Võ Đình

Da Thịt

truyện ngắn

Chiều đi dạy học về, Cường nhận được thư nhà, thư mẹ.   Không được thư nhà thì chờ đợi lo âu, mà được thư, đọc xong, bất kể chuyện trong thư lớn hay nhỏ vui hay buồn, Cường cũng thấy bâng khuâng, rồi xót xa vô hạn.  Chàng biết mình không phải là người duy nhất có cái tâm trạng ấy.

Cường mân mê phong thư, chần chờ.  Thư rời Huế từ mãi ba tháng trước.  Cái thư nhà!  Như một di tích cổ sơ: giấy cũ vàng, những con tem vẽ khá đẹp nhưng in vụng về, những đường răng cưa xiêu vẹo, màu sắc thô thiển.  Phong bì có nơi nhăn nheo, đường hồ dán tay sau lưng loang cả ra ngoài nắp bì.  Nhưng thư nhà, ôi, sao mà tha thiết…  Thư chưa mở ra xem, chỉ nhìn cái giấy con tem, đã thấy cả một thời gian đằng đẵng mấy chục năm, một không gian mênh mông bên này bên kia địa cầu.  Thấy từng khoé mắt, thấy từng nét mặt.  Thấy đoàn tụ, thấy biệt ly, thấy sống, thấy chết, thấy con cá giếc nấu canh thơm, thấy nước rau chan cơm sắn.  Phong thư cầm trong tay, nhẹ tênh.  Chưa mở bì, chàng đã biết: giấy mỏng, dễ rách, mực nhợt nhạt, chữ li ti.  Phong thư nhẹ quá, Cường e không chừng khi mở ra bên trong lại chẳng có gì cả.  Bên trong chỉ mơ hồ thoát ra một tiếng thở dài.

Bỗng Cường thấy lòng mình sôi sục.  Chàng bực tức cái chần chờ vô lối, cái lễ mễ giả tạo, cái thấp thỏm yếu hèn của mình lúc đó.  Chàng đưa ba ngón tay, ngón chỉ, ngón giữa, và ngón nhẫn, vuốt nhẹ bì thư như một sự tạ tội.  Và chàng lấy kéo cắt bì, cắt cẩn thận để khỏi xén nhầm giấy nằm bên trong, lấy thư ra xem.    Cường xem một mạch hết thư.

Rồi chàng vội vã xem lại từ đầu.  Lần này chàng lẩm nhẩm thành tiếng như đứa trẻ đọc chưa thạo.  Rồi chàng lật qua lật lại mảnh giấy như thể làm thế sẽ giúp chàng khám phá ra một cái gì đó nữa mà những giòng thư chưa nói hết, chưa đem lại hết.  Rồi chàng ngồi yên, bức thư nằm trên gối.

Cường ngồi yên trong khi bên ngoài hoàng hôn xuống.  Một hương hoa phảng phất đâu đó, man mác, huyền hoặc.  Cường có cảm giác ngây ngư, như mới uống ngà say.  Mắt Cường cay xè, nước mắt ứa lên nhưng ngừng lại, không trào ra được.  Chàng vừa nhận được cái tin dữ nhất trong đời mình.  Vậy mà lòng Cường bình thản, một nỗi bình thản quái gở, đen đặc, chưa bao giờ từng thấy.  Chàng tự nhủ: những cái đau lớn, cũng như những trận bão lớn, những trận lụt lớn,khởi đầu chúng nhẩn nha, chúng lầm lũi chúng đi chứ không láu táu nhanh nhẩu  như những cái đau nhỏ, những trận bão lụt nhỏ.  Chúng đi chậm, nhưng khi chúng đến nơi, đuổi kịp nạn nhân thì chúng đến như trời sập, như đất tan.  Lòng chàng bình thản chỉ vì được tin dữ ấy đối với chàng là một cái đau quá lớn.  Nó lớn quá nên nó chậm chạp, nó lù lù nó đi, nó chưa bắt kịp chàng đó thôi.

Tay phải cầm thư, Cường xoè bàn tay trái ra, ngay ngắn trước mặt.  Bàn tay chàng thon dài mảnh mai, trái ngược xa lạ với cổ tay và cánh tay lực lưỡng gân guốc.  Ngón giữa thật dài, thẳng tắp.  Bốn ngón kia nằm nghiêm chỉnh đều đặn hai bên.  Đường chỉ tay, trong bóng chiều, vẫn rõ rệt, những đường chỉ tay cân bằng, sắc sảo.  Chàng nắm tay lại, nhìn những đốt tay, những đường gân sau lưng tay.  Rồi chàng mở tay ra, lòng bàn tay đầy đặn, ngón tay thẳng tắp.

Cái tin dữ trong thư mẹ, bềnh bồng ba tháng trời mới tới nơi.  Quả là tin “sét đánh”.  Nhưng Cường không xây xẩm, không choáng váng.  Chàng chỉ cảm thấy một niềm u tịch bỗng chốc chan hoà ôm trùm lấy chàng, rồi toả rộng ra, biền biệt.  Trong cái lặng lẽ vô biên ấy, Cường ngắm nghía bàn tay mình và tâm trí phất phơ quay về với một cái tin dữ khác đã đến với chàng bảy tám năm trước.  Chàng phân vân:  Mình thật kỳ cục, được thư mẹ, được tin dữ lớn, một cái tin sét đánh mà lại nghĩ đâu đâu về một cái tin dữ khác, một cái tin chẳng mắc mớ gì đến mình, chẳng ăn nhằm gì với những người thân yêu của mình cả .                                               

                                                     ***

Cái tin đó, khi đọc thấy trên báo hàng ngày lần đầu tiên, không làm Cường chú ý lắm.  Xe hoả trật đường rầy, tàu thủy đánh đắm, cầu gẫy, xe và người rơi, chiến tranh bên Đông, chiến tranh bên Tây…  Cường không chú ý lắm chẳng phải chàng là người vô tâm.  Không chú ý chỉ vì chàng mải đọc báo, đúng hơn, xem báo.  Mà xem báo có cái cách xem của nó.  Xem báo mà xúc động tưng bừng lên, không làm sao xem báo được.

Nhưng rồi Cường lại thấy cái tin đó trên vô tuyến truyền hình.  Rồi thỉnh thoảng chàng lại thấy nó trên mặt báo hàng tuần, báo hàng tháng.   Rồi chàng lại thấy nó được đem ra bình luận trên TV.  Cũng cứ một cái tin ấy, nhưng tin đã trở thành chuyện, chuyện lại trở thành vấn đề.  Vấn đề được đưa ra giải thích, phân tách, phê bình.  Có người lên án, có người bênh vực.  Và cái tin cách đây mấy năm đã trở thành một ám ảnh đối với Cường.  Nó ám ảnh chàng hoài.   

Mãi đến khi báo hết nhắc đến, TV cũng hết đưa chương trình ra, Cường vẫn còn nghĩ đến cái tin ấy.  Có lẽ mọi người đã quên nó rồi, đã băn khoăn thấp thỏm về những tin khác mới mẻ hơn, kích thích hơn, nóng bỏng hơn.  Mà Cường thì vẫn cứ băn khoăn thấp thỏm vì cái tin cũ.

Chung qui chỉ vì một tai nạn hàng không.  Một chiếc Boeing 707 trên đường bay từ Equador xuống Peru, máy móc trục trặc thế nào không rõ, rơi xuống rặng núi Andes.  Một số nhỏ trong hành-khách-đoàn thoát chết.  Thoát chết trong một khung cảnh hãi hùng.  Bốn bề núi cao vực thẳm, băng tuyết trùng trùng.  Ban ngày có ánh nắng mà lạnh dưới độ nước đông thành đá.  Thực phẩm mòn mót mãi chỉ được vài gói bánh khô dòn và dăm thẻ sô-cô-la.  Phi cơ còn tan xác, huống hồ …  Một chàng trai trẻ tìm được chiếc ra-đi-ô vùi trong tuyết, nhưng vô dụng vì không bắt được gì.

Con người muốn sống, tháo vát lắm.  Những người may mắn còn nguyên vẹn săn sóc những người bị thương tích.  Họ xé áo quần ra, băng bó cho nhau.  Những người bị nặng quá, nằm lịm, thì có những người chỉ gẫy chân gẫy tay nằm cạnh.  Những anh trai trẻ tìm được diêm, hộp quẹt, đốt lửa nấu tuyết, cho nhau nhấm nháp.  Lại tìm ra được thuốc lá, chia nhau phì phà, thích thú, khoái trá trong cái cảnh đùa cợt với tử thần.  Họ tháo ghế phi cơ lấy gỗ, lấy thắt lưng an toàn làm “giầy tuyết”.  Họ bàn chuyện vượt muôn trùng băng giá đi tìm cứu trợ…  Họ làm những cái băng ca tạm thời để, nếu có thể, khiêng những người không đi nổi.  Ban đêm, họ chui vào xác phi cơ, ngồi nằm sát vào nhau, ôm lấy nhau mà ngủ để giữ hơi ấm, để khỏi chết cóng.  Có hôm bão lớn, avalanche tuyết đổ xuống từ trên núi, lụt ngập đến mức có người bị chôn sống.  Trong khung cảnh hãi hùng cả đêm lẫn ngày đó, họ đã sống cùng nhau.

Họ đã sống như thế trong mấy tuần lễ (mấy tuần?, Cường không nhớ).  Rồi vài anh trẻ, có sức nhất, gan dạ nhất, liều ra đi.

Trèo lên, trụt xuống … lăn lông lốc trên sườn núi băng, cuốc bộ hàng chục dặm trên mặt tuyết mênh mông.  Một vài anh lạnh quá, mệt quá, đói quá, bỏ cuộc, chết.  Các anh khác tiếp tục, và thành công.  Đoàn cấp cứu có cả bác sĩ, y tá, thuốc men, thực phẩm, bay lên núi Andes bằng mấy chiếc trực thăng.  Hầu hết những người thoát chết sau khi phi cơ rơi lại thoát chết lần nữa.  Và cái điều làm cho báo chí, TV trong suốt năm ấy, và năm sau, và năm sau nữa, bận rộn không ít cũng là cái điều ám ảnh Cường mãi.  Suốt thời gian, ngay sau khi phi cơ rơi, đến khi cả bọn được cứu ra khỏi địa ngục băng tuyết, họ đã ăn gì mà sống ?

Họ đã ăn thịt những người bạn đồng hành xấu số của họ.  Vâng, họ đã ăn thịt những người chết tức khắc sau tai nạn mà da thịt, sau một vài giờ trong cái lạnh núi Andes, đã đông cứng.

Thật tình, mãi đến bây giờ, cái cảm tưởng đầu tiên của Cường, dầu chỉ thoáng vụt qua rồi tan loãng đi ngay, vẫn còn rõ mồn một.  Có gì đâu, chàng nghĩ :không biết ăn cái thịt người đông cứng ấy, nó như thế nào.  Xác chết ngổn ngang, cái nằm trên băng,cái vùi dưới tuyết, có cái còn nguyên vẹn, có cái đã nát tan.  Phải ăn mà sống, thì ăn ai, đúng hơn, ăn xác ai bây giờ ?  Đàn ông hay đàn bà, người lớn hay trẻ con, ăn xác nằm gần nhất hay xác rơi xa nhất, ăn xác đã tan nát hay xác còn toàn thân ?  Aên tay hay ăn chân, ăn đầu hay ăn ngực, hay bụïng, hay đùi ?  Cắt một miếng ở bắp chuối có lẽ dễ ăn hơn là cầm một bàn tay mà gặm như gặm chân vịt luộc ?  Bỏ vào mồm miếng thịt cứng như đá, hay luộc nó lên (nếu có nồi), nướng nó lên (nếu có gỗ) cho nó thơm phức mà ăn, dầu không có tiêu hành nước mắm ?  Bấy nhiêu ý tưởng đó vụt qua đầu chàng chỉ trong giây khắc.  Chàng không ngờ chỉ trong một tích tắc mà chàng đặt ra từng ấy câu hỏi trong đầu.

 Sau đó, chỉ sau đó thôi, thật vô lý, chàng mới tự hỏi một câu, và hỏi xong chàng không trả lời ngay.  Cho mãi đến nay chàng vẫn chưa trả lời.  Đó là, nếu số mệnh run rủi, Cường là một hành khách sống sót sau chuyến bay xấu số đó, liệu chàng có ăn thịt người, ăn thịt bạn đồng hành để số qua cơn hiểm nghèo không ?

Cường biết có những câu hỏi không bao giờ nên được đặt ra.  Đây không phải chỉ là một chuyện ăn thịt người, vì ăn thịt người đâu phải là chuyện vô tiền khoáng hậu.  Có nền văn minh thượng cổ nào mà chẳn có tục tế thần bằng thịt người, rồi sau đó, kẻ trên người dưới è ra ăn thịt đồng loại đã “được” đem hy sinh.  Xa vời trong lịch sử thì có Trung hoa, Aán độ, Ai cập, Bắc Aâu, gần hơn thì có các bộ lạc da đỏ ở Mỹ châu, da đen ở Phi, Uùc châu.  Mới đây nhất, người ta tế “Cách Mạng” bằng gan tim người ở Cao Miên.

Lắm khi ăn thịt người chỉ là một giải pháp kinh tế.  Có những bộ lạc trình độ văn hoá khá cao lại xem đó là một hình thức tế lễ uy nghi.  Có khi ăn thịt người lại là một cử chỉ nhằm giải toả hận thù.  Lại có khi đó là một hoan lạc tập thể đầy nam tính, một thứ “macho” của khẩu dục và nhục dục.  Vậy cái kỳ cục nhất định không phải là việc ăn thịt người.

Kỳ cục chăng là trường hợp, hoàn cảnh của những hành khách thoát nạn đó.  Cường nghĩ tới những công dân Equador, Bolivia hay Peru, hay Argentina đó, thực họ cũng chẳng khác gì chàng lắm.  Kỹ sư, giáo sư, sinh viên, một hai bà nội trợ, vài nha øthương mại, một hai chàng thể tháo gia, vài ông cụ bà cụ đã về hưu trí, một hai quân nhân …  Một chuyến bay Đà nẵng-Sàigòn, đại khái thế.

Những người đó cũng chỉ vầy vậy như Cường bây giờ : một nhà giáo tầm thường, ưa đọc truyện báo, thích nhậu trưa chủ nhật với bạn bè, chiều đùa với con nhỏ, khuya ôm vợ ngủ.  Thế thôi.  Những người đó, những năm đầu thập niên 70 này, họ đọc báo, nghe ra-đi-ô, họ xem TV, họ nghe lời bác sĩ dặn bớt ăn mỡ, ăn nhiều rau xanh và trái cây hơn, sáng chải tóc thấy rụng hơi nhiều, họ lo lắng, trong sổ tay họ có ghi ngày phải đem xe đi thay nhớ hoặc xét lại cái thắng, v.v. …  Những con người “bình thường”, giữa cái thanh thiên bạch nhật “bình thường” của cuối thế kỷ thứ hai mươi này.  Công dân những nước, tuy không phải là cường quốc, nhưng cũng không phải nơi ăn lông ở lỗ.  La Paz, Lima, Quito, Santiago, tuy không phải là Ba lê, Luân đôn, Nữu ước, cũng rộng lớn, đông đúc, “văn minh” chẳng thua gì Đài bắc, Sài gòn, Vọng các.

Thế mà những người đó đã phải ăn thịt người.  Và Cường tự hỏi, nếu hoàn cảnh bắt buộc, liệu chàng có ăn không?  Hay là chàng chịu nhịn đói như một hai người trong đám hành khách sống sót đã làm, nhịn đói cho đến chết, để cùng chết với đồng loại ?

                                                           *

                                                       *       *

Lần cuối cùng, Cường thấy lại cái tin đó là đêm có chương trình  truyền hình, chiếu lại buổi nói chuyện của ba anh trai trẻ trong số những người thoát chết hai lấn.  Nếu cháng không nhớ lầm thì buổi nói chuyện được xếp đặt và hướng dẫn bởi ông “chủ” (host) Richie Griffon.

Ba anh trai trẻ, mặt mày sáng sủa, quần áo giản dị nhưng có sự lựa chọn chu đáo, hợp thời trang.  Là người Nam Mỹ, lẽ cố nhiên họ ăn nói có lúc ngập ngừng lúng túng vì Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của họ, nhưng Cường thấy họ cũng đủ sức diễn đạt đầy đủ những gì thật tình họ muốn nói.  Ba anh trai trẻ, Nam Mỹ, da trắng, trông khôi ngô, thông minh rõ ràng.  Dáng dấp họ tự nhiên, đĩnh đạc, chứ không láu táu, diêm dúa như phần đông thanh niên cùng lứa tuổi.  Nhìn họ, Cường nghĩ, trong tóc, trong da thịt, trong móng tay họ, có thịt người.  (Lạ chưa!  Gặp người đồng hương cớ sao Cường lại không nghĩ : Ờ, trong tóc, trong da thịt, trong móng tay cô này có mắm Thái, trong bà này có tôm khô, trong ông kia có rượu vang, có lợn luộc?). Cường biết mình vô lý, và chàng thấy hơi ngượng ngùng với ba anh trai trẻ ngồi trên TV, vây quanh Richie Griffon: chàng có cảm tình ngay với họ vì cái lối ăn nói điềm đạm, cử chỉ ung dung hiếm có.  Chàng thấy họ có một thứ tự tin nào đó khác thường.  Có thật chăng hay là chàng tưởng tượng?  Chàng nhìn thật kỹ ba khuôn mặt sáng sủa trên màn truyền hình đầy ánh sáng và màu sắc.

Giữa cái khung cảnh trang trí rực rỡ, có phần loè loẹt, nhiều-tiền-nhưng-rẻ-tiền của một phòng khách TV, ba khuôn mặt xa lạ, lung linh như hiện ra từ một bức chân dung thời Tiền Phục hưng.  Giữa ba khuôn mặt đó và khuôn mặt ranh mãnh, quá khôn khéo, quá “hiện đại” của Griffon, chàng thấy có một khoảng cách thời gian xa vời.  Cường ớn lạnh.  Chàng nghĩ ba khuôn mặt kia như đã được đông lạnh nhiều thế kỷ, và tối đó được đem ra  nơi ấm áp cho mềm đi, cho sống lại, và chiếu lên xem.  Chỉ có một điều làm cho Cường yên chí là ba khuôn mặt ấy chính là người của ngày nay, là người có thật, là ba khuôn mặt của ba tấm thân có chứa đựng ba trái tim nóng hổi tràn đầy nhận cảm và xúc động.  Đó là ánh mắt buồn bã xa xăm của họ.  Không phải nỗi buồn bã chán chường hay ray rứt, tê điếng.  Cường nhìn cặp mắt này rồi nhìn cặp mắt kia.  Aùnh mắt buồn bã xa xăm đó, trong cả ba đôi mắt đó, chàng nghĩ, chỉ có thể là ánh mắt của một nỗi thương yêu vời vợi …

Một trong ba anh, có mẹ và em gái cùng đi trong chuyến bay định mệnh.  Trên phi cơ, ngồi sau ghế anh là một người bạn thân.  Máy bay rớt, hai người bạn sống sót cùng một số nhỏ.  Mẹ và em anh chết cùng một số lớn hành khách.  Cường còn mang máng nhớ được một đoạn của cuộc đối thoại.

CHỦ :  Ồ, tôi xin lỗi ông.  Tôi không biết ông có bà thân sinh và bào muội đi cùng và đã bất hạnh …

KHÁCH :  …  Cám ơn ông …  Tôi mong rằng mẹ tôi và em tôi chết tức khắc, không đau đớn gì …

CHỦ :  Như các ông đã nói, máy bay rớt tứ phía, làm sao mà các ông …

KHÁCH :  Vâng, đúng thế ạ.  Anh bạn này (khách nhìn sang bạn, cười thân ái), anh bạn này ngồi ghế ngay sau lưng tôi.  Khi tôi mở mắt ra thì người tôi thấy trước nhất là bạn tôi.  Chúng tôi lồm ngồm bò dậy.  Nhìn quanh thấy có người đâm lút dưới tuyết, chỉ còn bàn tay bàn chân thò lên trên.  Tôi nghĩ ngay đến mẹ và em.  Nhưng cả hai chúng tôi tìm mãi không ra.  Tôi trặc một vai đau quá, phải để bạn tôi kéo vào nằm trong xác phi cơ.  Rồi anh ấy chạy ra giúp sức cứu trợ những người sống sót.  Mãi ba bốn hôm sau chúng tôi mới tìm ra xác mẹ và em tôi …  Rớt thật xa …

Cứ thế cả bốn người, một chủ, ba khách, nói lăng nhăng quanh co một hồi lâu.  Hai người trong số ba khách, Anh ngữ khá, thay nhau kể lại cuộc đoạn trường : lạnh ngày đêm dưới độ đông nước, thiếu áo quần chăn mền, những người thương tích nặng nằm từng đống, kẻ mê man, người rên rỉ, có hôm bão tuyết suốt ngày đêm, lại có hôm tuyết đổ, chết thêm một hai người.  Khách cứ kể, nhưng chủ không quên khán-thính-giả bên kia ống kính quay phim.  Chủ biết người ta chờ đợi, sốt ruột.  Và chủ hỏi, giọng ngập ngừng một cách khéo léo, như thể cực chẳng đã lắm mới hỏi, ngượng ngùng lắm mới nhắc đến chi tiết đó.

CHỦ :  Thế, thế các ông và các bạn đồng hành cùng thoát chết của ông, đã sống sót cũng vì quý vị đã chấp nhận một thực tại không chối bỏ được, quý vị đã có một sự chọn lựa …

KHÁCH :  (anh trẻ này tóc đen, râu quai nón, nãy giờ ít nói nhất, chỉ ngồi cười cười, ừ à, dậm theo câu chuyện)  Vâng, chúng tôi chấp nhận.  Một là chết đói cả lũ, hai là phải ăn mà sống.  Mà trong hoàn cảnh ấy, không có gì ăn được cả, ngoại trừ thịt người !

CHỦ :  (có vẻ ngượng vì thái độ thẳng thừng của anh râu đen, quay lại rất nhanh về phía hai anh kia, với điệu bộ thân thiện hơn, gần như khuyến khích)  Đã đành !  Đã đành ! Of course !  There wasn’t anything else, was there ?  Thế ông … ông làm sao, ông quyết định lấy một mình, hay có ai thúc dục ông ?

KHÁCH :  (vẫn anh râu đen, nhanh nhẹn đỡ lời cho hai bạn, như thể để bênh vực họ)  Không, tôi quyết định một mình.  Qua ngày thứ ba sau hôm phi cơ rơi, chúng tôi đói lả.  Chúng tôi ăn thử tuyết, nhưng lạnh quá.  May còn hộp quẹt, chúng tôi kiếm mấy cái lon nấu tuyết ra cho mấy người bị thương nằm uống, nhấm nháp vài giọt cho đỡ khô người.  Nhưng những người như chúng tôi đây, chúng tôi may mắn không những sống sót mà chẳng bị thương tích gì đáng kể, chúng tôi đói quá.  Lạnh như vậy, cả ngày làm cái nọ cái kia, săn sóc đồng bọn, tiêu pha năng lực như vậy mà thỏi sô-cô-la và mấy cái bánh dòn thì đã hết từ lâu !  Chúng tôi không biết người nào đã đưa ra ý kiến trước nhất, chúng tôi bàn đến chuyện ăn xác những người đã chết.  Chúng tôi lý luận dông dài.  Xác nằm đó, ăn vào sẽ giúp chúng tôi có đủ chất đạm để chịu đựng nổi cơn đói rét này, sống được còn có cơ hội cứu thoát những người còn sống nằm trong xác phi cơ kia v v …  Chúng tôi nói rất cứng.  Chúng tôi đưa những lý luận có tính cách khoa học, tâm lý, tâm linh …  Nhưng đến khi ra tay, không ai chịu đi trước.  Tôi là người …

CHỦ :  Ông là người đầu tiên thực hành ý kiến đó …

KHÁCH :  Vâng.  Tôi chui ra khỏi xác phi cơ, đi một mình ra ngoài xa.  Tôi rút con dao bỏ túi, cứa một miếng nhỏ từ bắp chân của một cái xác, tôi bỏ vào mồm …  Như thịt đông lạnh vậy thôi.  Cứng lạnh, vô vị.  Tôi thấy buồn nôn.  Nhưng nuốt xong miếng đầu tiên tôi đỡ lợm giọng.  Tôi tiếp tục cứa thêm, nhai thêm vài miếng nữa.  Aên xong, tôi đứng yên lúc lâu, ngẩn ngơ.  Rồi tôi quay lại xác phi cơ, chui vào.  Không một người nhìn thẳng vào tôi.  Tôi ngồi xuống và thấy khoẻ hẳn ra.  Chỉ ăn một tí, thấy khoẻ ngay …  Sau đó, mấy người kia lầm lũi chui ra ngoài … lần lượt chui ra từng người một.  Không ai nói năng gì cả.

Sự hồi hộp nôn nóng đang căng thẳng, đứt đoạn một cách quá tầm thường.  Cường thấy Griffon thật nhanh trí, không cho phép năm tích tắc im lặng.  Ông quay qua người trai thứ nhất :

Bà cụ thân sinh và bào muội ông … ông có …

Anh trai trẻ người Bolivia nhìn Richie Griffon, rồi nhìn thẳng ra khán-thính-giả, im lặng một lúc.  Đoạn anh cười nhẹ nhàng :

-  À, tôi …  Khi bạn tôi đây (anh chỉ anh trai tóc vàng đã ngồi ghế sau trong phi cơ, cùng rớt và cùng thoát chết với mình), khi bạn tôi đây chui ra phi cơ theo mấy người kia, tôi nắm áo anh ấy, tôi năn nỉ anh ấy, tôi bảo anh này, anh có ra thì hãy lại, hãy lại xác mẹ tôi và em tôi …  Và anh ấy hưa sẽ làm như tôi muốn.  Hôm nay, ngay bây giờ, ngồi đây, tôi lấy làm sung sướng cho mẹ tôi, cho em tôi …  Thay vì chôn sâu dưới đất, để côn trùng rỉa rói, cho thời gian mục nát, bây giờ mẹ tôi và em tôi ở đây, có mặt ngay bây giờ, qua sự sống còn, qua thân hình của bạn tôi đây …

Cường nhìn người bạn.  Mặt anh bình thản, nhưng ánh mắt vẫn thoáng nét buồn bã xa xăm.  Cường biết mìng đã nghĩ đúng.  Aùnh mắt đó, ánh mắt buồn bã xa xăm đó, chính là ánh mắt của một tình thương yêu vời vợi.

      *
                                                            *          *                                                     

Trời nhá nhem.  Cường cầm thư mẹ trong tay, ngồi bất động.  Chàng nghĩ, mẹ đã không đánh điện tín, có lẽ vì không chạy kịp tiền.  Cũng có lẽ, chàng giật mình, cũng có lẽ mẹ cố ý viết thư mặc dầu biết rằng thư đi hàng tháng mới tới.  Có lẽ mẹ muốn rằng sau mươi tuần lễ nổi trôi trên những bầu trời xa lạ, sau khi bị bao nhiêu bàn tay không quen biết rờ mó, sắp xếp, cột buộc, tống vào bao, vất vào thùng, kéo từ bị, ném ra xe, sau một cuộc giang hồ như thế, lá thư mới được mẹ cho phép nằm vào trong tay con.  Bì thư lùc này đã trầy xát, giấy thư chắc đã nhăn nheo, mực trên bì chắc đã hoen ố, nhưng lá thư mang tin dữ đến cho con lúc ấy thực sự đã rời tay mẹ ba tháng trước đó rồi.  Và mắy con, và tim con, qua không gian, qua thời gian, sẽ đọc lá thư cũ với tâm trạng của mẹ ba tháng sau.  Thế nào, mẹ cũng đã mong rằng cái đau đớn của con, ba tháng sau, dù có sâu đậm mấy cũng không đến nỗi mưa bão dữ dằn như thể, thay vì viết thư, mẹ đã đánh điện sang.

Cường cầm thư mẹ lên đọc lại.  Ánh tà nhợt nhạt, không thấy gì cả.  Chàng định bật đèn, nhưng lại thôi, kéo ghế lại gần cửa sổ hơn, đưa mảnh giấy mỏng manh lên đọc trong bóng hoàng hôn.  Cường nghĩ chữ mẹ viết dạo sau này, càng run, càng gầy hơn trước.

"Con ơi – Cường lẩm nhẩm đọc thành tiếng – Con ơi, thầy mất rồi, thầy mất đúng ngày rằm … thầy ra đi không mệt mỏi đau đớn chi cả con đừng có buồn bã chi lắm con nghe con phải vui mà sống với vợ con con cho mạ cho đồng bào quê hương thầy đi rồi …” (Cường mếu máo cười, xưa nay mẹ viết lách vẫn bất cần cú pháp !) … “ thầy đi rồi thì thầy qua bên nớ thăm con thăm cháu có chi mô mà con buồn.  Còn mạ thì ở nhà có bà con láng giềng túi lửa tắt đèn có nhau con đừng có lo mạ chỉ mong ước có một điều là con phải an dạ mà làm ăn mà nuôi mấy cháu cho thành người cho ra con người Việt Nam.  Rồi đây đến lượt mạ về với ôn mệ con cũng đừng buồn …”  Cường lướt qua vài dòng chuyện nhà cửa, họ hàng, rồi đọc tiếp, thành tiếng, “con là đứa giống thầy hơn tất cả mấy anh chị em con ai cũng nói con giống thầy như tạc rứa mà chỉ có một cái con giống mạ hết nước nói mà ít ai biết đến đó là hai bàn tay của con hai bàn tay ngón dài của con đó là hai bàn tay mạ.  Trán con rộng cổ con to như trán với cổ của thầy nhưng tay con không vuông vắn chắc chắn như tay thầy tay con mạnh bóp tay thằng rể dì Tư hắn lính tráng nhà binh mà hắn kêu đau quá trời nhưng tay con  nhỏ nhắn thanh tú là tay mạ tay cầm bút con ơi !  Sớm hôm rồi mạ cũng về với ôn mệ thì mạ để hai bàn tay mạ lại cho con đó với chuỗi tràng hạt mạ cho con mấy năm trước chừ đây mạ còn sống với con cháu nhưng thiệt là thiên sơn vạn hải rồi khi mạ có ra đi mà con có nhớ tới mạ thì con cứ việc ngó hai bàn tay con con sẽ …”

Cường không đọc tiếp, đặt thư trên gối.  Rồi chàng lại xoè bàn tay trái ra, lòng bàn tay đầy đặn, ngón tay thon dài thẳng tắp.  Chàng ngắm nghía bàn tay mẹ lung linh trong màu tím xám của trời đất.  Bỗng Cường giật mình.  Một vật gì bay xoẹt qua bên ngoài cửa sổ.  Không biết đó là một con chim thấy trời tối vội vã bay về tổ, hay đó là một con giơi trên đường đi ăn đêm …

Võ Đình
1978

Truyện này được viết mấy năm trước thời gian đồng bào Việt Nam ồ ạt vượt biển và một số lớn đã gặp phải những thống khổ vô biên.