Võ Đình
NGÀY MỸ, ĐÊM VIỆT
truyện ngắn
Ở tiểu bang Washington, tây-bắc Hoa kỳ, trong vùng Puget Sound, dưới Issaquah chừng 15 dặm, phía đông- nam, có một thị xã nhỏ mang cái tên rất gợi cảm: Maple Valley. Tiếng Anh maple là cây phong; valley có nghĩa là thung lũng. Chẳng biết có phải trước kia Maple Valley là một thung lũng trồng nhiều phong không. Chỉ biết thị trấn chính là một thung lũng, nhưng chỉ thưa thớt đó đây vài cây phong. Đà tiến bộ, tân trang thành phố, đã triệt hạ đi nhiều thứ cây đẹp. Phong là cây xứ lạnh xa xôi, nhưng gợi nên trong tâm tưởng người Việt nhiều cảm xúc gần gũi: Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san (...) "Thung lũng Cây Phong" ít phong, nhưng lại có một cư dân rất đặc biệt. Một người kỳ cục.
Cứ chiều chiều, khoảng 3, 4 giờ, thấy ông già Á đông đứng ở góc Oak và Birch, gần trạm xe buýt. Ông đội cái mũ baseball đen, cũ, tóc bạc lòi ra hai bên tai, mắt hí như hai vết nứt trên khuôn mặt gầy, nhăn nheo, lơ thơ vài sợi râu mép và cằm. Lưng đeo cái túi nhỏ, áo quần lùi xùi nhưng nom tươm tất, ông không có vẻ là một kẻ vô gia cư. Ông già có dáng dấp một người thực hành câu "đói cho sạch, rách cho thơm". Nếu ông trút bỏ cái áo gió cũ kỹ, cái mũ baseball , cái quần vải thô, và đôi giày thể thao đi mà mặc vào một bộ bà ba trắng, thì chúng ta có một "ông ngoại" tha thẩn nơi vườn trước, chăm sóc mấy chậu cây cảnh! "Kỳ cục", không phải vì ông mặc "Tây". Mà vì cái vái của ông. Đứng ở góc đường đó, kẻ qua người lại không nhiều, nhưng mỗi lần thấy ai bước tới là ông chắp hai tay vái dài. Người được vái khựng lại một tích tắc, rồi tiếp tục bước đi. Lại có người khác bước tới. Ông già lại chắp tay vái. Có lẽ người ta đã quen rồi với những chuyện kỳ lạ hằng ngày xảy ra trên đường phố hay là người ta chỉ tự nhủ đó chỉ là một người có bệnh "tâm thần". Nên không ai làm lớn chuyện. Ông già chỉ vái người lạ trên đường. Hoàn toàn vô hại. Ông vái rất nghiêm chỉnh. Không trì kéo ai. Không khóc. Không cười. Ông chỉ vái. Chiều nào ông già ấy cũng đứng ở góc Oak và Birch, vái người trên hè phố.
Bà già đã từng thấy tận mắt ông già Á đông đứng ở góc đường, vái dài người qua kẻ lại ấy. Thấy ông đằng xa, bà tò mò. Đến gần hơn, bà định né ông, băng qua đường ngay. Nhưng xe cộ chạy vùn vụt làm bà ngại, chần chừ. Rồi không kịp đổi hướng đi nữa, bà đã đến trước mặt ông già. Trong một thoáng, hai người Á đông nhận diện nhau. Ông già chắp hai tay, vái dài. Lúc ấy, bà già đã bước quá chỗ ông đứng rồi. Nghĩ lại, bà tiếc. Tự nhủ, phải chi mình tỉnh trí, khi được vái như vậy, mình đứng lại, vái đáp lễ thì hay biết mấy. Bà tiếc mà bà cũng buồn cười cái cảnh hai ông bà già Á đông vái lẫn nhau ngoài đường! Như những người đi bộ khác, khi được ông già vái dài như vậy, dột ngột quá, bà không kai"suy nghĩ. Chỉ vội bước đi. Được một quãng, bà ngoảnh lại. Thì ra ông già đứng nhìn theo, thấy bà quay mặt lại, vội chắp hai tay vái dài. Bà lúng túng không biết làm sao, bèn tiếp tục bước đi. Đâu ngờ, chừng mười lăm năm sau, bà già lại thấy mình lẩn thẩn sinh ra một chứng lạ. Đêm nào, bà cũng nằm mơ bà ở Việt nam.
Ban ngày bà ở Mỹ. Ban đêm bà ở Việt nam. Không, bà không bị chứng mất ngủ, đêm nằm trằn trọc, tưởng tượng mình đang ở Việt nam, rồi nhầm lẫn tưởng tượng với thực tại. Không, bà không hoang tưởng. Bà già còn tinh anh, sáng suốt lắm. Ban ngày, ở Mỹ, bà siêng năng chuyện vươn" tược, nhổ cỏ, bỏ phân, chăm sóc cây cối. Ban đêm, bà là người ngủ ngon giấc. Có điều, đêm nào, ngủ, bà cũng nằm mơ là mình đang ở Việt nam. Tỉnh giấc, bà biết là mình đang nằm trong phòng ngủ, nhà riêng, ở Mỹ quốc. Bà lắng nghe tiếng gà gáy xa xa và buồn cười thấy rằng gà giống gì, ở đâu, cũng gáy sáng như nhau! Rồi bà nghe tiếng con chim chèo bẻo hót lảnh lót ở đầu hồi. Bà ôn lại giấc mơ. Bà gặp người quen, bước đi trên những con đường quen thuộc, v. v... Chuyện lạ! Ban ngày bà không phải là người loay hoay lấn bấn với chuyện trở về quê hương đất nước. Ngoại trừ ông cụ thân sinh ra bà, mất đã lâu, an táng ở Việt nam, còn tất cả anh chị em, con cháu, đều cư ngụ nước ngoài, hoặc ở Mỹ quốc, hoặc ở Âu châu. Mẹ bà được các con đem qua Mỹ, mất ở Mỹ, chôn cất ở Mỹ. Một người em trai bà, lúc sinh thời, có lẽ là người gần gũi bà nhất, về Việt nam công tác cho hãng, mất ở Việt nam, thi hài được chuyển về Mỹ, hỏa thiêu ở Mỹ. Nói tóm lại, những người thân thiết, máu mủ ruột rà nhất của bà đã ra cư ngụ nước ngoài, không còn ai ở quê hương để bà phải đớn đau, thắt mắc, đêm ngủ, mơ về nước.
Không như nhiều vị cao niên, thường lo ngại phải sống và chết nơi "đất khách quê người", ao ước về nước "dưỡng già", rồi khi lìa trần, được gửi "nắm xương tàn" nơi "chôn nhau cắt rốn". Bà già là người nhiều tình cảm, nhưng bà không thiết tha với những ý nghĩ đó. Bà quan niệm rằng trên hành tinh này, "nắm xương tàn" gửi vào đâu mà chẳng được! Bà nghĩ thiền sư Thường Chiếu đời Lý nhìn thật xa, nghĩ thật rộng: "Đạo vốn không nhan sắc/ Mà ngày càng gấm hoa/ Trong ba ngàn cõi ấy/ Đâu chẳng phải là nhà." Bài kệ để lại từ ngàn năm trước, ngày nay, thế kỷ 21, là lúc phải xướng lên. "Ba ngàn cõi ấy" mênh mông vô tận, vô thỉ vô chung. Trái đất này, hành tinh xanh này, chỉ là một hạt bụi trong "cõi" ấy kia mà!
Trên thực tế, không phải là người buôn bán, năm mười năm bà mới về thăm Việt nam một lần. Lần nào, bà cũng "cảnh giác" tối đa. Bà tìm hiểu, nhìn rõ, đâu là quê hương, đâu là chế độ, đâu là người dân quèn, đâu là giới cầm quyền, đâu là thực trạng đất nước, và đâu là những tô hồng chuốt lục...
Tháng 4 năm 1975, cũng xém 30 năm rồi, di tản sang Mỹ quốc, đã để lại một vết hằn sâu đậm trong lòng bà. Bà đã phải cắn răng rời bỏ căn nhà cũ mến yêu, vĩnh biệt bao nhiêu bạn bè, người thân... Vết hằn đó, sau ba thập niên, vẫn còn nhức nhối, nhưng nó không khiến bà trở nên một người "lẩm cẩm", ngồi ở Mỹ quốc mà mằn mò, vuốt ve quá khứ ở Việt nam. Bà không hoang tưởng: sống trong thực tại này mà yên trí rằng mình đang hiện hữu một nơi khác. Bà chỉ nằm mơ. Ngày, thức, bà ở Mỹ quốc, và biết là mình đang ở Mỹ quốc. Đêm, ngủ, bà nằm mơ bà ở Việt nam. Tỉnh giấc, bà biết rằng mình đã nằm mơ. Thoạt đầu, bà nghiệm rằng có lẽ mình còn vướng víu cái gì đó, nuối tiếc cái gì đó ở quê hương, cho nên cứ nằm mơ quay về chốn cũ. Nhưng rồi bà lại suy rằng không phải vậy. Vướng víu, nuối tiếc, trời ơi, nhất định là có. Bà biết nhiều người cùng mang tâm trạng đó. Bà cho rằng nghiệm như thế là sai vì trong những giấc mơ của bà không có yếu tố nào chứng tỏ sự hiện diện của nỗi nuối tiếc, vướng víu đó. Chẳng hạn, một đêm, bà nằm mơ về Việt nam, gặp lại hai người cộng sự viên cũ (trong thực tại, một người hiện ở Mỹ quốc, người kia cư ngụ Hòa lan). Cả ba bà bạn cùng nhau rời Việt nam đi Nhật bản, tham quan một thành phố cổ! Bà không nhớ có phải đó là Kyoto không, chỉ ghi nhận là hai người kia mặc kimono sặc sỡ, mặt bôi phấn trắng xóa...
Giả dụ bà nằm mơ, đang ở Việt nam, đi thăm mộ ông cụ trên núi, gặp được cụ và cụ, hoặc than thở, hoặc rầy rà rằng trẻ già lớn bé ai cũng bỏ đi cả, chẳng ai chịu gắn bó ở lại quê cũ, sớm hôm nhang khói cho cụ, v. v... Một giấc mơ như vậy, nếu có xảy ra, bà sẽ giải thích dễ dàng. Đằng này, đang ở Việt nam lại đi du lịch Nhật bản! Trong những giấc mơ, bà cư xử, ở Việt nam, một cách bình thường như thể bà đang ở Mỹ quốc. Ba bà bạn cùng nhau đi du lịch, vậy thôi. Cười, nói, ăn uống bình thường.
Bà già tiếp tục nằm mơ. Ban ngày, thức, bà cư ngụ Mỹ quốc. Ban đêm, ngủ, bà cư ngụ Việt nam. Chuyện này, ít người biết. Nếu nhiều người biết, có lẽ bà sẽ được mang một hỗn danh. Bà A mê hột xoàn, được gọi là "Bà A-Hột-Xoàn", bà B bán cháo cá được gọi là "Bà B-Cháo-Cá"; có lẽ bà này sẽ được gọi là "Bà- Ngày Mỹ -Đêm Việt"!
Đã từ nhiều năm bà "Ngày Mỹ- Đêm Việt" không còn cư ngụ "Thung lũng Cây Phong" nữa. Nhưng thỉnh thoảng bà vẫn nhớ đến ông già Á đông đứng ở góc đường, vái dài người qua kẻ lại. Cái ông già tức cười! Vái thật dài, thật nghiêm chỉnh. Người được vái, ai cũng lúng túng. Bà già tự hỏi,khi ông già ấy vái người ta, ông biết là mình đang ở Mỹ quốc, hay ông tưởng là mình đang đứng ở một góc đường đâu đó bên Á đông. Dù ông có tưởng là mình đang ở nơi xa xôi ấy, tại sao ông lại vái dài người không quen biết? Tại sao ông vái nghiêm chỉnh như thế những khách qua đường? Bà già tự hỏi như vậy, và đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Bà chưa có câu trả lời nhưng bà nghĩ rằng ông già ấy có thể đã qua đời.
Còn sống hay đã chết, trong "ba ngàn cõi ấy", chắc là ông vẫn đứng ở góc đường, vái dài ngưòi qua kẻ lại.
Võ Đình
2004