Võ Đình

 

ANNE

 

truyện ngắn

Anne là một bà lão người Pháp, ngụ ở Paris, nhưng quê miền Aquitaine, gần biên giới Tây ban nha.    Đã gần bảy mươi, bà già yếu đi nhiều tuy mỗi ngày bà vẫn thường xuyên đi bộ vài ba cây số.  Đó là một người đàn bà thông minh, yêu đọc sách, nghe nhạc cổ điển, trồng hoa, trồng rau.

 

Hơn hai mươi năm về trước, Marcel, chồng Anne, qua đời và bà ở vậy nuôi bốn đứa con khôn lớn.  Người thân thích còn lại của Anne là cha già, mà mọi người đều gọi là Grandpère, và bà em gái Arlette.  Cha Anne đã chín tư, lưng còng nặng, nhưng trí óc minh mẫn, ăn được ngủ kỹ, làm việc nhà việc vườn như thường.  Anne nhắc cha hoài là phải cố hết sức thẳng lưng lên:  ông già sún mấy cái răng cửa chỉ "phì" một tiếng lớn, văng cả nước miếng, ý bảo rằng "kệ tao".

 

Mỗi lần ông cu. "phì" một tiếng như vậy, Arlette lại rú lên cười, ra cái điều hưởng ứng.   Arlette là em ruột của Anne, nhỏ thua hai tuổi.  Sanh ra, Arlette đã là một đứa trẻ oặt èo.  Lớn lên, càng ngày càng dị dạng.  Tệ hại hơn nữa, cô gái ngớ ngẩn nặng.  Bà mẹ mất, Arlette đã ba mươi, cô còn thảm thương hơn.  Ở cái tuổi đàn bà con gái nẩy nở chin muồi như đoá hoa mãn khai, Arlette chỉ là một “con bé” già cỗi.  Thấp lùn, gầy gò, mắt lé, miệng hô.  Người từ tâm cách mấy cũng phải nghĩ rằng cô cực kỳ xấu xí, đần độn.

 

Bây giờ đây, đã là một bà già trên sáu mươi, suốt ngày Arlette lệt bệt đi theo cha như một con chó què.  Những lúc bận rộn thì thôi, chứ có khi rỗi tay nhìn cha lủi thủi đâu đó, và cô em bám theo sau, lưng cũng đã gù gù như thể bắt chước cho giống cha, lòng Anne tê điếng.

 

Mùa đông này, sức khoẻ Anne xuống dốc trông thấy.  Cảm cúm liên miên.  Đau nhức các khớp xương.  Trúng một luồng courant d’air  là rùng mình, nổi da gà, bịnh dăm bữa!  Anne chán nản hết sức.  Những lúc buồn bã nhất, bà trốn vào âm nhạc.  Bà chất thêm củi vào cheminée, đốt lửa cháy thật lớn, khoác thêm chiếc áo len dày, rồi ngồi ngả lưng xuống cái ghế dài bọc da đen, để mặc cho tiếng nhạc đưa mình đi thật xa … Những chiều đông u ám lạnh lẽo. Anne thường ngồi một mình như vậy, lắng nghe tiếng vĩ cầm vừa thôi thúc quấn qúit, vừa quằn quại nức nở của bản đại-hoà-tấu số một của Brahms.  Trong nỗi quạnh hiu, có khi bà bồi hồi xúc cảm đến độ nước mắt ứa ra, ứa ra, lăn xuống má, thấm vào môi.

 

 

Hơn hai mươi năm về trước, Marcel “bỏ” bà ra đi khi đứa con gái đầu mới  mười lăm và thằng út mới  chín tuổi.  Ở Paris, được tin dữ, Anne xách một va-li nhỏ, nhảy lên chuyến xe lửa tốc hành sớm nhất.  Đến Lyon, bà đổi tàu, đi Chambéry, thủ phủ xứ Savoie băng tuyết.  Catherine, bạn thân thời con gái, đón Anne ở nhà ga, đi thẳng đến bệnh viện.  Thi hài Marcel đã được chở về nhà xác từ trung tâm thể thao mùa đông Chamonix ở chân núi Alpes.

 

Khi người ta vén tấm “ra” phủ mặt Marcel cho Anne nhận diện, bà cúi đầu lặng lẽ một hồi lâu, rồi khom lưng xuống hôn lên môi chồng.  Bà nghe trong lòng một tiếng kêu thất thanh :  Oh!  Marcel !  Catherine ôm lấy bạn.  Hai người đứng yên, rồi cùng bước ra khỏi căn phòng lạnh.  Marcel, Marcel, mới bốn lăm, đầy can đảm, đầy sức sống.  Marcel đã chết.  Marcel không còn nữa.

 

Catherine nói, may là bà không đi.  Anne ngước nhìn bạn.  Catherine vội vã chống chế, ý tôi muốn nói may là bà không đi nên lũ nhóc còn có bà, thế là may.  Anne gật đầu.  Mùa Giáng sinh, xuống vùng núi Alpes đi tuyết, leo núi, là nỗi đam mê lớn nhất của Marcel.  Bà vẫn thường đi cùng chồng và các con.  Năm đó, bà thoái thác.  Marcel, anh đi đi.  Đi chơi cho khuây khoả, anh làm việc cực nhọc suốt năm.  Em ở nhà với mấy con.  Tụi nó bây giờ bạn bè đùm đề, đâu có muốn đi chơi với cha mẹ nữa.  Anh yên tâm, cứ đi đi.

Đến Chamonix, Marcel có gọi điện thoại về Paris.  Chỉ ba ngày sau, Anne lạnh cả người khi nghe tin có avalanche  khủng khiếp vùng Marcel leo núi.  Rồi chính vợ chồng Catherine gọi điện thoại cho bà biết giới chức trách đã liên lạc được với họ.  Các bác sĩ đảm trách việc khám nghiệm phác giác Marcel không chết vì ngập tuyết, đuối sức, ngạt thở như hai bạn đồng hành.  Marcel chết vì bị đứng tim.  Họ đồng ý với nhau và cả quyết rằng Marcel đã qua một cơn nhồi máu cơ tim kịch liệt trước khi bị chôn vùi dưới mấy tấn tuyết băng.

 

Anne ở lại Chambéry một đêm với Catherine.  Hôm sau, hai người bạn gái lái xe riêng đi theo xe nhà táng chở linh cửu về tận Auch, quê hương Marcel.  Họ ở lại mấy hôm lo mọi việc.  Rồi Catherine trở lại Chambéry, và Anne lấy xe lửa quay về Paris.  Khi bà bước ra khỏi nhà ga Montparnasse ở thủ đô thì cả một bầu trời tuyết đổ xuống tơi bời.  Đứng đợi tắc-xi, Anne lại nghe tiếng kêu thất thanh vang lên từ một nơi mịt mù:  Marcel!  Oh!  Marcel!  Cái cảm giác tê cứng lạnh ngắt của môi người chết vẫn còn y nguyên trên môi bà.

 

 

II

Cái cảm giác ấy còn y nguyên cho đến bây giờ.  Hôm nay là ngày kỷ niệm hăm hai năm Marcel qua đời.  Bốn đứa con tản mác khắp nơi : đứa đã chồng con, đứa mới có vợ, thằng út Philippe qua đâu tận bên Việt Nam quay cái phim gì đó.  Chúng nó có đời sống riêng.  Chúng thương yêu ông ngoại và mẹ, nhưng cuộc sống này, có gần thì có xa, không thể khác được.  Và tôi  ngồi đây một mình.

 

Không, không hẳn một mình.  Sáng nay tôi ăn sáng với Grandpère.  Arlette đã dậy sớm, lang thang đâu đó trong khu đất nhà mênh mông.  Ông cụ chín mươi mấy tuổi mà còn bon appétit  dữ.  Sáng bảnh mắt, cụ làm một mạch hết cả ổ bánh mì baguette, ăn với jambon du pays, bơ và mứt mận.  Uống hết hai tô cà- phê sữa.  Rồi quày quả rời bàn ăn, chụp cái mũ dạ rách lên đầu, bước ra sân, đi về phía nhà kho.  Lui cui suốt ngày ở đó.  Cho tới khi năm lần bảy lượt tôi ra năn nỉ, cụ mới chịu ngừng tay vào ăn trưa.  Aên trưa xong chẳng nghỉ ngơi gì cả lại ra nhà kho.  Lúc nào cũng có việc.  Ở đó, cụ có đủ cả kềm búa, đinh ốc, và một vạn thứ gì khác tôi không biết tên.

 

 

Ngày xưa, Thế chiến Thứ Nhất, cha tôi bị động viên, đánh nhau với Đức, bị bắt làm tù binh.  Hết chiến tranh được giải ngũ, về quê, đi học ra làm giáo viên trường làng.  Lấy vợ, bỏ dạy học, xoay ra trồng nho làm rượu, rượu vang, rượu Armagnac.  Đến tuổi bát tuần, con cháu nài nỉ van xin lắm mới chịu bước chân lần đầu tiên và lần duy nhất lên máy bay đến xem cái thủ đô Paris “kinh thành ánh sáng của chúng mày” là cái quái gì.  Một bộ complet  duy nhất trong tủ màu xám đậm, gris de charbon, cưới, hỏi, ma, nhà thờ, rửa tội, quanh năm vẫn một bộ ấy.

 

  Coi như Granpère rất bằng lòng về mình.  Bằng lòng về cái cà-vạt xanh nhạt con Antoinette, cháu ngoại lớn nhất, tặng cụ một Giáng sinh xa xưa.  Bằng lòng về cái tính thích ăn chắc mặc bền của mình.  Bằng lòng với cái kềm, cái búa, cái rìu, con dao bỏ túi của mình.  Chính thức đến tuổi hưu trí mấy chục năm rồi mà ông cụ sáng sáng vẫn dậy sớm, để suốt ngày làm việc.  Mùa ấm thì ra đồng nho tỉa cành, bứt lá, cắt rễ thừa, vun gốc.  Mùa lạnh thì lục đục ở nhà kho, đóng cái này, sửa cái nọ.  Granpère trên chín mươi rồi mà làm cái gì, nhỏ nhặt bao nhiêu, cũng làm một cách thấu đáo, điệu nghệ.  Cụ thường chê bọn trẻ bây giờ “vặn mỗi con ốc mà vặn cũng không ra hồn.”  Cụ bị trách là lẩm cẩm, khó tính, khắc nghiệt.  Cụ chỉ cười.

 

Cụ chỉ dễ dãi với một người: Arlette.  Suốt ngày Grandpère ở đâu là có Arlette lệt bệt, lủi thủi bám theo.  Có khi ông cụ sai bảo đi lấy cái này cái kia, và Arlette làm đúng theo lời cha.  Hai cụ con hiểu nhau.  Họ có một thứ ngôn ngữ riêng.  Chỉ ậm ừ, ậm à, oh, ah, mà hiểu nhau ra phết.  Bao nhiêu năm trời tôi nhìn cha tôi lầm lũi đi, đầu cúi xuống đất, lưng còng chín chục độ, hai chân kéo lê những bước nhỏ sát đất, với bà em xấu xí ngơ ngẩn bám theo sau như một bóng đen kỳ quái, mà vừa thương xót vừa khâm phục.  Thêm vài ba năm nữà đúng một thế kỷ tuổi đời, Granpère là một cây cổ thụ trăm năm mưa nắng bão bùng, gốc rễ đã lung lay, thân cành đã khô khốc.  Nhưng cây chêne  già vẫn điềm nhiên trơ gan cùng đất trời.

Từ ngày Marcel mất, ngoài chuyện về quê mỗi mùa hè, tôi còn rời Paris xuôi Nam với cha tôi và Arlette vào những ngày cuối năm, cận lễ Giáng sinh và năm mới.  Làng tôi, Courrensan, gần thị trấn nhỏ Gondrin, chỉ cách Auch, quê Marcel, chừng ba mươi cây số.  Nội ngoại bên Marcel chẳng còn ai.  Có mấy anh chị em, ruột có, họ có, người chết, kẻ đi xa.  Ngôi nhà cha mẹ Marcel để lại không ai ở, đóng cửa suốt năm.  Tôi vẫn mướn người trong vùng thỉnh thoảng đến coi chừng, cắt bớt cây cỏ khi cần.  Ngôi nhà thơ ấu nơi Marcel sinh ra và lớn lên.  Nơi Marcel đã cầm tay tôi lần đầu tiên.  Nơi chúng tôi đã cho nhau nụ hôn đầu.

 Trời ơi, đã chín rưỡi rồi sao !  Tôi phải đi ra nhà ga ngay.  Đi đón Pierre.  Ôi, Pierre !  Pierre T. mà tôi đã yêu mê mệt trước khi về làm vợ Marcel.

 

 

 

III

  

Bốn mươi năm về trước, có ngưới mách, tôi nạp đơn xin một chân dạy Vạn Vật ở trường Trung học thành phố nhỏ Chantilly, thủ đô công nghệ làm đồ ren (dentelles)  lừng danh thế giới.  Được nhận, tôi rời quê Nam, ngược Paris rồi từ Paris đi thêm chừng năm mươi cây số nữa đến Chantilly ở hướng Bắc.  Tôi tàn nhẫn bỏ lại Marcel.

 

Suốt thời thơ ấu, rồi trung học ở Auch, đại học ở Toulouse, rồi kẻ đi làm, người đi dạy, Marcel và tôi vẫn gần gũi nhau.  Năm tôi mười sáu tuổi, chính trong ngôi nhà thơ ấu đó, Marcel đã nắm tay tôi, và tôi để yên thật lâu.  Nhưng khi Marcel ghé sát mặt tôi, tôi nghe cả hơi thở của anh, thì tôi vùng bỏ chạy ra khỏi nhà.  Tuy nhiên, một lần khác, tôi hăm mốt hăm hai gì đó, Marcel ôm tôi, hôn tôi, mà tôi lại để yên.  Marcel luồn tay vào dưới váy, vuốt ve tôi, tôi vẫn để yên.  Rồi một hôm mẹ tôi cho biết bên cha mẹ Marcel có ý hỏi tôi cho anh.  Tôi không trả lời dứt khoát.  Tôi chỉ khóc.  Sau đó, tôi kiếm mọi cách xa lánh anh, lạnh nhạt với anh.  Tôi biết thế là làm anh khổ sở vô cùng.  Rồi khi kiếm được chân dạy học ở Chantilly, tôi bỏ quê hương ra đi.  Tôi chỉ biết rằng tôi không thể lấy Marcel làm chồng.

 

Và chính ở Chantilly, tôi gặp Pierre T.  Trường trung học tỉnh lẻ có tiếng xuất sắc.  Mà xuất sắc nhất là ngôi sao sáng bên “Les Littéraires.”  Chúng tôi bên “Les Scientifiques,” những giáo sư trẻ bên các môn Toán, Lý, Hoá, Vạn Vật biết thân phận của mình lắm !  Kẻ đồng nghiệp đàn anh trí thức, giáo sư Pháp văn Pierre T. là vị prince charmant  của trường, của cả tỉnh !  Người cao, mảnh, phong thái ung dung, cao điệu.  Mái tóc hoàng kim bồng bềnh quanh đầu như một hào quang.  Đôi mắt xanh lơ, vừa mộng mơ vừa nghiêm nghị, vừa đam mê vừa khắc nghiệt.  Môi cười một bên, cười không hở răng.  Hai bàn tay thanh tú, uyển chuyển.  Và những chiếc áo vét giết người !  Aùo nhung đen, mịn mướt, nút xà cừ lóng lánh.  Aùo tweed lấm tấm ngũ sắc, nút da, thô sô một cách cầu kỳ.  Những chiếc áo sơ-mi màu ngà, màu xám ngọc trai.  Những chiếc cà-vạt lụa.  Vàng, đốm đen.  Tím, sọc chéo xanh chai.  Và cái giọng đọc thơ, bình văn, cái giọng của một déclamateur  thứ thiệt.  Văn Flaubert hơi dài mà chữ gọn.  Thơ Baudelaire ác liệt, điên rồ.  Tôi mê Pierre quên trời quên đất.

 

Tôi yêu, tôi mê, tôi say đắm Pierre, và tôi quên Marcel.  Marcel người thấp, có bề ngang, tóc húi “cua.”  Marcel thông minh, tháo vát, chu đáo, bao dung.  Marcel đóng bộ chúa nhật, endimanché, serge bleu marine cố hữu.  Marcel đỗ đầu kỹ sư đại học Toulouse mà vẫn còn y nguyên cái bản chất “ nhà quê”â của mình.  Con gái tỉnh lẻ như tôi mà cũng thấy vậy.  Có lần chơi trò "điểm danh," tôi vọt miệng kêu lên : "Marcel, Le Paysan!" mà Marcel không giận, chỉ nhìn tôi cười hiền lành.

 

Hôm đó, tôi ghét tôi quá trời.

 

Và sau đó, ở Chantilly, thì tôi yêu Pierre quá trời !

        

Pierre dắt tôi đi chơi khắp nơi.  Lâu đài cổ kính ở tỉnh Loire.  Rừng thu rực rỡ ở Compiègne lịch sử.  Các quán “ nghệ sĩ” khu Montmartre, các quán “hiện sinh” khu Montparnasse, Paris.  Những hầm có nhạc “jazz” xóm Saint-Germain-des- Prés.  Pierre đem tôi đến cả hộp đêm La Rose Noire ở đại lộ Saint-Germain để gặp Juliette Greco, tiếng ca đang lên, trước cả Brassens, trước cả Brel.  Với Pierre, đời không có chuyện thắc mắc áo mặc cơm ăn nhà ở.  Đời chỉ có nhạc, có thơ, có hoạ …  Thơ Baudelaire, Rimbeau … nhạc Bach, Brahms … hoạ Manet, Cézane … điêu khắc Rodin, Maillol … Còn văn, “nghề” của chàng, môn chàng vẫn dạy, vẫn Flaubert !  Cực đoan như vậy mà có lần Pierre bắt tôi đọc cuốn Sparkenbroke của ông nhà văn Aêng-lê Charles Morgan.  Rồi nói cho tôi nghe chân lý của Sparkenbroke (tức là chân lý của Pierre) : L’ART, L’AMOUR, LA MORT !  Nghệ Thuật, Tình Yêu, Cái Chết !  Nghệ thuật?  Pierre là cái gì nếu không phải là Nghệ Thuật, viết với chữ hoa.  Pierre là Nghệ Thuật hiện thân.  Tình Yêu ?  Pierre là Tình Yêu biết đi, biết đứng, biết ngồi, và nhất là biết nằm.  Trong khách sạn.  Trong chung cư.  Trong công viên.  Trên bãi biển.  Pierre đoan chắc với tôi, nhắc nhở tôi: “Chỉ còn cái chết thôi, em biết không ?”  Tôi không biết, nhưng vẫn gật đầu : “Đúng vậy, anh yêu!  Đúng vậy,tuyệt đối đúng!  Chỉ còn Cái Chết  mà thôi, anh ơi !”  Cứ như thế, Pierre dìu tôi, kéo tôi, đẩy tôi bay lên thiên đàng.

 

Rồi đùng một cái, Pierre nhận tôi chìm xuống địa ngục.  Chỉ còn Cái Chết, đúng thế.  Khi tôi phát giác ra sự thật.  Sự thật trần trụi, nham nhở.  Pierre đâu có yêu tôi.  Sự thật là Pierre yêu con Helga.  Cái con thư ký lai Thuỵ điển trên văn phòng cụ hiệu trưởng.

 

Tôi có chứng cớ.  Tôi hỏi.  Và Pierre thú nhận.  Và tôi cùng Pierre đoạn tuyệt.  Trong đáy lòng, tôi đứt từng khúc ruột.  Tôi hờn ghen đến mức có thể giết người được.  Nhưng dù sao, tôi vẫn là một thứ femme de tête.  Tôi dạy một môn khoa học.  Trong thâm tâm, tôi nghĩ : tôi mà là đàn ông, chưa chắc tôi đã không mê Helga !  Con nhỏ mới mười tám mười chín mà đẹp lộng lẫy quá trời.  Tóc vàng óng, dài phủ lưng.  Mắt lớn, xếch, xanh biếc màu bích ngọc, mi dài đen ướt.  Gò má cao, môi đầy, hơ hớ.  Thân hình thanh thoát con gái mới lớn, mà ngực bự, thật bự.  Hông cao và vun lên, làm cho chiếc eo nhỏ càng nhỏ, và đôi chân dài càng dài, càng thon, càng mướt.  Những chiếc áo ngắn cụt tay, đôi bờ vai thon tròn nà nuột, albâtre cổ điển, ẩn hiện thịt da tươi nõn no đầy giữa nách và ngực.  Những chiếc jupes  bó mông, lắm khi lấp ló dưới lai tí xíu đường ren của váy lót.  Những đôi talons  nhọn hoắt, và những bước chân đong đưa, bờ hông đong đưa, đong đưa chết người.  Chết từ mấy nam giáo sư, mấy ông giám thị, lao công, chết cho đến mấy chú học sinh đệ tam đệ tứ.  Và chết Pierre yêu dấu của tôi.  Pierre của Nghệ Thuật và Tình Yêu.

         

Từ ngày tôi bắt được bộ bikini  trong cặp da của Pierre, thứ bikini  đồ lót đàn bà mỏng dính chứ không phải thứ để mặc tắm, với cái xú-chiêng thật lớn (ai vào đây nữa !?) và chiếc xì-líp nhỏ xíu, bộ bikini  rõ ràng là đã được mặc mà chưa giặt, còn nồng nàn mùi da thịt lẫn với nước hoa, từ ngày tôi bắt được nó cho đến ngày tôi rời bỏ Chantilly, không đầy hai tam cá nguyệt.

         

Pierre hỏi tôi : Anne về quê làm gì dưới đó?  Tôi nói: Về lấy chồng.  Pierre cười : Lấy ai ?  Tôi nghiêm mặt : Lấy Marcel.  Pierre nói, lần này nghiêm trang : Em quyết định phải lắm.  Đến lượt tôi cười : Femme de tête  mà !  Và tôi về quê thật.  Và khi Marcel cầu hôn, tôi nhận lời.

         

Nhiều năm sau, tôi có nghe tin là Helga, chung sống với Pierre một thời gian, đã bỏ đi lấy một anh thương gia giàu sụ.  Còn Pierre thì nghe đâu chán sự đời, chán Chantilly, chán cả Paris, qua Nam Mỹ dạy Pháp văn ở Argentine hay Chilie gì đó.  Còn tôi, tôi sống an bình với Marcel trong mười sáu năm trời.  Marcel yêu tôi với một tình yêu mộc mạc, chân thành, bao dung.  Tôi không yêu, không mê Marcel, nhưng tôi đã làm một người vợ tốt, một người vợ hiền.  Và tôi tin rằng Marcel cũng biết như vậy.  Cho đến ngày anh nằm chết dưới mấy tấn tuyết băng ở chân núi Alpes.

 

 

IV

 

Ngôi nhà đá ong mái ngói âm dương, ngôi nhà thơ ấu của Marcel, toạ lạc lưng chừng sườn đồi nhiều tùng và phong.  Tường đá bồi vôi nhiều chỗ lở lói:  nắng mưa, rêu mốc, cây leo cùng nhau vẽ nên những hình thù quái dị.  Chiếc xe du lịch cũ kỹ màu xanh mước biển chậm chạp leo lên đồi.  Bánh xe tung đá vụn rào rào, bụi trắng bốc lên như khói.  Xe chạy đến cây mận già cạnh nhà thì dừng lại.  Hai người mở cửa bước ra.  Một người là Anne.  Người kia, gầy, cao, tóc bạc phơ.  Người đàn ông tóc trắng bồng bềnh nắm lấy cánh tay Anne, gần ở cùi chõ, và hai người bước dọc theo dãy tường đá thấp dẫn đến cửa chính.  Anne cúi xuống tìm tòi trong xắc tay.  Bà lôi ra một chiếc chìa khoá lớn và tra vào ổ khoá, vặn qua vặn lại một cách khó khăn.  Người đàn ông tóc bạc định giúp một tay thì cánh cửa được mở ra.  Hai người bước vô nhà. 

 

Không ngờ gặp lại Pierre, Anne đã bình tĩnh đến như vậy.  Được thư Pierre sau mấy chục năm, bà ngẩn ngơ bấn loạn nhiều ngày.  Pierre viết, tình cờ được biết Anne đã về hưu, và vẫn về thăm quê Nam, ông xin phép được ghé qua trên đường từ Marseille lên Paris.  Anne đã định lờ đi, không hồi âm.  Nhưng khi Pierre điện thoại cho bà, thì đứa con gái tỉnh lẻ xứ Aquitaine trong Anne vùng dậy.  Đến thì đến, sợ gì !

Đoàn tàu hụ còi rồi chạy chậm dần.  Anne ngây ngất bàng hoàng tưởng chừng không đứng vững.  Vậy mà khi Pierre hiện ra ở khung cửa toa xe lửa, tim bà bỗng đập chậm lại.  Anne bắt được sự ngạc nhiên trước lòng bình thản của mình.  Và khi Pierre bước xuống mấy cấp sắt, đảo mắt nhìn quanh, tìm được Anne trong đám đông, tiến nhanh đến bà, một tay xách xắc, một tay dang cao, thì bà hoàn toàn lấy lại được quân bình.  Pierre !  Ông già bảy mươi !  Vẫn đôi mắt đam mê và cương quyết ấy, vẫn nụ cười nửa miệng chế diễu mà âu yếm ấy.  Đôi mắt  nụ cười một thời đã mê hoặc Anne không thôi.  Nhưng bà chỉ thấy trong lòng dâng lên một niềm thương cảm ngỡ ngàng.  Thương cảm ngỡ ngàng vì ngoài những nét cá biệt cố hữu, Anne thấy được ngay ở người đàn ông tóc bạc phất phơ một cái dáng tiều tuỵ, một cái vẻ đơn chiếc tuyệt nhiên không có trước kia.  Anne gặp lại Pierre như đứa em gái gặp lại người anh bỏ nhà đi hoang lâu ngày, bây giờ mới lần mò trở về, thương tích đầy mình sau bao tháng năm biệt vô âm tín.

 

Anne và Pierre bước những bước chậm rãi, nhẹ nhàng trong căn nhà không người ở.  Tất cả cửa lớn cửa nhỏ đều đóng kín.  Đến mỗi phòng, Anne đều bật đèn lên.  Những căn phòng rộng, trần nhà cao, cùng một màu vàng nâu quá khứ.  Bàn ghế toàn bằng gỗ quý, sồi, mận, nặng nề, xưa cũ.  Trên tường la liệt ảnh lớn, ảnh nhỏ tổ tiên nội ngoại, ông bà, cô chú, trong những chiếc khung chạm trổ vòng vo, thiếp vàng úa mờ.

Hai người dừng lại thật lâu ở phòng ăn.  Bàn lớn, dài, trải khăn trắng; trên bàn mười sáu bộ đĩa lớn, đĩa nhỏ, muỗng, nĩa, dao, ly, tách, khăn tay.  Cũng bởi vì cái bàn ăn bày biện đầy đủ, trang trọng như vậy mà không khí càng thêm im lìm, u uất.  Chỉ có một vùng màu sắc sáng mắt : bức tranh treo bên trên cheminée.  Pierre nói khẽ, như là một khẳng định hơn là một thắc mắc:  Matisse?  Anne gật đầu:  Matisse.  Chiếc áo Lỗ-ma-ni.

 

Hai người đứng yên lặng hồi lâu, nhìn bức tranh.  Rồi Anne tắt đèn.  Nhưng họ không quay lưng đi  ngay.  Họ vẫn đứng yên nhìn bưcù tranh.  Đứng yên ở ngưỡng cửa căn phòng rộng lớn nhưng tối tăm lạnh lẽo.  Bàn ăn dọn đủ cho mười sáu thực khách, nhưng năm này qua năm khác chẳng có ai đến ngồi ở những chiếc ghế bọc gấm này, chẳng có ai đến dọn thức ăn nóng cho vào những đĩa sứ Limoges cổ kính này.  Aùnh chiều lãng đãng trôi qua khung cửa sổ cao mờ đục không còn đủ để thấy rõ gì nữa.  Chỉ có người đàn bà mặc chiếc sơ-mi trắng tay phồng trên tường là sáng lên như một đoá hoa vĩ đại.  Sáng rực lên như một ngọn lửa trong chốn thâm u.

 

Bức tranh đó, thật ra là bản in phóng ảnh của hoạ phẩm nguyên bản, Anne đã mua có mấy chục quan ở Paris trong một chuyến du ngoạn trên bờ sông Seine mấy chục năm về trước.  Giáng sinh năm đó, Anne về quê, đem theo để làm quà Noel.  Thời gian ấy Anne yêu Pierre đắm say ở miền Paris “Văn Vật.”  Còn Marcel an phận tại miền Nam quê mùa, sớm đi chiều về, cuộc đời anh kỹ sư độc thân tỉnh lẻ.  Cố gắng lắm mà Marcel vẫn không tỏ được vẻ hân hoan có món quà ưng ý.  Anne hỏi: Thích không, Marcel?  Marcel nói: Thích chứ, nhưng… Anne: Nhưng sao, Marcel?  Và Marcel cười giả lả:  Không nhưng sao cả, Anne.  Matisse, mà không thích sao được!

 

Anne đứng dậy, đến tựa ở cửa sổ, nhìn ra ngoài.  Không thích sao được!  Đúng thế, Matisse mà không thích sao được!  Làm Anne giận cành hông.  Bây giờ dây, Marcel đã chết.  Và Pierre là một ông lão đi lẻ về loi một mình.  Còn Anne là một quả phụ tuổi cao sức yếu, càng ngày càng thấy bơ vơ.  Chỉ còn bức tranh Matisse.  Chiếc áo Lỗ- ma- ni, dù chỉ là một bản in lại, sáng rực lên như một đoá hoa vĩ đại.  Như một ngọn lửa cháy đêm cháy ngày, trong căn nhà cổ kính thâm u, không người ở.  Chính tay Anne đã cho bức tranh ấy vào khung, và treo lên tường sau khi chồng qua đời.

 

 

V

 

Khi tôi về đến làng nhà Courrensan, quẹo xe vào con đường rải sỏi thì trời đã chạng vạng.  Từ Auch, rời căn nhà thơ ấu của Marcel, tôi đã lái xe đưa Pierre thẳng đến nhà ga Gondrin để lấy tàu đi Bordeaux và từ đó lấy TGV về Paris.  Từ Auch đến Gondrin, dễ đến bốn lăm cây số mà chúng tôi không nói một lời.  Tôi biết rằng, cũng như tôi, Pierre đang còn  quẩn quanh trong vòng vây bủa của hoạ phẩm Matisse sáng lên như một phép lạ trong căn phòng vắng lạnh.  Mấy chục năm qua, câu nói lúng túng giả lả của Marcel vậy mà chí lý : “ Matisse mà không thích sao được!"

 

Đi rồi, ngồi trong xe lửa ngược Bắc với tốc độ mấy trăm cây số một giờ, có thể Pierre sẽ thấm thía hơn nỗi lẻ loi của mình, có thể Pierre sẽ thèm thuồng nhớ Helga, nhớ lại cái thời trẻ trung anh yêu đọc lớn thơ Baudelaire và mê điên mê dại cô nàng lai Thuỵ-điển nõn nà quyến rũ không kém Brigitte Bardot cũng cùng một thời.  Biết đâu, nếu không có Helga, anh đã lấy vợ sanh con, viết dăm ba cuốn sách, làm chủ nhân ông một ngôi nhà có mái đỏ, và bông tường vi hồng vươn cao sau cổng gạch ra vào !  Biết đâu, biết đâu.  Thay vì bỏ đi Nam Mỹ mấy chục năm trời để ngày nay trở về quê hương, vợ con chẳng có mà tài sản cũng không.  Ôi, Pierre !  Rồi ta sẽ ngụp chìm trong đêm lạnh.  Vĩnh biệt rồi nắng hạ sớm phôi pha …

 

Dù sao tôi cũng biết ơn, và kính trọng, Pierre, sau khi rời ngôi nhà thơ ấu của Marcel, đã giữ yên lặng cùng tôi.  Tôi biết ơn Pierre đã đến và đã ra đi.  Tự nhiên, thân ái, nghiêm túc.  Biết ơn Pierre vì nếu không có Pierre hôm đó, trên bờ sông Seine, tôi đã lỡ dịp mua tấm tranh in lại hoạ phẩm Matisse.  Tấm tranh sáng lên như một đoá hoa lớn.  Như một ngọn lửa hồng.

 

Xe lên hết dốc, tới vuông sân nhỏ trước ga-ra, tôi tắt máy, tắt đèn.  Định mở cửa bước ra, nhưng tôi ngừng lại vì thấy bóng cha tôi.  Trong ánh hoàng hôn sắp tắt, Grandpère nhỏ choắt lại, lưng còng gập đôi, tay thòng xuống quá gối.  Người lạ đến đây lần đầu trong lúc tối tăm thế này có thể tưởng đó là một thứ dã nhân.  Tôi đưa tay mở cửa xe, rồi cũng lại thôi.  Đang lủi thủi đi, ông cụ bỗng dừng lại, chờ đợi.  Và tôi thấy từ bóng tối, Arlette lết thết tiến lên, một con dã nhân thứ hai, nhỏ bé hơn.  Khi Arlette đến gần, cha tôi đưa một tay ra đặt lên vai con gái.  Rồi hai cha con lủi thủi lệt bệt đi về phía nhà bếp.

 

Trời sập tối.  Phía sau mái nhà đen ngòm, trời còn vương vất một màu chì thê thiết.  Trời ơi !  Hai con mắt tôi nóng hổi.  Chỉ ông cụ chín mươi bốn tuổi này mới thật tình biết nghệ thuật là cái gì, và tình yêu là cái gì.  Và chỉ có cô em bất hạnh của tôi, bà già què quặt ngớ ngẩn xấu xí kia, mới thật là một kẻ vô tội trên đời này.

 

Võ Đình

1992

 

Chú thích

 

Có những từ ngữ, những tập tục, những sự kiện và sự vật có thể xa lạ đối với một số người đọc cư ngụ ngoài nước Pháp.  Những “bị chú” sau đây, vì lý do duy nhất : giúp người đọc thích thú hơn, vì cảm thấy quen thuộc hơn.

 

TGV :  Trains de Grande Vitesse.   Như ở Nhật, tại Pháp hiện nay có thứ xe lửa nối liền các thành phố lớn nhất nước với tốc độ trên hai trăm cây số một giờ.

 

Henry Matisse : Đại danh hoạ pháp (1869-1954)

 

Chiếc áo Lỗ-ma-ni :  “La Chemise Roumaine,” một hoạ phẩm của Matisse (1940).  Nguyên bản ở Bảo tàng viện Mỹ thuật Hiện đại, Paris

 

Femme de tête :  nghĩa đen là “đàn bà có đầu óc,” ý chỉ người đàn bà thông minh, có khả năng suy luận và quyết định

 

Albâtre : đá vôi trắng mịn, văn chương cổ điển Tây phương thường ví da thịt người đàn bà đẹp với thứ đá này

 

Talons : 1/  ngón và móng sắc các loại chim ưng  2/  gót giày.  Thường dùng chỉ giày cao gót đàn bà

Endimanché :  theo phong tục Anh-Mỹ, cuối tuần ở nhà, người ta ăn mặc xuề xoà thoải mái.  Ngược lại, dân Nam Aâu (Pháp, Ý, Tây-ban-nha … ) ngày chúa nhật – Dimanche- ưa chưng diện đàng hoàng, mặc “đồ lớn.”  Thời nay, tục này bị coi là xưa, quê

 

Chêne :  cây sồi, gỗ cứng nhất trong các loại cây ở âu châu

 

Avalanche : thiên tai xứ lạnh, vùng núi non, tuyết băng có thể đổ xuống như thác chôn vùi nhà cửa, người vật

 

Cheminée : xây bằng đá hay gạch trong nhà để đốt củi sưởi.  Tiếng Anh là fireplace.  Không phải woodstove (lò đốt củi) hay chimney (ống khói)

 

Courant  d’air :  gió lò

 

Tweed :  hàng len Tô-cách-lan (Scotland) rất được giới sành ăn mặc có “nghệ sĩ tính”  yêu chuộng.  Tweed là tên con sông chảy qua vùng đất sản xuất thứ len cừu thô sơ sần sùi nhưng tuyệt đẹp này

Serge bleu marine :  hàng len thông dụng, bình dân, màu xanh nước biển

 

Déclamateur :  Tây phương cũng có truyền thống đọc văn lớn tiếng và “ngâm thơ.”  Người có giọng tốt, hùng hồn, tha thiết, những diễn viên kịch cổ điển ( Racine, Shakespeare … ) thường là grands  déclamateurs

 

Rồi ta sẽ ngụp chìm trong đêm lạnh … thơ Baudelaire, bài Sonnet d’ Automne trong Les Fleurs du Mal.  VDM dịch