VÕ ĐÌNH

CUỘC ĐỜI và NGHỆ THUẬT

 

Trần thị LaiHồng hoài niệm

 

Quen bao quanh bởi đường nét màu sắc hơi hướm, mà khi bước vào phòng triển lãm, đường nét màu sắc đặc biệt rất Võ Đình vẫn gây xúc cảm mạnh trong tâm linh tôi.  Nhất là dưới những đợt đèn rọi soi rõ từng vệt màu cuồn cuộn quyện vào nhau, vây quanh bởi những khuôn mặt thân thương quen thuộc. 

Nước mắt tuôn mưa nên phải tránh vào góc phòng, đứng trước tranh mực xạ dành cho Linh Giang, vẽ Thạch Lũng một mùa Trung Thu xa xưa … 

Nén tâm tĩnh lặng, tôi tự nhắc nhở mặc như lôi.

 

Thật khó mặc, bởi lôi quá mạnh.

 

 

Cơ may Trương Hồng Sơn và Đinh Cường gọi tìm địa điểm.  Bèn bước ra bãi đậu xe để ra đường lớn.  Thiên nhiên và thiền hành giúp tìm tĩnh mặc.

 

Đại học Cộng đồng quận Frederick tiểu bang Maryland còn mang dấu tàn tạ tiêu điều mùa Đông khắc nghiệt. Nhiều đụn tuyết lẫn lá khô còn ún bên góc bãi. Chim Vàng Anh cánh nâu ngực vàng The Baltimore Oriole/ Icterus galbula ngập ngừng vài giọt nhạc ngỡ ngàng trên cành sồi trụi lá. Cỏ úa khô vàng.  Hoa Cúc Vàng Mắt Đen Black Eyed Susans cằn lạnh.  Nhưng nhiều mầm xanh điểm vàng đang lấm tấm chỗi dậy trên mấy bụi dã mai forsythia.  Một đóa thủy tiên daffodil góc sân nở nụ cười vàng đón chào.  Màu vàng của Võ Đình. 

 

Xuân của Đất Trời bất biến, đang về.  Và chàng, dẫu đã về, đã tới, vẫn lưu lại.  Trong hồi cố hoài niệm.

 

 

 

 

 

 

 

Cuộc triển lãm có tựa đề A retrospective, hồi cố, hoài niệm. Nhỏ thôi. Chỉ 28 tranh, mộc bản, sơn dầu, màu nước, acrylics, tranh minh họa…  gom từ vài bạn hiền, và gia đình, và một số sách minh họa.   Riêng Edward Ramsburg, môn đệ ruột của Võ Đình, chiếm một sưu tập 12 bức lớn nhỏ.

Eddie  nhắc lời Thầy Võ Đình căn dặn trò khi anh chàng triển lãm lần đầu tiên năm 1989: “Hãy nhớ rằng hội họa hài hòa giữa ‘hai thái cực’: tự do/kỷ luật; liều lĩnh/chính xác; uy dũng/dịu dàng.”

 

Eddie nghĩ Thầy dạy anh vẽ.  Nhưng điều anh nhận được lại là con đường mới hướng dẫn cách nhìn. Trò nhắc lời Thầy: Vẽ là một cách luyện tập trong chánh niệm.  Không cần phải là một họa sĩ.  Khi bước đi, hãy nhìn xuống.  Thấy  màu sắc nho nhỏ ẩn hiện trong ngọn cỏ, lá cây, và cát bụi.  Thấy hình tượng trong mọi sự vật.  Sắc màu thiên nhiên chan hòa trong nhau.”

 

Hannah Linh Giang con gái út của Võ Đình và Huệ Liên Helen nói về thân phụ bằng một giọng trìu mến dịu dàng:“Không thể nói đến cha tôi mà không nhắc nhở về việc làm của Người, bởi đối với Người, cuộc đời và nghệ thuật đan kết nhau chặt chẽ.”   Lời Linh Giang,  trong buổi lễ phát tang và hỏa thiêu ngày 6 tháng 6, năm 2009.  Mới đó mà đã 1 năm mười tháng.

Nhớ lại, khi Linh Giang và tôi cùng bấm nút lò hỏa thiêu. Và lần này, khi chúng tôi trìu mến ôm siết nhau trong buổi khai mạc triển lãm, tôi ngậm ngùi nghĩ rằng cuộc đời Võ Đình chan hòa màu sắc, nghệ thuật Võ Đình đầy rẫy đường nét.  Màu sắc dường nét đan kết nhau chặt chẽ, rất riêng, rất Võ Đình.

 

 

 

Cuộc triển lãm do môn đệ ruột Eddie Ramsburg tổ chức, còn tiếp diễn cho đến 30 tháng 3, tại The Mary Condon Hodgson Art Gallery, thuộc Đại học Cộng đồng Frederick, tiểu bang Maryland.  Phòng tranh mở cửa Thứ Hai đến Thứ Năm từ 9:30 sáng đến 9 giờ tối, Thứ Sáu từ 9:30 đến 5:00 chiều, và Thứ Bảy từ 9:30 đến 3:30 chiều.  Riêng buổi chiều khai mạc, trong hai tiếng đồng hồ, đã có ngót một trăm người tham dự, hầu hết là người Mỹ.  Phía đồng hương, có Đinh Cường, Trương Hồng Sơn, Phan Văn Quang và phu nhân, BS Trần Đoàn và phu nhân.  Thấy có ba khuôn mặt Á Đông, tôi quá bận không đến chào hỏi, chỉ nhìn từ xa và thầm cảm tạ trong lòng.

 

Từ thập niên 1960, Võ Đình từng có trên 50 cuộc triển lãm tranh từ Hoa Kỳ sang Canada, Pháp, Phi châu, và Việt Nam.  Chàng còn là một nhà văn với văn phong cũng rất riêng, rất Võ Đình, dịch thuật và minh họa.  Từng cùng được giải Christopher với Helen Huệ Liên với tuyện Tuyết Đầu Mùa/ First Snow, và giải Literature Program Fellowship của National Endowment for the Arts.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Edward Ramsburg năm nay 43 tuổi, là môn đệ ruột của Võ Đình.  Thời gian cư ngụ tại Thạch Lũng Stonevale cũng thuộc quận Frederick, Võ Đình có nhiều môn đệ, nhưng Eddie là một biệt lệ.  Chàng đã kéo Eddie ra khỏi dốc tuột nguy hiểm tuổi trẻ cuối năm trung học, chăm chút chỉ dạy, không những hội họa, mà còn cả cách sống đẹp.  Eddie lập gia đình với Mary Joe, một y tá phụ trách Phòng Cấp Cứu.  Eddie thành công, không những tiếp nối màu sắc đường nét của Thầy, mà còn tiếp nối chuyển đạt giúp đỡ những tài năng tiềm ẩn khác, trong số có cả người mang khuyết tật lòa mà vẽ rất được và cũng thành công.

 

Cuộc triển lãm này là lần thứ hai, do Eddie đảm nhiệm.  Rất chu đáo.  Rất ân nghĩa.  Năm ngoái, vào dịp Giỗ Tiểu tường, Eddie đã có triển lãm hồi cố hoài niệm Võ Đình, và năm nay, tuy hơi sớm, cũng nhằm tưởng niệm Võ Đình vào cuối tháng 5, Giỗ Đại tường.

 

Khi được tin Thầy đang ở giai đoạn cuối cuộc sống, Eddie đã tức tốc bay về thăm, chăm sóc giúp thu xếp việc nhà, và sau đó trở lại chịu tang, đọc điếu văn đầy tình nghĩa thầy trò.

 

Trong thư phân ưu, Mary Jo v của Eddie viết:

 

 

“…Eddie rất hân hạnh được mời lên tiếng trong Tang Lễ, và cả tuần lễ dưới đó sẽ là một kỷ niệm nhớ đời…Eddie và tôi đã học nhiều từ bà và Mai.  Cả một thế giới khác lạ, đã làm cuộc sống hai tôi thêm phong phú. …

Tôi nghĩ với sự chỉ dạy và ảnh hưởng của Thầy, Eddie trở thành một người khác và là một nghệ sĩ.  Eddie hồi đó mới lớn và đi con đường nguy hiểm của tuổi trẻ.  Thầy đã đưa tay ra, chuyển đạt trí tuệ và nghị lực dìu dắt Eddie, hướng dẫn Eddie vào con đường khác tốt đẹp hơn.

Bây giờ Eddie vững bước một mình nhưng không bao giờ quên những điều Thầy chỉ dạy.  Tôi cảm nhận ân đức đó.  Chồng tôi bây giờ là một người tuyệt vời… nhờ ơn Thầy.

 

 

Anh chị Phan Văn Quang, LaiHồng, phía sau là vợ chồng Eddie, anh chị BS Trần Đoàn,

bên cạnh tranh Girl and Rooster, vẽ em gái út Võ thị Nga ôm gà, năm 1967

 

 

Trương Hồng Sơn và Đinh Cường

 

 

 

 

Trần thị LaiHồng

Virgina, đầu Xuân Con Mèo Mới 2001

 

http://www.gio-o.com/TranThiLaiHong.html

 

 

 

 

©gio-o.com 2011