Võ Đình

CHÀM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

tản mạn

 

Tiếc thay tay đã nhúng chàm

Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?

 

Mấy câu Kiều ám ảnh tôi không nguôi.

 

Tôi đã dại dột tin tưởng vào hệ thống họa viện galleries tư nhân và công cộng. Sinh sống trong những xã hội chế ngự bởi khoa học, kỹ thuật, và thương mãi, hồi đó, tôi đã dại dột đọc ARTNEWS như là Phúc Âm, từ bìa trước đến bìa sau.

 

Tôi lại tin vào sự thành công của Norman Rockwell, LeRoy Neiman và Edna Hibel. Cả ba đều chiều chuộng vuốt ve thị hiếu dân Mỹ.

 

Rockwell chuyên về lễ lạc, Thanksgiving, Christmas và New Year, với gà tây quay vàng ngậy khói lên nghi ngút, bát đĩa muỗng nĩa sáng loáng, bày biện cửa nhà tươm tất đúng truyền thống. Trong nửa đầu thế kỷ XX, Rockwell là họa sĩ hái ra tiền nhiều nhất, mỗi năm thu nhập không bao giờ dưới bốn mươi ngàn Mỹ kim, ngay cả dưới thới khủng khoảng tiền tệ Depression. Neiman chuyên trị những sailboats và tennis. Còn bà Hibel thì khi nào cũng Mẹ và Con.

 


 

Họ “thành công,” hái ra tiền, nhờ bắt trúng mạch thị hiếu. Tôi chỉ đích danh. Tôi không ngại “vạch áo cho người xem lưng.” Nhưng, quên đi rằng có những nhà thơ, nhà văn tài hoa không kiếm ra tiền. Như Bác sĩ Anton Tchékow của Nga, như Bác sĩ Somerset Maugham và William Somerset Maugham của Anh, như Lỗ Tấn của Trung Quốc, như Trại Trân Châu Pearl Buck người được giải Nobel văn chương năm 1938, thầy dạy của Lâm Ngữ Đường…

 

Vì hoàn cảnh chung cũng như riêng, tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ làm nghề khác để sinh sống, để có cơm ăn áo mặc nhà ở, thay vì dựa vào lợi tức của nghề mình đam mê. Phải thoát khỏi những ràng buộc tài chánh, người ta mới phụng sự văn học nghệ thuật tuyệt hảo.

 

Trong số này, văn nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại có mấy khuôn mặt nổi bật như Nguyễn thị Thảo An chuyên về vi tính computers, Lê thị Huệ hướng dẫn sinh viên Đại học Evergreen San José, Nguyễn Hưng Quốc dạy Việt ngữ Đại học Úc, Võ Phiến suốt đời làm công chức và nay đã về hưu. Kể tên ra, có người sẽ cho rằng mặc áo thụng vái nhau. Ừ, thì xem như mặc áo thụng vái nhau. Có sao đâu! Có phục mới vái chứ!

 

Mới đây không lâu, Trung Quốc và Việt nam cho xe tăng nghiến nát hàng ngàn hàng vạn đĩa nhạc mới mà họ cho là đồi trụy, làm khổ tâm các trung tâm sản xuất như Microsoft chẳng hạn. Trung Quốc và Việt Nam không hề biết đến tác quyền, không hề coi trọng tác quyền, và không ký vào văn bản copyright convention.

 

Đó chỉ là chuyện về âm nhạc, tôi không biết. Không biết thì không bàn!

Tôi chỉ bàn về văn thơ, và hội họa. Và ảnh hưởng của khoa học, kỹ thuật, thương mãi với văn học nghệ thuật.

 

Xưa, Giả Đảo, Thôi Hiệu, Vương Duy, Vương Xương Linh, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du … thong dong phóng dật không nghĩ đến chuyện lợi lộc và chẳng hề biết đến tác quyền copyright convention là cái chi chi. Họ sáng tác, đề vịnh thơ phú tranh treo nơi công cộng, khơi khơi vách tường, công bố cho thiên hạ đọc và sao chép, truyền tụng. Và nhờ đó, văn học nghệ thuật phát triển mạnh.

 

Xưa, cũng nhiều người nổi danh về chính trị lại còn làm văn học nghệ thuật. Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill được giải Nobel văn chương năm 1953 về những sách sử và hồi ký nêu cao nhân phẩm con người, và còn vẽ tĩnh vật cùng phong cảnh với chó đua ngựa đua, trong thời khủng khoảng kinh tế Depression mà ông gọi là “Black Dog.” Cố Tổng thống Dwight Eisenhower thì chuyên vẽ những sailboats rập rềnh trên sóng nước. Tranh quý vị chính trị gia lỗi lạc này tuy kỹ thuật vững vàng nhưng lại rất ước lệ, tầm thường, chẳng có gì độc đáo.

 

Nhưng, thử tìm có ai gọi là tương đương với Picasso, Modigliani, Matisse trong văn thơ? May ra kể được Anton Tchékow và William Somerset Maugham!

 

Về thơ, Saint-John Perse từng làm Đại sứ Pháp tại Bắc Kinh và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Bộ Ngoại giao Pháp, lại chuyển hóa từ một nhà ngoại giao sang nhà thơ với tên khác và được giải Nobel văn học năm 1960. Nhưng chính trị không đi đôi với thi ca, ông bị cách chức, tước quyền công dân, phải di tản sang sống bên Mỹ, và có thời làm cố vấn tại Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ.

 

Nay, có hai quan điểm khi làm văn học nghệ thuật: thú vị, và hối tiếc. Theo tôi, cái thú vị không tương xứng với nỗi hối tiếc. Cái tiếc lớn hơn cái thú vị. Có người thú vị khi làm văn học nghệ thuật, như Henry Miller từng nói: “Người nghệ sĩ sáng tạo là đã thú vị rồi. Đòi hỏi tiền bạc lợi lộc làm gì nữa!”

 

Nhưng, chỉ thực sự thú vị là khi hoàn toàn tự do phục vụ nghệ thuật mà không hề lệ thuộc lợi lộc. Nếu không, lại rơi vào nỗi hối tiếc vì đã nhúng tay vào làm văn học nghệ thuật mà không trọn vẹn.

Người nghệ sĩ sống không ràng buộc mới có cơ may phụng sự hết mình, và văn học nghệ thuật mới phát triển mạnh.

 

 

Võ Đình

Hoa Bang. Tháng 3 2008

 

 

http://www.gio-o.com/VoDinh.html

 

 

 

 

© 2008 gio-o