng có làm ăn này nọ.  Tin tức cộng đồng.  Hoạt động đấu tranh.  Bình luận thời sự.  Tôi theo dõi lai rai.  Ở sở, có mấy anh đồng hương.  Chúng tôi thường ăn trưa với nhau.  Và nói chuyện nước nhà.

Ăn lunch ngắn ngủi, không nói, không nghe được nhiều.  Chỉ sử dụng được một thứ ngôn ngữ “tốc ký.”  Đại khái đôi ba lời nhưng cũng vừa đủ để chứng tỏ rằng cả người nói lẫn người nghe đều là những tay “rành” cả.  Những buổi gặp gỡ ăn uống cuối tuần mới thật là cơ hội để học hỏi lẫn nhau.  Anh nào cũng đào sâu, đào kỹ, nhận định, trình bày các vấn đề một cách hăng say, sắc bén, lưu loát.  Anh nào cũng thông suốt sâu xa về bất cứ vấn đề gì.  Không phải các anh chỉ nắm vững các đại sự liên quan đến tình trạng hiện tại và tương lai, trên bình diện chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự.  Các anh còn biết thật rõ về nhiều khía cạnh thuộc lãnh vực tinh thần, tôn giáo, văn học, nghệ thuật.  Thậm chí họ biết cả những chi tiết nóng hổi như ai mới viết cái gì, ai ám chỉ ai, ai bị bắt giả, ai bị bắt thiệt, ai được thả thiệt, ai được thả giả, ai được nịnh, ai bị đánh … Nghe người ta nói chuyện, tôi ngớ ra luôn.

 

Sự hiện diện của các bà các cô, càng tăng thêm hào hứng.  Dĩ nhiên, có cả Yến.  Phái nữ lắng nghe, gật gù, tán đồng.  Và đóng góp phong phú.  Ai mới mua nhà, nhà mấy phòng ngủ, mấy phòng tắm, ai lấy ai, ai bỏ ai, ai “loạng quạng” với ai, ai mở tiệc  và có mời những ai v.v. …  Người ta, cái gì cũng biết, chỉ có tôi, nói đâu xa xôi, chuyện của chính mình mà cứ loay hoay lẩn quẩn hoài vẫn không tìm ra manh mối.

Nhà split-level , sân cỏ xanh mướt, xe hơi hai cái.  Cha mẹ jobs  thơm, lương khá.  Con cái học hành, hạnh kiểm đại khái OK.  Đều đều gửi giúp bên nhà, đều đều đóng góp cho các công tác đấu tranh, cứu trợ hải ngoại.  Vậy mà sao, tôi, chúng tôi, cứ loay hoay như gà mắc đẻ thế này ?  Người ta bàn bạc thì tôi nghe, thỉnh thoảng cũng có góp lời.  Nhưng tôi không tin gì mấy ở lời nói của chính tôi.  Không phải vì tôi không thật tình.  Tôi thật tình.  Mà vì tôi không biết lời nói của tôi có đúng hay không.  Chẳng những có đúng hay không cho chuyện “đại sự,” mà còn có đúng hay không cho những chuyện tầm phào.  Như lần Yến đòi đổi xe.  Chiếc Toyota Corolla của nàng ba tuổi.  Tôi nói : “Đổi làm gì !  Mới hai chục ngàn “mai” mà !”  Đang ngồi, Yến đứng phắt dậy, đi qua phòng khác, coi như không đáng bàn thêm : “ Chiếc Camry năm nay đẹp quá trời !”  Năm kia, chính tôi cũng công nhận chiếc Honda Accord mới đẹp quá trời.  Chính tôi cũng leo cái vù từ chiếc Civic mảnh mai dễ thương lên chiếc Accord dáng dấp có vẻ bề thế hơn nhiều.  Rẻ hơn, nhưng đẹp không thua chiếc Lexux, BMW, Mercedes của chỗ quen biết.  Thật ra, nếu mua được một chiếc BMW thì cũng dám lắm !

 

Tuy nhiên, tôi không phải là người luôn luôn có mặc cảm thua sút, ham đua đòi v.v. …  như Yến.  Tôi chỉ không muốn khác biệt với mọi người.  Ai sao tôi vậy, tôi thấy thoải mái hơn.  Thật tình.  Yến còn khá hơn tôi một điểm.  Ở chỗ nàng ham muốn.  Không có gì rắc rối khó hiểu.  Nàng ham, thế thôi.  Ham nhà cửa, thảm thiếc.  Bàn ghế, đồ đạc, áo quần.  Các thứ máy móc tiện nghi mới mẻ.  Mặt mũi thân xác thì bớt chỗ này một tị, thêm chỗ kia một tí.  Yến ham, nhưng nàng ham những cái, tương đối mà nói, có thể có được.  Với một giá nào đó, dĩ nhiên.  Nàng hơn tôi là ở chỗ đó.  Tôi đi cày năm, có khi sáu ngày tuần lễ, có khi tôi còn đi chợ, hút bụi, cho chén dĩa vô máy rửa bát, v.v. …  Nhưng tôi không thực tế.  Yến bảo tôi thế.  Yến bảo : “Anh !  Anh không thực tế !”  Thì ra đó là cái dở của tôi.  Tôi không thực tế.  Tôi lẩn quẩn loanh quanh không biết tôi thật tình ham muốn cái gì.  Tôi dùng dằng ngơ ngác giữa những cái tôi tưởng là tôi yêu thích và những cái tôi tưởng là tôi thù ghét.  Cái nhược của tôi là không thực tế, đúng như Yến nói.  Không thực tế đến nỗi nhìn thấy cả đám mây có thân hình mặt mũi của nàngKew Gardens, nàng Kiều của tôi !

 

 

V

 

Thế là xong một mùa thu.  Trời đã khá lạnh.  Chạy bộ, tôi phải mặc hai lớp sweatshirts, đội cap  len che kín mít, chỉ chừa mắt mũi miệng, và đeo bao tay.  Vì thói quen, tôi tiếp tục chạy.  Tôi chạy để di chuyển.  Di chuyển do gân cốt, bắp thịt của chính mình khác với di chuyển ngồi trong xe, trong máy bay, đứng trong thang máy.  Ngồi một chỗ, tôi không có cách gì tránh khỏi phải trực diện với nỗi đau đeo đẳng lấy tôi.  Tôi chạy để quên nó đi.

Tôi cũng quên nó đi khi tôi được thấy mặt Kiều. 

          Chiều thứ sáu, tàu dừng lại ở Kew Gardens, lác đác vài người lên.  Tôi đã sắp thất vọng thì Kiều bước vào toa xe.  Nàng mới bước vào, cả toa xe sáng rực lên, thơm tho ra !  Kiều thong thả đi đến hàng ghế tôi, thấy chỗ còn trống, nhìn tôi.  Tôi nhẹ gật đầu, hơi mỉm cười.  Nàng ngồi xuống.  Rồi đứng dậy, cởi áo coat  ngoài, tống nó lên dàn hành lý trên đầu, rồi ngồi xuống lại.  Lần đầu tiên, chúng tôi ngồi cạnh nhau.  Từ khoé mắt, tôi thấy Kiều rút một tờ tạp chí trong cái xắc lớn để dưới chân.  Tôi kịp thấy đó là một nguyệt san Việt ngữ, nổi tiếng có số độc giả rất lớn, và chiều chuộng thị hiếu độc giả rất kỹ.  Tìm được chỗ đã xếp góc, nàng lật ngược tờ báo lại, cầm đọc.  Tôi sửa lại thế ngồi.  Cho khoảng cách giữa nàng và tôi lớn hơn.  Nhưng lại cho phép tôi nhìn thấy nàng rõ hơn.

Kiều mặc một chiếc áo dress len đan, màu hồng đào, cổ turtleneck rộng.  Stockings  mỏng, màu khói hương.  Giày cao gót đen.  Cái thứ áo len đan này, tuy dày và thô cứng nhưng lại làm nổi bật thân hình người mặc.  Tôi nhìn chéo xuống : đầu gối người đàn bà thật thon, nống căng làn vớ ni-lông, căng đến nỗi màu khói hương nhạt đi, nhường chỗ cho màu da thịt mượt mà.  Tôi nhìn lên : tay trái Kiều cầm tờ tạp chí gấp đôi, tay phải, phía tôi, tôi ngồi bên phải nàng, tay phải mân mê mấy sợi tóc mai, cuốn tròn, rồi thả ra, quấn lại, thả ra, quấn lại, thả ra … Hương thơm người đàn bà toả quanh tôi.  Mùi thơm thanh mát mà ngây ngất.  Nước hoa, áo vớ, tóc tai, da thịt.  Tôi xúc động.  Tôi cố giữ bình tĩnh.  Phải chi Kiều … không là Kiều để tôi làm quen với nàng, rồi có lẽ … Nhưng Kiều là Kiều.  Và tôi chỉ có thể ngồi bên nàng, chìm đắm trong hương hoa của nàng.  Cả người tôi căng thẳng, chờ đợi, sẵn sàng cho một biến cố.  Tôi tưạ đầu vào lưng ghế, nhắm mắt lại.

Tôi ngồi như thế, thở thật nhẹ mà sâu.  Thở nhẹ để Kiều khỏi biết.  Và thật sâu để hít mùi thơm của người đàn bà bên cạnh vô từng mạch máu, vô từng tế bào trong tôi.  Tôi đê mê trong một nỗi hoan lạc mênh mông.  Tôi muốn chết như thế.  Không, tôi không muốn chết.  Tôi đang chết.

 

Tôi đang chết với Kiều ngồi bên cạnh …  Tôi thấy thằng bé chạy hồng hộc trên con đường đất lồi lõm, đoạn này bụi bặm khô cằn, đằng kia bùn lầy ướt át.  Chị Thân ngồi vá đầu chồng, từng mũi kim, từng mũi kim, nghẹn ngào khóc không thành tiếng.  Và bàn chân cô Sao, trái chân tròn nõn, ngón cái rướn theo đường cong quần đen láng mướt.  Những sợi tóc mai đen nhánh như mực tàu quanh ngón tay trắng ngần, quấn lại, thả ra, quấn lại, thả ra …  Tiếng thở hổn hển, dồn dập.  Tiếng thét vang lên : “Anh !”  Tôi giật mình, mở bừng mắt.  Tiếng còi xe lửa vừa dứt thì tàu dừng lại ởLindenhurst. 

Tôi vùng đứng dậy, nhưng ngồi xuống lại ngay.  Quá Massapequa mất rồi.  Trong một tích tắc, Kiều nhìn tôi, mắt long lanh.  Tôi quay đầu, ngượng.  Rõ ràng là trong lúc tôi nhắm mắt, đê mê, Kiều đã lặng lẽ thôi đọc báo, nhìn ra cửa sổ, phía tôi.  Tức là thấy rõ phản ứng thảng thốt của tôi khi biết đã trật không xuống được ga nhà.  Và bây giờ tàu lại khởi hành, lao vun vút.  Tôi không biết đến trạm nào Kiều mới xuống, và bằng cách gì tôi sẽ quay trở lạiMassapequa. Sau ba giờ trưa, chỉ còn những chuyến xe lửa chiều đưa người đi làm về , từ Manhattan ra hướng Đông.  Giờ này, Yến đã về nhà rồi.

 

Đến Babylon, Kiều không xuống.  Bay Shore, Kiều vẫn ngồi yên.  Thôi, càng hay.  Tôi cứ ngồi đây hít thở hương thơm của Kiều cho đến khi nào nàng rời toa xe lửa này.  Tim tôi lăn theo bánh xe sắt trên đường rầy : sầm sập, sầm sập, sầm sập sập.  Là thế, là thôi, là thế đó.  Là thế, là thôi, là thế đó.  Những khoảng hở trên đường rầy ngắt cùng nhịp với câu thơ của Vũ Hoàng Chương.  Còi tàu thét lên.  Đoàn xe lửa rùng mình, thắng nghiến ken két, rồi từ từ dừng lại ở Patchogue.  Kiều đứng dậy, vươn người, với tay kéo cái áo xuống từ dàn hành lý.  Tôi còn loay hoay nghĩ phải xa Kiều, nàng đã ra khỏi toa xe.  Tôi ngồi xích lại sát cửa sổ, nhìn ra ngoài.

Song song với đường rầy là lối đi lát gạch.  Rồi một hàng rào thấp bằng bê-tông, sơn trắng, chia cách sân ga với bãi đậu xe hơi.  Tôi thấy Kiều rảo bước.  Rồi tôi thấy một người đàn ông khoác tay ôm lấy vai Kiều, tay kia bế một đứa nhỏ.  Một thằng bé chừng bốn, năm tuổi, nắm cứng lấy vạt áo nàng.  Người đàn ông là một người da trắng.  Một người dáng dấp rất “bản xứ.”  Một workingman.  Người đàn ông đưa thằng bé cho Kiều bế, rồi mở cửa xe.  Kiều là người sau cùng, chưa chui vào chiếc station wagon.  Một tay bế thằng bé, tay kia còn vịn vành trên cửa xe, nàng quay mặt lại, đúng về hướng toa xe lửa có tôi.  Tôi đã từng thấy cái ngước mắt ấy.  Lâu lắm rồi, hồi còn là một sĩ quan trẻ măng, theo bạn bè đi săn.

Sau phát súng, chúng tôi rầm rầm chạy tới trước, dao sắc lăm lăm trong tay.  Con vật trúng đạn, máu chảy xối xả, nhưng chưa chết.  Thấy người, hai chân sau nó dẫy dụa mấy cái, thật yếu ớt.  Rồi nằm im.  Tôi cúi xuống.  Và con nai lớn, vàng óng, với vài đốm bạc ở sườn, lặng lẽ ngước mắt lên.

 

Võ Đình

 

chú thích:

 

1.  “tách” : technician, kỹ thuật viên

2.   “ly” : assembly, nghề lắp ráp điện tử

3.   Trại tị nạn ở Mã Lai:  Pulau Bidong

 

 

 © 2007 gio-o

 

 

các sáng tác khác của Võ Đình trên gio-o